Cho đến nay còn tồn tại một quan niệm sai lầm về ý nghĩa của màu mắt người thôi miên. Tuy nhiên, khi thôi miên có thể thậm chí không cần nhìn vào mắt. Người ta chỉ cần nhìn vào một quả cầu nhỏ bằng kim loại mạ kền hay một vật sáng nào là đủ. Những tế bào thần kinh “chịu trách nhiệm” về thị giác bị mệt mỏi, trong não xuất hiện quá trình ức chế bảo vệ, quá trình này được truyền đi khắp vỏ hai bán cầu não và gây nên giấc ngủ thôi miên.
Cơ sở của trạng thái thôi miên là sự ức chế phần lớn các tế bào não và sự bảo vệ vùng minh mẫn ở vỏ não mà thông qua đó mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân được duy trì. Những vùng như thế là các “điểm canh gác”, chúng tồn tại cả trong giấc ngủ bình thường. Cho dù giấc ngủ có say thế nào đi nữa, một số tế bào riêng biệt của não vẫn không ngừng công việc của mình. Qua những tế bào này, cơ thể giữ được mối liên hệ nào đó với bên ngoài. Các “điểm canh gác” phản ứng lại với các tín hiệu không cho phép “ngủ quên”.
Giáo sư K. K. Piatônôp đã dẫn ra một ví dụ rất lý thú về mối liên hệ như vậy. Trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại, người ta đưa thương binh đến một quân y viện, nhưng bác sĩ phẫu thuật lại đang ngủ rất say sau mấy đêm ngày thức trắng. Người ta lắc, phun nước vào mặt ông, nhưng con người quá mệt mỏi ấy vẫn không tỉnh dậy. Sau đó người ta nói nhỏ, nhưng thật rành rọt : “Bác sĩ ơi! Người ta đưa thương binh đến đấy. Họ cần được sự giúp đỡ của đồng chí!”.
Và bác sĩ phẫu thuật tỉnh dậy ngay. Nhưng ở người bị thôi miên các “điểm canh gác” hoàn toàn khác. Đó không phải như một người lính gác cho biết là cần phải tỉnh giấc mà tựa như chiếc máy điện thoại nối mạch với người bị thôi miên nhận các mệnh lệnh – từ ngữ và thực hiện chúng mà không hề phán xét hay đánh giá ý nghĩa của các mệnh lệnh đó. Mỗi một từ có tác dụng như một mệnh lệnh bắt buộc hay được tiếp thu một cách tin cậy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét