Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014
Ludwig von Mises (1881-1973) - CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG 10
07:31
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Phụ lục
1. Tài liệu viết về chủ nghĩa tự do.
Tôi muốn giữ cho cuốn sách này
không quá dài. Điều này càng có lí vì tôi đã xem xét một cách kĩ lưỡng
tất cả những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa tự do trong một loạt bài báo và
cuốn sách rồi.
Độc giả nào muốn tìm hiểu một cách kĩ lưỡng hơn, xin đọc những tác phẩm quan trọng nhất dưới đây.
Có thể tìm thấy tư tưởng của chủ
nghĩa tự do trong trước tác của nhiều người cầm bút trước đây. Những
nhà tư tưởng Anh và Scotland thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX là những
người đầu tiên đã đưa những tư tưởng này thành một hệ thống. Những người
muốn làm quen với tư tưởng tự do cần đọc các tác phẩm sau:
David Hume, Essays Moral, Political, and Literary (1741 and 1742), và
Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (1776)
Đặc biệt là các trước tác của
Jeremy Bentham, từ Defense of Usury (1787) đến Deontology, or the
Science of Morality, được xuất bản sau khi ông mất vào năm 1834. Trừ
cuốn Deontology, tất cả các tác phẩm còn lại của ông đều được Bowring
biên tập và xuất bản trọn bộ trong các năm 1838 - 1843.
John Stuart Mill là người kế tục
chủ nghĩa tự do cổ điển, nhưng trong những năm cuối đời, do ảnh hưởng
của bà vợ, ông đã có những thỏa hiệp quá nhu nhược. Ông đã trượt dần về
phía chủ nghĩa xã hội và là người tạo ra những tư tưởng vô nghĩa, hỗn
hợp giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, đưa đến sự thoái trào của
chủ nghĩa tự do Anh và xói mòn dần mức sống của người dân Anh. Tuy nhiên
– hay chính vì thề mà – ta phải làm quen với những tác phẩm quan trọng
nhất của Mill như:
Principles of Political Economy (1848)
On Liberty (1859)
Utilitarianism. (1862)
Không nghiên cứu một cách kĩ
lưỡng Mill thì không thể nào hiểu được các sự kiện trong hai thế hệ gần
đây. Mill là người ủng hộ vĩ đại của chủ nghĩa xã hội. Tất cả những luận
cứ bảo vệ chủ nghĩa xã hội đều đã được ông trau chuốt một cách cực kì
cẩn thận. So với Mill thì tất cả các tác giả khác – kể cả Marx, Engels
và Lassalle – đều chẳng có mấy giá trị.
Không có kiến thức về kinh tế
học thì không thể hiểu được chủ nghĩa tự do. Vì chủ nghĩa tự do chính là
kinh tế học ứng dụng, nó là chính sách kinh tế và chính sách xã hội dựa
trên nền tảng khoa học. Bên cạnh các trước tác vừa nêu, ta cũng cần làm
quen với những bậc thầy vĩ đại trong môn kinh tế học nữa:
David Ricardo, Principles of Political Economy and Taxation (1817).
Sau đây là những cuốn dẫn nhập về kinh tế học tuyệt vời nhất:
H. Oswalt, "Vortrage uber wirtschaftliche Grundbegriffe" (xuất bản nhiều lần)
C.A. Verrijn Stuart, Die Grundlagen der Volkswirtschaft (1923).
Sau đây là những kiệt tác bằng tiếng Đức viết về kinh tế học hiện đại:
Carl Menger, "Grundsatze der
Volkswirtschaftslehre (xuất bản lần đầu năm 1871). Bản dịch tiếng Anh
phần I tác phẩm này có tên là Principles of Economics (Glencoe, Ill.,
1950).
Eugen von Bohm-Bawerk: The
Positive Theory of Capital (New York, 1923). Tác phẩm đáng đọc nữa là:
Karl Marx and the Close of His System (New York, 1949).
Những đóng góp quan trọng nhất
của Đức vào sách báo viết về chủ nghĩa tự do cũng gặp số phận không may,
cũng như số phận của chính chủ nghĩa tự do ở Đức vậy. Tác phẩm On the
Sphere and Duties of Government của Wilhelm von Humboldt (London 1854)
được viết xong vào năm 1792. Một vài đoạn đã được Schiller trích đăng
trong Neuen Thalia, ngay trong năm đó, một số đoạn khác được đăng trên
tờ Berliner Monatsschrift. Nhưng do nhà xuất bản sợ nên bản thảo đã bị
bỏ lại và lãng quên; mãi sau khi tác giả mất người ta mới lại phát hiện
ra và cho công bố.
Tác phẩm "Entwicklung der
Gezetze des menschlichen Verkehrs und der daraus fliessenden Regeln fur
menschliches Handeln của Hermann Heinrieh Gossen đã tìm được nhà xuất
bản vào năm 1854, nhưng đã không được nhiều người tìm đọc. Tác phẩm này,
cũng như tác giả của nó đã bị người đời lãng quên, may là nó đã được
một người Anh tên là Adamson vô tình phát hiện được.
Tư tưởng tự do đã thấm vào thơ ca cổ điển Đức, mà trước hết là tác phẩm của Goethe và Schiller.
Chủ nghĩa tự do chính trị ở Đức
có một lịch sử ngắn ngủi và cũng chẳng gặt hái được mấy thành công. Nước
Đức hiện đại – trong đó có cả những người ủng hộ lẫn chống đối hiến
pháp Weimar – là một thế giới xa lạ với tinh thần của chủ nghĩa tự do.
Người Đức không còn biết chủ nghĩa tự do là gì, nhưng họ biết cách chửi
rủa nó. Lòng hận thù chủ nghĩa tự do là điều duy nhất gắn kết người Đức
lại với nhau. Những tác phẩm mới nhất viết bằng tiếng Đức về chủ nghĩa
tự do đáng được quan tâm là: Der Liberalismus in Vergangenheit und
Zukunft (1917), Staatssozialismus (1916) và Freie Wirtschaft (1918)
Leopold von Wiese.
Có lẽ chưa bao giờ luồng gió của chủ nghĩa tự do đến được với nhân dân Đông Âu.
Mặc dù ngay cả ở Tây Âu và Hợp
chủng quốc Hoa Kì tư tưởng tự do cũng đang đi vào thoái trào, nhưng nếu
so với Đức thì ta vẫn có thể gọi đấy là những dân tộc tự do.
Người cầm bút có tư tưởng tự do
thế hệ trước cần phải đọc là Frederic Bastiat: Oevres Completes (Paris,
1855). Bastiat là người có bút pháp rất độc đáo, đọc ông là cả một niềm
vui. Sau khi ông qua đời, lí thuyết kinh tế phát triển như vũ bão cho
nên không có gì ngạc nhiên là học thuyết của ông đã trở thành lỗi thời.
Nhưng những lời phê phán của ông đối với tất cả những biện pháp bảo hộ
và những xu hướng liên quan đến nó thì vẫn chưa ai vượt qua được. Những
người theo chính sách bảo hộ và can thiệp không thể cãi được. Họ đành
phải lặp đi lặp lại: Bastiat rất “hời hợt”.
Khi đọc sách báo chính trị viết
bằng tiếng Anh trong thời gian gần đây ta phải nhớ rằng từ "liberalism"
thường được hiểu là chủ nghĩa xã hội ôn hòa. Tác phẩm Liberalism (1911)
của tác giả người Anh, tên là L. T. Hobhouse và Economic Leberalism
(1925) của tác giả người Mĩ, tên là Jacob H. Hollander, là những tác
phẩm trình bày một cách súc tích về chủ nghĩa tự do. Để làm quen kĩ hơn
với tư tưởng của những người theo trường phái tự do Anh, nên đọc thêm
các tác phẩm: The Case for Capitalism (1920) của Hartley Withers, The
Confessions of a Capitalist (1925), If I Were a Labor Leader (1926), The
Letters of an Individualist (1927), The Return to Laisser Faire
(London,1928) của Ernest J. P. Benn. Cuốn The Letters of an
Individualist (1927) có liệt kê các tác phẩm bằng tiếng Anh viết về
những vấn đề cơ bản của hệ thống kinh tế.
Phê phán chính sách bảo hộ được Francis W. Hirst trình bày trong tác phẩm Safeguarding and Protection (1926).
Bản ghi lại cuộc tranh luận công
khai ở New York diễn ra vào ngày 23 tháng 1 năm 1921 giữa E. R. A.
Seligmann và Scott Nearing về đề tài: "That capitalism has more to offer
to the workers of the United States than has socialism." cũng rất có
giá trị.
Lí thuyết xã hội học được giới
thiệu trong các tác phẩm La cite moderne của Jean Izoulet(xuất bản lần
đầu năm 1890) và Community (1924) củaR. M. MacIver.
Lịch sử các tư tưởng kinh tế
được giới thiệu trong các tác phẩm Histoire des doctrines economiques
của Charles Gide và Charles Rist (in nhiều lần), L'individualisme
economique et social" (1907) của Albert Schatz và Die Philosophie der
Geschichte als Soziologie (in nhiều lần) của Paul Barth.
Vai trò của các chính đảng được Walter Sulzbach xem xét trong tác phẩm Die Grundlagen der politischen Parteibildung (1921).
Chủ nghĩa tự do Đức được Oskar
Klein-Hattingen giới thiệu trong tác phẩm Geschichte des deutschen
Liberalismus (1911/1912, hai tập) còn Guido de Rugaiero thì giới thiệu
chủ nghĩa tự do ở châu Âu trong tác phẩm The History of European
Liberalism (Oxford, 1927).
Cuối cùng xin dẫn ra ở đây các
tác phẩm của chính tôi, có liên quan đến đề tài chủ nghĩa tự do: Nation,
Staat und Wirtschaft: Beitrage zur Politik und Geschichte der Zeit"
(1919), dịch sang tiếng Anh (1983); Antimarxismus (Weltwirtschaftliches
Archiv, Vol. XXI, 1925); "Kritik des Interventionismus" (1929), dịch
sang tiếng Anh (1977);
"Socialism" (1936), "Planned
Chaos" (1951). "Omnipotent Government" (1944). "Human Action" (1949).
"The Anti-Capitalistic Mentality" (1956).
2. Bàn về thuật ngữ “Chủ nghĩa tự do”
Những người đã từng quen với các
tác phẩm viết về chủ nghĩa tự do trong những năm trước đây và với cách
sử dụng trong sách báo chính trị hiện nay có thể phản bác rằng cái gọi
là chủ nghĩa tự do trong tác phẩm này không phải là cái mà thuật ngữ
hiện nay ám chỉ. Tôi hoàn toàn không có ý định bác bỏ điều này. Trái
lại, như tôi đã chỉ rõ: hiện nay, nhất là ở Đức, thuật ngữ này ám chỉ
điều hoàn toàn ngược lại với cái mà lịch sử tư tưởng từng gọi là “chủ
nghĩa tự do”, tức là nội dung chủ yếu của cương lĩnh tự do trong các thế
kỉ XVIII và XIX. Hầu như tất cả những người hiện nay tự xưng là “người
tự do” đều không ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà lại ủng
hộ những biện pháp can thiệp và xã hội chủ nghĩa. Họ tìm cách biện hộ
rằng bản chất của chủ nghĩa tự do không phải là tôn trọng quyền sở hữu
tư nhân tư liệu sản xuất mà là phải phát triển chủ nghĩa tự do để nó
không còn ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất nữa mà ngược lại,
ủng hộ chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa can thiệp.
Có thể những người theo trường
phái tự do giả mạo đó phải khai minh cho chúng ta “phát triển chủ nghĩa
tự do” nghĩa là như thế nào. Chúng ta đã nghe nói nhiều về lòng nhân
đạo, tính khoan dung và tự do thật sự ..v.v… Đấy là những tình cảm trong
sáng và cao thượng và ai cũng tán thành. Thực ra thì mọi hệ tư tưởng
cũng đều tán thành cả. Trừ một vài trường phái tư tưởng vô liêm sỉ, còn
tất cả những hệ tư tưởng khác đều tin rằng họ ủng hộ lòng nhân ái, tính
khoan dung và tự do thực sự .v.v… Sự khác nhau giữa các hệ tư tưởng
không phải là mục đích tối thượng – hạnh phúc cho tất cả mọi người mà
tất cả các hệ tư tưởng này đều nhắm đến – mà là biện pháp thực hiện mục
đích đó. Đặc trưng của chủ nghĩa tự do là sở hữu tư nhân tư liệu sản
xuất.
Nhưng, cuối cùng thì vấn đề
thuật ngữ cũng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu mà thôi. Quan trọng không
phải là tên gọi mà là cái mà nó thể hiện. Nhưng một người dù có chống
đối quyền tư hữu đến mức nào đi nữa thì ít nhất người đó cũng phải công
nhận rằng người khác có thể ủng hộ nó. Và khi đã công nhận như thế thì
dĩ nhiên là phải để cho người ta tìm tên để đặt cho trường phái tư tưởng
đó. Cần phải hỏi những người tự nhận mình là người theo phái tự do xem
họ định dùng tên gì để gọi hệ tư tưởng ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư
liệu sản xuất. Có khả năng là họ sẽ trả lời rằng họ muốn gọi hệ tư tưởng
này là “Manchesterism”. Khởi kì thủy từ "Manchesterism" là một từ dùng
để diễu cợt và sỉ nhục. Tuy nhiên, điều đó cũng không cản trở việc dùng
từ này để biểu thị hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, nếu không có sự kiện
là từ trước đến nay từ này vẫn được dùng để chỉ chương trình kinh tế
chứ không phải là cương lĩnh của chủ nghĩa tự do.
Dù sao mặc lòng, trường phái tư
tưởng ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất cũng phải có một cái
tên. Tốt nhất là hãy bám lấy truyền thống. Chỉ có một rắc rối. Đấy là
khi người ta dùng từ này theo lối mới, khi đó ngay cả những người ủng hộ
chính sách bảo hộ, những người xã hội chủ nghĩa, thậm chí cả những kẻ
hiếu chiến cũng tự nhận là “người tự do”, nếu được lợi.
Muốn tạo điều kiện cho việc
truyền bá các tư tưởng tự do, không cho những thiên kiến chống lại nó,
trở thành chướng ngại, đặc biệt là ở Đức, thì ta không được đặt cho hệ
tư tưởng tự do một cái tên mới. Đây là một đề nghị đầy thiện chí nhưng
lại hoàn toàn trái với tinh thần của chủ nghĩa tự do. Từ nhu cầu nội
tại, chủ nghĩa tự do phải tránh mọi mánh lới tuyên truyền và những
phương tiện dối trá nhằm giành được sự thừa nhận của mọi người đối với
phong trào, cũng như không được từ bỏ tên gọi cũ chỉ vì nó không còn
thông dụng nữa. Chính vì ở Đức từ “người theo phái tự do” có ý nghĩa
tiêu cực cho nên chủ nghĩa tự do phải bám lấy nó. Không thể dễ dàng đưa
mọi người đến tư duy tự do, vì quan trọng không phải là tuyên bố rằng
mình là người theo phái tự do mà trở thành người theo phái tự do, suy
nghĩ và hành động như những người theo phái tự do.
Người ta cũng có thể phản bác
thuật ngữ được sử dụng trong tác phẩm này là chủ nghĩa tự do và chế độ
dân chủ không được coi là những khái niệm trái ngược nhau. Hiện nay ở
Đức “chủ nghĩa tự do” thường được dùng để chỉ học thuyết với lí tưởng
chính trị là chế độ quân chủ lập hiến, còn “dân chủ” được coi là học
thuyết với lí tưởng chính trị là chế độ quân chủ đại nghị của phái cộng
hòa. Quan điểm này, ngay cả về mặt lịch sử, cũng không đứng vững
được.Chủ nghĩa tự do đấu tranh cho chế độ quân chủ đại nghị chứ không
phải chế độ quân chủ lập hiến và về mặt này thì nó đã thất bại chính vì ở
Đức và Áo nó mời giành được chế độ quân chủ lập hiến mà thôi. Các lực
lượng bài tự do giành được chiến thắng là do quốc hội Đức quá yếu; đấy
là câu lạc bộ của những kẻ “ba hoa chích chòe”, nói thế, tuy không được
lịch sự, nhưng mà đúng. Lãnh tụ của đảng bảo thủ đã nói rất chính xác:
muốn giải tán quốc hội thì chỉ cần một viên trung úy với mươi người nữa
là đú.
Chủ nghĩa tự do là khái niệm bao
trùm nhất. Đấy là hệ tư tưởng bao quát toàn bộ đời sống xã hội. Hệ tư
tưởng của chế độ dân chủ chỉ bao gồm lĩnh vực quan hệ có dinh líu tới cơ
cấu nhà nước mà thôi. Phần thứ nhất của tác phẩm này đã trình bày lí do
vì sao mà chủ nghĩa tự do nhất định phải đòi cho bằng được chế độ dân
chủ, chế độ dân chủ cũng là hậu quả chính trị tất yếu của chủ nghĩa tự
do. Chứng minh rằng tất cả các phong trào bài tự do, trong đó có chủ
nghĩa xã hội, chắc chắn cũng là những phong trào phi dân chủ là nhiệm vụ
của những công trình nghiên cứu nhằm đưa ra một bản phân tích tòan diện
đặc trưng của những hệ tư tưởng đó. Tôi đã thử làm việc đó đối với chủ
nghĩa xã hội trong tác phẩm cùng tên rồi.
Người Đức dễ bị lầm lẫn vì họ
luôn nghĩ đến những người tự do mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa và dân
chủ xã hội. Nhưng những người tự do mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa,
ngay từ khởi thủy – ít nhất là trong vấn đề hiến pháp – đã không phải là
đảng tự do rồi. Họ là cánh của đảng tự do cổ điển, tức là cánh tự nhận
là có quan điểm dựa vào “sự kiện như chúng vốn là”. Họ coi thất bại mà
chủ nghĩa tự do phải chịu trong cuộc xung đột hiến pháp giữa phái “hữu”
(Mismarck) và phái “tả” (người theo phái Lassalle) là không thể đảo
ngược được. Những người dân chủ xã hội chỉ dân chủ khi họ không phải là
đảng cầm quyền, nghĩa là khi họ chưa cảm thấy đủ mạnh để có thể đàn áp
phe đối lập bằng vũ lực. Ngay khi nghĩ rằng mình là người mạnh nhất, họ
liền tuyên bố ủng hộ chế độ độc tài – những người cầm bút của họ còn
khẳng định rằng tốt nhất là tuyên bố ngay lúc đó. Chỉ khi các băng nhóm
vũ trang của các đảng cánh hữu giáng cho họ những đòn đau họ mới lại trở
thành những người dân chủ mà thôi. Những người cầm bút trong đảng của
họ viết về chuyện đó như sau: “Trong các hội đồng của các đảng dân chủ
xã hội, cánh ủng hộ dân chủ đã thắng cánh ủng hộ chế độ độc tài”.
Chỉ có đảng, dù trong bất cứ
hòan cảnh nào – ngay cả khi nó là đảng mạnh nhất và đang nắm quyền –
cũng ủng hộ các định chế dân chủ, mới có thể được coi là đảng thực sự
dân chủ mà thôi.
Phụ lục (do người dịch đưa vào)
Lời nhà xuất bản (Nga)
Về tác phẩm Chủ nghĩa tự do cổ điển
Ở nước ta, đến mãi thời gian gần
đây cũng chỉ có một nhóm các nhà kinh tế học thuộc loại tinh hoa biết
đến tên tuổi và tác phẩm của L. V. Mises (1881-1973). Nhưng, mặc dù đã
có những thay đổi về mặt chính trị, việc xuất bản các tác phẩm của ông
vẫn là một sự kiện. Độc giả sẽ tìm thấy trong tác phẩm này câu trả lời
rõ ràng cho những vấn đề đã trở thành đối tượng của những cuộc tranh
luận nảy lửa trong những nhóm người đang giữa vai trò quyết định tương
lai xã hội và chính trị của nước Nga – đi theo con đường nào - thị
trường tự do hay là sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực kinh tế? Chế
độ dân chủ hay sự độc đoán chuyên quyền của các quan chức, các băng nhóm
lợi ích - hay là mafia, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa xã hội - nguồn
gốc kinh tế của các phong trào này được Mises phân tích một cách thấu
đáo trong tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay. Tác phẩm này được xuất
bản lần đầu tiên ở Áo vào năm 1927, tức là khi cuộc khủng hoảng kinh tế
thế giới và cùng với nó là các phong trào chính trị tương ứng đã hiện
diện. Trong tình hình như thế, phải là một người đấy ý chí, kiên định về
trí tuệ và lòng dũng cảm công dân mới có thể tiếp tục bảo vệ được ý
tưởng của thị trường tự do.
Lời nói đầu bản tiếng Nga
Gans F. Sennhols, Giáo sư kinh tế và trưởng khoa kinh tế của Grove city College, bang Pennsylvania, Mĩ
Người xấu thì không thể trở
thành công dân tốt được. Một dân tộc gồm toàn những kẻ lười biếng và
trộm cắp thì không thể trở thành giàu có được; một xã hội gồm toàn những
kẻ nghiện hút và sùng bái thần tượng thì không thể trở thành tự do
được. Khi người dân đánh mất sự tôn trọng đối với sở hữu và tình yêu lao
động thì cũng có nghĩa là họ đã đánh mất thước đo duy nhất của sự
trưởng thành và phương tiện duy nhất của sự tự hoàn thiện. Khi người ta
đã hi sinh sự độc lập và lòng tin vào sức mạnh của chính mình thì cũng
là lúc những tên độc tài xuất hiện và tròng xiếng xích lên đầu lên cổ
họ.
Hướng đến tự do là nguyên tắc
căn bản nhất của xã hội. Còn con người thì không thể không đấu tranh để
giành tự do - tự do phát biểu ý kiến, tự do thể hiện và thảo luận các
quan điểm của mình, tự do lập hội và lập đảng, tự do bầu cử và thay đổi
chính phủ, tự do bỏ phiếu cho những người đại diện cho mình, tự do tổ
chức đời sống kinh tế và xã hội theo ý mình - với điều kiện là những
việc đó không phá hoại cuộc sống hoà bình. Sống tự do – nghĩa là làm
theo cách của mình, nhận công việc mà mình cho là phù hợp, tự do mua và
bán thành quả lao động của mình. Là người tự do – nghĩa là không gặp cản
trở và khó khăn trong những hoạt động kinh tế và khát vọng của mình.
Chủ nghĩa tự do là hệ tư tưởng
và cương lĩnh chính trị của những con người tự do. Ít nhất là người ta
đã gọi nó như thế trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài và L. V.
Mises cũng gọi như thế trong những tác phẩm tuyệt vời của ông. Chủ nghĩa
tự do là hệ tư tưởng giữ thế thượng phong ở Anh trong giai đoạn giữa
cuộc Cách mạng vĩ đại (1688) và cuộc Cải cách (1867) (cải cách hệ thống
bầu cử - ND) và là một phong trào chính trị và xã hội rộng lớn trên toàn
thế giới. Những yêu cầu đầu tiên của nó là lòng khoan dung tôn giáo và
tự do tôn giáo, tôn trọng hiến pháp và quyền con người, và đến lượt nó,
những yêu cầu này đã tạo động lực mạnh mẽ cho lí thuyết và thực hành tự
do kinh tế. Các nhà kinh tế học cổ điển người Pháp và các nhà kinh tế
học theo trường phái tự do người Anh đã đưa ra định đề kinh tế gọi là
laissez-faire, nghĩa là quyền sở hữu không bị cản trở đối với tư liệu
sản xuất và thị trường tự điều tiết, không bị chính trị can thiệp làm
cho rối loạn.
L. V. Mises cho rằng hệ thống sở
hữu tư nhân, thường gọi là chủ nghĩa tư bản, là hệ thống kinh tế và xã
hội khả thi duy nhất. “Chỉ có lựa chọn duy nhất là giữa sở hữu xã hội và
sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà thôi – ông khẳng định như thế - Tất
cả những hình thức tổ chức xã hội mang tính trung gian đều vô ích và
trên thực tế sẽ là những hình thức tự huỷ diệt. Nếu hiểu thêm rằng chủ
nghĩa xã hội cũng không thể hoạt động được thì không thể không công nhận
rằng chủ nghĩa tư bản, dựa trên sự phân công lao động, là hệ thống tổ
chức xã hội khả thi duy nhất. Kết quả nghiên cứu lí thuyết như thể không
phải là điều có thể làm cho nhà sử học và triết gia trong lĩnh vực lịch
sử ngạc nhiên. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể đứng vững được, mặc cho sự
thù địch từ phía chính phủ cũng như từ phía dân chúng, nếu như nó không
phải nhường chỗ cho những hình thức hợp tác xã hội được lòng các lí
thuyết gia và những người hoạt động trên thực tế thì đấy chính là vì
những hình thức tổ chức xã hội khác đều bất khả thi”
Không phụ thuộc vào kiến thức
của ta về thành tựu của chủ nghĩa tư bản, chúng ta cũng không thể không
thán phục những đặc điểm đã vượt qua được thử thách của thời gian và vẫn
không tán úa của nó. Các giáo sư đã lên án nó vì cho rằng nó tạo ra
hiện tượng người bóc lột người, nó sinh ra nạn độc quyền và nhóm độc
quyền, nạn thất nghiệp và tổn thất ngày càng gia tăng. Nhưng chủ nghĩa
tư bản vẫn đứng vững. Các nhà đạo đức học và các cố đạo lên án nó về
lĩnh vực đạo đức và văn hoá. Nhưng, mặc cho những lời nguyền rủa, chủ
nghĩa tư bản vẫn sống. Các chính trị gia tiếp tục bàn tán về nhu cầu cấp
bách của lĩnh vực công; nhưng kinh tế tư nhân tiếp tục tồn tại, mặc cho
những cản trở từ khu vực công. Những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế
tư bản chủ nghĩa tiếp tục tồn tại ngay trong những khu vực tăm tối nhất
của thế giới, mặc cho những đạo luật mà các nhà làm luật có thể đưa ra
nhằm chống lại nó, mặc cho những khó khăn mà các chính phủ có thể tạo ra
cho các doanh nhân. Hay là sở hữu tư nhân và trật tự xã hội dựa trên sở
hữu tư nhân đã ăn sâu bén rẽ vào ngay trong bản chất của con người?
Thật khó tìm được ở đâu đó trên
thế giới này hệ thống tư bản chủ nghĩa không chịu bất kì cản trở nào.
Các chính phủ can thiệp vào hầu như bất kì biểu hiện nào của đời sống
kinh tế. Họ lập ra những luật thuế ăn cướp đối với quá trình sản xuất và
phân phối, nhưng các doanh nhân và các nhà tư bản vẫn làm ra rất nhiều
hàng hoá và cung cấp cho ta đủ loại dịch vụ. Các chính phủ điều tiết và
hạn chế sức sản xuất, nhưng trật tự, dựa trên sở hữu tư nhân, dù đã bị
bóp méo và ngăn chặn, vẫn tiếp tục tồn tại trong lĩnh vực sản xuất và
dịch vụ. Chính phủ đặt ra mức lương và can thiệp vào cơ cấu giá cả,
nhưng hệ thống thị trường vẫn tiếp tục tồn tại trên thị trường chợ đen
và hoạt động bất hợp pháp. Chính phủ tạo ra lạm phát và nới lỏng tín
dụng và sử dụng luật pháp để điều tiết các phương tiện thanh toán, nhưng
sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn tiếp tục tồn tại trong lúc hệ thống tiền
tệ suy sụp. Chính phủ ban cho các tổ chức công đoàn những đặc quyền đặc
lợi về mặt kinh tế và bất khả tác động về mặt pháp luật, nhưng cuối cùng
thì sản xuất vẫn tiếp tục phát triển. Chính phủ dính líu vào những cuộc
chiến tranh, nhưng khi những cuộc chém giết chấm dứt và chính phủ không
còn gì để kế hoạch hoá, để phân phối bằng tem phiếu và bằng vũ lực nữa
thì chủ nghĩa tư bản lại hồi sinh. Chủ nghĩa tư bản là câu chuyện thần
kì của quá trình tái thiết và phát triển.
Trong phần lớn các khu vực trên
thế giới, chủ nghĩa tư bản đã trở thành nơi trú ngụ cuối cùng. Khi chế
độ cộng sản chỉ mang đến đói nghèo, khi tất cả những biện pháp áp bức về
mặt chính trị đều thất bại và khi những bộ óc của các chính trị gia
không còn phát minh ra những điều ngu xuẩn về mặt kinh tế nữa, khi công
an mệt mỏi, không còn điều tiết kinh tế nữa và khi các toà án bị tê liệt
vì quá nhiều tội phạm kinh tế thì đấy chính là lúc xuất hiện hệ thống
tư hữu tư nhân. Hệ thống này không cần phải có kế hoạch chính trị, không
cần luật pháp kinh tế, không cần công an kinh tế, nó chỉ cần tự do.
Chủ nghĩa tư bản lại một lần nữa
xuất hiện ở châu Âu vào đầu những năm 1980, tức là một thời gian dài
trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Sau khi chiếm được quyền lực, ở đâu
chủ nghĩa xã hội cũng chỉ để lại những vết nhơ. Tình hình kinh tế lạc
hậu, thậm chí xấu đi trong toàn khối xã hội chủ nghĩa, trong khi chủ
nghĩa tư bản mang đến sự thịnh vượng và giàu có cho phần còn lại của thế
giới. Ngôi sao của chủ nghĩa tư bản đang vươn lên trên bầu trời châu Á,
mang đến hi vọng cho những con người nghèo đói và bị áp bức ở châu lục
này.
Ánh sáng của chủ nghĩa tư bản
thâm nhập vào cả Liên Xô trong suốt giai đoạn hậu chiến. Dù bức màn sắt
có mạnh mẽ và kín đến mức nào thì nó cũng không thế chống lại được sức
mạnh của ý tưởng. Thông qua tất cả các kênh thông tin, những ý tưởng này
đã xuyên qua được bức màn sắt và cắm được những cái rễ chắc chắn vào
trái tim và khối óc của rất nhiều người. Hàng triệu nạn nhân của chế độ
phi nhân cộng sản đã nhận thức được quyền tự do của con người và hệ
thống tư hữu. Họ đã trở thành những người “theo trường phái tự do”,
thành những người khao khát tự do và hoà bình - những nguyên tắc nền
tảng của chủ nghĩa tự do. Sự tan rã một cách hoà bình đế chế Liên Xô là
bằng chứng rõ ràng về sức mạnh của tư tưởng tự do.
Nhận thức chung của mọi người về
sự thịnh vượng rõ ràng và ngày càng gia tăng của các nước có nền kinh
tế thị trường là tác nhân quan trọng nhất của quá trình thay đổi. Đến
giữa những năm 80 của thế kỉ trước thì ngay cả những kẻ cầm quyền đui mù
nhất cũng không thể không thấy rằng khoảng cách giữa các nước có nền
kinh tế thị trường và các nước có nền kinh tế kế hoạch hoá chỉ huy, và
cùng với nó là điều kiện sống của rất nhiều người, đang ngày càng gia
tăng. Trong những năm 70, lần đầu tiên các nền kinh tế thị trường ở châu
Á gia tăng được gấp đôi sản lượng, và trong những năm 80 là lần gia
tăng thứ hai.
Ở nước Nga, mặc cho sự chống cự
của những người xã hội chũ nghĩa thế hệ cũ, những cuộc cải cách chính
trị và kinh tế đang được tiến hành một các khẩn trương. Sự ủng hộ của
dân chúng đối với tiến trình giải tư chính là động lực của nó. Chính
sách giải tư nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng của dân chúng cũng
như chính quyền, quay trở lại quá khứ là việc làm bất khả thi.
Quyền sở hữu tư nhân là cội rễ
của bất kì hệ thống tư bản chủ nghĩa nào. Ở nước Nga nó mới chỉ tạo được
những mầm cây đầu tiên. Mong rằng việc xuất bản tác phẩm vĩ đại này sẽ
giúp che chở và củng cố những mầm cây ban đầu đó.
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét