Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Chính sách tài khóa và lạm phát

“Chỉ đến khi có biến động như lạm phát cao, khủng hoảng tài chính, tiền tệ thì chính sách tài khóa mới được đưa ra mổ xẻ”.

TSKH Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, lưu ý điểm này tại Diễn đàn Đầu tư và Tài chính Ngân hàng diễn ra ngày 28/8. Kể từ sau năm 1992, khi việc chấm dứt phát hành tiền để bù đắp bội chi ngân sách được thực hiện thì biện pháp cấp tín dụng Nhà nước cho vay đầu tư phát triển được đẩy mạnh.
Nhưng cũng kể từ đó, chính sách tiền tệ đứng cả hai vai, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát. Trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đi cùng với việc mở rộng nguồn vốn đầu tư.
“Ở điều kiện ngân sách thiếu hụt triền miên, kinh tế tư nhân bé nhỏ, thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp nhất thế giới, tuy nhiên Việt Nam luôn duy trì tỷ lệ đầu tư cao, lên tới trên 40% GDP”, bà Hiền lưu ý nghịch lý này.
Để làm được điều đó, tăng trưởng tín dụng cũng vì thế được mở rộng. Nhưng đồng thời, mức động viên vào ngân sách và huy động cho đầu tư chiếm tỷ trọng lớn.
“Những sai lầm trong đầu tư dẫn đến những sai lệch về cơ cấu kéo dài và khó khắc phục”, bà Hiền bình luận.
Trên thực tế, lạm phát cao đã quay trở lại kể từ năm 2007 và 2008 cùng với việc phát hiện những vụ tiêu cực lớn tại các dự án đầu tư có nguồn gốc vốn ngân sách do các tập đoàn kinh tế Nhà nước thực hiện. Vấn đề đầu tư công cũng bị chỉ trích nặng nề.
“Nếu mức tăng trưởng đạt được thấp xa so với mức đầu tư và xu hướng đầu tư dàn trải là hệ quả tất yếu của chủ trương đầu tư theo chiều rộng, thì lạm phát tiềm ẩn lại là hệ quả của cơ chế thực hiện đầu tư công”, bà Hiền khẳng định.
Theo vị chuyên gia này, việc giao cho những Tổng công ty, tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước với chu trình đầu tư khép kín từ giao vốn cho đến thiết kế, thi công, nghiệm thu cùng với hàng loạt ưu đãi trong quá trình thực hiện dự án theo kiểu “người nhà” khiến nguồn vốn đầu tư bị thất thoát lớn.
“Tỷ lệ thất thoát 20 - 30% đã được nhắc đến tại những diễn đàn chính thức mà hầu như không ai nghi ngờ. Mấy chục phần trăm thất thoát trong tổng số chi đầu tư chiếm tới 30 - 40% GDP hàng năm là không nhỏ. Nói chính sách tài khóa được thi hành trong suốt mấy chục năm qua tiềm ẩn nguy cơ lạm phát là theo khía cạnh đó. Và nguyên nhân này rất khó khắc phục”, bà Hiền cho biết.
Giải pháp giảm thất thoát vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước được đề ra từ nhiều năm nay, trong đó có những biện pháp như thực hiện đấu thầu rộng rãi, công khai các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA; tách bạch giữa cơ quan thiết kế, thi công và giám sát đầu tư; áp dụng cơ chế Nhà nước đặt hàng các dịch vụ công; thuê giám sát nước ngoài…
Nhưng trên thực tế, việc thi hành những thay đổi trên diễn ra quá chậm chạp do có sự gắn bó lợi ích của cả bên chủ quản quản lý ngân sách lẫn bên thực hiện dự án.
“Khủng hoảng đầu tư công xảy ra từ những sai lầm được tích tụ qua nhiều năm, như quả bom nổ chậm, đến mức những nền kinh tế lâu nay được coi là những mẫu mực của kinh tế thị trường vẫn không ngộ ra được sớm. Nền kinh tế nước ta với nhiều khiếm khuyết trong cơ chế vận hành và kỷ luật hành chính yếu kém càng cần thận trọng”, bà Hiền lưu ý.
Để giảm bớt tình trạng đầu tư dàn trải và chạy dự án, cần thi hành một loạt giải pháp theo tinh thần đổi mới tư duy như thu hút khu vực tư nhân vào lĩnh vực đầu tư công; tăng cường vai trò của Quốc Hội trong việc phê duyệt và giám sát các dự án đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước; luật hóa việc xử lý những sai phạm trong sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước; sửa đổi cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều hành ngân sách (Bộ Tài chính) và cơ quan chịu trách nhiệm về đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để ngăn ngừa những lỗ hổng về chính sách và minh bạch trong điều hành cũng như cơ chế chịu trách nhiệm, cơ chế giải trình.
Theo Vũ Anh Quân
TBNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét