Nho giáo là một
hệ thống giá trị nhiều chiều, phức tạp, không thể đơn giản khen hay chê
một chiều, không thể nghiên cứu Nho giáo như một hệ thống khép kín hoặc
là hệ tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, hoặc là tư tưởng phản nhân đạo.
Đặt vấn đề:
1.Đầu thế kỷ XX, trong
xu thế chung của châu Á mà Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) diễn tả
là “thoát Á luận” ( thoát khỏi châu Á), nhiều trí thức vùng Đông Á- hay
là vùng văn hóa Hán- đã tiến hành phê phán nhiều giá trị truyền thống
phương Đông trong đó có Nho giáo. Trong các xu hướng phê phán Nho giáo
đó, có một xu hướng phê phán Nho giáo như một học thuyết nam quyền – đàn
áp nữ quyền. Tại Trung Quốc, có thể kể đến Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường ; tại
Việt Nam tiêu biểu là Phan Khôi (1887-1960) . Việc phê phán Nho giáo đàn
áp phụ nữ hiện vẫn tiếp tục. Ở Trung Quốc, những tiếng nói lên án gay
gắt Nho giáo như một học thuyết đàn áp nữ quyền có khi đi đôi với cảm
hứng khẳng định chính Lão Trang mới là học thuyết nữ quyền. Dường như
vấn đề nữ quyền là điểm yếu của Nho giáo, có thể dùng nó để hạ gục Nho
giáo.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Nho giáo nhiệt hiện
nay, khi mà những giá trị Nho giáo đã và đang được xem xét lại, khi mà
chủ trương phục hưng Nho học như là một hệ thống giá trị tinh thần
truyền thống được nhiều học giả Trung Quốc và nước ngoài quan tâm, đã
xuất hiện không ít công trình bênh vực Nho giáo trong vấn đề phụ nữ.
Nhiều học giả hiện nay cho rằng việc kết tội Nho giáo đàn áp phụ nữ là
kết quả của cách nhìn Âu châu trung tâm luận (Eurocentrism), hay là kết
quả của việc lấy hệ giá trị của nam giới để áp đặt cho phụ nữ. Theo họ,
thực ra, Nho giáo có tiềm năng của một học thuyết nữ quyền, hay Nho giáo
chính là nữ quyền (Confucianism is feminism). Nếu như trước đây, khi
phân tích vấn đề Nho giáo và phụ nữ, người ta chỉ xuất phát từ khái niệm
sex- giới tính (sex được dịch sang Trung văn là性别 tính biệt) thì nay nhiều nhà nghiên cứu đề xuất khái niệm gender – giới tính xét trên phương diện xã hội (gender được dịch sang Trung văn là 社会性别 xã hội tính biệt).
Nhưng điều đáng tiếc là việc biện luận của họ mang tính lý thuyết nhiều
hơn là thực tiễn. Chẳng hạn, Sam Crane cho rằng phụ nữ chăm sóc gia
đình nhiều hơn nam giới mà đạo Nho lấy gia đình suy ra đạo đức xã hội,
vậy thì phụ nữ gần với đạo Nhân hơn. Một cách hệ thống, công trình “Nho
giáo và phụ nữ: một cách giải thích về mặt triết học” Confucianism and women : a philosophical interpretation
đã phân tích đạo Nhân của Khổng Tử, phân tích mô hình triết học Âm-
Dương và mô hình không gian Nội- Ngoại để cho thấy sự phân công nam nữ ở
Trung Quốc về phương diện văn hóa -xã hội là hợp lý. Tác giả Li-Hsiang
Lisa Rosenlee nêu lên 4 nhiệm vụ của chuyên luận này: 1) nghiên cứu
nguồn gốc Nho giáo và đạo Nhân; 2) nghiên cứu sơ đồ tư duy của người
Trung Quốc do Nho giáo trình bày như âm/ dương, nội ngoại để
ứng dụng vào tìm hiểu vị trí người phụ nữ; 3) nghiên cứu quan hệ qua lại
giữa Nho giáo và hệ thống giới của Trung Quốc, vai trò của Nho giáo
trong biện minh và duy trì cấu trúc gia đình phụ quyền của xã hội Trung
Quốc, xem xét người phụ nữ không phải như là nạn nhân mà là người cùng
tham gia duy trì thực tiễn phân biệt giới ở Trung Quốc tức xem xét người
phụ nữ không phải như một thực thể tự nhiên mà là một thực thể văn hóa ;
4) đi ra ngoài sự phê phán một chiều các yếu tố phân biệt giới của Nho
giáo và giải cấu trúc chính sách về giới, đưa ra điểm nhìn cho phép
trình bày việc giải phóng phụ nữ gắn liền với các bước xây dựng một nền
nữ quyền Nho giáo ( tr.3-4).
Những người phê phán Nho giáo đã chọn
một đề tài khó chịu là quan niệm nghiệt ngã về trinh tiết của Nho giáo
đối với phụ nữ, chỉ ra bất công đối với phụ nữ, nhất là cách nhìn mang
tính điển chế hóa (canonization) đối với người phụ nữ quả phụ (không
khuyến khích họ tái giá) và đề cao mẫu người phụ nữ thủ tiết và tuẫn
tiết (守节、殉节) qua kiểu truyện về liệt nữ (烈 女 传)
khá phổ biến ở Trung Quốc . Cả Phan Khôi ở Việt Nam và Lâm Ngữ Đường ở
Trung Quốc đều dẫn câu nói nổi tiếng của một nhân vật Tống Nho là Trình
Di “chết đói là chuyện rất nhỏ, thất tiết là chuyện rất lớn” (饿死事极 小,失节事极大)
như là bằng chứng điển hình nhất về sự đàn áp của Nho giáo đối với phụ
nữ. Có thể nói đây là chỗ khó khăn cho những người bảo vệ Nho giáo như
một hệ thống giá trị và chúng ta có thể chứng kiến tính thiếu thuyết
phục của các luận cứ biện hộ. Li-Hsiang Lisa Rosenlee biện minh cho sự
sùng bái người quả phụ không tái giá (cult of widowhood) và tục bó chân
phụ nữ (practice of footbinding) bằng cả một sơ đồ văn hóa ưu tiên cho
sự sản sinh ra con trai kế thừa giòng dõi. “Nói rộng ra, sự phân biệt
giới tính ở Trung Quốc có thể giải thích như là sự nhấn mạnh logich của
sự nối dõi tông đường đi liền với giả định rằng sự nối dõi này chỉ có
thể thực hiện qua con đường nam giới. Điều này đến lượt mình lại có liên
hệ với đạo hiếu trong gia đình kiểu Nho giáo và nghi thức thờ cúng tổ
tiên” (tr. 152).Nhưng cắt nghĩa như thế là suy luận lý thuyết chứ không
đề cập đến thực tế ứng xử của Nho gia đối với vấn đề trinh tiết của
người phụ nữ. Tuy vậy, về phía những người phê phán Nho giáo đối với nữ
quyền lại dường như quên một thực tế là chính trong xã hội nam quyền có
sự ủng hộ của Nho giáo, vẫn có khả năng xuất hiện tư tưởng bảo vệ nữ
quyền.
*****
Bài viết của chúng tôi không đi vào các
vấn đề lý luận và thực tiễn của Nho giáo Trung Quốc vốn được các nhà
nghiên cứu đề cập rất nhiều nhưng hiện vẫn chưa đạt được sự nhất trí
(các quan niệm gây tranh luận như “tam cương”, “tòng nhất chi chung”,
vấn đề âm- dương, nội ngoại, liệt nữ, “chết đói sự nhỏ, thất tiết sự
đại”, quan niệm phụ nữ thủ tiết là của Nho gia hay Pháp gia…) mà trong
khuôn khổ hạn hẹp, chỉ khảo sát một số hiện tượng của văn học Việt Nam
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhằm qua đó, cố gắng nêu lên một vấn đề có tính
chất phương pháp luận nghiên cứu Nho giáo chung.
Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII đến đầu
thế kỷ XX có thể cấp cho chúng ta một nguồn tư liệu phong phú để suy
nghĩ về vấn đề nữ quyền và Nho giáo. Trong khuôn khổ một xã hội Nho giáo
nam quyền, thực tế sáng tác văn học giai đoạn này cho thấy chủ nghĩa nữ
quyền đã xuất hiện bên cạnh dòng tư tưởng chống nữ quyền truyền thống.
Về phương diện tư tưởng, có thể nói thế
kỷ XVIII và XIX, trong đời sống tư tưởng ở Việt Nam , Nho giáo vẫn là hệ
tư tưởng thống trị. Hiện nay, chưa có nhiều công trình khảo cứu về tính
chất Nho giáo giai đoạn này. Theo quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng
(1876-1947), một nhà nho yêu nước, cũng là một nhà khoa bảng lớn ở đầu
thế kỷ XX, Nho giáo Việt Nam ở thời gian này chính là Tống Nho. Nói
chính xác hơn, ông cho rằng từ thuộc Minh trở về sau, tức quãng từ đầu
thế kỷ XV trở đi, cái học Tống Nho đã nhập làm một với cái học khoa cử
mà tự xưng là cái học Khổng Mạnh và cho đến mãi đầu thế kỷ XX, Nho giáo ở
Việt Nam vẫn là Tống Nho. “Triều Lê trở đi, chỉ lưa có một thứ học Tống
Nho với văn khoa cử” . Ông kịch liệt đả kích phê phán Bùi Huy Bích
(1744-1818), người đã biên soạn loại sách tóm tắt kinh điển Nho học (gọi
là tiết yếu) cho sĩ tử đi thi “ Lối học Tống Nho và khoa cử bôi lọ lên
sách sót của Thánh hiền đã bao nhiêu đời đến cái học “tiết yếu” của Bùi
Huy Bích thì rành là cái lối “phù thủy kiếm gà”, “thầy đồ gạy gạo”, cốt
nhét nách một cái nghề để bước lên con đường sĩ hoạn không có chút gì là
đáng gọi là học” (tr.783).
Nói về Nho giáo đời Nguyễn trong thế kỷ
XIX, nhà nghiên cứu người Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi lại cho rằng đó là
Minh Nho, một thứ Nho giáo được coi là cực đoan hơn cả Tống Nho đối với
nữ quyền. Ông lý giải là nhà Nguyễn muốn theo một thứ Nho giáo chính
thống của người Hán hơn là theo Thanh Nho, Nho giáo một triều đại ngoại
tộc : “Những người Việt Nam theo Nho giáo có xu hướng tỏ ra “bảo hoàng
hơn vua” về mặt đó. Trong lúc nhà Thanh đang trị vì ở Trung Hoa sau khi
lật đổ nhà Minh năm 1644, thì nhà Nguyễn thích tự coi mình như là nhà
Minh. Điều này cho phép họ tỏ vẻ là những người thừa kế chính thống của
nền văn minh Trung Hoa và đạo lý Nho giáo. Ý muốn tự đồng hóa với nhà
Minh thể hiện rõ nhất trên bình diện văn hóa: nghi lễ đang thực hiện ở
Huế, chẳng hạn, và cả trang phục của nhà vua và của các quan đều chịu
ảnh hưởng triều đình nhà Minh”.
Nhưng chính trong bối cảnh đó Tống Nho –
Minh Nho ấy, đã tồn tại song song hai dòng văn học nữ quyền và chống nữ
quyền. Điều thú vị là có khi chính người phê phán Tống Nho quyết liệt
nhất, như Huỳnh Thúc Kháng, lại vẫn giữ quan điểm bảo thủ đối với nữ
quyền.
Trước hết ta hãy nói đến dòng văn học nữ quyền. Về khái niệm văn học nữ quyền, chúng
tôi tán thành quan điểm của tác giả Lưu Tuệ Anh. Không phải tất cả sáng
tác của các tác giả nữ đều thuộc về dòng văn học nữ quyền và sáng tác
của một tác giả nam lại có khi có thể được coi là văn học nữ quyền. Tiêu
chí “văn học nữ quyền” ở đây không phải là giới tính của tác giả hay
giới tính của nhân vật văn học mà là nội dung sáng tác có liên quan đến
việc bảo vệ, bênh vực quyền sống của phụ nữ, giải phóng phụ nữ. “Phê
bình và nghiên cứu văn học nữ tính phải trực tiếp đối diện với sáng tác
văn học do các nam nữ tác gia sáng tác, suy nghĩ về quan hệ của sáng tác
của các tác giả nam nữ đối với sự sinh tồn và giải phóng phụ nữ”. Theo
quan điểm này, văn học Việt Nam thế kỷ XVIII và XIX có một dòng văn học
nữ quyền ở chừng mực đáng kể. Hồ Xuân Hương ( chưa rõ năm tháng sinh-
mất trước năm 1842) là một nhà thơ nữ có một thân phận lẽ mọn, với những
đặc điểm khiến ta nghĩ đến thân phận ca nhi, kĩ nữ, đã bộc bạch nỗi
chán ngán trước tình yêu bé mọn mà những người đàn ông dành cho người vợ
lẽ:
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Và sự khát khao một tình yêu xứng đáng, tình yêu có yếu tố thân xác rõ rệt
Tài tử văn nhân ai đó tá,
Thân này đâu đã chịu già tom.
Trong bối cảnh xã hội nam quyền theo
Tống Nho nơi người phụ nữ vẫn được khuyến khích cam chịu thân phận, an
phận thủ thường thì tiếng nói của một nhà thơ nữ như Hồ Xuân Hương đề
cập đến quyền sống phụ nữ xét về đời sống bản năng có ý nghĩa bênh vực
nữ quyền thực sự. Bởi vì so với nam giới, người phụ nữ chịu nhiều bất
công, thiệt thòi nhất trong đời sống bản năng.
Hai thế kỷ XVIII- XIX cũng chứng kiến
tiếng nói bênh vực nữ quyền của một số nhà Nho- người đàn ông. Ba kiểu
nhân vật phụ nữ đều là do các nhà văn- nhà Nho sáng tác- đã tạo nên
những cơn sốt văn học cho giai đoạn này là: người chinh phụ (vợ lính),
người cung nữ và người kỹ nữ. Chinh phụ ngâm của nhà Nho Đặng
Trần Côn (sinh và mất ở đầu thế kỷ XVIII) nguyên tác bằng chữ Hán đã
được nhiều người hào hứng dịch sang thơ tiếng Việt (thơ Nôm), hiện còn
giữ được 7 bản dịch (3 bản bằng thơ lục bát và 4 bản bằng thơ song thất
lục bát). Hiện tượng có nhiều bản dịch Chinh phụ ngâm sang
tiếng Việt như thế cho thấy làm sóng hưởng ứng mạnh mẽ đối với tư tưởng
đặt ra trong tác phẩm. Nhà Nho Nguyễn Gia Thiều ( 1741-1798) viết Cung oán ngâm khúc ,
nhưng đề tài về người cung nữ lại không chỉ là cảm hứng của riêng
Nguyễn Gia Thiều: có cả một phong trào viết về người cung nữ ở giai đoạn
cuối thế kỷ XVIII mà ông chỉ là một đại diện tiêu biểu nhất. Nguyễn Du
(1765-1820) là nhà nho- người đàn ông- đi xa hơn cả trên con đường tranh
đấu cho nữ quyền: ông chọn làm nhân vật chính cô gái Thúy Kiều – một
người con gái lương thiện, có khát vọng mạnh mẽ về tình yêu tự do, bị xã
hội đẩy vào thân phận kỹ nữ. Cách ứng xử không theo chuẩn mực Nho giáo
trong tình yêu của Thúy Kiều, việc tồn tại trong nhà chứa hàng chục năm
mà không tuẫn tiết của Thúy Kiều đã gây nên tranh luận, bình phẩm trong
suốt cả thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Mỗi kiểu nhân vật nêu vấn đề nữ
quyền theo một cách riêng, song đều do các nhà thơ- nhà Nho sáng tạo.
Thực tế này cho thấy, nhà Nho cũng có thể tiếp cận với vấn đề nữ quyền
theo hướng tích cực.
Nhân vật chinh phụ- người vợ lính- có lẽ
chỉ là cái cớ để tác giả Đặng Trần Côn lên tiếng nói giùm người phụ nữ
quí tộc những khát khao sâu kín nhưng không kém phần sôi nổi của chính
người phụ nữ về tình yêu lứa đôi đầy màu sắc nhục thể. Bởi khi người
chồng đi đánh trận xa, nhiều năm không tin tức và cũng không rõ ngày về
thì tác giả mới có cớ để sử dụng các motip như giấc mộng gặp chồng, nỗi
cô đơn trên chiếc giường trống vắng, hay nỗi lo về tuổi xuân đang qua đi
uổng phí.
Nhận vật cung nữ cũng là một kiểu nhân
vật khá truyền thống của văn học phương Đông, nhưng trong văn học Việt
Nam chỉ đến giai đoạn này mới được các nhà Nho chú ý khai thác. Đây là
kiểu người phụ nữ có nhan sắc- một nét nữ tính rất đặc biệt mà văn học
nhà Nho thường né tránh- nhưng rất bất hạnh vì chế độ cung nữ. Hàng trăm
hàng ngàn người phụ nữ xinh đẹp phải phục vụ cho nhu cầu ăn chơi, giải
trí của một ông vua thì tất nhiên, đời sống tính dục của họ rất cơ cực.
Người cung nữ thất sủng (không còn được vua yêu) thì coi như đã chết
ngay trong cuộc sống này. Màu sắc ái ân, nhục thể của tác phẩm Cung oán ngâm khúc là
một nét nữ quyền nổi bật. Tác giả đã tái hiện cảm giác khoái lạc của
cung nữ khi được sủng ái và sự đau buồn khi mất tình yêu của quân vương.
Tại sao người phụ nữ không nói và nghĩ về điều đó mới là người phụ nữ
đức hạnh ?
Nhưng chỉ với nhân vật Thúy Kiều, văn
học nữ quyền của nhà Nho Việt Nam thời trung đại mới thực sự đạt đỉnh
cao. Thúy Kiều đã khá chủ động tìm đến với Kim Trọng, chàng trai mà nàng
yêu quí, sự chủ động mà Nho gia không thể chấp nhận. Thúy Kiều đã bị
cảnh ngộ cuộc sống đẩy vào thanh lâu, nơi là địa ngục đối với người phụ
nữ trinh tiết. Tuy nhiên, Kiều đã đi qua nhà chứa 15 năm mà không chọn
cái chết để bảo toàn trinh tiết, không “tuẫn tiết” dẫu cho nàng đã hứa
hôn với Kim Trọng. Nguyễn Du đã viết về cuộc đời nàng với sự cảm thông,
thương yêu, trân trọng đặc biệt.
Cả ba nữ nhân vật nói trên đều được các
tác giả Nho sĩ nhìn từ quan điểm “hồng nhan bạc mệnh”. Các câu thơ mở
đầu cho ba tác phẩm đều thông báo về triết lý “hồng nhan bạc mệnh”:
Thưở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
(Chinh phụ ngâm)
Oan chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.
(Cung oán ngâm khúc)
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
(Truyện Kiều)
“Hồng nhan bạc mệnh” là mệnh đề phổ biến
ở Trung Quốc và Việt Nam thời trung đại, nhưng đến thế kỷ XVIII-XIX,
các nhà văn – Nho sĩ Việt Nam đã sử dụng mệnh đề này để nói lên sự bất
công, vô lý của xã hội nam quyền đối với những người phụ nữ có nhan sắc,
kỳ thực là sự lên án xã hội nam quyền đã biến người phụ nữ nhan sắc
thành đồ chơi.
Một sự miêu tả vắn tắt như trên cũng đủ
cho thấy, các nhà Nho- những người đàn ông trong bối cảnh văn hóa Tống
Nho ở giai đoạn này vẫn có thể tiếp cận chủ nghĩa nữ quyền theo cách
riêng của họ, nêu lên những vấn đề mà thực tế cuộc sống và tầm nhìn của
họ cho phép.
*****
Nhưng sẽ là không đầy đủ nếu chúng ta
không nói đến khuynh hướng bảo thủ của nhà Nho trong vấn đề nữ quyền
suốt từ thế kỷ XVIII cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Vì vấn đề này là đề tài
của một chuyên luận độc lập nên ở đây chúng tôi chỉ chọn phân tích hai
sự kiện tiêu biểu. Một là sự kiện các nhà Nho ca ngợi kiểu người phụ nữ
Việt Nam có thực, đã tuẫn tiết theo chồng, được lập đền thờ,
hai là sự kiện các nhà Nho phê bình nhân vật Thúy Kiều, một nhân vật văn
học, thậm chí là nhân vật của một tác phẩm Trung Quốc mà cốt truyện
được Nguyễn Du vay mượn sáng tác nên Truyện Kiều.
Chồng của Đoàn phu nhân, một phụ nữ có
thực ở thế kỷ XVIII, bị tử trận năm 1786. Bà lập đàn tế người chồng rồi
ra bến sông nơi người chồng chết làm lễ chiêu hồn sau đó gieo mình xuống
sông chết. Có người đã làm thơ cảm khái nhân cái chết đó như sau:
Khả lân nhị bách dư niên quốc,
Thiên lý dân di nhất phụ nhân.
(Đáng thương một triều đại có hơn hai trăm năm lẻ- chỉ nhà Lê từ sau Trung hưng đến lúc đó đã hơn hai trăm năm-TNT
Chỉ còn một người phụ nữ giữ được thiên lý và đạo người)
Đây là lời ca ngợi người liệt nữ đã tuẫn
tiết theo chồng, phù hợp với quan niệm bảo thủ, phi lý, phản nhân đạo
của Tống Nho. Hai chữ “thiên lý” ở đây ngẫu nhiên hay có dụng ý
gợi liên tưởng đến một câu nói của Chu Hy “tồn thiên lý, diệt nhân
dục”. Chu Hy nói: “Thánh nhân thiên ngôn vạn ngữ chỉ thị giáo nhân tồn
thiên lý diệt nhân dục”, “học giả tu thị cách tận nhân dục, phục tận
thiên lý, phương thủy vi học 朱熹说:“圣人千言万语只是教人存天理,灭人欲”,“学者须是革尽人欲,复尽天理,方始为学。”(《朱子语类》卷四”
(Chu Tử ngữ lục, quyển 4: Thiên ngôn vạn ngữ của Thánh nhân chỉ giáo
dục con người bảo tồn Thiên lý, tiêu diệt nhân dục”, “học giả cần trừ bỏ
nhân dục, phục hồi thiên lý, rồi mới học tập”). “Thiên lý” nói nói
trong hai câu thơ trên có tính chất ngụy biện rất rõ: tại sao lại cho
việc tuẫn tiết theo chồng là thiên lý ? Người đàn ông có sức mạnh cơ bắp
hơn người phụ nữ, đó là thiên lý. Người phụ nữ đẻ con, đó là thiên lý,
tức là qui luật khách quan. Nhưng chẳng có tính qui luật tất yếu nào
trong việc người vợ phải/ nên tuẫn tiết theo người chồng đã chết. Đó chỉ
là cách tuyên truyền đầy ích kỷ của đạo đức nam quyền bất công. Không
có người đàn ông nào tuẫn tiết, chết theo người vợ. Ở Việt Nam không có
hệ thống sách liệt nữ truyện có thể là vì đối với vấn đề thủ
tiết hay tuẫn tiết của phụ nữ, nhà Nho Việt Nam khoan dung hơn so với
nhà Nho Trung Quốc. Nhưng việc các nhà Nho ca ngợi người phụ nữ tuẫn
tiết theo chồng hay lấy cái chết để chứng minh tiết hạnh với người chồng
cũng không phải là quá hiếm. Vũ Thị Thiết, người thiếu phụ Nam Xương (
nhân vật có thực ở huyện Lý Nhân, Hà Nam) đã tự trầm để chứng minh lòng
chung thủy, trinh trắng của mình trước người chồng cả ghen đã đi vào văn
học (Nguyễn Dữ đã ghi lại trong Truyền kỳ mạn lục, cốt truyện
vắn tắt: chồng Vũ thị đi đánh giặc, đêm đêm ở nhà nàng thường chỉ bóng
mình trên vách bảo đứa con nhỏ rằng đó là bố. Khi người chồng trở về,
ngày đầu tiên, đứa con nói ông ta không phải là bố, bố của đêm mới đến.
Sự nghi ngờ đã khiến người chồng kết án Vũ thị. Nàng đã nhảy xuống sông
tự tử để chứng minh sự vô tội của mình), được nhiều người ca ngợi là
liệt nữ, bản thân bà được tôn thờ như một nữ thần linh ứng. Bài thơ ca ngợi Vũ thị đã được viết theo tinh thần Tống Nho :
御題武氏娘祠
白日詩題分造化
紅顏情自付高深
黃江正氣存天地
故郡英風串古今
Ngự đề Vũ thị nương từ
Bạch nhật thi đề phân tạo hóa
Hồng nhan tình tự phó cao thâm
Hoàng giang chính khí tồn thiên địa
Cố quận anh phong xuyến cổ kim
(Bài thơ này viết giữa thanh thiên bạch nhật để làm rõ lẽ tạo hóa
Tấm lòng sâu kín của người hồng nhan đành phó mặc cho trời đất biết
Chính khí của người phụ nữ trên dòng Hoàng giang trường tồn cùng trời đất
Đạo đức tốt đẹp của bà sẽ mãi còn với thời gian)
Bài thơ không rõ tác giả, khắc
trên bảng gỗ trang trí trong đền thờ Vũ thị, có niên đại 1932, song nếu
“ngự đề” tức là của nhà vua. Nghĩa là mãi đến 1932, tinh thần Tống Nho,
Minh Nho vẫn còn tồn tại trong đời sống tư tưởng Việt Nam.
Logich của việc ca ngợi và thần
thánh hóa người phụ nữ tuẫn tiết ở đây đã rõ: nhằm định hướng khuyến
khích những hành động phụ nữ tuẫn tiết tương tự. Không thấy có chuyện
người đàn ông tuẫn tiết theo vợ. Nếu so sánh với Ấn Độ, dễ thấy có sự
tương đồng với việc lập đền thờ tưởng niệm những người phụ nữ nhảy lên
giàn thiêu chết theo chồng.
Sự kiện thứ hai chúng tôi sẽ phân tích
là việc các nhà nho thế kỷ XIX và thế kỷ XX bình luận nhân vật Thúy Kiều
, nhân vật của một tác phẩm văn học nổi tiếng Việt Nam. Hiện vấn đề
niên đại ra đời Truyện Kiều vẫn còn là vấn đề tranh luận, song chắc chắn
nó xuất hiện muộn nhất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XIX. Có rất
nhiều vấn đề đã đặt ra quanh nhân vật phụ nữ hư cấu này, nhưng chúng tôi
chỉ nói đến cách tiếp nhận nhân vật phụ nữ này theo quan điểm Tống Nho
về trinh tiết.
Tâm điểm của vấn đề mà các nhà nho Việt
Nam suốt thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX thảo luận về Thúy Kiều là vấn đề
trinh- dâm. Có hai sự kiện trong hành vi của nhân vật Thúy Kiều được họ
chú ý. Một là Thúy Kiều- một cô gái- đã tỏ ra khá chủ động trong tình
yêu với chàng trai Kim Trọng: nàng đã chủ động hẹn hò với Kim, đã chủ
động tìm đến với Kim trong đêm khuya thanh vắng : “Xăm xăm băng lối vườn
khuya một mình”. Việc này tuy đã được các nhà Nho thế kỷ XIX bỏ qua
song lại không qua mắt các nhà Nho thế kỷ XX. Ngô Đức Kế (1878-1929) và
Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là hai nhà Nho duy tân- yêu nước, lại có
tinh thần phê phán Tống Nho mạnh mẽ (trên đây chúng ta đã dẫn lời phê
phán Tống Nho của Huỳnh Thúc Kháng). Hai cụ vì hoạt động yêu nước chống
Pháp nên đều đã bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Nhưng trong cách nhìn
đời sống thân xác của người phụ nữ, hai cụ vẫn đứng trên lập trường bảo
thủ của Tống Nho. Năm 1924, Ngô Đức Kế viết “ Một đôi thiếu niên nam nữ,
đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau,
đối với phong hóa đạo đức đã là việc bất chính; mở đầu quyển sách như
thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa cũng không đủ làm gương tốt
cho đời”. Năm 1930, Huỳnh Thúc Kháng còn nặng lời hơn : “Hiện xã hội ta
ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong, bại tục kia, cái giống độc
con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít”. Nhà sử học
Nguyễn Thế Anh viết về cụ Huỳnh Thúc Kháng như sau “ cụ Huỳnh Thúc
Kháng, tỏ ra là hiện thân của một loại trí thức được nuôi dưỡng trong
Nho giáo và thấm nhuần Nho học” . Một nữ nhân vật được Nguyễn Du, một
nhà Nho sáng tác với tinh thần trân trọng yêu thương, lại bị các nhà Nho
khác lên án là dâm, đĩ. Sự kiện này bản thân nó cho thấy Nho giáo là
một hệ giá trị mở, đa chiều; nhà Nho là một nhân vật văn hóa phức tạp,
nhiều khả năng phân hóa.
Một vấn đề vào loại hóc búa nhất đối với
những người muốn bảo vệ giá trị Nho giáo là thái độ nghiệt ngã của nó
đối với sự sống của người phụ nữ. Tinh thần thủ tiết, tuẫn tiết đã chi
phối đến cách bình luận Thúy Kiều của các nhà Nho thế kỷ XIX. Thúy Kiều
sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, bị đưa đến lầu xanh. Tại đây, nàng đã
rút dao tự sát để bảo vệ phẩm giá của người phụ nữ. Vua Minh Mạng (trị
vì từ 1820 đến 1840) đã khen ngợi “Dùng dao nhọn sát thân, lòng trinh nữ
giữ mình tiết lớn”. Trên cương vị một ông vua của triều Nguyễn theo
Minh Nho (hay Tống Nho ?), vua Minh Mạng đã không bỏ lỡ cơ hội để tuyên
truyền cho lý tưởng đầy chất nam quyền về người liệt nữ. Nguyễn Công Trứ
(1778-1858), một nhà Nho được nhiều học giả hiện đại coi là “nhà Nho
tài tử” với phẩm chất “thị tài, đa tình”, lại phê phán gay gắt nàng
Kiều. Vấn đề là sau khi Kiều đâm dao vào cổ tự tử nhưng không chết, nàng
đã không quyết tâm chết. Thúy Kiều đã sống trong chốn nhà chứa hàng
chục năm trời, nghĩa là không giữ được phẩm tiết theo quan điểm Nho
giáo. Nguyễn Công Trứ đã phê phán Thúy Kiều, cho rằng vì tà dâm, vì
“bướm chán ong chường” nên đã phải sống kiếp đoạn trường: Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng…Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa, Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm. Nghĩa
là nhà Nho Nguyễn Công Trứ đòi hỏi người phụ nữ Thúy Kiều phải tự tử để
bảo toàn phẩm tiết. Hai người, một ông vua, một quan đại thần, khen và
chê tưởng như mâu thuẫn nhau nhưng kỳ thực rất thống nhất : chết đói sự
nhỏ, thất tiết chuyện lớn. Điều đáng chú ý là quan điểm khắc nghiệt có
tính chất Tống Nho đối với trinh tiết phụ nữ tồn tại dai dẳng
ngay cả trong cách nghĩ của Tản Đà (1889-1939), một nhà Nho có nhiều nét
cách tân, từng được các nhà thơ lãng mạn Âu hóa thuộc phong trào thơ
Mới nửa đầu thế kỷ XX tôn vinh; ông được xem là người dạo những bản đàn
đầu tiên báo hiệu cho trào lưu văn học hiện đại. Trên tờ An Nam tạp chí số
37, ngày 16-4- 1932, Tản Đà ca ngợi những tiết phụ xưa “dẫu chưa hẳn
như phụng hoàng, kỳ lân trong phi cầm tẩu thú, thời cũng là hòn ngọc ở
núi đá, hạt châu trong bể chai. Đời đời vua chúa, ơn ban tiết hạnh khả phong cũng là vì vật quí của đời, đời nên biết quí vậy”. Ca ngợi tất nhiên là một cách phát biểu quan niệm giá trị.
*****
Việc phân tích thực tiễn văn học nhà Nho
Việt Nam dưới góc nhìn nữ quyền cho thấy, Nho giáo là một hệ thống giá
trị nhiều chiều, phức tạp, không thể đơn giản khen hay chê một chiều,
không thể nghiên cứu Nho giáo như một hệ thống khép kín hoặc là hệ tư
tưởng nhân đạo chủ nghĩa, hoặc là tư tưởng phản nhân đạo. Về lý thuyết,
Nho học xét từ “Luận ngữ” của Khổng Tử đã hàm chứa nhiều khả năng khác
nhau, cho phép giải thích khác nhau. Đạo Nhân, phạm trù Lễ, nếu nhìn từ
quan điểm bảo vệ chế độ nam quyền thì sẽ là Khắc kỷ phục lễ vi Nhân”.
Nhưng khi nói đạo Nhân là yêu người, đạo Nhân là đạo Trung, Thứ thì
Khổng Tử đã không loại trừ khả năng tiếp cận tinh thần nữ quyền. Vấn đề
là phương diện nào được nhấn mạnh. Hơn nữa, trên thực tế, Nho giáo với
những khiếm khuyết của nó cho phép các nhà Nho cũng ít nhiều tiếp xúc
với các học thuyết tư tưởng đạo đức tôn giáo khác như Phật giáo, đạo Lão
Trang. Đây là vấn đề rộng lớn chúng tôi sẽ trình bày trong dịp khác.
Bản thân nhân vật nhà Nho cũng là một nhân vật văn hóa có nhiều thế năng
khác nhau, có thể “bảo hoàng hơn vua”mà cũng có thể đổi mới, tiếp cận
chủ nghĩa nhân đạo tích cực. Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng,
với nhân vật Thúy Kiều tạo nên sóng gió tranh luận, là nhà nhân đạo vĩ
đại, đã bênh vực, đồng cảm với người kỹ nữ Thúy Kiều khốn khổ chính là
một nhà Nho. Và những người phê phán Thúy Kiều như đã nói lại vẫn là nhà
Nho, thậm chí họ rất khác nhau về quan điểm chính trị, về địa vị xã hội
song đều gặp gỡ nhau trên quan điểm trinh tiết bảo thủ. Tất cả họ đều
là nhà Nho.
Mặt khác, xét từ quan điểm giá trị, Nho
giáo không phải là hệ giá trị thuần nhất. Có những yếu tố tích cực có
thể kế thừa như nhân cách đạo đức của nhà Nho, song cũng có những yếu tố
tiêu cực không thể không phê phán, nhất là khi chúng bị xã hội nam
quyền lợi dụng để khống chế, đàn áp phụ nữ hay giai cấp thống trị phong
kiến lợi dụng để áp đặt ách thống trị trên xã hội. Không thể một chiều
khẳng định Nho giáo hoặc chỉ là tích cực hay chỉ là tiêu cực mà cần phân
tích Nho giáo qua thực tiễn văn bản, hay sự kiện cụ thể với hoàn cảnh
xã hội xác định.
Phụ lục:
Căn cứ vào ghi chép của sách “Cổ kim đồ
thư tập thành. Khuê viện điển. Khuê tiết bộ”, Lưu Tuệ Phương đã lập bảng
thống kê về số lượng “tiết phụ” Trung Quốc qua các đời. Bảng kê cho
thấy, nếu tính bình quân số tiết phụ theo từng năm ở mỗi triều đại thì
đời Minh và Thanh có tỉ lệ cao hơn đời Tống.
Triều đại
|
Hán
|
Ngụy Tấn Nam Bắc triều
|
Tùy Đường
|
Lưỡng Tống
|
Nguyên
|
Minh
|
Thuận Trị, Khang Hy đời Thanh
|
Số năm
|
426
|
324
|
326
|
319
|
97
|
276
|
79
|
Số người
|
22
|
29
|
32
|
152
|
452
|
27141
|
9482
|
Bình quân
|
0.05
|
0.09
|
0.1
|
0.48
|
4.66
|
98.34
|
120.0
|
[古今图书集成•闺媛典•闺节部]所载,历代节妇人数如下表所示:
朝代 |
汉 |
魏晋南北朝 |
隋唐 |
两宋 |
元 |
明 |
清顺治、康熙朝
|
历时(年) |
426
|
324
|
326
|
319
|
97
|
276
|
79
|
人数 |
22
|
29
|
32
|
152
|
452
|
27141
|
9482
|
平均人数 |
0.05
|
0.09
|
0.1
|
0.48
|
4.66
|
98.34
|
120.0
|
Nguồn: Bài “Khảo sát lịch sử xã hội của quan niệm trinh tiết phụ nữ thời Lưỡng Tống”, 两宋妇女贞节观的社会历史考察, http://rwxy.hutc.zj.cn:8001/
Xem bài viết gay gắt của Lâm Ngữ Đường
(Lin Yu t’ang) về việc Nho giáo đàn áp phụ nữ là “Tư tưởng nữ quyền ở
Trung Quốc cổ đại”, Feminist thought in Ancient China. In trong sách Chinese Women Through Chinese Eyes. Li Yu-ning, editor. A East Gate Book M.E. Sharp, Inc. Armonk New York London, England,1992.
Phan Khôi (1887-1959) có thể là tác giả Việt Nam đầu tiên phê phán Nho giáo đàn áp phụ nữ một cách hệ thống trong loạt bài Tống Nho với phụ nữ trên báo Phụ nữ tân văn, Sài gòn, 1931. Ông cũng là người dịch Lỗ Tấn trong các năm 1955-1956. (Xem sách Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, Lại Nguyên Ân sưu tầm, NXB Hội nhà văn, 2007).
Có thể kể một số sách phê phán trực tiếp
hay gián tiếp Nho giáo đàn áp nữ quyền trong lĩnh vực “tính” như: “Vượt
qua hàng rào của truyền thống nam quyền: phê phán ý thức nam quyền
trong văn học” của Lưu Tuệ Anh,[走出男权传统的樊籬文学中男权意识的批判], 刘慧英 著,北京,三联书店 , 1995; “Giới tính và văn hóa Trung Quốc” của Lưu Đạt Lâm, [性与中国文化],刘达临著 ,人民出版社, 1999; “Nam nhân và nữ nhân Trung Quốc” của Dịch Trung Thiên, [中国的 男人和女人],易中天著, 上海文艺出版社,1999, tái bản 2008.
Xem “Bàn về quan niệm nữ tính
trong triết học Trung Quốc- hoằng dương cho tư tưởng tôn sùng nữ tính
của Đạo gia, Đạo giáo” của Lý Tố Bình, 李素平 [论中国哲学中的女性观念—弘扬道家、道教尊崇女性的思想 ], http://www.lunwentianxia.com/product.free.4420305.1/
Xem bài Gail Hershatter và Vương Chính,
“Lịch sử Trung Quốc: một phạm trù hữu dụng trong việc phân tích sự khác
biệt giới trên phương diện xã hội”. T/ c Khoa học xã hội, Thượng Hải, 賀箫王政 [中国历史社会性别分析的一个有用的范畴],社会科学,上海, N.12/2008.
Xem Sam Crane. “Phụ nữ khiến cho nam
giới biết thế nào là những lý tưởng Nho giáo”. “Women show up men on
Confucianism ideals”. China Daily, 08/10/2006.
Của tác giả Li-Hsiang Lisa Rosenlee, State University of New York, 2006.
Xem Richard L. Davis :“Những phụ nữ
trinh, hiếu trong sử sách Trung Quốc thế kỷ XI” , Richard L. Davis.
Chaste and Filial Women in Chinese Historical Writings of Eleventh
Century. Journal of the American Oriental Society, Vol.121, No.2 (Apr.- Jun., 2001), pp. 204-218).
Huỳnh Thúc Kháng, “Lối học khoa cử và lối học Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không ?”, bài in trên báo Tiếng dân, in lại ở cuối sách “Khổng học đăng” của Phan Bội Châu, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1973, tr, 780.
Xem Phụ lục
Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện
với Pháp và Trung Hoa”. Nguyên văn tiếng Pháp, Nguyễn Đình Đầu và một
số dịch giả dịch sang tiếng Việt. Ban Khoa học xã hội thành ủy Thành phố
Hồ Chí Minh, 1990, tr. 183.
“Vượt qua hàng rào của truyền thống nam quyền: phê phán ý thức nam quyền trong văn học” của Lưu Tuệ Anh,[走出男权传统的樊籬文学中男权意识的批判], 刘慧英 著,北京,三联书店 ,1995, tr.8.
Xin xem “Triết lý Truyện Kiều trong bối
cảnh văn hóa xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX” trong
sách của Trần Nho Thìn, “Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn
hóa”, NXB Giáo dục, 2008, tr. 275-314.
Xem Phạm Đình Hổ-Nguyễn Án, “Liệt phụ
Đoàn phu nhân”, sách “Tang thương ngẫu lục, bản dịch của Trúc Khê. NXB
Văn hóa- Thông tin tái bản, 2000, tr. 62-63.
Nguyễn Nam trong luận án Tiến sĩ cho biết ít nhất 6 văn bản viết về Vũ thị trong đó tôn xưng bà là liệt nữ. Triều
Lê đã cho đúc tượng đồng, triều Nguyễn đã ba lần phong thần cho Vũ thị
vào các năm 1909, 1911, 1924. Luận án cho biết tính chất thần thánh hóa
người phụ nữ tiết liệt này qua bức đại tự ở đền thờ “Cầu chi tất ứng” 求之必應 (Cầu xin bà tất ứng nghiệm).
Xem: Nam, Nguyen, “Writing as Response and Translation: Jiandeng Xinhua
and the Evolution of the Chuanqi Genre in East Asia, Particularly in
Vietnam” . Harvard University, Cambridge, Massachusttes, 2005.
Thúy Kiều vốn là một phụ nữ có thực ở
Trung Quốc, nhưng đã được tiểu thuyết hóa, trở thành nhân vật văn học
của “Kim Vân Kiều truyện”, một tiểu thuyết chương hồi cuối đời Minh, đầu
đời Thanh. Nguyễn Du đã vay mượn cốt truyện của “Kim Vân Kiều truyện”
để sáng tác “Đoạn trường tân thanh”, tức “Truyện Kiều”.
Về nguồn tư liệu và phân tích hai ý kiến
này, xin xem Trần Nho Thìn, “Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn
văn hóa”, Sách đã dẫn, tr. 373.
Nguyễn Thế Anh. A Case of Confucian Survival in Twentieth Century Vietnam : Huynh Thuc Khang and His Newspaper Tieng Dan ( Một trường hợp trường tồn của tinh thần Nho giáo ở Việt Nam vào thế kỷ XX: Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng dân) , bản dịch của Nguyễn Tư Triệt, Nghiên cứu Huế, Tập 4, 2002, tr. 22-32.
Chúng tôi đã trình bày vấn đề này trong sách “Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa”. Sách đã dẫn, tr. 368-369.
Nguồn: Tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế
Nho giáo Việt Nam và văn hóa Đông Á, tổ chức tại Viện Triết học, ngày 23-24/6/2009
TRẦN NHO THÌN (ĐH KHXHVNV)
Posted in: Van Hoá
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét