Những con người, đầy quyết tâm
và khát vọng, đầy bản lĩnh và tài năng, từ hai bàn tay trắng dựng nên
những công ty khổng lồ, đem lại niềm kiêu hãnh cho cả dân tộc mới thực
là "đại gia", một cái từ chúng ta đang rất hay dùng.
Chúng
ta đang háo hức chờ mua iPad 5, một thành công mới của Apple. Năm ngoái
chúng ta vừa mới chia tay Steve Jobs, người đã tạo ra Apple, một huyền
thoại và một thần tượng xứng đáng của thế kỷ 20 - 21. Bài viết này dành
cho Samsung, đối thủ và bạn đồng hành của Apple, bạn đồng hành đáng sợ
và đối thủ xứng đáng. Người ta bảo, Samsung là một vương quốc đối cực
của Aplle.
Trong chúng ta, cũng chẳng ai còn lạ gì
Samsung. Nhưng trước khi đi vào câu chuyện, hãy ắng nghe sự thuyết phục
của những con số.
Những con số nói gì?
Đối với Mỹ, cũng như châu Âu, Samsung là
cuộc tấn công khủng khiếp từ vùng Viễn Đông. Thứ nhất, tổng doanh số
tăng vùn vụt, và sẽ còn tăng với tốc độ còn lớn hơn thế. Theo dự báo của
J.P. Morgan, doanh số năm 2020 của Samsung sẽ đạt tới giá trị 400 tỷ
USD. Các con số cụ thể về doanh số và lãi ròng của Tập đoàn này những
năm gần đây là:
Năm 2011 2012 2013
Doanh số (tỷ USD) 146 172 192
Lãi ròng 12,2 17,4 21,0
|
Thứ hai, trên thị trường điện thoại di
động và vi xử lý, thị phần của Samsung ngày càng cao, vai trò của
Samsung ngày càng lớn. Tính trong quý 4 năm 2011, thị phần điện thoại di
động toàn thế giới còn lại 3 đại gia với tỷ lệ: Nokia - 23,4 %, Samsung
- 19,4 % và Apple - 7,4 %... Con số ấy, cùng khoảng thời gian, ở thị
trường vi xử lý là: Samsung - 44,3 %, Hynix - 23,3 %, Micron - 12,1 %,
Elpida - 12,0 %...
Thứ ba, càng ngày người ta càng thấy rõ
sự đối đầu giữa Samsung và Apple, còn mang danh cuộc đối đầu giữa Hàn
Quốc và California. Những con số quan trọng nhất trong cuộc tử chiến này
là (số liệu tính theo năm kinh doanh gần nhất, từ tháng 10/2010 đến
tháng 10/2011):
Doanh số Lãi ròng Nhân viên Giá trị cổ phiếu Bằng sáng chế (tỷ USD) (tỷ USD) (Người) (tỷ USD) (tại Mỹ)
Samsung 146 12 191 000 163 4894
Apple 128 33 63 000 546 676
|
Mỗi chúng ta có thể tự thấy, ở những con
số mang tính “chất lượng”, Apple vẫn còn mạnh hơn rõ rệt, nhưng tính
toàn thể, hiện nay, trong lĩnh vực điện tử dân dụng, thì ngay sau Apple,
Samsung là đáng kể nhất. Để minh chứng, lại xin trích thêm một con số
thể hiện rõ sự trưởng thành của Samsung về công nghệ: Năm 2011, số điện
thoại cao cấp Samsung bán trên toàn thế giới là 94 triệu chiếc, hơn
Apple 800.000 chiếc, và về giá thì Samsung cũng tiến tới gần Apple.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh 2 đặc điểm
cơ bản trong sự phát triển của Samsung: phát triển vững chắc trong một
kế hoạch dài hạn (điện thoại di động), và phát triển dữ dội để đạt tới
một uy thế có sức khống chế (sản xuất chips mạnh đến mức các nhà sản
xuất máy tính thế giới đã lo sợ khi nghĩ tới khả nang bị phụ thuộc).
Những con số đủ thuyết phục. Tuy nhiên, con số thì bao giờ cũng khô khan, nên chúng ta hãy tìm đến với những câu chuyện.
Nước Cộng hòa Samsung và lòng trung thành công dân
Chúng ta biết đến nhiều công ty Hàn Quốc
đóng vai trò quyết định trong quá trình hóa rồng của đất nước này: LG,
Huyndai, Posco..., nhưng Samsung vượt trên tất cả. Một mình Samsung
chiếm đến 1/5 tổng sản phẩm nội địa của cả đất nước.
Samsung được biết đến trước hết như một
tập đoàn điện tử, với 79 đơn vị trực thuộc có dòng vốn luân chuyển
thường xuyên với nhau. Về sau này, Samsung mở rộng kinh doanh sang nhiều
lĩnh vực khác, ví như Samsung C&T chính là công ty xây dựng tạo nên
tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai.
Doanh số, tính theo tỷ USD, của các
ngành sản xuất chính thuộc Samsung là: Viễn thông (công nghệ mạng, điện
thoại cầm tay, máy tính bảng) - 50, Bán dẫn (bộ nhớ, smartcard, bộ kiểm
tra vi mô) - 33, Các thiết bị số hóa (máy thu hình, notebooks, máy in
laser, điều hòa nhiệt độ, máy điện gia dụng) - 53, Màn hình (dùng cho
máy thu hình, điện thoại, máy tính bảng) - 26...
Tuy nhiên, Samsung vượt qua mọi quan
niệm về công ty hay tập đoàn: người ta nói rằng, có một vương quốc
Samsung, hay nước cộng hòa Samsung. Nơi đó, trẻ em sinh ra trong bệnh
viện Samsung, đi học ở những ngôi trường do Samsung xây dựng, sống trong
những căn hộ làm bởi Samsung, và sau khi đã sử dụng hết tất cả mọi
thiết bị do Samsung chế tạo, sẽ ra đi trong một chiếc... quan tài
Samsung.
Một chuyên gia Bồ Đào Nha, từng làm việc
cho Samsung, kể chuyện về cơ sơ nghiên cứu chủ yếu của Samsung nằm gần
Soeul. Cơ sở này trải dài 5 km, có tới 82.000 nhân viên. “Xe chống gián
điệp đột nhập chạy suốt ngày đêm xung quanh căn cứ. Luôn luôn có những
người Trung Quốc bị phát hiện và bắt giữ”.
Nhân viên nghiên cứu phục vụ cho những
dự án gai góc sống trong những căn hộ đặc biệt ở gần cơ quan. Nguyên tắc
căn bản nhất: cấm tiếp xúc, kể cả với người thân trong gia đình, và kéo
dài hàng tháng trời, cấm tuyệt đối. Chừng nào dự án còn tiếp tục thì
luật cấm vẫn còn hiệu lực. Chỉ có như vậy mới có thể đảm bảo an ninh, bí
mật ở mức đáng tin cậy.
Vào buổi chiều ngày thứ sáu, khi tiếng
nhạc đồng loạt vang lên qua loa phóng thanh, tất cả các nhân viên phát
triển công nghệ đều đứng lên, cầm lấy giẻ lau và tự làm vệ sinh quanh
chỗ ngồi của mình. Đấy là chỗ làm việc của chính họ mà, và họ chịu trách
nhiệm về mọi thứ thuộc về họ.
Một giám đốc Samsung thổ lộ: “Lòng trung
thành là quan trọng. Để thể hiện lòng trung thành của mình, cứ mỗi
sáng, đúng 8 giờ là nhân viên phải có mặt. Đồng thời, gần như là một
nghĩa vụ, tối tối các đồng nghiệp phải ngồi uống cùng nhau. Uống gì thì
không quan trọng, miễn là ngồi với nhau. Và thường thì sau đó, cũng cỡ 8
giờ, mỗi người lại đặt một cái gối lên bàn làm việc của mình".
Trong hợp đồng lao động ghi rõ 40 giờ
làm việc trong một tuần, nhưng thật ra ai cũng làm việc 70 - 80 giờ. Ai
không đi làm ngày thứ Bảy, sẽ tự nguyện báo cáo với cấp trên. Có nhiều
kỹ sư kể lại, họ làm việc, ăn, ngủ cỡ 5 tiếng, rồi lại tiếp tục làm
việc.
Từ công ty đến dân tộc
Trong các tài liệu quảng cáo của Samsung
có một tấm bảng vẫn dùng trong các giảng đường nhà trường. Trên tấm
bảng ấy có ghi lại những thành tựu chủ yếu của nhân loại: Máy hơi nước,
bóng đèn điện, điện thoại... Một học sinh đứng bên cạnh và hỏi : “Vì sao
người Hàn Quốc chưa phát minh ra cái gì cả?”. Câu trả lời: “Samsung
đang làm việc để thay đổi điều đó”.
Ngày nay Hàn Quốc thuộc về số những quốc
gia có mức sống cao trên thế giới. Ngay từ năm 2005, với sự đầu tư vượt
bậc của nhà nước, 90 % các căn hộ ở Hàn Quốc đã có kết nối băng thông
giải rộng. Trong chiến lược tầm nhìn, dự kiến rằng trong mỗi gia đình
Hàn Quốc sẽ có một người máy giúp việc vào năm 2020. Bất cứ người dân
Hàn Quốc nào cũng có lòng tin vào “tiến bộ công nghệ”, nơi Samsung luôn
là một trong những kẻ tiên phong.
Thế mà, nửa đầu thế kỷ 20 cả nước Triều
Tiên vẫn là thuộc địa của Nhật. Nhật, với Samsung, vừa là nơi học tập,
vừa là tấm gương để noi theo, lại vừa là một cái đích để phấn đấu, một
mục tiêu để vượt qua. Một cựu giám đốc Samsung thổ lộ: “Người Nhật luôn
muốn là số một. Họ có một tinh thần tuyệt vời. Và chúng tôi cũng vậy”.
Ông Lee Byung-chul, sinh năm 1910, người sáng lập Samsung năm 1938, đã
bắt đầu sự nghiệp vẻ vang của mình khi du học ở Nhật.
Năm 2001, Samsung đặt ra mục tiêu vượt
qua Sony trong vòng 5 năm. Lúc ấy, người ta cho rằng đó là mục tiêu viễn
vông. Nhưng rồi một con số nói lên tất cả: Vào năm 2012, bộ ba tập đoàn
điện tử khổng lồ của Nhật là Sony, Panasonic và Sharp dự kiến khoản lỗ
chừng 17 tỷ USD, còn Samsung dự kiến đầu tư 22 tỷ USD.
Ngay từ những năm 1990, trung tâm toàn
cầu về công nghệ cao đã dịch chuyển từ Tokyo về Seoul. Ngay cả những tập
đoàn thuộc Thung lũng Silicon cũng chọn Seoul làm thị trường thử nghiệm
những sản phẩm mới của mình. Bởi vì tại thủ đô Hàn Quốc có tới 10 triệu
dân, và ai cũng háo hức đến mức nghiện ngập những sản phẩm mới nhất về
điện thoại di động và internet. Người ta nói rằng, công nghệ trở thành
“món ăn chung của cả dân tộc”. Samsung cũng đi lên từ cái thị trường nội
địa kỳ diệu đó.
Kèm theo sự phát triển công nghệ là sự
phát triển sự nghiệp giáo dục. Hàn Quốc càng ngày càng có nhiều người
tài. Trong số 1000 nhân viên lãnh đạo cấp cao của Samsung chỉ có đúng
một người là người nước ngoài. Và đấy là một phụ nữ. Một chuyên gia Đức
muốn dấu tên, nói rằng, người Hàn Quốc luôn nói với ông rằng: “Chúng tôi
ở lại vĩnh viễn với Samsung, còn tất cả các ông đến rồi lại đi. Điều
này thể hiện rõ trong cách giao việc và quản lý việc ở công ty này”.
Còn bây giờ, Seoul đang hướng về California, Samsung đang đọ sức với Apple.
Con người và con đường
Năm 1938, Lee Byung-chul thành lập một
công ty buôn bán thực phẩm có tên là Samsung. Đó là những năm chiến
tranh, đói kém, và người ta cần ăn. Tới những năm 1950, khi chưa ai có
khái niệm gì về để dành hay tích lũy, Byung-chul lại mở thêm ngành bảo
hiểm nhân thọ. Chuyển sang những năm 1970, ông lái công ty sang hướng
máy tính, dù ở Hàn Quốc lúc đó chưa có bất cứ cơ sở nào cho ngành kỹ
nghệ hiện đại này. Nhà lãnh đạo bao giờ cũng phải có tầm nhìn xa, kèm
theo là những kế hoạch, những khoản đầu tư cho nhiều chục năm.
Gần nửa thế kỷ sau, Lee Kun-hee trở
thành ông chủ mới của đế chế Samsung. Khi máy thu hình kết thúc giai
đoạn kỹ nghệ bóng điện tử, trong tư cách người dẫn đầu thị trường, Sony
cứ băn khoăn chờ đợi và suy nghĩ xem màn hình phẳng loại nào sẽ có khả
năng thống trị. Samsung, trái lại, ngay lập tức đầu tư vào tất cả các
chuẩn: LCD, Plasma, OLED và trở thành số một trong thị trường béo bở này
năm 2006.
Trong các thiết bị iPad đời mới, Apple
cũng đặt mua màn hình Retina từ tập đoàn đối thủ Samsung. Triết lý của
Lee Kun-hee: “Trong những loại hàng hóa có thể bị băng hoại theo thời
gian, từ cá cho đến điện thoại di động, tốc độ là yếu tố quyết định”.
Tốc độ thể hiện trước hết ở việc ra quyết định. Samsung bắt đầu từ một
cơ sở liên thông và vững chắc cấp thấp, đẩy những ý tưởng lên cao, rồi
ra quyết định cực nhanh ở thượng đỉnh. Rất nhanh, rất rõ ràng, và cũng
không kém phần ầm ĩ. Như kiểu chỉ huy trong quân đội.
Có một chuyện kể mang dáng vẻ huyền
thoại. Giữa những năm 1990, Lee thăm Mỹ, vào một cửa hàng đồ điện tử ở
Los Angeles. Trên các giá để hàng, ông không tìm thấy bất cứ thứ gì có
thể nhắc đến Samsung. Ông quyết định hướng sản xuất theo thương hiệu,
một cái tên có nghĩa là chất lượng, với giá cả hợp lý. Kiểu như BMW. Cho
đến hôm nay, theo công bố của tập đoàn nghiên cứu thị trường Interbrand
năm 2011, Samsung là thương hiệu đứng thứ 17 trên toàn thế giới, còn
BMW đứng thứ 15.
Câu chuyện khác còn ghê gớm hơn, xẩy ra ở
một nhà máy sản xuất tại Gumi. Gần 2000 công nhân tụ tập ở sân nhà máy.
Trước mắt họ là một đống máy Fax và máy in mang hiệu Samsung, tổng trị
giá cỡ 50 triệu USD. Phía trên là tấm băng lớn in dòng chữ “Chất lượng
là niềm tự hào của tôi”. Lee Kun-hee ngồi trong số họ, cùng Hội đồng
quản trị của công ty. Sau đó, 10 công nhân được chọn tách rời máy móc ra
từng mảnh riêng, rồi lấy búa đập nát từng mảnh. Tất cả bị ném vào lửa,
trước sự chứng kiến của cả ngàn người, ai cũng ròng ròng nước mắt.
Lý do của sự kiện bi thảm này: Nhân dịp
lễ Noel và năm mới, ông Lee Byung-chul dùng các sản phẩm Samsung làm quà
tặng. Một số trong đó không hoạt động tốt và bị than phiền. Phải trừng
phạt ở mức đủ cho răn đe.
Hiện nay, nhiều tập đoàn không còn nhà
máy sản xuất của riêng mình nữa, trong đó có cả Apple. Họ tin cậy gửi
gắm việc sản xuất vào tay những nhà máy chuyên sản xuất theo mẫu, theo
hợp đồng. Cái giá phải trả: Quá trình thương thảo mỗi khi thay đổi.
Samsung thì vẫn có những nhà máy của riêng mình, thậm chí sản xuất đến
cả các linh kiện, và do đó có thể đổi thay nhanh chóng từ ý nghĩ cho tới
sản xuất.
Phần thưởng cho thành tích của nhân
viên, Samsung không trả theo năm, mà còn có thể tính và trả theo từng
quý. Người ta không nói con số cụ thể, nhưng mức thưởng sau mỗi thương
vụ thành công được ghi nhận là “rất tốt”. Nghĩ nhanh, làm nhanh, mà
thưởng cũng nhanh.
Chúng ta đều biết, quanh Samsung cũng có
cả những chuyện không hay. Chuyện gia đình: Một người con gái tự treo
cổ năm 2005 trong căn hộ riêng ở New York, hai người con lớn kiện về
chuyện phân chia tài sản, vì đế chế Samsung được giao lại cho người con
thứ ba, khác với truyền thống thông thường. Chuyện làm ăn: Có những bê
bối, điều tra liên quan đến hối lộ và trốn thuế, có những cáo buộc liên
quan tới chuyện vi phạm bản quyền.
Nhưng cuối cùng Samsung đã vượt qua
những thử thách ấy. Sau vụ xét xử trốn thuế năm 2009, Samsung đã có một
đền bù xứng đáng cho Hàn Quốc: Họ góp phần chủ chốt trong việc đưa về
cho xứ sở Kim Chi quyền đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2018.
Và dù thế nào chăng nữa, người ta nói
Samsung thuộc về Hàn Quốc, rồi Hàn Quốc lại thuộc về châu Á, nơi đạo lý
chung đã nói rất rõ ràng: Bất cứ cá nhân nào cũng đứng sau cả một sự
nghiệp.
VŨ CÔNG LẬP (THỂ THAO & VĂN HÓA)
Posted in: Kinh Tế
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét