Trước hết, đây là một khái niệm trong chính trị học, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1973 trong cuốn Quyền lực và thịnh vượng của học giả Klaus Knorr; sau đó, được Giáo sư Joseph Nye, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J.F. Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), định nghĩa và phát triển thành một luận thuyết trong cuốn “Quyền lực mềm: Phương tiện để đạt được thành công trong chính trị quốc tế”.
Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012
Quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế
20:18
Hoàng Phong Nhã
No comments
Bài viết của TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao (gửi riêng cho NCBĐ) đề cập và phân tích về “Quyền lực mềm” trong quan hệ quốc tế hiện nay, cùng với đó là những đánh giá của tác giả về việc triển khai Quyền lực mềm của Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ.
Trong những năm gần đây, thuật ngữ "quyền lực mềm" được sử dụng khá phổ biến và ngày càng được nhiều người quan tâm.
Trước hết, đây là một khái niệm trong chính trị học, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1973 trong cuốn Quyền lực và thịnh vượng của học giả Klaus Knorr; sau đó, được Giáo sư Joseph Nye, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J.F. Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), định nghĩa và phát triển thành một luận thuyết trong cuốn “Quyền lực mềm: Phương tiện để đạt được thành công trong chính trị quốc tế”.
Theo giáo sư J. Nye, "quyền lực mềm" là khả năng tác động thông qua sự hấp dẫn và sức thuyết phục để người khác làm theo những gì mình muốn. “Quyền lực mềm”
của một quốc gia được xây dựng trên nền tảng nền văn hóa, các giá trị
và chính sách của quốc gia. Nó được thể hiện thông qua các yếu tố như
hình ảnh, uy tín của đất nước và lãnh đạo, năng lực giao tiếp, nhất là
khả năng thuyết phục của những người thực thi quyền lực, mức độ cởi mở
của xã hội, sức hấp dẫn, quyến rũ, đặc biệt là của nền văn hóa, v.v.. Có
hai kênh chủ yếu để triển khai “quyền lực mềm” trong quan hệ quốc tế.
Kênh thứ nhất là trực tiếp thông qua hoạt động ngoại giao của chính phủ.
Kênh thứ hai là thông qua hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (bao
gồm cả các doanh nghiệp) và sự giao lưu giữa cộng đồng dân cư của các quốc gia.
Như
vây, quyền lực mềm khác cơ bản với “quyền lực cứng” - loại quyền lực
dựa trên đe dọa và mua chuộc, kiểu "cây gậy và củ cà rốt", nhờ vào sức
mạnh quân sự, kinh tế và khoa học công nghệ. Sức mạnh của quốc gia là
tổng hợp của “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm” được tạo nên từ cả bên
trong lẫn bên ngoài mỗi quốc gia. Việc kết hợp và sử dụng khéo léo hai
loại quyền lực này sẽ tạo ra một sức mạnh lớn (Ngoại trưởng Mỹ Hilary
Clinton gọi là “sức mạnh thông minh”) giúp quốc gia có vị thế quốc tế
tốt hơn và có khả năng thực hiện mục tiêu theo đuổi một cách hiệu quả
hơn.
Từ
xa xưa, trong quan hệ quốc tế, bên cạnh việc sử dụng “quyền lực cứng”
được xem là biện pháp chính yếu và truyền thống, các nước cũng đã biết
sử dụng “quyền lực mềm”. Đặc biệt, các cường quốc thường sử dụng “quyền
lực mềm” để thực hiện mục tiêu nô dịch, trói
buộc các nước khác trong vòng ảnh hưởng của mình. Ngày nay, trong bối
cảnh xu thế hòa bình hợp tác và xu thế toàn cầu hóa trở thành những dòng
chảy chính của quan hệ quốc tế, việc sử dụng “quyền lực cứng” ngày càng
không còn là lựa chọn tối ưu của các quốc gia, “quyền lực mềm” được
quan tâm và nhấn mạnh nhiều hơn, không những bởi nó phù hợp với xu thế
thời đại, mà còn bởi tính chất “lạt mềm buộc chặt” và ít tốn kém hơn để
đạt đến mục đích thông qua sử dụng công cụ này.
Những
năm gần đây, Mỹ và Trung quốc đặc biệt quan tâm phát huy và sử dụng
“quyền lực mềm”. Theo một số nhà phân tích, hai cường quốc này đang tiến
hành một cuộc chạy đua về phát triển và sử dụng “quyền lực mềm” trên
phạm vi toàn cầu.
Vươn
lên trở thành siêu cường duy nhất từ sau chiến Thế giới lần thứ hai, Mỹ
đã từng bước thiết lập và củng cố một trật tự thế giới mới do Mỹ chi
phối. Đặc biệt, từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, với sự sụp đổ của
Liên xô và khối các nước XHCN ở Đông Âu, Mỹ càng mạnh hơn và gần như
không còn đối thủ cạnh tranh xứng tầm trong một thời gian dài. Sức mạnh
toàn diện và vượt trội của Mỹ đã tạo cho họ một vị thế “bá chủ” có ảnh
hưởng sâu rộng đến trật tự quốc tế và nhiều nước trên thế giới. Nhìn ở
góc độ “quyền lực mềm”, Mỹ đã tạo dựng và sử dụng khá thành công quyền
lực này trong thực hiện mục tiêu duy trì vị thế siêu cường thế giới của
mình và đặc biệt là trong quan hệ với các nước. Mỹ có những lợi thế lớn
về “quyền lực mềm”. Trước hết, nước Mỹ
là một nơi mà nhiều giá trị tiến bộ về tư tưởng và những giá trị mang
tính phổ quát được nảy nở và hiện thực hóa, đồng thời Mỹ cũng luôn thể
hiện mình là nước đấu tranh cho sự thực hiện và phổ quát hoá những giá
trị đó trên thế giới. Thứ hai, văn hóa
Mỹ kết hợp được nhiều tinh hoa của thế giới, được hiện đại hóa, có sức
sống lớn và lan tỏa mạnh; bên cạnh đó là một nền giáo dục phát triển bậc
nhất thế giới. Thứ ba, nhìn chung các
chính quyền ở Mỹ đều chủ trương và triển khai ở mức độ khác nhau chính
sách phát huy “quyền lực mềm” trong quan hệ quốc tế. Thứ tư,
tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự và khoa học công nghệ vượt trội so
với các quốc gia khác hỗ trợ tối đa cho việc phát huy và triển khai
“quyền lực mềm” của Mỹ trên toàn thế giới.
Những
yếu tố “quyền lực mềm” chủ yếu được Mỹ đặc biệt phát huy gồm: thứ nhất,
các giá trị Mỹ về tư tưởng chính trị và kinh tế (tự do, dân chủ, đa
nguyên, nhân quyền, nhà nước pháp quyền, thị trường tự do, kinh tế
mới…), thứ hai, các giá trị của nền văn hóa và giáo dục tiên tiến, hiện
đại có tính phổ quát của Mỹ (lối sống tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ
nghĩa thực dụng, văn hóa ẩm thực nhanh như McDonal, KFC với humberger,
gà chiên Kentucky, khoai tây chiên giòn và Coca Cola, quần bò Levis,
điện ảnh Hollywood, nhà hộp chọc trời…). Những yếu tố “quyền lực mềm”
này đã lan tỏa trên thế giới, góp phần tạo dựng hình ảnh một nước Mỹ
hùng cường, hiện đại, tiên tiến, và, cùng với các yếu tố của “quyền lực
cứng”, góp phần củng cố, duy trì vị thế số một
của Mỹ trong trật tự thế giới mà Mỹ đang tiếp tục chi phối. Tuy nhiên,
Mỹ không phải lúc nào cũng thành công trong sử dụng “quyền lực mềm” cũng
như trong việc kết hợp nó với “quyền lực cứng”. Tám năm cầm quyền của
Tổng thống G. Bush với chính sách “diều hâu”, chủ yếu dựa vào “quyền lực
cứng” để tiến hành chiến tranh và áp đặt, đã làm cho nước Mỹ suy yếu,
giảm uy tín quốc tế, thậm chí còn làm dấy lên tình cảm chống Mỹ trong
thế giới hồi giáo, quan hệ giữa Mỹ với một số nước, kể cả đồng minh, gặp
khó khăn và rắc rối. Điều này cũng đồng nghĩa với “quyền lực mềm” của
Mỹ bị suy giảm đáng kể.
Nhận
thức rõ thực tế đó, Tổng thống Barack Obama, ngay từ khi bước vào Nhà
Trắng, đã thể hiện quyết tâm cải biến nhằm khôi phục lại sức mạnh, uy
tín và vị thế của nước Mỹ. Ngay trong bài diễn văn nhậm chức vào ngày
20/1/2009, Tổng thống Barack Obama đã nêu rõ chính sách của chính quyền
mới là: “Nước Mỹ sẽ chú trọng hơn đến chủ nghĩa đa phương, tính nhân văn và sự kiềm chế”. Ông nhấn mạnh: "đối
với thế giới Hồi giáo, chúng tôi tìm kiếm một cách thức mới hướng về
phía trước, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau" và ông hứa hẹn "nước Mỹ sẽ tìm kiếm sự hợp tác và hiểu biết lớn hơn giữa các dân tộc".
Trong
Chiến lược An ninh quốc gia công bố gần đây, Nhà Trắng nêu rõ ưu tiên
sử dụng các biện pháp ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao đa phương để
giải quyết các vấn đề về an ninh, kể cả đối với các cuộc chiến tranh ở
Irak và Afghanistan hiện nay. Chiến lược này đã loại cuộc chiến chống
khủng bố khỏi chương trình nghị sự và đặt mục tiêu phục hồi và thịnh
vượng kinh tế là một ưu tiên hàng đầu. Chiến lược cũng khẳng định “bốn
lợi ích quốc gia vĩnh viễn có sự liên kết chặt chẽ” của Mỹ là an ninh,
thịnh vượng, giá trị và trật tự quốc tế. Điều này cho thấy chính quyền
Obama quan tâm và chú trọng đặc biệt tới sử dụng và phát huy “quyền lực
mềm” để bảo đảm an ninh quốc gia và thúc đẩy quan hệ đối ngoại.
Trung
Quốc trong những năm gần đây cũng đặc biệt tăng cường công cụ “quyền
lực mềm” trong quan hệ quốc tế. Họ tuyên bố công khai và tích cực triển
khai chính sách “trỗi dậy hoà bình”. Nhờ sự phát triển ngoạn mục về kinh
tế trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đang vươn lên thành nền kinh tế thứ
hai thế giới sau Mỹ và hiện là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu và dự
trữ ngoại tệ. Trung Quốc ra sức thể hiện mình là một dân tộc hoà bình,
có nền văn hoá lâu đời giàu bản sắc và là một cường quốc đang lên, cố
gắng hành xử có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Họ đặc biệt chú trọng
dùng các biện pháp kinh tế (thông qua viện trợ, đầu tư, mở mang thương
mại), văn hoá, giáo dục và khoa học công nghệ để xây dựng và mở rộng ảnh
hưởng của mình ở nhiều nơi trên thế giới. Với những công cụ này, trong
những năm qua, lợi dụng Mỹ tập trung sức lực chống khủng bố, bị sa lầy ở
Afghanistan và Irak, bị suy yếu tương đối về kinh tế và uy tín chính
trị, Trung Quốc đã tranh thủ xâm nhập mạnh và tạo dựng được những vị trí
đứng chân vững chắc ở châu Phi, Mỹ La-tinh, Đông Nam Á, và do vậy, cũng
đã có được một thế chiến lược tốt hơn so với trước đây.
Đông
Nam Á là địa bàn Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Từ hơn một thập kỷ trở
lại đây, Trung Quốc tích cực tranh thủ và lôi kéo các nước trong khu vực
này thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, văn hoá và kể cả quân
sự nữa. Tuy nhiên, công cụ “quyền lực mềm” vẫn được Trung Quốc sử dụng
là chính. Trung Quốc cố gắng thể hiện mình như là một người bạn, một
láng giềng và một đối tác tốt của các nước trong khu vực. Họ chủ động
tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hữu nghị của ASEAN, lập
quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, đề cao các giá trị và nguyên tắc
lớn như tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội
bộ của nhau, tương trợ và hợp tác khu vực; ủng hộ vai trò dẫn dắt của
ASEAN trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực; ký Hiệp định Khu vực mậu dịch
tự do với ASEAN; tăng cường giao lưu kinh tế và viện trợ cho một số nước
ASEAN; đẩy mạnh kết nối hạ tầng và phát triển du lịch với ASEAN. Bên
cạnh đó, Trung Quốc cũng hết sức quan tâm khai thác ngoại giao văn hoá
để tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực. Số liệu thống kê cho thấy,
trong những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng mạnh việc trao đổi sinh
viên với các nước trong khu vực, nhận và tài trợ cho một số lượng đông
đảo sinh viên từ các nước này sang học ở Trung Quốc, tích cực tham gia
các hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật trong khu vực. Trung Quốc
triển khai mạnh chủ trương thành lập các viện Khổng tử học tại các nước.
Theo Tân Hoa xã, tính tới tháng 11.2009,
Trung Quốc có cả thảy 282 viện Khổng Tử học và khoảng 272 trường dạy Hán
ngữ ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo kế hoạch đến cuối năm 2010,
Trung Quốc sẽ mở tổng cộng 500 viện Khổng Tử học, và đến năm 2020 con số
đó sẽ là 1.000. Các viện Khổng Tử học thực chất là các trung tâm giới
thiệu và quảng bá văn hoá và các giá trị của Trung Quốc.
Những
nỗ lực nói trên để xác lập ảnh hưởng “mềm” của Trung Quốc ở Đông Nam Á
cùng với việc tăng cường “quyền lực cứng” của nước này trong bối cảnh
tranh chấp ở Biển Đông lại càng khiến các nước ASEAN bối rối và có phần
chia rẽ. Mỹ và một số cường quốc khác cũng tỏ ra “không yên tâm”. Bởi
vậy, gần đây, nhất là từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, Mỹ
đã bày tỏ quyết tâm “quay trở lại Đông Nam Á”. Nhật, Ấn Độ, EU và Nga
cũng quan tâm và tích cực tìm cách tăng cường quan hệ với các nước trong
khu vực này thông qua công cụ “quyền lực mềm”.
Nhân
loại sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến lớn trong quan hệ quốc tế,
trong đó có cuộc cạnh tranh quyền lực quyết liệt giữa các nước, đặc biệt
là giữa các cường quốc để tồn tại và có một vị trí thuận lợi trong một
trật tự thế giới không ngừng thay đổi. Cả “quyền lực cứng” và “quyền lực
mềm” sẽ tiếp tục được các quốc gia sử dụng. Tuỳ từng đối tượng, bối
cảnh cụ thể và mục tiêu cần đạt được mà mỗi nước dùng “cứng” hay “mềm”
hoặc cả hai được kết hợp cùng một lúc với liều lượng khác nhau. Tuy
nhiên, với xu thế phát triển chung và trình độ văn minh ngày càng cao,
“quyền lực mềm” sẽ ngày càng trở thành sự lựa chọn trước hết của mỗi
quốc gia./
TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao
(Đề
nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết trên
www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của
Ban Biên tập Website)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét