Ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch InvestConsult Group nêu quan điểm trước những thông tin liên quan đến báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) cho thấy, Việt Nam đạt mức trung bình về đầu vào nói chung, nhưng yếu về đầu ra và trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan về Chỉ số Năng suất Sáng tạo.
Ảnh hưởng đến Việt Nam
PV:- Vừa qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) đã công bố một báo cáo về Chỉ số năng suất sáng tạo của 22 nền kinh tế châu Á, trong đó có đưa thêm hai nước là Mỹ và Phần Lan để so sánh. Chỉ số này được tính dựa trên 36 chỉ số đầu vào như nền kinh tế đó có bao nhiêu trường đại học được xếp trong danh sách 500 trường hàng đầu thế giới, tỷ lệ đô thị hóa, chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tham nhũng, quan liêu… Và 8 chỉ số đầu ra được chỉ ra gồm có số bằng sáng chế được phát minh, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, số sách và phim ảnh được sản xuất…
Theo nghiên cứu này thì Việt Nam đạt mức trung bình về đầu vào nói chung, nhưng yếu về đầu ra. Đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đang xếp thứ 6 sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Với kết quả như thế ông có nhận định gì? Ông có thể lý giải vì sao nước Lào được coi là đi sau Việt Nam trong nhiều lĩnh vực lại có kết quả được đánh giá hơn Việt Nam?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Tôi rất tín nhiệm hai tổ chức tạo ra báo cáo này là Ngân hàng châu Á và Economist Group. Các báo cáo được đưa ra bởi họ đều nhắm đến nhiều mục đích, báo cáo này theo tôi có lẽ nhằm mục đích đánh giá triển vọng của một xã hội do đó có cả triển vọng các nền kinh tế, bởi vì nếu đánh giá kết quả của một nền kinh tế thì người ta không đánh giá kiểu này, người ta không lấy tiêu chí là tổng số các phát minh, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, lượng sách và phim ảnh....
Đầu tiên người ta đánh giá xem tổng đầu tư cho các điều kiện đầu vào của xã hội là gì. Ví dụ có bao nhiêu trường đại học, chi phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, vấn đề bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng, quan liêu....
Tất cả những yếu tố này được xem là đầu tư của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển trí tuệ xã hội. Còn các yếu tố đầu ra thể hiện hiệu quả của quá trình đầu tư ấy. Nó thể hiện sự không chính xác của các chính sách của chúng ta liên quan đến những tác động vào sự phát triển trí tuệ của xã hội.
Theo những tóm tắt, đầu vào của quá trình đầu tư cho phát triển trí tuệ xã hội thật ra mới ở mức trung bình. Một đầu tư hạng trung bình vào một xã hội lâu nay vốn không chịu phát triển như Việt Nam thì rất khó để có kết luận tích cực về đầu ra của quá trình này.
Kết quả của báo cáo đưa ra theo những trật tự không truyền thống vì vậy thái độ của chúng ta đối với kết quả của báo cáo này có lẽ phải khác một chút. Chúng ta hơi sĩ diện, hơi tự ái. Điều đó thể hiện khá rõ trong chuyện chúng ta xem vị trí, thứ bậc là quan trọng, khi bị đem so với Lào.
Chúng ta thắc mắc là tại sao trong tương quan so sánh chúng ta kém Lào, nhưng chúng ta có biết Lào đầu tư bao nhiêu. Có lẽ đây là người ta đo độ hiệu quả của quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng có tính chất xã hội để đánh giá triển vọng phát triển của xã hội đó. Phân tích một cách tỉ mỉ chúng ta thấy ở đầu vào thể hiện thái độ, cách thức của Chính phủ đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển trí tuệ xã hội thì chúng ta ở mức trung bình.
Nếu chúng ta kỳ vọng trở thành xã hội tiên tiến trong khu vực thì với mức đầu tư trung bình này chúng ta không bao giờ thu được kết quả như mong muốn. Bởi vì xã hội chúng ta là một xã hội chậm phát triển lâu rồi, muốn có sự phát triển thật sự thì phải đầu tư vào khu vực này nhiều hơn, tức là nó không thể ở mức trung bình như phản ánh của báo cáo.
Chúng ta đã có một nền kinh tế mà chỉ số ICOR rất cao, tức là ngay cả đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế thì tính hiệu quả của đầu tư là rất thấp. Chỉ số này có thể gần giống với chỉ số ICOR, tức là mặc dù chúng ta ở thứ bậc trung bình về mặt đầu tư, nhưng kết quả cuối cùng, đầu ra của toàn bộ quá trình phát triển trí tuệ của người Việt là kém.
Điều ấy cho thấy có lẽ chúng ta có cái sai nào đó trong chính sách đầu tư phát triển trí tuệ xã hội. Cái sai đó chính là tính thiếu hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách đầu tư cho phát triển trí tuệ xã hội. Chúng ta cần phải để ý đến những khía cạnh như vậy. Không nên khó chịu về thứ bậc, bởi bản thân thứ bậc sắp xếp ở đây không phản ánh gì hơn ngoài phản ánh tính hiệu quả của chính sách. Chúng ta đã từng đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến giáo dục, liên quan đến nâng cao trí tuệ, nhưng chúng ta đầu tư sai cho nên chúng ta gặt hái một kết quả thấp.
Chúng ta đừng tự ái là chúng ta đứng thứ bậc thấp trong so sánh này. Có thể chúng ta đang tự hào trong một xếp hạng khác, ví dụ như tính nhạy cảm trong thương mại, khả năng buôn bán tạp phế lù. Nhưng xếp hạng mà các bạn đề cập tới không phải là xếp hạng để mô tả tính nhạy cảm thương mại mà mô tả tính nhạy cảm trí tuệ. Kẻ đã nhạy cảm thương mại rồi thì phải nhường nhạy cảm trí tuệ cho người khác.
Tôi nghĩ rằng chúng ta nghiên cứu những loại báo cáo như thế này để có kinh nghiệm, có hiểu biết để điều chỉnh một cách tinh tế tất cả các chính sách liên quan đến đầu tư vào sự phát triển trí tuệ xã hội, hay tính nề nếp của xã hội chúng ta. Ví dụ như vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, chống quan liêu, tham nhũng. Rõ ràng đó là những chỉ số phản ánh rất đầy đủ tất cả những mặt mạnh của một xã hội trong cách sống chứ không phải chỉ trong phát triển thương mại, phát triển kinh tế.
Việt Nam chúng ta vẫn thua một số nước trong lĩnh vực vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta là nơi hợp lưu của các dòng hàng hóa vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta chưa hẳn đã là kẻ sáng tạo ra các vi phạm, nhưng chúng ta là nơi chứa, là nơi tiêu thụ các sản phẩm vi phạm.
Vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ tức là không tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, coi thường trí tuệ, Quan liêu cũng là coi thường trí tuệ, coi thường giáo dục, coi thường văn hóa, coi thường con người. Tham nhũng là vi phạm các quyền sở hữu chứ không chỉ các sở hữu trí tuệ và do đó tham nhũng cũng là coi thường con người.
PV: - Cách đây không lâu VCCI - Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cũng từng đưa ra một báo cáo trong đó nêu ra ý kiến của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng như một vài nước tại khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi những chỉ số như tham nhũng, gánh nặng về quy định pháp luật của Việt Nam lại bị đánh giá là hơn cả Lào và Campuchia.
Những thực tế được nêu bởi những khảo sát như vậy liệu có bắt nguồn từ việc nền kinh tế của Việt Nam chủ yếu theo mô hình không có gia công nhiều, trong nông nghiệp hay khai thác tài nguyên khoáng sản chủ yếu vẫn là có gì thì đem đi bán cái đó mà không đầu tư sâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Tôi đọc và tham khảo những báo cáo như vậy với một thái độ thận trọng. Chúng ta bị ấn tượng vì sự kém Lào của Việt Nam mà không thấy rằng trong việc duy trì trạng thái tự nhiên của thiên nhiên để nó vẫn còn tiềm năng thì Lào tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Ở Lào vẫn còn thấy trời, thấy đất, vẫn còn thấy thiên nhiên, còn ở Hà Nội, ở TP.HCM rất khó thấy.
Nếu chúng ta chờ đợi một xã hội mà ở đấy mọi thước vuông đều là kết quả của đầu tư vào bê tông, sắt thép là chúng ta rất sai. Nhưng nếu chúng ta vẫn quan tâm đến sự sót lại của trời đất, của tự nhiên và xem đấy như là thành tựu của loài người thì chúng ta kém Lào xa lắm.
Tôi đi theo hướng cái gì còn lại của trời đất càng nhiều thì chứng tỏ con người càng thông minh. Con người thông minh là con người để lại trời đất cho con cháu chứ không phải để lại những cục bê tông. Trời đất thì không thể khấu hao được, không thể lấy tỉ lệ phần trăm được. Nước nào để lại trời đất, để lại tự nhiên nhiều thì nước ấy không chỉ khôn ngoan mà còn lành mạnh.
PV: - Trong trường hợp chỉ số đầu vào trung bình và chỉ số đầu ra yếu, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Chúng ta nghiên cứu về nền kinh tế Việt Nam cho người Việt, còn người nước ngoài thì nghiên cứu về điều kiện kinh doanh ở Việt Nam cho họ, hai việc đó khác nhau.
Chúng ta phải nghiên cứu cho người Việt. Với cấu trúc trong xã hội Việt Nam tiền ít thì phải đầu tư thế nào để bỏ ra một đồng thì trí tuệ người Việt phồng lên hai ba đồng. Đây chính là nghiên cứu cấu trúc của chỉ số ICOR trong lĩnh vực đầu tư vào sự phát triển trí tuệ người Việt.
PV: - Khi các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào đánh giá của các tổ chức nước ngoài cũng như của Việt Nam về vấn đề môi trường đầu tư cũng như chỉ số năng suất sáng tạo thì nó ảnh hưởng như thế nào đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam bởi vì trong ba trụ cột của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI thì chỉ các chỉ số của doanh nghiệp FDI là phát triển hơn cả, hai trụ cột còn lại có các chỉ số cực kì thấp, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Chúng ta có bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng theo nghĩa khác. Giả sử nếu chúng ta làm chuồng cho voi ở nhưng voi không ở thì bò sẽ ở, bò không ở được thì cừu ở. Vấn đề đặt ra là chính sách của chúng ta định nuôi voi hay nuôi cừu.
Ai cũng muốn cái nhà của mình thành chỗ nuôi voi cả, cho nên chúng ta mới đầu tư nhiều đến mức đem so với các nước châu Á rộng lớn này chúng ta ở mức trung bình. Điều ấy cũng giống như một câu khen nhà nghèo nhưng mua nhiều máy tính. Máy tính bảng hóa toàn bộ các trường phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, đấy cũng là hiện tượng nhà nghèo nhưng rửng mỡ. Mặc dù chúng ta đầu tư đến như thế, nhưng chất lượng đầu ra vẫn thua cả Lào.
Việt Nam sáng tạo kém Lào:Thay đổi hay... ngả mũ nhận thua?
Như vậy, rõ ràng chúng ta có ý chí để biến Việt Nam thành một chuồng nuôi voi nhưng nó bị co lại thành cái chuồng nuôi cừu, mà tôi sợ rằng chưa chắc đã nuôi được cừu.
Từ báo cáo này có thể rút ra một kết luận rất đáng buồn cho chúng ta rằng ngay cả trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo cho lớp trẻ kế cận thì chính sách của chúng ta cũng không có hiệu quả, đầu tư của chúng ta cũng không có hiệu quả.
Nó có ảnh hưởng đến đầu tư không? Ảnh hưởng lắm chứ. Các doanh nghiệp nuôi voi ở Việt Nam sẽ bỏ đi hoặc là sẽ không đến mà các xí nghiệp dưới mức đó sẽ lục tục kéo đến. Cuối cùng chúng ta chỉ nhìn thấy toàn những kẻ chăn cừu đến.
Người ta sẽ nhìn thấy một nền giáo dục với chính sách đầu tư như thế này với một đầu ra chất lượng thấp như vậy thì năng suất lao động xã hội của Việt Nam chắc là kém. Nói cách khác số lượng những người Việt Nam có khả năng lao động ở mức cao là ít, cho nên Việt Nam không phải là nơi có thể phát triển các nền công nghiệp có chất lượng.
Như thế Việt Nam sẽ trở thành nơi phát triển các ngành công nghiệp không có chất lượng. Các ngành công nghiệp không có chất lượng sẽ phá hoại môi trường và điều kiện sống, phá hoại tương lai của người Việt.
Người Việt rất có thể sẽ trở thành cửu vạn vĩnh viễn nếu các nhà đầu tư nhận ra đây là nơi chỉ có lao động cửu vạn. Chúng ta phải đau về chuyện này trước khi băn khoăn về chuyện nhà đầu tư có đến hay không. Phải biết đau nỗi đau của việc thế giới đánh giá thấp Việt Nam về mặt chất lượng con người.
Việt Nam phấn đấu để Lào… vượt Việt Nam
PV: - Tương lai mất cạnh tranh về môi trường đầu tư (do sự vươn lên của các nước láng giềng, dư địa trục lợi từ chính sách ưu đãi đầu tư không còn…) có còn xa với Việt Nam hay không? Nếu điều đó xảy ra thì diện mạo của nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, khi mà tới thời điểm này, năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam bị đánh giá là không làm nổi một cái ốc vít, còn nền nông nghiệp khiến người nông dân thua thiệt mà phải bỏ ruộng?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Nếu chúng ta để voi đến thì mới nói đến chuyện mất sức cạnh tranh. Nhưng không gian của thế giới này rất hẹp, nếu như voi không đến thì chuột đến. Chúng ta không nên lo các nhà đầu tư không đến, mà nên lo các nhà đầu tư kiểu chuột đến, mà các nhà đầu tư kiểu chuột là gì thì chúng ta biết rồi. Không phải là họ chưa tới.
Chỉ số năng suất sáng tạo của Việt Nam đứng sau Lào, và chỉ ở mức trung bình đầu vào và yếu đầu ra
Diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới nếu chúng ta không phấn đấu, không cải tiến các chính sách đầu tư vào trí tuệ xã hội thì chúng ta sẽ không có voi, không có bò, không có ngựa, có khi chúng ta còn không có cả cừu mà chỉ có chuột.
Đầu tư nước ngoài nó sẽ tự đến, chúng ta đừng phấn đấu và lôi kéo. Nếu có lôi kéo là lôi kéo chất lượng của đầu tư nước ngoài, mà muốn lôi kéo chất lượng của đầu tư nước ngoài thì phải nâng cao dân trí.
Nếu không cải cách giáo dục, không nâng cao trình độ giáo dục, không nâng cao trình độ văn hóa của toàn bộ xã hội thì xã hội chỉ gồm osin và cửu vạn và kết quả là chúng ta sẽ có một nền công nghệ chuột. Không bắt đầu từ nâng cao môi trường văn hóa và giáo dục, chúng ta không có con người tử tế. Đầu ra của tất cả các đầu tư không phải là con người tử tế, con người có trình độ thì chúng ta không có tương lai như tương lai cần có của con người.
PV: - Việt Nam cần xem đánh giá của các tổ chức nghiên cứu như một sự tham khảo hay chỉ dẫn?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Nó không phải là tham khảo, cũng không phải là chỉ dẫn, các báo cáo đó được làm để bán cho các nhà đầu tư, các nhà chính trị quốc tế.
Đây là những tổ chức không nên tranh cãi với họ về mặt uy tín. Bởi vì ngân hàng ADB thì chúng ta biết rồi, là kẻ tài trợ cho ít nhất 30-40% những gì diễn ra ở Châu Á này. Còn Economic Group không cần phải nghi ngờ triển vọng của họ, họ có mặt ở mọi nơi trên thế giới, họ có cả báo, tạp chí, có cả các viện nghiên cứu. Họ là những nhà tư vấn về phát triển hàng đầu trên thế giới.
Chúng ta không phải nghi ngờ gì về chất lượng của những báo cáo như thế, nếu có tìm hiểu thì chúng ta phải tìm hiểu động cơ của họ. Họ biết cách làm tiền, họ bán trí khôn của họ cho ai đó, ví dụ cho các nhà tài chính. Các nhà công nghiệp cũng không đủ nhạy cảm để mua các báo cáo này, các nhà tài chính sẽ mua. Economist Group là một nhóm nghiên cứu các vấn đề tài chính, bán cho các nhà tài chính để hướng dẫn các nhà đầu tư ném tiền vào các dự án ở khu vực này như thế nào. Nó quan trọng là ở chỗ ấy.
PV: - Thời điểm Việt Nam gia nhập WTO thì những rào cản gần như gỡ bỏ hoàn toàn. Chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề nội tại của mình. Khi mở cửa như vậy thì chúng ta có hạn chế gì, Việt Nam có lợi thế hơn Lào hay Campuchia hay không, hay chính chúng ta rồi sẽ phải ngả mũ trước hai nền kinh tế vốn bị coi là yếu kém hơn này, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - WTO tạo ra cho mình cơ hội để thảo luận nhưng thực chất là nó chụp lên đầu mình. WTO không phải là cái duy nhất, nó là một cái chợ chung to, nhưng trong chợ ấy nó có những phân khúc thảo luận.
Hiệp định xuyên Thái bình Dương TPP là một trạng thái phân khúc mà chúng ta có thể thảo luận và gia nhập. Người Việt Nam không nên đặt ra vấn đề chúng ta có gia nhập không. Vấn đề là chúng ta biết gì và sẽ được gì. Sự được gì luôn luôn phụ thuộc vào sự biết gì. Chúng ta luôn luôn nhân cơ hội rủi ro của thời cuộc để giải thích sự mất mát của xã hội chúng ta. Người Việt Nam rất thông minh. Trong cuộc trò chuyện với Thomas Friedman, tôi đã nói một câu là “cái tốt thì ngày càng ít đi, còn cái xấu ngày càng thông minh lên”.
Với Lào, Việt Nam hiện chúng ta đang phấn đấu làm rất nhiều việc để Lào có lợi thế so với chúng ta. Tất cả những con đường chúng ta mở ngang đất nước, tất cả những sự phát triển đường xá dọc theo sông Mekong ngày càng làm cho nước Lào hấp dẫn hơn.
Trước đây chúng ta tưởng chúng ta ưu thế hơn Lào vì Lào không có biển. Bây giờ chúng ta càng xây nhiều cảng biển thì nước Lào càng hấp dẫn, bởi vì người ta sẽ thuê nước Lào sản xuất rồi xuất khẩu qua các cảng ở Việt Nam. Người Lào không cần có cảng, vì đã có cảng sẵn ở Việt Nam.
Địa phương nào cũng nghĩ mình phải có cảng biển hay sân bay thì mới mạnh. Nếu tỉnh Quảng Nam có cảng thì tỉnh Quảng Ngãi cũng phải có và tỉnh Bình Định kề bên cũng phải có. Người Việt đã phạm phải sai lầm khủng khiếp là không biết dùng nhờ những thứ mà thiên hạ có.
Người Lào thông minh hơn nhiều, người ta sẽ dùng những thứ Việt Nam làm. Càng nhiều tỉnh ở Việt Nam làm cảng biển thì do sự cạnh tranh với nhau của người Việt, giá của người Lào phải trả cho người Việt càng rẻ đi. Người Lào không thiếu gì vì Việt Nam chuẩn bị hộ, thậm chí còn chuẩn bị cả thị trường cạnh tranh để họ được hưởng giá rẻ.
Người Lào chỉ cần giả vờ đến Ninh Thuận thì người Bình Thuận đã giảm giá, và Nha Trang cũng giảm. Trong khi ấy thì giá tăng lên đối với người Việt bằng động lực của công ty xăng dầu Petrolimex. Người Việt không thể phát triển được, vì tiền người Việt dùng để phục vụ cho các cạnh tranh khác.
So sánh với Lào, Campuchia, Việt Nam không thua họ, Việt Nam sẽ nhờ vào họ thay vì Lào, Campuchia nhờ Việt Nam. Bởi vì với một xã hội đứng đắn được giáo dục đầy đủ, tử tế và nghiêm túc thì họ sẽ là điểm đến của các nhà công nghiệp. Khi là điểm đến của các nhà công nghiệp thì họ sẽ có hàng hóa để xuất khẩu. Họ sẽ xuất khẩu bằng cảng của Việt Nam và chúng ta được nhờ. Chúng ta được nhờ người Lào thay vì người Lào nhờ chúng ta. Một số người Việt Nam đã nhận ra điều ấy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét