(2), (3). ĐCSVN - Nghị quyết số 12-NQ/TW của HNTW4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay
Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012
Điều cốt tử của Đảng là gắn bó máu thịt với nhân dân
23:54
Hoàng Phong Nhã
No comments
QĐND
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 82 năm xây dựng và trưởng thành.
Từ những trang sử vẻ vang của Đảng, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học
quý báu, trong đó sự gắn bó máu thịt của Đảng với nhân dân là vấn đề
cốt tử, không chỉ đối với sự sống còn của Đảng, mà còn đối với sự ổn
định và phát triển bền vững của đất nước.
Trong
lịch sử cũng như trong thế giới đương đại, hiếm có đảng cầm quyền nào
gắn bó máu thịt với nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tư tưởng
chủ đạo “Lấy dân làm gốc”, Đảng ta đã khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của
Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”(1). Đây là
thuộc tính bản chất và là ưu thế vượt trội trong sức mạnh của Đảng.
Chúng
ta tự hào vì 82 năm qua kể từ ngày thành lập, nhờ gắn bó máu thịt với
nhân dân, được nhân dân tin yêu và ủng hộ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta
vượt qua những chặng đường đầy gian khổ hy sinh, giành được những thắng
lợi vĩ đại và có ý nghĩa lịch sử. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành
công đã đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, lập nên nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thể chế chính trị dân chủ đầu tiên ở Đông
Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Nhân
dân ta đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần
về tiềm lực kinh tế và tiềm lực quân sự, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ
Việt Nam. Dân tộc ta tiếp tục vượt qua “cơn lốc lớn” làm sụp đổ chế độ
XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, từng bước thực hiện thắng lợi công
cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, tạo được thế và lực mới để xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thắng lợi đó đã tạo nên sự tiến bộ rõ nét
của xã hội và con người Việt Nam đương đại, đưa nước ta từ một xứ thuộc
địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, ổn định và
phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành
người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và bản thân mình, chất lượng
cuộc sống ngày càng được nâng cao. Những điều này được thực tiễn chứng
minh và khẳng định, không thể phủ nhận. Theo dòng lịch sử, chúng ta ngày
càng cảm nhận sâu sắc giá trị nhân văn của hai từ “Đảng ta” rất giản dị
nhưng vô cùng gần gũi, thân thương mà nhân dân đã tin yêu dành cho
Đảng. Đây cũng là một nét đặc sắc của văn hóa chính trị Việt Nam thời
đại Hồ Chí Minh.
Tuy
nhiên, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân ta rất băn khoăn lo lắng
trước những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, nổi
lên là “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng
viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác
nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội,
thực dụng...”(2). Những hiện tượng tiêu cực và tệ quan liêu, tham nhũng,
xa dân và sách nhiễu dân diễn ra nghiêm trọng, đáng chú ý là trong các
cơ quan công quyền, các lĩnh vực tổ chức cán bộ, xây dựng cơ bản, quản
lý đất đai, quản lý doanh nghiệp Nhà nước và quản lý tài chính - tiền
tệ…, gây nên những bất bình và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối
với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Nguy hiểm nhất là sự chuyển hóa từ cơ
hội, thực dụng về kinh tế sang cơ hội, thực dụng về chính trị, từ tha
hóa về đạo đức, lối sống sang tha hóa về chính trị - tư tưởng; đáng lo
nhất là sự tha hóa của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch – chiến lược.
Khảo
cứu thực tiễn “cơn lốc lớn” làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước
Đông Âu trong những thập niên cuối thế kỷ 20, làn sóng “Mùa xuân A Rập”
từ đầu năm 2011 đến nay cho thấy, khi những người lãnh đạo, quản lý đất
nước trở thành những “đại gia” hoặc gắn bó mật thiết với các “đại gia”,
chạy theo những toan tính cá nhân thực dụng vì đặc quyền của gia tộc và
các “tập đoàn lợi ích đặc biệt” thì họ ngày càng xa dân và mất lòng
dân, làm cho sự phân hóa xã hội và bất bình của nhân dân ngày càng gia
tăng, tạo điều kiện và thời cơ để các thế lực thù địch thúc đẩy “cách
mạng màu” lật đổ chính quyền và làm sụp đổ chế độ xã hội.
“Nước
lấy dân làm gốc” là một chân lý vĩnh hằng. Đảng phải gắn bó máu thịt với
nhân dân thì mới xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, giữ vững vai trò
lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà trong di chúc của
mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Trước hết nói về Đảng” và nhấn mạnh
“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo,
là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tình cảm của nhân dân
đối với Đảng thể hiện tập trung và sâu sắc nhất ở sự cảm nhận trực tiếp
về chủ trương, chính sách và các hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà
nước hợp lòng dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân và cảm
nhận trực tiếp về tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng
viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước.
Phải thực sự vì dân và dựa vào dân mới thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong
công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra và những vấn đề
cấp bách về xây dựng Đảng mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã xác
định.
Cần
tập trung tâm huyết và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng tổ
chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch vững mạnh,
gắn bó máu thịt với nhân dân, có đường lối, chủ trương, chính sách và
hoạt động thực tiễn hợp lòng dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân
dân. Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ
chức đảng cần tăng cường quản lý, giáo dục rèn luyện để nâng cao bản
lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và tổ chức thực
tiễn của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp chiến dịch-chiến lược; đồng thời
bổ sung hoàn thiện cơ chế và hệ thống định chế, đổi mới phương thức
lãnh đạo để nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của
đời sống xã hội, nhất là những quyết sách chiến lược có ý nghĩa chính
trị-xã hội sâu rộng, không để mắc sai lầm chiến lược trong hoạch định và
tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã
hội và bảo vệ Tổ quốc, không hợp lòng dân và làm rạn vỡ sự gắn bó máu
thịt của Đảng với nhân dân.
Tích
cực bổ sung, hoàn thiện các thiết chế, cơ chế quản lý xã hội, cải cách
hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan và cán bộ,
công chức trong bộ máy chính quyền các cấp phải thường xuyên gắn bó mật
thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm, phát huy được
vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội, đồng thời
tăng cường được sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước
pháp quyền XHCN. Chăm lo củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và hiệu
quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, động
viên và tổ chức nhân dân đoàn kết phấn đấu thực hiện thắng lợi đường
lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng
của nhân dân và thực hiện quyền dân chủ.
Vấn đề
then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện có hiệu quả
chiến lược cán bộ đúng đắn. Trong công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ ở các
tổ chức đảng, bộ máy Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, nhất là
những vị trí chủ chốt cần chú ý lựa chọn đúng những người thực sự tiêu
biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và
trình độ tổ chức thực tiễn, gần dân, biết lo cho dân và được dân tin
yêu. Kiên quyết loại bỏ những người có biểu hiện tha hóa về chính trị -
tư tưởng, đạo đức và lối sống, toan tính cá nhân, cơ hội, thực dụng, xa
dân và sách nhiễu dân.
Chăm
lo giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân, tạo được sự đồng thuận xã hội, phát huy
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần
chủ động xây dựng chiến lược phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc, xác lập hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam XHCN và tổ
chức tốt các hoạt động thực tiễn để hiện thực hóa những giá trị đó trong
cuộc sống. Chủ động định hướng nhu cầu văn hóa và sự lựa chọn văn hóa
của các tầng lớp nhân dân, khắc phục sự khủng hoảng về lẽ sống và lối
sống, nhất là ở một bộ phận thanh thiếu niên; tích cực và kiên quyết đấu
tranh chống “cuộc xâm lăng mới về văn hóa” của các thế lực thù địch.
Cần có những đột phá mới trong giáo dục-đào tạo, trên cơ sở mục tiêu
toàn diện là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài,
cần tập trung vào “dạy làm người” theo tư tưởng “trồng người” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, tạo được sự chuyển biến rõ nét, có chiều sâu và độ
vững chắc trong giáo dục về lý tưởng, đạo đức và lối sống của con người
Việt Nam đương đại.
Chủ
động điều tiết sự phân hóa xã hội theo định hướng XHCN, cốt lõi là điều
tiết hài hòa quan hệ lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích cơ bản của công
nhân, nông dân và trí thức, của đồng bào các dân tộc; kiểm soát và điều
tiết thu nhập hợp lý, không để sự phân hóa giàu-nghèo phát triển tự phát
dẫn đến bất bình đẳng và xung đột xã hội. Cùng với khuyến khích làm
giàu chính đáng, cần tích cực đào tạo và giải quyết việc làm cho người
lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện
và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là ở nông thôn,
miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn gian khổ; thực hiện tốt việc “đền
ơn đáp nghĩa” đối với người có công và đối tượng chính sách, thể hiện
sâu sắc tính ưu việt của chế độ XHCN, truyền thống và đạo lý tốt đẹp của
dân tộc Việt Nam.
Các cơ
quan và cán bộ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất
là cán bộ chủ chốt cần giành nhiều tâm huyết và trí tuệ để chỉ đạo và
trực tiếp làm công tác dân vận, quán triệt và thực hiện tốt phong cách
dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân
và có trách nhiệm với dân”. Cần có định chế cụ thể về việc cán bộ lãnh
đạo, quản lý các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân. Thực tiễn cho
thấy, chỉ những cán bộ thực sự có bản lĩnh, trí tuệ và biết giữ mình mới
thẳng thắn và chân tình đối thoại với quần chúng, lắng nghe ý kiến của
nhân dân, kịp thời phát hiện và tích cực giải quyết những khó khăn,
vướng mắc của nhân dân, đồng thời biết thu nhận được nhiều điều bổ ích
từ đối thoại. Cần bổ sung, hoàn thiện các thiết chế tạo điều kiện để
nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực xã hội, tham gia
xây dựng Đảng và Nhà nước XHCN, thực hiện sự giám sát của nhân dân đối
với đạo đức, lối sống và chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên, đấu
tranh chống quan liêu, tham nhũng. Đây là những vấn đề có ý nghĩa chiến
lược và mang tính cấp thiết để “xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách
mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng
và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng
lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng”(3).
Trung tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình
(1). ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.65.
(2), (3). ĐCSVN - Nghị quyết số 12-NQ/TW của HNTW4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay
(2), (3). ĐCSVN - Nghị quyết số 12-NQ/TW của HNTW4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay
0 nhận xét:
Đăng nhận xét