Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Chiến tranh kinh tế Nga – Phương Tây trong lịch sử

20140802_EUD001_0
Tác giả: Lê Hùng (tổng hợp)
Từ 0h00 ngày 12/9, EU quyết định áp đặt biện phạt trừng phạt kinh tế mới với Nga do cáo buộc là Nga có những hành động can thiệp tại Đông Ukraina. Những biện pháp trừng phạt mới này sẽ bao gồm: hạn chế các ngân hàng và doanh nghiệp Nga tiếp cận thị trường vốn châu Âu, nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí, hạn chế xuất khẩu vào Nga các mặt hàng công nghệ cao, cấm đi lại và đóng băng tài sản với nhiều quan chức cấp cao của Nga.
Những tuyên bố trên ngay lập tức có tác dụng. Thị trường chứng khoán Nga bắt đầu chao đảo, tỷ giá đồng rúp – đô la Mỹ ngày 16/9 đã xuống thấp kỷ lục 38 rúp/01 đô la Mỹ (cụ thể là 38,68 rúp), đối với đồng euro – tỷ giá đã là 50,5 rúp/01 euro.
Moscow cũng đã có các biện pháp đáp trả – cấm nhập thực phẩm (thịt, sữa, cá, rau và củ quả) một năm nhằm chống lại Mỹ, EU, Na Uy, Australia và Canada, ước tính ngăn khoảng 9 tỷ USD hàng nông nghiệp xuất khẩu sang Nga. Thủ tướng Nga D.Medvedev tuyên bố có thể sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả “phi đối xứng” mới.
Dĩ nhiên, các biện pháp cấm vận bao giờ cũng là con dao hai lưỡi, cả hai bên đều chịu thiệt hại nhưng vấn đề là ở chỗ là thiệt hại của mỗi bên đến đâu và sức chịu đựng của mỗi bên đến mức độ nào. Cũng không nên quên một điều là lợi thế thường nằm ở bên “chủ động tấn công”.
Trên thực tế, đây không phải là lần “trao đổi” các biện pháp trừng phạt đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng. Kể từ khi Liên Xô (Nga là chủ thể thừa kế hợp pháp) được thành lập cho đến nước Nga hiện nay đã có nhiều “cuộc chiến tranh thương mại”.
Trong khi các chuyên gia kinh tế đang làm các việc dự đoán, đánh giá của họ, chúng ta hãy điểm qua những “cuộc chiến tranh thương mại” giữa hai bên.
1. Cuộc chiến tranh thương mại lần thứ nhất
Cuộc chiến tranh thương mại lần thứ nhất bắt đầu ngay sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công: Các nước ANTANTA (Pháp, Anh..) phong tỏa thương mại nước cộng hòa non trẻ này ngay từ năm 1918. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với khu vực xuất khẩu truyền thống của Nga – đó là xuất khẩu ngũ cốc.
Nước Nga Xô Viết chỉ được dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận thương mại vào năm 1921 với việc ký thỏa thuận thương mại tạm thời với Anh, và sau đó là với Đức và Mỹ. Cái giá phải trả cho bước đột phá này là vô cùng đắt: Nước Nga Xô Viết phải trả cho các mặt hàng nhập khẩu bằng vàng ròng.
Mãi đến cuối những năm 20, nhờ có NEP (Chính sách kinh tế mới), cán cân ngoại thương của Liên Xô mới được cân bằng – xuất khẩu tương đương với nhập khẩu. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Xô Viết đã có được một bài học đắt giá về thế nào là phong tỏa (cấm vận) thương mại.
Liên Xô thực hiện đường lối công nghiệp hóa đất nước vào những năm cuối thập kỷ 20 không chỉ xuất phát từ những kế hoạch đầy tham vọng là đuổi kịp các nước phát triển hàng đầu trên thế giới mà còn xuất phát từ chủ trương tự đảm bảo cho mình những sản phẩm thiết yếu.
Dĩ nhiên, điều đó không thể thực hiện được nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp nặng mạnh: chế tạo máy, chế tạo máy công cụ, công nghiệp luyện kim loại đen và kim loại màu và v.v.
Những “bài học” về cấm vận thương mại vẫn còn nguyên giá trị và làm cho giới lãnh đạo Xô Viết khẳng định quyết tâm xây dựng nền kinh tế Xô Viết chủ yếu theo hướng “tự cung tự cấp”.
Trong suốt thời kỳ sau đó, tỷ lệ kinh tế ngoại thương trong tổng sản phẩm quốc dân, trừ một sô rất ít trường hợp ngoại lệ – không bao giờ vượt quá 10% trong khi đối với các nước có nền kinh tế thị trường thì con số này thường từ 30 đến 45%.
Liên Xô chỉ thoát khỏi thế bị bao vây thương mại vào đầu những năm 30 do có cuộc Đại suy thoái kinh tế tại Mỹ và các nước Phương Tây khác. Vào giai đoạn này, tất cả các nước đều muốn buôn bán với Nước Nga Xô Viết để cứu nền kinh tế đang khủng hoảng của mình.
Như đã nói ở trên, vào thời gian này giới lãnh đạo Xô Viết cũng đã bắt đầu triển khai kế hoạch công nghiệp hóa – muốn thế phải mua trang thiết bị từ nước ngoài: năm 1931 tỷ lệ nhập khẩu máy và các trang thiết bị của Liên Xô chiếm 30 % thị trường nhập khẩu máy móc và trang bị thế giới, và vào năm 1932, – lên đến 50%.
Tuy nhiên, để nhập khẩu máy và trang thiết bị cũng như thuê chuyên gia để lắp đặt và vận hành, cần phải trả bằng ngoại tệ. Mặt hàng duy nhất mà Nước Nga Xô Viết có thể xuất khẩu để thu ngoại tệ lúc đó là ngũ cốc. Cái giá phải trả cho “công nghiệp hóa” (xuất khẩu ngũ cốc để mua trang thiết bị) là nạn đói khủng khiếp vào đầu những năm 30.
Có thể nói, ở một chừng mực nhất định nào đó, “công nghiệp hóa” cùng những hệ lụy “tác dụng phụ” của nó chính là hậu quả gián tiếp từ chính sách cấm vận của các nước ANTANTA.
2. Liên minh thương mại và cuộc chiến tranh dầu mỏ
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Xô bắt đầu tăng cường quan hệ kinh tế đối ngoại. Sự xuất hiện của các nước xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh đã dẫn tới việc thành lập một liên minh kinh tế mới kể từ thời điểm thành lập Liên Xô: Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV).
Nhờ tăng cường buôn bán giữa các nước thành viên và cả sự phân công lao động trong nội bộ SEV, liên minh này đã đảm bảo an toàn về kinh tế cho tất cả các nước thành viên trước những cú sốc về chính trị, kinh tế cùng các nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại mới.
Từ thời điểm này, kinh tế đối ngoại của Liên Xô (xuất khẩu máy móc, trang bị và nguyên liệu để công nghiệp hóa các đồng minh, nhập khẩu hàng tiêu dùng và lương thực- thực phẩm) tập trung vào các nước xã hội chủ nghĩa và các nước thành viên SEV.
Trong những năm 50, 80% thu nhập từ ngoại thương của Liên Xô là từ các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó 55% là với các nước thành viên khối SEV. Đến “triều đại” Khrushov, nền kinh tế Xô Viết có hai đặc điểm nổi bật: một mặt – đó là mối quan hệ thương mại với các nước Phương Tây mà trước hết là Mỹ được tăng cường. Mặt khác – đây cũng chính là thời kỳ mà nền nông nghiệp Xô Viết bắt đầu xu hướng đi xuống, trước hết là trong sản xuất ngũ cốc – dẫn tới tình trạng thiếu lương thực tại Liên Xô.
Liên Xô đã không thể giải quyết được tình trạng này cho đến tận khi sụp đổ và giới lãnh đạo Xô Viết buộc phải nhập khẩu một số lượng lớn ngũ cốc, và sau đó là các mặt hàng lương thực thực phẩm khác (Nga hiện nay cũng vậy).
Hơn nữa, việc nhập khẩu các mặt hàng này từ Mỹ, Canada và các nước Phương Tây khác được thực hiện trong những điều kiện ngặt nghèo không kém gì các cuộc chiến tranh thương mại.
Việc phát hiện dầu mỏ ở Tây Sibiri vào những năm 60 có thể coi là bước ngoặt đối với Liên Xô. Chính thời điểm này trong giới lãnh đạo Xô Viết bắt đầu diễn ra các cuộc tranh luận về khả năng thay đổi tỷ lệ đầu tư vào nhóm A (công nghiệp nặng sản xuất các phương tiện sản xuất) và nhóm B (sản xuất lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng).
Nhóm thứ nhất (ủng hộ đầu tư cho nhóm “B”) cho rằng đến thời điểm đó Liên Xô đã đạt được sự cân bằng tên lửa – vũ khí hạt nhân với Mỹ và như vậy đã giải quyết cơ bản nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đất nước.
Từ thực tế như vậy, cần phải sử dụng tiền bán dầu để hỗ trợ nâng cao mức sống của người dân (đang thấp hơn nhiều so với các công dân Phương Tây) và để phát triển sản xuất lương thực – thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác – có nghĩa là ưu tiên đầu tư cho nhóm B.
Những người phản đối (ủng hộ ưu tiên đầu tư nhóm “A”) lại cho rằng, bằng số ngoại tệ thu được từ bán dầu, Liên Xô có thể mua được tất cả các mặt hàng lương thực- thực phẩm, hàng tiêu dùng cần thiết từ nước ngoài – mà trước hết từ các nước khối SEV.
Nếu ưu tiên đầu tư cho nhóm “B” thì trong trường hợp “ngày mai xảy ra chiến tranh”, dòng vốn đầu tư phải nhanh chóng chuyển sang sản xuất vũ khí khiến Liên Xô phải “tái cơ cấu” khẩn cấp nền công nghiệp – một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Cuối cùng, những người thuộc nhóm A đã thắng và Liên Xô đã phải trả một cái giá quá đắt cho quyết định này.
Chính nó (quyết địnhưu tiên nhóm A) đã làm cho nền kinh tế Xô Viết trở nên không năng động và thiếu sức sống – nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên và cho đến nay, nước Nga vẫn chưa khắc phục được tình trạng này.
Thế nhưng vào đầu những năm 70, “định hướng tài nguyên” vẫn chưa đem lại tai họa, ngược lại nó còn mang đến cho Liên Xô những lợi ích không nhỏ. Sau cuộc chiến tranh Ai cập và Syria với Israel năm 1973, các nước Arập khai thác dầu mỏ nằm trong thành phần OPEC tiến hành “cuộc chiến tranh thương mại dầu mỏ” chống lại Mỹ và các nước Châu Âu ủng hộ Israel. Mỹ bị cấm vận dầu mỏ, còn Châu Âu – bị tăng số tiền phụ thu khi nhập khẩu dầu.
Chỉ trong vòng 3 tháng – từ tháng 11/1973 (bắt đầu cấm vận) giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã tăng từ 3 USD/thùng lên 12 USD/thùng và vẫn tiếp tục tăng. Một số nhà phân tích Phương Tây đến bây giờ vẫn cho rằng cuộc chiến tranh “dầu mỏ” mà các nước Arập đồng minh của Liên Xô tiến hành chống Israel cùng việc giá dầu trên thế giới tăng là một “chiến dịch kinh tế- thương mại đặc biệt” do Liên Xô- lúc này đang là một nước xuất khẩu dầu vào thị trường Châu Âu, khởi xướng.
Bất luận thế nào chăng nữa, “cuộc khủng hoảng dầu mỏ” những năm 70, giá dầu tăng đã có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế Xô Viết. Tốc độ tăng trưởng GDP của Liên Xô trong những năm 70 luôn cao hơn các đối thủ cạnh tranh trong “khối tư bản chủ nghĩa” lúc này đang bị sốc nặng vì hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu, mức sống và chất lượng sống của đại bộ phận người dân Xô Viết không ngừng tăng lên. Thặng dư thương mại luôn dương.
Tuy nhiên, ở một bình diện khác thì chính sách kinh tế dựa vào xuất khẩu nguyên liệu và vũ khí đồng thời nhập khẩu hàng tiêu dùng và lương thực- thực phẩm đã làm cản trở sự phát triển công nghệ của các lĩnh vực kinh tế “không ưu tiên” của đất nước – mà cụ thể là nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt cùng một loạt các ngành công nghiệp chủ chốt khác.
3. Ủy ban CCMEC và luật Jackson- Vanik
Đến đầu những năm 80 Liên Xô đã là một người khổng lồ trên trường quốc tế. Nhưng cũng chính vào thời điểm này nền kinh tế Xô Viết đã nhiễm 2 loại virus chết người. Loại virus thứ nhất chính là luật Jackson-Vanik (của Mỹ) năm 1974 hạn chế thương mại, trước hết là các mặt hàng lưỡng dụng và các sản phẩm công nghệ cao.
Về lý do công khai, bộ luật này được áp dụng chống lại các nước gây khó khăn cho sự di cư của công dân nước mình – cụ thể đối với Liên Xô thì đó là việc nước này ngăn trở người Do thái xuất cảnh hoặc đi định cư ở nước khác. Dĩ nhiên, đây chỉ là cái cớ.
Trước đó, ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh năm 1949 Mỹ đã đưa ra sáng kiến cùng các nước Phương Tây thành lập Ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu (Coordinating Committee for Multilateral Export-CCMEC), có nhiệm vụ hạn chế các giao dịch buôn bán với Liên Xô. Đây chính là một cuộc chiến tranh thương mại công khai.
CCME với thành phần gần như tất cả các nước NATO, thường xuyên lập và chốt danh mục các công nghệ và sản phẩm “chiến lược” cấm xuất khẩu vào các nước “Khối phía đông” đồng thời kiểm soát việc thực hiện các lệnh cấm này.
Trong những năm 70, trong bối cảnh Liên Xô đạt được sự tăng trưởng đáng kể tiềm lực kinh tế và quân sự (Phương Tây đang bị khủng hoảng liên quan đến tăng giá dầu mỏ), các danh mục cấm của CCMEC luôn được bổ sung thêm, và việc thực hiện lệnh cấm được kiểm soát nghiêm ngặt.
Hậu quả của chính sách này đối với Liên Xô là các ngành kinh tế “phi quân sự” của nước này chỉ nhập khẩu được từ Phương Tây các trang thiết bị và công nghệ “hạng hai”. Và đây là một nguyên nhân rất quan trọng làm cho các ngành công nghiệp “hòa bình” Xô Viết ngày càng tụt hậu về công nghệ.
Loại virus chết người thứ hai chính do nền kinh tế Xô Viết gây ra và tự viêm nhiễm. Vấn đề là ở chỗ, ngoài nguyên tắc “đầu tư những gì còn lại” cho lĩnh vực dân sự của nền kinh tế, giới lãnh đạo Liên Xô cũng đồng ý với các tổ hợp nghiệp quốc phòng không áp dụng các công nghệ công nghiệp quốc phòng cho lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong khi đó Phương Tây rất chú trọng kết nối các Tổ hợp công nghiệp quốc phòng với các ngành sản xuất hàng dân dụng: những phát minh trong lĩnh vực này ngay lập tức được ngành khác ứng dụng và thành quả thường là luôn xuất hiện những công nghệ và mặt hàng mới từ sự kết nối như vậy.
Liên Xô đã không làm như thế và hậu quả là: do không có đủ nguồn lực để tự phát triển công nghệ (trong đó có cả việc đầu tư cho các công tác nghiên cứu khoa học và công tác nghiên cứu khoa học – thiết kế – thử nghiệm) các ngành kinh tế dân dụng của Liên Xô buộc phải hoặc là sao chép công nghệ Phương Tây hoặc là mua trang thiết bị của Phương Tây.
Mà như đã nói ở trên, việc nhập khẩu trang thiết bị cũng như bị điều chỉnh rất chặt chẽ bởi CCME và luật Jackson-Vanik.
Vì lý do đó mà khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu Liên Xô (trừ nguyên liệu, sản phẩm quân sự và một số sản phẩm công nghệ cao khác như một số máy móc và máy công cụ) bắt đầu sụt giảm.
Và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Liên Xô không chỉ sụt giảm trên thị trường “tư bản”, mà ngay cả trên thị trường các nước “anh em” trong khối SEV. Liên Xô dần dần thua thế giới tư bản trong cuộc cạnh trạnh thương mại toàn cầu.
4. Cuộc chiến tranh bí mật
Vào cuối những năm 70 đầu những năm 80 Phương Tây quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh tổng thể chống Liên Xô trên tất cả các mặt trận. Nhà tư tưởng và cha đẻ của cuộc chiến tranh này chính là Zbigniew Kazimierz Brzeziński (gốc Ba Lan – sinh năm 1928) từ năm 1977 là Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền J.Carter.
Chính ông này là tác giả của hệ tư tưởng khẳng định vai trò thống trị thế giới của Mỹ và là người có câu nói nổi tiếng “Liên Xô – người khổng lồ có đôi chân đất sét”. Ông ta cũng là tác giả của ý tưởng gây sức ép với Liên Xô thông qua việc thiết lập “vòng cung Hồi giáo gây mất ổn định” ở biên giới phía nam Liên Xô.
Và bắt đầu vào những năm 1978-1980. đã có một loạt thay đổi rất nhạy cảm đối với Liên Xô tại các nước láng giềng: tại Iran, những người Hồi giáo lên nắm quyền. Tại Afghanistan, chiến tranh bắt đầu với sự tham gia của binh sỹ Xô Viết, còn tại Ba Lan “công đoàn Đoàn kết” xuất hiện và bắt đầu hoạt động manh.
Cũng bắt đầu từ năm 1980, Liên Xô ngày càng phải dành nhiều hơn các nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu để chi cho việc bảo vệ biên giới với Iran tại các nước Cộng hòa Turmenistan và Uzbekistan, cho tiến hành chiến tranh ở Afghanistan và để hỗ trợ ngoại tệ cho đồng minh Ba Lan đang ở bờ vực của một cuộc bùng nổ chính trị-xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 1981 Liên Xô phải chi cho cuộc chiến tranh tại Afghanistan từ 3,5 đến 5 tỷ đôla mỗi năm, cho hỗ trợ kinh tế Ba Lan (và sau này là Tiệp Khắc và các nước khối SEV bị khủng hoảng) – từ 2 đến 4 tỷ đôla mỗi năm.
Đầu năm 1981, tổng thống mới của Mỹ là R.Rigan nhậm chức với tuyên bố Liên Xô là “đế quốc tội ác” và cần phải bị tiêu diệt. Kế hoạch làm suy yếu Liên Xô được giao cho Giám đốc CIA W. Casey. W.Casey sau này đã nói về nhiệm vụ được giao như sau: “tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật lớn làm phá sản Liên Bang Xô Viết”.
Mùa thu năm 1981, theo chỉ thị của W.Casey, các chuyên viên CIA đã lập một danh mục các trang thiết bị và công nghệ mà Liên Xô đang rất cần để cấm xuất khẩu những mặt hàng này. Ngay trong tháng 10, Cục Hải quan Mỹ đã bắt đầu chiến dịch đặc biệt Exodus (Cuộc ra đi hàng loạt) nhằm áp dụng các hạn chế trong trao đổi công nghệ với các nước xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, mùa xuân năm 1981, W.Cayce đề nghị (đúng hơn là yêu cầu) một loạt các doanh nghiệp lớn của Mỹ cam kết hợp tác với CIA (để chống Liên Xô) và bắt đầu cho loan tin đồn khắp Châu Âu về việc Ba Lan không có khả năng thanh toán, và như vậy, cần phải khẩn cấp “rút lại” các khoản tín dụng đã cấp cho Ba Lan trước đây.
Tháng 7/1981, Hội đồng các ngân hàng Mỹ dưới sự chủ trì của phó chủ tịch “The Chase Manhattan Bank” R.Robinson đã tiến hành thương thảo với 400 ngân hàng quốc tế. Các bên đã thống nhất đòi Ba Lan phải thanh toán ngay khoản nợ tín dụng của nước này là 2,7 tỷ đôla.
Moscow buộc phải có biện pháp hỗ trợ Ba Lan để nước này khỏi rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị không thể kiểm soát được. Mùa thu năm 1981, Liên Xô buộc phải cấp cho Ba Lan khoản hỗ trợ 4,5 tỷ đôla. Mặc dù vậy, khủng hoảng chính trị ở Ba Lan vẫn không hề có hy vọng được giải quyết: Ngày 13/12/1981, Chính phủ Ba Lan ban bố tình trạng thiết quân luật.
Mỹ cáo buộc là việc thiết quân luật ở Ba Lan là “do sức ép của Moscow”, và ngày 29/12/1981, R.Rigan tuyên bố Mỹ cấm các công ty Mỹ tham gia vào các dự án kinh tế Xô Viết.
Những biện pháp cấm vận này trước hết liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Xô Viết tuyến Uranda- Pomara- Uzgorod chạy tới Tiệp Khắc và sau đó kết nối với mạng đường ống dẫn khí Châu Âu. Đường ống này nếu được đưa vào sử dụng sẽ làm tăng đáng kể lượng khí đốt của Liên Xô xuất khẩu sang Châu Âu (và dĩ nhiên là tăng nguồn thu ngoại tệ cho Liên Xô).
Các biện pháp cấm vận của Mỹ còn nhằm vào các dự án khai thác các mỏ khí đốt tại Sakhalin có sự tham gia của Nhật Bản: tại các mỏ này, có sử dụng các công nghệ và trang thiết bị của Tập đoàn Mỹ General Electric, Dresser Industries, Schlumberger và các tập đoàn khác.
Hướng của các đòn tấn công đã được Mỹ lựa chọn rất chính xác: hai tuyến đường ống đẫn khí đốt có thể tạo cho Liên Xô mức tăng trưởng ngoại thương khoảng 30 tỷ đôla, có nghĩa là tăng gần gấp đôi tổng số ngoại tệ thu được từ xuất khẩu của Liên Xô.
Còn một điều không kém phần quan trọng nữa là tăng sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt Xô Viết: sẽ là gần 60% tổng số khí đốt mà Châu Âu sử dụng. Dĩ nhiên, Mỹ không thể để điều này xảy ra.
Các chuyên gia của W.Casey được giao nhiệm vụ tìm các phương án cung cấp khí đốt khác cho Châu Âu để có thể thuyết phục các nước này khước từ tham gia vào các dự án xuất khẩu khí đốt của Liên Xô. Nhưng đối với Châu Âu, những dự án đường ống khí đốt mới này cũng cần thiết cho mình không kém gì Liên Xô: không chỉ vì cần khí đốt, mà còn vì khủng hoảng kinh tế và để giải quyết nạn thất nghiệp gia tăng.
Chính vì thế mà Châu Âu đã sẵn sàng cung cấp cho Liên Xô các khoản tín dụng ưu đãi, và quan trọng hơn là đảm bảo cung cấp trang thiết vị và vật liệu với điều kiện là Liên Xô sẽ trả sau một phần bằng khí đốt.
Các hợp đồng cung cấp trang thiết bị này không chỉ có tác động tích cực đến công nghiệp và thương mại mà còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho Châu Âu trong bối cảnh nạn thất nghiệp tràn làn. Vì những lợi ích của mình, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã không “tuân lệnh” Mỹ trong trường hợp này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO đầu năm 1982, ngoại trưởng các nước hàng đầu Châu Âu tuyên bố là họ sẽ không vi phạm các biện pháp trừng phạt của nước Mỹ nhưng vẫn tiếp tục tham gia vào các dự án khí đốt Xô Viết. Dòng khí đốt dù là màu “đỏ” nhưng đối với Châu Âu vẫn quan trọng hơn là cuộc đấu tranh với “đế chế tội ác”.
5. “Cuộc chiến tranh giữa các vì sao” và cuộc chiến tranh dầu mỏ lần thứ hai
Tháng 6/1982, Tổng thống R.Rigan công bố quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với tất cả các công ty và các nước sử dụng giấy phép sản xuất cũng như trang thiết bị, máy móc và vật liệu được sản xuất có ứng dụng công nghệ Mỹ nếu hợp tác với Liên Xô.
Quyết định này của Mỹ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Châu Âu, nhưng lần này ít có nước nào dám chống lại. Và không lâu sau đó các dự án công nghiệp Xô Viết (trước hết là dự án đường dẫn khí đốt) đối mặt với nguy cơ Phương Tây cắt giảm cung cấp các mặt hàng công nghệ cao đã được thỏa thuận từ trước.
Nếu như vào cuối những năm 70 tỷ lệ hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Mỹ vào Liên Xô vượt 30%, thì đến năm 1982, tỷ lệ này chỉ còn 7%. Xu hướng như vậy cũng bắt đầu xuất hiện trong quan hệ kinh tế với Châu Âu.
Một cuộc chiến tranh thương mại- công nghệ cao quy mô lớn giữa Mỹ và Liên Xô lại bắt đầu. Giới lãnh đạo Liên Xô cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp đáp trả như: mua các mẫu trang thiết bị và công nghệ cần thiết qua “các nước thứ ba”, sử dụng gián điệp công nghiệp để thu thập các thông tin công nghệ.
Các nhà khoa học Xô Viết bắt đầu tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học bí mật, dựa vào các mẫu và tài liệu công nghệ thu thập được tiến hành nghiên cứu nhanh chóng để chế tạo các loại trang thiết bị của Liên Xô có tính năng tương tự như các trang thiết bị- máy móc vật liệu của Phương Tây.
Mỹ đáp trả bằng cách tiến hành một chiến dịch cung cấp các thông tin giả bằng nhiều phương thức khác nhau mà đỉnh điểm chính là cho công bố “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) hay còn được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” vào đầu năm 1983.
Mục đích của chương trình nói trên – theo các tuyên bố công khai là: thiết kế một hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn diện bố trí cả trên vũ trụ để có thể vô hiệu hóa tiềm lực tên lửa-hạt nhân của Liên Xô. Chương trình này, có thể nói ngay là hoang đường vào thời điểm đó: những phương hướng cơ bản của nó nếu như có thể thực hiện được về mặt nguyên tắc công nghệ thì cũng còn phải trong một tương lai rất xa nữa.
Tuy nhiên, Liên Xô đã tỏ ra cực kỳ quan ngại trước chương trình này của Mỹ. Giới lãnh đạo Xô Viết buộc phải cắt giảm các khoản đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế để dành một nguồn lực rất lớn về tài chính, vật liệu, khoa học và công nghệ để tìm “biện pháp đáp trả cuộc chiến tranh giữa các vì sao”.
Đòn tiếp theo của Mỹ giáng vào Liên Xô là trong lĩnh vực tiền tệ. Các khoản thu ngoại tệ chủ yếu của Liên Xô đều từ thị trường dầu mỏ, nơi mà mọi giao dịch thanh toán đều được thực hiện bằng đồng đôla Mỹ. Từ mùa thu năm 1984, trong vòng một năm Mỹ đã phá giá đồng đôla tới 25%.
Từ thời gian đó, Liên Xô nhận được từ xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng đôla đã giảm giá tới 1/4 và vẫn nhập khẩu hàng tiêu dùng và trang thiết bị từ Châu Âu bằng các đồng tiền đang lên giá của các nước này. Thặng dư thương mại Liên Xô ngày càng giảm.
Chính vào thời điểm “nhạy cảm” này Casey và “các đồng nghiệp” tiến hành “vòng thuyết phục” tiếp theo nhằm thuyết phục lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất trên thế giới là kinh tế Xô Viết trước sau “sẽ sụp đổ” và việc cấp cho Liên Xô các khoản tín dụng dài hạn mới- là một quyết định chứa đựng nhiều rủi ro không thể biện minh được.
Tháng 3/1985, M.Gorbachev giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 4/1985, Hội nghị Trung ương ĐCS Liên Xô họp và đưa ra các mục tiêu của chiến lược “cải tổ”. Nguyên nhân dẫn đến việc giới lãnh đạo Xô Viết đồng ý thay đổi là những khó khăn kinh tế mà Liên Xô đang phải đối mặt.
Việc quá tập trung các nguồn lực chủ yếu để đối đầu với Mỹ đã làm tổn hại nặng cho nền kinh tế: Liên Xô phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu ngũ cốc, bơ và thịt bắt đầu phải cấp theo tem phiếu, giá các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng.
Nhưng điều quan trọng nhất – khoảng cách tụt hậu công nghệ so với Phương Tây ngày càng tăng. Lại cũng chính vào thời điểm này, Mỹ đã thành công trong việc gây sức ép với Saudi Arabia để đánh sụp “chỗ dựa” của nền kinh tế Xô Viết. Mùa hè năm 1985, Saudi Arabia đã mở kho dự trữ dầu và tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu.
Đến cuối năm 1985, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia tăng từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày – giá dầu trên thế giới giảm từ 30 xuống còn 12 đôla/thùng. Chỉ riêng thiệt hại do giá dầu giảm của Liên Xô trong những tháng đó đã là hơn 10 tỷ đôla.
Lại cũng trong khoảng thời gian này Liên Xô mất gần 2 tỷ đôla tiền xuất khẩu vũ khí –lý do: Iran, Iraq và Lybia do khoản thu nhập từ xuất khẩu dầu bị suy giảm đột ngột nên đã không thể thanh toán khoản tiền nhập khẩu vũ khí cho Liên Xô.
Người dân Liên Xô đã bắt đầu không thể mua được một số mặt hàng Phương Tây (lương thực – thực phẩm, chi tiết máy, hàng tiêu dùng) vì giá quá cao. Mùa hè năm 1986, Liên Xô đã phải tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ lên 5 lần nhưng cũng chỉ mua được một khối lượng trang thiết bị của Tây Đức như cách đó một năm trước.
Kết quả là, bắt đầu từ năm 1985, thâm hụt ngân sách của Liên Xô ngày càng lớn (từ 18 tỷ rúp năm 1985 lên đến 76 tỷ rúp năm 1990, trong khi tổng thu ngân sách hơn 400 tỷ rúp một chút). Thực tế đó buộc chính phủ lại phải tìm các khoản vay mới từ bên ngoài. Đây là thời điểm Liên Xô đã rơi vào cái “bẫy lương thực”.
Nước này ngập sâu vào nợ nần để trả các khoản nhập khẩu lương thực nhưng cũng không đủ thỏa mãn hoàn toàn các nhu cầu trong nước. Các quầy hàng trồng rỗng đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết. Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường và kết quả thì như mọi người đã biết.
Một cuộc chiến tranh thương mại nữa lại bắt đầu, nhưng lần này là giữa Nga và Mỹ.
Để kết thúc bài này, xin giới thiệu với bạn đọc một vài ý trong bài báo của V.Krashenhinnhikova, giám đốc Trung tâm báo chí và nghiên cứu Hãng thông tấn Moscow “Nước Nga ngày nay” với tiêu đề: “R.Rigan chống Liên Xô, B.Obama chống Nga: kế hoạch như nhau – còn kết quả?” ngày 13/8/2014:
“Chính quyền Rigan trong những năm 80 đã thực hiện một kế hoạch mật với mục tiêu là làm suy yếu đáng kể Liên Xô. Kết quả là Liên Xô đã biến mất trên bản đồ chính trị thế giới. Những biện pháp mà Chính quyền B.Obama hiện nay đang áp dụng đối với Nga có rất nhiều điểm trùng lặp với chiến lược của R.Rigan.
Nhưng mục tiêu chiến lược của Washington với Nga là không thay đổi: làm suy yếu nước Nga và nếu như có thể được, tiếp tục làm tan rã nước Nga. Việc giải quyết “vấn đề Nga” trong 2 năm trở lại đây càng trở nên cấp thiết đối với Phương Tây vì Nga đang lấy lại được sức mạnh và hành động hoàn toàn độc lập với Mỹ trong hàng loạt các vấn đề:
Syria, Iran, hạn chế khả năng của các nhóm thân Phương Tây ngay bên trong nước Nga, Crimea và Ukraine v.v . Và một điều quan trọng nữa theo quan điểm của Washington là Nga đã vượt quá giới hạn cho phép – thành lập các định chế quốc tế mới trong khuôn khổ BRICS.
Còn kết cục cuộc chiến mới như thế nào? Nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết là ở bản thân nước Nga”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét