Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014
Ludwig von Mises (1881-1973) - CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG 7
07:27
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Chương 3
Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do
8. Tự do đi lại
Chủ nghĩa tự do đôi khi bị phê
phán với lí do là cương lĩnh của nó chủ yếu là mang tính tiêu cực. Người
ta còn khẳng định rằng đấy là do chính bản chất của tự do, nó chỉ có
thể được hiểu là tự do khỏi một điều gì đó, vì đòi hỏi tự do thực chất
là từ chối một yêu cầu nào đó. Mặt khác, người ta cho rằng cương lĩnh
của các đảng độc tài lại có tính chất tích cực. Vì các thuật ngữ “tiêu
cực” và “tích cực” đã hàm ý đánh giá về giá trị cho nên nói như thế là
đã có ẩn ý bôi nhọ cương lĩnh chính trị của chủ nghĩa tự do rồi.
Không cần phải nhắc lại ở đây
rằng cương lĩnh của chủ nghĩa tự do – xã hội đặt nền tảng trên quyền sở
hữu tư nhân tư liệu sản xuất – là cương lĩnh không kém phần tích cực hơn
bất cứ cương lĩnh chính trị nào khác. Cái tiêu cực trong cương lĩnh của
chủ nghĩa tự do là phủ nhận, bác bỏ và đấu tranh chống lại mọi hiện
tượng trái ngược với cương lĩnh mang tính tích cực này. Trong tư thế
phòng thủ như thế - mọi phong trào đều như thế cả - cương lĩnh của chủ
nghĩa tự do phụ thuộc vào thái độ của các đối thủ của nó. Chỗ nào có lực
lượng phản kháng mạnh nhất thì chủ nghĩa tự do cũng phải đáp trả một
cách mạnh mẽ nhất, còn ở đâu lực lượng phản kháng yếu hoặc hoàn toàn
không phản kháng thì chỉ cần vài lời là đủ, tất cả phụ thuộc vào hoàn
cảnh. Vì trong tiến trình lịch sử, lực lượng phản kháng mà chủ nghĩa tự
do từng gặp đã có thay đổi cho nên khía cạnh phòng thủ của cương lĩnh tự
do cũng có nhiều thay đổi.
Rõ ràng nhất là quan điểm của nó
trong vấn đề tự do đi lại. Người theo trường phải tự do đòi hỏi rằng
mỗi người đều có quyền sống ở nơi người đó muốn. Đây không phải là đòi
hỏi “tiêu cực”. Mỗi người có thể làm và sử dụng thu nhập của mình ở nơi
mà mình cho là tốt nhất, đấy chính là bản chất của xã hội đặt nền tảng
trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Nguyên tắc này chỉ có tính
chất tiêu cực nếu nó chạm trán với những lực lượng ngăn chặn quyền tự do
đi lại mà thôi. Về mặt này, trong suốt chiều dài của lịch sử, quyền tự
do đi lại đã có nhiều thay đổi. Khi chủ nghĩa tự do mới xuất hiện, trong
thế kỉ XVIII – XIX, nó đã phải đấu tranh đòi quyền được xuất ngoại.
Hiện nay đấy là cuộc đấu tranh đòi quyền nhập cư. Đồng thời nó còn phải
đấu tranh chống lại những điều luật gây khó khăn cho việc di chuyển vào
thành phố và chống lại những biện pháp trừng phạt nặng nề những người bỏ
nước ra đi nhằm tìm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Nhưng việc nhập cư nói
chung là tự do và không gặp trở ngại.
Hiện nay, như mọi người đều
biết, tình hình đã thay đổi hẳn. Xu hướng mới với những điều luật chống
việc nhập cư của những người cu li Trung Quốc đã xuất hiện trong mấy
thập niên gần đây. Hiện nay, trong tất cả các nước, có vẻ hấp dẫn đối
với người nhập cư, đều có những điều luật cấm đoán hoàn toàn hoặc ít
nhất là cũng tạo ra những hạn chế nghiêm trọng đối với việc nhập cư.
Chính sách này cần được xem xét
từ hai quan điểm: thứ nhất là chính sách của các công đoàn và thứ hai là
chính sách bảo hộ của nhà nước.
Ngoài những biện pháp có tính
bạo lực như đóng cửa cơ sở sản xuất, đình công bắt buộc và dùng vũ lực
ngăn cản những người muốn làm việc, tổ chức công đoàn còn một cách gây
ảnh hưởng đến thị trường lao động nữa: giới hạn khả năng cung ứng sức
lao động. Nhưng vì công đoàn không thể giảm được số người lao động trên
thế giới cho nên cách duy nhất là ngăn không cho người ta tìm việc làm
và bằng cách đó, giảm được số người làm trong một ngành hay một nước nào
đó, làm thiệt hại cho những người làm việc trong các ngành khác hoặc
sống ở những nước khác. Vì những lí do chính trị thực tế, những người
làm trong một ngành đặc biệt nào đó khó có thể ngăn cản được công nhân
trong nước xâm nhập vào ngành của mình. Nhưng ngăn chặn lao động nước
ngoài thì không có khó khăn gì.
Ở Mĩ điều kiện sản xuất thuận
lợi hơn và đồng thời năng suất lao động cũng cao hơn cho nên lương của
người lao động cũng cao hơn so với phần lớn khu vực ở châu Âu. Nếu không
có những rào cản trong việc nhập cư thì nhiều người lao động châu Âu đã
di cư đến Mĩ để tìm việc làm. Luật nhập cư của Mĩ làm cho việc đó trở
thành đặc biệt khó khăn. Như vậy nghĩa là, tiền lương ở Mĩ được giữ ở
mức cao hơn là đáng lẽ nó có thể đạt được nếu người ta được quyền tự do
di cư, trong khi ở châu Âu tiền lương lại bị giữ ở mức thấp. Thế là công
nhân Mĩ thì được lợi, còn công nhân châu Âu lại bị thiệt.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ xem
xét hậu quả của những rào cản của việc nhập cư từ quan điểm là nó ảnh
hưởng trực tiếp đến tiền lương. Hậu quả sâu rộng hơn nhiều. Dư thừa lao
động ở những khu vực có điều kiện sản xuất kém thuận lợi và thiếu hụt
lao động ở những khu vực có điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi hơn
dẫn đến kết quả là sản xuất sẽ được mở rộng hơn ở những nơi không thuận
lợi và thu hẹp hơn ở những nơi thuận lợi hơn là đáng lẽ phải có trong
trường hợp được hoàn toàn tự do di cư. Không được tự do di cư cũng gây
ra những hậu quả tương tự như những biểu thuế có tính cách bảo hộ. Khu
vực có cơ hội sản xuất tương đối thuận lợi hơn thì bị bỏ phí, trong khi
khu vực có điều kiện sản xuất bất lợi hơn lại được sử dụng. Nếu nhìn từ
quan điểm toàn nhân loại thì sẽ thấy kết quả là năng suất lao động giảm
đi và số hàng hoá mà loài người có thể sở hữu cũng giảm đi theo.
Vì vậy mà những cố gắng nhằm
dùng lí do kinh tế để biện hộ cho chính sách cản trở nhập cư chắn chắn
là sẽ thất bại. Không nghi ngờ gì rằng các rào cản nhập cư sẽ làm giảm
năng suất lao động trên toàn thế giới. Bằng hành động ngăn cản người
nhập cư nhằm bảo vệ đặc quyền của mình, những tổ chức công đoàn ở Mĩ
hoặc ở Australia đang chiến đấu chống lại không chỉ quyền lợi của những
người công nhân các nước khác trên thế giới mà còn chống lại quyền lợi
của tất cả mọi người nữa. Tuy nhiên, vẫn còn chưa rõ là liệu sự gia tăng
năng suất lao động do chế độ tự do di cư tạo ra có đủ sức bù đắp những
thiệt hại do những người công nhân ngoại quốc nhập cư gây ra cho các tổ
chức công đoàn Mĩ và Australia hay không.
Công nhân Mĩ và Australia đã
không thể thu được thành công trong việc áp đặt những hạn chế đối với
việc di cư nếu không có luận cứ khác chống lưng cho chính sách của họ.
Dù thế nào thì ngày hôm nay một số nguyên tắc và tư tưởng tự do cũng
mạnh đến nỗi không ai có thể chống lại được nếu người ta không đưa ra
những lí lẽ được cho là cao hơn và quan trọng hơn là mục tiêu phải đạt
cho bằng được năng suất lao động cao nhất. Chúng ta đã thấy người ta
viện dẫn “quyền lợi quốc gia” để biện hộ cho biểu thuế có tính cách bảo
hộ như thế nào. Những lí lẽ như thế cũng được nại ra nhằm bảo vệ cho
những hạn chế trong việc di cư.
Người ta khẳng định rằng nếu
không có những rào cản đối với quá trình di dân thì người nhập cư từ
những vùng quá đông dân của châu Âu sẽ tràn ngập Mĩ và Australia. Người
nhập cư sẽ nhiều đến nỗi chẳng thể nào đồng hoá được nữa. Nếu trước đây
những người nhập cư vào Mĩ đã nhanh chóng chấp nhận tiếng Anh và lối
sống Mĩ một phần là vì họ không đến ngay một lúc đông như thế. Các nhóm
người nhập cư không đông lắm, lại được phân ra trên những khu vực rộng
lớn, đã nhanh chóng hoà nhập vào môi trường sống của người dân Mĩ. Người
nhập cư mới tới khi những người nhập cư trước đã bị đồng hoá được một
nửa rồi. Một trong những lí do căn bản của việc đồng hoá là không có quá
đông người nhập cư từ các nước khác. Người ta tin rằng hiện nay tình
hình đã khác và có nguy cơ là uy thế - hay nói đúng hơn là độc quyền -
của những người Anglo-Saxon ở Mĩ sẽ không còn. Đặc biệt đáng sợ nếu đấy
lại là làn sóng di dân của những người gốc Mông Cổ ở châu Á.
Có vẻ như đối với Mĩ nỗi sợ hãi
đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Còn đối với Australia thì không.
Australia chỉ có số dân tương đương với dân số Áo mà thôi, nhưng nguồn
tài nguyên thiên nhiên thì giàu có hơn rất nhiều. Nếu Australia mà để
ngỏ cho người nhập cư thì chỉ sau vài năm dân cư sẽ bao gồm chủ yếu là
người Nhật, người Trung Quốc và người Mã Lai.
Rõ ràng là nhiều người người
hiện nay có thái độ ác cảm đối với dân ngoại quốc, mà đặc biệt là đối
với dân các chủng tộc khác, đến mức khó mà có thể đưa ra được giải pháp
hoà bình cho những mâu thuẫn một mất một còn như thế. Khó mà có thể hi
vọng rằng người Auastralia sẽ tự nguyện đồng ý cho người châu Âu không
phải gốc Anh nhập cư và hoàn toàn loại trừ khả năng là họ sẽ cho phép
người châu Á tìm kiếm công ăn việc làm và định cư ở trên lục địa
này.Người Australia gốc Anh khăng khăng khẳng định rằng vì người Anh là
những người đầu tiên mở ra những khu định cư ở châu lục này cho nên
trong tương lai dân Anh vẫn có toàn quyền sở hữu toàn bộ châu lục. Nhưng
người của các dân tộc khác trên thế giới không bao giờ muốn thách thức
quyền chiếm hữu của người Australia trên những vùng đất mà họ đã canh
tác ở Australia. Người ta chỉ nghĩ rằng việc cấm sử dụng những khu vực
có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn mà hiện đang bị bỏ hoang và buộc họ
phải tiến hành sản xuất ở những khu vực có điều kiện kém thuận lợi hơn ở
quê hương họ là việc làm bất công mà thôi.
Đây là vấn đề có ý nghĩa quan
trọng nhất đối với tương lai của thế giới. Thực vậy, số phận của nền văn
minh phụ thuộc vào giải pháp thoả đáng cho vấn đề đó. Một bên là rất
nhiều người, thậm chi hàng triệu người châu Âu và châu Á, buộc phải làm
việc trong những điều kiện sản xuất kém thuận lợi hơn là họ có thể tìm
được trên những vùng đất mà họ không được bén mảng tới. Họ yêu cầu mở
cửa “thiên đường bị cấm đoán” để họ có thể gia tăng năng suất lao động
và có mức sống cao hơn. Bên kia là những người gặp may vì đã được sinh
ra và sống ở vùng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn. Họ không muốn
- đấy là nói những người công nhân chứ không phải những người sở hữu tư
liệu sản xuất - từ bỏ đồng lương cao hơn mà họ đang được hưởng. Trong
khi đó toàn thể dân tộc đều tỏ ra sợ hãi trước làm sóng di dân của người
ngoại quốc. Người dân sống trong những vùng đất phì nhiêu sợ rằng một
ngày nào đó họ có thể trở thành người thiểu số ngay trong đất nước của
mình và chịu những cảnh săn đuổi kinh hoàng mà, thí dụ như, người Đức ở
Tiệp Khắc, ở Ý và Ba Lan đang phải chịu.
Không thể phủ nhận rằng có lí do
để mà sợ hãi như thế. Vì hiện nay nhà nước nắm trong tay quyền lực rất
lớn cho nên dân tộc thiểu số chắc chắn sẽ phải chịu những hành động tồi
tệ nhất từ phía dân tộc đa số. Khi nhà nước còn được giao nhiều quyền
lực như hiện nay và khi dư luận xã hội còn cho là nó đúng thì chỉ nghĩ
đến việc phải sống trong một nước mà chính phủ nằm trong tay người của
dân tộc khác đã làm người ta phát hoảng rồi. Thật là kinh khủng khi phải
sống trong một nước mà ở đâu người ta cũng bị đa số cầm quyền bức hại –
nhưng lại được làm với chiêu bài bảo vệ công lí. Khi một đứa trẻ trong
trường học bị thiệt thòi vì là người dân tộc thiểu số và khi bị chính
quyền hoặc toà án cho là sai chỉ vì mình là người dân tộc thiểu số đều
là những hiện tượng đáng sợ cả.
Nếu chỉ xem xét vấn đề từ quan
điểm như thế thì sẽ chẳng còn giải pháp nào ngoài giải pháp chiến tranh.
Trong trường hợp đó, có lẽ dân tộc có ít người hơn sẽ thua, thí dụ như
các dân tộc Á châu có hàng trăm triệu người sẽ đẩy được hậu duệ của dân
da trắng ra khỏi Australia. Nhưng chúng tôi không muốn đưa ra những đề
nghị như thế. Vì chắc chắn là những cuộc chiến tranh như thế - chúng ta
phải giả định là vấn đề toàn cầu to lớn như thế không thể được giải
quyết một lần và vĩnh viễn bằng một cuộc chiến tranh - sẽ dẫn nền văn
minh đến những tai hoạ khủng khiếp nhất.
Rõ ràng là không thể nào giải
quyết được vấn đề nhập cư nếu người ta cứ bám lấy những lí tưởng về nhà
nước can thiệp, tức là nhà nước nhúng mũi vào mọi lĩnh vực hoạt động của
con người hay bám lấy những lí tưởng về nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chỉ
có áp dụng cương lĩnh của chủ nghĩa tự do thì mới xoá được vấn đề di dân
- một vấn đề không thể giải quyết nổi hiện nay - khỏi chương trình nghị
sự. Nếu Australia được cai trị theo những nguyên tắc tự do thì những
khó khăn nào có thể xuất hiện nếu ở đâu đó trên lục địa người Nhật chiếm
đa số, còn ở những vùng khác người Anh lại chiếm đa số?
9. Hiệp chủng quốc châu Âu
Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là nước
giàu nhất và mạnh nhất thế giới. Đây là nơi chủ nghĩa tư bản có thể phát
triển một cách tự do nhất và ít bị nhà nước can thiệp nhất trên thế
giới. Vì vậy mà công dân Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ cũng là những người giàu
nhất thế giới. Nước này không dính líu vào bất cứ cuộc chiến tranh nào
trong suốt hơn sáu mươi năm. Nếu họ không tiến hành chiến tranh huỷ diệt
người bàn xứ, nếu họ không đánh nhau với Tây Ban Nha vào năm 1898 và
nếu họ không tham gia đánh nhau trong cuộc Chiến tranh Thế giới vừa qua
(1914-1918 – ND) thì hiện nay chỉ còn một ít người đầu bạc có thể trực
tiếp kể lại cho con cháu nghe chiến tranh nghĩa là gì. Chưa chắc chính
người Mĩ đã đánh giá được hết ý nghĩa của sự kiện là chính sách của chủ
nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản được nước họ thực hiện một cách cẩn thận
và đầy đủ hơn bất kì nước nào khác trên thế giới. Ngay cả người ngoại
quốc cũng không biết điều gì đã làm cho một nước mà họ ghen tị trở thành
giàu có và mạnh mẽ đến như thế. Nhưng trừ một ít những người oán hận và
khinh ghét “chủ nghĩa vật chất” của nền văn hoá Mĩ, tất cả mọi người
đều chẳng muốn gì hơn là nước họ cũng trở thành giàu có và mạnh mẽ như
Hợp chủng quốc Hoa Kì.
Trong nhiều giới đã có người nói
rằng muốn đạt được mục tiêu như thế thì biện pháp đơn giản nhất là
thành lập “Hợp chủng quốc châu Âu”. Từng nước một trên lục địa châu Âu
thì có quá ít dân và ít đất, không đủ sức bảo vệ được mình trong cuộc
đấu tranh giành quyền bá chủ nhằm chống lại thế lực đang lên của Hợp
chủng quốc, chống lại nước Nga, chống lại đế chế Anh, chống lại Trung
Quốc và những thực thể có sức mạnh tương tự có thể được hình thành trong
tương lai, thí dụ như ở lục địa Nam Mỹ. Vì vậy mà họ phải hợp nhất vào
một liên minh chính trị và quân sự, hợp nhất vào một khối tấn công và
phòng thủ, tức là một thực thể mà trong tương lai có đủ sức bảo đảm cho
châu Âu vai trò quan trọng như châu lục này đã từng giữ trong quá khứ.
Mỗi người càng ngày càng nhận thức được rằng không có gì xuẩn ngốc hơn
là chính sách thuế bảo hộ mà các nước châu Âu đang theo đuổi hiện nay,
đấy chính là sự cổ vũ đặc biệt đối với ý tưởng Liên minh châu Âu. Phải
phát triển hơn nữa quá trình phân công lao động quốc tế thì mới gia tăng
được phúc lợi và sản xuất được nhiều hàng hoá, cần thiết cho việc gia
tăng mức sống của người dân và bằng cách đó nâng cao được trình độ văn
hoá cho quần chúng. Nhưng chính sách kinh tế của các nước, đặc biệt là
các nước nhỏ ở châu Âu, lại nhằm phá hoại quá trình phân công lao động
trên bình diện quốc tế. Nếu so sánh những điều kiện hoạt động của nền
công nghiệp Mỹ - với thị trường tiềm năng là hơn một trăm hai mươi triệu
người tiêu dùng giàu có mà không có những rào cản thuế khoá và những
rào cản khác - với những điều kiện hoạt động của nền công nghiệp các
nước như Đức, Tiệp Khắc hay Hungary thì ta càng thấy rõ những cố gắng
nhằm thành lập những lãnh vực với nền kinh tế tự cấp tự túc là hoàn toàn
vô lí.
Chắc chắn là có những khó khăn,
những người ủng hộ ý tưởng Hợp chủng quốc châu Âu phải đấu tranh để vượt
qua và càng vượt qua sớm chừng nào thì càng hay chừng ấy. Nhưng thành
lập Hợp chủng quốc châu Âu không phải là biện pháp phù hợp nhất cho mục
tiêu của chúng ta.
Bất kì cuộc cải cách quan hệ
quốc tế nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu là loại bỏ tình huống,
trong đó mỗi nước đều tìm mọi cách chiếm đất của người khác nhằm mở mang
lãnh thổ của chính mình. Vấn đề biên giới quốc tế, một vấn đề có vai
trò cực kì quan trọng hiện nay, phải biến mất khỏi chương trình nghị sự.
Các nước phải nhận thức được rằng vấn đề quan trọng nhất của chính sách
đối ngoại là thiết lập một nền hoà bình vĩnh cửu, và họ phải hiểu rằng
hoà bình trên toàn thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu chính phủ chỉ
được phép hoạt động trong những khuôn khổ cực kì hạn chế. Đến lúc đó thì
kích thước và qui mô của vùng lãnh thổ nằm dưới quyền cai trị của quốc
gia sẽ không còn có ý nghĩa quan trọng tuyệt đối đối với đời sống của
từng cá nhân như hiện nay, cũng như trong quá khứ nữa, đến nỗi máu đã đổ
thành sông trong những cuộc tranh chấp về biên giới. Đầu óc thiển cận,
không nhìn thấy gì ngoài quốc gia và dân tộc của mình, phải được thay
thế bằng quan điểm toàn cầu. Nhưng điều này chỉ có thể trở thành khả thi
nếu cộng đồng các dân tộc, nếu siêu nhà nước quốc tế được thiết lập sao
cho không có sự áp chế bất cứ dân tộc nào hay cá nhân nào chỉ vì thành
phần dân tộc hay đặc trưng dân tộc của họ.
Chính sách dân tộc chủ nghĩa,
bao giờ cũng bắt đầu bằng mục đích tiêu diệt dân tộc láng giềng, cuối
cùng nhất định dẽ dẫn mọi người tới diệt vong. Muốn vượt qua được chủ
nghĩa địa phương và thay thế nó bằng chính sách toàn cầu thực sự thì
trước hết các dân tộc trên thế giới phải hiểu rằng quyền lợi của họ
không chống báng lẫn nhau và thúc đẩy sự phát triển của tất cả các dân
tộc chính là biện pháp phục vụ tốt nhất sự nghiệp của mình và phải rất
thận trọng, tránh sử dụng vũ lực chống lại các dân tộc khác hay là chống
lại một số người thuộc dân tộc khác. Như vậy nghĩa là, không được thay
chủ nghĩa sô vanh dân tộc bằng một chủ nghĩa sô vanh siêu dân tộc mà
phải hiểu rằng mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh đều là sai lầm. Những
biện pháp đối ngoại quân phiệt xưa cũ phải nhường chỗ cho những biện
pháp hoà hoãn mới với mục tiêu là hợp tác chứ không phải là sử dụng vũ
lực chống lại nhau.
Nhưng những người ủng hộ nhà
nước Đại Âu (Pan-Europe) và Hợp chủng quốc châu Âu lại nhằm đến mục tiêu
khác. Họ không có ý định lập ra một kiểu nhà nước có chính sách khác
với chính sách của những quốc gia quân phiệt và đế quốc chủ nghĩa đã
từng tồn tại cho đến hôm nay, mà ngược lại, họ muốn tái lập ý tưởng về
nhà nước quân phiệt và đế quốc chủ nghĩa. Quốc gia Đại Âu phải vĩ đại
hơn từng quốc gia riêng lẻ; nó phải mạnh hơn và vì vậy mà hiệu quả hơn
về mặt quân sự, đủ sức đối đầu với các siêu cường như Anh, Mĩ và Nga.
Chủ nghĩa sô vanh châu Âu phải thay thế cho chủ nghĩa sô vanh đủ mọi
loại của Pháp, Đức và Hungary; còn mặt trận thống nhất của các dân tộc
châu Âu thì phải đối đầu với những người “xa lạ”: Anh, Mĩ, Nga, Trung
Hoa và Nhật Bản.
Hiện nay người ta chỉ có thể tạo
ra nhận thức chính trị mang tính sô vanh và chính sách quân sự sô vanh
trên cơ sở dân tộc chứ không phải cơ sở địa lý. Ngôn ngữ chung buộc
những người cùng một dân tộc đoàn kết lại, trong khi sự khác biệt về
ngôn ngữ làm người ta xa cách nhau. Nếu không có sự khác biệt như thế -
bất chấp những hệ tư tưởng khác nhau – thì tư tưởng sô vanh không thể
nào phái triển được. Không nghi ngờ gì rằng một nhà địa lý học, với tấm
bản đồ trong tay, có thể nhìn thấy ngay rằng châu Âu (trừ Nga ra) là một
thực thể thống nhất, nhưng điều đó sẽ không tạo ra trong dân chúng khu
vực đó tình cảm cộng đồng hay tình đoàn kết mà nhà hoạt động chính trị
có thể dựa vào để xây dựng kế hoạch của ông ta. Có thể nhồi vào sọ người
dân sống ở vùng sông Rhine rằng chiến đầu cho người Đức vùng Đông Phổ
là anh ta đang bảo vệ sự nghiệp của chính mình. Cũng có thể làm cho anh
ta tin rằng sự nghiệp của toàn thể loài người cũng là sự nghịêp của anh
ta. Nhưng anh ta sẽ không bao giờ hiểu được rằng khi anh ta chiến đấu
bên cạnh người Bồ Đào Nha vì họ cũng là dân lục địa Âu châu, còn công
việc của Anh quốc là công việc của kẻ thù hoặc nhiều lắm thì cũng chỉ là
công việc của bọn người xa lạ mà thôi. Không thể nào xoá được khỏi đầu
óc người ta dấu ấn của quá trình phát triển lịch sử kéo dài (nhân tiện
xin nói rằng chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có ý định làm việc đó), một
quá trình đã làm cho trái tim người Đức đập nhanh hơn khi có ai đó nhắc
đến nước Đức, đến dân Đức hay bất cứ điều gì liên quan đến Đức. Tình
cảm dân tộc như thế đã tồn tại trước khi người ta có ý định dựa vào nó
để tạo ra ý tưởng về nhà nước Đức, chính sách Đức và chủ nghĩa sô vanh
Đức. Tất cả những sơ đồ có mục đích tốt nhằm thay thế các quốc gia dân
tộc, dù đấy có là Trung Âu, Đại Âu, Đại Mỹ, hoặc trên cơ sở nhân tạo
tương tự đều mắc chung khuyết tật căn bản như thế. Các sơ đồ này không
tính được sự kiện là những từ như “châu Âu” hay “Đại Âu” và “người châu
Âu” hay “người Đại Âu” không có ý nghĩa về mặt tình cảm và vì vậy không
thể tạo ra được trong lòng người những tình cảm như những từ “nước Đức”
hay “người Đức”.
Có thể thấy sự kiện này một cách
rõ ràng nhất nếu chúng ta xem xét vần đề thoả thuận chính sách thương
mại, tức là vấn đề có vai trò quan trọng nhất trong tất cả các dự án về
một liên bang quốc gia như thế. Trong những điều kiện hiện nay, có thể
thuyết phục một người Bavaria rằng việc bảo vệ lao động người Đức – thí
dụ như ở vùng Saxony – là đủ để áp dụng biểu thuế khiến cho anh ta, tức
là anh người Bavaria, phải mua một món hàng nào đó với giá cao hơn.
Chúng ta có thể hi vọng một ngày nào đó có thể làm cho anh ta quay lại
với nhận thức rằng tất cả những biện pháp chính trị nhằm tạo ra nền kinh
tế tự cấp tự túc và do đó tất cả những biểu thuế mang tính cách bảo hộ
đều là vô nghĩa và tự chuốc lấy thất bại, và vì vậy mà cần phải bãi bỏ.
Nhưng không bao giờ có thể thuyết phục được người Ba Lan hay là người
Hungary rằng để cho công bằng thì anh ta phải trả giá cao hơn giá thị
trường thế giới cho một món hàng nào đó nhằm giúp cho người Pháp, người
Đức hay người Ý được tiếp tục sản xuất món hàng đó trong nước họ. Chắc
chắn là người ta có thể giành được sự ủng hộ cho chính sách bảo hộ bằng
cách khêu gợi tình đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa dân tộc với ý tưởng cho
rằng quyền lợi của các dân tộc là không thể dung hoà. Nhưng hệ thống
bảo hộ của liên bang các quốc gia không thể sử dụng một cái gì tương tự
như thế làm nền tảng ý thức hệ. Chia nền kinh tế thế giới đang ngày càng
thống nhất hơn thành những vùng lãnh thổ quốc gia nhỏ bé, mỗi vùng càng
có khả năng tự cấp tự túc càng tốt, là việc làm hoàn toàn phi lý. Thay
chính sách bế quan toả cảng về kinh tế trên bình diện dân tộc bằng chính
sách như thế trên bình diện của một cộng đồng chính trị bao gồm nhiều
dân tộc cũng là việc làm vô nghĩa nốt. Phương pháp hữu hiệu duy nhất là
công nhận rằng chủ nghĩa bảo hộ và kinh tế tự cấp tự túc là có hại và
phải coi trọng sự hài hoà về quyền lợi của tất cả các dân tộc trên thế
giới.
Như đã chứng minh bên trên, sự
phân rã của nền kinh tề thế giới thành một loạt những vùng lãnh thổ tự
cấp tự túc sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực cho tất cả các dân tộc.
Kết luận: cần phải ủng hộ thương mại tự do. Muốn chứng minh rằng khu vực
tự cấp Đại Âu cần phải có cái ô biểu thuế có tính cách bảo hộ thì trước
hết phải chứng minh rằng quyền lợi của người Bồ Đào Nha và người
Rumania, mặc dù hài hoà với nhau nhưng lại xung đột với quyền lợi của
người Nga và người Brazil. Còn phải chứng minh rằng người Hungary sẽ
được lợi nếu họ từ bỏ ngành công nghiệp dệt để giúp người Đức, người
Pháp, người Bỉ, nhưng nhập khẩu hàng dệt may của Anh hay Mĩ sẽ làm thiệt
hại đến quyền lợi của người Hungary.
Phong trào ủng hộ liên bang các
nước châu Âu sinh ra từ nhận thức đúng đắn rằng tất cả các hình thức của
chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc sô vanh đều là sai lầm và có hại. Nhưng
điều mà những người ủng hộ phong trào này muốn thành lập để thế chỗ cho
nó lại là bất khả thi vì ý tưởng này chưa ăn sâu bén rễ vào trong nhận
thức của người dân. Nhưng ngay cả nếu như phong trào Đại Âu có đạt được
mục tiêu của mình thì tình hình thế giới cũng chẳng vì thế mà tốt đẹp
hơn. Cuộc chiến đấu của lục địa châu Âu thống nhất nhằm chống lại những
cường quốc khác cũng sẽ mang đến những cảnh đổ nát chẳng kém gì cuộc
chiến đấu giữa các nước châu Âu hiện nay với nhau.
10. Hội Quốc Liên
Trong nhận thức của người theo
trường phái tự do, nhà nước không phải là lí tưởng cao cả nhất, nó cũng
chẳng phải là phương tiện cưỡng bức hữu hiệu nhất. Lý thuyết siêu hình
về nhà nước tuyên bố rằng - về khía cạnh này, nó gần đạt đến sự kiêu
căng và tự phụ của những ông vua chuyên chế - mọi nhà nước đều có chủ
quyền, nghĩa là nhà nước là toà án cuối cùng và tối cao. Nhưng đối với
người tự do thì thế giới không kết thúc ở đường biên giới quốc gia.
Trong mắt anh ta, dù đường biên giới quốc gia có giá trị như thế nào đi
chăng nữa thì đấy cũng chỉ là hiện tượng nhất thời và thứ yếu mà thôi.
Tư duy chính trị của người tự do bao trùm lên toàn thể loài người. Xuất
phát điểm của toàn bộ triết lí chính trị của anh ta là: phân công lao
động là hiện tượng quốc tế chứ không phải quốc gia. Ngay từ đầu anh ta
đã nhận thức được rằng hoà bình trong một nước là chưa đủ, quan trọng
hơn là tất cả các nước phải sống hoà bình với nhau. Vì vậy mà người theo
trường phái tự do đòi hỏi rằng tổ chức chính trị của xã hội phải mở
rộng cho đến khi nó đạt đến đỉnh điểm là nhà nước toàn cầu, liên kết tất
cả các dân tộc trên cơ sở bình đẳng. Vì vậy là anh ta cho rằng luật của
từng nước phải phụ thuộc vào luật pháp quốc tế và đấy cũng là lí do để
anh ta đòi hỏi phải thành lập toà hình sự và bộ máy quản lí hành chính
siêu quốc gia để đảm bảo nền hoà bình giữa các dân tộc, giống như bộ máy
hành chính và toà án mỗi nước có trách nhiệm giữ gìn hoà bình trong khu
vực của mình vậy.
Trong một thời gian dài, yêu cầu
thành lập một tổ chức siêu quốc gia như thế vẫn chỉ là chuyện trao đổi
giữa một ít nhà tư tưởng, những người này thậm chí còn bị coi là không
tưởng và chẳng được ai chú ý tới. Chắc chắn là sau những cuộc chiến
tranh của Napoleon, thế giới đã nhiều lần chứng kiến cảnh các chính
khách của những cường quốc tụ họp quanh bàn hội nghị để tìm kiếm thoả
thuận chung, còn từ nửa sau thế kỉ XIX thì càng ngày càng xuất hiện
nhiều định chế siêu quốc gia, mà nổi bật nhất là tổ chữ Chữ Thập Đỏ và
Liên Minh Bưu Chính Quốc Tế. Nhưng tất cả những điều này vẫn còn xa mới
có thể gọi là tổ chức siêu quốc gia thực sự. Ngay cả Hội nghị Hoà bình ở
La Hay (the Hague) cũng chưa đưa ra được bất kì dấu hiệu nào về sự tiến
bộ cả. Chỉ vì sợ cuộc Chiến tranh Thế giới mà ý tưởng về việc thành lập
một tổ chức của tất cả các dân tộc, đủ sức ngăn chặn những cuộc xung
đột trong tương lai mới giành được sự ủng hộ rộng rãi mà thôi. Sau chiến
tranh, các nước chiến thắng mới thực hiện những biện pháp nhằm thành
lập một tổ chức mà họ gọi là Hội Quốc Liên và được nhiều người trên thế
giới coi là hạt nhân của một tổ chức quốc tế thực sự có hiệu quả trong
tương lai.
Dù thế nào thì tổ chức đang tồn
tại dưới tên gọi là Hội Quốc Liên cũng không phải là hiện thân của lí
tưởng về một tổ chức siêu quốc gia của trường phái tự do. Trước hết, một
số nước mạnh nhất và quan trọng nhất không có chân trong tổ chức này.
Mĩ, chưa nói đến các nước nhỏ hơn, vẫn đứng bên ngoài. Ngoài ra, hiệp
định thành lập Hội Quốc Liên có khiếm khuyết ngay từ đầu: nó chia các
nước thành hai hạng, tức là những nước có đầy đủ quyền hành và những
nước thất trận trong Chiến tranh Thế giới, không phải là những thành
viên có đầy đủ quyền hành như những nước kia. Rõ ràng là sự bất bình
đẳng về địa vị như thế sẽ gieo mầm cho cuộc chiến tranh chẳng khác gì sự
phân biệt đẳng cấp trong từng nước vậy. Đáng tiếc là tất cả những
khuyết điểm như thế đã làm cho Hội Quốc Liên yếu đi một cách thảm hại và
làm cho nó trở thành bất lực trước những vấn đề lớn lao mà nó đang phải
trực diện. Chỉ cần nghĩ đến hành động của nó trong cuộc chiến tranh
giữa Ý và Hi Lạp hay vấn đề Mosul và đặc biệt là những trường hợp mà số
phận của các dân tộc thiểu số bị đàn áp phụ thuộc vào phán quyết của Hội
là sẽ rõ.
Trong tất cả các nước, đặc biệt
là ở Đức và Anh, đều có những nhóm người cho rằng muốn thúc đẩy quá
trình chuyển hoá cái Hội Quốc Liên giả trang này thành một tổ chức thật
sự - thành một nhà nước siêu quốc gia đúng nghĩa – thì phải tỏ ra khoan
dung đối với những khuyết tật và yếu kém của nó. Thái độ cơ hội như thế
sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, dù có giải quyết vấn đề gì thì cũng
thế mà thôi. Hội Quốc Liên là một thiết chế chưa hoàn hảo, hoàn toàn
không phù hợp với những đòi hỏi đối với một tổ chức tầm cỡ quốc tế - mọi
người, trừ những quan chức và nhân viên làm việc trong bộ máy, đều thừa
nhận như thế. Không được che dấu hoặc phớt lờ sự kiện này, mà ngược lại
phải thường xuyên và kiên trì nhắc nhở nhằm kêu gọi sự chú ý của mọi
người để người ta thực hiện tất cả những thay đổi ngõ hầu chuyển hoá nó
thành một Hội Quốc Liên thực sự. Tai hại nhất đối với ý tưởng về tổ chức
siêu quốc gia là sự nhầm lẫn của giới trí thức, xuất phát từ niềm tin
rằng Hội Quốc Liên hiện nay là hiện thân đầy đủ hoặc gần như đầy đủ yêu
cầu của những người theo trường phái tự do chân thành và trung thực. Dựa
vào nguyên tắc cho rằng đường biên giới truyền thống, đã được xác định
trong lịch sử là bất di bất dịch thì không thể nào xây dựng được Hội
Quốc Liên, thực sự đủ sức bảo đảm một nền hoà bình vĩnh viễn trên toàn
cầu. Hội Quốc Liên vẫn còn chứa trong lòng nó khiếm khuyết căn bản của
luật quốc tế hiện hành: trong khi lập ra những qui định mang tính thủ
tục cho việc giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa các nước, nó hoàn
toàn không quan tâm đến việc tạo ra những tiêu chuẩn giải quyết mới mà
chỉ giữ nguyên hiện trạng (status quo) và thi hành những hiệp ước đã kí.
Trong tình hình như thế, nếu không đưa toàn thế giới vào tình trạng bất
động thì không ai có thể bảo đảm được hoà bình.
Chắc chắn là Hội Quốc Liên sẽ
đưa ra, một cách rất thận trọng và dè dặt, viễn cảnh của một vài điều
chỉnh đường biên trong tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu của một số dân tộc
và một số người trong một số dân tộc khác. Nó cũng sẽ hứa hẹn - vẫn với
sự thận trọng và dè dặt như thế - bảo vệ những người thiểu số. Điều đó
cho phép chúng ta hi vọng rằng từ những khởi đầu hoàn toàn không phù hợp
như thế sẽ sinh ra một siêu quốc gia toàn cầu xứng đáng với tên gọi của
nó và một ngày nào đó có đủ sức bảo đảm cho các dân tộc một nền hoà
bình mà họ đòi hỏi. Nhưng vấn đề này sẽ không thể được giải quyết trong
những kì hội nghị ở Geneva của Hội Quốc Liên hiện nay, và chắc chắn là
cũng không được giải quyết tại quốc hội của các nước thành viên của nó.
Vì vấn đề được đề cập ở đây không phải là vấn đề tổ chức hay biện pháp
quản lí quốc tế, mà là vấn đề tư tưởng to lớn nhất của loài người từ
trước đến nay. Vấn đề là liệu chúng ta có thể tạo ra trên toàn thế giới
một khuôn khổ tư duy mà không có nó thì trong giờ phút quyết định, mọi
hiệp ước về bảo vệ hoà bình và mọi quyết định của trọng tài đều chỉ là
những tờ giấy vụn. Chấp nhận một cách hoàn toàn và vô điều kiện chủ
nghĩa tự do chính là khuôn khổ của tư duy như thế. Tư tưởng tự do phải
thấm vào tất cả các dân tộc, các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do phải
thâm nhập vào tất cả các thiết chế chính trị, đấy là nói nếu ta muốn
kiến tạo những tiền đề cho hoà bình và loại bỏ những nguyên nhân của
chiến tranh. Khi các dân tộc vẫn còn bám vào những biểu thuế có tính
cách bảo hộ, bám vào những rào cản nhập cư, bám vào nền giáo dục bắt
buộc, bám vào chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa quốc gia thì những cuộc
xung đột mới, có thể nổ bùng thành chiến tranh bất cứ lúc nào, vẫn sẽ
thường xuyên xuất hiện và làm cho nhân loại mất ăn mất ngủ như cũ.
11. Nước Nga
Người công dân tôn trọng pháp
luật, dùng lao động của mình để giúp mình và giúp người, người như thế
sẽ hội nhập một cách hoà bình vào trật tự xã hội. Ngược lại, kẻ trộm
cướp thì không muốn lao động một cách trung thực mà muốn sử dụng bạo lực
để tước đoạt thành quả lao động của những người khác. Trong hàng ngàn
năm, thế giới đã phải chịu ách nô dịch của những kẻ chinh phục và những
lãnh chúa phong kiến, những kẻ coi việc họ tiêu thụ thành quả lao động
của những người khác là đương nhiên. Sự tiến hoá của loài người theo
hướng văn minh và việc tăng cường các mối liên kết xã hội đòi hỏi, trước
hết, loại bỏ cho bằng được ảnh hưởng cả về vật chất lẫn tinh thần của
tầng lớp phong kiến và quân nhân, tức là những giai tầng khao khát cai
trị thế giới, và thay thế lí tưởng cha truyền con nối phong kiến bằng lí
tưởng của gia cấp tư sản. Việc loại bỏ lí tưởng quân phiệt, tức là lí
tưởng chỉ coi trọng người chiến binh và khinh thường lao động trung
thực, chưa bao giờ đạt được thành công một cách mĩ mãn. Dân tộc nào cũng
có một số người chỉ nghĩ đến những tư tưởng và hình ảnh của thời đại
quân phiệt mà thôi. Lại có những dân tộc mà những xung động mang tính
bạo lực và cướp bóc, có từ thời quá khứ và tưởng như đã được chế ngự từ
lâu, bỗng bùng lên và lại giành được uy quyền. Nhưng nói chung, có thể
nói rằng trong những dân tộc da trắng hiện sống ở Trung và Tây Âu cũng
như Mĩ châu, trạng thái tâm lí mà Herbert Spencer gọi là “quân phiệt” đã
được thay thế bằng cái mà ông gọi là “công nghiệp”. Hiện nay chỉ còn
một dân tộc lớn vẫn còn bám víu vào lí tưởng quân phiệt, đấy chính là
người Nga.
Dĩ nhiên là có một số người Nga
không có thái độ như thế. Chỉ đáng tiếc là họ không giành được thế
thượng phong. Ngay từ khi Nga bắt đầu gây được ảnh hưởng đối với nền
chính trị châu Âu, nước này luôn luôn hành động như kẻ cướp đang rình cơ
hội để nhảy vào cướp bóc nạn nhân của nó vậy. Đối với việc mở rộng lãnh
thổ đế chế, các Sa Hoàng chưa bao giờ chấp nhận bất kì giới hạn nào,
chỉ có hoàn cảnh mới buộc họ phải làm như thế mà thôi. Quan niệm của
những người Bolshevik về vấn đề mở rộng lãnh thổ cũng chẳng khác gì. Họ
cũng chỉ công nhận có một nguyên tắc, đấy là: trong việc chinh phục các
vùng đất, có thể và thực chất là phải tiến càng xa càng tốt, dĩ nhiên là
phải tính đến nguồn lực của chính mình. May là các dân tộc châu Âu đủ
mạnh, đủ sức chống lại được những cuộc tấn công của những bộ lạc dã man
của nước Nga, và chính điều đó đã cứu được nền văn minh phương Tây khỏi
sự diệt vong. Kinh nghiệm của người Nga trong cuộc chiến tranh Napoleon,
trong cuộc chiến tranh ở Crimé và chiến dịch ở Thổ Nhĩ Kì những năm
1877-1878 chứng tỏ rằng dù có đông quân, họ cũng không đủ sức chiếm được
châu Âu. Cuộc Chiến tranh Thế giới vừa qua càng khẳng định rõ điều đó.
Vũ khí của trí tuệ nguy hiểm hơn
là súng gươm. Chắc chắn là phản ứng của châu Âu đối với những tư tưởng
của người Nga trước hết là do trước khi những tư tưởng của Nga tới, ở
châu Âu cũng đầy rẫy những tư tưởng như thế rồi. Thực ra, có lẽ sẽ là
đúng hơn khi nói rằng tư tưởng của người Nga không có xuất xứ từ Nga, dù
chúng có hợp với bản chất của Nga đến mức nào, mà là do người Nga vay
mượn được từ châu Âu. Nga là giống người cùn nhụt vế trí tuệ đến mức
chẳng thể nào phát biểu được một cách gãy gọn bản chất thầm kín nhất của
chính dân tộc mình.
Chủ nghĩa tự do, một chủ nghĩa
dựa hoàn toàn vào khoa học, chính sách của nó chính là sự áp dụng các
kết quả của khoa, cần phải thận trọng để không đưa ra những xét đoán phi
khoa học. Xét đoán về mặt giá trị thường nằm ngoài lĩnh vực khoa học và
bao giờ cũng có tính chủ quan. Cho nên không thể phân loại các dân tộc
và không thể nói rằng dân tộc nào tốt hơn, dân tộc nào xấu hơn. Vì vậy,
vấn đề là người Nga có phải là dân tộc hạ đẳng hay không hoàn toàn không
thuộc phạm vi xem xét của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không nói như
thế. Chúng ta chỉ khẳng định rằng họ không muốn tham gia vào hệ thống
hợp tác xã hội của nhân loại mà thôi. Trong quan hệ với xã hội loài
người và cộng đồng các dân tộc, thái độ của họ là thái độ của những
người chỉ muốn có một điều: ăn bằng hết những gì người khác tích luỹ
được. Những người mà sức sống là tư tưởng của Dostoyevsky, Tolstoy và
Lenin là những kẻ không thể nào tạo được tổ chức xã hội bền vững. Họ sẽ
phải quay về với thời ăn lông ở lỗ. Nước Nga được phú cho đất đai phì
nhiêu và nguồn khoáng sản đủ mọi loại, hơn hẳn nước Mĩ. Nếu người Nga
cũng áp dụng chính sách tư bản chủ nghĩa như Mĩ thì họ đã là dân tộc
giàu có nhất thế giới rồi. Chế độ chuyên chế, chủ nghĩa đế quốc, chủ
nghĩa Bolshevik đã biến họ thành những kẻ nghèo đói nhất. Bây giờ họ
đang tìm kiếm tư bản và nguồn tín dụng trên khắp thế giới.
Nếu công nhận như thế thì ta
thấy ngay kim chỉ nam cho chính sách của các dân tộc văn minh đối với
nước Nga. Hãy để người Nga là người Nga. Trong nước, hãy để họ làm tất
cả những gì họ muốn. Nhưng không được để họ vượt qua biên giới nhằm tàn
phá nền văn minh châu Âu. Nhưng dĩ nhiên đây không phải nói là cấm nhập
và dịch sách báo của Nga. Những kẻ bị tâm thần có thể thích thú đọc văn
chương của họ, còn người mạnh khoẻ thì sẽ tránh xa. Điều đó cũng không
có nghĩa là cấm người Nga tuyên truyền và đút lót trên khắp thế giới,
trước đây Sa Hoàng cũng đã làm như thế rồi. Nếu nền văn minh hiện đại
không thể bảo vệ được mình trong cuộc chiến với những kẻ đánh thuê thì
nó cũng không thể nào tồn tại được. Điều đó cũng không có nghĩa là người
châu Âu và người Mĩ không được đến thăm Nga, nếu họ thấy hấp dẫn. Nếu
họ dám liều và dám tự chịu trách nhiệm thì hãy để họ được ngắm nhìn vùng
đất của những vụ giết người hàng loạt và đói kém lan tràn. Điều đó cũng
không có nghĩa là cấm những nhà tư sản cho chính quyền Xô Viết vay hay
đầu tư vào nước Nga. Nếu họ ngu đến mức tin rằng rồi họ sẽ lại được nhìn
thấy một phần tài sản của mình thì cứ để họ mạo hiểm.
Nhưng các chính phủ châu Âu và
Mĩ phải chấm dứt việc khuyến khích chính sách phá hoại của chính quyền
Xô Viết bằng cách thưởng cho xuất khẩu vào nước Nga Xô Viết, làm như thế
thì chẳng khác gì đóng góp tài chính cho việc củng cố chế độ Xô Viết.
Hãy chấm dứt ngay việc tuyên truyền di dân và xuất cảng tư bản vào nước
Nga Xô Viết.
Người Nga có phá bỏ hệ thống Xô
Viết hay không - đấy là việc của họ. Đất nước của roi da và trại tù đã
không còn là mối đe doạ đối với thế giới nữa. Dù có muốn chiến tranh và
phá hoại đến đâu, người Nga cũng không còn là mối nguy hiểm nghiêm trọng
với hoà bình ở châu Âu nữa. Vì vậy có thể để yên mà không lo ngại gì.
Chỉ có một việc cần phải tránh, đấy là ý định ủng hộ và khuyến khích
chính sách phá hoại của chính quyền Xô Viết từ phía chúng ta.
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét