Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012
GDP vẫn tăng trưởng khá nhờ kiều hối và đầu tư công
18:59
Hoàng Phong Nhã
No comments
| Nguyên Minh Cường |
SGTT.VN 01.10.2012 - Trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn cao hơn nhiều so với GDP. Tuy nhiên, điều này đã có sự thay đổi trong chín tháng đầu năm nay. Tăng trưởng tín dụng trong chín tháng đầu năm 2012 chỉ ở mức 2,35% nhưng GDP chín tháng đầu năm lại tăng 4,73%. Trong đó, GDP quý 3 là 5,35%, cao hơn nhiều so với quý 1 (4%) và quý 2 (4,66%). Điều gì khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục cải thiện dù cho tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp?
Khu vực dịch vụ tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt
So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù GDP tăng trưởng thấp hơn nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ đạt 5,97%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp (4,36%) và lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (2,48%). Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 là 0,53%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản lại thấp hơn cùng kỳ năm trước 1,27% và tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn cùng kỳ 1,49%. So với công nghiệp, nông nghiệp thì lĩnh vực dịch vụ thường sử dụng ít vốn hơn và nhu cầu chất xám nhiều hơn. Vì vậy, tín dụng tăng trưởng thấp không tác động nhiều đến lĩnh vực dịch vụ này.
Lĩnh vực dịch vụ ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ trong GDP tiếp tục duy trì đà tăng qua các năm và đã vượt lĩnh vực công nghiệp từ năm 2011. Do vậy, nhờ vào tốc độ tăng trưởng tốt và tỷ trọng lớn nhất trong GDP của lĩnh vực này mà tốc độ tăng trưởng GDP trong chín tháng đầu năm 2012 vẫn khả quan.
Đóng góp của hàng tồn kho vào tăng trưởng công nghiệp
Trong tính toán GDP, lượng hàng tồn kho sản xuất ra vẫn được tính vào GDP. Vì lẽ đó, với lượng hàng tồn kho trong chín tháng đầu năm 2012 vẫn lớn thì tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp vẫn được tính toán ở mức khả quan dù kém hơn lĩnh vực dịch vụ. Theo tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1.9.2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,4% so với thời điểm năm trước. Nhiều ngành trong nhóm ngành công nghiệp chế biến có tỷ trọng tồn kho khá cao như sản phẩm plastic tăng 50,6%, ximăng tăng 50,2%, sắt thép gang tăng 40%, thuốc lá tăng 40,3%, may trang phục tăng 39,4%...
Tuy nhiên tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của lĩnh vực công nghiệp trong những tháng tới nếu như nhu cầu tiêu thụ không được cải thiện. Điều này cho thấy, sự tăng trưởng GDP đối với lĩnh vực công nghiệp tiềm ẩn tính bất định cao. Trừ phi có những thay đổi đáng kể về sức mua của người dân, tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp trong năm tới sẽ có thể còn thấp hơn năm nay và từ đó ảnh hưởng chung tới tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Nguồn vốn từ đâu cho tăng trưởng?
Trong khi tín dụng cho nền kinh tế của các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ tăng rất thấp, 2,35% trong chín tháng đầu năm nay, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn duy trì mức tăng khá tốt. Tính đến tháng 9.2012, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,6% so với năm 2011. Mức tăng này còn cao hơn so với mức tăng của năm 2011 là 5,7%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng có sự đóng góp rất lớn từ khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tỷ trọng của cả hai khu vực này chiếm xấp xỉ 74 – 76% tổng nguồn vốn trong khi tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 24%. Trong tình hình lãi suất cao, tín dụng bị thắt chặt, đầu tư của khu vực nhà nước vẫn tăng trưởng 10,4% còn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng tới 11,8% – cao hơn hẳn so với tốc độ tăng của năm 2011.
Đối với đầu tư của khu vực nhà nước, sự gia tăng của việc này phụ thuộc vào kế hoạch chi tiêu của ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó có đầu tư công. Sau giai đoạn thắt chặt đầu tư công năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012, Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh hoạt động đầu tư công. Theo kế hoạch, trong khoảng sáu tháng cuối năm, khoảng 130.000 tỉ đồng vốn NSNN và trái phiếu chính phủ sẽ được giải ngân. Song song với đó, một phần vốn đầu tư của năm 2013 cũng sẽ được ứng trước trong năm 2012 để đẩy nhanh tiến độ các dự án có khả năng hoàn thành sớm. Theo ước tính của người viết, bình quân mỗi tháng trong nửa cuối năm 2012 sẽ có khoảng 25.000 tỉ đồng vốn đầu tư công được giải ngân. Thực tế, có thể thấy, đầu tư công trong sáu tháng đầu năm 2012 đã tăng từ 6,8% so với cùng kỳ năm trước lên 10,4% so với cùng kỳ năm trước trong chín tháng đầu năm 2012.
Không chỉ có đầu tư công mà đầu tư của khu vực tư nhân cũng tăng mạnh và vượt đầu tư công. Tỷ trọng của khu vực này chiếm 38,8% tổng vốn đầu tư và tăng 11,8%. Lẽ ra, trong tình hình thắt chặt tín dụng thì vốn đầu tư của khu vực này phải giảm sút. Tuy nhiên, vốn đầu tư của khu vực này lại có sự tăng trưởng bất ngờ có lẽ nhờ một phần từ nguồn kiều hối đột biến chuyển về trong nước. Theo ngân hàng nhà nước (NHNN), trong sáu tháng đầu năm 2012, lượng kiều hối chuyển về đạt trên 6 tỉ USD. Dự kiến đến cuối năm 2012, lượng kiều hối có thể đạt khoảng 10 – 11 tỉ USD, cao hơn so với mức 9 tỉ USD của năm 2011. Đây là nguồn vốn dồi dào bù đắp lại một phần thiếu hụt từ nguồn tín dụng suy giảm của NHTM.
Việc lượng kiều hối chuyển về lớn, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì vẫn duy trì tốt khoảng 8,1 tỉ USD và không bị thâm hụt thương mại đã giúp cho cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đạt 8 tỉ USD. Một lượng lớn ngoại tệ này đã được NHNN mua lại giúp cho dự trữ ngoại hối đạt khoảng 23 tỉ USD (tương đương 11,5 tuần nhập khẩu), tăng gấp đôi so với đầu năm. Nguồn tiền từ việc bán ngoại tệ cho NHNN đóng góp một phần vào lượng tiền gửi khiến cho lượng tiền gửi của hệ thống NHTM tăng mạnh 11,23% (tương đương khoảng 274.000 tỉ đồng).
Như vậy, mặc dù tăng trưởng tín dụng chín tháng đầu năm không lớn nhưng nền kinh tế vẫn nhận được dòng vốn lớn từ nước ngoài, đặc biệt là kiều hối. Cùng với đó, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong các tháng cuối năm đã bù đắp một phần cho nguồn tín dụng bị thiếu hụt. Tuy nhiên, nếu tồn kho tiếp tục gia tăng kéo dài thì tăng trưởng GDP năm sau sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét