Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012
Thâm hụt ngân sách tăng nhanh sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu kinh tế
18:43
Hoàng Phong Nhã
No comments
| Nguyên Minh Cường |
SGTT.VN 15.10.2012 - Theo bộ Tài chính, tính đến tháng 9.2012, thâm hụt ngân sách nhà nước đã đạt mức 122.320 tỉ đồng, bằng 87,2% dự toán năm, một phần là do chi tiêu trong quý 3 tăng mạnh, trong khi thu ngân sách nhà nước lại tăng rất chậm so với cùng kỳ. Điều này khiến cho nguồn tiền khả dụng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế từ tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước trở nên khó khăn hơn. Nếu không cải thiện được tình trạng này, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp.
Thâm hụt ngân sách tăng cao do Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu ngân sách nhà nước
Dưới sức ép tăng trưởng kinh tế chậm trong hai quý đầu năm 2012, Chính phủ đã buộc phải đẩy mạnh hoạt động đầu tư công sau một thời gian cắt giảm. Chi ngân sách nhà nước đã có xu hướng tăng khá nhanh trong quý 3/2012. Trong khi bình quân chi ngân sách nhà nước hàng tháng trong sáu tháng đầu năm 2012 chỉ ở mức 62.800 tỉ đồng thì trong quý 3/2012, con số này đã tăng vọt lên mức 76.500 tỉ đồng.
Trong các khoản chi ngân sách nhà nước, chi cho đầu tư phát triển và chi phát triển sự nghiệp (kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể, bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) đều tăng mạnh trong quý 3/2012. Cụ thể, chi cho đầu tư phát triển mỗi tháng quý 3 tăng thêm 2.7000 tỉ đồng so với bình quân sáu tháng đầu năm, còn chi phát triển sự nghiệp tăng thêm bình quân 11.200 tỉ đồng mỗi tháng. Trong khi đó, chi trả nợ và chi viện trợ nước ngoài hầu như không thay đổi nhiều.
Các khoản chi ngân sách nhà nước tăng nhanh trong khi thu ngân sách nhà nước tăng chậm đã kéo thâm hụt ngân sách nhà nước tăng nhanh. Đến cuối tháng 9.2012, thâm hụt ngân sách nhà nước đã tăng gần gấp bốn lần so với thời điểm 15.6.2012.
Với giá trị thâm hụt ngân sách nhà nước tăng mạnh trong các tháng qua thì tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam đã tăng lên mức 4,19% tính theo GDP ước tính cho cả năm 2012 (theo số liệu trong Kế hoạch ngân sách nhà nước 2012 của bộ Tài chính, GDP tính theo giá thực tế năm 2012 ước ở mức 2.929.830 tỉ đồng). Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 1,96% cùng kỳ của năm 2011. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước lại thường có xu hướng tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Nếu tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước trong quý 4/2012 tương đương với quý 3/2012 thì ước tính thâm hụt ngân sách nhà nước của Việt Nam trong cả năm 2012 có thể tăng vọt lên mức 200.000 tỉ đồng, (tương ứng với khoảng 6,85% GDP). Mức thâm hụt ngân sách nhà nước trên GDP có thể sẽ còn cao hơn mức này nữa nếu GDP của Việt Nam trong quý 4/2012 không được cao như kỳ vọng.
Cần giảm chi tiêu ngân sách nhà nước để có nguồn tiền cho quá trình tái cơ cấu
Chi tiêu ngân sách nhà nước tăng mạnh những tháng qua chỉ hướng vào chi đầu tư phát triển và chi phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, nhà nước, lương tăng lên. Trong khi đó, đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại lại diễn ra rất chậm chạp do chưa có nguồn tiền thực hiện tái cơ cấu.
Đối với đầu tư công, hoạt động tái cơ cấu phải dựa trên xu hướng cắt giảm đầu tư công nhưng cần phải nâng cao chất lượng của hoạt động này lên nhằm gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh hoạt động chi ngân sách nhà nước trong đó có hoạt động chi cho đầu tư phát triển sẽ khiến cho quy mô của các khoản đầu tư công tiếp tục gia tăng. Chi cho đầu tư phát triển đã tăng rất nhanh trong vòng bốn tháng qua. Tính đến ngày 15.6.2012, chi đầu tư phát triển còn giảm -0,67% so với cùng kỳ năm trước thì đến ngày 15.9.2012, chi đầu tư phát triển đã tăng 9,52% so với cùng kỳ năm trước. Việc giải ngân dồn dập các khoản tiền lớn cho đầu tư phát triển chỉ trong một thời gian ngắn sẽ khiến cho việc kiểm soát chất lượng đầu tư công khó khăn hơn.
Thâm hụt ngân sách nhà nước gia tăng khiến cho Chính phủ phải bù đắp nhiều hơn bằng các nguồn vốn khác. Nguồn để bù đắp cho thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ chủ yếu từ ba nguồn: từ phát hành trái phiếu chính phủ và vay nợ nước ngoài. Trong chín tháng đầu năm 2012, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 99.480 tỉ đồng trái phiếu chính phủ. Với nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách nhà nước tăng mạnh thì nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ sẽ còn có thể tăng mạnh. Lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục gia tăng trở lại trong thời gian từ nay đến cuối năm. Thực tế, lãi suất trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành kỳ hạn hai năm và ba năm trong thời gian qua đã liên tục tăng. Lãi suất coupon trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm đấu thầu tăng từ 8,8%/năm vào cuối tháng 7 và tháng 8.2012 lên mức 9,4%. Còn với trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba năm, lãi suất coupon cũng tăng từ 9%/năm lên 9,8%/năm. Lãi suất trái phiếu chính phủ tăng lên sẽ khiến cho các mức lãi suất khác trên thị trường khó giảm, làm cho nỗ lực hạ lãi suất từ phía ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trở nên khó khăn hơn.
Đối với hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là xử lý nợ xấu cho toàn hệ thống. Với nợ xấu khá cao như hiện nay, các ngân hàng thương mại khó có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng. Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng thương mại đến ngày 7.9.2012 mới ở mức 1,82%. Theo ngân hàng Nhà nước, quy mô nợ xấu hiện tại của hệ thống ngân hàng thương mại tính đến cuối quý 1/2012 là khoảng 202.000 tỉ đồng. Nếu Nhà nước muốn tham gia vào quá trình giải quyết nợ xấu thì nguồn tiền để xử lý nợ xấu cho cả hệ thống tín dụng sẽ không nhỏ, ngay cả khi Chính phủ không cần thiết phải chi toàn bộ số tiền này để mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, nếu tình hình thu chi ngân sách không được cải thiện trong thời gian tới thì dư địa để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế bằng nguồn lực trong nước sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Việt Nam lại không muốn phụ thuộc vào các nguồn vốn nước ngoài, bao gồm cả vay nợ và bán tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước với mức giá thấp. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho Chính phủ trong thời gian tới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét