Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014
Ludwig von Mises (1881-1973) - CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG 9
07:29
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Chương 4
Chủ nghĩa tự do và các chính đảng
1. Tính chất “giáo điều” của những người theo trường phái tự do
Chủ nghĩa tự do cổ điển thường
bị người ta phê bình vì quá cứng nhắc và không sẵn sàng thoả hiệp. Chính
vì thiếu nhân nhượng như thế mà nó đã bị thua trong cuộc chiến đấu với
những đảng phái bài tư bản chủ nghĩa đủ mọi loại mới xuất hiện trong
thời gian gần đây. Nếu nó, cũng như các đảng phái khác, nhận thức được
tầm quan trọng của sự thoả hiệp và nhượng bộ trước những khẩu hiệu được
nhiều người ưa chuộng nhằm lôi kéo quần chúng thì nó đã có thể giữ được,
dù chỉ một phần, ảnh hưởng của mình rồi. Nhưng nó đã không bao giờ bận
tâm đến việc thành lập tổ chức đảng và bộ máy của đảng như các đảng bài
tư bản đã làm. Nó coi chiến thuật trong các chiến dịch tranh cử và những
kì họp quốc hội chẳng có tầm quan trọng nào. Nó không bao giờ tham gia
vào những trò cơ hội chủ nghĩa hay mặc cả chính trị. Chủ nghĩa giáo điều
không khoan nhượng như thế chắc chắn đã dẫn đến sự thoái trào của chủ
nghĩa tự do.
Những
lời khẳng định như thế là hoàn toàn phù hợp với chân lí. Nhưng cho rằng
chủ nghĩa tự do đáng bị phê phán theo nghĩa đó là hoàn toàn không hiểu
bản chất của chủ nghĩa này. Hiểu biết một cách sâu sắc tư tưởng của chủ
nghĩa tự do nghĩa là phải hiểu rằng nền tảng của sự hợp tác của xã hội
loài người và cơ cấu xã hội ổn định lâu dài không thể được xây dựng trên
nền tảng của những tư tưởng sai lầm và và dối trá được. Chẳng có gì có
thể thay thế được hệ tư tưởng giúp nâng cao đời sống của con người bằng
cách khuyến khích sự hợp tác xã hội - những điều dù được gọi là “chiến
thuật”, “ngoại giao” hay “thoả hiệp” lại càng không thể nào thay thế
được. Nếu con người không nhận thực được nhu cầu xã hội và tự nguyện làm
những việc cần thiết nhằm bảo vệ xã hội và thúc đẩy phúc lợi chung thì
không ai có thể dùng mưu mẹo và thủ đoạn dối trá để đưa họ vào con đường
ngay thẳng được. Nếu họ lầm lẫn và đi lạc đường thì phải thông qua giáo
dục mà khai tâm cho họ. Nhưng nếu họ không thể ngộ được chân lí, nếu họ
vẫn cứ khăng khăng bám lấy sai lầm thì dù có làm gì cũng không thể nào
ngăn chặn được thảm hoạ. Tất cả những thủ thuật và những điều dối trá
của các chính trị gia mị dân chỉ có thể có ích cho những người chuyên
làm việc phá hoại xã hội, dù họ có là những người chân thành hay dối trá
thì cũng thế mà thôi. Nhưng không thể thúc đẩy sự nghiệp tiến bộ xã
hội, sự nghiệp phát triển và tăng cường các mồi liên kết xã hội bằng
những biện pháp dối trá và mị dân được. Không một sức mạnh nào, không có
mưu kế khéo léo nào hoặc sự bịp bợm thông minh nào có thể lừa bịp được
nhân loại đến mức làm cho họ chấp nhận một học thuyết xã hội mà họ không
những không công nhận mà còn công khai bác bỏ nữa. Con đường duy nhất,
rộng mở cho tất cả những ai muốn đưa thế giới trở lại với chủ nghĩa tự
do - đấy là thuyết phục đồng bào của mình về tính tất yếu của cương lĩnh
tự do. Khai sáng là nhiệm vụ duy nhất mà người theo trường phái tự do
có thể và phải làm nhằm ngăn chặn, trong khả năng của anh ta, sự huỷ
diệt mà xã hội đang đâm đầu vào. Không có chỗ cho sự nhân nhượng cho bất
kì thành kiến hay lỗi lầm thường gặp hay được ưa chuộng nào ở đây hết.
Khi nói đến những vấn đề quyết định liệu loài người có tồn tại được hay
không, hàng triệu người sẽ thịnh vượng hay là chết thì không thể có
chuyện nhân nhượng, dù đấy là do yếu kém hay là tôn trọng thái quá tình
cảm của người khác, được.
Nếu những nguyên lí của chủ
nghĩa tự do lại một lần nữa trở thành kim chỉ nam cho chính sách của các
dân tộc vĩ đại, nếu cuộc cách mạng trong dư luận xã hội lại một lần nữa
làm cho chủ nghĩa tư bản được tự do thì thế giới sẽ bước dần ra khỏi
tình trạng mà chính sách của các phe phái bài tư bản đã đẩy nó vào. Đấy
là con đường duy nhất có thể đưa chúng ta thoát khỏi sự hỗn loạn về
chính trị và xã hội hiện nay.
Ảo tưởng lớn nhất của chủ nghĩa
tự do cổ điển là thái độ lạc quan về xu hướng tiến hoá của xã hội. Những
người ủng hộ chủ nghĩa tự do - những nhà xã hội học và kinh tế học thế
kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX và những người ủng hội họ - tin rằng xã
hội loài người sẽ tiến đến những giai đoạn phát triển cao hơn và không
gì có thể ngăn chặn được quá trình này. Họ tin tưởng chắc chắn rằng việc
nhận thức theo lối duy lí những qui luật nền tảng của sự hợp tác và
tương thuộc xã hội mà họ phát hiện ra sẽ nhanh chóng trở thành nhận thức
chung của mọi người và sau đó những mối liên kết xã hội gắn bó một cách
hoà bình toàn thể loài người sẽ càng ngày càng trở thành bền vững hơn,
điều kiện sống của mọi người sẽ được cải thiện và nền văn minh sẽ bước
lên những nấc thang ngày càng cao hơn về mặt văn hoá. Không gì có thể
làm lay chuyển được thái độ lạc quan đó của họ. Khi những cuộc tấn công
vào chủ nghĩa tự do càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, khi ảnh hưởng
của những tư tưởng của chủ nghĩa tự do trong nền chính trị bị thách thức
từ mọi hướng thì họ lại nghĩ rằng đấy là loạt đạn cuối cùng của một hệ
thống hấp hối đang rút chạy, một hệ thống chẳng đáng phải quan tâm hay
phản công vì chẳng bao lâu nữa nó sẽ sụp đổ.
Người theo trường phái tự do cho
rằng tất cả mọi người đều có khả năng về mặt trí tuệ để có thể suy tư
về những vấn đề hợp tác xã hội phức tạp và hành động một cách phù hợp.
Họ vô cùng ngạc nhiên trước sự rõ ràng và hiển hiên của những lí lẽ đã
dẫn họ đến những tư tưởng chính trị của mình và hoàn toàn không hiểu
được làm sao mà một số người lại không nhận thức được những chuyện như
thế. Họ cũng không bao giờ hiểu được hai sự kiện sau đây: thứ nhất, quần
chúng không có khả năng tư duy một cách logic; thứ hai, đa số người cho
rằng, đấy là ngay cả khi họ nhận thức được chân lí, lợi ích tức thời,
dù là nhỏ nhặt, nhưng được hưởng ngay còn quan trọng hơn là lợi ích lớn
hơn và lâu dài, nhưng phải chờ đợi. Đa số người không được phú cho trí
tuệ đủ sức tư duy về những vấn đề hợp tác xã hội - những vấn đề cực kì
khó – và họ cũng không có đủ lí trí để có thể chấp nhận những hi sinh
tạm thời mà hành động xã hội đòi hỏi. Khẩu hiệu của chủ nghĩa can thiệp
và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những đề nghị về việc tước đoạt một
phần tài sản tư nhân, bao giờ cũng được quần chúng nhiệt tình ủng hộ vì
họ tin rằng sẽ được hưởng lợi ngay lập tức.
2. Đảng phái chính trị
Buồn nhất là có người đã hiểu
sai ý nghĩa và bản chất của chủ nghĩa tự do, cho rằng nếu áp dụng những
biện pháp mà các đảng phái khác đang sử dụng hiện nay thì có thể bảo đảm
chiến thắng cho các tư tưởng tự do.
Trong xã hội phân chia theo đẳng
cấp, tức là xã hội không phải của những công dân bình đẳng mà được chia
thành thang bậc với quyền lợi và trách nhiệm khác nhau thì không thể có
các đảng phái chính trị theo nghĩa hiện đại của từ này. Khi đặc quyền
đặc lợi và quyền bất khả xâm phạm của những giai tầng khác nhau chưa bị
thách thức thì giữa các giai tầng vẫn giữ được hoà bình. Nhưng khi đặc
quyền đặc lợi của một số giai tầng và địa vị xã hội của họ bị thách thức
thì sẽ xuất hiện các vấn đề khác và chỉ có thể tránh được nội chiến nếu
một bên nào đó công nhận rằng họ ở thế yếu và đầu hàng mà không dùng
đến vũ lực. Ngay từ khởi thuỷ, địa vị của mỗi người trong các giai tầng
khác nhau quyết định quan điểm của người đó trong tất cả những cuộc xung
đột như thế. Chắc chắn là có những người đầu hàng, đấy là những người
hi vọng là sẽ được lợi nếu nhảy sang phía kẻ thù và chống lại chính giai
tầng của mình, những người như thế bị coi là phản bội. Nhưng ngoại trừ
những trường hợp hãn hữu, người ta không phải đắn đo trước câu hỏi phải
đứng về phe nào. Họ sẽ đứng bên cạnh những thành viên của giai tầng mình
và chia sẻ số phận với họ. Giai tầng hay các giai tầng không hài lòng
với địa vị của mình đứng lên chống lại trật tự hiện hành và phải đạt
được yêu sách của mình trước sự kháng cự của những giai tầng khác. Kết
quả cuối cùng của cuộc xung đột – không nói trường hợp những người bạo
loạn thất bại và mọi việc vẫn giữ nguyên như cũ - trật tự cũ được thay
bằng một trật tự mới, trong đó quyền lực của mỗi giai tầng đều được phân
bố lại, khác trước.
Cùng với sự xuất hiện của chủ
nghĩa tự do là yêu cầu bãi bỏ tất cả các đặc quyền đặc lợi. Xã hội đẳng
cấp phải mở đường cho chế độ mới, trong đó chỉ có những người công dân
bình đẳng mà thôi. Không chỉ đặc quyền đặc lợi cụ thể mà ngay sự tồn tại
của mọi ưu quyền nói chung đã bị tấn công. Chủ nghĩa tự do đã rỡ bỏ tất
cả các rào cản về mặt xã hội và giải phóng con người khỏi tất cả những
hạn chế mà chế độ cũ áp đặt lên người ta. Chính trong xã hội tư bản, tức
là xã hội nằm dưới quyền cai trị của chính phủ đặt nền tảng trên những
nguyên lí của chủ nghĩa tự do, lần đầu tiên từng cá nhân được quyền tham
gia trực tiếp vào đời sống chính trị và lần đầu tiên mỗi người đều có
nhiệm vụ đưa ra quyết định cá nhân về mục tiêu và lí tưởng chính trị.
Trong những xã hội đẳng cấp trước đây, xung đột chính trị chỉ có thể xảy
ra giữa những giai tầng khác nhau mà thôi, còn từng giai tầng thì lại
hình thành một mặt trận vững chắc nhằm chống lại các giai tầng khác; còn
khi không có những vụ xung đột giữa các giai tầng thì trong lòng những
giai tầng được quyền tham gia vào đời sống chính trị lại có thể xảy ra
xung đột giữa các phe nhóm nhằm tranh giành ảnh hưởng, quyền lực và địa
vị lãnh đạo. Chỉ có thể chế chính trị trong đó mọi người dân đều có
quyền bình đẳng - phù hợp với lí tưởng của chủ nghĩa tự do, một lí tưởng
chưa được thực hiện một cách trọn vẹn ở bất kì đâu - mới có thể có
những đảng phái chính trị, tức là tổ chức của những người muốn đưa những
ý tưởng vể lập pháp và hành pháp của mình vào đời sống. Vì có những ý
kiến khác nhau về con đường đưa đến mục tiêu của chủ nghĩa tự do - bảo
đảm sự hợp tác xã hội một cách hoà bình - sự khác nhau về ý kiến như thế
nhất định sẽ dẫn tới những sự bất đồng và tranh cãi về mặt chính trị.
Như vậy nghĩa là, trong xã hội
tự do có thể có cả các đảng xã hội chủ nghĩa nữa. Không loại trừ ngay cả
những đảng tìm cách giành địa vị đặc biệt cho những nhóm người cụ thể
nào đó. Nhưng tất cả các đảng này đều phải công nhận (ít nhất là tạm
thời, cho đến khi họ giành được chiến thắng) và chỉ sử dụng trí tuệ, tức
là thứ vũ khí được chủ nghĩa tự do coi là thứ vũ khí hợp pháp duy nhất
trong những cuộc đấu tranh như thế. Tất cả các đảng phái đều phải công
nhận nguyên tắc này, ngay cả khi đảng viên của những đảng phái bài tự do
(những người xã hội chủ nghĩa và những người ủng hộ đặc quyền đặc lợi)
không công nhận triết lí của chủ nghĩa tự do. Một số người xã hội chủ
nghĩa “không tưởng tiền marxist” đã từng tranh đấu cho lí tưởng của chủ
nghĩa xã hội trong khuôn khổ của chủ nghĩa tự do, trong thời kì vàng son
của chủ nghĩa tự do ở Tây Âu, ngay cả giới tăng lữ và tầng lớp quí tộc
cũng đã tìm cách giành mục tiêu của mình trong khuôn khổ của nhà nước
lập hiến hiện đại.
Nhưng những đảng phái mà chúng
ta đang thấy hiện nay lại là những đảng phái hoàn toàn khác. Chắc chắn
là một phần cương lĩnh của các đảng phái đó có nói đến toàn thể xã hội
và có nói đến vấn đề hợp tác xã hội. Nhưng đấy chỉ là sự nhượng bộ đối
với hệ tư tưởng tự do mà thôi. Nhưng điều các đảng phái này nhắm đến
trên thực tế lại nằm trong phần khác của cương lĩnh, đấy cũng là phần mà
họ thực sự quan tâm và đấy cũng là phần mâu thuẫn hoàn toàn với phần
nói về sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Các đảng chính trị hiện nay
là những người ủng hộ không chỉ một số trật tự cũ, họ muốn giữ nguyên và
mở rộng những đặc quyền đặc lợi truyền thống mà chủ nghĩa tự do, vì
chưa giành được chiến tằng hoàn toàn, vẫn để cho họ giữ. Một số đảng còn
hoạt động cho quyền lợi của những nhóm người muốn giành được địa vị đặc
biệt, nghĩa là địa vị của những đẳng cấp trong xã hội. Chủ nghĩa tự do
hướng tới tất cả mọi người và đưa ra cương lĩnh phù hợp với tất cả mọi
người. Nó không hứa hẹn đặc quyền đặc lợi cho bất kì ai. Chủ nghĩa tự do
kêu gọi mọi người từ bỏ việc theo đuổi quyền lợi đặc biệt chỉ dành cho
mình và phe nhóm của mình, thậm chí nó còn đòi hỏi người ta phải hi
sinh, dĩ nhiên đấy chỉ là những hi sinh tạm thời, kể cả hi sinh những
lợi ích nhỏ để đạt được những lợi ích lớn hơn. Nhưng các đảng tranh
giành quyền lợi đặc biệt cho phe nhóm của mình lại chỉ hướng đến một
phần của xã hội. Họ hứa với cái phần xã hội mà họ có ý định giúp đỡ đặc
quyền đặc lợi bằng cách buộc phần còn lại phải hi sinh quyền lợi của
chính mình. Tất cả các đảng phái chính trị hiện nay và tất cả các hệ tư
tưởng của các đảng hiện đại đều là những người dẫn đường cho quyền lợi
của những nhóm lợi ích, tức là những nhóm đấu tranh chống lại chủ nghĩa
tự do nhằm giành địa vị đặc quyền đặc lợi.
Trước khi chủ nghĩa tụ do xuất
hiện, dĩ nhiên là đã có các chế độ đặc quyền đặc lợi và những vụ xung
đột giữa các chế độ đó với nhau, nhưng lúc đó hệ tư tưởng của xã hội
đẳng cấp còn có thể nói một cách không úp mở và không hề bối rối chút
nào. Trong những cuộc xung đột giữa những người ủng hộ và người chống
đặc quyền đặc lợi thời đó không hề xuất hiện câu hỏi về tính chất phản
xã hội của toàn bộ hệ thống và không cần phải giả đò rằng hệ thống đó
vẫn có cơ sở xã hội của nó. Vì vậy mà không thể so sánh trực tiếp giữa
chế độ đặc quyền đặc lợi cũ với hoạt động và tuyên truyền của các đảng
phái đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi hiện nay.
Muốn hiểu được bản chất thật sự
của các đảng phái này, ta phải luôn luôn nhớ rằng khởi kì thuỷ các đảng
phái này được hình thành nhằm chống lại học thuyết của chủ nghĩa tự do
và bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người nào đó. Khác với học
thuyết của chủ nghĩa tự do, học thuyết của các đảng phái này không phải
là việc áp dụng trong lĩnh vực chính trị lí thuyết xã hội bao trùm và đã
được suy nghĩ một cách thấu đáo. Hệ tư tưởng chính trị của chủ nghĩa tự
do có xuất xứ từ hệ tư tưởng nền tảng, khởi kì thuỷ được phát triển như
là một lí thuyết khoa học mà không ai nghĩ đến ý nghĩa chính trị của
nó. Ngược lại, ngay từ khởi thuỷ đặc, quyền đặc lợi mà các đảng phái bài
tự do tìm kiếm đã tồn tại trong các định chế xã hội hiện hành, việc
soạn thảo hệ tư tưởng là chỉ để nhằm biện hộ cho những đặc quyền đặc lợi
như vậy mà thôi, nhiệm vụ này được coi là có thể giải quyết một cách dễ
dàng, chỉ cần trình bày trong mấy dòng là xong. Các nhóm điền chủ nghĩ
rằng cần phải chỉ ra sự cần thiết của sản xuất nông nghiệp. Các nghiệp
đoàn thì nói tới vai trò của người lao động. Các đảng phái của giai cấp
trung lưu thì nói tới vai trò quan trọng của giai tầng xã hội “không
thái quá cũng không bất cập”. Dường như họ không hề quan tâm đến việc là
những lời kêu gọi như thế không hề chứng minh được rằng những đặc quyền
đặc lợi mà họ muốn giành có cần thiết hay có ích đối với toàn thể xã
hội hay không. Những nhóm người mà họ muốn lôi kéo bao giờ cũng sẵn sàng
đi theo họ, còn những cố gắng nhằm lôi kéo người của những nhóm khác sẽ
chắc chắn thất bại.
Như thế nghĩa là tất các các
đảng phái thời hiện đại ủng hộ cho đặc quyền đặc lợi, dù mục đích của họ
có khác nhau đến đâu hoặc họ có chống báng nhau đến đâu, đã lập thành
một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa tự do.
Về lâu dài, nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cho rằng quyền lợi của mọi
người, được hiểu một cách đúng đắn, đối với họ cũng chẳng khác gì miếng
vải đỏ vẫy trước mặt con bò tót vậy. Họ cho rằng xung đột quyền lợi là
không thể tránh được, xung đột chỉ có thể được giải quyết khi một bên
chiến thắng các bên còn lại và giành được lợi trong khi phía thua phải
chịu thiệt thòi. Các đảng phái này khẳng định rằng chủ nghĩa tự do không
phải như là nó đang tự nói về mình. Đấy chính là cương lĩnh của cái
đảng đang tìm cách bảo vệ đặc quyền đặc lợi của một nhóm người, mà cụ
thể là của giai cấp tư sản, tức là bọn tư bản và doanh nhân.
Luận điệu này là một phần của
chính sách tuyên truyền của chủ nghĩa Marx và là đóng góp quan trọng cho
thành công của chủ nghĩa này. Nếu coi học thuyết về xung đột quyền lợi
giữa các giai cấp trong xã hội dựa trên tư hữu về tư liệu sản xuất là
không thể nào tránh được là tín điều quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx
thì tất cả các đảng phái đang hoạt động ở châu Âu đều là Marxist cả. Học
thuyết về mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp và xung đột giai cấp
còn được các đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa chấp nhận, đấy là nói
khi họ còn chấp nhận quan điểm cho rằng những mâu thuẫn đối kháng như
thế đang hiện diện trong xã hội tư bản và những cuộc xung đột do chúng
tạo ra sẽ phải diễn ra một cách tự nhiên. Họ chỉ khác các đảng marxist ở
chỗ họ muốn tránh cuộc xung đột giai cấp bằng cách trở về với xã hội
đẳng cấp, được xây dựng theo đề xuất của họ và đẩy cuộc chiến lên vũ đài
quốc tế, họ tin rằng nó sẽ phải diễn ra ở đấy. Họ không phản bác khẳng
định cho rằng những cuộc xung đột như thế sẽ phải xảy ra trong xã hội
dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Họ chỉ nói rằng không được để
cho những mâu thuẫn đối kháng như thế xuất hiện và họ muốn dùng sự can
thiệp của chính phủ nhằm quản lí và điều tiết sở hữu tư nhân nhằm loại
bỏ những mâu thuẫn đối kháng như thế. Họ muốn chủ nghĩa can thiệp thế
chỗ cho chủ nghĩa tư bản. Nhưng cuối cùng thì cũng chẳng khác gì những
người marxist hết. Họ cũng hứa sẽ đưa thế giới đến một chế độ xã hội
mới, nơi không còn giai cấp, không còn đối kháng giai cấp, không còn
xung đột giai cấp nữa
Muốn hiểu được ý nghĩa của học
thuyết về đấu tranh giai cấp ta phải luôn nhớ rằng nó chống lại học
thuyết của chủ nghĩa tự do về sự hài hoà của những quyền lợi, được hiểu
một cách đúng đắn, của tất cả các thành viên của xã hội tự do được xây
dựng trên nguyên tắc sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Người theo phái tự
do khẳng định rằng cùng với việc loại bỏ tất cả những sự phân biệt mang
tính giả tạo giữa các giai tầng, cùng với việc loại bỏ mọi đặc quyền
đặc lợi và tạo được sự bình đẳng trước pháp luật thì sẽ không còn gì
ngăn trở sự hợp tác hoà bình giữa tất cả các thành viên của xã hội nữa
vì lúc đó quyền lợi lâu dài và được hiểu một cách đúng đắn của tất cả
mọi người sẽ trùng hợp với nhau.
Tất cả những lời phản đối mà
những người ủng hộ chủ nghĩa phong kiến, ủng hộ đặc quyền đặc lợi, tìm
cách đưa ra nhằm chống lại học thuyết này đã nhanh chóng trở thành phi
lí và chẳng được mấy người ủng hộ. Nhưng trong hệ thống “hành vi kinh
tế” (lựa chọn dịch thuật thuật ngữ catallactics - bộ môn nghiên cứu hành
vi kinh tế của con người, cũng tức là nghiên cứu việc hình thành giá cả
từ những hoạt động trao đổi của con người - ND) của Ricardo người ta có
thể thấy xuất phát điểm của lí thuyết mới về xung đột quyền lợi trong
lòng xã hội tư bản. Ricardo tin là có thể chứng minh được rằng trong quá
trình phát triển kinh tế sẽ diển ra sự thay đổi trong quan hệ giữa ba
hình thức thu nhập, mà cụ thể là giữa lợi tức, địa tô và đồng lương.
Chính điều đó đã buộc những người cầm bút ở Anh trong các thập kỉ ba
mươi và bốn mươi của thế kỉ XIX phải nói đến ba giai cấp là tư sản, địa
chủ và lao động ăn lương và khẳng định giữa các giai cấp này tồn tại mâu
thuẫn đối kháng không thể nào dung hoà nổi. Tư tưởng này sau đó đã được
Marx tiếp thu một cách trọn vẹn.
Trong Tuyên ngôn của đảng cộng
sản, Marx còn chưa nói đến sự khác biệt giữa đẳng cấp và giai cấp. Mãi
sau này, tức là sau khi làm quen với những tác phẩm đã bị người đời quên
lãng, được chấp bút hồi những năm 20 và 30 của thế kỉ XIX, và do ảnh
hưởng của họ mà ông bắt đầu nghiên cứu Ricardo, Marx mới nhận thức được
rằng vấn đề là phải chứng minh rằng ngay cả trong xã hội không còn phân
biệt đẳng cấp và không còn đặc quyền mang tính đẳng cấp thì vẫn tồn tại
những mâu thuẫn không thể dung hoà. Marx vạch ra mâu thuẫn đối kháng về
lợi ích như thế từ hệ thống của Ricardo, và vạch rõ ranh giới giữa ba
giai cấp: tư sản, địa chủ và công nhân. Nhưng như thế không có nghĩa là
lúc nào ông cũng bám chặt vào sự phân biệt kiểu đó. Đôi khi ông khẳng
định rằng chỉ có hai giai cấp là hữu sản và vô sản mà thôi, lúc khác ông
lại nói tới nhiều giai cấp hơn là hai hoặc ba giai cấp lớn. Nhưng cả
Marx lẫn những môn đồ của ông đều chưa bao giờ đưa ra định nghĩa về bản
chất của các giai cấp. Đáng chú ý là chương mang tên “Các giai cấp”
trong tập III tác phẩm Tư bản luận lại chấm dứt ngay chỉ sau có vài
dòng. Hơn một thế hệ đã đi qua - đấy là tính từ khi xuất hiện Tuyên ngôn
của đảng cộng sản, trong đó lần đầu tiên Marx đưa ra mâu thuẫn đối
kháng giữa các giai cấp và đấu tranh giai cấp - cho đến ngày Marx chết.
Trong thời gian đó Marx đã viết hết tập sách này đến tập sách khác,
nhưng ông vẫn không bao giờ giải thích “giai cấp” nghĩa là thế nào.Trong
việc xử lí vấn đề “giai cấp”, Marx không bao giờ vượt qua được khẳng
định đơn thuần của tín điều hay nói đúng hơn là một khẩu hiệu mà không
đưa ra bất kì chứng minh nào.
Muốn chứng minh rằng học thuyết
đấu tranh giai cấp là đúng người ta phải xác định hai sự kiện: một mặt,
các thành viên của mỗi giai cấp đều có quyền lợi như nhau và mặt khác,
giai cấp này được lợi thì giai cấp kia nhất định phải bị thiệt. Nhưng
điều này đã không bao giờ được chứng minh. Thậm chí người ta còn chưa
bao giờ định chứng minh nữa kia. Lí do chính là vì tất cả các “đồng chí
trong cùng giai cấp” đều nằm trong cùng “hoàn cảnh xã hội”, họ không có
cùng quyền lợi như nhau, đúng hơn là họ luôn cạnh tranh với nhau. Thí dụ
như người công nhân làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn mức
trung bình muốn loại bỏ những người cạnh tranh với mình vì những người
đó có thể kéo thu nhập của anh ta xuống mức trung bình của xã hội. Trong
hàng chục năm, khi học thuyết về tình đoàn kết quốc tế của giai cấp vô
sản được nhắc đi nhắc lại trong những tuyên ngôn dông dài của những kì
đại hội của các tổ chức marxist thì công nhân ở Mĩ và Australia lại đưa
ra những rào cản mạnh mẽ nhất nhằm ngăn chặn người nhập cư. Bằng cách
đưa ra hệ thống phức tạp những qui định vụn vặt, các công đoàn Anh đã
làm cho những người bên ngoài không thể thâm nhập được vào lĩnh vực lao
động của họ. Về lĩnh vực này, mọi người đều biết rõ, trong mấy năm qua
các đảng lao động trong mỗi nước đã làm được những việc gì. Dĩ nhiên là
có thể nói rằng đáng lẽ ra không nên làm như thế, công nhân phải làm
khác, rằng họ đã làm sai. Nhưng không thể phủ nhận là họ đã làm vì quyền
lợi của mình – ít nhất cũng là vì quyền lợi ngay tại thời điểm đó.
Chủ nghĩa tự do đã chứng minh
rằng trên thực thế, trong xã hội dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản
xuất, giữa các nhóm người và các giai tầng khác nhau không hề có mâu
thuẫn đối kháng về quyền lợi như dư luận xã hội thường nói. Khi đồng vốn
trong toàn xã hội tăng lên thì thu nhập của tư sản và địa chủ tăng lên
theo nghĩa tuyệt đối còn thu nhập của người lao động tăng lên cả theo
nghĩa tuyệt đối lẫn tương đối. Mọi sự thay đổi về thu nhập của những
nhóm người khác nhau – doanh nhân, tư sản, địa chủ và công nhân – bao
giờ cũng xảy ra cùng một lúc và theo cùng một hướng - phụ thuộc vào sự
thăng giáng của thị trường; khác nhau chỉ là tương quan giữa những phần
của toàn bộ sản phẩm xã hội mà họ được chia mà thôi. Chỉ có trong trường
hợp nắm độc quyền khai thác một số khoáng sản nào đó thì lợi ích của
địa chủ mới đối lập với lợi ích của những nhóm người khác. Lợi ích của
doanh nhân không bao giờ khác biệt với lợi ích của người tiêu thụ. Doanh
nhân càng thành công thì càng dễ dàng nắm bắt nhu cầu của người tiêu
dùng.
Xung đột lợi ích chỉ có thể xảy
ra khi quyền tự do sử dụng tư liệu sản xuất của chủ sở hữu bị chính sách
can thiệp của chính phủ hay của các lực lượng xã hội có sức mạnh cưỡng
chế ngăn cản mà thôi. Thí dụ như giá một loại hàng hoá nào đó có thể
tăng một cách giả tạo vì nhà nước áp dụng biểu thuế bảo hộ, hay lương
của một nhóm công nhân nào đó có thể tăng vì người ta không cho những
người cạnh tranh được làm công việc của họ. Ai cũng biết lí luận của
trường phái thương mại tự do áp dụng cho những trường hợp như thế này,
lí luận này chưa bị ai bác bỏ và thực ra là không thể nào bác bỏ được.
Dĩ nhiên là đặc quyền đặc lợi có thể làm lợi cho một nhóm người cụ thể
nào đó, chúng được hình thành là để cho nhóm người như thế, nhưng đấy là
nói khi các nhóm người khác không đòi được đặc quyền đặc lợi tương tự.
Nhưng không thể nào lừa dối được đa số dân chúng ý nghĩa thực sự của
những món đặc quyền đặc lợi, họ sẽ không tự nguyện chịu đựng mãi như thế
được. Nếu dùng vũ lực để buộc họ phải chấp nhận thì có nghĩa là khơi
mào cho bạo loạn – tóm lại, sẽ có rối loạn trong sự hợp tác một cách hoà
bình trong xã hội. Mà bảo vệ sự hợp tác hòa bình là quyền lợi của tất
cả mọi người. Có thể giải quyết vấn đề bằng cách làm cho đặc quyền đặc
lợi không phải là biệt lệ của một vài người, nhóm người hay giai tầng xã
hội mà là qui luật chung, thí dụ như áp dụng thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ
đa số các món hàng đang được bán trên thị trường trong nước hay sử dụng
những biện pháp tương tự nhằm ngăn chặn người mới, không cho họ thâm
nhập vào đa số các ngàng nghề hiện có. Nhưng lúc đó, lợi ích mà mỗi nhóm
nhận được sẽ bị triệt tiêu bởi những thiệt hại mà chắc chắn họ sẽ phải
gánh chịu và kết quả là mọi người đều bị thiệt hại vì những biện pháp
như thế đã làm cho năng suất lao động giảm đi.
Nếu người ta bác bỏ học thuyết
của chủ nghĩa tự do, nếu người ta chế giễu lí thuyết về “sự hài hoà lợi
ích của tất cà mọi người” đang còn gây tranh cãi, thì tư tưởng cho rằng
có thể có sự thống nhất lợi ích trong các nhóm nhỏ hơn, thí dụ như giữa
những người trong cùng một quốc gia (chống lại những quốc gia khác) hoặc
giữa những người trong cùng một “giai cấp” (chống lại những giai cấp
khác), được tất cả các trường phái bài tự do bảo vệ, cũng là tư tưởng
sai lầm. Muốn chứng minh được sự thống nhất như thế thì cần phải có
những lí lẽ đặc biệt, nhưng chưa thấy những lí lẽ như thế, thậm chí chưa
thấy người nào có ý định làm như thế hết. Tất cả những lí lẽ có thể
được đưa ra nhằm chứng minh cho sự thống nhất lợi ích của các thành viên
của bất kì nhóm người nào đều chứng minh nhiều hơn thế, mà cụ thể là sự
thống nhất một cách phổ quát lợi ích của tất cả mọi con dân của Thiên
Chúa. Những xung đột về lợi ích mà mới nhìn thì tưởng như không thể nào
giải quyết được lại có thể giải quyết được bằng cách coi tất cả nhân
loại là một cộng đồng thực chất là hài hoà và không có chỗ cho bất kì
mâu thuẫn đối kháng nào giữa các dân tộc, các giai cấp, các chủng tộc
..v.v…
Các đảng bài tự do tin rằng họ
không làm cái việc là chứng minh rằng có sự thống nhất lợi ích trong nội
bộ các dân tộc, các giai cấp, các sắc tộc ..v..v.. Trên thực tế họ chỉ
đề nghị thành viên của những nhóm người đó liên kết lại nhằm đấu tranh
với tất cả các nhóm khác mà thôi. Họ không khẳng định một sự kiện mà chỉ
đưa ra một yêu cầu khi nói đến sự thống nhất lợi ích trong nội bộ các
nhóm đó. Trên thực tế, họ không nói “Quyền lợi là thống nhất” mà họ nói
“Liên minh phối hợp hành động phải làm cho quyền lợi trở thành thống
nhất”.
Ngay từ khởi thuỷ, các đảng đòi
đặc quyền đặc lợi đã tuyên bố một cách thẳng thắn và hoàn toàn không úp
mở là chính sách của họ là đòi đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người cụ
thể nhất định. Các đảng nông nghiệp đòi đặt ra biểu thuế bảo hộ và những
mối lợi khác (trợ cấp) cho các điền chủ; đảng của các công chức nhà
nước đòi đặc quyền cho các quan chức; đảng của các khu vực thì đòi quyền
lợi đặc thù cho dân chúng sống trong khu vực của mình. Tất cả các đảng
phái này rõ ràng là chẳng đòi hỏi gì ngoài quyền lợi của một nhóm người
trong xã hội, mà không để ý đến toàn thể xã hội hay những nhóm người
khác, dù họ có làm nhẹ bớt hành vi của mình bằng cách tuyên bố rằng xã
hội chỉ thịnh vượng nếu lợi ích của ngành nông nghiệp, của các quan chức
..v.v.. được tôn trọng thì cũng thế mà thôi. Trên thực tế, sự quan tâm
của họ đối với một nhóm người duy nhất trong xã hội, hoạt động và cố
gắng của họ cho nhóm người đó càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Khi các phong trào bài tự do còn
ấu trĩ thì họ phải tỏ ra thận trọng trong những vấn đề như thế vì Thế
hệ những người được giáo dục trên tinh thần của triết lí tự do cho rằng
việc biện hộ cho đặc quyền đặc lợi của những nhóm ngưới khác nhau là
hành vi phản xã hội.
Những người tranh đấu cho đặc
quyền đặc lợi chỉ có thể tạo ra những đảng phái lớn bằng cách thành lập
một đơn vị tranh đấu từ những lực lượng kết hợp của những nhóm người mà
quyền lợi xung đột với nhau. Tuy nhiên, quyền lợi giành cho một nhóm cụ
thể chỉ có giá trị thực tiễn khi nó được giành cho một nhóm thiểu số và
không nhiều hơn đặc quyền giành cho nhóm khác. Nhưng nếu hoàn cảnh không
đặc biệt thuận lợi, thí dụ như hiện nay, khi việc lên án đặc quyền đặc
lợi của chủ nghĩa tự do vẫn còn giữ được một vài dấu tích ảnh hưởng mà
nó từng có trước đây, thì nhóm nhỏ đó không thể hi vọng đòi hỏi trở
thành giai cấp đặc quyền đặc lợi của nó so với tất cả các nhóm khác sẽ
trở thành hiện thực được. Vì vậy mà tất cả những người ủng hộ đặc quyền
đặc lợi đều tìm cách thành lập các đảng phái lớn, mà nòng cốt của nó lại
là những nhóm tương đối nhỏ, có quyền lợi khác nhau, mà thực ra là xung
đột với nhau. Nhưng cách tư duy dẫn các đảng nhỏ đến việc đưa ra và bảo
vệ những đặc quyền đặc lợi như thế làm cho mục tiêu của việc liên kết
một cách cởi mở các nhóm khác nhau trở thành hoàn toàn bất khả thi.
Không thể bảo một người đang đấu tranh giành vị trí đặc quyền đặc lợi
cho nhóm người của mình hay cho chính mình hi sinh, ngay cả hi sinh tạm
thời. Nếu người đó có thể hiểu được lí do của những hi sinh tạm thời thì
chắc chắn là anh ta đã suy nghĩ như những người theo phái tự do chứ
không phải như những người đang đòi hỏi đặc quyền đặc lợi nữa. Không ai
có thể công khai nói với anh ta rằng anh ta sẽ nhận được nhiều đặc quyền
đặc lợi hơn là đặc lợi mà anh ta mất cho người khác vì về lâu dài, ta
không thể dấu những câu chuyện hay bài viết như thế và những người khác
sẽ đòi nhiều quyền lợi hơn.
Như vậy nghĩa là những đảng ủng
hộ đặc quyền đặc lợi sẽ buộc phải thận trọng. Khi nói đến mục đích của
mình, họ sẽ phải dùng những ngôn từ mơ hồ nhằm che đậy bản chất của sự
việc. Những đảng theo đường lối bảo hộ nền sản xuất trong nước là thí dụ
điển hình của thói nước đôi như thế. Bao giờ họ cũng tìm cách trình bày
lợi ích của biểu thuế bảo hộ mà họ đưa ra là lợi ích của nhóm có đông
người hơn. Khi hiệp hội các nhà sản xuất ủng hộ biểu thuế bảo hộ thì
lãnh tụ các đảng thường tránh không nói rằng lợi ích của các nhóm riêng
biệt, thậm chí lợi ích của các công ty riêng lẻ cũng không bao giờ trùng
hợp và hài hoà với nhau. Người thợ dệt bị thiệt vì thuế nhập khẩu áp
dụng cho máy và sợi và chỉ ủng hộ phong trào bảo vệ sản xuất trong nước
với hi vọng rằng thuề nhập khẩu đánh trên vải vóc sẽ cao, đủ bù lại
những thiệt hai do thuế đánh vào những hàng hoá khác gây ra cho anh ta.
Người trồng cỏ đòi đánh thuế cỏ khô nhập khẩu, nhưng người chăn nuôi thì
chống lại; người trồng nho đòi đánh thuế rượu nho, điều này làm người
nông dân không trồng nho và người tiêu thụ ở thành phố bị thiệt. Thế mà
những người đòi đánh thuế nhằm bảo trợ nền sản xuất trong nước lại hành
động như một đảng duy nhất có chung một cương lĩnh vậy. Điều này chỉ có
thể xảy ra khi người ta dùng xảo thuật nhằm che dấu bản chất của sự
việc.
Cố gắng thành lập một đảng đấu
tranh giành đặc quyền đặc lợi trên cơ sở chia đều đặc quyền đặc lợi cho
đa số dân chúng là việc làm vô nghĩa. Đặc quyền đặc lợi giành cho số
đông sẽ không còn là đặc quyền đặc lợi nữa. Đất nước mà ngành sản xuất
chính là nông nghiệp, chuyên xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thì đảng
của những người nông dân, đòi đặc quyền đặc lợi cho nông dân sẽ chẳng
thể tồn tại được lâu. Họ sẽ đòi hỏi gì? Biểu thuế bảo trợ sẽ chẳng mang
lại lợi ích gì cho nông dân vì họ phải xuất khẩu, còn trợ giá cho đa số
người sản xuất thì bất khả thi vì thiểu số sẽ không thể nào cung cấp
được.
Mặt khác, nhóm thiểu số đòi hỏi
đặc quyền đặc lợi phải tạo ra ảo tưởng là tuyệt đại đa số dân chúng đứng
về phía họ. Khi các đảng nông dân trong các nước công nghiệp đưa ra
những đòi hỏi của mình thì bao giờ họ cũng gọi cả những người công nhân
không có ruộng đất, những người nông dân nghèo và những điền chủ nhỏ,
những người không hề quan tâm tới thuế bảo hộ sản phẩm nông nghiệp, là
“dân nông nghiệp”. Khi những đảng của giai cấp công nhân thay mặt một
nhóm công nhân nào đó đưa ra yêu sách thì bao giờ họ cũng nói về quảng
đại quần chúng công nhân và che dấu sự kiện là lợi ích của các đoàn viên
công đoàn trong những ngành sản xuất khác nhau không những khác nhau mà
còn đối kháng với nhau nữa và thậm chí lợi ích của những người làm
trong trong một ngành hoặc một công ty cũng xung đột với nhau nữa kia.
Đây là một trong hai nhược điểm
quan trọng nhất của tất cả các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi.
Một mặt, họ buộc phải dựa vào một nhóm nhỏ vì nếu dành cho đa số thì đặc
quyền đặc lợi sẽ không còn là đặc quyền đặc lợi nữa. Nhưng, mặt khác,
phải khoác chiêu bài là người bảo vệ và đại diện cho đa số thì họ mới hi
vọng thực hiện được đòi hỏi của mình. Sự kiện là một số đảng trong
những nước khác nhau đôi khi đã khắc phục được khó khăn này trong công
tác tuyên truyền của họ và đã thuyết phục được mỗi giai tầng xã hội hay
từng nhóm tin rằng họ sẽ nhận được những quyền lợi đặc biệt nếu đảng
chiến thắng, chỉ nói lên sự khéo léo về mặt chiến thuật và ngoại giao
của ban lãnh đạo đảng cũng như sự yếu kém trong đánh giá và sự non nớt
về chính trị của quần chúng cử tri mà thôi. Hoàn toàn không phải là giải
pháp của họ là khả thi. Dĩ nhiên là người ta đồng thời có thể hứa với
dân thành thị giá bánh mì rẻ và hứa với người làm ruộng giá bột mì cao,
nhưng không thể nào thực hiện cả hai lời hứa cùng một lúc được. Dễ dàng
hứa với nhóm người ủng hộ việc gia tăng một số khoản chi của chính phủ
mà không giảm chi một số khoản khác đồng thời lại hứa giảm thuế cho một
nhóm người khác, nhưng không thể thực hiện được cả hai lời hứa như thế
trong cùng một thời gian được. Chiến thuật của các đảng này được xây
dựng trên cơ sở chia xã hội thành người sản xuất và người tiêu dùng. Họ
lại thường lợi dụng việc thảo luận chính sách tài chính quốc gia nhằm
biện hộ cho những khoản chi tiêu mới từ ngân quĩ, mà không hề quan tâm
tới nguồn chi, đồng thời lại luôn luôn phàn nàn về gánh nặng thuế khoá.
Nhược điểm thứ hai là yêu sách
mà họ đòi cho mỗi nhóm người cụ thể là những yêu sách không có giới hạn.
Điều duy nhất làm cho họ phải tính toán là sự phản đối của phía bên
kia. Chiến thuật này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của những đảng đấu
tranh giành đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người nào đó. Song, những
đảng phái không có cương lĩnh rõ ràng mà chỉ muốn tạo ra xung đột nhằm
giành cho bằng được ước muốn không giới hạn về đặc quyền đặc lợi của một
nhóm người nhất định và làm thiệt hại cho những người khác, chắc chắn
sẽ gây ra nguy cơ phá hoại toàn bộ mọi hệ thống chính trị. Người ta càng
ngày càng nhận thức rõ điều đó và bắt đầu nói đến sự khủng hoảng của
nhà nước hiện đại và sự khủng hoảng của chế độ đại nghị. Nhưng trên thực
tế, đấy chính là sự khủng hoảng ý thức hệ của các đảng phái đấu tranh
giành đặc quyền đặc lợi hiện đại.
3. Sự khủng hoảng của chế độ đại nghị và ý tưởng về nghị viện đại diện cho các nhóm đặc biệt
Chế độ đại nghị, thể chế phát
triển một cách từ từ ở Anh và các nước thuộc địa của Anh từ thế kỉ XVII
và trên lục địa châu Âu sau khi lật đổ được Napoleon và những cuộc cách
mạng tháng 7 năm 1830 và tháng 2 năm 1848, cho rằng phải chấp nhận toàn
bộ hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Tất cả các nghị sĩ có trách nhiệm
quyết định cách thức cai trị đất nước đều phải tuyệt đối tin tưởng rằng
lợi ích được hiểu một cách đúng đắn của tất cả các nhóm người và của
từng thành viên trong xã hội là đồng nhất và mọi hình thức đặc quyền đặc
lợi dành cho các nhóm người và các giai cấp đều có hại cho lợi ích
chung và phải bị bãi bỏ. Tất cả các đảng phái trong quốc hội được quyền
thực hiện các chức năng mà hiến pháp hiện hành giao cho họ; đương nhiên
là về những vấn đề chính trị cụ thể, họ có thể giữ những quan điểm khác
nhau, nhưng họ phải coi mình là người đại diện cho toàn thể dân tộc chứ
không phải là đại diện cho một khu vực hay giai tầng nhất định nào. Vượt
lên trên tất cả những khác biệt về ý kiến, niềm tin rằng họ có cùng mục
đích và mục tiêu của họ là giống nhau phải giữ thế thượng phong, chỉ có
phương tiện để đạt mục đích là cần phải tranh luận mà thôi. Khoảng cách
giữa các đảng phái không phải là không thể vượt qua được, lợi ích của
họ cũng không xung đột đến mức họ phải sẵn sàng chiến đấu đến cùng, mặc
cho những đau khổ của dân chúng và sự tan hoang của đất nước. Quan điểm
về những chính sách cụ thể là sự khác biệt giữa các đảng với nhau. Vì
vậy mà chỉ có hai loại đảng: đảng đang cầm quyền và đảng muốn cầm quyền.
Ngay cả đảng đối lập cũng không tìm cách giành quyền lực nhằm thúc đẩy
những lợi ích cụ thể nào đó hay đưa người của mình vào những vị trí
quyền lực mà họ tìm cách giành quyền lực nhằm đưa những ý tưởng của mình
vào luật pháp và thực hiện chúng trong quá trình lãnh đạo đất nước. Chỉ
có như thế thì các nghị sĩ và chính phủ đại nghị mới trở thành hữu dụng
được.
Một thời những điều kiện như thế
từng tồn tại ở các nuớc Anglo-Saxon và hiện nay ở đấy cũng còn một vài
dấu tích như thế. Còn trên lục địa châu Âu thì ngay cả trong cái thời
được gọi là hoàng kim của chủ nghĩa tự do người ta cũng chỉ có thể nói
đến sự tiệm cận với những điều kiện như thế mà thôi. Trong hàng chục năm
qua, những cuộc họp của các cơ quan đại diện lại có vẻ như hoàn toàn
ngược lại. Có rất nhiều đảng, mỗi đảng lại chia ra thành các phe phái
khác nhau, những phe phái đó tạo thành mặt trận thống nhất nhằm chống
lại thế giới bên ngoài, nhưng trong nội bô thì họ lại chống báng lẫn
nhau cũng dữ dội như chống báng các đảng khác vậy. Mỗi một đảng và mỗi
phe phái đều coi mình là người bảo vệ duy nhất cho đặc quyền đặc lợi nào
đó và sẵn sàng chiến đấu bằng mọi giá cho đến thắng lợi cuối cùng. Nội
dung và bản chất chính sách của họ là đưa càng nhiều ngân quĩ vào “két”
của mình, giành được càng nhiều ưu tiên ưu đãi thông qua chính sách thuế
khoá, hạn chế nhập cư và những đặc quyền đặc lợi bằng cách hi sinh
quyền lợi của những người khác trong xã hội, thì càng tốt.
Về nguyên tắc, những yêu sách
như thế là vô giới hạn, không đảng nào có thể giành được tất cả các mục
tiêu mà họ đặt ra. Không thể nào tưởng tượng được là một lúc nào đó yêu
sách của đảng nông dân hay công nhân có thể được thực hiện một cách trọn
vẹn. Thế mà mỗi đảng lại cố tìm cách giành được mức độ ảnh hưởng đủ sức
giúp họ thoả mãn càng nhiều khát vọng thì càng tốt, trong khi đó họ lại
luôn luôn tỏ ra thận trọng để có thể biện hộ trước cử tri vì sao ước mơ
của họ lại không được thực hiện. Điều này chỉ có thể thực hiện được
bằng cách làm như đảng của họ đang ở thế đối lập dù trên thực tế đảng
đang nắm quyền hoặc bằng cách đổ vấy cho những lực lượng mà nó không
điều khiển được: nhà vua (nếu đấy là nhà nước quân chủ); nước ngoài
..v.v.. Đảng Bolshevik không thể làm cho nhân dân Nga hạnh phúc, những
người xã hội chủ nghĩa Áo cũng không làm được như thế vì bị “chủ nghĩa
tư bản phương Tây” ngăn cản. Các đảng bài tự do đã cầm quyền ở Đức và Áo
trong vòng hơn năm mươi năm qua thế mà trong những bản tuyên ngôn và
tuyên bố công khai, thậm chí trong những tác phẩm chứng minh rằng họ là
những người bảo vệ mang tinh thần “khoa học” của họ, ta vẫn thấy họ bảo
rằng tất cả những điều xấu xa hiện nay đều là do ảnh hưởng của những
nguyên lí tự do mà ra.
Quốc hội chỉ gồm những người ủng
hộ các đảng bài tự do, đại diện cho đặc quyền đặc lợi, không thể thực
hiện được công việc của mình và về lâu dài nhất định sẽ làm cho tất cả
mọi người đều thất vọng. Đấy chính là điều mọi người đã và đang nghĩ tới
khi họ nói về sự khủng hoảng của chế độ đại nghị.
Để giải quyết vấn đề này, một số
người cho rằng cần phải bãi bỏ nền dân chủ và chế độ đại nghị và thiết
lập chế độ độc tài. Chúng tôi không muốn thảo luận những luận cứ chống
lại chế độ độc tài. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này một cách kĩ lưỡng
rồi.
Đề nghị thứ hai nhằm sửa chữa
những khuyết tật của quốc hội, do tất cả các công dân bầu ra, bằng cách
bổ sung thêm hay thay thế toàn bộ bằng những đại biểu do các công ty độc
lập hoặc các phường hội đại diện cho các ngành công nghiệp và thương
mại khác nhau cũng như các nghề nghiệp khác nhau bầu ra. Người ta nói
rằng đại biểu quốc hội thường thiếu khách quan và không có kiến thức
kinh tế. Thế mà chính sách kinh tế lại quan trọng hơn là chính sách nói
chung. Đại diện của các ngành công nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp sẽ
dễ dàng đồng ý với nhau về những vấn đề mà những đại biểu được bầu theo
khu vực địa lí không thể nào hiểu được hoặc chỉ hiểu sau khi sự kiện đã
xảy ra khá lâu rồi.
Nói về quốc hội chỉ gồm những
đại biểu đại diện cho những hiệp hội nghề nghiệp khác nhau thì vấn đề
quan trọng nhất phải làm rõ là thủ tục bỏ phiếu sẽ như thế nào hay nếu
mỗi đại biểu đều có một phiếu thì mỗi hiệp hội phải có bao nhiêu đại
biểu. Vấn đề này phải được giải quyết trước khi quốc hội họp, nhưng vì
vấn đề này đã được giải quyết rồi nên không cần lo lắng đến việc triệu
tập quốc hội nữa vì kết quả của việc bỏ phiếu đã được quyết định từ
trước. Chắc chắn là còn câu hỏi: sau khi phân chia ngôi thứ, các hiệp
hội có thể giữ vững được quyền lực của mình hay không? Nó sẽ chẳng bao
giờ - xin chớ ảo tưởng về vấn đề này - được đa số dân chúng chấp nhận.
Muốn tạo ra cơ quan đại diện được đa số chấp nhận thì không cần phải có
quốc hội phân chia theo nghề nghiệp. Tất cả phụ thuộc vào việc là liệu
sự bất bình với chính sách mà các đại biểu của các hiệp hội thông qua có
đủ sức dẫn tới việc lật đổ toàn bộ hệ thống bằng vũ lực hay không. Trái
ngược với hệ thống dân chủ, hệ thống này không bảo đảm rằng thay đổi
chính sách mà đa số dân chúng mong muốn sẽ được thực hiện. Nói như thế
nghĩa là chúng tôi đã nói tất cả những điều cần phải nói nhằm chống lại ý
tưởng hình thành quốc hội trên cơ sở đại diện theo nghể nghiệp. Người
theo trường phái tự do coi những hệ thống không loại bỏ được sự gián
đoạn mang tính bạo lực của sự phát triển xã hội một cách hoà bình đều là
những việc không đáng thảo luận cả.
Nhiều người ủng hộ ý tưởng thành
lập quốc hội bao gồm những người đại diện cho các hiệp hội nghề nghiệp
nghĩ rằng không được giải quyết xung đột bằng cách buộc phe phái này
phải khuất phục phe phái kia mà bằng cách cùng điều chỉnh các khác biệt.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đảng phái không thể thoả thuận được
với nhau? Thoả hiệp sẽ chỉ xảy ra khi nguy cơ của giải pháp không hay
buộc từng đảng phải tiếp tục thảo luận nhằm đạt cho bằng được một sự
nhượng bộ nào đó. Không ai cản trở các đảng phái khác nhau thoả thuận
ngay cả khi các đại biểu được toàn dân trực tiếp bầu ra. Cũng không ai
có thể buộc các đại biểu quốc hội do các hiệp hội nghề nghiệp bầu ra
phải thoả hiệp với nhau.
Như thế nghĩa là, quốc hội gồm
những người như thế không thể hoạt động như là cơ quan dân cử trong chế
độ dân chủ. Đấy không phải là nơi các quan điểm chính trị khác nhau được
đem ra thảo luận và điều chính một cách hoà bình. Nó cũng không thể
ngăn chặn được sự gián đoạn mang tính bạo lực của sự phát triển hoà bình
do những cuộc bạo loạn, cách mạng và nội chiến gây ra. Vì những quyết
định quan trọng nhất, những quyết định định đoạt việc phân chia quyền
lực trong quốc gia, không được đưa ra các viện quốc hội và trong các
cuộc bầu cử xác định thành phần của các viện đó. Nhân tố quyết định việc
phân chia quyền lực là tương quan lực lượng đã được hiến pháp qui định
cho mỗi hiệp hội trong việc hình thành chính sách công. Nhưng vấn đề này
lại được giải quyết ở bên ngoài các viện của quốc hội và không liên
quan gì tới những cuộc bầu cử thành viên nghị viện. Vì vậy mà sẽ đúng
hơn nếu ta không áp dụng từ “quốc hội” cho hội đồng gồm toàn đại diện
của các hiệp hội được tổ chức theo nghề nghiệp.
Thuật ngữ chính trị hình thành
trong hai thế kỉ qua đã tạo ra sự phân biệt rõ rệt giữa quốc hội và hội
đồng kiểu như thế. Ta phải phân biệt rõ như thế nếu không muốn làm rối
tất cả các khái niệm của khoa chính trị học.
Sidney
và Beatrice Webb cũng như nhiều người xã hội chủ nghĩa hoạt động trong
các hiệp hội và phong trào công đoàn đi theo những kiến nghị mà những
người ủng hộ việc cải cách thượng viện ở lục địa châu Âu trước đây đã
làm, đề nghị giữ nguyên hệ thống hai viện. Một viện do toàn dân bầu, còn
thành viên viện kia được bầu từ các khu vực bầu cử theo nghề nghiệp.
Nhưng rõ ràng là đề nghị này
cũng không thể sửa chữa được những khiếm khuyết của hệ thống đại diện
theo nghề nghiệp. Trên thực tế, hệ thống hai viện chỉ có thể hoạt động
nếu một viện chiếm ưu thế hơn và có thể áp đặt vô điều kiện ý chí của
mình cho viện kia, hay khi hai viện có những quan điểm khác nhau về vấn
đề nào đó thì người ta phải cố gắng đạt chobằng được giải pháp thoả
hiệp. Nếu không có những cố gắng như thế thì xung đột sẽ phải được giải
quyết bên ngoài các viện của quốc hội, biện pháp cuối cùng sẽ là vũ lực.
Dù có vặn vẹo vấn đề thế nào đi nữa thì cuối cùng người ta cũng phải
quay về với những khó khăn không thể nào vượt qua được. Đấy chính là trở
ngại mà tất cả những đề nghị tương tự sẽ gặp, dù chúng có được gọi là
chủ nghĩa xã hội phường hội hay chủ nghĩa nghiệp đoàn thì cũng thế mà
thôi. Cuối cùng người ta sẽ thấy sự thiếu thực tiễn của những sơ đồ kiểu
này khi họ chấp nhận những đề xuất cải tiến phi lí thí dụ như thành lập
các hội đồng kinh tế với chức năng cố vấn.
Những người ủng hội ý tưởng
thành lập hội đồng gồm toàn đại diện của các hiệp hội đã lầm lẫn nghiêm
trọng khi cho rằng có thể giải quyết những mâu thuẫn đối kháng đang xâu
xé sự thống nhất của quốc gia bằng cách chia dân chúng và hội đồng dân
tộc theo nghề nghiệp. Vá víu hiến pháp không phải là biện pháp giải
quyết. Chỉ có hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do mới giải quyết được những
mâu thuẫn đối kháng như thế mà thôi.
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét