Mùa xuân bão táp ở Ả rập
Một loạt chế độ tại Ả rập – từng ưỡn
ngực với sự “đặc thù” của văn hóa Hồi giáo mà từ chối nền dân chủ – đã
đồng loạt đi đến hồi kết. Tất cả được châm mồi với chỉ một đốm lửa ở
Tunisia hai năm trước.
…Trong Mùa xuân Ả rập, cựu Tổng thống
Yemen Ali Saleh đã ra đi theo một cách êm ả nhất có thể: ông từ chức sau
33 năm cầm quyền và sang Mỹ đổi lại quyền miễn tố, để lại một Yemen
kiệt quệ và đối mặt với các cuộc nổi dậy và nội chiến.
Hầu hết trong số đó đều tiếp tục nhiệm
kỳ của mình sau các cuộc “bầu cử” không có ứng cử viên đối lập và chiến
thắng với tỷ lệ phiếu bầu cực cao. Nhưng sự “tín nhiệm cao” đó không che
giấu được những vấn đề trầm trọng của dân chúng và khối tài sản kếch xù
của những nhà cầm quyền.
Và những cuộc nổi dậy của “Mùa xuân Ả
rập” đã lột tả bản chất của sự “tín nhiệm cao” chính là sự sợ hãi của
dân chúng, chứ không phải vì đó là chính quyền của nhân dân như các nhà
độc tài vẫn tự xưng.
Nhưng sự cai trị bằng nỗi sợ hãi của dân
chúng cũng tạo ra sự căm phẫn âm ỉ, và nó sẽ bùng lên khi tích tụ đủ
mạnh và có một mồi lửa ném vào.
Cái giá mà đất nước họ phải trả còn lớn
hơn thế. Là sự kiệt quệ của dân chúng do sự bòn rút của họ. Là sự hèn
đụt và tính thụ động của dân chúng do sự đe dọa của họ. Là sự khủng
hoảng lòng tin và đạo đức của dân chúng, do sự cai trị vô đạo đức và
chia rẽ dân chúng của họ. Và cuộc nổi dậy như một vết thương được làm
loét thêm, do tâm lý trả thù không chỉ nhằm vào nhà độc tài mà còn hướng
cả vào những người từng tham gia hệ thống ấy, và những người được lợi
nhờ hệ thống ấy, tạo ra một xã hội bị chia rẽ.
Mùa xuân ấm áp với Myanmar
Myanmar, giành độc lập năm 1948, bị hết
thống tướng này đến thống tướng khác cai trị sau cuộc đảo chính quân sự
năm 1962. Trong ngôn ngữ của chính trị học, đó là chế độ Qủa đầu (độc
tài nhóm), một hình thức tinh vi hơn của độc tài cá nhân.
Dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi
chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của
những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước. Đó là nguyên
nhân Myanmar từ vị thế là một đất nước phát triển hàng đầu châu Á đầu
thập kỷ 1960 đã tụt hậu và kiệt quệ thành một nước lạc hậu nhất ở Đông
Nam Á những năm qua.
Đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc vào cường quốc láng giềng, giới lãnh đạo Myanmar đã có những thay đổi kịp thời và ngoạn mục.
Cuộc bầu cử dân sự năm 2010 tưởng như
chỉ là mang tính hình thức để hợp thức hóa sự cai trị của những tướng
lĩnh cũ, mà Tổng thống được bầu vào Mùa xuân 2011 Thein Sein nằm trong
số này. Lần đầu tiên nắm quyền cao nhất ở Myanmar, vị tướng cũ đã từ bỏ
đường lối cai trị độc tài, bằng cách chấm dứt những dự án của cường quốc
láng giềng gây nguy hại cho Myanmar, công nhận đảng đối lập và tổ chức
cuộc bầu cử bổ sung tự do vào Mùa xuân 2012, phóng thích hàng loạt tù
nhân lương tâm, và cho phép tự do báo chí.
Myanmar còn có một nhân vật vĩ đại nữa
làm biểu tượng cho quá trình dân chủ hóa: Aung San Suu Kyi, người đã để
lại gia đình của mình ở nước Anh để trở về nước vận động dân chủ năm
1988 bất chấp bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ, cấm tranh cử, rồi bị giam lỏng
trong thời gian bầu cử năm 1990. Kết quả: bà chiến thắng áp đảo cùng
Đảng của mình (82% số phiếu) nhưng bị từ chối chuyển giao quyền lực và
tiếp tục bị giam lỏng, và bà từ chối rời khỏi đất nước để tiếp tục cuộc
đấu tranh cho dân chủ. Ngày đó đã đến như mong mỏi của bà và nhân dân
Myanmar, cho dù Đảng của bà chỉ tranh cử ở cuộc bầu cử bổ sung 45/664
ghế.
Một người từ bỏ quyền lực độc tài để đưa
đất nước đến với dân chủ, và ca ngợi đối thủ từng bị phe mình giam giữ.
Một người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ nhưng chấp nhận sự
cai trị của chính phe phái từng tước đoạt quyền lực của mình, thậm chí
vận động quốc tế xóa bỏ cấm vận với chính quyền đương nhiệm, để tìm kiếm
sự khởi đầu mới cho quá trình dân chủ hóa đất nước. Qúa trình dân chủ
hóa của Myanmar, nhờ vậy, đồng thời là quá trình hòa giải dân tộc, giúp
Myanmar không chỉ giữ được hòa bình mà còn giảm nguy cơ bị chia rẽ.
Đó là lý do cả hai được xếp hàng đầu
trong danh sách 100 nhà tư tưởng của thế giới năm 2012 do Tạp chí
Foreign Policy (Mỹ) lựa chọn. Riêng Thein Sein được tờ Straits Time
(Singapore) bình chọn là Nhân vật châu Á của năm 2012. Vì từ bỏ độc tài
quyền lực để trả quyền lực về cho nhân dân luôn là lựa chọn vô cùng khó
khăn của mọi chế độ độc tài trong lịch sử.
Nhưng đó là lối thoát duy nhất cho một
quốc gia muốn phát triển, và ngay lập tức đầu tư nước ngoài đã xếp hàng
vào Myanmar. Và cũng là lối thoát duy nhất cho nhà độc tài để tránh bị
xét xử hay bị giết hại khi dân chúng nổi dậy và trả thù, như đã diễn ra
với “Mùa xuân Ả rập”.
Ba ngàn năm trước, nhà tư tưởng chính
trị Khương Tử Nha đã thấu hiểu điều đó khi nhắc nhở Chu Văn Vương rằng:
Thiên hạ không của riêng ai, thiên hạ là của cả thiên hạ, chung lợi ích
với thiên hạ thì được thiên hạ, đoạt lợi ích của thiên hạ thì mất thiên
hạ. Nhờ tư tưởng đó, nhà Chu tồn tại tới tám trăm năm, và là thời kỳ
phát triển rực rỡ nhất về tư tưởng, triết học, binh pháp, kỹ thuật của
Trung Quốc cổ và trung đại.
Ngày nay, không cần phải thông thái như
Khương Tử Nha cũng biết điều đó. Quá nửa quốc gia trên thế giới là những
nền dân chủ, thể chế buộc chính quyền phải chung lợi ích với thiên hạ,
thay vì chờ đợi chính quyền tự nguyện như triều đại nhà Chu. Nhờ thế,
những quốc gia thịnh vượng nhất, văn minh nhất đều là những nền dân chủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét