Trong suốt cuốn sách, người đọc được hai tác giả Saul Singer và Dan Senor cung cấp nhiều thông tin hay, như: “Israel – một quốc gia chỉ với 7,1 triệu người - lại thu hút gần 2 tỷ USD tiền đầu tư mạo hiểm (số liệu năm 2008), bằng với nguồn đầu tư chảy vào Vương quốc Anh với 61 triệu dân, hay 145 triệu người của cả Đức lẫn Pháp kết hợp lại”, hoặc nói về quân đội Israel: “Nếu là một sĩ quan cấp thấp, bạn được phép gọi chỉ huy mình bằng tên, và nếu thấy họ làm sai, bạn cứ việc vạch ra”.
Thế mà điều này lại là sự thật. Và càng ngạc nhiên khi sự tăng trưởng kinh tế của Israel còn diễn ra ngay giữa những lúc nước sôi lửa bỏng nhất của họa chiến tranh. Trong vòng sáu năm kể từ năm 2000, Israel đã “bị chấn động không chỉ bởi bong bóng làng công nghệ vỡ, mà còn bởi thời kỳ căng thẳng tồi tệ nhất gây ra bởi những cuộc tấn công khủng bố cũng như cuộc chiến Libăng lần hai”.
Thế nhưng, thị phần của Israel trên thị trường vốn đầu tư mạo hiểm quốc tế trong thời gian này không những không giảm mà còn tăng… gấp đôi. Từ 15% lên thành 31%. Nghe thì khó tin nhưng lại là sự thật. Hai tác giả giải thích, điều này có được nhờ người Israel vẫn ngày ngày đi làm, bất chấp những trận mưa tên lửa của Hezbollah có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào.
Một năm trước khi quyển Quốc gia khởi nghiệp được xuất bản lần đầu tại Mỹ vào tháng 11/2009, Intel đã cho ra mắt nhà máy sản xuất vi xử lý công nghệ 45 nanomet trị giá 3,5 tỷ USD ở Kiryat Gat, Israel. Tại sao Intel lại chọn Israel mà không phải nơi nào khác? Bởi vì chính người Israel, chứ không phải ai khác, đã đóng góp rất lớn vào thành công của Intel, thể hiện qua những dòng sản phẩm thành công của Intel được thị trường đón nhận. Họ làm điều đó không chỉ bằng óc sáng tạo bẩm sinh, mà còn nhờ thái độ “thách thức cấp trên” (tiếng Hebrew: chutzpah) của nhóm thiết kế Israel tại Haifa.
Khó có thể tin được một nhóm kỹ sư lại kiên trì “bay qua bay lại như con thoi giữa đại bản doanh Intel ở Santa Clara, Mỹ và Israel” chỉ để thuyết phục ban lãnh đạo Intel làm theo ý mình. Và họ đã thành công. Không phải tự nhiên mà Mooly Eden, giám đốc Intel Israel đã thẳng thắn thừa nhận “Israel không có nền văn hóa quá phụ thuộc nguyên tắc”, rằng từ “ngày đầu tiên lập quốc”, người Israel đã “được dạy phải thách thức sự hiển nhiên, phải hỏi, phải tranh cãi về mọi thứ”. Thật vậy, có nước nào trên thế giới lại có nhân viên tỏ đặt câu hỏi với cấp trên rằng “tại sao ông là sếp của tôi, mà tôi không phải sếp của ông” như Israel?
Thứ thái độ tỏ ra không thể chấp nhận này, hóa ra lại là chất xúc tác để giúp người Israel đạt được những kỳ tích về kinh tế, quân sự và khoa học trong 60 năm qua. Câu chuyện về nhà máy Intel Israel chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong tập hợp những sự kiện được kể và phân tích trong Quốc gia khởi nghiệp của hai tác giả Dan Senor và Saul Singer, nhằm làm rõ cho câu hỏi “làm thế nào” mỗi khi nhắc đến sự thần kỳ của nền kinh tế Israel.
Quốc gia khởi nghiệp cung cấp cho người đọc những mẩu chuyện mang tính giai thoại lý thú. Như chuyện về Shai Agassi, con trai một người Iraq di cư đến Israel, với cuộc cách tân về xe hơi chạy bằng điện. Sách không tìm cách “tra tấn” độc giả bằng những phân tích số liệu nặng tính chuyên môn.
Việc tìm lời giải thích cho lý do làm thế nào Israel - quốc gia nhỏ bé với dân số hầu hết là người tị nạn sau Thế chiến thứ hai - là điều không dễ dàng, nhất là chỉ với một cuốn sách. Đất nước này liên tục bị chiến tranh dày vò, từng được văn hào Mỹ Mark Twain miêu tả là “một xứ sở tiêu điều… một dải đất thê lương và câm lặng” nhưng hiện nay lại trở thành một trong những vườm ươm công nghệ năng động và phát triển bậc nhất thế giới. Điều mà Quốc gia khởi nghiệp đã làm được là giúp hiển lộ rõ vùng sáng tiêu biểu nhất cho thành công ấy.
Theo VNEXPRESS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét