Tôi được mời phát biểu trong buổi sáng hôm nay về những kinh nghiệm của các Tổ chức phi chính phủ quốc tế (TCPCP) trong lĩnh vực giảm nghèo tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào khoảng thời gian từ 10 năm trở lại đây.
Trong suốt thời gian 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi to lớn của Việt Nam. Phát triển dựa trên những cải cách ban đầu vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90, trong suốt thập kỷ vừa qua, công cuộc Đổi mới và những tác động về kinh tế - xã hội và chính trị của nó đã có ảnh hưởng lên mọi mặt của cuộc sống. Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, duy trì được nhịp độ phát triển trung bình cao so với khu vực Châu á và trên thế giới. Những đạo luật và lối làm việc mới đã và đang được phát triển. Đồng thời các vấn đề xã hội mới cũng nổi lên, tuy nhiên đối với đại bộ phận dân cư, họ đã có nhiều sự lựa chọn và nhiều cơ hội hơn để tham gia trong các quyết định có ảnh hưởng tới cuộc sống của mình.
Trong suốt thập kỷ vừa qua, tình trạng nghèo đói đã được cải thiện đáng kể. Dựa trên phương pháp Đánh giá nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế do Cục thống kê đưa ra, trong khoảng thời gian trên tỷ lệ người nghèo Việt Nam đã giảm từ 58% xuống dưới 29%. Đối với một bộ phận lớn dân cư, cuộc sống của họ đã được đổi thay.
Nếu chúng ta cùng quay lại năm 1993 và xem sự hỗ trợ của các Tổ chức phi chính phủ quốc tế đối với Việt Nam, chúng ta sẽ thấy được gì?
Thứ nhất, chúng ta sẽ nhận thấy sự tăng lên nhanh chóng số lượng các Tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam, bao gồm nhiều tổ chức mới vừa lập văn phòng, hoặc đang chuẩn bị lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trong số các tổ chức này có cả một số ít những tổ chức vẫn duy trì sự ủng hộ đối với Việt Nam từ cuối những năm 70 và đầu những năm 80, cũng như các tổ chức mới bắt đầu hoặc bắt đầu loại hoạt động của mình vào khoảng cuối những năm 80. Đến năm 1994, số lượng các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam đã là hơn 200 tổ chức.
Chúng ta thấy những tổ chức này hoạt động, cùng với các đối tác của Việt Nam, nhằm xây dựng lên các phương pháp làm việc hiệu quả nhất đối với các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, phần lớn là do thiếu các môi trường pháp lý rõ ràng cho việc cấp giấy phép, phê duyệt các dự án, cùng làm việc tạo điều kiện cho các hoạt động khác của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Chúng ta chứng kiến các tổ chức này vật lộn để đưa các chương trình của mình đến gần với những nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Chúng ta cũng thấy sự phát triển mạnh đội ngũ cán bộ trẻ Việt Nam, đầy nhiệt huyết và gắn bó nhưng vẫn còn mới lạ với công việc của các Tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Cuối cùng, chúng ta thấy một Trung tâm thông tin dữ liệu các tổ chức phi chính phủ vừa mới được thành lập, hoạt động trong văn phòng của một Tổ chức phi chính phủ quốc tế với Giám đốc làm việc kiêm nhiệm, phản ánh ước muốn về phía các tổ chức phi chính phủ quốc tế mong muốn chia sẻ thông tin giữa các tổ chức phi chính phủ quốc tế với nhau, và với các đối tác Việt Nam và các đơn vị liên quan khác.
Quay trở lại với thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy một bức tranh rất khác.
Hơn 500 tổ chức phi chính phủ quốc tế đã thiết lập quan hệ với Việt Nam, với hơn 360 tổ chức hiện đang có các chương trình hoạt động. Dự đoán vào khoảng hơn 150 tổ chức có văn phòng hoặc cơ quan làm việc tại Việt Nam. Trong khi ở một chừng mực nào đó, số lượng các tổ chức mới vào Việt Nam giảm đi thì tổng giá trị chung cũng như quy mô và chiều sâu của sự trợ giúp từ phía các TCPCP vẫn tiếp tục tăng.
Hoạt động của các TCPCP trong lĩnh vực dinh dưỡng trong suốt thập kỷ 90 đã được công nhận như là bước ngoặt đối với các nỗ lực chống lại tình trạng suy dinh dưỡng tại Việt Nam. Cụ thể, mô hình do một TCPCP xây dựng lên hiện là cơ sở cho chương trình dinh dưỡng quốc gia.
Các hoạt động của các TCPCP trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có tác động lớn đến cách làm việc của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trong lĩnh vực này ví dụ như khuyến nông, tín dụng, phòng trừ dịch hại tổng hợp và mùa màng, phát triển nông - lâm nghiệp và hợp đồng quản lý và bảo vệ rừng. Các TCPCP đặc biệt đã làm nổi bật vai trò của phát triển bền vững.
Các phương pháp có sự tham gia của cộng đồng ví dụ như phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân (PRA) đã cung cấp một kiểu mẫu hiệu quả và thiết thực có tác động tích cực lên quá trình lập kế hoạch và chuẩn bị của chính phủ. Tương tự, làm việc với các TCPCP cũng giúp cho các cán bộ nhà nước thu thập thêm các kinh nghiệm và các cách tiếp cận mới đối với các lĩnh vực khác vị dụ như quản lý, giám sát và đánh giá.
Trong lĩnh vực tín dụng nhỏ, các TCPCP đã phát triển năng lực của các Hội phụ nữ và các cán bộ nhà nước, cung cấp cho họ một mẫu mô hình hiệu quả cho các chương trình tín dụng và tiết kiệm đồng thời đóng góp vào sự phát triển một khung pháp lý hiệu quả đối với lĩnh vực tài chính nhỏ trong tương lai.
Các TCPCP đã giới thiệu những phương pháp làm việc mới trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, sức khoẻ sinh sản và các vấn đề thông tin truyền thông khác, đặc biệt thông qua việc sử dụng các giáo viên trẻ và các cách tiếp cận có tính sáng tạo. Những sáng kiến do các TCPCP đề xuất trong lĩnh vực đào tạo tiểu học, đặc biệt tại các cộng đồng dân tộc thiểu số, cũng đang cung cấp những kinh nghiệm và mô hình quý báu cho việc phát triển chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên toàn quốc đồng thời hỗ trợ một nền giáo dục lấy trẻ em làm trọng tâm. Các TCPCP cũng giúp tạo các cơ hội cho trẻ em khuyết tật được đến trường.
Một số hoạt động thí điểm do các TCPCP tiến hành với mục đích giải quyết các hậu quả của chiến tranh, hỗ trợ các nạn nhân bom mìn và các tàn dư chiến tranh khác, tăng nhận thức của người dân về bom mìn, các hoạt động rà phá bom mìn giúp cho các cộng đồng dân cư trong khu vực có thể sinh sống an toàn, phát triển nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác trong các khu vực bị ảnh hưởng. Những hoạt động này hiện đang được mở rộng và nhân rộng ra tại các tỉnh khác.
Các TCPCP cũng đồng thời cung cấp các đầu vào quan trọng khác trong sự phát triển các chính sách tổng thể ví dụ như Chiến lược giảm nghèo và phát triển toàn diện đã được Chính phủ thông qua năm 2002. Thông qua sự đóng góp của họ trong tiến trình này, các TCPCP đã đặt những kinh nghiệm và mối quan tâm về người nghèo như là trọng tâm của các nỗ lực tham vấn đối với các chính sách và kế hoạch của Chính phủ.
Những đóng góp có tính chất tích cực của các TCPCP trình bày ở trên chỉ có thể đạt được chính sách hỗ trợ người nghèo của Chính phủ Việt Nam.
Bài học lớn nhất rút ra từ kinh nghiệm của các TCPCP tại Việt Nam là việc liên quan đến tầm quan trọng đối với việc các TCPCP làm việc với hoặc thông qua các cơ quan Chính phủ. Đây là một trở ngại đối với triết lý của nhiều TCPCP, thông thường vẫn được phép hoạt động một cách độc lập tại các quốc gia khác, và tập trung chủ yếu vào việc phát triển quan hệ đối tác trực tiếp với các tổ chức hoạt động xã hội và người hưởng lợi tại cơ sở. Tuy nhiên, nhiều TCPCP tại Việt Nam đã nhận thức được rằng trên hết Chính phủ - cùng với các tổ chức chính trị xã hội quần chúng, cung cấp một hệ thống hiệu quả cho việc tăng cường năng lực và bảo đảm việc duy trì lâu dài sự tham gia của các TCPCP tại Việt Nam, cũng như đây là một kênh làm việc sẵn có phục vụ cho việc chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình của Tổ chức phi Chính phủ quốc tế.
Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của sự hợp tác. Những thành tựu trong hoạt động của các TCPCP tại Việt Nam phản ánh nỗ lực chung của cả phía Việt Nam và phía các TCPCP để cùng nhau thống nhất các mục tiêu chung về giảm nghèo, để xây dựng quan hệ dựa trên sự tin cậy, tôn trọng và cởi mở.
Bất chấp những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực giảm nghèo trong thập kỷ qua, thông qua các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức nhân dân cùng với sự hỗ trợ từ phía các TCPCP và các nhà tài trợ quốc tế khác, nhiều khó khăn thách thức vẫn còn tồn tại.
Hiện nay, các TCPCP đang ủng hộ hơn 1,750 dự án với tổng giá trị vượt qua 135 triệu đô la. Trong năm 2002, các TCPCP đã giải ngân được khoảng 85 triệu đô la.
TCPCP quốc tế có các hoạt động thực tế trên địa bàn tất cả 61 tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương tại Việt Nam. TCPCP đang hỗ trợ các hoạt động từ cấp quốc gia đến cấp thôn xóm và kể cả cấp hộ gia đình, và tất nhiên là tại tất cả các cấp ở giữa. Với các Hội đồng nhân dân, các bộ ban ngành của Chính phủ, với các hiệp hội và tổ chức nhân dân, các viện nghiên cứu và các đơn vị khác.
Còn có nhiều các TCPCP khác đang hoạt động trên các vùng sâu vùng xa tại các cộng đồng dân cư nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả các cộng đồng dân tộc ít người.
Khung pháp lý cơ bản cho hoạt động các TCPCP đã và được thiết lập, bao gồm các nghị định về các vấn đề ban hành và thay đổi giấy phép hoạt động của các Tổ chức phi Chính phủ quốc tế, và đề cập đến trách nhiệm đối với việc phê duyệt của các dự án của các TCPCP.
Trung tâm thông tin dữ liệu hiện đã được thành lập thông qua quan hệ đối tác hiệu quả giữa các TCPCP và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và trong tháng 4 năm 2003 trung tâm đã kỷ niệm 10 năm thành lập. Hoạt động của Trung tâm tiếp tục được mở rộng: hiện đang có 12 nhóm làm việc dưới sự điều phối của Trung tâm, và Trung tâm cũng đang có các kế hoạch nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ cũng như mở rộng các dịch vụ trực tuyến.
Các TCPCP cũng đồng thời đang tham gia một cách mạnh mẽ vào nhiều nhóm hợp tác khác hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế, bao gồm các Hội nghị tư vấn thường niên.
Vấn đề khó khăn nếu không nói là không thể là việc xác định đầy đủ đóng góp cụ thể của các TCPCP vào trong các thành tựu tích cực trong lĩnh vực giảm nghèo trong suốt thập kỷ vừa qua.
Nếu tính bằng đồng đô la, các TCPCP đã là một kênh giúp chuyển đổi khối lượng lớn các trợ giúp tài chính cho Việt Nam trong thập kỷ qua, với hơn 700 triệu đô đã được giải ngân. Trong các lĩnh vực chủ chốt mà các TCPCP tham gia như giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội, các quỹ giải ngân thông qua các TCPCP trên cơ sở khác khoản viện trợ không hoàn lại đã đóng phần chính quan trọng trong sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Bên cạnh các con số tài chính trên, các TCPCP đã đóng vai trò như một kênh liên lạc cho một khối lượng lớn những hỗ trợ bằng hiện vật; hàng trăm tình nguyện viên cũng đã đến và đem theo sự giúp đỡ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, họ làm việc bên cạnh những người cán bộ địa phương để hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao kinh nghiệm cho người dân từ đó tăng cường năng lực cho Việt Nam.
Chính vì vậy, những con số tài chính đơn thuần không thể thể hiện hết được bức tranh về tính độc đáo cũng như ý nghĩa sự đóng góp của các TCPCP trong công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.
Đóng góp quan trọng nhất của các TCPCP tại Việt Nam chính là việc phát triển các mô hình mới và sáng tạo dựa trên kinh nghiệm của họ tại các nước khác, cũng như là tham khảo ý kiến cơ sở và các nghiên cứu tiến hành tại Việt Nam. Thông qua các dự án quy mô nhỏ và linh hoạt, được thực hiện trên cơ sở thí điểm tại cấp cơ sở, các TCPCP đã có đủ khả năng thử nghiệm với các ý tưởng và các cách tiếp cận mới.
Những ý tưởng và cách tiếp cận đã được chứng minh là thành công đồng thời cũng được chia sẻ với chính phủ và nhà tài trợ để được triển khai trên phạm vi rộng hơn.
Một số các ảnh hưởng có tính chất định tính như trên như trên của các TCPCP đã được đề cập trong công trình nghiên cứu 10 năm về Sự đóng góp của các TCPCP và những bài học rút ra do Trung tâm thông tin dữ liệu thực hiện trong năm 2000. Trong buổi sáng ngày hôm nay, tôi không hy vọng sẽ đề cập đến toàn bộ quy mô cũng như tính phức tạp của các hoạt động do các TCPCP thực hiện. Tuy nhiên tôi mong muốn nêu ra một số, ít nhất là một ví dụ về sự đóng góp đặc biệt của các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong công cuộc xoá nghèo tại Việt Nam.
Những số liệu gần đây về giảm nghèo đặc biệt đề cập đến các khu vực cụ thể như vùng núi phía Đông - Bắc, khu vực cao nguyên miền trung và khu vực ven biển Trung bộ, đây là những nơi tỷ lệ nghèo đói vẫn duy trì ở mức cao và trong một số trường hợp tỷ lệ này không giảm đi. Tình hình của các nhóm dân tộc thiểu số, những nơi tỷ lệ nghèo đói vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với đại bộ phận dân cư, vẫn là mối lo ngại lớn của Chính phủ, các nhà tài trợ và các TCPCP.
Như tôi đã nói lúc đầu, cá nhân tôi không thể phát biểu thay mặt trong một số lượng lớn các tổ chức phi chính phủ quốc tế có mặt tại đây ngày hôm nay, hoặc thay mặt cho những tổ chức không thể tham gia hội thảo này. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng các TCPCP cùng chia sẻ sự cam kết sâu sắc trong công cuộc làm giảm bớt hậu quả và giải quyết các nguyên nhân gây ra đói nghèo tại Việt Nam cùng với Đảng, Nhà nước và các tổ chức nhân dân, và với các nhà tài trợ quốc tế song phương và đa phương.
Thể hiện tình hữu nghị, tinh thần thiện chí và tình đoàn kết của nhân dân thế giới đối với Việt Nam, các Tổ chức phi chính phủ quốc tế chắc sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực của mình trong các năm tiếp theo, để mở rộng sự hỗ trợ của họ dành cho nhân dân Việt Nam. Xin cảm ơn!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét