- Một loại ý kiến nói Điều 4 không cần thiết (nội dung của nó) nếu đảng vẫn được niềm tin từ dân như một thời đã qua. Mặt khác, hầu hết HP trên thế giới cũng không cần một điều nào tương tự. Điều 4 có thể khiến đảng viên chủ quan về tu dưỡng vì quyền lãnh đạo đã được hiến định. Nếu không có điều 4, đảng và mọi đảng viên càng ý thức phải tiên phong gương mẫu – như trước đây đã từng làm được.
- Loại ý kiến khác, nói: hiện nay khó bỏ điều 4 nếu chỉ nhờ dư luận. Nhưng ít nhiều vẫn có thể hy vọng dư luận sẽ khiến điều 4 được sửa – không sửa nhiều thì sửa ít.
– Về mơ ước, tôi (sắp 50 tuổi đảng) mong mỏi cuộc chỉnh đốn hiện nay sẽ đạt kết quả (thước đo kết quả: sự khôi phục niềm tin) để HP nước ta không cần phải có điều 4 nữa.
– Về thực tế, tôi chọn cách góp ý kiến để điều 4, dù ít dù nhiều, được sửa theo chiều hướng “càng phù hợp với xu thế thời đại và với lòng dân, càng tốt”.
Điểm xuất phát để sửa đổi điều 4
- Xác định vị thế của đảng. Đảng là một bộ phận nhỏ trong dân (3 triệu/90 triệu). Nhưng nước ta chỉ có một đảng, lại nắm quyền lâu; do vậy cần đề phòng tình trạng quyền hành không được kiểm soát (tha hóa). Thực tế, đến nay cho thấy việc đề phòng không thừa.
Một biện pháp là đảng phải xử sự như đứa con có hiếu; coi dân như bậc sinh thành… Đây là một cách để phòng ngừa thái độ xa dân, trịch thượng, ban ơn. Lịch sử cho thấy không có bệnh “khiêm tốn CS”, chỉ có bệnh “kiêu ngạo CS”. Ví dụ nhỏ: Trong HP và mọi văn bản, chỉ chữ “đảng” được viết hoa, chữ “dân” thì không. Cách xử sự này không ổn.
Biện pháp nữa là đảo ngược cấu trúc và nội dung cụm từ “ý đảng – lòng dân”. Lòng dân là cái nền bao dung mà ý đảng phải tuân phục để được che chở. Một ví dụ xa dân: Cách đây mấy chục năm, khi đảng còn thai nghén Luật Đất Đai, đảng đã biết lường trước lòng dân để dùng từ “cưỡng chế”. Nhưng cách “hiểu lòng dân” này không giống con cái hiểu lòng cha mẹ.
- Xác định khái niệm lãnh đạo. Lãnh đạo là dẫn đường (tiên phong), muốn dẫn đường phải biết đường, thuộc đường. Và phải đi đầu; chớ không trèo lên ngồi ở cái ghế xà ích, tay cầm cương, miệng hô “tiến”. Vậy, đảng ta ngồi ở đâu mà kết quả tra google cụm từ “dưới sự lãnh đạo của đảng” đã cho trên 10 triệu kết quả trong chỉ 0,18 giây?
- Xác định đúng đường. CNXH được mô tả ai cũng mê, nhưng chưa đâu có, mà “con đường đi lên” cũng chưa có nốt. Chỉ có bài học “lạc đường” làm sụp đổ phe XHCN. Vậy trước hết, chớ nên nói năng cứ như nó đã có. Trong quá trình dò dẫm “đi lên CNXH”, phải có tiêu chuẩn đánh giá “đúng đường”. Đó là sự tăng tiến toàn xã hội về nhân quyền, tự do, dân chủ, công bằng, văn minh… là những thứ có thể đo đếm được. Nếu nói về văn minh, thì hiện nay nhân loại đang kiến tạo nền văn minh tri thức, với sản phẩm đặc trưng là giai cấp công nhân tri thức. Giai cấp công nhân nước ta vừa nhỏ bé, vừa lạc hậu (từ nông dân mà ra), chưa xứng với văn minh công nghiệp – nói gì văn minh tri thức?. Do vậy, CNXH còn xa lắc. Không nên nhấn mạnh quá mức về mục tiêu XHCN, tuy đẹp, nhưng rất khó hình dung.
- Xác định khát vọng. Trong Chính Cương, Điều Lệ, chúng ta tha hồ nói về sự khát vọng CNXH của đảng ta. Để đi lên CNXH, chúng ta tha hồ áp dụng trong sinh hoạt nội bộ: chuyên chính vô sản, tập trung dân chủ… Nhưng chúng ta chớ hoang tưởng rằng 100% dân ta cũng có khát vọng XHCN như các đảng viên – nhất là sau khi phe XHCN sụp đổ thì ngay đảng viên cũng “phai nhạt lý tưởng”.
Xin nhớ, điều lệ dễ sửa, nếu thấy cần (chỉ cần chờ 5 năm là có dịp), còn hiến pháp đâu dễ sửa như thế? Hiến pháp là của toàn dân, gồm đủ thành phần, do vậy nên dè dặt dùng các từ nói trên trong văn bản này. Không dùng càng tốt. Thiếu gì cách nói khác?.
Góp ý cụ thể về nội dung điều 4
1) Sửa văn phong. HP là của dân, dân là chủ. Do vậy, điều 4 phải có văn phong thể hiện nội dung nhân dân (ông chủ, cha mẹ) đã trao quyền lãnh đạo cho đứa con có hiếu và sáng suốt; đồng thời vẫn phải kiểm soát cái quyền đã trao. Điều 4 là luật, không phải nơi dùng văn chương để tự giới phẩm chất hoặc nêu những lời hứa của chủ thể được trao quyền. Vậy xin hãy sửa văn phong điều 4: sao cho đó là lời của ông chủ.
Điều 4 ở HP 1992 có một mệnh đề cốt lõi được chuyển nguyên văn sang bản dự thảo sửa đổi (2013): Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chen vào giữa mệnh đề này, có một đoạn văn dài gấp ba (và trong Dự Thảo sửa đổi lại càng dài hơn nữa) để giới thiệu phẩm chất của đảng (theo chủ nghĩa nào, là đội tiên phong của ai, trung thành với ai, đại diện quyền lợi của ai…vân vân). Tuy đậm tính văn chương và đầy thiện chí, nhưng không hợp với một văn bản luật. Do vậy, nội dung trên chỉ nên xuất hiện trong văn bản nội bộ đảng.
2) Sửa nội dung. Điều 4 (nếu còn tồn tại) nên gồm 4 khoản.
- Khoản 1 chỉ ghi: Đảng cộng sản Việt Nam được thừa nhận là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
- Khoản 2, ghi (ý): Sự lãnh đạo của đảng tuân theo luật định (nghĩa là điều 4 phái được luật hóa).
- Khoản 3, quy định tỷ lệ đảng viên trong quốc hội, chính phủ và tư pháp. Đương nhiên phải có ưu tiên. Đảng chiếm 4% dân số, tỷ lệ đảng viên có thể 8 hoặc 12%, thậm chỉ 16 hay 20% trong cơ quan nhà nước. Như vậy, vừa tránh được chuyện “đảng hóa” nhà nước, vừa tránh được chuyện bao biện.
- Khoản 4, liên quan ngân quỹ được cấp (vì được trao quyền lãnh đạo).
3) Sửa lại cách dịch tên đảng. Có ý kiến đề nghị đảng trở về cái tên cũ (Lao Động) để phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay và tranh thủ lòng dân. Đây là cái tên từ thuở đảng còn được dân tin. Tuy nhiên, điều này phải chờ dịp đại hội đảng, chứ không phải dịp sửa HP. Còn thay tên do trước đây dịch sai là chuyện khác. Communist và communism xuất phát từ community (là cộng đồng: chỉ dân cư). Không có một chút nào hàm ý “cộng sản” hết. Xin đổi là đảng Cộng Đồng.
Các cụ tiền bối đã dịch đúng intellectual là trí thức (trong khi Trung Quốc dịch là “phần tử tri thức”). Tại sao chúng ta cứ vô tư theo cách dịch (sai) của họ mà đưa từ “cộng sản” vào các văn bản?
Khi quyền tư hữu được coi một nhân quyền cơ bản, thì cái từ “cộng sản” rất phản cảm (có người liên hệ tới “tước đoạt”). Mặt khác, gắn với nó là các từ chuyên chế vô sản, tập trung dân chủ… Bản thân “chuyên chế” là xấu, dù có ghép với bất cứ tính từ đẹp đẽ nào và ráng cắt nghĩa ra sao. Tập trung (nói về quyền lực, thể chế) chưa bao giờ là hay ho, dù được ghép với mỹ từ “dân chủ”.
Tiện thể, xin nói thêm: Đảng đã tự nhận thiếu dân chủ nghiêm trọng trong nội bộ; thế thì chuyện “tập trung” sẽ rất dễ thành độc đoán. Vậy, tập trung dân chủ cứ tha hồ dùng trong nội bộ đảng, không nên dùng trong hiến pháp – khiến dân sợ hãi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét