Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Nhận diện tính cách 'thật' và 'ảo' của một người trên Facebook

Facebook đã thu hút hơn 700 triệu người sử dụng và trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2011, số lượng người sử dụng Facebook đã lên đến 2.234.000 người, đứng thứ 54 trong tổng số 213 nước có người sử dụng Facebook.

Sức hấp dẫn của Facebook một phần đến từ chức năng chia sẻ thông tin cá nhân và tìm hiểu về người khác, trong đó có tính cách. Khi mạng xã hội thường được xem là một “thế giới ảo”, nơi mọi thông tin có thể bị biến tấu, người dùng có thể dễ dàng tạo nên một “tính cách ảo” cho mình. Như vậy, liệu những thông tin trên Facebook nói riêng, và mạng xã hội nói chung, phản ánh đúng đắn tính cách của một người đến đâu?
Tính cách thật vs Tính cách ảo
Để trả lời cho câu hỏi này, nhà tâm lí học Sam Gosling tại đại học Texas (Mỹ) đã cho 236 sinh viên người Đức và Mỹ hiện đang sử dụng mạng xã hội hoàn thành một bản trắc nghiệm tính cách.
Đầu tiên, bản trắc nghiệm này “đo” tính cách thật của người tham gia dựa trên bảng phân loại “Big Five”, gồm có 5 yếu tố nổi bật của tính cách với những chữ cái đầu trong tên yếu tố ghép thành chữ “OCEAN” (đại dương). Mỗi yếu tố có một thước đo cấp độ nhất định mà ở hai đầu thước là hai thái cực của yếu tố đó:
Openness to Experience (Sẵn sàng trải nghiệm): Trân trọng nghệ thuật, cảm xúc, sự mạo hiểm, những ý tưởng mới lạ, sự tò mò và nhiều trải nghiệm.
Điểm thấp Điểm cao
Nhất quán/cẩn trọng < --------------------> Sáng tạo tò mò
Conscientiousness (Tận tâm): Thường có tính kỉ luật, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm đạt được mục đích của bản thân. Là người thích lên kế hoạch hơn là hành động theo quán tính.
Điểm thấp Điểm cao
Dễ dãi/vô tư < ----------------------> Có tổ chức/hiệu quả
Extraversion (Hướng ngoại): Năng động, suy nghĩ tích cực, tìm thấy sự hào hứng khi có mặt người khác ở xung quanh.
Điểm thấp Điểm cao
Rụt rè/ít giao tiếp < ----------------------> Thân thiện/năng động
Agreeableness (Dễ chịu): Thường dễ động lòng trắc ẩn và sẵn sàng hợp tác hơn là nghi ngờ và căm ghét người khác.
Điểm thấp Điểm cao
Lạnh lùng/tàn nhẫn < ---------------------> Thân thiện/có lòng trắc ẩn
Neuroticism (Nhạy cảm): Thường dễ trải qua những cảm xúc bất định như giận dữ, lo lắng, trầm cảm, hoặc dễ bị tổn thương.
Điểm thấp Điểm cao
An tâm/tự tin < ------------------------> Nhạy cảm/lo lắng
Sau đó, người tham gia sẽ chọn các tính cách họ mong muốn trở thành (ví dụ, một sinh viên mong muốn mình trở nên chăm chỉ hơn, không còn ham chơi nữa), gọi là “tính cách lý tưởng”. Các “tính cách lý tưởng” sẽ được đo lại độc lập theo thang “Big Five”.
Cuối cùng, nhiều người khác (independent observer) không tham gia vào việc đánh giá tính cách trên sẽ được xem trang cá nhân trên mạng xã hội của các sinh viên và đánh giá tính cách của các sinh viên này thông qua các trang cá nhân.
Khám phá bất ngờ
Sau khi so sánh tính cách thật với tính cách lí tưởng hoá và tính cách mà những quan sát viên rút ra, Gosling kết luận rằng con người có thiên hướng thể hiện tính cách thật sự của mình trên mạng xã hội hơn là tính cách lí tưởng hoá.
“Tôi thật sự ngạc nhiên trước những phát hiện này vì quan niệm thường gặp là con người sử dụng trang cá nhân nhằm tạo ấn tượng tốt hơn về bản thân mình. Nhưng trên thực tế, nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy các trang cá nhân trên mạng xã hội thể hiện khá chính xác chủ nhân của chúng, có thể là vì con người không muốn cố gắng tạo ra một hình ảnh đẹp cho bản thân hoặc có cố gắng nhưng thất bại trong việc tạo hình mẫu lý tưởng đó. Các phát hiện này cho thấy rằng các mạng xã hội không phải xoay quanh việc tạo dựng hình ảnh đẹp cho chủ nhân của chúng mà thay vào đó chỉ là một phương tiện để con người tham gia giao tiếp trong xã hội, như điện thoại chẳng hạn.”
Gosling cho rằng: “Việc thể hiện bản thân một cách chính xác góp phần làm tăng sự hấp dẫn của các mạng xã hội theo hai phía. Thứ nhất, người sử dụng mạng xã hội có thể cho mọi người biết mình là ai, và qua đó thoả mãn nhu cầu được người khác biết đến của họ. Thứ hai là người xem các trang cá nhân cũng cảm thấy tin tưởng vào thông tin họ rút ra được từ mạng xã hội, từ đó tự tin trong việc sử dụng hệ thống mạng xã hội hơn.”
Cùng với những khám phá trên, nghiên cứu này cũng đã phát hiện rằng, khi nhìn vào trang cá nhân của một người lạ mặt lần đầu tiên, chúng ta thường khó phát hiện một số mặt tính cách của họ. Ví dụ, chúng ta rất khó phát hiện tính “nhạy cảm” (neuroticsim), nhưng đánh giá dễ dàng hơn tính “hướng ngoại” (extraversion) và “sẵn sàng trải nghiệm” (openness to experience).

Công cụ của nhà tuyển dụng
Thực tế hiện nay rất nhiều công ty đã tìm hiểu về nhân sự tương lai bằng cách xem xét trang cá nhân của họ trên Facebook, theo như một nghiên cứu của Jennifer Golbeck và đồng nghiệp tại đại học Maryland (Mỹ). Họ đã khảo sát trang cá nhân của gần 300 người sử dụng Facebook tham gia thí nghiệm để tìm hiểu thông tin về hoạt động, chương trình TV, phim, nhạc, sách, trích dẫn ưa thích, và các tổ chức mà những người này tham gia cũng như phần “Giới thiệu về bản thân”. Các nhà nghiên cứu sau đó cũng cho họ kiểm tra phần trắc nghiệm tính cách để đo các yếu tố của “Big 5”. Kết quả của cuộc thí nghiệm: Bạn có thể đoán được gần 10% tính cách của một người bằng Facebook! Golbeck nhận định: “Rất nhiều công ty đã cho nhân viên của họ làm trắc nghiệm tính cách. Nếu như bạn có thể đoán tính cách của một người qua mạng xã hội, bạn cũng không cần bản trắc nghiệm đó nữa”.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng những người có tính cách “hướng ngoại” (extroversion) thường có nhiều bạn hơn, nhưng phần lớn là những người rất khác nhau và không quen biết lẫn nhau. Còn nữ giới trên các trang mạng xã hội thường thể hiện tính “tận tâm” (conscientiousness), “dễ chịu” (agreeableness) và “nhạy cảm” (neuroticism) nhiều hơn so với nam giới.
Một điểm khá thú vị là những người có phần “Họ” dài trong tên của mình thường thể hiện tính “nhạy cảm” (neuroticism), có thể là vì “khi cả cuộc đời gắn với cái tên dễ bị gọi nhầm, chủ nhân của nó thường dễ lo lắng hoặc giận dữ hơn,” theo như một nghiên cứu trình bày tại hội thảo Computer Human Interaction ở Vancouver.
Cửa sổ tính cách?
Một điểm yếu của những nghiên cứu này là chúng không thể đánh giá được suy nghĩ, thái độ, đức tin của một người. Gosling cho rằng “Big 5” chỉ thể hiện những tính chất của hành động (behavioral traits) và còn nhiều thứ sâu sắc hơn về con người mà khó có thể đo lường. Tuy nhiên, Gosling nhận thấy mạng xã hội có thể mở ra những hướng nghiên cứu mới về hành vi và tính cách của con người.
Am hiểu tính cách của một người là vô cùng quan trọng, vì nhiều quyết định được đặt ra, từ nhỏ đến lớn, từ việc có nên làm quen với người này đến việc có nên thuê người kia vào làm, phần nào dựa vào tính cách của họ. Vì thế, những mạng xã hội như Facebook cần được nghiên cứu và tìm hiểu nhiều hơn để có thể trở thành nguồn thông tin hữu ích về con người.
NGOC T (VIET PSYCHOLOGY)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét