|
Ngân hàng là một trong những ngành có mức trả lương thưởng cao.
|
Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012
Khi thôi việc ở ngân hàng
19:24
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tác giả: Thanh Phong
Làm việc tại một ngân hàng từng
là mơ ước của không ít bạn trẻ. Chuyện này không có gì lạ vì ngân hàng
là ngành có tốc độ tăng trưởng lương thưởng cao, thậm chí cả trong giai
đoạn khủng hoảng tài chính. Nhưng tình hình giờ có vẻ đã khác xa so với
trước.
Buồn vui chuyện xử lý nhân sự ngân hàng
Những câu chuyện vui buồn về nhân sự ngân hàng xuất
hiện ngày càng nhiều. Chuyện gây chấn động gần đây nhất là bức tâm thư
của một nhân viên tố cáo ngân hàng đã đuổi việc mình. Hay chuyện một vị
phó tổng giám đốc ngân hàng bị điều chuyển xuống làm nhân viên thu hồi
công nợ.
Không chỉ ở Việt Nam, những câu chuyện như thế cũng
xảy ra thường xuyên ở những nước khác. Một ngày đẹp trời, các nhân viên
của ngân hàng Thụy Sĩ UBS ở văn phòng chi nhánh Finsbury Avenue, London
bỗng nhận ra thẻ ra vào văn phòng của mình bị vô hiệu hóa. Những nhân
viên này sau đó được mời vào phòng nhân sự và biết rằng mình đã bị buộc
thôi việc.
Điều đặc biệt là việc cắt giảm được thực hiện cùng
ngày với việc công bố kế hoạch tiết kiệm. Theo đó, UBS sẽ giảm thêm
10.000 lao động, tương ứng với mức giảm 16% nhằm tiết kiệm 3,6 tỉ USD
trong vòng 2 năm tới. UBS sau đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì hành động sa
thải lao động không mấy đẹp này.
Không chỉ UBS, một số ngân hàng lớn khác đã tuyên bố
sẽ cắt giảm lao động. Chẳng hạn, Bank of America (Mỹ) cuối quý III/2012
cho biết sẽ cắt giảm hơn 16.000 nhân viên, đóng cửa hơn 200 chi nhánh.
Hoạt động kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận giảm, thua lỗ triền miên
kể từ khủng hoảng là điểm chung của các ngân hàng này. Và rõ ràng việc
cắt giảm chi phí là điều họ phải làm.
Còn ở Việt Nam, các ngân hàng hầu như không công khai
việc cắt giảm lao động nhưng vẫn có một đợt sóng ngầm về thay đổi nhân
sự. Điều này thể hiện rõ nhất qua báo cáo quý III/2012 của VietinBank.
Chi phí nhân viên của ngân hàng này được cắt giảm tới hơn 45% trong 9
tháng đầu năm 2012. Một trường hợp khác là Ngân hàng Quân Đội (MBB). Từ
đầu năm đến nay, MBB đã cắt giảm 28% chi phí hoạt động, trong đó có chi
phí nhân viên.
Theo các báo cáo tài chính hiện tại, chỉ mới có 2 ngân hàng này là có biến động về nhân sự. Liệu các ngân hàng khác có nối gót?
Sẽ là xu hướng?
Năm qua, nhân sự ngành chứng khoán đã bị biến động
mạnh, nay có thể tới lượt nhân sự ngành ngân hàng. Bởi lẽ, ngành tài
chính đã tăng trưởng quá nóng trong giai đoạn vừa qua và đang rơi vào
cuộc khủng hoảng xuất phát ngay từ chính ngành này.
Lợi nhuận ngành ngân hàng đang có xu hướng giảm do
gánh nặng chi phí xử lý nợ xấu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn
Bình cho biết các ngân hàng sẽ không được chia cổ tức khi chưa trích lập
dự phòng rủi ro đầy đủ và phải dành phần lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Nếu
thực hiện điều này, có thể nhiều ngân hàng sẽ phải tiếp tục thu hẹp
hoạt động hoặc tìm cách tăng năng suất, giảm chi phí, trong đó có chi
phí nhân viên.
Trong một hội thảo về phát triển nguồn vốn nhân lực
ngành tài chính - ngân hàng tổ chức vào đầu tháng 10 ở Hà Nội, ông Lưu
Trung Thái, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB và nguyên là Phó Tổng
Giám đốc Ngân hàng Quân Đội, cho rằng thách thức lớn nhất của doanh
nghiệp là chỉ tiêu kinh doanh giảm nên phải điều chỉnh kế hoạch chi phí.
Dù vậy, các ngân hàng vẫn không muốn công khai kế
hoạch cắt giảm nhân sự của mình. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị
An Hà, Trưởng phòng Marketing, Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài
(Talentnet), cho rằng đây là điểm khác biệt giữa các ngân hàng nước
ngoài và ngân hàng trong nước. Các ngân hàng nước ngoài có kế hoạch cắt
giảm chi phí và nhân viên rõ ràng và được thông báo trước, đồng thời có
chính sách đền bù thỏa đáng. Trong khi đó, ở Việt Nam, tốc độ tăng
trưởng quy mô ngân hàng diễn ra quá nhanh. Các ngân hàng lo ngại, nếu
cắt giảm quá đột ngột và chưa có sự trao đổi về mặt tinh thần thì nhân
viên sẽ bị sốc và sẽ phản ứng tiêu cực.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tiết giảm chi
phí, trong đó có cắt giảm chi phí nhân sự vẫn là cách làm tốt nhất. Điều
này cũng có thể sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Xét
cho cùng, lợi nhuận ngân hàng và lợi ích cổ đông vẫn được đặt lên trên
hết. Vậy nên câu chuyện cho thôi việc, áp chỉ tiêu cao, chuyển vị trí
công tác, giảm lương, tăng giờ làm sẽ trở nên bình thường trong ngành
ngân hàng. Điều quan trọng là cách thức xử lý nhân sự sao cho thấu tình
đạt lý.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét