Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Iraq: Thế “chân vạc”, hay sự hỗn loạn

iraq_1

Phúc Bình

Các nguồn tin khu vực ngày 11/7 cho biết, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL), đã sử dụng các loại vũ khí chiếm được gần đây ở Iraq, để tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các khu vực người Kurk ở phía Bắc của Syria.
Quân chính phủ cũng mở các cuộc tấc công vào ISIL. Trong khi đó tranh thủ cơ hội “ngàn năm có một”, người Kurd đang xúc tiến chuẩn bị cho thành lập nhà nước Kurdistan.
Thế chân vạc đang dần được xác lập ở Iraq. Nó có thành hiện thực hay không không chỉ phụ thuộc vào ý chí của những người trong cuộc. và sự tác động lớn từ bên ngoài. Dấu hiệu của một “Tam quốc” thời hiện đại đang rõ dần.

Thế chân vạc đang dần hình thành
Các phiến quân của ISIL hiện đang nắm giữ một số lượng lớn các loại vũ khí do các binh sỹ quân đội Iraq bỏ lại sau các cuộc giao tranh, bao gồm cả xe bọc thép Humvee do Mỹ chế tạo và các loại pháo. Phiến quân ISIL đang cố gắng chiếm giữ một khu vực gần biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Kobani.
Các cuộc giao tranh giữa các phiến quân ISIL với các lực lượng người Kurk nổ ra từ hôm 9/7, và kéo dài tới ngày hôm sau, khiến hàng chục tay súng thuộc cả hai bên thiệt mạng.
Trong khi hai bên đang giằng co ở Kobani, tại các khu vực khác, ngày 11/7, phe người Kurd ở Iraq đã tuyên bố kiểm soát các mỏ dầu tranh chấp ở miền Bắc. Động thái này đã bị Baghdad lên án mạnh mẽ trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 bên đang ở mức rất thấp.
Tuyên bố của chính quyền khu tự trị trên cho biết: “Thành viên của Chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) và Lực lượng Bảo vệ Dầu mỏ Kirkuk đã tới bảo vệ các mỏ dầu Bai Hassan và khu vực Makhmour”.
Thế chân vạc ở Iraq ngày càng rõ hơn,, khi vai trò của chính quyền trung ương ngày càng mờ nhạt. Theo các nguồn tin khu vực, ngày 9/7, Liên minh các bộ tộc cách mạng Iraq – lực lượng mới đây tuyên bố bác bỏ chính quyền trung ương Baghdad, và ý định tiến về thủ đô nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Nuri Al-Maliki, khẳng định sẵn sàng ủng hộ “Vương quốc Hồi giáo” do Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) thành lập, nếu nhóm phiến quân này lật đổ được chính phủ của ông Maliki.
Đây là động thái rõ ràng nhất thể hiện sự phối hợp giữa ISIL, và các bộ tộc Arập người Sunni chống chính quyền Maliki, vốn từng lên tiếng bác bỏ mọi sự dính líu đến nhóm phiến quân Hồi giáo này.
Phát ngôn viên của Liên minh các bộ tộc bộ lạc cách mạng Iraq Sheikh Abdul Sattar Raad Suleiman, thành viên cao cấp của bộ lạc Dulaim với hơn 3 triệu thành viên cho biết, nếu ISIL giải phóng được Iraq và đánh đuổi người Iran vốn đang hậu thuẫn cho chính phủ của ông Maliki, liên minh này sẽ ủng hộ “Vương quốc Hồi giáo”, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng là để “cứu Iraq khỏi người Iran”.
Theo ông Suleiman, “người dân Iraq sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ từ bất kỳ bên nào nhằm đánh bại thế lực đang cai trị Iraq. Người dân có thể lật đổ Maliki và chính quyền của ông ta, đồng thời thay đổi toàn bộ tiến trình chính trị tại Iraq”. Liên quan đến mối quan hệ giữa Liên minh các bộ tộc cách mạng Iraq với ISIL, ông Suleiman thừa nhận rằng “có sự phối hợp” giữa hai bên song cũng cho biết: “Sau khi lật đổ chính phủ, chúng tôi sẽ đảm trách an ninh trong các khu vực của mình. Mục tiêu lúc đó của chúng tôi là đánh đuổi bọn khủng bố”.
ISIL đẩy Iraq tới vực thẳm
Nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) còn khá mới mẻ trên chiến trường, nhưng nhà lãnh đạo bí mật của nhóm, Abu Bakr al-Baghdadi, đã nhanh chóng biến tổ chức này thành một trong số các nhóm khủng bố đáng sợ nhất. Tổ chức này đe dọa sẽ thay đổi hoàn toàn khu vực Trung Đông.

Sự tàn bạo của ISIL đang khiến thế giới kinh hãi, nhưng đó lại là "sức mạnh" để tổ chức này lớn mạnh
Sự tàn bạo của ISIL đang khiến thế giới kinh hãi, nhưng đó lại là “sức mạnh” để tổ chức này lớn mạnh
Một vị tướng tình báo của quân đội Iraq chỉ rõ: Nguy hiểm lớn nhất cảu Iraq không nằm ở miền Bắc, mà lại ở miền Nam và miền Tây, giữa các nông trại và kênh đào ở tỉnh Babil và giữa các cánh đồng và vườn cọ ở Anbar.
Những bước tiến của ISIL cũng châm ngòi cho sự hỗn loạn ở những nơi khác của đất nước: Vào ngày 10/6, các phần tử thánh chiến có vũ trang đã chiếm được thành phố Mosul và ngay ngày hôm sau tiến vào thành phố Tikrit, quê hương của Saddam Hussein. Có thời điểm, các chiến binh ISIL chỉ cách Baghdad có vài chục km.
Sự nổi lên của ISIL là quá nhanh chóng. Cách đây không lâu, ISIL mới chỉ là một trong số nhiều nhóm nổi dậy chiến đấu trong cuộc nội chiến tại Syria. Giờ đây, nhóm này đang lan truyền sự sợ hãi và bạo lực trên khắp 2 đất nước, tai tiếng của nhóm này và của vị thủ lĩnh bí ẩn Abu Bakr al-Baghdadi đang trải rộng toàn cầu.
Quả thực, một khu vực chiến đấu riêng hiện đã hợp nhất những khu vực rộng lớn của cả hai đất nước. Các phương tiện bọc thép mà chiến binh ISIL chiếm được tại Iraq đang được đưa tới Syria cho chiến sự tại đây và các phần tử thánh chiến người Iraq chiến đấu tại Syria đã quay trở lại quê hương.
Khu vực ISIL kiểm soát hiện là “một nhà nước trên thực tế”, theo lời của Douglas Ollivant thuộc Viện nghiên cứu New American Foundation có trụ sở tại Washington, D.C. Ông cho biết thêm: “Người ta có thể cho rằng ISIL giới thiệu một lò ấp cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế còn mạnh mẽ hơn cả Afghanistan thời kỳ trước vụ tấn công 11/9.
Tình báo Iraq cho biết, các phần tử khủng bố của Baghdadi muốn đưa chiến sự tới thủ đô. Nhưng ông nói rằng điều này sẽ không xảy ra, quân đội chính phủ đã có sẵn các phương án. Một nguồn tin cao cấp trong quân đội cũng nói rằng Iraq không hề đơn độc: “Chúng tôi sẽ nhận được sự trợ giúp từ Không quân Mỹ. Chúng tôi sẽ tấn công các phần tử khủng bố và tiêu diệt chúng. Và thế giới sẽ thấy và hiểu được rằng nước Mỹ đứng về phía chúng tôi. Baghdad vẫn an toàn”.
Rõ ràng, nhận định trên có vẻ không nhận được sự ủng hộ của cả người dân và chính giới. Nước Mỹ dường như không còn mặn mà với chính phủ Iraq. Hành động và tuyên bố của họ là không đủ quyết liệt, không đủ độ mạnh. Chưa có nhiều hành động thực tế của Mỹ. Vài trăm quân cũng chỉ là để thăm dò, trong khi Tổng thống Mỹ B.Obama thì khẳng định, Mỹ sẽ không tham chiến.
Tại miền Bắc Iraq, quân đội đã bỏ chạy trước các cuộc tấn công của ISIL và chính quốc gia này dường như đang trong quá trình tan rã.
Bản chất của xung đột: Sắc tộc
Xét cho cùng, cuộc xung đột này không chỉ đưa những người Hồi giáo chống lại nhà nước. Nó cũng là một cuộc chiến giữa người Shiite và Sunni. Người Shiite chiếm đa số tại Iraq, nhưng họ chỉ đại diện cho 15% người theo đạo Hồi trên toàn cầu. Trong khi đó, người Sunni tại Iraq lại cảm thấy thiệt thòi bởi chính phủ với đa số là người Shiite của Thủ tướng Nouri al-Maliki. Các chiến binh ISIL là người Sunni và nhóm này đã chứng tỏ rằng mình rất thành thạo trong việc lợi dụng sự oán giận của người Sunni tại Iraq để nhanh chóng lan tỏa.
Các chiến binh của Baghdadi nhận được sự ủng hộ của các lực lượng dân quân Sunni khác tại Iraq cũng như của các tộc trưởng địa phương và thậm chí của cả những người ủng hộ nhà độc tài Saddam Hussein. Con gái của Saddam Hussein, người đang sống lưu vong, đã viết trên trang Twitter của mình: “Bác Issat, cháu đang mong chờ được trở lại quê hương”. Người bác mộ đạo của cô, Issat Ibrahim al-Duri, từng là cấp phó của Saddam Hussein và hiện đang chiến đấu bên cạnh các tay súng ISIL.
Iraq đã trở nên dễ bị tổn thương hơn nhiều trong thời gian qua sau khi Mosul rơi vào tay ISIL. Người Shiite đang hoảng loạn và lo lắng về những địa điểm linh thiêng của họ ở Samarra, Karbala và Najaf, những nơi mà ISIL đã thề sẽ phá hủy. Nhiều người Sunni lo ngại rằng nỗi sợ hãi của người Shiite có thể dẫn tới các cuộc tấn công trả đũa và châm ngòi cho một cuộc nội chiến.
Trong khi đó, các lãnh đạo người Kurd nói rằng sự đoàn kết bên trong Iraq không còn có thể trụ vững được. Nechirvan Barzani, lãnh đạo Chính phủ Khu vực Kurdistan tại Đông Bắc Iraq, nói với kênh BBC: “Tôi không nghĩ Iraq có thể tiếp tục gắn kết như trước. Như tôi đã nói trước đó: Iraq trước Mosul và Iraq sau Mosul”.
Các cường quốc trong khu vực đang làm phức tạp thêm tình hình.
Iran, vốn ủng hộ người Shiite, đã đe dọa về một cuộc can thiệp quân sự vào giữa tháng 6. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia cảnh báo về “can thiệp của nước ngoài hay ý đồ bên ngoài” tại đất nước, cho dù ông không nhắc cụ thể tới Iran. Thêm vào đó, các doanh nhân Saudi Arabia và Qatar bị nghi ngờ đang hỗ trợ tài chính cho ISIL.
Nước Mỹ, quốc gia đã lật đổ Saddam Hussein vào năm 2003 và dành 8 năm tiếp theo cố gắng thiết lập hòa bình giữa các tín ngưỡng và tạo lập trật tự, đang đứng bên lề mà không thể giúp được gì. Đối với Tổng thống Barack Obama, cuộc nổi dậy hiện nay là một thảm họa. Ông trước hết được bầu lên dựa trên lời hứa sẽ nhanh chóng rút quân khỏi Iraq, một cam kết mà ông đã thực hiện được. Nhưng những rắc rối tại quốc gia này đang kéo ông quay trở lại.
Bước đi đầu tiên của Obama là gửi 300 cố vấn quân sự tới Iraq và các cơ quan tình báo Mỹ một lần nữa lại tập trung vào quốc gia này. Cho tới nay, Obama vẫn kiềm chế không cho phép tiến hành các cuộc không kích, phần lớn là do tình hình gây bối rối trên thực địa. Người ta vẫn chưa rõ chính xác ai đang chiến đấu cho ISIL và nhiều khả năng một số nhóm trước đây liên minh với Mỹ cũng nằm trong số ủng hộ ISIL. Các cuộc không kích trong một tình hình như vậy gần như chắc chắn sẽ dẫn tới số lượng đáng kể thương vong cho dân thường.
Ngay cả Tướng David Petraeus, cựu chỉ huy của quân đội Mỹ tại Iraq, đã cảnh báo rằng Mỹ không nên để bản thân bị lợi dụng như là lực lượng không quân của người Shiite trong một cuộc xung đột với người Sunni. Ông cho rằng các cuộc không kích chỉ nên nhắm tới “các yếu tố có giá trị cao của ISIL”.
Một yếu tố quan trọng trong sự bối rối là số lượng tương đối ít ỏi thông tin đáng tin cậy về ISIL và các mục tiêu của nhóm này. Ngay cả khi sự hỗn loạn – gợi nhớ tới chiến sự đã bùng nổ ở Iraq sau cuộc xâm lược của Mỹ – đang có nguy cơ kìm kẹp Iraq, người ta vẫn chưa rõ liệu các phần tử Hồi giáo cực đoan có ý định tấn công Baghdad hay không. Quả thực, cả các cơ quan tình báo phương Tây lẫn Thủ tướng Iraq Maliki đều không biết trước được về cuộc tấn công của ISIL vào tháng 6.
Thủ lĩnh của nhóm này, Abu Bakr al-Baghdadi, vẫn là một điều bí ẩn. Đối lập với bin Laden, người đôi khi xuất hiện trước công chúng, Baghdadi vẫn đứng ở hậu trường, tới mức hắn gần như đã trở thành một huyền thoại trong số những người ủng hộ. Đây là một chiến thuật mà dường như đang có hiệu quả: Ngay cả khi ISIL thu hút một số lượng ngày càng lớn các phần tử thánh chiến, phần lớn các chiến binh trẻ tuổi ít quan tâm tới lãnh đạo hiện nay của al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri. Al-Qaeda bị coi là quá cứng nhắc và phân cấp.
Chân dung thủ lĩnh ISIL
Ngay sau cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq, Baghdadi được cho là đã tham gia phong trào phản kháng. Vào tháng 2/2004, lực lượng bộ binh Mỹ đã bắt được hắn ở tỉnh Anbar và đưa hắn tới Trại Bucca, một nhà tù khét tiếng gần thành phố cảng Umm Qasr miền Nam Iraq. Trại giam ở sa mạc này được xây dựng để giam giữ 5.000 người, nhưng số lượng phạm nhân đã nhanh chóng tăng lên 9.000 và các điều kiện là rất khó khăn.
Vào cuối năm 2004, người Mỹ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng: Một ủy ban gồm các chuyên gia quân sự Mỹ đã cho thả Baghdadi vô điều kiện, như một người phát ngôn của Lầu Năm Góc đã khẳng định với tờ Der Spiegel.
Ngay sau đó, Baghdadi bắt đầu sự thăng tiến nhanh chóng của mình lên vị trí lãnh đạo các phần tử Hồi giáo hoạt động ngầm.
Chúng ta cần phải quay ngược lại thời gian hơn nữa để tìm kiếm nguồn gốc của ISIL, tới thời điểm trước cuộc xâm lược của Mỹ vào đầu năm 2003. Vào mùa Xuân năm đó, cựu tù nhân 36 tuổi và bỏ học giữa chừng Abu Mussab al-Zarqawi, bắt đầu lên đường tới Baghdad với tiền bạc, vũ khí và một tầm nhìn. Hắn có ý định thiết lập một nhà nước Hồi giáo Sunni trải dài từ Syria tới Vịnh Persian, và để thực hiện được điều này, hắn lên kế hoạch châm ngòi một cuộc chiến tôn giáo bằng cách tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo và đẫm máu chống lại người Shiite, hy vọng nó sẽ khuyến khích người Sunni đi theo phe của hắn và đẩy người Shiite phải sống lưu vong.
Phải 5 tháng sau khi Mỹ tiến vào Iraq, Zarqawi mới bắt đầu tấn công, tiến hành một loạt các vụ đánh bom kinh hoàng, bao gồm cả một vụ tấn công vào trụ sở của Liên hợp quốc tại Baghdad. Sau đó, hắn chuyển sự chú ý của mình sang người Shiite và những địa điểm linh thiêng của họ, đồng thời cũng thiết lập một liên minh với các lực lượng chống Mỹ và phát triển một mạng lưới vận chuyển vũ khí, tiền bạc và người ủng hộ từ Syria vào Iraq.
Tổ chức của Zarqawi bắt đầu mất ảnh hưởng một vài năm sau, khi người Mỹ bắt đầu thiết lập liên minh với các lực lượng dân quân bộ lạc Sunni. Nhưng tới thời điểm hắn chết, 3 năm sau khi lần đầu tiên tới Iraq, Zarqawi đã khởi động một tai họa lớn mà tiếp tục gây bất ổn ở khu vực Trung Đông cho tới tận ngày nay.
Zarqawi là một trong số những bậc tiền bối của Baghdadi, nhiều người tin rằng Baghdadi đã chiến đấu dưới trướng của Zarqawi. Hắn trở thành nhà lãnh đạo của tổ chức khủng bố này ngay trước khi cuộc nổi dậy tại Syria bắt đầu vào năm 2010, và sau khi nhóm này đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq.
Hiện nay, Baghdadi gần như đã đạt được giấc mơ của Zarqawi: sự loại bỏ trên thực tế biên giới giữa Iraq và Syria.
ISIL thuộc về thế hệ tiếp theo của “chủ nghĩa al-Qaeda”, như chuyên gia về khủng bố người Mỹ Bruce Riedel đã đặt tên như vậy. Chuyên gia Ollivant của quỹ New American Foundation nói rằng, ISIL là “ngôi sao” của phong trào Hồi giáo: “Nếu bạn là một thiếu niên 16 tuổi người Tunisia và muốn gia nhập phong trào thánh chiến, bạn có tham gia với Ayman al-Zawahiri ở Pakistan không? Không, bạn sẽ gia nhập ISIL ở Iraq”.
Nhưng Baghdadi và ISIL không bao giờ có thể trở nên hùng mạnh như thế nếu không có cuộc nội chiến tại Syria, và chúng đã nhận ra cơ hội mà cuộc chiến này mang lại. Vào năm 2012, Baghdadi đã gửi các chiến binh tới Syria để thiết lập một nhánh của al-Qaeda tại đó có tên là Jabhat al-Nusra. Vào thời điểm đó, hắn vẫn là một người ủng hộ Zawahiri.
Tuy nhiên, một năm sau, với việc Mặt trận al-Nusra trở nên hùng mạnh hơn, Baghdadi quyết định hợp nhất nhóm này vào nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq. Nhưng lãnh đạo người Syria của al-Nusra từ chối tham gia với Baghdadi, nhiều khả năng theo lệnh của al-Zawahiri, và việc này đã dẫn tới một mối bất hòa giữa Zawahiri và Baghdadi. Sau đó, vào tháng 4/2013, một tổ chức nổi dậy mới đã xuất hiện tại Syria, dường như từ trên trời rơi xuống. Nhóm này có tên là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL). Nhóm này nhanh chóng tạo ảnh hưởng đáng kể lên tiến trình của cuộc nội chiến Syria.
Sự nổi lên nhanh chóng của ISIL đã buộc phe đối lập Syria phải chiến đấu trên 2 mặt trận, với lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad và một bên là ISIL.
Xung đột giữa Baghdadi và Mặt trận al-Nusra về việc ai mới là “quốc vương” thật sự của “vương quốc Hồi giáo” mới dẫn tới việc hầu hết các phần tử thánh chiến người nước ngoài đều tham gia ISIL.
Một trong số các lý do chính là Baghdadi có khả năng trả lương lên tới vài trăm USD/tháng và cũng sở hữu nhiều vũ khí và phương tiện. Không ai biết chắc chắn ISIL có bao nhiêu chiến binh, với các ước tính ở mức từ 7.000 cho tới 15.000. Ban lãnh đạo người Iraq của ISIL, được cho chủ yếu bao gồm các cựu sĩ quan và những người trung thành từ đảng Baath của Saddam Hussein, cũng cẩn thận ẩn mình trong bóng tối. Nhiều chiến binh ISIL là người Iraq, nhưng nhiều người tin rằng tổ chức này có 3.000 lính từ nước ngoài. Nhiều người trong số đó đến từ các khu vực như Chechnya, nhưng cũng có khoảng 300 người đến từ Pháp.
Nhóm hồi giáo đa quốc gia
Các quan chức an ninh Đức tin rằng có tới vài chục phần tử Hồi giáo người Đức trong số các chiến binh của Baghdadi, cho dù người ta vẫn bàn cãi về số lượng chính xác người Đức đang chiến đấu tại Syria. 12 người đã được khẳng định là có mặt tại đó, cùng với thêm 60 tới 70 người nữa có thể đã thu được một số kinh nghiệm chiến đấu. Ở Iraq, các quan chức cho biết nhiều khả năng có một “nhóm” người Đức.

Trong quân số của ISIL có rất nhiều người từ TRung Đông, châu Âu, châu Phi...
Trong quân số của ISIL có rất nhiều người từ TRung Đông, châu Âu, châu Phi…
Có nhiều lý do giải thích cho sức hấp dẫn của ISIL, trong đó có việc tổ chức này chấp nhận cả nam giới chưa được huấn luyện quân sự. Họ được các quan chức tình báo Đức coi là “tân binh” và thường được sử dụng cho các vụ tấn công tự sát, nhưng cũng thực hiện cả các mưu đồ bắt cóc đòi tiền chuộc. Vào giữa tháng 6, nhóm này đã công bố một video được sản xuất chuyên nghiệp, trong đó kêu gọi các phần tử thánh chiến châu Âu tham gia cuộc chiến.
Mohammed Haydar Zammar, một người Đức gốc Syria 52 tuổi và đóng vai trò trung tâm trong chi nhánh khủng bố tại Hamburg của Mohammed Atta (một thủ phạm thực hiện vụ tấn công 11/9), cũng có thể đã gia nhập ISIL. Các quan chức an ninh phương Tây nói rằng đã có ngày càng nhiều dấu hiệu cho nhận định này. Zammar từng là kẻ chiêu mộ cho al-Qaeda và bị Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ bắt giữ vào năm 2011, sau đó được đưa tới Syria, nơi hắn bị giam giữ tại nhà tù trung tâm ở Aleppo. Sau khi được thả vào mùa Thu năm 2013, hắn được cho là đã gia nhập nhóm ôn hòa Ahrar al-Sham, nhóm này sau đó sáp nhập với Mặt trận Hồi giáo.
Với sự hòa trộn giữa sự lãnh đạo trung tâm, sự tàn bạo và hối lộ, ngay từ sớm ISIL đã có thể lợi dụng gót chân Achilles của lực lượng nổi dậy Syria: sự thiếu đoàn kết. ISIL tấn công các đơn vị yếu hơn và thành lập liên minh với các nhóm khác.
Bên trong Syria, ISIL mạnh hơn, tàn bạo hơn và được tài trợ tốt hơn; trong khi ở nước ngoài, hình ảnh các phần tử cực đoan trưng bày thủ cấp đã bóp méo cách mọi người nhìn nhận cuộc xung đột tại Syria. Đây nhiều khả năng chính là điều mà Baghdadi đang suy tính.
Tàn bạo, cội nguồn sức mạnh của ISIL
ISIL đã hiện diện tại nhiều thị trấn ở miền Bắc Syria ngay từ tháng 6/2013, nhưng nhóm này chỉ tiến hành tấn công vào cuối mùa Hè năm đó. Dần dần, ISIL bắt đầu chiếm một vài thị trấn ở biên giới của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như thị trấn al-Raqqa – tất cả các thị trấn này đều nằm trong các khu vực mà quân đội Assad đã bị đẩy khỏi từ lâu. Kết quả là ISIL hiện là nhóm nổi dậy có ảnh hưởng lớn nhất trong nước. Ở thị trấn al-Raqqa với dân số 200.000 người, các phần tử Hồi giáo thành lập các tòa án áp dụng luật Hồi giáo Sharia và giới thiệu các trường học dành riêng cho nam và nữ.
ISIL dường như có một kế hoạch chi tiết cho việc chinh phục của mình. Vào tháng 8/2013, các phần tử cực đoan đã kiểm soát một căn cứ không quân gần Aleppo trước khi đẩy các nhóm nổi dậy khác khỏi 4 thị trấn biên giới mà có đường đi tới miền Bắc Syria. Chúng cũng chiếm các mỏ dầu và bán dầu cho chế độ Assad để tạo thu nhập.
Các nguồn tài trợ thêm đến từ những người ủng hộ giàu có tại các nền quân chủ vùng Vịnh và tiền bảo kê kiếm được ở Mosul, các thành phố khác của người Sunni tại Iraq. ISIL được coi là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, không chỉ vì nhóm này được cho là đã đánh cắp 425 triệu USD từ ngân hàng trung ương ở Mosul.
Nhưng sức mạnh thật sự của ISIL bắt nguồn từ nỗi sợ hãi được tạo ra bởi sự tàn bạo của tổ chức này. Không ai được an toàn, ngay cả trẻ em và giáo sĩ cũng bị thảm sát, trong khi các nhà hoạt động địa phương và nhà báo bị bắt cóc.
Ở nơi nào ISIL xuất hiện, nhóm này nhanh chóng kiểm soát các địa điểm quan trọng về mặt chiến lược như nhà máy thủy điện, tháp chứa ngũ cốc và các trạm phát điện. Khi các chiến binh của Baghdadi kiểm soát được al-Raqqa, chúng nhanh chóng chiếm nhà máy sản xuất bánh của thành phố này.
Một nhà hoạt động tại al-Raqqa có tên là Abu Ibrahim cho biết, ISIL cũng tìm cách khiến cho mọi người có thể cảm nhận được sự hiện diện của tổ chức này trên đường phố, phạt roi những ai hút thuốc tại nơi công cộng hay ai không mặc áo trùm nghiêm chỉnh. Theo Ibrahim, các chiến binh lục soát các cửa hiệu quần áo và tịch thu các loại quần áo “không đúng theo phong cách Hồi giáo’. Các quán café đã đóng cửa và ngay cả trong thời điểm World Cup diễn ra, tất cả tivi đã bị tịch thu. Xét cho cùng, bóng đá được coi là “haram”, hay “bị cấm”.
Nước chỉ có 2 tiếng mỗi ngày và không hề có điện. Ngay cả khi nhiều người dân đang chết đói, các chiến binh ISIL lại ăn uống no nê tại các nhà hàng. Hơn bất cứ tổ chức khủng bố nào đi trước, ISIL đã thể hiện sự quan tâm tới các mạng xã hội. Các chiến binh của nhóm này cập nhật thông tin trên Facebook và Twitter và đăng tải các hình ảnh lên Instagram và Tumblr. Nhiều hình ảnh rất tàn bạo, thể hiện các vụ hành quyết hay chặt chân tay. Các hình ảnh khác chụp chân dung của các phần tử thánh chiến đeo mặt nạ và mặc đồ đen. Các đoạn video trên trang web ghi lại các vụ đọ súng, các cuộc tấn công và đôi khi cả các lễ hội trong thị trấn được dàn dựng bởi ISIL.
Sự tiến công của ISIL tại Iraq cũng giúp phong trào này tại Syria. Xe địa hình, xe tăng và pháo lấy được từ quân đội Iraq trong những ngày qua đã xuất hiện tại al-Raqqa. Xe Humvee từ Mosul được đưa tới Deir al-Sor. Thêm vào đó, thành công quân sự đã thu hút nhiều chiến binh từ các nhóm khác. Đồng thời, 5 lãnh đạo của Quân đội Tự do Syria đã rời lực lượng này cách đây 2 tuần, phàn nàn về tình trạng thiếu tiền và vũ khí.
Sống nhờ “vùng nước đục”
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải chịu trách nhiệm khi xét tới sự thành công của ISIL. Các chiến binh có vũ trang từ khắp thế giới được phép tự do vượt qua biên giới vào Syria, và sau đó quay trở lại để được chăm sóc tại các bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà lãnh đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ giúp lật đổ kẻ thù không đội trời chung của họ, Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng Ankara đã không kiểm soát được đồng minh của họ, một thực tế đã trở nên rõ ràng khi ISIL bắt giữ 80 người Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin ở Mosul.
Ngoài việc tham gia các mạng xã hội, ISIL bắt đầu soạn thảo các báo cáo toàn diện hàng năm về các hoạt động của mình, như thể tổ chức này là một công ty niêm yết đại chúng. Chỉ riêng trong năm 2013, ISIL khẳng định đã thực hiện 10.000 hoạt động, bao gồm 1.000 vụ giết người, 4.000 vụ tấn công bằng thuốc nổ và thả tự do hàng trăm tù nhân cực đoan. Việc thuyết phục “những người không theo đạo”, và số lượng các trạm kiểm soát được thiết lập cũng được ghi chép lại cẩn thận. Các báo cáo được thiết kế cẩn thận để khiến ISIL trông ít giống với một nhóm khủng bố, mà giống nhiều hơn một tổ chức với một cấu trúc quân sự rõ ràng, một chiến lược chính trị cho việc thành lập một nhà nước của người Sunni.
Bất chấp các nỗ lực tiếp thị của mình, Baghdadi và ISIL đã trở thành chất xúc tác cho việc sắp đặt lại trật tự khu vực Trung Đông. Trong 10 năm qua, Iraq đã bị kéo vào hỗn loạn, kết quả của một cuộc xâm lược thất bại của Mỹ và những hậu quả của nó. Sự hỗn loạn trở nên tồi tệ hơn sau khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011 – và vì phương Tây không muốn can thiệp nên không giúp được gì. Sự kết hợp của chủ nghĩa can thiệp và thiếu hành động đã dẫn tới sự tan rã của khu vực. Syria là một nhà nước có vẻ như đã ngừng tồn tại và Iraq sắp theo chân nước này.
Một khi tiến triển này đi tới hồi kết, biên giới của khu vực – được vẽ sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất mà không quan tâm tới những người sống tại đó – có thể cần được vẽ lại. 4 nhà nước mới có thể xuất hiện từ Syria và Iraq: Một nhà nước của người Alawite do Assad thống trị ở bờ biển Địa Trung Hải, một nhà nước của người Sunni trải dài từ Syria tới bên ngoài Baghdad, một nhà nước của người Shiite ở miền Nam Iraq hiện nay và một nhà nước độc lập của người Kurd ở phía Đông Bắc. Nhưng dù việc vẽ ra những ranh giới như vậy trên bản đồ dễ dàng như thế nào, một sự phân chia lại như thế gần như chắc chắn sẽ đi kèm với tình trạng giết chóc trên phạm vi rộng.
Trước lời kêu gọi giết hại người Sunni của ISIL, Đại Giáo chủ Iraq Ali al-Sistani đã đáp trả với một yêu cầu thu hút sự chú ý. Ông nói trong một sắc lệnh do mình ban ra: “Các công dân có khả năng cầm vũ khí và chống khủng bố, bảo vệ đất nước, người dân và những địa điểm linh thiêng của mình, nên tình nguyện tham gia lực lượng an ninh để thực hiện được mục đích thiêng liêng này”.
Phạm vi lời kêu gọi của Sistani sẽ trở nên rõ ràng trong thời gian tới. Không chỉ có người Shiite ở Iraq lắng nghe lời nói của Đại Giáo chủ, mà còn cả người Shiite ở Iran, Liban, Bahrain và các tỉnh miền Đông Saudi Arabia. Trước sắc lệnh này, Sistani được coi là một nhân vật theo đường lối ôn hòa. Các nhà ngoại giao phương Tây ở Baghdad đang tự hỏi điều gì đã dẫn tới sự thay đổi đường lối của ông.
Người Kurd, đối trọng hay phá hoại?
Qadir đeo kính râm, mặc áo chống đạn và mang theo một khẩu AK-47. Một số thành viên trong nhóm 20 người của ông đã đeo mặt nạ và chạy hết tốc lực tới khu vực lân cận gần cánh đồng. Mặt trời chiếu ngay phía trên đồng bằng Kirkuk. Sarhad Qadir yêu Kurdistan và thích nói về nó. Nhưng với việc binh lính của ông thay thế quân đội Iraq đã bỏ chạy ở Kirkuk vào giữa tháng 6, ông chỉ nhân tiện trả lời phỏng vấn. Qadir không có nhiều thời gian, ông đang trong quá trình thiết lập một đất nước hoàn toàn mới.
“Giấc mơ của chúng tôi”
Theo Hiến pháp Iraq, 3 tỉnh Erbil, Dohuk và Sulaymaniyah thuộc về khu vực Kurdistan. Nhưng sau sự sụp đổ của Mosul và sự ra đi nhanh chóng của quân đội Iraq, lãnh thổ của Khu vực tự trị Kurdistan đã tăng gần một nửa. Ở phía Nam, khu vực Kurdistan hiện kéo dài tới tận dãy núi Hamrin gần Tikrit, ở phía Tây nó trải rộng vào miền Trung Iraq tới tận bờ sông Tigris. Đây là một khu vực mà người Kurd tin rằng thuộc về họ theo lịch sử.
Khoảng 3.500 chiến binh Peshmerga hiện đang bảo vệ Kirkuk. Họ nói rằng Kirkuk là Jerusalem của họ. Các chiến binh Peshmerga đã chiếm được mọi vị trí quan trọng: sân bay quân đội, nhà máy nước và một trong số các mỏ dầu lớn nhất ở Iraq.
Helgurd Hikmet Mela Ali, người phát ngôn của Bộ Lực lượng vũ trang người Kurd cho biết, trong văn phòng của ông tại Erbil: “Giành lại những lãnh thổ này là giấc mơ của chúng tôi. Đằng sau ông có treo lá cờ Kurd mà người ta có thể thấy ở mọi nơi trong khu vực. Ông nói tiếp: “Về mặt không chính thức, Iraq luôn bao gồm 3 phần. Giờ đây, chúng tôi có thể khiến điều này trở thành chính thức”.
Cụ thể, ngày 11/7, khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq đã tuyên bố kiểm soát các mỏ dầu tranh chấp ở miền Bắc, động thái bị Baghdad lên án mạnh mẽ trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 bên đang ở mức rất thấp. Tuyên bố của chính quyền khu tự trị trên cho biết: “Thành viên của Chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) và Lực lượng Bảo vệ Dầu mỏ Kirkuk đã tới bảo vệ các mỏ dầu Bai Hassan và khu vực Makhmour”.
Nhằm phản đối tuyên bố của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki rằng, người Kurd đang chứa chấp các phần tử khủng bố tại thành phố Arbil, ngày 11/7, khối chính trị người Kurd đã rút khỏi mọi hoạt động trong chính phủ nước này. Tuy nhiên, các nghị sỹ người Kurd sẽ tiếp tục tham gia Quốc hội, được bầu hôm 30/4 vừa qua. Theo kế hoạch, Quốc hội Iraq sẽ nhóm họp vào ngày 13/7 tới nhằm bầu chọn chủ tịch Quốc hội, Tổng thống và Thủ tướng.
Cuộc tấn công của các tay súng Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni ở Iraq, vô hình trung đã thúc đẩy công cuộc tìm kiếm nền độc lập của khu tự trị Kurdistan tại quốc gia Trung Đông này.
Theo báo “Al-Haiyat” (Cuộc sống), tình hình rối loạn hiện nay ở Iraq, đã giúp người Kurd có cơ hội thực hiện “chính sách mặc cả” với Baghdad. Trong khi Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đang cố bám lấy quyền lực bằng mọi cách, người đứng đầu Vương quốc Hồi giáo (IS) tự xưng đã kêu gọi lòng trung thành của tất cả những người Hồi giáo và trên thực tế, các nhà lãnh đạo ở Baghdad vẫn không thể tạo thành một mặt trận chung, để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hỗn loạn, thì người Kurd lại hành động để thực hiện giấc mơ độc lập của mình.
Gần một thế kỷ sau khi bị mất tất cả từ sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, bị mất Nhà nước có chủ quyền, bị phân tán đi khắp nơi trong khu vực, giờ đây người Kurd thấy giấc mơ độc lập của mình đang hiện hữu một cách bất ngờ trong bối cảnh các cuộc giao chiến giữa người Sunni và người Shi’ite đe dọa làm bùng nổ Iraq.
Tình hình ở Iraq đang ngày càng trở nên nguy kịch, khi mà ngoài các cuộc tấn công của các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni, thuộc “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (ISIL) đang trong thế chẻ tre, tấn công chính quyền trung ương từ mọi phía, và đã chiếm giữ được thành phố Mosul – thành phố lớn thứ hai của Iraq – cũng như nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn khác, phải kể đến việc Tổng thống khu tự trị Kurdistan của Iraq, ông Massoud Barzani, đã quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu tự trị này. Hành động này bị ông Maliki chỉ trích mạnh mẽ, song người Kurd vẫn để ngoài tai vì với họ, nền độc lập là giấc mơ từ ngàn đời nay, và bây giờ đang là “cơ hội vàng” để thực hiện giấc mơ ấy.
Dựa vào các cuộc “chinh phục” mới của mình và lợi dụng sự suy yếu của Baghdad, ông Barzani đã yêu cầu Quốc hội khu tự trị đề ra những thể thức cho một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập.
Rõ ràng, các dữ kiện đã thay đổi quá nhanh, cho dù lời kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Kurdistan ở Iraq không phải là mới.
Theo các chuyên gia, nếu giành được độc lập, “ngôi nhà Kurdistan” sẽ phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Ngoài ra, những sức ép từ bên ngoài không phải là không đáng ngại đối với cộng đồng người Kurd ở Iraq. Thông báo về một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của người Kurd đã khiến Mỹ rất tức giận và ngay lập tức Washington đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt, do Mỹ đang hối thúc các nhà lãnh đạo Iraq, bất kể vùng miền, sắc tộc hay tôn giáo khác nhau hợp nhất để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trong khi đó, nước láng giềng Iran – vốn ủng hộ người Shi’ite cầm quyền ở Baghdad – cho rằng, sự li khai của người Kurd che giấu ý đồ chiếm đoạt một phần tài nguyên của Iraq một cách bất hợp pháp. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ – cũng là quốc gia láng giềng của Iraq, nơi liên tục từ nhiều thập kỷ nay phải gồng mình để chống lại cuộc nổi dậy của người Kurd ở trong nước lại “thở phào nhẹ nhõm”, công khai tỏ ý ủng hộ giấc mơ độc lập của người Kurd ở Iraq, vì như thế, những người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sang Iraq với “Nhà nước Kurdistan” của họ một khi nó được thành lập.
Ai là người muốn cuộc chiến sắc tộc này?

Cuộc chiến đòi tự trị của người Kurd cả ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã dai dẳng từ nhiều năm nay
Cuộc chiến đòi tự trị của người Kurd cả ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã dai dẳng từ nhiều năm nay
Tại thời điểm hiện nay, trên chiến trường Iraq, hai nhóm vũ trang được Mỹ hậu thuẫn đang giao chiến với nhau bằng chính vũ khí do Mỹ sản xuất. Tình hình tại Iraq, kể từ khi ISIL bắt đầu nổi dậy, ISIL ngày càng trở nên bạo lực hơn những tháng trước đây. Sự bất ổn đã khiến nhiều phe nhóm khác tại Iraq, trong số đó có cả phe nhóm thành viên đảng Baath đã bị lật đổ, chiến đấu chống lại Chính quyền Maliki.
Tại sao bây giờ Mỹ mới gửi chuyên gia cố vấn quân sự đến Iraq, và tuyên bố ủng hộ Chính phủ Baghdad trong khi cũng ủng hộ lực lượng ISIL thông qua đồng minh được Mỹ ủy nhiệm? Vậy có hợp lý không khi cả hai bên đều đối đầu tham gia một cuộc xung đột vũ trang?
Nếu xung đột vũ trang bùng phát ở Iraq phá hủy khu dân cư Hamptons liền kề New York hay các mỏ dầu ở Texas, hoặc thậm chí các cơ sở hạ tầng có giá trị khác đối với tầng lớp giàu có hoạch định chính sách ở Mỹ thì liệu có hợp lý không khi duy trì một cuộc xung đột bằng cách trang bị vũ khí cho cả hai bên.
Trước năm 2003, công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Iraq là nhà cung cấp chính trên thị trường quốc tế. Năm 2003, với tên lửa hành trình, xe tăng, quân đội Mỹ cùng nhiều phương tiện hủy diệt khác xâm lược Baghdad, công ty dầu khí của Iraq đã bị loại khỏi thị trường thế giới. Việc công ty dầu khí của nhà nước Iraq bị loại khỏi thị trường dầu mỏ thế giới đồng nghĩa với nguồn cung dầu của thế giới đã bị giảm mạnh. Điều này khiến cho dầu mỏ rơi vào tay các tập đoàn của Mỹ vốn không bị hủy diệt trong cuộc chiến tranh 2003, ngày càng có giá trị hơn.
Tại sao Mỹ lại tìm cách phát tán rộng rãi cuộc xung đột lớn ở Iraq?
Câu trả lời khá đơn giản. Theo hãng thông tấn Reuters, trong tháng 6, Iraq sản xuất 3,3 triệu thùng dầu/ngày. Đây là sản lượng dầu cao nhất của Iraq kể từ cuộc chiến tranh năm 2003 đến nay. Bất chấp thực tế hơn một triệu người dân Iraq đã thiệt mạng từ khi Mỹ xâm lược; bất chấp thực tế hầu như đất nước Iraq chìm trong đống đổ nát; bất chấp thực tế hàng triệu người dân Iraq đau khổ tuyệt vọng trên khắp cả nước; chỉ vì 1% số người giàu của Mỹ mà Iraq phải trở nên ổn định. Chỉ vì xuất khẩu dầu mà mức độ hỗn loạn đã giảm hẳn.
Thủ tướng Nouri al-Maliki, dù là người đứng đầu chính quyền được Mỹ dựng lên và ủng hộ nhưng đã nhận ra sự ổn định ngày càng tăng là cơ hội để khẳng định độc lập. Maliki trở nên khá thân thiết với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, một quốc gia có công ty dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước, nhưng lại đang là một đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên thị trường quốc tế.
Trước khi diễn ra cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vào năm 2003, một nhóm khủng bố được Mỹ hậu thuẫn có tên gọi “Lực lượng thánh chiến nhân dân” đã sử dụng các cứ điểm căn cứ ở Iraq để tấn công Iran. Mỹ đã sơ tán những phần tử khủng bố chống Iran khỏi Iraq, tuyên bố Chính phủ Iraq không có biện pháp để bảo vệ chúng.
Một số chính trị gia còn khuyến cáo Chính quyền Maliki nên hợp tác để giúp Iran bảo vệ nước này khỏi những đối tượng khủng bố được Mỹ hậu thuẫn. Maliki đã nhận được tình cảm bạn bè thân thiện hơn từ hai đối thủ lớn nhất cạnh tranh với Mỹ trên thị trường quốc tế, đó là Liên bang Nga và Trung Quốc.
Dù sự tăng trưởng ổn định là chưa đủ thì Maliki đã dám hành động hơn chỉ đơn thuần đóng vai trò là một con rối. Ông đã hành động vì lợi ích của riêng mình, không đơn thuần là một nhân vật ủy nhiệm vâng lời cho lợi ích của các triệu phú ở Mỹ. Không có gì là ngạc nhiên, ngay cả khi Mỹ gửi các chuyên gia cố vấn quân sự đến Iraq, để hỗ trợ Chính quyền Maliki bất chấp những lời lớn tiếng trong chính giới Mỹ, kêu gọi Tổng thống Barack Obama phải từ chức.
Tất cả những nước trong thời gian qua là nạn nhân của hành động xâm lược của Mỹ thì không nước nào “an toàn hơn” trong thời kỳ hậu chiến.
Tất cả các nước hiện đang là mục tiêu Mỹ nhằm vào tấn công đều có một đặc điểm chung: “Phát triển kinh tế độc lập”. Venezuela, Cuba, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Syria, Liên bang Nga là chính phủ có đường lối chính sách phát triển kinh tế độc lập. Họ đã cố gắng xây dựng nền kinh tế của riêng mình, cạnh tranh với Phố Wall, London trên thị trường thế giới và bất luận mong muốn của họ.
Iraq dưới thời Saddam Hussein cũng lâm vào tình trạng tương tự. Saddam Hussein từng được Mỹ ủng hộ khi ông ta tấn công Iran và sử dụng vũ khí hóa học tàn sát người dân Tehran. Tuy nhiên, Saddam Hussein cũng chủ trương xây dựng đất nước ổn định về kinh tế, chính trị và xuất khẩu dầu mỏ cạnh tranh với Phố Wall. Việc lật đổ Saddam bằng hành động can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ đã biến Iraq trở thành khu vực đau thương hơn bao giờ hết.
Thế chân vạc đang dần được xác lập ở Iraq. Nó có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào ý chí của những người trong cuộc và sự tác động lớn từ bên ngoài.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét