Từ lâu lý thuyết phân quyền đã chỉ ra rằng ngành “hành pháp” (Exekutive) là một trong ba nhánh quyền lực nhà nước cùng với lập pháp (Legislative) và tư pháp (Judikative). Tuy nhiên khoa học pháp lý trên thế giới nói chung và ở Đức nói riêng hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất đủ trọn nghĩa mô tả "hành pháp" là gì, lý do là nhánh quyền này ngày nay có phạm vi nhiệm vụ rất rộng và cấu trúc tổ chức rất đa dạng. Trong khi chưa có một định nghĩa thống nhất, ở Đức người ta tạm sử dụng định nghĩa theo phương pháp phủ định cổ điển (die „klassische“ Negativdefinition), theo đó ngành hành pháp là ngành quyền lực không phải là ngành lập pháp và cũng không phải là ngành tư pháp (nicht Gesetzgebung und nicht Rechtsprechung). Bài viết dưới đây giới thiệu cách phân biệt Chính phủ và Hành chính ở Đức, đồng thời giới thiệu khái quát về vị trí pháp lý, qui trình thành lập, thẩm quyền và trách nhiệm của các thiết chế này.
I. PHÂN BIỆT GIỮA CHÍNH PHỦ VÀ HÀNH CHÍNH
Xét về lịch sử, trước khi Luật cơ bản năm 1949 ra đời, ở Đức không có sự phân biệt giữa Chính phủ và Hành chính (ví dụ Hiến pháp Cộng hòa Weimar). Các nhà khoa học luật nhà nước đã chỉ ra rằng, đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chồng chéo, lẫn lộn giữa hoạt động điều hành đất nước với những hoạt động thi hành luật cụ thể. Thiếu sự phân định, Thủ tướng và các Bộ trưởng không tập trung hoặc không đưa ra được những quyết sách lớn phát triển đất nước mà sẽ tập trung vào những vấn đề có tính vụ việc cụ thể - những công việc nhẽ ra phải thuộc nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trực thuộc.
Khắc phục những hạn chế từ lịch sử, hiện nay Hành pháp ở Đức được phân chia thành hai bộ phận là Chính phủ - Regierung (Gubernative) và Hành chính - Verwaltung (Administration).
Theo Điều 65 Luật cơ bản (dưới đây viết tắt là LCB), Chính phủ là cơ quan hiến định có nhiệm vụ điều hành đất nước (Staatsleitung) được thể hiện thông qua việc xây dựng và quyết định các chính sách chính trị của liên bang, trình dự án luật, ban hành văn bản pháp quy và giám sát điều hành hoạt động thi hành pháp luật.
Khác với Chính phủ, theo Điều 83 LCB, Hành chính bao gồm một hệ thống các cơ quan có nhiệm vụ thi hành luật (Gesetzesvollzug). Các cơ quan này có nhiệm vụ hỗ trợ các Bộ trưởng trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ đó phụ trách (Unterstützung des Ministers), trong đó đặc biệt là công tác chuẩn bị các dự án luật (Gesetzesvorbereitung) và thi hành luật liên quan đến những lĩnh vực mà ngành mình phụ trách.
Điều 62 LCB qui định: Chính phủ liên bang (hay Nội các - Kabinett) gồm có Thủ tướng (Bundeskanzler) và các Bộ trưởng (Bundesministern).
Chính phủ liên bang là cơ quan có quyền đưa ra và quyết định chính sách chính trị của liên bang để điều hành đất nước (Staatsleitung) (Điều 32 khoản 1 và Điều 59 LCB).
Ngoài ra Chính phủ là cơ quan có quyền quyền trình dự án luật và ban hành văn bản pháp qui. Thẩm quyền trình dự án luật thể hiện sự tác động trực tiếp của Chính phủ vào hoạt động lập pháp. Quyền ban hành văn bản pháp qui thể hiện tính độc lập của Chính phủ với các thiết chế khác.
Việc thành lập Chính phủ theo Điều 63, 64 LCB gồm có 2 bước:
- Bước 1: Hạ nghị viện (Bundestag) bầu người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng (Điều 63 LCB),
- Bước 2: Các thành viên Chính phủ là các Bộ trưởng liên bang được Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. (Điều 64 Khoản 1 LCB).
Thủ tướng là thiết chế duy nhất do Hạ nghị viện bầu. Theo Điều 63 LCB, qui trình được tiến hành theo nguyên tắc 3 vòng như sau:
- Vòng 1: Tổng thống đề cử Thủ tướng để Hạ viện bầu. Nếu ứng viên Thủ tướng đạt tỉ lệ đa số tuyệt đối (50% + 1), qui trình bầu cử thành công. Nếu không đạt được đa số tuyệt đối, tiến hành bầu tiếp vòng 2.
- Vòng 2: 1/4 số Nghị sĩ Nghị viện đề cử Thủ tướng để Hạ viện bầu. Nếu được đa số tuyệt đối (50% + 1), qui trình bầu cử thành công. Nếu không đạt được tiến hành bầu tiếp vòng 3.
- Vòng 3: Nghị viện sẽ đề cử một danh sách các ứng viên Thủ tướng. Lúc này có 2 khả năng: Nếu có ứng viên đạt đa số tuyệt đối (50% + 1), bầu cử vòng 3 coi như thành công. Nếu không đạt được đa số, lúc này Tổng thống có quyền quyết định một trong hai khả năng: Bổ nhiệm trong số các ứng viên người có số phiếu cao nhất làm thủ tướng hoặc giải tán Hạ viện để bầu cử mới.
Hình minh họa: Qui trình bầu Thủ tướng ở CHLB Đức theo Điều 63 Luật cơ bản (Tiếng Đức) |
Theo Luật cơ bản, các Bộ trưởng không nhất thiết phải là Nghị sĩ (thành viên của Hạ nghị viện). Hiện nay ngoại trừ Philipp Rösler (Bộ trưởng Bộ Y tế) thì các thành viên của Chính phủ đều đồng thời là các thành viên của Hạ viện liên bang Đức.
3. Thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng và Chính phủ
Thẩm quyền của Chính phủ được phân chia thành hai nhóm:
- Những thẩm quyền mà Thủ tướng hoặc Bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân;
- Những thẩm quyền mà tập thể Chính phủ chịu trách nhiệm với tính chất là cơ quan đồng trách nhiệm (Kollegialorgan)
- Quyền điều hành Chính phủ (Geschäftsleitungskompetenz): Theo Điều 65 Khoản 4 LCB và các Điều 2, 6 và 22 khoản 1 Luật tổ chức Chính phủ), Thủ tướng có quyền điều hành hoạt động và chủ trì các phiên họp của Chính phủ.
- Quyền quyết định về tổ chức và nhân sự (Kabinettsbildungsrecht): Thủ tướng có thể quyết định số lượng, cơ cấu các Bộ, có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm các Bộ trưởng. Trong Luật cơ bản chỉ có 3 Bộ là Bộ quốc phòng (Das Bundesministerium der Verteidigung – Điều 65a LCB), Bộ tài chính (das Bundesministerium der Finanzen – Điều 108 khoản 3 câu 2 LCB) và Bộ tư pháp (das Bundesministerium der Justiz – Điều 96 Khoản 2 Câu 4 LCB). Thủ tướng có thể thành lập mới (neu errichten), bãi bỏ (auflösen) hoặc sáp nhập (zusammenlegen) bất cứ một Bộ mới nào.
- Quyền đưa ra những quyết sách (Richtlinienkompetenz): Thẩm quyền quan trọng nhất của thủ tướng là quyền xác lập con đường chính trị của Chính phủ. Theo Điều 65 Câu 1 LCB, thủ tướng đề ra con đường chính trị của Chính phủ (die Richtlinien der Politik) và qua đó tự chịu trách nhiệm (die Verantwortung). Khái niệm „Richtlinien“ ở đây được hiểu là những quyết định có tính chính trị chung và cơ bản (die allgemeinen und grundlegendenden politischen Entscheidungen).
1. Sự phân chia hành pháp thành hai bộ phận là Chính phủ - Regierung (Gubernative) và Hành chính - Verwaltung (Administration) là sự phân chia khoa học và thực tế đã đem lại hiệu quả rất thiết thực về phương diện tổ chức và hoạt động của ngành hành pháp ở CHLB Đức.
2. Trong Hạ viện liên bang Đức hiện nay không có đảng nào chiếm được đa số (khác với ở Anh và Mỹ). Do đó ở Đức luôn tồn tại một liên minh giữa các Đảng để bầu Thủ tướng liên bang. Hiện nay Chính phủ do bà Merkel làm thủ tưởng chỉ bao gồm các thành viên của liên minh Đảng CDU/CSU và FDP. Các Đảng phái khác trong Hạ nghị viện trở thành các Đảng đối lập. Những Đảng này có nhiệm vụ phản biện và chỉ ra những khiếm khuyết của Chính phủ.
3. Trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và các Bộ trưởng rất cao và cũng rất rõ ràng trong Luật cơ bản. Thủ tướng là người có rất nhiều quyền hành nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn về con đường chính trị của Chính phủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét