Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô 2

Phần 2: Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô

Năm 1999, Trường đại học Cambridge (Anh) công bố tin bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Marx đứng đầu, còn Einstein, nhà khoa học lớn đứng thứ hai. Ngay sau đó với cùng một mệnh đề, hãng truyền thông BBC bỏ phiếu trên internet toàn cầu, kết quả vẫn là Marx đứng thứ nhất, và Einstein đứng thứ hai.

Ngày 14-7-2005, kênh 4 đài phát thanh BBC với chủ đề Nhà triết học vĩ đại nhất cổ kim đã điều tra hơn 30.000 thính giả. Kết quả là Karl Marx, người đặt nền móng lý luận của chủ nghĩa cộng sản đạt tỷ lệ phiếu 27,93 phần trăm, David Hume, nhà triết học Scotland đứng thứ hai chỉ đạt 12,6 phần trăm số phiếu, đứng xa sau Marx.

Điều đó chứng tỏ trên thế giới ngày nay, có rất nhiều người kiên trì cho rằng, thời đại chúng ta vẫn rất cần lý luận của Marx cũng như khoa học tự nhiên cần lý luận của Einstein. Chỉ cần không mang bất cứ thiên kiến nào người ta đều có thể rút ra kết luận rằng, Marx là một vĩ nhân lịch sử đã có cống hiến bất hủ cho xã hội và tinh thần của loài người. Chủ nghĩa Marx - Lenin, lấy tên Marx và Lenin, vẫn là cơ sở lý luận của tư tưởng chỉ đạo cho chính đảng giai cấp công nhân.

Năm 1848, khi Chủ nghĩa Cộng sản còn bị coi như một “bóng ma” lởn vởn trên bầu trời châu Âu thì Marx và Engels đã lần đầu tiên khởi thảo cương lĩnh lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Marx. Đó là Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Trong Tuyên ngôn, từ đầu chí cuối, xuyên suốt một tư tưởng cơ bản: phương thức sản xuất, phương thức trao đổi chủ yếu của mỗi thời đại và cả cơ cấu xã hội được sản sinh tất yếu, từ đó làm nên nền tảng chính trị, tinh thần và lịch sử của thời đại đó. Vì vậy, toàn bộ lịch sử xã hội loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, mà đấu tranh này, hiện đã đi đến giai đoạn giai cấp vô sản bị bóc lột, bị áp bức. Nếu không đồng thời làm cho toàn xã hội vĩnh viễn thoát khỏi bóc lột, áp bức thì không thể giải phóng mình ra khỏi sự khống chế của giai cấp tư sản bóc lột mình, áp bức mình. Marx và Engels, hai nhà tư tưởng vĩ đại, lần đầu tiên chỉ ra điều kiện thật sự để giai cấp công nhân cùng toàn thể loài người được giải phóng và tuyên bố chân lý: Sự diệt vong của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là điều không thể tránh khỏi.

Đảng Bolshevik do Lenin đứng đầu kiên định tuân theo nguyên lý cơ bản của Marx và Engels, kết hợp với tình hình mới ở trong nước và quốc tế lúc bấy giờ, đã sáng tạo, làm phong phú và phát triển chủ nghĩa Marx một cách mạnh mẽ. Lenin đã phân tích một cách khoa học cơ sở kinh tế, mâu thuẫn và khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa đế quốc, vạch ra quy luật kinh tế chính trị của chủ nghĩa đế quốc phát triển không đều, nêu ra luận thuyết mới: cách mạng XHCN có thể trước hết giành được thắng lợi ở một nước hoặc một số nước. Người còn trình bày cặn kẽ quan niệm về địa vị đặc thù của dân tộc và thuộc địa ở thời đại đế quốc chủ nghĩa, chỉ rõ phương hướng của phong trào giải phóng dân tộc. Người đã kịp thời tổng kết kinh nghiệm đấu tranh giai cấp trước và sau Cách mạng Tháng Mười; kế thừa, bảo vệ, phát huy mạnh mẽ lý luận về chuyên chính vô sản và học thuyết nhà nước của chủ nghĩa Marx. Lenin đã trình bày sâu sắc các vấn đề trọng đại như tính tất yếu và hình thức của chuyên chính vô sản, thực chất và nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, lực lượng lãnh đạo của giai cấp vô sản và cơ sở của liên minh công - nông, phải phát triển triệt để dân chủ và tăng cường giám sát của nhân dân, v.v. Người chỉ rõ, muốn tiến hành cách mạng vô sản, thực hiện và củng cố chuyên chính vô sản, vấn đề quan trọng hàng đầu là giai cấp vô sản phải xây dựng chính đảng cách mạng thật sự của mình, tức Đảng Cộng sản. Chính đảng này là đảng được vũ trang bởi lý luận Marxist. Lenin còn khẳng định, do các nước tư bản khác vẫn còn tồn tại, cuộc đấu tranh giữa CNXH và CNTB sẽ còn lâu dài, sẽ bao quát suốt cả thời đại lịch sử, các nước XHCN đều phải sẵn sàng cảnh giác với mối nguy hiểm tiến công của chủ nghĩa đế quốc và dốc sức để ngăn chặn nguy hiểm đó.

Dưới sự lãnh đạo của Lenin, đảng Bolshevik và giai cấp công nhân Nga lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng vô sản và xây dựng chính quyền nhà nước chuyên chính vô sản; lần đầu tiên thông qua thực tiễn cách mạng, đã biến lý luận của Chủ nghĩa xã hội khoa học trở thành hiện thực. Lenin cho rằng, trong suốt thời kỳ lịch sử đi lên CNXH, phải kiên trì chuyên chính vô sản; đồng thời, chính đảng của giai cấp vô sản căn cứ vào thực tiễn và tình hình thay đổi mà điều chỉnh đúng mức nhiệm vụ và chiến lược phát triển của mình.

Từ ngày đầu thắng lợi Cách mạng Tháng Mười, Lenin đã tỉnh táo thấy rằng, nhiệm vụ trung tâm của giai cấp vô sản Nga đã chuyển từ giành được nước Nga sang quản lý nước Nga. Đây là sự tìm tòi bước đầu của đảng Bolshevik sau Cách mạng Tháng Mười không lâu về sự quá độ đi lên CNXH xuất phát từ tình hình nước mình. Thế nhưng, kế hoạch này vừa bắt đầu đi vào thực thi thì thế lực thù địch trong và ngoài nước Nga Xô Viết đã gây ra cuộc nội chiến.

Trong chiến tranh, vì thiếu lương thực nên cư dân ở các thành phố đói ăn nghiêm trọng, bọn gian thương ra sức nâng giá lương thực, đầu cơ trục lợi, ra sức kiếm tiền, đe dọa chính quyền cách mạng vừa mới ra đời; rồi nữa là tình trạng vật tư cực kỳ thiếu thốn... Và đảng Bolshevik áp dụng đúng lúc một loạt chính sách chính trị, kinh tế mà về sau được gọi là Chủ nghĩa Cộng sản thời chiến. Chẳng hạn như, bắt buộc trưng thu lương thực của nông dân, thậm chí kể cả tất cả lương thực cần thiết cho cuộc sống để cung cấp cho quân đội và nuôi sống công nhân, mở rộng chế độ sở hữu nhà nước ở thành thị, thậm chí định xóa bỏ tiền tệ ở trong lĩnh vực lưu thông, thực hành chế độ phân phối bằng hiện vật… Chính sách cộng sản thời chiến đã phát huy tác dụng to lớn đối với quá trình đập tan sự can thiệp vũ trang của nước ngoài, bảo vệ thắng lợi thành quả của Cách mạng Tháng Mười.

Tuy nhiên, những chính sách này cũng bộc lộ mặt trái nghiêm trọng, nó làm cho không ít nông dân và công nhân bất mãn, thậm chí xảy ra binh biến một số nơi. Chính quyền Xô Viết mới ra đời lại một lần nữa đứng trước khủng hoảng nghiêm trọng. Tháng 3-1921, Đảng CS Nga Bolshevik triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ 10. Trong báo cáo chính trị, Lenin đã tổng kết sai lầm và bài học trong lãnh đạo nhà nước từ chiến tranh bước sang xây dựng hòa bình. Người thừa nhận: “Cuộc sống hiện thực cho thấy trước đây chúng ta đã sai, bây giờ chúng ta đang vận dụng Chính sách kinh tế mới để sửa chữa rất nhiều sai lầm. Chúng ta đang học tập thế nào để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước tiểu nông mà không phạm phải những sai lầm này”. Năm 1921, Đảng CS Nga bắt đầu thực hiện Chính sách kinh tế mới lấy thuế hiện vật thay cho chế độ trưng thu lương thực thừa, cho phép nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại, thực hành chế độ tô nhượng, chế độ cho thuê, v.v. làm nội dung chủ yếu. Kinh tế Liên Xô nhanh chóng được phục hồi và phát triển rõ rệt.

Rõ ràng đây là sự tìm tòi thành công của Đảng CS Nga xuất phát từ thực tế xây dựng CNXH ở nước Nga lúc bấy giờ, cũng là cống hiến quan trọng của Lenin đối với lý luận Marxist. Sự chuyển biến từ chính sách cộng sản thời chiến đến chính sách kinh tế mới hẳn không phải là sự chuyển đổi chính sách về ý nghĩa nói chung mà là sự chuyển biến tư duy chiến lược của Lenin, tìm tòi con đường XHCN. Trên thực tế, khi thực hành Chính sách kinh tế mới, Lenin đã kết hợp vấn đề xây dựng CNXH với vấn đề làm thế nào lợi dụng vai trò thị trường để tìm tòi. Sau khi Lenin qua đời, Stalin kế nhiệm người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Liên Xô, ông đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx - Lenin.

Tuy nhiên, cùng lúc đó Trosky lại cho rằng, không thể xây dựng CNXH ở nước Nga lạc hậu, chỉ có phương Tây làm cách mạng, mới có thể cứu vãn cách mạng nước Nga, nên tập trung toàn lực để thúc đẩy, đốt lên cách mạng phương Tây. Stalin chỉ rõ, bản chất thực sự của lý luận này là khinh thường nhân dân Nga, không tin tưởng sức mạnh và khả năng của giai cấp vô sản Nga. Ông nói, giai cấp vô sản Nga giành được thắng lợi nhưng không dẫm chân tại chỗ, không thể ngồi chờ vào thắng lợi và giúp đỡ từ giai cấp vô sản phương Tây mà không làm gì. Stalin nói như đinh đóng cột rằng: Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến 50 năm đến 100 năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này trong 10 năm, hoặc chúng ta làm được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh ngã.

Về phương châm phát triển công nghiệp, Stalin cho rằng cần phải làm cho Liên Xô từ một nước nhập khẩu máy móc và thiết bị trở thành nước sản xuất máy móc và thiết bị. Muốn không trở thành nước phụ thuộc về kinh tế của thế giới tư bản thì phải thực hành công nghiệp hóa XHCN, kiên trì nguyên tắc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Về mặt chế độ kinh tế cơ bản XHCN, Stalin đề ra chế độ công hữu tư liệu sản xuất, kinh tế kế hoạch, hợp tác xã nông nghiệp… để cấu thành cơ sở của nền kinh tế quốc dân XHCN ở Liên Xô, đề ra quy luật kinh tế cơ bản XHCN là dùng biện pháp làm cho sản xuất XHCN không ngừng tăng lên và không ngừng hoàn thiện trên cơ sở kỹ thuật cao để bảo đảm đáp ứng cao nhất nhu cầu vật chất và văn hóa của toàn xã hội không ngừng tăng lên.

Nhờ kết hợp chặt chẽ những lý luận và phương châm chỉ đạo này với thực tế phát triển biến đổi ở trong và ngoài nước lúc bấy giờ, Đảng CS Liên Xô và Stalin đã dẫn dắt Đảng và nhân dân nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa XHCN và tập thể hóa nông nghiệp, làm cho chế độ XHCN cơ bản được xác lập ở Liên Xô và đã giành được thắng lợi trong chiến tranh chống phát-xít, đặt nền móng cho việc thực hiện kinh tế cất cánh về sau. Đồng thời với việc giành được từng thắng lợi liên tiếp, do nhiều nguyên nhân hạn chế của thời đại và do thổi phồng vai trò cá nhân đến mức không thích đáng…, phương pháp tư tưởng của Stalin trên một số vấn đề đã rơi vào chủ nghĩa siêu hình và chủ nghĩa chủ quan, do đó đã có lúc xa rời tình hình thực tế, xa rời quần chúng, làm cho một số tư tưởng và hành vi đi chệch với quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin.

Chẳng hạn như về lý luận giai đoạn phát triển của CNXH, Stalin từng phủ nhận xã hội XHCN còn tồn tại mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp nên đã đưa ra quá sớm rằng: CNXH đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Về mặt lý luận quan hệ hàng hóa, một mặt lần đầu tiên thừa nhận tồn tại sản xuất hàng hóa dưới chế độ XHCN, nhưng mặt khác ông lại nêu ra, từng bước thu hẹp phạm vi hoạt động của lưu thông hàng hóa và mở rộng phạm vi hoạt động của trao đổi sản phẩm bất chấp tình hình phát triển lực lượng sản xuất xã hội lúc bấy giờ thực hành chế độ công hữu đơn lẻ và phương thức phân phối đơn lẻ. Ông coi thường phát triển công nghiệp nhẹ, đặc biệt là nông nghiệp.

Mớ lý luận “nhà nước toàn dân, đảng toàn dân” này thể hiện tập trung trong cương lĩnh Đảng CS Liên Xô được đại hội nói trên thông qua. Cương lĩnh viết: “Chuyên chính vô sản không cần thiết nữa, Liên Xô là một nhà nước ra đời bởi nhà nước chuyên chính vô sản trong giai đoạn mới tức giai đoạn hiện nay đã biến thành nhà nước của toàn dân”. Học thuyết về nhà nước là một bộ phận hợp thành rất quan trọng trong lý luận cơ bản của chủ nghĩa Marx, nhưng lý luận “nhà nước toàn dân, đảng toàn dân” của Khrushchev lại làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ngộ nhận rằng, trong xã hội Liên Xô không còn tồn tại thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội, không tồn tại đấu tranh giai cấp nữa. Do đó mất cảnh giác đối với việc phục hồi CNTB.

Khrushchev phủ nhận toàn bộ Stalin về chính trị, tuy về kinh tế cố tiến hành các điều chỉnh chính sách nào có lợi cho việc phát triển lực lượng sản xuất nhưng cách làm cụ thể vẫn rập theo biện pháp cũ, bất chấp quy luật khách quan của phát triển kinh tế. Như sau Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn kiên trì ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp quân sự, coi thường phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, không tiến hành cải cách kịp thời và có hiệu quả đối với thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ, ngược lại còn tăng cường hơn nữa cũng có nghĩa là cứng nhắc hóa thể chế đó. Kết quả làm cho hiệu suất sản xuất xuống thấp, lãng phí ghê gớm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân.

Năm 1961, Khrushchev tuyên bố trước Đại hội lần thứ 22: “Liên Xô đã bước vào thời kỳ triển khai toàn diện xây dựng chủ nghĩa cộng sản, phải cơ bản xây dựng xong chế độ CSCN trong 20 năm”. CNCS mà Khrushchev đề cập không phải là ý tưởng khoa học của chủ nghĩa Marx - Lenin mà còn xa rời tình hình của Liên Xô lúc bấy giờ. Cho đến khi Khrushchev bị hạ bệ, cái gọi là CNCS của ông ta vẫn chỉ là lầu son gác tía, huyền ảo hư vô.

Brezhnev lên cầm quyền đã sửa chữa một số lý luận và thực tiễn sai lầm của Khrushchev. Tháng 6-1967, Đảng CS Liên Xô thông qua Đề cương 50 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười, nhấn mạnh: “Nhà nước toàn dân vẫn có tính giai cấp, nó sẽ tiếp tục sự nghiệp chuyên chính vô sản”. Đồng thời Brezhnev cũng có chương trình sửa đổi, bổ sung với lý luận “đảng toàn dân”. Tháng 2-1976, Brezhnev nhấn mạnh: “Trong điều kiện CNXH phát triển, khi Đảng CS đã trở thành “đảng toàn dân”, nó quyết không mất đi tính giai cấp của nó. Đảng CS Liên Xô trước đây, hiện nay vẫn là chính đảng của giai cấp công nhân”. Về vấn đề cơ bản lý luận xây dựng CNXH, Brezhnev điều chỉnh CNCS của Khrushchev thành “chủ nghĩa xã hội phát triển”.
Khrushchev (áo trắng) là lãnh đạo Liên Xô đầu tiên thăm Mỹ. Ông được cho là người đưa ra thuyết "chung sống hòa bình", có xu hướng làm dịu sự đối đầu với Mỹ và phương Tây.

Ở thời kỳ Brezhnev, Liên Xô đạt đến vị thế sánh vai với Mỹ về lực lượng quân sự. Brezhnev dựa vào đó đưa ra chủ nghĩa Brezhnev về chính sách đối ngoại.

Những năm 60-70 của thế kỷ 20, khoa học công nghệ cao như điện tử, tin học, sinh học,… của thế giới tư bản phát triển rất mạnh, nhưng Liên Xô thiếu tìm hiểu kịp thời, thiếu coi trọng sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học, do đó kém sức đối phó. Đó là nguyên nhân rất quan trọng làm cho kinh tế Liên Xô từng bước đi đến trì trệ. Từ tình hình những năm 80 của thế kỷ 20, Liên Xô cần phải cải cách. Nhưng cải cách phải với tiền đề kiên trì chế độ cơ bản XHCN, không ngừng kiện toàn, hoàn thiện chế độ kinh tế, chính trị XHCN Liên Xô, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản, củng cố địa vị cầm quyền, tiến tới không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia XHCN Liên Xô, không ngừng cải thiện đời sống của đông đảo nhân dân. Nếu Đảng Cộng sản cầm quyền kiên trì lý luận và đường lối của chủ nghĩa Marx- Lenin, giải quyết đúng đắn kịp thời các vấn đề tồn đọng và mâu thuẫn trước mắt, dũng cảm sửa chữa sai lầm thì Đảng và Nhà nước Liên Xô có thể chuyển nguy thành an, tiếp tục đưa sự nghiệp XHCN tiến lên.

Sau khi Gorbachev lên cầm quyền, người ta có ấn tượng là ông ta sẽ sử dụng cải tổ để chấn hưng Liên Xô. Nhưng thực tế nhanh chóng chứng minh rằng, trong việc phản lại lý luận cơ bản của chủ nghĩa Marx thì ông còn đi xa hơn cả Khrushchev. Gorbachev, đã đánh giá chủ nghĩa Marx như thế này: “CNCS là một loại thuyết cải lương xã hội không tưởng, cũng có nghĩa rằng, nó là một khẩu hiệu dường như không thể thực hiện được. Về thực chất, trong toàn bộ những kết luận kinh tế cụ thể mà Marx dựa vào đó để xây dựng lâu đài thế giới quan của CNXH khoa học của ông không có cái nào được chứng thực trong thực tiễn”. Diễn biến thế giới quan của Gorbachev từng bước tiếp nhận trọn gói quan niệm tư tưởng của giai cấp tư sản, cuối cùng làm ông ta ngả về CNTB, phản bội chủ nghĩa Marx, trở thành kẻ phản bội CNXH và CNCS. Tháng 11-1987, Gorbachev chính thức xuất bản tác phẩm Cải tổ và tư duy mới của ông ta. Trong cuốn sách đó, ông ta đưa ra cái gọi là “quan điểm mới” như tính công khai, dân chủ hóa, đa nguyên hóa, đặt giá trị của toàn nhân loại cao hơn tất cả,… để thay thế một loạt nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx. Tháng 6-1988, lần đầu tiên ông ta nêu cụ thể mục tiêu của cải tổ là phải xây dựng một xã hội XHCN nhân đạo dân chủ, căn bản khác với chế độ XHCN hiện thực mà ông ta gọi là CNXH cực quyền. Phải khẳng định rằng, thực chất cái gọi là CNXH nhân đạo dân chủ của ông ta là sử dụng lý luận cũ của đảng dân chủ xã hội phương Tây để thay thế cơ sở lý luận Marxist. Tháng 6-1988, Gorbachev khẳng định lý luận nhà nước toàn dân của Khrushchev; tháng 2-1990, nhấn mạnh thêm, nhà nước pháp chế toàn dân loại trừ bất cứ chuyên chính của giai cấp nào để loại trừ chuyên chính vô sản. Ngày 2-7-1990, trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng lần thứ 28 Đảng CS Liên Xô, Gorbachev nói phải xem xét tính hạn chế của mọi lý luận, thực chất có nghĩa phải xem xét tính hạn chế của chủ nghĩa Marx - Lenin.

Ngày 25-7-1991, tại Hội nghị toàn thể Trung ương ĐCS Liên Xô, Gorbachev nhấn mạnh, trước đây Đảng thừa nhận chủ nghĩa Marx - Lenin là nguồn cổ vũ cho mình, bây giờ cần phải làm cho trong kho tư tưởng của chúng ta bao gồm mọi tài sản của CNXH nước ngoài và tư tưởng dân chủ. Nói toạc ra, bản chất của các diễn đạt đó là lấy tư tưởng dân chủ xã hội phương Tây làm tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Gorbachev muốn dựa theo mô hình thể chế dân chủ tư sản kiểu phương Tây để cải tạo thể chế chính trị của CNXH. Tức là làm cho Đảng CS Liên Xô từ bỏ địa vị cầm quyền, vai trò của Đảng chỉ bó hẹp ở tổ chức nghị viện và bầu cử tổng thống. Điều đó về cơ bản, đã vứt bỏ nguyên tắc xây dựng đảng của chủ nghĩa Marx. Biện pháp cụ thể của ông ta là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hành thể chế đa đảng, đồng thời thực hành tư hữu hóa, vứt bỏ toàn diện chế độ XHCN, từ đó đạt đến mục tiêu khôi phục toàn diện chế độ chính trị, kinh tế và văn hóa của CNTB...

Ngày 25-5-1989, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô khóa đầu tiên được triệu tập theo phương án cải tổ của Gorbachev. Một số đông nhân sĩ phe đối lập chính trị trong và ngoài Đảng do Yeltsin làm đại diện được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô. Tại hội nghị, chương trình nghị sự và nội dung đã sắp đặt trước đều bị sửa đổi, phương châm lãnh đạo của Đảng bị công kích toàn diện, những người lãnh đạo của trung ương đảng bị chất vấn và chỉ trích. Địa vị lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô bị đe dọa công khai. Thực tế cho thấy, Gorbachev không chỉ muốn thay đổi hoàn toàn thượng tầng kiến trúc và hình thái ý thức của Liên Xô XHCN, ông ta còn chú ý đến việc thay đổi cả cơ sở kinh tế XHCN của Liên Xô. Một mặt, ông ta phủ định kinh nghiệm thành công mấy chục năm xây dựng XHCN của Liên Xô, mặt khác coi lý luận kinh tế của phương Tây là kinh thánh của cái gọi là “cải tổ”. Tháng 4-1991, nhà kinh tế học phái tự do Yavlinsky và GS đại học Havard cùng vạch ra cương lĩnh cải tổ kinh tế Liên Xô. Cương lĩnh được gọi là kế hoạch Havard. Tư duy cơ bản của kế hoạch này là: dưới sự viện trợ của phương Tây, tiến hành cải tổ kinh tế cấp tiến, xây dựng kinh tế thị trường lấy chế độ tư hữu làm cơ sở và chế độ chính trị dân chủ của phương Tây. Đó chính là bản sao của chủ nghĩa tự do mới của phương Tây, bắt đầu bán rao ầm ĩ từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Nó nhấn mạnh cơ chế thị trường hoàn toàn tự do, phản đối sự điều phối của nhà nước, chủ trương chế độ tư hữu, phản đối chế độ công hữu. Kế hoạch Havard này hoàn toàn bất chấp tình hình thực tế của Liên Xô, với ý đồ thông qua liệu pháp sốc: 500 ngày nhanh chóng chuyển sang thể chế thị trường tự do phương Tây. Kế hoạch Havard đầy mầu sắc lý luận chủ nghĩa tự do này được Gorbachev đặc biệt coi trọng.

Lenin từng khẳng định chính quyền Xô Viết là tiền đề vô cùng quan trọng, là sự bảo đảm cơ bản cho các quyết định, cho tính chất của phương hướng phát triển nhà nước và xã hội. Mấy chục năm sau, Gorbachev đã vứt bỏ điều đó, kết quả là làm cho CNXH Liên Xô thay đổi tính chất một cách cơ bản. Cơ sở lý luận đúng đắn mà Lenin đặt nền tảng cho Đảng CS Liên Xô dần dần bị Khrushchev, nhất là sau đó đến Gorbachev bóp méo, cắt xén, sửa đổi và phản bội như vậy. Cần đặc biệt chỉ ra rằng, Gorbachev phất lá cờ chủ nghĩa xã hội nhân đạo dân chủ, về cơ bản là thay thế Chủ nghĩa Marx- Lenin và CNXH, còn có tính lừa bịp hơn cả CNTB mà Yeltsin từng rêu rao một cách trắng trợn, do đó nó càng nguy hiểm hơn. Nền móng không vững, mất cơ sở lý luận của chủ nghĩa Marx - Lenin, Đảng CS Liên Xô tan rã là điều không thể tránh khỏi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét