Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014
Trí Thông Minh Xã Hội
20:27
Hoàng Phong Nhã
No comments
Lời giới thiệu: Tôi
viết bài chia sẻ nầy cho những người có trách nhiệm giáo dục những
trẻ em tự kỷ. Tuy nhiên, chủ đề “Trí Thông Minh Xã Hội” có thể giúp
ích cho tât cả những ai lưu tâm đến những vấn đề thuộc lãnh vực quan
hệ giữa người với người, trong môi trường gia đình, học đường và
nghề nghiệp. Những vấn đề có liên hệ gần và xa bao gồm những chủ đề
khác như: Đồng Cảm, Lãnh đạo, Tạo Ảnh Hưởng, Chia Sẻ, Dồng Hành…
***
Nhằm đảm trách công việc giáo dục và gặt hái nhiều
thành quả cụ thể, với mỗi trẻ em tự kỷ, trong nhiều cuốn sách, tôi
đã đề nghị một sơ đồ « Thiết Lập Dự Án », gồm có 7 giai đoạn, như
sau :
Giai đọan MỘT: Khảo sát thực tế
cụ thể và khách quan do chính trẻ em trình bày, xuyên qua tác phong
hay là hành vi hằng ngày của mình.
- Tôi thấy tận mắt trẻ em làm những gì ?
- Tôi nghe trẻ em nói những gì, với ngôn ngữ
có lời cũng như với ngôn ngữ không lời như điệu bộ, nét mặt, liếc
nhìn… ?
- Môi trường hóa những dữ kiện hoặc tin
tức bằng cách tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi sau đây: Ở đâu,
khi nào, bao lâu, với ai, thế nào ?
- Đề phòng một cách rất nghiêm chỉnh, 3 xu
thế :
1.-Tổng quát hóa hay là « vơ đũa cả nắm » : chỉ thấy
một lần, đã vội vàng khẳng quyết một qui luật bất di bất dịch « khi
nào cũng vậy »… « bao giờ cũng vậy ».
2.-Thanh lọc, nghĩa là chỉ giữ lại những sự kiện
thích hợp với cách nhìn quen thuộc của mình, đồng thời bỏ qua một
cách cố tình, những gì đi ngược lại với ý kiến của chúng ta. Với
cách làm nầy, chúng ta « bóp méo hay là xuyên tạc » thực tế khách
quan.
3.-Chủ quan hóa nghĩa là đề cao, biện minh lối nhìn
của mình và không coi trọng quan điểm của nhiều người khác.
- Kỹ thuật mà chúng ta cần sử dụng : « Chiếc
mũ màu TRẮNG » của Ed. De BONO.
Giai đoạn HAI: Khám phá những
yếu tố NĂNG ĐỘNG, những sự kiện tích cực, nhằm củng cố và tăng
cường, bằng lời nói và thái độ « khích lệ và khen thưởng một cách
khoa học » của chúng ta.
- Kỹ thuật môi trường hóa cần được sử dụng
để khảo sát những điều kiện thuận lợi làm phát sinh yếu tố năng động
ấy.
- Kỹ thuật « Mũ màu VÀNG Mặt Trời ».
Giai đoạn BA: Liệt kê đầy đủ tối
đa năm vấn đề chủ yếu cần giải quyết. Đó là những yếu tố hay là sự
kiện tiêu cực, tê liệt, ù lì và bị động, cần được chuyển hóa, xuyên
qua lề lối dạy dỗ của chúng ta.
-
Với trẻ em có nguy cơ Tự Kỷ, chúng ta tìm cách khảo sát 5 Triệu
Chứng (hay là Dấu Hiệu) chính yếu :sống bít kín, rối loạn về ngôn
ngữ, phản ứng bùng nổ, hành vi lặp đi lặp lại như một chiếc máy,
hành vi dị thường và những cơn động kinh lớn hay nhỏ.
- Môi trường hóa mỗi vấn đề, với nhiều chi
tiết quan trọng,
- Kỹ thuật « Mũ ĐEN ».
Giai đoạn BỐN: Liệt kê tối đa 3
xúc động đang tạo những cản trở quan trọng, trong việc thiết lập
những quan hệ với người lớn, cũng như với những trẻ em cùng lứa
tuổi.
- Gọi tên xúc động,
- Môi trường hóa,
- Khám phá NHU CẦU cơ bản của trẻ em, ẩn núp
ở đằng sau mỗi xúc động,
- Cần khảo sát thể thức sáng tạo những loại
quan hệ nào, như thế nào, với ai… để hóa giải những tình huống xúc
động ấy ?
- Kỹ thuật « Mũ ĐỎ ».
Giai đoạn NĂM: Xác định Phương
Hướng Hành Động :
- Mục đích tối hậu bao gồm những giá trị
sáng soi va hướng dẫn một cách toàn diện,
- Kế Hoạch với những mục tiêu dài và ngắn
hạn,
- Phương tiện và học cụ cần sáng tạo để sử
dụng trong những bài học hằng ngày,
- Thời hạn cần thiết để thực hiện dự án,
- Người thực hiện dự án là ai ? Giáo viên
chính, giáo viên phụ tá, cha mẹ, chuyên viên ngôn ngữ hay là tâm vận
động, tâm lý gia, bác sĩ…
- Kỹ thuật « Mũ màu XANH DA TRỜI ».
Giai đoạn SÁU: Sáng tạo những
BÀI HỌC cụ thể hằng ngày, nhằm chuyển biến Mục đích và Mục tiêu đã
được đề xuất trong giai đoạn NĂM trên đây, thành hiện thực cụ thể và
khách quan, trong cuộc sống hằng ngày của trẻ em.
- Bài học về THỰC TẾ (Cửa Vào) : nhằm giúp
trẻ em khám phá và hiểu biết về những gì có mặt trong môi trường
quen thuộc sinh sống hằng ngày. Những bài học này vận dụng CỬA VÀO
bao gồm Mắt, TAI và TAY CHÂN, cũng như LÀN DA.
- Bài học về TƯ DUY : trong-ngoài,
trên-dưới, xếp loại, đi tìm một dụng cụ, lấy tay chỉ một đối tượng
mong muốn, cùng làm với bạn bè…
- Bài học về XÚC ĐỘNG (xem giai đoạn BỐN
trên đây.
- Bài học về QUAN HỆ (Cửa Ra) : XIN-CHO-NHẬN
và TỪ CHỐI (nói KHÔNG), thi hành những mệnh lệnh, để phát huy tư duy
(xem bài học về TƯ DUY).
- Một cách đặc biệt, xoáy lui xoáy tới chung
quanh bài học Về QUI LUẬT còn được gọi là CẤU TRÚC, cũng như về QUAN
HỆ XÃ HỘI : làm với, chơi với, cho bạn điều bạn xin, đi chơi với
bạn, trao đổi với bạn…
- Kỹ thuật « Mủ màu XANH LÁ CÂY ».
Giai đạn BẢY: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
Loại I : Sau từng giai đoạn thực hiện ngắn hạn như 3
tháng, khảo sát kết quả với một nhóm nhỏ, rút gọn, gồm có giáo viên,
hiệu trưởng và cha mẹ.
Loại II : Đánh giá kết quả cuối cùng sau 1 năm, với
toàn nhóm giáo viên và cha mẹ.
- Kết quả đã thành đạt, nhờ vào những yếu tố
năng động nào ?
- Kết quả không đạt được, vì những trở ngại
hay là lý do gì ?
- Cần thay đổi hoặc phát huy thêm những
trọng điểm nào, trong giai đoạn sắp tới, nhất là trong lãnh vực Mục
Tiêu.
- Cần thêm hay bớt những Trọng Điểm nào,
trong những sinh hoạt hằng ngày.
- Kỹ thuật « Mủ VÀNG » và « Mủ ĐEN ».
Chính tác giả người Anh là Edward DE BONO đã đề nghị
kỹ thuật « Sáu chiếc mũ Tư Duy », trong tác phẩm danh tiếng có tầm
cỡ quốc tế « Six Thinking Hats » (Pinguin Books, London 1986). Sau
đây là những ý nghĩa chính yếu :
Ý nghĩa của Chiếc Mũ Màu Trắng : Sự kiện cụ thể,
khách quan, nhằm trả lời các câu hỏi như : Ai ?, Ở đâu ? Làm gì ?
Khi nào ? Thế nào ? Bao lâu ?...
Ý nghĩa của Chiếc Mũ Màu Đen : Can đảm nêu lên những
sự kiện tiêu cực, bị động, tê liệt…khả dĩ cản trở công việc giáo dục
của chúng ta,
Ý nghĩa của Chiếc Mũ Màu Đỏ : Dùng sứ điệp « Tôi »,
để nói về những trăn trở, khổ đau của mình, một cách cởi mở và trung
thực.
Ý nghĩa của Chiếc Mũ Màu Vàng Mặt Trời : Khám phá
những năng động đang thúc đẩy mình đi ra, bước tới, vươn lên.
Ý nghĩa của Chiếc Mũ Màu Xanh Da Trời : Sáng tạo,
khám phá ý nghĩa, giá trị, mục đích, tầm nhìn rộng lớn, để xây dựng
kế hoạch hành động.
Ý nghĩa của Chiếc Mũ Màu Xanh Lá Cây : Tạo nên Mùa
Xuân, đổi mới, bằng cách từng ngày, từng bước đi lên thực hiện dự
án, hay là chuyển biến lý tưởng, mộng mơ thành hiện thực
***
Khi làm việc và phục vụ trẻ em tự kỷ, với 7 bước đi
lên, trong chương trình hành động, như tôi vừa trình bày trên đây,
tôi đã thực sự lưu tâm đến ba loại sinh hoạt của nội tâm : Thực tế,
Tư duy và Xúc động.
Thứ nhất, theo tinh thần của tác giả Edward DE BONO,
tôi bắt đầu khảo sát Thực Tế « với sáu chiếc mũ », để rồi từ đó
thiết lập một dự án hoạt động, nhằm phát huy tư duy hay là Trí Thông
Minh Tổng Quát của học sinh.
Thứ hai, tôi vận dụng Phương Pháp « Trao Đổi Không
Bạo Động » (Nonviolent Communication) của tác giả Marshal B.
ROSENBERG, khi có vấn đề xúc động tràn ngập hay là triệu chứng
« bùng nổ », nơi trẻ em. Nhằm đề phòng những hành vi « bạo động »,
tôi áp dụng những kỹ thuật như : gọi Xúc Động ra ngoài, phản ảnh,
khám phá nhu cầu và đáp ứng.
Thứ ba, trong lãnh vực quan hệ xã hội, thể theo lối
nhìn của tác giả Jacques SALOMÉ, tôi tạo điều kiện, nhằm giúp trẻ em
từ từ hội nhập bốn bài học « Xin, Cho, Nhận và Từ chối », bằng ngôn
ngữ hay là bằng cử chỉ và điệu bộ.
Trong vòng 10 năm gần đây, tôi bắt đầu lắng nghe
những nhà khoa học về não bộ (Neuroscience), khi họ trình bày những
cơ sở thần kinh của Trí Thông Minh Xã Hội, nhằm phát huy đời sống
quan hệ giữa người và người. Hơn tất cả, tác phẩm của Daniel Goleman
đúc kết những khám phá mới nhất của khoa học nầy, khả dĩ cung cấp
chìa khóa mở ra một phần nào những cánh cửa nội tâm còn đóng kín của
trẻ em tự kỷ. Tác phẩm nầy mới được xuất bản vào đần năm 2006.
Thể theo cách trình bày của Daniel Goleman, Trí
Thông Minh Xã Hội không phải và không đồng hóa với Trí Thông Minh
Tổng Quát được ứng dụng trong lãnh vực xã hội. Các trắc nghiệm về
Trí Thông Minh, như Wechler-Bellevue chẳng hạn, đã ra đời vào năm
1950 cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa có khả năng phát hiện những động
tác như đồng cảm (Empathy), hòa ứng (Attunement) và đồng điệu
(synchrony). Những động tác nầy còn ở trong điều kiện thể lý và
giai đoạn vô thức, cho nên chúng ta không thể quan sát với những
phương tiện cổ điển bình thường.
Các nhà khoa học về não bộ, trái lại, với những
những loại máy MRI còn mang tên là nam châm (magnet), đã có thể phát
hiện những quan hệ diễn ra giữa hai người nam và nữ, khi « tình
trong như đã, mặt ngoài còn e ». Cũng vậy, khi hai mẹ con đang trao
đổi với nhau một liếc nhìn « trực diện », luồng điện di chuyển trong
đường dây thần kinh não bộ của cả hai người đều bật sáng lên những
tín hiệu, trong máy quan sát và ghi nhận MRI.
Vào năm 1920, tác giả Edward Thorndike tại Đại Học
Columbia bắt đầu sử dụng danh xưng « Trí Thông Minh Xã Hội »
(Social Intelligence). Từ đó cho đến nay, sau hơn ba phần tư thế kỷ,
dựa vào những công trình quan sát và nghiên cứu, với các loại máy
như MRI, các nhà khoa học về Thần Kinh Não Bộ từ từ xác định một
nội dung cụ thể và độc đáo. Tác phẩm của Daniel Goleman liệt kê tám
loại kỹ năng khác nhau của Trí Thông Minh Xã Hội :
-
Thứ nhất là Đồng Cảm sơ khởi (Primal Empathy),
-
Thứ hai là Hòa Ứng hay là Hòa Điệu (Attunement),
-
Thứ ba là Đồng Cảm có ý thức và có ý định (Empathic
Accuracy), với những bước đi lên cụ thễ và rõ ràng.
-
Thứ bốn là Kiến Thức về đời sống xã hội (Social cognition),
nắm vững những đường đi nẻo về trong thế giới loài người,
-
Thứ năm là Đồng Nhịp, Động Điệu và Đồng Hành (Synchrony), hay
là những tương tác xã hội, trong lãnh vực ngôn ngữ không lời,
-
Thứ sáu là Diễn Tả và Khẳng Định Tầm nhìn
(Self-presentation),
-
Thứ bảy là Tạo Ảnh Hưởng (Influence), hay là Lãnh Đạo Chiều
Ngang (Lateral Leadership),
-
Thứ tám là Liên Đới, Đồng Trách Nhiệm, còn gọi là Tương Sinh
Tương Thành (Synergizing), hay là đóng góp, xây dựng, bổ túc lẫn
nhau, về mặt giá trị làm người.
***
1.- Đồng Cảm sơ khởi
Với khả năng nầy, hai người khi sống chung và đối
diện, có thể chia sẻ với nhau những cảm xúc và cảm tình, một cách tự
động và vô thức. Những phản ứng tự nhiên và tự phát, còn ở ngoài
vòng làm chủ và kiểm soát của con người, như thiện cảm hay ác
cảm…đều bắt nguồn từ lãnh vực Đồng Cảm Sơ Khởi nầy.
Khi hai người, như mẹ và con, trực diện với nhau,
những tin tức được người nầy thu lượm về người kia, bắt nguồn từ các
giác quan, nhất là thị giác. Tin tức được những “tế bào phản ảnh”
(mirror neurons) tức khắc chuyển xuống cho Cấu Trúc Hệ Viền
(Limbic), và phân phối cho Trung Tâm Hạnh Nhân (Amygdala) đặc trách
về đời sống xúc động. Sau khi tham khảo kho tàng tích trử hoài niệm
là Hải Mã (Hippocampus) ở sát bên cạnh, Hạnh Nhân phát đi những mệnh
lệnh giải quyết thần tốc và khẩn trương, để cơ thể chuẩn bị đấu
tranh hay là trốn thoát (fight and flight).
Đường dây thần kinh nối liền Ô Mắt với Hạnh Nhân
mang tên là Đại Lộ phía dưới (Low Road). Tại các điểm giao liên
giữa các tế bào thần kinh nảo bộ, còn mang tên là khớp Xi-Nắp
(Synapse hay là Synapsis), nhiều loại hóa chất được tiết ra và di
chuyển theo đường máu. Phần vụ của các loại hóa chất nầy là tăng
cường mức độ nhạy bén và tĩnh thức, cũng như tạo điều kiện thuận
lợi, để cơ thể thi hành nhiệm vụ một cách hữu hiệu.
Nơi trẻ em có nguy cơ tự kỷ, những triệu chứng
“bùng nổ”, hay là những hiện tượng “Xúc động tràn ngập”, đều phát
xuất từ dường dây của Đại Lộ phía dưới nầy.
Chung quanh 4-5 tuổi, nhờ tiếp xúc trao đổi và
học tập, một trẻ em có quá trình phát triển bình thường, đã có khả
năng làm chủ và kiểm soát, một phàn nào, những xúc động của mình. Sở
dĩ như vậy, vì Hệ Thần Kinh Tân Võ Não (Neocortex) đã thành hình.
Các đường dây nối kết các trung tâm lại với nhau, đã bắt đầu được ổn
định. Một cách đặc biệt, Đại lộ phía trên (High Road) nối kết Thùy
Trán và Ô mắt, còn mang tên chuyên môn là Đại lộ OFC (Orbito-Frontal
Cortex) gửi tin tức toàn diện và khách quan hơn, khả dĩ điều hướng,
điều hợp và điều chỉnh những phản ứng vội vã và bốc đồng của Trung
tâm Hạnh Nhân.
Trước đây và trong nhiều bài chia sẻ khác, tôi đã
và sẽ còn nhấn mạnh rằng: Khi trẻ em – bất cứ trẻ em thuộc diện nào,
bình thường hay tự kỷ - chưa có khả năng làm chủ những phản ứng xúc
động tràn ngập của mình, người giáo viên và bậc cha mẹ cần có mặt,
giữ tâm hồn bình tĩnh và an lạc, với em. Hãy tìm cách nhìn vào đáy
mắt của em và dùng lời nói đơn sơ, vắn gọn, phản ảnh những gì đang
xảy ra nơi trẻ em. Phản ảnh như vậy có nghĩa là nói ra những gì mắt
thấy, tai nghe…tác động trên sinh hoạt đồng cảm sơ khởi của trẻ em.
Nếu trẻ em chưa có khả năng nhìn một cách trực diện, chúng ta quay
phim những lúc trẻ em bùng nổ, để cho trẻ em nhìn lại mình. Chúng ta
chụp hình mặt mẹ, mặt ba và người thân trong nhà, khi họ chọn lựa
lối nhìn thẳng. Những tấm hình ấy được gắn chặt vào những nơi trẻ em
thường có mặt. Nhờ vào cách nhìn thẳng vào mắt trên các tấm hình,
trẻ em dần dần sẽ học nhìn vào đáy mắt thực sự và sống động của ba
và của mẹ. Cách làm nầy, như tôi đã muốn nhấn mạnh lui tới nhiều
lần, có khả năng tạo cho trẻ em một cái KHUNG bao bọc vững chắc
(Container), khả dĩ tạo an toàn cho trẻ em, trong những tình huống
khó khăn, khủng hoảng.
2.- Hòa Ứng và Hòa Điệu (Attunement)
Ý nghĩa ban đầu của Attunement là mở ra đúng tần
số. Làn sóng âm thanh không còn bị nhiễm, vì những tiếng động chung
quanh.
Trong thực tế, môi trường sinh sống của con
người, luôn luôn bị nhiễm vì một vài tiếng động. nhất là vì những
thói quen riêng biệt và cá nhân của chúng ta. Khi chúng ta vừa mới
học một sinh ngữ, chẳng hạn như tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, chúng ta
rất dễ bị quấy rầy bởi những hiện tượng “Nhiễm” nầy. Mặc dù người
phát biểu, đã cố gắng nói rất chậm và rất rõ ràng, chúng ta vẫn
không nhận ra những từ cùng có mặt với nhau. Vì thế, chúng ta không
thể hiểu ý nghĩa toàn diện của câu nói. Nói đúng hơn, chúng ta quá
tập trung chú ý vào ý nghĩa của một từ, và do đó không tiếp cận được
quan hệ giữa các từ với nhau.
Trong lãnh vực quan hệ xã hội, để có thể hòa ứng,
hòa điệu với người đang trao đổi với chúng ta, nghĩa là mở ra đúng
tần số âm thanh của người ấy, một đàng chúng ta cần ý thức một cách
sáng suốt rằng: những hiện tượng Nhiễm có thể phát xuất từ chính con
người của chúng ta. Đàng khác, khả năng hòa ứng đòi hỏi chúng ta tôn
trọng một số điều kiện thiết yếu. Nói đúng hơn, đó là những bước đi
lên có hệ thống và thứ tự:
-
Bước thứ nhất là Có Mặt thực sự.
-
Bước thứ hai là Lắng Nghe, đặt trọng tâm vào người đang trao
đổi và tiếp xúc với chúng ta.
-
Thứ ba là tìm hiểu người đối diện, nhất là điểm qui chiếu của
họ, chứ không phải điểm qui chiếu của chúng ta. Điểm qui chiếu đầu
tiên là lời nói và tác phong hay là hành vi khách quan của họ. Điểm
qui chiếu số 2 là xúc động của họ, cần được chúng ta đặt tên và gọi
ra ngoài vùng ý thức. Điểm qui chiếu số 3 là nhu cầu cơ bản hiện tại
của họ, đang ẩn núp và giấu kín đằng sau mỗi xúc động. Điểm qui
chiếu cuối cùng là những nhu cầu hay là những lời xin. Ở đây, chúng
ta cần tạo điều kiện, đặt ra những câu hỏi, giúp họ phân biệt một
cách rõ ràng đâu là nhu cầu cơ bản, đâu là nguyện vọng thứ yếu.
-
Thứ bốn là trung thực trình bày thực tế của mình, bao gồm
những giới hạn, cũng như những khả năng hiện hữu.
-
Thứ năm là bám trụ vào hiện tại. Khi nói về mình, mọi người -
người đối diện cũng như chính chúng ta - dễ lạc đường, mất hướng,
trong những vòng mê cung của quá khứ, nhất là của thời thơ ấu. Cho
nên, với hai kỹ thuật Phản ảnh và kiểm chứng, chúng ta tìm mọi cách
giúp người đối diện chỉ nói đến những điều mình thấy, mình nghe,
mình cảm.
Mỗi lần chúng ta tiếp xúc và trao đổi với trẻ em
có nguy cơ tự kỷ, nếu chúng ta học tập tôn trọng năm bước đi lên ấy,
chúng ta đã bắt đầu mở ra cho các em, những cánh cửa dẫn vào thế
giới làm người với kẻ khác, nhờ kẻ khác và cho kẻ khác. Chúng ta
giúp các em HÒA ỨNG và HÒA HỢP với thế giới bên ngoài.
3.- Đồng cảm có ý thức (Empathic Accuracy)
Trong giai đoạn Quan Hệ Hòa Ứng, chúng ta lưu tâm
một cách đặc biệt đến đời sống tình cảm và xúc động của người đối
diện, để cuối cùng khám phá và đem lên vùng ý thức những nhu cầu cơ
bản của họ.
Như chúng ta đã biết, trung tâm của đời sống xúc
động là Hạnh Nhân, một cấu trúc của Hệ Viền hay là Trung Não. Cho
nên, với quan hệ Hòa Ứng, mục tiêu chính yếu là giáo hóa Hạnh Nhân,
giải tỏa những tình huống căng thẳng xung độ, do hiện tượng xúc động
bị tràn ngập và làm tê liệt tư duy. Nhờ cách làm ấy, chúng ta đề
phòng những phản ứng bùng nổ có tính bạo động.
Nói khác đi, chúng ta vận dụng những kỹ thuật
phản ảnh, kiểm chứng tính khách quan của những tin tức, nhằm giảm hạ
tính bốc đồng, trong những phản ứng máy móc và tự động của Hạnh
Nhân.
Chính vì lý do chính yếu nầy, chúng ta vận dụng
tối đa quan hệ Hòa Ứng với trẻ em có nguy cơ tự kỷ, khi các em có
hai triệu chứng bùng nổ và lặp đi lặp lại. Hòa ứng là một phương
thức “Đi theo để hướng dẫn và chuyển hóa” (Pacing and Leading), còn
mang tên là “làm TRUNG GIAN, bắc nhịp cầu, sáng tạo một cái KHUNG an
toàn tình cảm”, để trẻ em từ từ đi ra khỏi cái vỏ tự kỷ và toàn năng
của mình.
4.- Kiến thức về những qui luật xã hội (Social
Cognition)
Để hiểu rõ thế nào là những kiến thức trong lãnh vực
xã hội hay là những qui luật, những đường đi nẻo về trong đời sống
giao tế, tôi đề nghị hãy qui chiếu vào những bước đi tới của Tư Duy
Cấu Trúc. Sáu chiếc mũ với sáu màu khác nhau của tác giả Edward DE
BONO cũng có thể soi sáng và hướng dẫn chúng ta về các qui luật cần
được tôn trọng, khi dấn bước vào đời sống xã hội.
Ngôn ngữ là một minh họa về những điều kiện cần hội
tụ, để con nguời có khả năng đi vào những khuôn khổ rất gò bó của
đới sống xã hội. Hẳn thực, khi những gò bó văn phạm đã được nhuần
nhuyễn và vượt qua, ngôn ngữ trở thành một dụng cụ trao đổi và tiếp
xúc giữa người với người. cho phép chúng ta tự do diễn tả mình và
tìm hiểu nội tâm của người khác.
Trong lăng kính vừa được trình bày, để sử dụng ngôn
ngữ, cũng như để có khả năng linh hoạt, năng động và sáng tạo, trong
đời sống quan hệ xã hội, ngay từ những ngày đầu tiên, sau khi ra
khỏi lòng mẹ, trẻ em cần phải học. Những người lớn có trách nhiệm
phải dạy. Tuy nhiên, dạy làm sao để cho trẻ em thích học, vừa học
vừa chơi. Không có quan hệ vui đùa, thích thú, an toàn, tin tưởng,
những bài học về thực tế xã hội sẽ mau chóng trở thành một món ăn
khó ăn, khó nuốt.
Tôi còn nhớ những con đường rất trơn trượt chung
quanh nhà tôi lúc trời mưa.
Tôi còn nhớ những viên thuốc kí-nin (Quinine) phòng
chống bệnh sốt rét, rất đắng và rất khó nuốt,
Tôi còn nhớ cách chữa trị những cơn cảm cúm, bằng
những mũi kim chích sâu vào da thịt, gây nên bao đớn đau và hãi
hùng…
Làm sao một đứa bé chung quanh 4-5 tuổi có thể vượt
qua những tình huống kinh hoàng ấy, không những một lần nhưng rất
nhiều lần, nếu cha mẹ tôi không có mặt và làm những « trái đệm », để
cho tôi can trường vượt qua ?
Tôi còn nhớ, còn nghe mồn một…Tiếng cha tôi đang
vang vọng, với cung giọng của người Miền Trung : « Bấm chặt chân đi
con ». Trong một trường hợp khác, mẹ tôi vừa vuốt ngực vừa dỗ dành :
« Uống đi con, nuốt đi con, mẹ thương con… ».
Tôi cố tình kể ra những câu chuyện ấy, để minh họa
« thế nào là làm trái đệm », « làm cái khung tạo an toàn », để cho
đứa con ngày ngày có thể học bài học làm người, với những khúc đoạn
rất đắng cay, chua xót.
Thế nhưng, sau 70 đời tuổi, bao nhiêu kỷ niệm « ngậm
đắng nuốt cay » ấy không để lại một vết thương lòng rướm máu. Trái
lại, những cảm nghiệm, cũng như những kinh nghiệm ấy đã cài đặt và
khắc sâu vào các tầng sâu của Hệ Thần Kinh Não Bộ của tôi, một niềm
xác tín không bao giờ tàn phai theo tháng ngày. Niềm xác tín ấy đã
trở thành lòng tự tin, với ba nội dung :
-
Tôi là con người có giá trị tự tại, mặc dù với bao nhiêu
thăng trầm trong cuộc sống, với bao nhiêu hèn nhát và thất bại ê
chề…
-
Tôi được thương yêu và coi trọng, cho dù có những lúc bị
nhiều người khác tố cáo, phê phán và loại trừ…
-
Tôi có khả năng tô điểm cuộc đời của mình, và mang đến ý
nghĩa làm người, cho một số bạn bè và anh chị em đồng bào, trên
những nẻo đường xuôi ngược của cuộc sống…
Trong những giờ phút đen tối, bệnh hoạn, cô đơn…hành
trang tự tin của tâm hồn cho phép tôi khẳng định và nhắc nhủ mình :
Ánh mắt em là cả một bầu trời,
Bàn tay em huyền nhiệm thấu từng mây,
Bước chân em gieo hạnh phúc cho đời,
Quả tim em : nguồn suối không cạn vơi.
Với bao nhiêu nhận xét ấy, tôi muốn phác họa một vài
đường nét thô thiển, với mục đích minh họa : bằng cách nào cha mẹ là
hai người đầu tiên, đã trở nên « Trái đệm », hay là « Cái Khung »
vững chắc, tạo an toàn cho con cái. Một cách đặc biệt, trẻ em có
nguy cơ tự kỷ đang cần, gần như một cách tuyệt đối, những trái đệm,
những cái khung như vậy, để có thể học những bài học về quan hệ xã
hội hay là để thu hóa và hội nhập những kiến thức, những hiểu biết
cơ bản về cuộc sống làm người và thành người.
Với bốn động tác hay là bốn kỹ năng trên đây – từ số
MỘT đến số Bốn – khi có mặt và được tôi luyện đầy đủ, về mặt phẩm
cũng như về mặt lượng, chúng ta ý sẽ thức về tư cách làm người và
vai trò xã hội của chúng ta. Nhờ ý thức xã hội nầy, mỗi lần tôi sống
và hoạt động trong bất cứ môi trường nào – gia đình, học đường, nghề
nghiệp, quê hương…- tự khắc tôi đảm nhận một cách đơn phương những
trách nhiệm đồng cảm, hòa ứng và hiểu biết. Tôi có động cơ thức đẩy
từ bên trong. Tôi không đợi, không cần một ai làm giám thị, kiểm
soát hay là áp đặt những mệnh lệnh từ trên hay từ ngoài. Tuy nhiên,
cũng vì ý thức xã hội ấy, tôi luôn luôn cảm thấy phải học tập, tôi
luyện, cập nhật hóa. Thể theo lối nhìn của Stephen R. COVER, mỗi
ngày tôi « đánh sáng, mài nhọn » ý thức xã hội của tôi. Nếu không
làm như vậy, tôi đã bắt đầu thoái hóa. Đồng thời, tôi làm cho gia
đình, xã hội và đất nước thoái trào, lạc hậu.
Tiếp theo bốn kỹ năng có liên hệ đến ý thức xã hội,
bốn kỹ năng sau đây, từ số Năm đến số Tám, trang bị cho tôi những
dụng cụ cần thiết, để dễ dàng và thoái mái thiết lập những quan hệ
xây dựng và hài hòa giữa người với người, trên bình diện chiều dọc,
cũng như về mặt chiều ngang.
5.- Đồng nhịp, đồng điệu (Synchrony)
Trước khi hai người cùng nhau suy nghĩ, hợp tác, tạo
ảnh hưởng, trình bày quan điểm, đóng góp và xây dựng lẫn nhau, họ đã
có thể cùng nhau chia sẻ một nhịp thở, bước đi cùng một vận tốc,
nhịp nhàng tiến về một hướng. Về mặt thể lý, họ đã bắt đầu đồng
hành.
Thiền tập đã dạy cho tôi : Khi đi, tôi biết tôi đang
đi. Khi ăn, tôi biết tôi đang ăn. Khi nói, tôi biết tôi đang nói.
Khi thinh lặng, tôi thinh lặng thực sự, không xao xuyến, vọng động
trong nội tâm hay là tư duy.
Khi thấm nhuần chừng ấy công việc, tôi đã có thể ứng
dụng cái biết của mình vào công việc giáo dục một trẻ em tự kỷ. Hẳn
thực, khi tôi cần có mặt với em, tôi thực sự có mặt, không làm
chuyện khác, như chuyện trò với một người lớn khác, hay là chuẩn bị
trong đầu óc một cuộc gặp gỡ ở nơi khác…Với trẻ em có nguy cơ tự kỷ,
chính chúng ta dễ dàng bị khuấy động, mất bình tĩnh và an lạc. Cho
nên, trẻ em cảm nhận điều ấy và dễ bùng nổ. Hiện tượng xúc động tràn
ngập, do hai cấu trúc Hạnh Nhân đang ảnh hưởng lẫn nhau và tác động
qua lại, làm cho nhau « ô nhiễm » một cách dễ dàng.
Ngược lại, nếu tôi ý thức, nghĩa là « biết » một
cách sáng suốt về những hiện tượng ấy, tôi sẽ tập luyện sống thức
tĩnh, hạnh phúc, an bình. Tự khắc, trẻ em sẽ hòa nhịp, hòa điệu với
tôi, trên những nẻo đường hạnh phúc và an bình. Nếu Hạnh Nhân của
tôi bắt đầu lắng dịu, không còn độc tài, độc đoán… Hạnh Nhân của trẻ
em sẽ từ từ đi vào con đường học tập.
Những tin tức ấy mở ra một con đường trong sáng và
hy vọng. Nhưng những tin tức ấy cũng đặt tôi trước một trách nhiệm
thật lớn lao và nặng nề. Thay vì than thân trách phận, hay là chờ
đợi kẻ khác làm, phải chăng tôi đã quyết tâm thực thi những gì ở
trong tầm tay hoạt động của tôi ? Tôi ngồi chờ hoài hủy một « phép
lạ » và phép lạ ấy không bao giờ xảy ra. Đương khi ấy, tôi có khả
năng chuyển hóa bản thân mình, trong mỗi một quan hệ tiếp xúc và
trao đổi. Tự khắc, thành viên thứ hai của quan hệ sẽ dần dần cải
biến, cho dù đó là một trẻ em đang có những mần móng hay là nguy cơ
tự kỷ.
Trong vấn đề học tập chẳng hạn, để trẻ em có thể đón
nhận và tiếp thu những bài học của chúng, trong bất kỳ lãnh vực nào,
chúng ta hãy quan niệm bài học như một loại « kích thích ». Bài học
của chúng ta chỉ có giá trị, khi có khả năng hòa ứng thực sự với mức
độ xúc động và nhu cầu của trẻ em, nghĩa là ở trên ngưỡng sơ khởi và
không vượt quá ngưỡng khổ đau của trẻ em. Những ngưỡng ấy có thể
thay đổi, lên xuống… tùy tình trạng sức khỏe, tùy mức độ thể lý, tùy
giai đoạn tỉnh thức hay là mệt mỏi trong ngày. Chính vì lý do nầy,
khi làm việc với trẻ em, cha mẹ hay là người giáo viên cần nhạy bén,
để ghi nhận những dấu hiệu trong liếc nhìn, trong điệu bộ, trong tư
thế, nhằm ĐỒNG NHỊP, ĐỒNG ĐIỆU, bằng cách biết dừng lại hay là thay
đổi sinh hoạt. Những cách làm ấy đòi hỏi chúng ta hãy tôi luyện Trí
Thông Minh xã hội, nghĩa là thức tỉnh và ý thức về những quan hệ
giữa chúng ta và trẻ em.
6.- Diễn tả và khẳng định mình
(Self-Presentation)
Self trong tiếng Anh có nghĩa là một “chủ thể”
đang “ý thức” về mình, cũng như đang “kết dệt những quan hệ” hai
chiều qua lại với một chủ thể khác.
Dưới hình thức một phương trình toán học, tôi có
thể định nghĩa một chủ thể như sau:
Chủ thể (Self) = Ý thức xã hội (Social Awareness
hay là Consciousness) + (cọng) Quan hệ xã hội (Relationship).
Ngược lại với Chủ Thể có khả năng biết mình, biết
người, là “Cái Tôi” ích kỷ, hẹp hòi (Ego), với ý chí toàn năng,
tưởng mình là bá chủ của cả trời đất vũ trụ, do đó không lưu tâm đến
người khác. Trên bình diện tăng trưởng và phát triển, một trẻ em cần
đạt mức độ chung quanh 3 tuổi, mới bắt đầu có ý thức và trả lời bằng
ngôn ngữ câu hỏi “Mình là ai?”. Tuy nhiên, suốt cuộc đời làm người,
và nhờ những trao đổi, va chạm với người khác, trong môi trường xã
hội, chúng ta mới hội tụ đầy đủ điều kiện, để mài nhọn và thường
xuyên đánh sáng ý thức về con người đích thực của mình.
Khi không biết “Mình là ai?”, nghĩa là khi chưa
có ý thức về con người xã hội, và khi chưa kết dệt quan hệ xã hội
với người khác, làm sao khẳng định mình hay là diễn tả mình. Thể
thức diễn tả hay là nói ra cho kẻ khác biết về con người của mình,
bao gồm nhiều thể loại và cấp độ khác nhau:
-
Trong cấp thứ nhất, tôi nói về THỰC TẾ cụ thể và khách quan
của tôi: Tôi thấy gì, tôi nghe gì, tôi tiếp cận gì với bàn tay và
làn da của tôi?
-
Trong cấp thứ hai, tôi nói về LỐI NHÌN chủ quan và độc đáo
của tôi : Thực tế có Ý NGHĨA gì đối với tôi. Lối nhìn còn mang tên
là quan điểm, ý kiến, khung qui chiếu…Và khi chia sẻ về lối nhìn chủ
quan của mình, tôi cũng ý thức rằng: người khác có những ý kiến chủ
quan của họ.
-
Trong cấp thứ ba, tôi nói về Ý ĐỊNH của tôi. Tôi quyết định
làm gì?
-
Trong cấp thứ bốn, tôi nói về những ĐÓNG GÓP hay là TRÁCH
NHIỆM liên đới của tôi: Tôi làm được gì cho người có quan hệ với
tôi?
-
Trong cấp thứ năm, tôi nói về những XÚC ĐỘNG của tôi. Và đằng
sau mỗi xúc động, tôi CẦN gì? Tôi ƯỚC MONG gì? Tôi XIN gì? Một cách
đặc biệt, ba nhu cầu cơ bản của tôi được tóm lược trong ba câu hỏi:
Tôi có giá trị không? Tôi có được thương không? Tôi có khả năng làm
gì cho mình tôi và người khác, trong cuộc đời?
Khi trả lời một cách rốt ráo, năm loại câu hỏi cơ
bản ấy, tôi đang xác định con người đích thực của tôi: TÔI LÀ AI,
TÔI LÀ GÌ, cuộc đời tôi có ÝNGHĨA thế nào?
7.- Tạo Ảnh Hưởng (Influence) hay là Lãnh Đạo
(leadership)
Tạo ảnh hưởng, bằng cách vận dụng Trí Thông Minh
Xã Hội, không có nghĩa lá áp đặt từ ngoài, rót xuống từ trên, hay là
tôi đứng ở ngoài vòng, chỉ tay năm ngón, ép bưộc kẻ khác thực hiện ý
muốn của riêng tôi, và đòi hỏi kẻ khác phục vụ tôi, như một dụng cụ,
một đồ vật, hay là một loại người thứ yếu, phụ thuộc.
Về mặt tích cực, theo lối nhìn của Stephen R.
COVER, tôi chỉ tạo ảnh hưởng, một cách đứng đắn và hữu hiệu, nghĩa
là mang lại những thành quả vừa cho mình và vừa cho người khác, với
ba điều kiện hay là cách làm sau đây:
Thứ nhất, tôi ý thức về tư cách làm người có giá
trị thực sự của tôi,
Thứ hai, tôi có khả năng tạo mọi điều kiện thuận
lợi và cụ thể, nhằm giúp kẻ khác cũng làm người như tôi, ngang hàng
tôi, với tôi.
Thứ ba, khi tôi trao tặng hay là dâng hiến mòn
quà làm người cho kẻ khác, tôi đang nhận lại những món quà làm
người cao trọng và bền vững hơn, mặc dù tôi không đợi chờ, đòi hỏi
gì hết.
Theo ngôn ngữ của tác giả Edward De BONO, cách
tạo ảnh hưởng như vậy mang tên là LÃNH ĐẠO CHIỀU NGANG. Phải chăng
đó là chìa khóa có khả năng mở ra những cánh cửa đang còn đóng kín
của trẻ em có nguy cơ tự kỷ, trong những phương thức giáo dục của
chúng ta?
Không vận dụng loại quan hệ hai chiều, tương tức,
tương tác (Synergizing), với trẻ em, chúng ta chỉ tạo nên những con
keo, con vẹt hay là những bộ máy phát âm một cách tự động. Trái lại,
trong mọi quan hệ giáo dục, đích thực và đúng nghĩa, ưu tiên SỐ MỘT
của chúng ta là con người có ý thức, có giá trị, có khả năng quyết
định và chọn lựa.
8.- Đặt TRỌNG TÂM vào con người, trong mỗi quan
hệ tiếp xúc và trao đổi còn có nghĩa là tham cứu những ý kiến của
họ, về tầm nhìn cũng như về những quyết định quan trọng.
Trong một tập thể, một cộng đồng hay là một Đất
Nước, thiết lập những quan hệ lãnh đạo chiều ngang hay là tạo ảnh
hưởng, còn có nghĩa là lắng nghe ý kiến của từng người, tham khảo
tầm nhìn của mỗi người. Không một tiếng nói nào được khinh thường.
Từ đó, mỗi chương trình, mỗi kế hoạch là kết tinh, kết tụ, tổng hợp
và đúc kết mọi ý kiến của mọi thành phần. Nói đúng hơn, mọi thành
phần lắng nghe nhau, trao đổi, chia sẻ qua lại với nhau.
Chúng ta hãy trở lại với cách tổ chức của Thần
Kinh Não Bộ. Mọi thành tố của cơ thể không ngừng gởi tin tức về
Trung Ương. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Thùy Trán
(Frontal Cortex) đã tham khảo mọi tầng lớp cơ quan và trung tâm khác
nhau. Trong những trường hợp khẩn trương, vì lý do sinh tồn, Cấu
Trúc Hạnh Nhân đã áp dảo mọi cấu trúc khác. Kết quả là xúc động tràn
ngập. Nhưng tình huống nầy đã làm tổn hại hạnh phúc và sức khỏe của
con người toàn diện. Phải chăng đó là bài học quí hóa, cần được rút
tỉa cho mọi quan hệ xã hội giữa người với người. Ích lợi gì, khi
chúng ta ngụp lặn trong của cải, tiền bạc, để rồi cuối cùng phải
chuốc lấy hậu quả “tàn gia bại sản” trên bình diện làm người, làm
anh chị em, làm đồng bào?
Trong lãnh vực giáo dục trẻ em tự kỷ, chính vì
những lý do vừa được khảo sát về Trí Thômg minh Xã Hội, chúng ta cần
sáng suốt và can đảm nêu ra câu hỏi và cùng nhau rút kinh nghiệm:
“Ưu tiên số một là gì? Điều nào quan trong bậc nhất cho cuộc sống
của các em?
***
TÓM LƯỢC
Để tóm lược tất cả nội dung được trình bày về Trí
Thông Minh Xã hội, tôi xin mượn lại bảy bước đi lên, do Stephen N.
COVER đề xuất, nhằm xác định những điêu cần làm, khi giáo dục trẻ em
có nguy cơ tự kỷ:
Bước thứ nhất: Quyết định và chọn lựa, thay vì
phản ứng một cách máy móc, tự động và bốc đồng,
Bước thứ hai: Xác định Mục Đích và mục tiêu một
cách kỹ càng và đứng đắn,
Bước thứ ba: Khảo sát và đặt Ưu Tiên Số Một lên
hàng đầu,
Thứ bốn: Lắng nghe ngôn ngữ có lời và không lời
của trẻ em, để phát hiện nhu cầu ở đây và bây giờ của các em,
Thứ năm:Tạo quan hệ đồng cảm và đồng hành với trẻ
em, khi làm công việc giáo dục, thay vì áp đặt, cưỡng chế, trừng
phạt, với bất cứ lý do gì. Tệ hơn nữa là đánh đập, cô lập, nhốt vào
phòng và khóa kín cửa.
Thứ sáu:Tương tạo và tương tác, bằng cách tạo
điều kiện, học cụ, phương tiện, cơ hội… để trẻ em quyết định và chọn
lựa. Đồng thời, kêu mời trẻ em giúp chúng ta thực hiện và hoàn thành
một số công tác cần thiết…
Thứ bảy: Mỗi ngày làm mới, đánh sáng lại sáu cách
làm trên đây. Nói khác đi, chúng ta hãy làm người, để giúp trẻ em
làm người, cho dù các em đang có những nguy cơ tự kỷ.
Lausanne, ngày 27-12-2006
NGUYỄN Văn Thành
Sách tham khảo:
1)
Daniel GOLEMAN - Social Intelligence - Hutchinson, London
2006
2)
Arone M. ARONE - The Theorem - Winchester , UK 2005
3)
Edward DE BONO - Six thinking hats – Penguin Books, London
1886
4)
Stephen R. COVER - The 7 Habits of highly effective,
People -S&Sch. UK 1992
5)
Marshall B. ROSENBERG -Nonviolent Communication-,
PuddleDancer CA, 2001
0 nhận xét:
Đăng nhận xét