* TS. CHLB Đức
Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013
HIẾN PHÁP VÀ QUYỀN CHẤT VẤN CHÍNH PHỦ
23:10
Hoàng Phong Nhã
No comments
TS Nguyễn Sỹ Phương*, theo Tia Sáng
Đề án “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt
động Quốc hội“ với đề xuất, “Quốc hội sẽ tăng cường hoạt động chất vấn,
trả lời chất vấn“… may mắn ra đời đúng vào giai đoạn sửa đổi Hiến pháp.
Bởi quyền và khả năng chất vấn chính phủ hoàn toàn do Hiến pháp định
đoạt, một khi không giải quyết được từ nền tảng gốc rễ này, thì đề án có
đặt ra mục tiêu cao cả, biện pháp thần kỳ tới mấy, cũng không thể vượt
qua giới hạn Hiến pháp cho phép, tức không khả thi, giá trị chỉ như một
bản luận án khoa học thuần túy.
Quyền chất vấn chính phủ được hiến định
gián tiếp ở nhiều nước, hoặc trực tiếp như Hiến pháp nước ta năm 1992,
điều 98 quy định: Đại biểu Quốc hội có “quyền” chất vấn tất cả, từ “Chủ
tịch nước” tới cấp thấp nhất “các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang”.
Phiá được chất vấn “phải“ trả lời. Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, điều
73 cũng tương tự, chỉ khác phạm vi hẹp hơn, giới hạn chỉ trong “phiên
họp“ và chỉ nhắm vào chính phủ cùng các bộ và ủy ban (như thực tế các
phiên chất vấn ở Quộc hội ta hiện nay). Hiến pháp Đức hiện hành, điều
43, còn đi xa hơn không chỉ nói mà cả hành động: “Quốc hội và các Ủy ban
có thể đòi bất cứ thành viên nào của chính phủ hiện diện“.
Khác với người dân được phép làm tất cả
chỉ trừ những gì luật pháp cấm, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước
chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, do đó để thực hiện được quyền
chất vấn hiến định cần đưa ra được những chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử
sự của một văn bản pháp lý buộc cả hai phiá chất vấn và bị chất vấn
phải tự động thực hiện nếu không sẽ bị chế tài (điều kiện cần).
Có thể nhận thấy điều kiện cần đó qua
thiết chế cơ quan lập pháp Đức, về quyền chất vấn hiến định, Luật Hoạt
động Quốc hội Đức quy định thi hành chi tiết, với những chuẩn mực, thước
đo, quy tắc xử sự, chặt chẽ, không thể thực hiện khác đi theo động cơ
hay nhận thức chủ quan cá nhân, hoặc bởi bất cứ áp lực nào. Phụ lục 4, Mục 1, Quyền chất vấn, quy định:
Mỗi tuần họp Quốc hội đều có phiên chất vấn không quá 180 phút, mỗi
nghị sỹ có quyền đặt tối đa 2 câu hỏi, mỗi câu không qúa 2 điểm, yêu cầu
chính phủ trả lời miệng. Câu hỏi và trả lời phải ngắn, đi vào vụ việc
cụ thể, không được nhận xét đánh giá chung chung. Người hỏi có quyền lục
vấn tiếp người trả lời không qúa 2 câu. Người điều khiển phiên họp chỉ
được phép cắt câu hỏi lục vấn khi không liên quan tới câu hỏi chính. Mục 2: Thủ tục đặt câu hỏi:
Câu hỏi phải gửi Chủ tịch Quốc hội trước 10 giờ ngày thứ 6 của tuần họp
trước , đồng gửi Chính phủ trước 12 giờ, và chỉ được đưa vào nghị trình
khi thoả mãn đòi hỏi ở mục 1. Những câu hỏi khẩn cấp phải trình trước
12 giờ của ngày trước đó. Mục 3: Chủ tịch Quốc hội mời chất vấn theo số thứ tự câu hỏi và tên người hỏi.
Những câu hỏi khẩn cấp sẽ ưu tiên trước. Câu hỏi chỉ được trả lời miệng
khi có mặt người hỏi; nếu không, sẽ được trả lời bằng văn bản nếu người
hỏi đề nghị trước phiên họp với Chủ tịch Quốc hội. Những câu hỏi hết
thời gian trả lời, Chính phủ phải trả lời bằng văn bản, cũng được đưa
vào biên bản cuộc họp. Mục 4: Câu hỏi bằng văn bản: Mỗi Nghị sỹ
có quyền, mỗi tháng gửi Chính phủ tối đa 4 câu hỏi, và Chính phủ trả
lời bằng văn bản sau khi nhận trong vòng 1 tuần. Nếu quá thời hạn trả
lời, người hỏi có thể đòi phải trả lời miệng đầu tiên trong phiên chất
vấn tiếp đó. Nếu Chính phủ trả lời kịp trước khi chất vấn, thì tại phiên
chất vấn phải giải thích lý do chậm trễ. Phụ lục 7: Quyền tìm hiểu công việc Chính phủ,
được quy định tiến hành vào thứ 4 tuần họp, từ 13 giờ – 13 giờ 30. Nghị
sỹ được phép hỏi miệng không cần gửi câu hỏi trước như phiên chất vấn,
để biết về những vấn đề bàn thảo trong cuộc họp định kỳ hàng tuần của
Chính phủ trước đó. Trước khi bắt đầu, đại diện Chính phủ được nói lời
mở đầu, nếu có người yêu cầu, không quá 5 phút.
Với những chuẩn mực pháp lý đong đo đếm
được trên, trong năm 2011, nghị sỹ Đức đã chất vấn Chính phủ tới 6.545
câu hỏi, tính ra mỗi nghị sỹ chất vấn Chính phủ trên 10 câu trong 1 năm,
chưa kể các câu lục vấn.
Quyền chất vấn được hiến định, luật hoá,
chỉ mới là tiền đề, tức điều kiện cần, muốn thực hiện được phải có điều
kiện đủ, tức Quốc hội phải đủ khả năng, thực lực thực hiện quyền chất
vấn đó, nếu không sẽ “lực bất tòng tâm“. Muốn biết thực lực Quốc hội cỡ
bao nhiểu là đủ so với quyền chất vấn đặt ra trong đề án “tiếp tục đổi
mới, nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội“, cần phải lượng hoá được
điểm xuất phát thực lực Quốc hội ta hiện nay, trong các mối quan hệ so
sánh.Khối lượng lập pháp 5 năm nhiệm kỳ trước, Quốc hội ta ban hành được
68 luật và 12 nghị quyết, tương đương 20 văn bản lập pháp / năm. Để
hình dung độ lớn của nó, có thể tham khảo con số đó ở Đức tương đồng dân
số và diện tích như nước ta. Cùng nhiệm kỳ đó, Quốc hội họ thông qua
tới 101 luật, gấp chừng 505 % nước ta. Để có kết qủa trên, họ phải họp
69 phiên toàn thể, bình quân mỗi tháng 5 phiên, mỗi tuần hơn 1 phiên với
ít nhất 1 buổi chất vấn, chưa kể chất vấn tại các ủy ban; ở ta số phiên
họp chỉ giới hạn trong 2 kỳ tập trung của 1 năm, với mỗi kỳ chỉ 1 phiên
chất vấn, ước bằng khoảng 2/69 của họ.
Sự khác nhau về công sức bỏ ra và kết qủa
đạt được ở trên, bắt nguồn trực tiếp từ tương quan so sánh thực lực 2
bên. Quốc hội ta chỉ có 494 đại biểu, trong đó lại chỉ có 100 đại biểu
chuyên trách, nếu quy đổi thời lượng làm việc 2 kiêm nhiệm tối đa bằng 1
chuyên trách, thì thực tế chỉ còn 297 đại biểu, chưa bằng một nửa so
với Đức 622 nghị sỹ. Nếu lấy lịch làm việc quy đổi, quốc hội Đức làm
việc liên tục 11 tháng (trừ nghỉ phép 1 tháng), mỗi tháng 2,25 tuần họp
liên tục, so với quốc hội ta chỉ làm việc tập trung 2 tháng x 4,5
tuần/tháng, thì thời lượng Quốc hội họ làm việc gấp gần 3 lần ta. Nếu
cộng chung cả yếu tố chênh lệch số đại biểu, thì thời lượng quốc hội họ
làm việc gấp tới 6 lần ta. Đã thế, mỗi nghị sỹ họ được cấp ngân sách đủ
trả lương cho 3 trình độ đại học giúp việc / 1 nghị sỹ, nghĩa là qũy
thời gian của 1 nghị sỹ họ gấp 4 lần ta chỉ mình đại biểu quốc hội “đơn
thương độc mã“. Cộng tiếp yếu tố này, thời lượng họ làm việc nhiều gấp
ta ước 24 lần.
Giả sử chất lượng văn bản luật ngang
nhau, lấy số văn bản luật 2 bên đã hoàn thành chia cho tổng thời lượng
thực hiện, để so sánh, thì năng suất họ chỉ bằng 20% ở ta, nghĩa là nghị
sỹ ta nỗ lực gấp họ 4 lần. Ngược lại, nếu giả thiết 2 bên trình độ và
nỗ lực ngang nhau, thì do thời lượng chi phí của họ gấp 24 lần ta, nên
văn bản luật của họ không chỉ số lượng gấp ta hơn 5 lần, mà chất lượng
cũng gấp ta tới 4 lần. Thực tế không thể định lượng tuyệt đối, nhưng
chắc chắn tỷ lệ giữa 2 nước phải nằm trong khoảng 2 giới hạn giả định
trên.
Nếu điều kiện cần cho đề án, có thể dễ
dàng tham khảo chọn lọc văn bản luật pháp các nước tiên tiến, như đưa ra
quy định số lượng, thời lượng, trách nhiệm chất vấn và trả lời chất vấn
tương tự cách thức của Đức chẳng hạn, thì việc bảo đảm điều kiện đủ,
tức để Quốc hội đủ khả năng thực hiện nó, khắc phục thực lực hiện nay
như đã dẫn, lại đặt ra hàng loạt vấn đề cải cách thể chế, mà đối tượng
đầu tiên chính là bản thân Quốc hội, và trước hết phải bắt đầu từ nền
tảng các điều khoản Hiến pháp liên quan. Bởi chính Hiến pháp 1992 đã
giới hạn khả năng chất vấn của Quốc hội cả về lực lượng lẫn thời gian.
Về thời gian hoạt động của Quốc hội, điều 86 Hiến pháp đã giới hạn sẵn:
Quốc hội mỗi năm 2 kỳ họp, vô hình trung đặt Quốc hội vào tình thế bất
khả kháng, dù năng lực ý chí cao tới đâu, cũng không thể chất vấn tầm
cấp như Đức cần 11 tháng họp định kỳ. Về lực lượng, đã gọi là Đại biểu
Quốc hội, thì họ chỉ đóng vai trò đại biểu, xuất phát từ bầu cử, chứ
không phải toàn những nhà thông thái “tài tử chính trị“, nên cần phải
đầu tư công sức thời gian cật lực cho công việc, may ra mới hoàn thành
được trọng trách cao cả nhất do cử tri giao phó, nhưng Điều 100 Hiến
pháp không thể chế tài họ, mà chỉ có thể kêu gọi tinh thần: “Đại biểu
Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu“, xuất phát từ
thiết chế Quốc hội cơ cấu Đại biểu không chuyên nghiệp, tức không dùng
100% qũy thời gian làm việc, không sống bằng tiền lương nghị sỹ, làm sao
đủ thời gian tâm huyết, để có thể chất vấn “đúng“ và “trúng“ ? Ở Đức
lao động thời lượng như vậy được gọi lao động bán phần hay làm thêm. Họ
không đủ khả năng và cũng không thể đòi họ đóng vai trò chuyên gia cho
công việc đó !
——
* TS. CHLB Đức
* TS. CHLB Đức
___
Tiếng
Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi
khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã
được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của
Tiếng Nói Dân Chủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét