DID khó để chẩn đoán vì những triệu chứng trùng lặp với những rối loạn tâm thần hay tâm lý khác. Triệu chứng của mỗi bệnh nhân lại vô cùng khác nhau. Theo như DSM-IV-TR, một người được chẩn đoán với triệu chứng DID chỉ khi mang những đặc điểm sau:
- Sở hữu ít nhất hai bản thể hay tính cách liên tục chi phối hành vi ngoài vòng kiểm soát.
- Mất trí nhớ (ở một mức nghiêm trọng hơn là sự đãng trí thông thường).
- Triệu chứng không phải là ảnh hưởng tạm thời từ việc sử dụng thuốc hoặc hoá chất.
Những người có triệu chứng DID có thể có một host (nhân cách chủ) và một hoặc nhiều alters (nhân cách thay thế). Host có thể không phải là nhân cách trước khi một người bị rối loạn, nhưng là nhân cách chiếm lĩnh hành vi của người đó tại thời điểm hiện tại. Host đồng thời là nhân cách tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần vì nhận thức được sự rối loạn của bản thân hoặc do nghe theo sự hướng dẫn của người thân. Khi một người ở trạng thái Alter (nhân cách thay thế), Host có thể xuất hiện, nắm quyền điều khiển, đưa người bị rối loạn trở lại trạng thái thông thường. Khi một nhân cách đang chi phối hành vi – có thể là Host hoặc Alter, những nhân cách còn lại không xuất hiện. Tuỳ theo sự biến đổi môi trường hoặc các biện pháp điều trị, các nhân cách khác có thể trỗi dậy và chiếm lĩnh nhân cách đang nắm vị trí kiểm soát hiện tại.
Switch, sự chuyển đổi giữa các nhân cách, có thể xảy ra trong vài giây, vài tiếng hoặc vài ngày, có lúc qua một giấc ngủ, xuyên giới tính, độ tuổi và quốc tịch. Những người với DID có thể nhận biết một loạt những ngôn ngữ, giọng điệu, cách ăn mặc và cử chỉ hoàn toàn khác nhau. Họ có thể có nét chữ khác nhau và thậm chí đổi cả tay thuận. Bí ẩn hơn, có những người khi đổi nhân cách có thể thay đổi những đặc điểm sinh lý như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, sức chịu đau, thị giác và thậm chí xuất hiện những căn bệnh chưa hề mắc phải trước đó như dị ứng hay hen phế quản.
Một giả thuyết được đưa ra là người với DID đang mang những "mảnh" tính cách rời rạc, mỗi mảnh thường chỉ tập trung vào một chức năng chính. Khi switch sang một “mảnh”, họ quên đi khả năng học được từ “mảnh” trước đó. Ví dụ một người có host tên Paul, người Mỹ nói tiếng Anh, khi chuyển sang alter Lee lại thích tiếng Nhật, xem phim Nhật và gặp gỡ, làm quen với những người gốc Nhật Bản. Khi chuyển từ Lee sang Paul, anh ta quên mất mình có khả năng nói tiếng Nhật và cả những sở thích hay mạng lưới bạn bè người Nhật của Lee.
Tuỳ trường hợp cụ thể mà một người với DID có thể nhận thức được nhân cách khác của bản thân hay không. Có trường hợp họ chỉ có một ý niệm mơ hồ. Qua hướng dẫn của nhà trị liệu, họ có thể giao tiếp với nhân cách khác của mình. Ví dụ qua việc viết nhật kí, họ sẽ nhận ra những nét chữ khác nhau, những cách nói khác nhau chính là biểu hiện của những alters. Có trường hợp họ ý thức được nhân cách khác đang tồn tại, đặt tên cho chúng và đối thoại với chúng. Một lời chia sẻ của người với DID nhận thức nhân cách phụ thông qua nhật ký như sau: "Hôm qua Lê (tên đặt cho nhân cách mới) rất giận dữ, cô ta ném vỡ tất cả mọi thứ trong phòng tôi."
Nhiều người với DID có dấu hiệu ảo tưởng khi nhìn thấy trong gương nhiều hình hài, biến thể khác nhau tuỳ theo nhân cách đang chiếm lĩnh họ (có khi là một cô gái, một em bé, một con mèo) hoặc tự "phân thân" và nhìn thấy bản thân từ bên ngoài như một diễn viên đang đóng trong bộ phim cuộc đời của chính mình (giống hiện tượng "chết lâm sàng"). Có người với đời sống tâm linh cao cảm thấy mình bị chiếm hữu bởi ma quỷ hoặc thần thánh và liên tục nghe một giọng nói sai khiến họ (giống như triệu chứng schizophrenia).
Theo thống kê, những người với DID trên trung bình có 15 nhân cách khác nhau, và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới (tỉ lệ 9 trên 1). Các nhà nghiên cứu tin rằng đó là vì nam giới mắc rối loạn DID có xu hướng bao lực, vi phạm pháp luật. Tỉ lệ vào tù của nam giới với DID khá cao, vì thế khó được phát hiện chẩn đoán. Trong khi đó, phụ nữ dễ phát triển nhiều nhân cách có khả năng được chẩn đoán cao hơn.
Vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến nguyên nhân, cơ chế phát bệnh, và cách chẩn đoán DID. Đây chính là do nhiều khái niệm liên quan tới DID như “nhân cách” khá mơ hồ, do thiếu chứng cứ về sự xâm hại từ bé của người với DID (ngoài bản tự thuật), do thiếu định nghĩa rõ ràng về mức độ xâm hại có thể dẫn tới DID, và do có một số lượng rất ít trẻ em bị chẩn đoán DID. Sự khó khăn trong việc chẩn đoán DID cũng gây rắc rối khi có những kẻ lợi dụng rối loạn này làm điều phi pháp, điển hình là vụ án “Tên bóp cổ trên sườn đồi” (The Hillside Strangler) Kenneth Bianchi đã giả triệu chứng DID hòng thoát tội ác cưỡng bức và sát hại 10 cô gái tại Los Angeles, California (Mỹ).
Ngoài ra, trong lúc cùng bác sĩ tâm lí tham gia phương pháp “đóng kịch” hoặc phân tâm học nhằm khai thác alters, người bị chẩn đoán DID có thể hoang tưởng, phát triển và ngộ nhận alters mới, từ đó triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Điển hình là trường hợp của Shirley Mason, với tình trạng tình cảm không ổn định, vì không nhận được sự chú ý của bác sĩ tâm thần Connie Wilbur, đã giả triệu chứng DID và lôi người bác sĩ đầy tham vọng nghiên cứu DID vào vòng xoáy dối trá của mình. Vì thế, nhiều nhà khoa học hoài nghi chính bác sĩ tâm lí và người “bệnh” tự hoang tưởng và tạo ra rối loạn này, và đặt câu hỏi liệu DID có thực sự tồn tại.
Liệu trình điều trị DID dài hạn (trung bình 4 năm) thường diễn ra 2 lần mỗi tuần. Nhà trị liệu cần phát triển mối quan hệ tin tưởng với host lẫn alters (qua thuật thôi miên), vì nhiều alters (đặc biệt những alters mang tính bạo lực, mạnh mẽ) có xu hướng chống đối nhà trị liệu vì biết họ đang tìm cách tiêu diệt mình. Từ đó, nhà trị liệu phát hiện nguồn gốc tổn thương tinh thần (nếu có) và hướng dẫn cho người với DID những phương pháp đối phó thay vì đè nén cảm xúc. Nhà trị liệu cũng giúp cho host và alters đối thoại với nhau nhằm đi đến hợp thành một thể thống nhất.
Tuy nhiên, những người đã trải qua rối loạn tính cách, tình cảm và ăn uống thường mất thời gian khá lâu và rất khó để phục hồi, nhất là khi họ vẫn còn quan hệ mật thiết với người đã xâm hại mình. Cuộc sống của những người bị rối loạn DID luôn luôn xáo trộn, khi mà trong bất kỳ khoảnh khắc nào, họ đều có thể lạc lại vào một thế giới lạ lẫm, một tình huống khó hiểu, không nhớ chuyện gì đã xảy ra, cảm thấy bản thân luôn luôn bị biến đổi. Vì thế, người với DID có xu hướng tự sát. Trong câu chuyện của Trương Ba, nhân cách chính Trương Ba vốn thanh cao, tao nhã, vì thế thà chết đi chứ không thể sống cùng với nhân cách anh hàng thịt thô lỗ, cộc cằn.
Tầm ảnh hưởng
Ở Mỹ, nhiều tác phẩm phim ảnh, điển hình là các bộ phim kinh dị, đã khai thác đề tài đa nhân cách vì tính bí ẩn và cuốn hút của nó: Dr. Jeckyll and Mr. Hyde, Psycho, Fight Club, Primal Fear, Hide and Seek, Identity, Uninvited (từ bản góc Tale of two sisters, Hàn Quốc), Me, Myself & Irene, The Exorcism of Emily Rose. Mỹ chính là nơi nhiều người bị chẩn đoán DID nhất, chiếm khoảng 1% dân số Mỹ.
Đa số mọi người vẫn lạ lẫm với DID, vì thế, nhiều trường hợp DID bị chẩn đoán là ma nhập. Vụ án trừ quỷ của Anneliese Michel, một cô gái người Đức, là một ví dụ điển hình. Thay vì gửi cô con gái vào bệnh viện tâm thần khi cô liên tục co giật, không kiểm soát được hành vi bản thân, gào thét, chửi rủa, khai ra danh tính 6 tên quỷ trong đạo Thiên Chúa bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, ba mẹ cô đã cho mời linh mục làm lễ trừ tà và buộc cô thi hành nhiều nghi lễ cho tới chết. Tại Việt Nam, nhiều trung tâm “áp vong” đang mọc lên để “đuổi ma”, chữa bệnh tâm thần mà không dựa trên bất kì cơ sở khoa học nào dẫn tới tiền mất tật mang. Rối loạn đa nhân cách, trong khi vẫn còn là đề tài tranh cãi của các nhà khoa học, cần được nhận thức rõ hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc trên.
____________________________________
Nguồn tham khảo:
Defending a diagnostic pariah: validating the categorisation of Dissociative Identity Disorder (Traub, 2009)
Diagnosis and Treatment of Multiple Personality Disorder (Putnam, 1989)
http://psychology.jrank.org/pages/189/Dissociative-Identity-Disorder.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Dissociative_identity_disorder_in_popular_culture
http://en.wikipedia.org/wiki/Dissociative_identity_disorder
http://psychcentral.com/blog/archives/2011/10/24/was-sybil-faking-multiple-personalities/
http://www.scienceclarified.com/Ma-Mu/Multiple-Personality-Disorder.html#b
http://vibiwebsite.com/VIBI_WV/?p=486
http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/25391/hien-tuong--ap-vong----hon-nhap--hay-am-thi-.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét