Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Kinh nghiệm từ 'Những thập kỷ bị mất' của Nhật bản

“Những thập kỷ bị mất” là thời kỳ sau khi vỡ bong bóng bất động sản trong kinh tế Nhật bản. Ban đầu cụm từ “Một thập kỷ bị mất” được dùng để chỉ giai đoạn 1991-2000, nhưng gần đây thời kỳ 2001-2010 cũng đôi khi được kể đến vì giảm phát vẫn tiếp tục, vì vậy xuất hiện cụm từ “Những thập kỷ bị mất” hoặc “Những năm bị mất” chỉ thời kỳ giảm phát kinh tế kéo dài gần 20 năm.


Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của những năm 80 đột ngột chấm dứt vào lúc bắt đầu thập kỷ 90. Cuối những năm 80, những khiếm khuyết trong hệ thống kinh tế Nhật đã tạo điều kiện cho một làn sóng đầu cơ hàng loạt của các công ty, ngân hàng và công ty chứng khoán Nhật. Sự kết hợp của giá đất cực kỳ cao và lãi suất vay thấp tạo nên tính thanh khoản cao trong thị trường dẫn đến việc vay tiền lớn và đầu tư mạnh mẽ vào cổ phiếu và trái phiếu trong và ngoài nước.
Khi nhận ra rằng sự phát triển bong bóng đó là không thể chống đỡ được nữa, bộ Tài chính đột ngột tăng lãi suất cho vay vào cuối năm 1989. Chính sách đó làm bong bóng nổ tung, thị trường chứng khoán sụp đổ. Tiếp theo sau là cuộc khủng hoảng nợ và chính phủ bắt buộc phải bảo lãnh cho các ngân hàng đang tràn ngập nợ xấu.
Các ngân hàng bắt đầu bơm tiền mới vào các công ty không có lợi nhuận “nửa sống nửa chết – zombie firms” với lập luận rằng các công ty đó quá lớn để có thể cho chết. Tuy nhiên, phần lớn các công ty đó đã nợ quá nhiều không thể sống dựa vào các khoản tiền cứu trợ đó. Một nhà kinh tế đã miêu tả Nhật bản là một “thiên đường của những kẻ thua cuộc”. Nền kinh tế Nhật không thể hồi phục chừng nào kiểu bơm tiền đó chưa kết thúc.
Cuối cùng, không thể chống đỡ nổi nữa, một làn sóng hợp nhất các tổ chức tài chính diễn ra dẫn đến chỉ còn tồn tại bốn ngân hàng quốc gia. Nhiều công ty Nhật mắc nợ rất lớn và do đó không thể vay được các khoản vay mới ngay cả khi lãi suất chính thức hạ xuống tới mức 0,1% và giữ ở mức rất thấp trong nhiều năm. Nhiều người, công ty phải chuyển sang vay từ các kẻ cho vay nặng lãi (sarakin).
Sarakin là một danh từ Nhật dùng để chỉ những người cho vay nặng lãi hợp pháp thực hiện các khoản cho vay không đảm bảo với lãi suất cao. Những kẻ cho vay nặng lãi không hợp pháp được gọi là Yamikin có thể cho vay với lãi suất tới 10% trong 10 ngày.
Khoảng 14 triệu người Nhật (10% dân số) vay mượn từ các sarakin. Trong thập kỷ trước có khoảng 30.000 hãng sarakin, hiện nay còn độ 10.000, trong đó 7 hãng lớn chiếm 70% thị phần. Tổng giá trị các khoản cho vay nặng lãi khoảng 100 tỷ USD. Các hãng cho vay nặng lãi lớn hoạt động công khai và thường có quan hệ với các ngân hàng lớn.
Sarakin chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội Nhật. Mặc dù các ngân hàng thống trị nền kinh tế nhưng ngân hàng thích cho các khách hàng lớn, có tài sản thế chấp chắc chắn hơn là cho vay tiêu dùng hoặc cho các công ty nhỏ vay. Vì vậy, đối với người tiêu dùng phải vay từ ngân hàng là một điều đáng xấu hổ và phải có người bảo lãnh thì lại có thể vay từ sarakin với mức từ 100 USD, không cần thế chấp và nhận tiền qua các máy tự động chỉ mất có vài phút. Lãi suất vay lên tới 29,2% trong khi lãi chính thức gần bằng không. Sau nhiều lời kêu ca về lãi suất cao và các thủ đoạn thu nợ, một đạo luật năm 2006 đã quy định lãi ở mức 20% vào năm 2010 và quy định các biện pháp thu nợ hợp pháp. Các khoản vay cũng không được vượt quá 1/3 thu nhập lương hàng năm.
Như vậy, thập kỷ 90 là một thập kỷ bị mất khi nền kinh tế co lại hoặc tăng trưởng không đáng kể. Tuy nhiên, tác động trên đời sống hàng ngày hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng không đến mức khủng hoảng. Do truyền thống căn cơ, tiết kiệm của người Nhật, ảnh hưởng đến gia đình Nhật trung bình không lớn, mức sống không giảm nhiều so với những năm 80.
Phản ứng trước suy thoái, các nhà làm chính sách Nhật đã thực thi một loạt chương trình thúc đẩy kinh tế của chính phủ và các khoản vay cứu trợ ngân hàng. Ngân sách thặng dư 2,4% năm 1991 biến thành thiếu hụt 10% năm 1998, nợ nhà nước bằng 100% GDP. Trong năm 1998, một kế hoạch cứu trợ ngân hàng 500 tỷ USD được triển khai để khuyến khích các ngân hàng huy động vốn và cho vay. Ngân hàng trung ương cũng cố gắng tăng lạm phát để khuyến khích tiêu dùng. Vào năm 2003, kinh tế Nhật bắt đầu hồi phục do xuất khẩu sang Mỹ và Trung quốc tăng làm cho Nhật có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng thật 2%.
Giảm phát của Nhật bắt đầu từ đầu những năm 90. Tháng 3/2001, Ngân hàng trung ương Nhật và chính phủ thử giảm mức độ giảm phát bằng cách giảm lãi suất. Mặc dù lãi suất vay đã giảm về gần bằng không trong một thời gian dài, chiến lược đó không thành công. Tháng 7/2006, chính sách lãi suất bằng không kết thúc. Năm 2008, ngân hàng trung ương Nhật vẫn giữ lãi suất thấp trong các nước phát triển nhưng giảm phát vẫn chưa hết.
Các nguyên nhân giảm phát của Nhật bao gồm:
  • Sự sụt giá tài sản. Bong bóng chứng khoán và bất động sản bị vỡ vào những năm 80, đạt tới đỉnh điểm năm 89.
  • Các công ty không trả được nợ: các ngân hàng cho các công ty và cá nhân vay đầu tư vào bất động sản. Khi giá bất động sản sụp đổ, nhiều khoản vay không trả được. Ngân hàng có thể thu các tài sản thế chấp nhưng do giá bất động sản giảm, điều đó cũng không giúp thanh toán được nợ. Ngân hàng buộc phải trì hoãn quyết định thu tài sản thế chấp, hy vọng giá bất động sản sẽ lên. Một số ngân hàng thậm chí cho các công ty đang nợ vay tiếp. Quá trình đó kìm giữ được “lỗ tiềm năng” cho đến khi tài sản hoàn toàn mất giá và/hoặc bị bán phá giá và lỗ xảy ra thật, giảm phát sẽ tiếp tục.
  • Ngân hàng không trả được nợ: các ngân hàng có một tỷ lệ lớn các khoản vay không thu hồi được. Do đó không thể tiếp tục huy động vốn chừng nào chưa tăng tỷ lệ dự phòng các khoản nợ xấu. Và như vậy, khối lượng cho vay giảm sút, thiếu tiền cho tăng trưởng kinh tế.
  • Sự sợ hãi các ngân hàng mất thanh khoản: người dân Nhật sợ các ngân hàng sẽ sụp đổ nên họ chuyển sang mua vàng hoặc trái phiếu kho bạc Mỹ hay Nhật thay cho gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Họ cũng chuyển tiền vào mua bất động sản
Tờ báo Nhà kinh tế đã đề xuất sửa đổi luật phá sản, luật chuyển nhượng đất và luật thuế để hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật. Tháng 10/2009, chính phủ Nhật đã tuyên bố kế hoạch tăng thuế thuốc lá, thuế môi trường đồng thời giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
PHAN VĨNH TRỊ BLOG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét