Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền trong học thuyết Mác - Lênin và sự vận dụng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay


 
1. Tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền trong học thuyết Mác -  Lênin
Trong học thuyết chuyên chính vô sản, học thuyết về nhà nước kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin, thuật ngữ nhà nước pháp quyền với ý nghĩa đầy đủ nhất chưa được các nhà kinh điển sử dụng. Song những tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền đã được các ông đề cập đến trong những bối cảnh khác nhau. Có thể thấy những tư tưởng nổi bật về nhà nước pháp quyền của các ông khi các ông bàn về chế độ dân chủ mới - dân chủ vô sản, đó là dân chủ “do nhân dân tự quy định”; là bước chuyển từ “nhân dân của nhà nước” sang “nhà nước của nhân dân”, là chế độ dân chủ xuất phát từ con người và pháp luật cũng vì con người. Đặc biệt là tư tưởng của các ông về nhà nước kiểu mới - nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước dân chủ cao nhất, triệt để nhất. Các ông chủ trương xây dựng nhà nước hợp hiến, hợp pháp; là nhà nước đảm bảo cho “tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Nhà nước đó xây dựng và phát triển một xã hội có khả năng tạo ra những điều kiện cơ bản để “giải phóng cá nhân” theo phương châm “xã hội sẽ không thể giải phóng nếu không giải phóng mỗi cá nhân riêng biệt”... Những tư tưởng cốt lõi đó của C.Mác và Ph.Ăngghen đã được V.I.Lênin vận dụng và làm rõ hơn khi Người lãnh đạo nhân dân Nga xây dựng nền pháp luật kiểu mới, nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tựu trung về tư tưởng cốt lõi của nhà nước pháp quyền trong học thuyết Mác-Lênin tập trung vào một số điểm chính sau:
Thứ nhất: Bản chất dân chủ trong nhà nước
Ở nhiều tác phẩm, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận bàn về dân chủ, về xã hội công dân với tư cách là những tiêu chí của nhà nước, xã hội tiến bộ
Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hai ông đã viết: “…bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ…; Nhà nước, tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị” (1)... và “Mục đích trước mắt của những người cộng sản là… lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền” (2).
Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Ghôta, C.Mác đã chỉ rõ: Từ “dân chủ” nếu chuyển qua tiếng Đức thì có nghĩa là “nhân dân nắm chính quyền” (3). Điều đó có nghĩa là dân chủ chính là dân là chủ thể quyền lực nhà nước, nhân dân tạo nên nhà nước chứ không phải nhà nước tạo nên nhân dân. Mác viết: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa. Cũng giống như tôn giáo không tạo ra con người mà con người tạo ra tôn giáo, ở đây cũng vậy: không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra nhà nước” (4).
Chủ nghĩa Mác cho rằng, chế độ dân chủ hoàn toàn khác với chế độ quân chủ chuyên chế, nó xứng đáng dành cho con người, bởi: “Dưới chế độ quân chủ, tổng thể tức nhân dân, bị đặt vào một trong những hình thức tồn tại, tức chế độ chính trị của họ. Còn trong chế độ dân chủ thì bản thân chế độ nhà nước thể hiện ra là một trong những tính quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân” (5).
Sự khác biệt giữa chế độ dân chủ với chế độ chuyên chế, theo C.Mác chính còn là do chế độ dân chủ có đặc trưng cơ bản là luật pháp tồn tại vì con người: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì pháp luật, mà pháp luật tồn tại vì con người; ở đây sự tồn tại của con người là pháp luật, trong khi đó thì ở những hình thức khác nhau của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được bởi quy định của luật pháp. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy” (6).
Thứ hai: Chủ thể quyền lực nhà nước phải thuộc về đa số
Không chỉ làm rõ sự khác biệt giữa chế độ dân chủ với chuyên chế mà C.Mác còn chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa dân chủ vô sản và dân chủ tư sản, phê phán sự hạn chế dân chủ trong nhà nước tư sản. C.Mác khẳng định dân chủ chính là chế độ nhà nước do dân nắm quyền lực. Nhà nước luôn luôn mang bản chất giai cấp, không có nhà nước chung chung, dân chủ phi giai cấp. Theo đó, nhà nước tư sản dù có bước tiến bộ so với các chế độ nhà nước trước đó, song do dựa trên cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội của nó, nhà nước tư sản chỉ là và khi nào (dù điều chỉnh) cũng vẫn là nhà nước của giai cấp bóc lột bảo vệ lợi ích của giai cấp bóc lột, chống lại nhân dân, không phải là nhà nước do nhân dân nắm quyền, tổ chức thực hiện và kiểm soát quyền lực. Nhà nước tư sản dù tồn tại dưới hình thức quân chủ hay cộng hoà thì bản chất vẫn là một “chuyên chính tư sản” (7). Để thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản trong điều kiện chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, C.Mác cho rằng, phải thông qua chế độ cộng hòa dân chủ. Điều này đã được Lênin nhắc lại sau này trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng: “Tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm của Mác là chế độ cộng hòa dân chủ là con đường ngắn nhất đưa đến chuyên chính vô sản” (8).
Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác và trong điều kiện mới, V.I.Lênin tiếp tục khẳng định bản chất giai cấp của nhà nước và phân biệt sự khác nhau giữa nhà nước của giai cấp bóc lột với nhà nước của giai cấp vô sản. Ông cho rằng, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, nó chỉ là một tổ chức thống trị của một giai cấp (9), bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để giai cấp này trấn áp giai cấp khác: “Bất cứ một nhà nước nào cũng đều có nghĩa là dùng bạo lực, nhưng toàn bộ sự khác nhau là ở chỗ dùng bạo lực đối với những người bị bóc lột hay đối với kẻ đi bóc lột, ở chỗ có dùng bạo lực đối với giai cấp những người lao động và những người bị bóc lột không”(10). Lênin đã cho rằng, chỉ có nhà nước mà quyền lực thuộc về nhân dân thì nhà nước mới có thể quản lý được xã hội phù hợp với quy luật, phục vụ lợi ích nhân dân, bởi vì: “Nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác quyền lợi của đa số thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy” (11).
Với cách phân tích như vậy, Lênin đã nhấn mạnh làm rõ nhà nước tư sản là bộ máy bạo lực có tổ chức của giai cấp tư sản đi trấn áp giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ông phê phán nền dân chủ trong nhà nước tư sản, một thứ dân chủ nửa vời, cắt xén, giả hiệu, đồng thời ông cũng phê phán những luận điệu ca ngợi chế độ cộng hòa dân chủ (tư sản) là “chính quyền toàn dân” hay dân chủ nói chung, xem nhà nước tư sản là nhà nước chung chung phi giai cấp. Theo Lênin, chế độ cộng hòa dân chủ chẳng qua chỉ là chuyên chính của giai cấp tư sản, chuyên chính của những kẻ bóc lột đối với quần chúng lao động: “Bất luận nhà nước nào kể cả cộng hòa dân chủ nhất, cũng chỉ là một bộ máy mà giai cấp này dùng để đàn áp giai cấp khác... Nghị viện tư sản dù là nghị viện dân chủ nhất trong một nhà nước cộng hòa dân chủ nhất, trong đó quyền sở hữu của bọn tư bản và chính quyền của chúng vẫn được duy trì thì vẫn là bộ máy để cho một nhúm người bóc lột dùng để đàn áp người lao động...” (12).
Trái lại, nhà nước vô sản, theo Lênin, trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội có thể có nhiều hình thức nhà nước, nhưng tất cả các hình thức đó đều mang một bản chất duy nhất- bản chất giai cấp công nhân, là chuyên chính vô sản. Bản chất giai cấp của nhà nước vô sản được thể hiện ở chỗ, nhà nước đó do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, thực hiện dân chủ thực sự với nhân dân, bảo vệ quyền lợi thực sự của nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Bản chất này do cơ sở kinh tế và chế độ chính trị xã hội của chủ nghĩa xã hội quy định.
Thứ ba: Bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân rộng rãi trong nhà nước pháp quyền
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, một mặt đã khẳng định bản chất giai cấp công nhân trong nhà nước chuyên chính vô sản, mặt khác, do bản chất dân chủ vô sản đòi hỏi, nhà nước xã hội chủ nghĩa phải mang tính nhân dân rộng rãi, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị duy nhất trong xã hội phải tập trung xây dựng nhà nước vô sản mà mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích cho đa số.
Khi bàn về chức năng của nhà nước vô sản, chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, cũng như mọi nhà nước khác, nhà nước vô sản cũng có hai chức năng cơ bản là chức năng giai cấp và chức năng xã hội, nhưng nội dung, cơ chế và mục đích thực hiện các chức năng đã thay đổi căn bản. Đối với các nhà nước trước đây chức năng xã hội là cơ sở để thực hiện chức năng giai cấp. Đối với nhà nước vô sản, vì bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của nhà nước là thống nhất nên chức năng giai cấp của nhà nước vô sản trở thành phương tiện, công cụ để thực hiện chức năng xã hội của nó. Theo ý nghĩa trên, chức năng giai cấp chỉ là cơ sở để nhà nước vô sản thực hiện chức năng xã hội của mình.
Theo Lênin, dưới sự bảo trợ của nhà nước xã hội chủ nghĩa, quyền lực của nhân dân thực sự được hoàn mỹ, tuy nhiên mới chỉ là khả năng. Lênin chỉ rõ: việc giai cấp công nhân giữ vai trò thống trị tuyệt nhiên chưa đồng nhất với việc một nền dân chủ cao hơn tự nhiên xuất hiện sau sự kiện ấy. Đây mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Giai cấp công nhân đại diện cho nhân dân lao động nắm chính quyền và lãnh đạo xã hội vì lợi ích của họ là thống nhất. Tuy nhiên, Lênin cảnh báo nguy cơ tha hoá của nhà nước vẫn luôn tiềm ẩn và dễ xảy ra do tính gián tiếp và trung gian giữa chủ thể của quyền lực là nhân dân và cơ quan được nhân dân uỷ quyền, đó là nhà nước. Lênin chỉ ra rằng: không phải ngày mai ngủ dậy là đã có chủ nghĩa cộng sản, trái lại đó là một quá trình xây dựng lâu dài trên cơ sở con người nhận thức đúng được quy luật phát triển của xã hội và của lịch sử.
Tuy nhiên, Lênin cũng nhắc nhở những người cộng sản, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nhà nước chưa thể “tự tiêu vong” hoàn toàn được vì vẫn còn các giai cấp và sự khác biệt giữa các giai cấp thậm chí vẫn còn một nhà nước kiểu tư sản nhưng không có giai cấp tư sản. Lênin viết: “Trong một thời gian nhất định, dưới chế độ cộng sản, không những vẫn còn pháp quyền tư sản, mà vẫn còn cả nhà nước kiểu tư sản nhưng không có giai cấp tư sản” (13).
Thứ tư: Những điều kiện cơ bản để xây dựng nhà nước vô sản
Chủ nghĩa Mác, đặc biệt là Lênin đã dự đoán rằng trong quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhất là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không tránh khỏi có những cán bộ, công chức nhà nước lạm dụng quyền lực, thoái hoá biến chất, xa rời quần chúng làm xuất hiện chủ nghĩa quan liêu trong nhà nước vô sản. Để chống nguy cơ quan liêu đồng thời đảm bảo tính hiệu quả của bộ máy nhà nước, muốn cho nhà nước không đứng trên nhân dân, cai trị nhân dân, theo Lênin, đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản giữ yếu tố quan trọng hàng đầu, sau đó là yếu tố dân trí, xã hội công dân, cơ chế pháp luật đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền làm chủ nhà nước, quyền tham gia vào các quyết sách của nhà nước, thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại hòa bình, hữu nghị hợp tác, xây dựng khối sức mạnh liên minh công – nông trong quyền lực nhà nước. Lênin đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đề phòng và chống những biểu hiện tiêu cực trong bộ máy nhà nước cũng như trong đội ngũ công chức. Tiếp thu kinh nghiệm của Công xã Paris, Lênin rất quan tâm đến công tác kiểm tra, kiểm soát bộ máy nhà nước, giám sát các thành viên của Chính phủ trên cơ sở xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân công chức, viên chức trong những việc mà họ đang đảm nhận; thực hành dân chủ hoá trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, lôi cuốn đông đảo công nhân và nông dân tham gia công việc quản lý nhà nước…
Với cách nhìn biện chứng và cách mạng, Lênin đã khẳng định Nhà nước Xô viết là hình thức tốt nhất của chuyên chính vô sản, nhưng ông cũng nhấn mạnh những người cộng sản phương Đông không nên sao chép một cách máy móc, mà cần vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh của nước mình. Điều này hoàn toàn phù hợp quy luật, bởi vì trong cái chung, cái phổ biến có cái riêng, cái đặc thù.
2. Vận dụng tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền của chủ nghĩa Mác-Lênin vào xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã tiếp thu tinh hoa tư tưởng của nhân loại vào quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng, trong đó có kế thừa tư tưởng cốt lõi về xây dựng nhà nước pháp quyền trong học thuyết Mác-Lênin để hình thành quan niệm về một nhà nước Việt Nam mới.
Năm 1927, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã cho rằng, làm cách mạng là để chuyển giao quyền lực cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người. Trong Chánh cương vắn tắt năm 1930 ý tưởng về một nhà nước nhân dân đã được cụ thể hoá bằng khái niệm "chính phủ công nông binh". Sau Cách mạng Tháng Tám, với Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thể hiện tư tưởng về một nhà nước độc lập, dân chủ, cộng hoà, một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam năm 1946, Điều 1 đã khẳng định: "Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một nhà nước dân chủ. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giai cấp, tôn giáo" (14). Điều này đã khẳng định, quan điểm của Hồ Chí Minh và của Đảng ta hướng đến một nhà nước kiểu mới, mà trong đó các quyền công dân và quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp, được đảm bảo bằng pháp luật.
Tư tưởng về một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng khởi xướng, xây dựng đã được quán triệt thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Tinh thần dân chủ hoá đời sống xã hội mà Đảng ta đề xuất từ Đại hội VI đã khơi nguồn sáng tạo cho nhân dân trong lao động, sản xuất, tham gia xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Các nhiệm kỳ Đại hội VII, Đại hội VIII của Đảng đã dành sự chú ý, quan tâm nhiều đến vấn đề dân chủ và đã đặt ra một cách dứt khoát mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách nền hành chính quan liêu bao cấp trước đây. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng một chế độ dân chủ thông qua nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách các thể chế và phương thức hoạt động của nhà nước, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, coi đoàn kết là động lực của sự phát triển xã hội.
Đến Đại hội X (năm 2006), nhà nước pháp quyền đã được Đảng xác định là một trong tám đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân xây dựng, đó là "có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản" (15). Tinh thần này tiếp tục được Đảng ta xác định trong văn kiện Đại hội XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Bản chất cốt lõi của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là:
 - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; mọi quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.
 - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
 - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước đảm bảo sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.
- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống.
- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước tôn trọng và thực hiện bảo vệ quyền con người, tất cả vì hạnh phúc của con người. Nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
 - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng ta chỉ rõ cần phải xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền.
Đồng thời, Đảng ta khẳng định lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là trọng trách của Đảng cầm quyền, là một tất yếu khách quan và yêu cầu mà thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta đặt ra. Giành được độc lập dân tộc, giành được chính quyền về tay nhân dân mới chỉ là bước đầu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản còn phải xây dựng nhà nước cách mạng và hệ thống chính trị tiên tiến mà Đảng là hạt nhân lãnh đạo. Nhà nước là công cụ hùng mạnh và sắc bén để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm cho Đảng thực hiện được sự lãnh đạo của mình nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Những đặc trưng của nhà nước và nhiệm vụ xây dựng nhà nước mà Đảng ta đặt ra chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của học thuyết Mác-Lênin về nhà nước kiểu mới với những tư tưởng cốt lõi về pháp quyền trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đây cũng là những căn cứ lý luận và thực tiễn để chúng ta khẳng định Điều 4 trong Hiến pháp hiện nay là không thể thay đổi. Không được mơ hồ về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước nói riêng, xã hội nói chung./.
-------------------
(1) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.4, tr. 626.
(2) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Sđd, tr. 626.
(3) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Sđd, tr.44-45.
(4) (5) (6) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Sđd, tr. 350, 349, 350.
(7) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Sđd, tr. 46.
(8) V.I.Lênin: toàn tập, t. 33, Nxb.Tiến bộ, M.1977, tr.98-99
(9) V.I.Lênin, Toàn tập, t. 32, Nxb.Tiến bộ, M.1981, tr.303
(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 43, Nxb.Tiến bộ, M.1978, tr.380
(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 43, Nxb.Tiến bộ, M.1978, tr.52
(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 37, Nxb.Tiến bộ, M.1977, tr.559-560.
(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 33, Nxb. Tiến bộ, M.1977, tr. 121.
(14) Hiến pháp Việt Nam và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Nxb. LĐXH, H, 2002, tr.8.
(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  X, Nxb. CTQG. H, 2006, tr.68,126.
 PGS. TS. Đỗ Thị Thạch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét