Đó là 8h tối ở thủ đô Kenya và 1h sáng ở Bắc Kinh, khi Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) bắt sóng "Africa Live," một chương trình dài 1 giờ được gọi là "tiếng nói mới" cho các tin tức đến từ châu Phi.
Trong một đêm gần đây, chương trình đã hướng tiêu điểm chú ý vào sự phát triển kinh tế ở Rwanda, việc các vận động viên Somali tham gia Olympic London.
"Chúng tôi muốn giữ sự cân bằng. Chúng tôi không chỉ nói về chiến tranh, bệnh tật, đói nghèo mà còn về sự phát triển kinh tế nữa" - Pang Xinhua, thư ký tòa soạn CCTV, người chịu trách nhiệm điều hành một mạng lưới các cộng tác viên của đài ở khoảng một chục quốc gia châu Phi, cho biết.
"Africa Live" có một đội ngũ khoảng 60 người ở Nairobi, với 50 trong số đó là người Kenya. Chương trình được phát sóng trong các khung giờ vàng ở Đông Phi, nhưng cũng được truyền hình đi khắp thế giới.
"Chúng tôi thành lập đơn vị này để có thể kể một câu chuyện thật về Trung Quốc và mối quan hệ Trung Quốc - Châu Phi" - quan chức lãnh đạo của CCTV phụ trách châu Phi, Song Jianing, cho biết.
Nairobi là văn phòng khu vực đầu tiên của CCTV tự sản xuất và phát hình chương trình tin tức dài 1 giờ của đài. Văn phòng CCTV America ở Mỹ cũng sẽ sớm làm điều tương tự.
Trong lễ ra mắt, CCTV Africa đã mời Phó Tổng thống Kenya Kalonzo Musyoka tới phát biểu. Ông kêu gọi chương trình nên "phát đi một hình ảnh mới về châu lục", nhằm phá vỡ xu hướng hiện nay, trong đó châu Phi thường bị báo chí quốc tế xem là nơi "diễn ra tai họa không dứt".
Nhà phân tích Chris Alden ở Trường Kinh tế London đánh giá CCTV Africa là "một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm chống lại quan điểm rằng quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi mang tính tiêu cực."
"Giới chức Trung Quốc khởi động chương trình sau khi biết rằng có quá nhiều người châu Phi vẫn thu nhận tin tức từ các hãng tin phương Tây" - Alden nói và đánh giá CCTV chắc chắn sẽ có tác động - "Có thể chương trình sẽ không xóa bỏ cảm giác không vui từ các doanh nghiệp châu Phi khi bị các công ty Trung Quốc cạnh tranh, nhưng nó sẽ giảm bớt tác động tiêu cực".
Ông cũng nói thêm rằng chương trình sẽ giúp dân Trung Quốc hiểu thêm về châu Phi, sau khi các sự kiện gần đây như cuộc xung đột ở Libya đã gây tác động vào các khoản đầu tư của người Trung Quốc tới châu lục này.
Với nhà phân tích David Bandurski thuộc Dự án truyền thông Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, CCTV Africa là một phần trong nỗ lực triển khai "quyền lực mềm" của Trung Quốc. Đây là khái niệm do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra hồi năm 2007, với mục tiêu thu được ảnh hưởng từ bên ngoài thông qua việc tạo sức hút và các hoạt động mang tính trao đổi, thay vì đe dọa hoặc dùng vũ lực.
Các học giả khác nói rằng truyền thông có vai trò lớn trong chiến lược quyền lực mềm.
"Trung Quốc đang gửi báo chí chính thống đi làm một nhiệm vụ toàn cầu, nhằm mở rộng ảnh hưởng ra thế giới "- Yu-Shan Wu thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Nam Phi đánh giá. Wu nói rằng các nỗ lực gây ảnh hưởng trước đó của Bắc Kinh chỉ tập trung trên mặt thương mại, đầu tư và ngoại giao.
Ngoài ra, nhiệm vụ gây ảnh hưởng không chỉ được giao cho CCTV và châu Phi. Tập đoàn truyền hình này còn có các chương trình tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Arập và Nga, trong khi hãng thông tấn chính thức Tân Hoa cũng đang mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu.
CCTV Africa nói rằng họ chỉ muốn gửi tới thế giới các hình ảnh thông qua lăng kính châu Phi. "Điều khiến tôi thích là chúng tôi đang kể chuyện từ góc nhìn của châu Phi" - Beatrice Marshall, người dẫn chương trình chính tại đài KTN của Kenya đã đầu quân cho CCTV Africa nói - "Khi anh tới vùng nông thôn Kenya hiện nay, anh sẽ thấy rằng mọi người đã có thể xem TV, nghe đài. Mọi người được giáo dục tốt hơn và chúng tôi muốn nói về điều đó".
Trên vấn đề nhạy cảm rằng liệu Bắc Kinh có kiểm duyệt nội dung của CCTV Africa hay không, Douglas Okwatch, phụ trách biên tập chương trình "Talk Africa" mà Marshall sẽ dẫn, nói rằng các phóng viên có toàn quyền đối với các câu chuyện của mình, "chừng nào chúng có mục đích, cân bằng và không bị lái sang những tranh cãi không cần thiết".
"Có một điều họ (CCTV) làm đúng là họ đã tạo nền tảng để người châu Phi bày tỏ quan điểm của mình" - Wu nói - "Kênh các kênh khác, tôi không thấy có những nền tảng tương tự, nơi người châu Phi được nói về vấn đề của châu Phi". Tuy nhiên Wu nghi ngờ CCTV sẽ chỉ phát các câu chuyện tích cực về quan hệ Trung Quốc - châu Phi.
"Uy tín của kênh truyền hình sẽ không chỉ tới từ duy nhất các câu chuyện tích cực" - Wu nói.
Bandurski thì cho rằng các sản phẩm tin tức của CCTV Africa sẽ vẫn bị kiểm duyệt chính trị, dù chúng sẽ không mạnh như báo chí nội địa Trung Quốc. Nhưng ông cũng đồng tình rằng sẽ "khó có thể tạo dựng một thương hiệu truyền thông quốc tế đáng tin cậy, khi người ta không thể đưa tin một cách thực sự chuyên nghiệp".
Lãnh đạo CCTV Africa Song đã khẳng định Bắc Kinh chưa từ chối bất kỳ nội dung phát sóng nào của văn phòng và hy vọng sẽ sớm bổ sung thêm một chương trình phát sóng dài 1 giờ nữa.
Và khi nhiều đại gia truyền thông phương Tây đang vật lộn để sinh tồn, CCTV vẫn có rất nhiều tiền để mở rộng các dự án của công ty. Song nói rằng CCTV muốn đặt mục tiêu trở thành tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét