Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014
Israel cần chấm dứt chính sách chà đạp dân tộc Palestine
16:47
Hoàng Phong Nhã
No comments
Dân tộc Do Thái từng bị ngược
đãi trong lịch sử và được các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ lập
quốc. Nay cũng cần người Israel tôn trọng đạo lý quan hệ quốc tế, ngừng
đối xử với người Palestine như trước đây các thế lực cực đoan đã đỗi xử
với người Do Thái.
Chưa
đầy 24 giờ sau khi Palestine được nâng cấp quy chế lên thành nhà nước
quan sát viên tại Liên Hợp Quốc, Chính phủ Israel đã thông báo quyết
định xây dựng 3.000 căn nhà định cư tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng
của Palestine. Đây được xem là động thái nhằm đáp trả quyết định của
Liên Hợp Quốc cũng như những nỗ lực của người Palestine.
Theo một nguồn tin Israel, khu định cư
mới có thể được xây dựng tại khu E1, khu vực tranh chấp thuộc Bờ Tây.
Điều này đồng nghĩa với việc khu định cư mới sẽ ngăn cách phần phía Bắc
của khu Bờ Tây khỏi phần phía Nam. Trước đó, Israel đã dừng dự án tại
khu E1 như một phần cam kết theo lộ trình hòa bình Trung Đông của cộng
đồng quốc tế năm 2003. Người Palestine đã phản đối dự án này vì cho rằng
khu nhà định cư sẽ chia cắt đáng kể khu bờ Tây bị chiếm đóng, khiến
việc hình thành một nhà nước Palestine khó có thể thực hiện.
Tiếp sau đó, ngày 2/12, Thủ tướng Israel
Benjamin Netanyahu tuyên bố, chính phủ nước này bác bỏ việc chính quyền
dân tộc Palestine được nâng cấp quy chế lên nhà nước quan sát viên phi
thành viên tại Liên Hợp Quốc. Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steinitz
thì cho biết Israel sẽ tạm hoãn việc chuyển các khoản tiền thuế họ thu
được cho giới chức Palestine trong tháng này.
Là đồng minh thân cận nhất của Israel và
mặc dù cũng bỏ phiếu chống lại yêu cầu của Palestine được nâng cấp quy
chế tại Liên Hợp Quốc, song chính phủ Mỹ đã chỉ trích dự án mới của Tel
Aviv. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner tiếp tục nhấn mạnh
việc Mỹ phản đối các hoạt động xây dựng khu định cư mới của Israel tại
Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết: “Quyết định đơn
phương này là phản tác dụng và gây khó khăn thêm cho việc khôi phục lại
đàm phán trực tiếp. Chúng tôi tiếp tục tham khảo ý kiến với các đồng
minh và đối tác của chúng tôi để thảo luận việc làm thế nào để hai bên
trở lại bàn đàm phán. Đây không phải là hành động mà chúng tôi muốn
thấy”. Washington cảnh báo rằng "E1 là khu vực đặc biệt nhạy
cảm" và việc xây dựng khu định cư tại đây có thể đe dọa những
nỗ lực nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước.
Trung Quốc và Nga đều đã lặp lại sự phản
đối và bày tỏ lo ngại sâu sắc về những kế hoạch mở rộng khu định cư của
Israel trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine cũng như
về động thái trả đũa phong tỏa các khoản thuế Israel chuyển cho phía
Palestine trong tháng này.
Các nước Pháp, Đan Mạnh, Tây Ban
Nha, Thụy Điển và Australia đã cho triệu Đại sứ Israel tới để
bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước kế hoạch xây nhà định cư cho
người Do Thái tại Đông Jerusalem và khu Bờ Tây, còn Văn phòng
Ngoại giao Anh cũng chỉ trích kế hoạch trên, kêu gọi Israel xem
xét ngừng việc làm gây tranh cãi này.
Bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế,
thậm chí từ cả những đồng minh thân thiết như Mỹ và một số nước châu
Âu, chính quyền Tel Aviv không có dấu hiệu chùn tay. Văn phòng Thủ tướng
Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ tiếp tục kế hoạch trên vì lợi ích
của mình "bất chấp áp lực quốc tế, và sẽ không có một thay đổi nào
trong quyết định đã được đưa ra". Tuyên bố của văn phòng Thủ tướng
Netanyahu có khả năng làm sâu thêm rạn nứt đã xuất hiện giữa Israel và
một số đồng minh thân cận của nước này.
Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất
của Israel, và quan hệ đối tác với châu Âu đem lại cho Israel quy chế ưu
đãi xuất khẩu. Vì thế, dư luận hy vọng châu Âu sẽ đóng vai trò lớn
trong bất kỳ một hành động quốc tế nào chống lại việc xây dựng khu định
cư. Tuy nhiên, sự bất đồng trong nội bộ có thể khiến châu Âu khó có được
một hành động phối hợp nào. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - có
quan hệ gần gũi với Israel, và cho dù trong lịch sử là thủ phạm gây ra
vụ thảm sát người Do Thái, khó có khả năng có một hành động mạnh mẽ nào
chống lại nhà nước Do Thái.
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt phát
biểu trước quốc hội rằng "cùng với các nước EU khác chúng ta sẽ thảo
luận các biện pháp có thể khác", song ông không nói cụ thể hơn. Các quan
chức chính phủ Anh cho biết EU sẽ đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama
chủ trì về vấn đề này, và các nhà ngoại giao Anh đang giữ liên hệ với
các đồng sự Mỹ ở London. Một quan chức EU tại Brussels, Bỉ, cho biết vấn
đề này sẽ được chú trọng tại cuộc họp các ngoại trưởng châu Âu vào ngày
10/12 tới và sẽ được thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
trong chuyến công du châu Âu trong tuần này của bà.
Silke Temple, chuyên gia Trung Đông tại
nhóm tư vấn DGAP của Đức, cho rằng phản ứng của châu Âu "quả là gay gắt
hơn" so với trước.
Dù thế nào, những động thái của Israel
trong thời gian qua đã đi ngược xu hướng dư luận quốc tế đã được Đại hội
đồng Liên Hợp Quốc bày tỏ qua nghị quyết vừa rồi. Sự phi lý của Tel
Aviv đã đẩy nước này vào thực tế bị cô lập. Nếu tiếp tục chính sách “lấy
thịt đè người”, ức hiếp kẻ yếu sẽ không lợi cho hình ảnh Israel trên
trường quốc tế.
Dân tộc Do Thái từng bị ngược đãi trong
lịch sử và được các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ lập quốc. Nay
cũng cần người Israel tôn trọng đạo lý quan hệ quốc tế, ngừng đối xử
với người Palestine như trước đây các thế lực cực đoan đã đỗi xử với
người Do Thái.
Việt Nam là một dân tộc nhỏ từng bị các
thế lực mạnh ức hiếp và được nhân loại tiến bộ thế giới ủng hộ. Israel
và Palestine đều là bạn của Việt Nam. Việt Nam rất thông cảm với nhân
dân Palestin và kêu gọi chính phủ Israel hợp tác giải quyết vấn đề quan
hệ với dân tộc Palestin thấu tình đạt lý và hợp đạo lý.
KHÁNH AN (TỔ QUỐC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét