Tác giả: Hà Nguyễn NCĐT 29/10/2012 | |||||
|
Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012
Chân dung CSO
09:15
Hoàng Phong Nhã
No comments
Ở FPT, ông Nguyễn Hữu
Thái Hòa là cánh tay phải trợ giúp cho hội đồng quản trị và Ban Giám đốc
về mặt chiến lược. Đảm đương vai trò Giám đốc Chiến lược (CSO) của FPT
từ đầu năm 2011 đến nay, công việc của ông là hoạch định, thiết kế và cố
vấn thực thi các chiến lược trọng điểm.
Trong quá trình tham gia tư vấn cho dự án “Quản lý
chất lượng-Vươn tới đỉnh cao” của Bộ Khoa học Công nghệ, kết thúc vào
cuối năm 2010, ông Hòa đã được giới thiệu để trình bày dự án với ông
Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. Khi đó, cả 2 người đều rất ngạc nhiên khi
giấc mơ của họ có quá nhiều điểm tương đồng. Và đó cũng là bước ngoặt
đánh dấu sự hợp tác giữa hai nhà quản lý cấp cao này.
Trước khi về với FPT, ông Hòa từng là Tổng Giám đốc
Chất lượng Công nghệ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn
Schneider Electric (Pháp). Về FPT, nhiệm vụ chính của ông là giúp hiện
thực hóa mục tiêu đưa tập đoàn này lọt vào top 500 trong danh sách
“Forbes Global 2000” vào năm 2024.
Để làm được như vậy, chiến lược trọng tâm đang được
tập đoàn này đầu tư chính là khả năng hợp lực giữa các đơn vị con với
nhau. Được sự hỗ trợ của vị CSO mới, FPT đã đạt được một số kết quả khả
quan mà điển hình là đợt tấn công thị trường Nigeria vào cuối năm 2011. 4
đơn vị con bao gồm FPT HO, FPT IS, FPT Trading và Đại học FPT đã cùng
nhau triển khai những dự án đầu tiên phục vụ cho kế hoạch mở rộng sang
châu Phi của tập đoàn này trong tương lai.
Tương tự FPT, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn ngày
càng phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết. Điều này khiến cho họ
khó lòng có thể trông coi được tất cả các mảng công việc. Trong khi đó,
chiến lược đối với doanh nghiệp luôn được ví như một dòng chảy liên
tục, vì vậy luôn cần đến khả năng ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc (CEO) rất cần một
người trợ giúp kề cận có thể sẵn sàng chia sẻ gánh nặng và giữ cho doanh
nghiệp phát triển đúng hướng. Từ đó, vai trò của CSO đã trở nên khá rõ
ràng. Họ chính là những người giúp việc cao cấp nhất cho CEO về chiến
lược phát triển doanh nghiệp. Những lợi ích mà CSO có thể mang lại cho
doanh nghiệp là khá hiển nhiên, nhưng việc tìm được một người thích hợp
với vai trò đó lại là một bài toán không đơn giản. “Săn” được nhân tài
có đủ kỹ năng lẫn kinh nghiệm để phát triển chiến lược, có thể truyền
đạt điều đó đến toàn công ty và giúp cho CEO giữ vững lộ trình thực thi
là khá khó khăn.
Vậy một CSO lý tưởng sẽ bao gồm những phẩm chất gì?
Theo tạp chí Harvard Business Review, để hoàn thành được vai trò của
mình, người CSO sẽ phải trải qua các vị trí quản lý cao cấp tại nhiều
công ty khác nhau.
Hồi tháng 6.2012, Tập đoàn điện tử Samsung đã bổ nhiệm
CEO Choi Gee-sung chuyển sang chức vụ mới là CSO. Ông Choi được kỳ vọng
sẽ giúp đưa Samsung vượt qua khỏi giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế
thế giới và thị trường công nghệ cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Theo ông Hòa, phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn khá
cảm tính, chưa có tài liệu cụ thể và thiếu khâu quản trị chiến lược. Do
vậy, hầu hết các quyết sách đưa ra đều không được triển khai như ý muốn.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, vai trò của các định hướng sáng
suốt cũng như những chiến lược khôn ngoan lại ngày càng trở nên quan
trọng.
Có thể thấy, vai trò của CSO là rất cần thiết đối với
các tập đoàn lớn. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lập những nhóm
chuyên trách giúp việc cho CEO bằng cách lắng nghe ý kiến các nhà tư vấn
hoặc các nhà chiến lược độc lập.
Tuy nhiên, ông Hòa nhấn mạnh rằng, vấn đề tiên quyết
để chiến lược thành công hay thất bại không phải là có CSO hay không, mà
chính là ở tư duy của nhà quản lý cấp cao nhất cũng như quyết tâm của
đội ngũ thực thi chiến lược đó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét