Báo chí phương Tây từng gọi
những trào lưu thời trang kỳ dị, trào lưu dùng sex để giải thoát bế tắc
của giới trẻ Nhật là cuộc khủng hoảng văn hóa....
Lịch sử phát triển của nước Nhật gắn
liền với thiên tai, với nỗ lực vượt khó không ngừng của người Nhật. Vì
thế, văn hóa truyền thống của nước Nhật được hình thành và phát triển
trên phông nền của một cuộc sống hà khắc, khuôn phép. Để đến sau này,
khi những khuôn phép hà khắc bị phá vỡ, bị đảo lộn, bị "quay cuồng"
trong cuộc sống hiện đại, báo chí phương Tây đã ví đó là cuộc khủng
hoảng văn hóa của Nhật Bản.
Cách đây chừng 10 năm, giới trẻ Nhật đã
có những cuộc nổi loạn dữ dội nhằm bung phá mọi khuôn phép, mọi lễ giáo,
mọi ràng buộc từ văn hóa truyền thống. Kimono không còn là trang phục
được sùng bái. Giới trẻ Nhật hướng tới thời trang kỳ dị. Thậm chí, càng
lập dị càng tốt.
Thời trang Nhật hiện đại có lắm điều kỳ
quái với phong cách chủ đạo đang thống trị trong giới trẻ hiện nay có
tên Harajuku. Phong cách này là một hình thức cosplay, kết hợp giữa nhân
vật thần tượng trong truyện tranh và phong cách riêng, sức sáng tạo
riêng của mỗi bạn trẻ, cốt làm sao phải càng đặc biệt, càng ấn tượng
càng tốt. Đã có lúc phong cách thời trang quái đản này bị coi là kinh dị
và phản văn hóa. Những phong cách không giống ai, làm cho mình trở nên
kỳ quái thậm chí phá hoại những nét đẹp tự nhiên của bản thân để được
lập dị khác người đã trở thành khao khát cháy bỏng trong các bạn trẻ
Nhật. Phong trào bagelhead từng một thời làm mưa làm gió khắp Nhật Bản
với hình ảnh những cái đầu lồi lõm, biến dạng khiến họ trở thành “của
độc” và khẳng định được cá tính mạnh mẽ của bản thân. Trào lưu ăn mặc
sexy để hóa thân vào những nhân vật thần tượng trong các cuốn truyện
tranh hentai (một thể loại truyện tranh "đen" của Nhật) khiến thế giới
thời trang của giới trẻ đất nước này đang trở thành một sân chơi hỗn
loạn với đủ những phong cách quái đản, dị thường.
Phong cách Harajuku nổi loạn.
Bagelheads - Đầu lồi lõm.
Đẹp nghĩa là phải "độc".
Cùng với thời trang quái dị và sexy,
"điều khủng khiếp nhất đã xảy ra", đó là trào lưu... "văn hóa sex" của
giới trẻ Nhật Bản. Thế hệ mới ở Nhật tìm đến sex như một sự giải thoát
bế tắc. Nhiều tác phẩm văn học của Nhật được đánh giá cao khi viết về tư
duy sex, lối sống sex... của một thế hệ trẻ ở Nhật Bản.
Trong văn học Nhật, ta có thể thấy những cuốn truyện được đánh giá là tác phẩm mang tính nghệ thuật cao như Rừng Nauy hay Người đẹp ngủ mê đều
có hàm lượng sex rất lớn trong suốt chiều dài của truyện. Trong những
tác phẩm đó, sex là chủ đề xuyên suốt tác phẩm. Không khí sex hiện lên
trong các tác phẩm văn học đậm đặc đến ngạt thở nhưng đó chính là lối
thoát tâm lý giúp giải toả những bức bối trong cuộc sống cho các bạn
trẻ. Người ta sẵn sàng quan hệ tình dục với nhau mà không cần quan tâm
người kia là ai. Tình dục thoải mái như mua một ly cà phê. Họ lặn ngụp
trong tình dục để cố gắng tìm được một tình yêu đích thực, nhưng khi
tình dục tràn ngập và đầy rẫy, người ta quan hệ với nhau tự nhiên như
ngồi uống cà phê thì tình yêu quả là thứ khó tìm.
Rừng Nauy nói về sự bế tắc của các bạn trẻ.
Ở Nhật, không hiếm những rạp chiếu phim cấp 3 như thế này
Điện ảnh Nhật cũng tìm kiếm trong sex
những đề tài kỳ quái. Nhiều bộ phim điện ảnh của Nhật khi đem ra nước
ngoài công chiếu từng gây xôn xao dư luận như The Horrors of Malformed Men với những trải nghiệm tình dục kỳ quái, The Whispering of the Gods kể về những mảng tối trong cuộc đời của các cha sứ, hay In the Realm of the Senses
xây dựng dựa trên một nhân vật tội phạm có thật phạm tội giết người và
“sáng tạo” ra những trò chơi khủng khiếp với nạn nhân... Những bộ phim
đó rất ám ảnh, khi đem ra nước ngoài công chiếu, phim thường gặp phải
các luồng dư luận trái chiều và bị phản đối vì nội dung tiêu cực. Thế
nhưng đối với người Nhật, dường như họ có một thần kinh thép, những bộ
phim như thế này vẫn được sản xuất đều đều và “trình làng” rất ăn khách.
Vấn đề bạo lực và sex xuất hiện nhan nhản trên TV và rạp chiếu phim
không gây ra làn sóng tranh cãi như ở Mỹ dù thực sự nó đang để lại những
hệ luỵ nhức nhối trong giới trẻ.
Thú vui quái đản trong In the Realm of the Senses.
Khi áp lực ra tăng,
người Nhật tìm đủ mọi cách để giảm stress và một trong những xu hướng
nổi lên hiện nay là “môn nghệ thuật” bondage. Trong đó, người ta sẽ treo
phụ nữ lên xà nhà bằng một sợi dây thừng để giúp họ đạt được hưng phấn
cao độ. Phụ nữ Nhật thường tìm tới những câu lạc bộ như thế rất đông để
được thoả mãn và xả stress. Những lớp học bondage mở ra tự do và hợp
pháp và được coi là một môn nghệ thuật truyền thống của Nhật.
"Môn nghệ thuật" Bondage
Tình dục bừa bãi dẫn đến tình trạng chai
lỳ cảm xúc trong giới trẻ. Họ chán chường và quay lưng lại với tình
dục. Dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng bởi giới trẻ Nhật không
muốn kết hôn và sinh con. Trong một cuộc điều tra mới đây đối với những
thanh niên độ tuổi từ 16-19, 36% nam giới và 59% nữ giới cho biết họ thờ
ơ với tình dục, thậm chí thấy chán chường và quyết định “chay tịnh” vì
thấy quá ghê tởm. Tại một số thành phố lớn của Nhật, độ tuổi mà pháp
luật cho phép quan hệ tình dục là 13. Vì vậy, trước khi đạt tới độ tuổi
16-19, nhiều bạn trẻ đã có quá nhiều thử nghiệm, sống quá xô bồ đến nỗi
giờ gặp phản ứng phụ lên tâm lý khiến các bạn nói không với tình dục,
quay lưng lại với nhu cầu bản năng của con người.
Lối sống quá tự do, bứt ra khỏi mọi
chuẩn mực của gia đình và xã hội để khẳng định cái Tôi quá lớn của bản
thân đã khiến một số lượng không nhỏ những bạn trẻ Nhật có lối sống lệch
lạc. Hiện nay ở Nhật, các nhà xã hội học chia ra bốn phong cách sống
tiêu cực. Nhóm thứ nhất là các bạn trẻ “ký sinh trùng” hay còn được gọi với cái tên furita hoặc hikikomori. Đó
là những bạn trẻ sống không có mục đích, họ phản kháng lại cuộc sống
công nghiệp áp lực cao bằng cách dựa dẫm hoàn toàn vào gia đình. Đi học,
họ không nỗ lực đạt được thành tích học tập tốt. Đi làm, họ chọn những
công việc bán thời gian có mức lương rẻ mạt để có nhiều thời gian dành
cho bản thân và không phải chịu áp lực gì. Nhóm này chiếm trên 20% số
lượng các bạn trẻ ở các thành phố lớn.
Họ
quay lưng lại với nhịp sống đang diễn ra, nhiều bạn trẻ quyết bỏ học,
bỏ làm để sống tách biệt như một ốc đảo cô đơn. Số lượng những bạn trẻ
như vậy đã xấp xỉ con số một triệu. Các nhà tâm lý học lo ngại trước
tình trạng này bởi các bạn trẻ furita/ hikikomori có nhiều nguy cơ tự tử
nhất. Ở Nhật đã có những tổ chức xã hội được lập nên để giúp đỡ các bạn
trẻ này đương đầu với tình trạng “tự kỷ”. Cá biệt có những trường hợp
được ghi nhận đã sống tách biệt khỏi xã hội hàng chục năm, chỉ ngồi lỳ
trong phòng ngủ, không thò mặt ra tới phòng khách.
Nhóm thứ hai sống
trốn tránh thực tại và tự xây dựng một thế giới ảo cho riêng mình. Nhóm
này thường vùi đầu trong game online, truyện tranh anime, Internet…
Những mối quan hệ và giao tiếp chính của họ đều ở trên Internet. Đó là
các bạn trẻ sống “ảo”, họ có thể là những đại ca, đại tỉ trong thế giới
ảo, họ yêng hùng, xưng bá nhưng thực chất chỉ là vươn lên trong thế giới
ảo và tụt hậu thê thảm trong cuộc sống thực.
Trường học được cho là tạo ra quá nhiều áp lực
Nhóm thứ ba
ưa bạo lực và thích chết chóc, nhìn vào nhóm này ta có thể hiểu tại sao
tỉ lệ tự sát tại Nhật vào hàng cao nhất thế giới. Theo thống kê từ năm
2003, cứ 15 phút lại có một người Nhật tự sát, con số này từ đó đến nay
vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Những trang web “đen” của Nhật giờ không
chỉ bao gồm những trang web sex mà còn cả những trang web hướng dẫn
người ta cách tự tử, trong đó có nhiều biện pháp được đưa ra để phù hợp
với từng phong cách và đối tượng.
Theo tờ Asian Times, tỉ
lệ tử sát của những mầm non nước Nhật, những em đang học tiểu học hoặc
trung học đã tăng 57.6% chỉ trong hai năm 2001-2002. Con số này vẫn tiếp
tục nhích lên khiến dư luận vô cùng sợ hãi. Giới trẻ Nhật thường cảm
thấy mình vô dụng khi không đáp ứng được đòi hỏi của gia đình, xã hội,
không theo kịp cuộc sống công nghiệp hối hả xung quanh. Những em cá tính
mạnh thì thể hiện quyền lực một cách bế tắc bằng việc bắt nạn hoặc trấn
lột các bạn học.
Tỉ lệ phạm tội của nhóm này và nhóm số 1 – nhóm hikikomori
càng ngày càng gia tăng với tốc độ đáng sợ. Những hành vi tội ác man
rợ, khó tưởng tượng nổi của những em học sinh tuổi vị thành niên đã từng
khiến cả nước Nhật bàng hoàng điêu đứng. Năm 2002 được coi là năm chứng
kiến nhiều thay đổi trong xã hội Nhật với con số tội phạm học đường lên
tới 29.300 vụ. Trường học ở Nhật giờ đây được coi như một bãi chiến
trường âm thầm nhưng rất quyết liệt với số lượng tội phạm nhí tăng đột
biến 46% trong năm 2003. 30% các em học sinh của Nhật thú nhận rằng mình
thường xuyên bị bắt nạt ở trường với tần suất ít nhất một tháng một
lần. Vì con số tội phạm ở tuổi vị thành niên quá lớn, chính phủ Nhật đã
phải giảm số tuổi chịu trách nhiệm tuy tố hình sự từ 16 xuống 14 trong
năm 2001.
Nhóm lập dị cuối cùng
là nhóm… vô đạo đức với những biến thái nguy hiểm trong lối sống, hành
động của nhóm này không thể lường trước và vô cùng nguy hiểm. Những tội
phạm vị thành niên của Nhật thường bước ra từ nhóm này.
Đằng sau những con số và sự thật đáng sợ
trên là một câu chuyện dài về những gì mà giới trẻ Nhật phải chịu đựng.
Cuộc sống công nghiệp hối hả, kỳ vọng quá lớn từ gia đình và xã hội, kỷ
luật thép mà bao thế hệ người Nhật đã tuân theo khiến các bạn trẻ dường
như đuối sức. Họ tìm cách phản kháng lại bằng những cách khác nhau,
trong đó có không ít những cách giải thoát tiêu cực như tự sát, phạm
pháp...
Hình ảnh cuối cùng kết của tiểu thuyết Rừng Nauy phản
ánh rõ nhất cuộc sống hối hả của Nhật mà trong đó nhiều bạn trẻ cảm
thấy mông lung, vô định, bi quan và hoàn toàn trống rỗng:
"Tôi đang ở đâu? Tôi không biết. Đây là
nơi nào? Tất cả những gì đang lướt nhanh qua mắt tôi chỉ là vô số những
hình nhân đang bước đi về nơi vô định nào chẳng biết...
HỒ BÍCH NGỌC (DÂN TRÍ)
Posted in: Suy Ngẫm
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét