Được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua và công bố theo Quyết nghị 217 A (III) ở Paris vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.
Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013
Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế
08:08
Hoàng Phong Nhã
No comments
Được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua và công bố theo Quyết nghị 217 A (III) ở Paris vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.
Lời mở đầu
Xét rằng: Sự thừa nhận
rằng tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại đều có nhân phẩm
bẩm sinh cũng như những quyền bình đẳng và không thể tước đoạt được là
nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Xét rằng: Hành vi xem
thường và hành vi vi phạm nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ
gây phẫn nộ cho lương tâm nhân loại, và việc tiến đến một thế giới trong
đó tất cả mọi người được hưởng tự do ngôn luận, tự do về thế giới quan,
không còn phải sống trong nỗi lo sợ và sự khốn cùng phải được tuyên
xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Xét rằng: Điều cốt yếu
là nhân quyền cần phải được bảo vệ bằng nguyên tắc pháp trị, để con
người không bị dồn vào thế cùng đến nỗi phải nổi dậy để chống lại bạo
quyền và áp bức.
Xét rằng: Điều cốt yếu là cần phải khuyến khích sự phát triển của mối quan hệ thân thiện giữa các quốc gia.
Xét rằng: Trong Hiến
Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc trong Liên Hiệp Quốc đã lại một lần
nữa xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào nhân phẩm và giá
trị con người, vào những quyền bình đẳng nam nữ và cùng quyết tâm thúc
đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong môi trường tự do hơn.
Xét rằng: Các quốc gia
thành viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để khuyến khích tinh
thần tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các tự do căn bản trên phạm vi
toàn cầu.
Xét rằng: Sự hiểu biết chung về các nhân quyền và tự do này là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên.
Do đó, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc công
bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế này như là chuẩn mực chung cần đạt tới
của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và bộ phận của xã
hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự giảng dạy
và giáo dục để cũng cố sự tôn trọng các quyền và tự do này, mặt khác,
bằng những phương thức luôn được cải tiến trong phạm vi quốc gia cũng
như quốc tế, để bảo đảm sự thừa nhận và bảo vệ những quyền và tự do này
trên thực tế và trên toàn thế giới, nghĩa là, cả trong các dân tộc của
những nước thành viên lẫn trong những dân tộc sống trên phần đất thuộc
chủ quyền của các quốc gia thành viên.
Ðiều 1 [Nhân phẩm; Tự do và Bình đẳng; Tình anh em]:
Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do
và bình đẳng về nhân phẩm và nhân quyền. Mọi người đều được phú bẩm về
lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trong tinh thần anh
em.
Ðiều 2 [Cấm phân biệt đối xử]:
(1) Tất cả mọi người đều được hưởng tất
cả những quyền và tự do được liệt kê trong Tuyên Ngôn này mà không
phải chịu bất cứ một sự phân biệt nào, chẳng hạn như về chủng tộc, màu
da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm
nào khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, dòng dõi hay địa vị
gì khác.
(2) Cũng không được có sự phân biệt đối
xử đối với con người dựa trên vị thế về chính trị, pháp lý hay quốc tế
của quốc gia hoặc của lãnh thổ mà họ đó thuộc về đó, cho dù quốc gia hay
lãnh thổ này đã được độc lập hay còn bị đặt dưới sự bảo hộ, không được
tự quản hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.
Ðiều 3 [Quyền được sống, có tự do và an toàn]:
Tất cả mọi người đều có quyền được sống, quyền có tự do và an toàn cá nhân.
Ðiều 4 [Cấm giữ nô lệ, tôi tớ và buôn bán nô lệ]:
Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay tôi tớ. Mọi hình thức giữ và buôn bán nô lệ đều bị nghiêm cấm.
Ðiều 5 [Cấm tra tấn]:
Không ai có thể bị tra tấn hoặc bị đối xử hay bị bắt chịu hình phạt một cách dã man, vô nhân đạo hay nhục nhã.
Ðiều 6 [Quyền được công nhận tư cách pháp nhân]:
Mỗi người có quyền đòi hỏi được công nhận tư cách pháp nhân ở bất cứ nơi nào.
Ðiều 7 [Bình đẳng trước pháp luật; Được pháp luật bảo vệ như nhau; Bảo vệ trước sự phân biệt đối sử]:
Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp
luật, và phải được pháp luật bảo vệ như nhau mà không phải chịu bất cứ
sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều có quyền đòi hỏi được pháp luật
bảo vệ như nhau để chống lại mọi hành vi phân biệt đối xử đi ngược với
Tuyên ngôn này cũng như để chống lại mọi hành vi xúi giục dẫn đến một sự
phân biệt đối xử như vậy.
Ðiều 8 [Được toà án bảo vệ các quyền căn bản]:
Bất cứ ai cũng có quyền yêu cầu các toà
án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ một cách hữu hiệu trước những hành vi
vi phạm các quyền căn bản của mình đã được hiến pháp hoặc luật pháp thừa
nhận.
Ðiều 9 [Không được bắt, giam và trục xuất độc đoán]:
Không một ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay trục xuất khỏi nước một cách độc đoán.
Ðiều 10 [Quyền được hưởng sự xét xử công bằng]:
Mỗi người đều có quyền như nhau trong
việc đòi hỏi một toà tòa án độc lập và vô tư mở phiên xử công khai và
công bằng về quyền, trách nhiệm của họ cũng như về bất cứ sự buộc tội
hình sự nào đối với họ.
Ðiều 11 [Quyền được xem là vô tội và cấm hồi tố]:
(1) Mỗi người, khi bị cáo buộc về hành vi
phạm tội hình sự, có quyền đòi hỏi được xem là vô tội cho đến khi họ bị
một toà án mở phiên xử công khai, trong đó họ có đủ mọi điều kiện để
biện hộ, kết án theo đúng luật pháp.
(2) Không ai có thể bị kết án về một tội
hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu vào thời điểm xảy
ra những điều này luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế đã không xem
những điều ấy là tội hình sự. Không ai có thể bị tuyên một án phạt nặng
hơn hình phạt đã được luật pháp quy định vào thời gian phạm pháp.
Ðiều 12 [Quyền riêng tư; Bảo vệ danh dự]:
Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc
đoán vào đời sống riêng, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc
phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật
pháp bảo vệ trước những xâm phạm hoặc xúc phạm như vậy.
Ðiều 13 [Quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền được rời khỏi bất cứ nước nào và trở về chính quốc gia của mình]:
(1) Tất cả mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi biên giới của mỗi quốc gia.
(2) Tất cả mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, và quyền trở về nước mình.
Ðiều 14 [Quyền tỵ nạn]:
(1) Mỗi người có quyền đi lánh nạn và được cho lánh nạn ở những quốc gia khác khi bị truy bức.
(2) Quyền này không được xét đến, nếu
đương sự thật sự bị truy nã vì các hành vi ph ạm tội không mang tính
chính tr ị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc
của Liên Hiệp Quốc.
Ðiều 15 [Quyền được có quốc tịch]:
(1) Tất cả mọi người đều có quyền có một quốc tịch.
(2) Không một ai có thể bị tước bỏ quốc tịch, hay bị từ chối quyền được thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Ðiều 16 [Quyền kết hôn và lập gia đình; Bảo vệ gia đình]:
(1) Đàn ông và đàn bà ở tuổi trưởng thành
có quyền kết hôn và lập gia đình, mà không phải chịu hạn chế vì lý do
chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. H ọ có quyền bình đẳng khi kết hôn,
trong hôn nhân và lúc chầm dứt hôn nhân.
(2) Việc kết hôn chỉ có thể tiến hành khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự do của hai người muốn kết hôn.
(3) Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và cần được xã hội và nhà nước bảo vệ.
Ðiều 17 [Quyền tư hữu]:
(1) Tất cả mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.
(2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Ðiều 18 [Quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo]:
Tất cả mọi người đều có quyền tự do tư
tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự
do thay đổi tôn giáo hay thế giới quan của mình cũng như quyền tự do
biểu thị tôn giáo hay thế giới quan của mình bằng cách giảng dạy, thực
hành, thờ phụng và tuân thủ giáo điều cho riêng cá nhân mình hay chung
với những người khác, ở nơi công cộng hay chốn riêng tư
Ðiều 19 [Quyền tự do quan điểm và tự do thông tin]:
Tất cả mọi người đều có quyền tự do có
quan điểm và quyền tự do bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm tự do giữ
và bày tỏ quan điểm mà không bị ai quấy rầy và tự do tìm kiếm, thu nhận
và quảng bá thông tin và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể
biên giới quốc gia.
Ðiều 20 [Quyền tự do hội họp và lập hội]:
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa.
(2) Không một ai có thể bị bắt buộc phải gia nhập vào một hội đoàn.
Ðiều 21 [Quyền tham gia điều hành đất nước dân chủ; Quyền tiếp nhận bình đẳng chức vụ công cộng; Tự do bầu cử]:
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tham
gia vào việc điều hành đất nước của mình, một cách trực tiếp hay qua các
đại biểu được tuyển chọn một cách tự do.
(2) Tất cả mọi người đều có quyền nhận làm những chức vụ công cộng trong quốc gia một cách bình đẳng.
(3) Ý muốn của người dân phải là nền tảng
của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc
bầu cử thực sự và định kỳ, theo nguyên tắc đầu phiếu phổ thông và bình
đẳng, bằng phiếu kín, hay các thể thức bầu cử tự do tương đương như vậy.
Ðiều 22 [Quyền an sinh xã hội]:
Với tư cách là thành viên của xã hội, mỗi
người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được hưởng các
quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa là những điều không thể thiếu được
cho nhân phẩm và việc tự do phát huy nhân cách của mình; Những quyền này
sẽ được thực hiện bằng những nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế cũng
như tuỳ theo cách thức tổ chức và tài nguyên của mỗi quốc gia.
Ðiều 23 [Quyền làm việc, được
trả lương như nhau cho công việc giống nhau, được trả lương tương xứng;
Quyền tự do thành lập nghiệp đoàn]:
(1) Tất cả mọi người có quyền có việc
làm, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc
công bằng và thuận lợi, và quyền được bảo vệ chống thất nghiệp.
(2) Tất cả mọi người đều có quyền đòi hỏi
được trả lương như nhau cho công việc giống nhau mà không phải chịu bất
cứ sự phân biệt đối xử nào.
(3) Tất cả mọi người đi làm đều có quyền
được trả thù lao một cách công bằng và tương xứng để có thể bảo đảm một
cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm cho bản thân và gia đình mình; Nếu
cần, tiền lương này sẽ được bù đắp thêm bằng các phương tiện an sinh xã
hội khác.
(4) Tất cả mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ðiều 24 [Quyền được nghỉ ngơi và có thời gian rảnh rỗi]:
Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng
sự nghỉ ngơi và có thời gian rảnh rỗi, trong đó có việc hạn chế hợp lý
số giờ làm việc cũng như có các ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Ðiều 25 [Quyền có mức sống khả quan; Quyền được hưởng an sinh xã hội trong tình trạng khốn cùng; Quyền của các bà mẹ và trẻ em]:
(1) Tất cả mọi người có quyền được hưởng
một mức sống khả quan đủ bảo đảm về sức khỏe và sự an vui cho bản thân
và gia đình, trong đó có cả các vấn đề liên quan thực phẩm, quần áo,
chỗ ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết. Tất cả mọi người
có quyền được hưởng an sinh xã hội khi bị lâm vào tình trạng thất
nghiệp, đau ốm, tàn tật, goá bụa, tuổi già hay mất phư ơng tiện mưu sinh
do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
(2) Các bà mẹ và trẻ em có quyền đòi hỏi
được chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ em, dù là con chính
thức hay ngoại hôn, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng.
Ðiều 26 [Quyền giáo dục; Quyền cha mẹ]:
(1) Tất cả mọi người đều có quyền được
hưởng sự giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu
học. Giáo dục cấp tiểu học có tính cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và giáo
dục chuyên nghiệp phải được mở rộng cho mọi người và giáo dục cao cấp
phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người dựa trên tiêu chuẩn tài năng.
(2) Giáo dục phải được điều hướng làm sao
để có thể phát triển đầy đủ nhân cách, và để tăng cường sự tôn trọng
các nhân quyền và các tự do căn bản. Giáo dục phải đề cao sự thông cảm,
sự bao dung, và sự thân thiện giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc
hoặc tôn giáo, và hỗ trợ cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên
Hiệp Quốc.
(3) Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục con cái mình.
Ðiều 27 [Quyền tự do tham gia sinh hoạt văn hoá; Tác quyền]:
(1) Tất cả mọi người có quyền được tự
do tham gia vào sinh ho ạt văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ
thuật và được hưởng các tiến bộ cũng như lợi ích của khoa học.
(2) Tất cả mọi người có quyền nhận được
sự bảo vệ về tinh thần cũng như vật chất đối với tác quyền trên các tác
phẩm khoa học, văn chương hay nghệ thuật.
Ðiều 28 [Trật tự xã hội và quốc tế]:
Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng
một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do
được nêu trong Tuyên Ngôn này được thực hiện đầy đủ.
Ðiều 29 [Bổn phận cá nhân; Giới hạn của các quyền]:
(1) Tất cả mọi người đều có những bổn
phận đối với cái cộng đồng mà chỉ trong đó họ mới có thể phát triển một
cách toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.
(2) Khi hành x ử những quyền và tự do,
tất cả mọi người chỉ phải chị u những giới hạn nhất định do luật pháp
đặt ra để cho những quyền và tự do của người khác cũng được thừa nhận và
tôn trọng, cũng như để cho những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự
công cộng, và sự an lạc chung trong một xã hội dân chủ được thỏa mãn.
(3) Trong bất cứ trường hợp nào, việc
thực hiện những quyền và tự do này cũng không đi ngược với những mục
đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Ðiều 30 [Cấm lạm quyền]:
Không một điều nào trong Tuyên Ngôn này
có thể được diễn giải để cho phép một quốc gia, một nhóm hay một cá nhân
nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm tiêu hủy bất cứ
quyền và tự do nào được liệt kê trong Tuyên Ngôn này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét