Giáo sư Kay Redfield Jamison, một nhà tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Y khoa Johns Hopkins, cho biết kết quả của 20 đến 30 nghiên cứu khoa học đều xác nhận kết luận này.
Trong số nhiều loại rối loạn tâm thần, sự xuất hiện của khả năng sáng tạo có liên quan đến rối loạn tâm trạng, đặc biệt là rối loạn lưỡng cực, Jamison nói. Ví dụ, một thử nghiệm về trí thông minh trên 700.000 trẻ em Thụy Điển trong độ tuổi 16 đã được tiến hành và tiếp tục theo dõi trong 10 năm sau đó. Kết quả công bố vào năm 2010 khiến các chuyên gia không khỏi ngạc nhiên: ở nhóm người có sự vượt trội, khả năng phát triển rối loạn lưỡng cực tăng gấp 4 lần so với nhóm còn lại.
Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi sự thay đổi bất thường giữa 2 trạng thái: cực kỳ hưng phấn và trầm cảm ở mức độ nặng. Làm thế nào chu kỳ này có thể nảy sinh sự sáng tạo? Nhà sinh học thần kinh James Fallon đến từ Đại học California-Irvine giải thích: “những người mắc rối loạn lưỡng cực có xu hướng nảy sinh sự sáng tạo khi họ đang trong tâm trạng buồn phiền và tuyệt vọng”.
Khi tình trạng này được cải thiện, hoạt động của não cũng thay đổi theo: các hoạt động sẽ mất dần ở vùng dưới thùy trán và “lóe sáng” ở vùng cao hơn. Vào thời kỳ hưng cảm, họ sẽ có những lúc xuất thần tạo nên tuyệt phẩm mà một người bình thường không thể nào làm được.
Ở người mắc rối loạn dạng này, họ có thể phân tích, xem xét các ý tưởng trái ngược nhau cùng một lúc và nhận thức được những liên kết mơ hồ giữa chúng trong khi hầu hết các bộ não bình thường khác thì không, Elyn Saks, Giáo sư về sức khỏe tâm thần tại Đại học Nam California chia sẻ thêm.
Không thể phủ nhận rằng chứng bệnh tâm thần lưỡng cực đã góp phần tạo nên những phát minh, cống hiến về văn học, nghệ thuật vô cùng vĩ đại cho nhân loại. Kết quả này vừa được đưa ra thảo luận tại Festival Khoa học Thế giới lần thứ 5 diễn ra ở New York vào ngày thứ 6 (31/5).
PHƯƠNG HUYỀN (ĐẤT VIỆT ONLINE)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét