Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Sự Khiêm Nhượng - Từ ngữ Đẹp nhất trong Anh ngữ




Bruna Martinuzzi
 
Nhiều năm trước đây , một vị thầy dạy tôi trên đại học nói rằng "thềm cửa sổ" được cho là danh từ đẹp nhất trong Anh ngữ. Là một nhà ngôn ngữ học tài tử, sự kiện nhỏ nhặt này tất nhiên nằm trong trí nhớ của tôi. Từ ngữ có uy lực to tát. Chúng có thể làm ta cười phá lên hoặc làm nước mắt dâng tràn bờ mi. Từ ngữ có thể gây ảnh hưởng, tạo cảm hứng, khiến ta hoạt động và làm ta chấn động. Từ ngữ có thể xây dựng và có thể phá hủy. Có những từ mang đến những ảnh hưởng khác nhau cho từng người. Một trong những từ ngữ có ảnh hưởng lớn lao như vậy là danh từ "sự khiêm nhượng." Đây là một trong các từ hiếm khi đem cảm giác quân bình đến cho người nghe. Một số người, có tôi trong đó, yêu danh từ này và mọi biểu tượng của nó. Các người khác gần như sợ nó và xem nó đồng nghĩa với sự thiếu tự tin hoặc tính nhút nhát.
Từ điển định nghĩa "sự khiêm nhượng" là sự khiêm tốn, không tự phụ khoe khoang, không tỏ ra rằng mình tài giỏi hơn người khác. Kèm thêm định nghĩa phụ là "Tự đánh giá thấp, hiền lành dễ bảo." Khi đọc quyển sách "Từ Giỏi Đến Tuyệt: Tại Sao Vài Công Ty Có Tiến Bộ Nhảy Vọt ... mà Các Công Ty Khác Không Thể" của Jim Collins, là lần đầu tiên tôi nghĩ đến danh từ "sự khiêm nhượng" trong phạm vi khả năng lãnh đạo. Trong quyển sách này, Collins nghiên cứu các công ty đã nhẩy vọt từ giỏi đến tuyệt qua sự duy trì được trong suốt 15 năm số lời [tính trên chỉ số chứng khoán] bằng với giá của thị trường, và sau giai đoạn chuyển tiếp đã mang lại lợi tức cao gấp ba lần giá thị trường chứng khoán trong vòng 15 năm kế tiếp.[1]
Những công ty này có đặc điểm khác biệt với các công ty khác ở chỗ họ có người lãnh đạo ở bậc thứ 5.[2] Các vị lãnh đạo này hướng cái tôi trong họ về mục đích dẫn dắt công ty phát triển ở tầm vóc vĩ đại, là những người có bản chất phức tạp mâu thuẫn, trộn lẫn giữa ý chí chuyên nghiệp mãnh liệt và sự nhún nhường tột độ. Họ tạo nên kết quả tuyệt vời nhưng lại tránh xa sự nịnh bợ tâng bốc, và không bao giờ thích khoe khoang. Người ta miêu tả họ là người khiêm tốn. David Packard, người đồng sáng lập công ty Hewlett-Packard, là điển hình cho cấp bậc lãnh đạo này; theo lời Jim Collins, Packard tự coi mình trước tiên là nhân viên hãng HP, rồi thứ nhì mới là Chủ Tịch. Ông là người của quần chúng, quản lý công ty bằng cách đi quanh quan sát. Xa lánh tất cả mọi hình thức nhận tán thưởng trước công chúng, ông Packard từng nói: "Không nên hả hê về những gì bạn đã làm được, hãy tiếp tục và kiếm chuyện khác tốt hơn mà làm."
Một vị lãnh đạo tuyệt vời khác là Patrick Daniel, Chủ Tịch Công ty Enbridge, một công ty về năng lượng và vận chuyển dầu hỏa tại Bắc Mỹ. Ông hội tụ hai cá tính lãnh đạo: sự quyết tâm tạo nên thành tích và sự khiêm nhượng, ông luôn tuyên dương sự đóng góp của người khác và không khi nào đặt mình làm trọng điểm. Ông từng nói, "Tôi học hỏi từ lối sống của các bậc lãnh đạo cao cả. Sự vĩ đại xuất phát từ tính khiêm nhượng và hành vi khiêm tốn."
Đối với những vị lãnh đạo này, cũng như với nhiều người khác tương tự như họ, khiêm nhượng rõ ràng không có nghĩa là hiền lành dễ sai khiến. Ngược lại, đó chính là sức mạnh của họ. Thế nhưng, trong nền văn hóa ganh đua của chúng ta, ta phải tranh đấu vất vả với ý niệm làm người khiêm tốn, vì hễ có dịp là ắt phải khua kèn đánh trống ca tụng chính mình, và ta không dám đi ra khỏi nhà nếu chưa chuẩn bị cho ngon lành bản quảng cáo về mình trong vòng một, hai phút.[3]
Chúng ta thường lầm lẫn giữa tính khiêm nhượng và tính rụt rè nhút nhát. Khiêm nhượng không có nghĩa là tự hạ mình hay tự chê bai. Khiêm nhượng có nghĩa là duy trì niềm tự hào về bản thân, về thành tích, về giá trị của mình - nhưng không hề kiêu căng - khiêm nhượng là đối nghịch của ngạo mạn; kiêu hãnh quá lố thường làm cho nhiều người lãnh đạo đi chệch đường rày, giống như tình trạng của những vị anh hùng bi tráng trong những tuồng cổ Hy lạp thường phạm phải. Khiêm nhượng tức là tự tin trong im lặng, không cần phải phô bày cái hào nhoáng bên ngoài. Đó là sẵn sàng để người khác khám phá những lớp lớp tài năng của mình mà chẳng cần mình khoe khoang về chúng. Đó là không kiêu ngạo, chứ không phải thiếu quả quyết khi theo đuổi mục đích.
Có một sự đối lập thú vị như sau: thường thường, một người càng thăng tiến, càng nhiều thành tựu, thì người ấy càng có chỉ số khiêm nhượng cao. Người đạt nhiều thành tích nhất là người ít khoe khoang nhất, và lòng tự tin của họ càng cao, thì họ càng khiêm tốn. "Giá trị thật sự, giống như một dòng sông, càng sâu, thì càng chảy êm đềm" (Edward Frederick Halifax). Tất cả chúng ta đều đã gặp và ngưỡng mộ những người như vậy,.
Tại sở làm, chúng ta cũng có những đồng nghiệp có khả năng, làm việc tích cực và khiêm tốn, họ không mời mọc sự chú ý của người khác. Hãy xem người nhân viên ở lại sở trễ để làm xong việc, hoàn toàn vì anh có tinh thần trách nhiệm cao, người thư ký ngồi lại một mình trong phòng làm việc, sau 5g30 chiều thứ Sáu, để chờ người giao hàng, hoặc người quản lý gác lại cuộc hẹn riêng tư để đáp chuyến bay đi công tác. Các hành động trên cũng tương tự như việc làm của một nhà từ thiện ẩn danh.
Lòng Khiêm nhượng cũng là một đại đức tính. Đức tính này liên hệ với nhiều nguyên tắc đạo đức. Thí dụ, ta có thể yên tâm tuyên bố rằng không thể có sự chân thật nếu không có tính khiêm nhượng. Tại sao? Bởi vì, chắc chắn sẽ có lúc chính người lãnh đạo cũng không thể giải quyết được một vấn đề nào đó. Phải có đức tính khiêm nhượng mới có thể thú nhận điều mình không biết và hỏi ý kiến người khác.
Phong cách cư xử là một đặc điểm khác của người lãnh đạo khiêm nhượng. Những người lãnh đạo này đối xử với mọi người một cách kính trọng, bất kể địa vị và chức vụ của đối tượng. Nhiều năm trước, tôi đọc được thành ngữ này: Đức độ của người quân tử được thể hiện ở cách họ đối xử với những người chẳng mang lại lợi ích gì cho họ.
Nhiều chuyện lý thú xảy ra khi ta đặt mình vào cuộc với cái nhìn khiêm nhượng: nhiều cơ hội mới chào đón khi ta chọn cái nhìn phóng khoáng và hiếu kỳ thay vì cố chấp bảo thủ với ý kiến của mình. Ta dừng lại lâu hơn trong khoảng không gian kỳ diệu của kẻ mới vào nghề, với cái tâm rộng mở để tiếp nhận những gì người khác cho ta. Ta chuyển từ đẩy ra sang thu vào, từ bấp bênh sang vững chắc, từ mưu cầu sự chuẩn nhận sang tìm kiếm sự giác ngộ. Ta quên đi việc cố gắng trở thành hoàn hảo và hân hoan sống trong hiện tại.
Đây là vài cách luyện tập tính khiêm nhượng:
1. Nhiều lúc, trong cuộc tranh luận phân chia thắng bại, dằn tự ái của mình xuống quả là điều rất khó, và mọi ý niệm khiêm nhượng tan biến. Khi đối mặt với trường hợp không có lợi cho bản thân như vậy, bạn hãy tìm cách nào nhằm tránh xảy ra hành động làm bạn mất đi phong cách của mình. Hãy thử ngưng nói và để mọi sự chú ý dồn về phía đối phương. Đây là một cách làm tâm trí ta thoải mái lại.
2. Ba chữ nhiệm màu sau đây sẽ mang lại nhiều yên tĩnh cho đầu óc hơn cả là đi tĩnh tâm một tuần tại khu nghỉ mát đắt tiền: "Bạn nói đúng."
3. Để ý xem bạn có vô tình lên giọng giảng dạy hoặc cho ý kiến trong khi người đối diện chưa cho phép - bạn đã thiếu tế nhị và ép người ta theo lối suy nghĩ của bạn chăng? Phải chăng bạn sửa sai người khác vì chính bạn cần tự xét lại mình?
4. Luôn hỏi ý kiến người khác về sự tiến triển của bạn trong lãnh vực lãnh đạo. Hãy hỏi "anh hay chị thấy tôi làm việc thế nào?" Cần có tính khiêm nhượng để đặt câu hỏi này. Và càng cần khiêm nhượng để lắng nghe câu trả lời.
5. Hãy khuyến khích mọi người trong sở làm luyện tập hành động khiêm nhượng bằng cách làm gương cho họ: mỗi lần bạn chia sẻ với người khác lời khen khi thành công vẻ vang, bạn củng cố thêm cái văn hóa tổ chức của công ty của bạn. Hãy nghĩ đến việc đào tạo khả năng lãnh đạo này cho các tài năng mới.
 
Việc luyện tập đức tính khiêm nhượng, lòng tự tại chân thật, mang lại nhiều bổ ích: giúp việc kết tình thân giữa mọi người, không kể thứ bậc, giảm đi sự hoang mang, khuyến khích mọi người cởi mở và điều này, lạ thay lại nâng cao lòng tự tin. Khiêm nhượng giúp ta mở cánh cửa sổ hướng tới tâm hồn cao thượng hơn. Đối với tôi, danh từ "sự khiêm nhượng" là danh từ đẹp nhất trong Anh ngữ, thế chỗ cho danh từ "thềm cửa sổ".
© Học Viện Công Dân 2010
Bài này được trích từ cuốn sách "The Leader as a Mensch: Become the Kind of Person Others want to Follow" của Bruna Martinuzzi. Bruna là một nhà giáo dục, tác giả, diễn giả và người sáng lập Công ty Clarion Enterprise Ltd, một công ty tư vấn và huấn luyện về sự thông minh cảm xúc, lãnh đạo, Myers-Briggs, và huấn luyện những kỹ năng về thuyết trình.
Nguồn: http://www.mindtools.com/pages/article/newLDR_69.htm

[1] Lợi nhuận tính bằng số thu hoạch từ chứng khoán (stock return) = tổng số tiền lời của toàn thể cổ đông. Một công ty có thể có lời (tính bằng tiền), nhưng trị giá chứng khoán của công ty đó có thể bị suy giảm
[2] Jim Collins xếp hạng khả năng lãnh đạo theo năm bậc từ 1 tới 5. Bậc 1 là những cá nhân có khả năng cao; bậc 2 là những cá nhân có khả năng cao cộng với khả năng hợp tác với những thành viên khác để đạt mục tiêu chung; bậc 3 là những nhà quản lý giỏi, có khả năng tổ chức, điều hành nhân lực, tài lực và đạt được mục tiêu một cách hữu hiệu; bậc 4 là những nhà lãnh đạo hữu hiệu có khả năng tiên kiến, vận động và khích lệ nhân viên làm việc đat tới tiêu chuẩn cao. Bậc 5 là những nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức tiến đến chỗ tuyệt hảo. Những nhà lãnh đạo này thể hiện được hai đức tính trái ngược nhau là khiêm nhượng và ý chí chuyên môn cao.
[3] "Elevator speech" hay "elevator pitch" là thuật ngữ dùng để chỉ phần giới thiệu về công ty, sản phẩm, hay hội đoàn của mình trong những buổi tiếp tân hay hội họp với những đối tượng có tiềm năng trở thành thân chủ hay người yểm trợ. Trong khung cảnh này, đối tượng thường không có thì giờ để nghe ta trình bày tỉ mỉ, cho nên ta phải đưa ra những ưu điểm của mình trong khoảng thời gian ngắn nhất chừng 1 hay 2 phút.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét