Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013
K. Marx nói về quan hệ giữa lao động làm thuê và tư bản
13:35
Hoàng Phong Nhã
No comments
Cái gì diễn ra trong sự trao đổi giữa nhà tư bản và công nhân làm thuê?
Trích từ tác phẩm Lao động làm thuê và Tư bản của Karl Marx, viết năm 1847.
Công nhân đổi lao động của mình lấy tư
liệu sinh hoạt, nhà tư bản đổi tư liệu sinh hoạt của mình lấy lao động,
lấy hoạt động sản xuất của công nhân; lấy cái sức sáng tạo mà nhờ đó,
người lao động không chỉ bù lại cái đã tiêu dùng, mà còn đem lại cho lao động tích lũy một giá trị lớn hơn giá trị của nó trước kia.
Công nhân nhận một phần tư liệu sinh hoạt của nhà tư bản. Anh ta lấy
những tư liệu sinh hoạt ấy làm gì? Để tiêu dùng trực tiếp. Nhưng ngay
khi tôi dùng những tư liệu sinh hoạt ấy, thì đối với tôi, chúng đã hoàn
toàn biến mất; trừ khi tôi dùng khoảng thời gian có được nhờ sử dụng
chúng, để tạo ra những tư liệu sinh hoạt mới, để tạo ra những giá trị
mới bằng lao động của mình; nhằm thay cho những giá trị đã được sử dụng,
và đã mất đi. Nhưng chính cái sức tái sản xuất cao quí đó lại bị công
nhân đem cho nhà tư bản, để đổi lấy những tư liệu sinh hoạt mà anh ta
nhận về. Do đó, với bản thân anh ta, sức tái sản xuất ấy đã mất đi rồi.
Hãy lấy một ví dụ. Một người làm công
làm việc cả một ngày trên mảnh ruộng của chủ, để nhận được 1 đồng, còn
chủ ruộng nhờ lao động ấy mà thu được 2 đồng. Người chủ không chỉ thu
lại được số giá trị mà mình đã trả cho người làm công nhật, ông ta còn
lấy được gấp đôi số đó. Vậy là ông ta đã tiêu dùng một cách sinh lợi,
một cách sản xuất, 1 đồng mà mình trả cho người làm công nhật. Ông ta
dùng 1 đồng đó để mua sức lao động của người làm công, sức lao động ấy
tạo ra một giá trị gấp đôi, và 1 đồng biến thành 2 đồng. Ngược lại,
người làm công nhật đem trao đổi sức sản xuất của mình, thành quả của
sức lực đó thuộc về người chủ, để lấy 1 đồng; 1 đồng đó lại được anh ta
trao đổi lấy những tư liệu sinh hoạt, để sử dụng trong một thời gian
ngắn hoặc dài. Vậy là 1 đồng đó được tiêu dùng theo hai cách: với nhà tư
bản là một cách tái sản xuất, vì 1 đồng đó được trao đổi lấy sức lao động, sức lực ấy lại tạo ra 2 đồng; còn với công nhân là một cách không sản xuất,
vì 1 đồng đó được trao đổi lấy những tư liệu sinh hoạt, mà cái đó sẽ
mất đi hẳn, và anh ta chỉ có lại được giá trị ấy bằng cách lặp lại sự
trao đổi với người chủ. Như thế là tư bản giả định phải có lao động
làm thuê, còn lao động làm thuê giả định phải có tư bản. Chúng qui định
lẫn nhau, cái nọ tạo ra cái kia.
Có phải công nhân xưởng dệt vải bông chỉ
làm ra vải bông? Không. Anh ta còn sản xuất ra tư bản. Anh ta tạo ra
những giá trị, những giá trị này lại được dùng để thống trị lao động của
anh ta, nhằm dùng lao động đó để tạo ra những giá trị mới.
Tư bản chỉ có thể sinh sôi nảy nở bằng
cách trao đổi với sức lao động, và tạo ra lao động làm thuê. Sức lao
động của công nhân làm thuê chỉ có thể trao đổi với tư bản nếu nó làm
tăng thêm tư bản, làm mạnh thêm chính cái thế lực đang nô dịch nó. Vậy, sự tăng lên của tư bản có nghĩa là sự tăng lên của giai cấp vô sản, tức là giai cấp công nhân.
Và thế là giai cấp tư sản và các nhà kinh tế học của nó khẳng định rằng: lợi ích của nhà tư bản và của công nhân là một.
Và thực tế là đúng thế! Nếu tư bản không thuê công nhân làm việc thì
công nhân sẽ chết. Nếu tư bản không bóc lột sức lao động thì tư bản sẽ
chết, mà muốn bóc lột sức lao động thì nó phải mua sức lao động. Tư bản
dùng cho sản xuất - tức là tư bản sản xuất - càng tăng nhanh, công
nghiệp càng phồn vinh, giai cấp tư sản càng giàu lên, việc kinh doanh
càng phát đạt; thì nhà tư bản càng cần nhiều công nhân, và công nhân
càng bán mình với giá cao.
Vậy, điều kiện tiên quyết của việc công nhân có được một đời sống chấp nhận được, đó là sự tăng lên càng nhanh càng tốt của tư bản sản xuất.
Nhưng sự tăng thêm của tư bản sản xuất
là gì? Đó là việc lao động tích lũy có thêm quyền lực với lao động sống,
là việc giai cấp tư sản có thêm quyền thống trị với giai cấp công nhân.
Khi lao động làm thuê tạo ra của cải cho kẻ khác, thứ của cải thống trị
nó, thù địch với nó, tức là tư bản; thì nó nhận được công ăn việc làm,
tức là tư liệu sinh hoạt, với điều kiện là nó lại phải trở thành một bộ
phận của tư bản, trở thành cái đòn bẩy, ném tư bản vào cuộc vận động mở
rộng ngày càng nhanh.
Nói rằng "lợi ích của tư bản và của
công nhân là một" thì chỉ có nghĩa là: tư bản và lao động làm thuê là
hai mặt của cùng một quan hệ. Cái này qui định cái kia, cũng như kẻ cho
vay và người đi vay qui định lẫn nhau.
Chừng nào công nhân làm thuê vẫn là công
nhân làm thuê, thì số phận của anh ta còn do tư bản định đoạt. Cái lợi
ích chung của công nhân và của nhà tư bản, mà người ta tán tụng, là như
thế đấy.
1Nếu
tư bản tăng lên thì khối lượng lao động làm thuê tăng lên, số công nhân
làm thuê nhiều thêm; tóm lại là tư bản thống trị một khối người đông
hơn.
Hãy giả định một trường hợp thuận lợi
nhất: tư bản sản xuất tăng lên, lượng cầu về lao động cũng tăng. Do đó
mà giá của lao động, tức là tiền lương, tăng lên.
Một ngôi nhà có thể lớn hoặc nhỏ, chừng
nào những ngôi nhà xung quanh cũng nhỏ như thế, thì ngôi nhà ấy vẫn thỏa
mãn mọi yêu cầu xã hội về nhà ở. Nhưng nếu có một tòa lâu đài mọc lên
cạnh ngôi nhà nhỏ đó, thì ngôi nhà tụt xuống thành một túp lều. Lúc này,
ngôi nhà nhỏ ấy nói lên rằng người chủ của nó có rất ít, hoặc hoàn toàn
không có địa vị xã hội; và dù ngôi nhà nhỏ có lớn lên trong tiến trình
của nền văn minh, mà tòa lâu đài bên cạnh cũng lớn lên với mức độ như
vậy hoặc mạnh hơn, thì người sống trong ngôi nhà nhỏ sẽ thấy ngày càng
khó chịu, không thỏa mãn và ngột ngạt trong bốn bức tường của mình.
Sự tăng lên đáng kể của tiền công giả
định sự tăng lên nhanh chóng của tư bản sản xuất. Sự tăng lên nhanh
chóng của tư bản sản xuất gây ra sự tăng lên nhanh chóng của của cải, sự
xa hoa, những nhu cầu và hưởng thụ của xã hội. Vậy, dù sự hưởng thụ mà
công nhân có thể có đã tăng lên, thì nó lại giảm đi khi so với sự hưởng
thụ ngày càng tăng lên của nhà tư bản, mà công nhân không với tới được,
và khi so với trình độ phát triển của xã hội nói chung. Những nhu cầu và
hưởng thụ của chúng ta là do xã hội sinh ra, thế nên ta so sánh chúng
với xã hội, chứ không phải với những vật phẩm để thỏa mãn chúng. Vì
chúng có tính chất xã hội, nên chúng có tính chất tương đối.
Nhưng tiền lương nói chung không được qui định bởi lượng hàng hóa mà nó có thể đổi lấy. Còn có những yếu tố khác.
Cái mà công nhân trực tiếp nhận được từ
sức lao động của mình là một số tiền nhất định. Có phải tiền lương chỉ
do cái giá bằng tiền đó qui định hay không?
Vào thế kỉ XVI, sự lưu thông vàng bạc ở
châu Âu tăng lên, do việc tìm ra ở châu Mĩ những mỏ giàu hơn và dễ khai
thác hơn. Giá trị của vàng bạc vì thế mà hạ xuống so với các hàng hóa
khác. Công nhân thì vẫn lĩnh cùng một lượng bạc như trước cho sức lao
động của mình. Giá tiền của công việc của họ vẫn giữ nguyên, nhưng tiền
lương của họ thì đã giảm, vì với cùng một lượng bạc ấy, họ trao đổi được
một lượng hàng hóa khác ít hơn. Đó là một trong những điều kiện làm
tăng thêm tư bản, khiến giai cấp tư sản nổi lên trong thế kỉ XVI.
Hãy lấy một trường hợp khác. Mùa đông
năm 1847, do mất mùa nên giá của những tư liệu sinh hoạt cần thiết nhất -
lúa mì, thịt, bơ, pho-mát, v.v. - đã tăng vọt. Hãy giả định rằng công
nhân vẫn nhận được cùng một số tiền như trước cho sức lao động của mình.
Chẳng phải tiền lương của họ đã giảm đi hay sao? Tất nhiên là thế. Với
cùng số tiền đó, họ trao đổi được ít bánh mì, thịt, v.v. hơn. Tiền lương
của họ giảm, không phải vì giá trị của bạc giảm, mà vì giá trị của các
tư liệu sinh hoạt đã tăng.
Sau cùng, hãy giả định là giá tiền của
sức lao động thì giữ nguyên, trong khi tất cả những sản phẩm nông nghiệp
và công nghiệp đều giảm giá, do việc sử dụng máy móc mới, hoặc do được
mùa, v.v. Lúc đó, với cùng một số tiền, công nhân có thể mua nhiều hàng
hóa hơn, thuộc đủ các loại. Vậy là tiền lương của họ đã tăng, chỉ vì giá
tiền của nó không thay đổi.
Thế là giá tiền của sức lao động, tức là
tiền lương danh nghĩa, không khớp với tiền lương thực tế, tức là lượng
hàng hóa thực sự có thể mua bằng tiền lương. Vậy, khi nói tới việc tăng
giảm tiền lương, ta phải nhớ tới cả tiền lương thực tế, chứ không chỉ có
giá tiền của sức lao động, hay là tiền lương danh nghĩa.
Nhưng cả tiền lương danh nghĩa - tức là
số tiền mà công nhân có được khi bán mình cho nhà tư bản, lẫn tiền lương
thực tế - tức là lượng hàng hóa mà anh ta có thể mua bằng số tiền đó,
cũng chưa phải là tất cả những quan hệ bao hàm trong vấn đề tiền lương.
Trên hết, tiền lương còn được qui định
bởi quan hệ của nó với tiền lãi, với lợi nhuận của nhà tư bản. Đó là
tiền lương so sánh, tiền lương tương đối.
Tiền lương thực tế biểu hiện giá của sức
lao động, trong quan hệ với giá của các hàng hóa khác; mặt khác, tiền
lương tương đối biểu hiện cái phần mà lao động trực tiếp thu được từ giá
trị mới mà nó tạo ra, so với phần mà lao động tích lũy thu được.
Theo MARXISTS.ORG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét