Với khối lượng niêm yết lên tới 400 triệu cổ phiếu, thanh khoản luôn đứng vào hàng nhất nhì trên HNX, cổ phiếu PVX nhanh chóng lọt vào danh sách cổ phiếu được chọn để thực hiện margin. Tuy nhiên, nhiều thông tin công bố trong tuần qua quá bất ngờ cho không ít nhà đầu tư.
Nhiều thông tin xấu
Thứ nhất là tin Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an, vừa khởi tố vụ án cố ý làm sai trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME), thuộc PVX và bắt tạm giam 4 đối tượng bao gồm Bùi Trọng Chinh, nguyên Phó giám đốc, Đinh Bá Lượng, nguyên kế toán trưởng, Phạm Thị Hải Hà, thủ quỹ và Lê Thái Nam, nguyên chỉ huy trưởng công trường Ethanol Phú Thọ công ty PVC-ME, giám đốc Công ty Cổ phần Kết cấu đường ống (gọi tắt là PME1). Các dự án do PVC-ME thực hiện trải dài trên diện rộng từ Bắc, Trung và Nam bộ, cả đất liền và trên biển.
Thông tin thứ hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức đưa bổ sung PVX vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) từ ngày 12/9. Cổ phiếu PVX không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6/2012 bị âm hơn 334 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm gần 468 tỷ đồng tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2012. Trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã loại cổ phiếu PVX ra khỏi danh mục hỗ trợ giao dịch ký quỹ của mình.
Thứ ba là theo báo cáo tài chính, quý 2/2012, PVX đột ngột báo lỗ ròng 544,08 tỷ đồng (riêng công ty mẹ lỗ ròng 260,73 tỷ đồng), trong khi quý 1/2012 vẫn lãi ròng 7,5 tỷ đồng, mặc dù quá thấp với con số lãi ròng năm 2011 lên tới 299,4 tỷ đồng (công ty mẹ lãi ròng 195,97 tỷ đồng).
Sau soát xét, khoản lỗ của công ty mẹ PVX tăng từ 293,01 tỷ đồng lên 498,12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVX còn có các khoản công nợ tiềm tàng lên đến 558 tỷ đồng.
Theo kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2012, PVX còn có các khoản bảo lãnh cho 10 công ty con vay vốn tại 5 ngân hàng đã bị quá hạn tổng cộng lên đến 558 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc PVX phải thanh toán cho các tổ chức cho vay một khoản tiền bằng với giá trị như bảo lãnh cộng với toàn bộ nghĩa vụ phải trả lãi, lãi phạt và nghĩa vụ tài chính khác phát sinh.
Tuy nhiên, PVX đang đàm phán về việc gia hạn trả nợ cũng như thời gian bảo lãnh và chưa trích lập dự phòng trên báo cáo tài chính đối với các khoản bảo lãnh này.
Lỗ lớn do đầu tư tràn lan
“Đại gia” PVX thuộc loại tổng công ty “đẻ” công ty con nhanh kỷ lục. Tại thời điểm 31/12/2010 mới có 10 công ty con và công ty liên kết, đến ngày 14/9/2012 (theo website của tổng công ty), số lượng này tăng vọt lên tới 29 công ty thành viên và 15 công ty liên kết, hầu hết là hoạt động trong ngành bất động sản và xây dựng bình thường (không phải xây dựng chuyên ngành dầu khí) nhưng tất cả mọi cái tên công ty đều được gắn chữ “dầu khí” và hoạt động trải dài từ Bắc tới Nam.
Một trong những nguyên nhân khiến PVX có kết cục ngày hôm nay là do chiến lược đầu tư dàn trải, sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết và các dự án mang lại hiệu quả kém. PVX hiện đang mất cân đối về tài chính, đặc biệt là vốn để đầu tư, sử dụng vốn của các dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2012 của công ty mẹ PVX cho thấy, doanh thu thuần và doanh thu tài chính không đủ bù đắp khoản tăng thêm kếch xù của chi phí tài chính (tới 106,73 tỷ đồng) và chi phí quản lý tăng thêm trên 116 tỷ đồng.
Theo giải trình của PVX, khoản chi phí tài chính tăng vọt sau soát xét là do PVX đã bổ sung trích lập dự phòng cho 5 công ty con (PVC-MT, PVC-Mekong, PVC-ME, PVC-Land và PVC-SG) nửa đầu năm 2012, tổng số tiền lên tới 230,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lại được hoàn nhập 23,9 tỷ đồng.
Nguyên nhân thứ hai là do PVX sa lầy vào bất động sản. Những công ty con của PVX có đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đang gặp khó khăn về tài chính, điển hình là Công ty PVC HN với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, nhưng đã đầu tư vào dự án khu đô thị Nam An Khánh hơn 116 tỷ đồng song hiện vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng.
Đặc biệt, trong các đơn vị thành viên của PVC có tới 3 công ty (PVC ME, PVC Metal và PVC SG) đang hoạt động không hiệu quả, việc chuyển nhượng cổ phần của PVX tại các đơn vị này ở thời điểm hiện nay là rất khó khăn, do đó, 3 công ty này có nguy cơ phá sản, bắt nguồn từ nguyên nhân đầu tư mở rộng sang lĩnh vực bất động sản.
Nguyên nhân thứ ba là Công ty mẹ PVX chỉ làm “đầu nậu” trong thực hiện các dự án. PVX dùng tên tuổi, năng lực tài chính của chính mình để đấu thầu dự án (với vai trò tổng thầu) rồi chuyển toàn bộ hợp đồng cho các công ty con hoặc công ty liên kết.
Do vậy, PVX chỉ hoạt động với vai trò quản lý trung gian, công tác thi công trực tiếp được giao cho các công ty con thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế giữa tổng thầu (PVX) với các nhà thầu phụ là các đơn vị thành viên của PVX với giá trị thấp hơn để thu phí quản lý của các công ty con.
Nguồn thu chủ yếu của PVX từ các khoản chênh lệch giữa giá nhận thầu và giá giao thầu, cổ tức và lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên và công ty liên kết. Do đó, khi các công ty con và liên kết làm ăn “bết bát” thì “đầu nậu” PVX cũng đột ngột sụt giảm mạnh lợi nhuận.
VnEconomy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét