“5C” là từ viết tắt của 5 danh từ tiếng Anh: Car (ô tô), Cash (tiền mặt), Credit Card (thẻ tín dụng ngân hàng), Cheque (séc, ngân phiếu) và Condominium (chung cư cao cấp). Với ô tô, tất nhiên đó không phải là những thương hiệu bình thường như Toyota, Hyundai hay Daewoo mà phải là các loại xe đắt tiền như Mercedez, BMW, Audi, Jaguar... Với tiền mặt, tất nhiên đó không phải là những đồng tiền lẻ mà ít nhất cũng phải là đồng 50 đô la Singapore (tương đương 500 ngàn đồng). Với Credit Card, tất nhiên đó không phải là những loại thẻ bình thường, mà phải là các loại thẻ “quý tộc” như: “Thẻ vàng”, “Thẻ tí hon”, “Thẻ màu đen huyền bí”... Với ngân phiếu, tất nhiên đó phải là những tờ ngân phiếu 5 chữ số trở lên. Còn với các khu chung cư cao cấp, đó không chỉ là những khu nhà bao gồm bể bơi, phòng tập thể hình, phòng xông hơi... mà nhất thiết phải ở gần CBD (Central Business District - quận trung tâm), gần Orchard road (khu phố mua sắm nổi tiếng), gần MRT (Mass Rapid Transit - trạm tàu điện ngầm)...
Đó là những điều thể hiện giá trị “sành điệu” của một cuộc sống “thượng lưu”. Chính vì thế, cuộc sống của thế hệ trẻ Singapore từ lâu đã sớm ảnh hưởng bởi cái giá trị 5C đầy ma lực này.
Một xã hội đang thay đổi
Ở Singapore, người dân có câu: “yankee, yankee, pocket no money” (yankee, yankee ám chỉ tiếng kêu của các đồ trang sức trên người, nhưng thực tế trong túi người đó lại không có tiền). Đó là một câu phản ánh đúng thực trạng xã hội Singapore lúc này. Chính vì chạy theo giá trị 5C mà xã hội Singapore đã và đang thay đổi rất nhiều. Người không có đủ tiền cũng mua ô tô trả góp trong 10 - 12 năm, người thu nhập chưa cao cũng cố thế chấp, vay mượn ngân hàng để mua một căn hộ 4 phòng ngủ ở một khu chung cư cao cấp nào đó. Credit Card (thẻ tín dụng) là một cách “tiêu tiền trước” rồi “kiếm tiền trả sau” và giới trẻ Singapore biết rõ là nó nguy hiểm như thế nào một khi không có khả năng chi trả, thế nhưng nhiều người trong số họ lại luôn có tới ít nhất 2 thẻ tín dụng...
Giá của một chiếc xe ô tô loại “tầm tầm” ở Singapore cũng vào khoảng 70 đến 80 ngàn đô la Singapore, (tương đương 700 đến 800 triệu đồng) và chi phí thuế má, xăng dầu, bảo dưỡng... ít nhất cũng là khoảng 8.000 đô la Singapore/mỗi năm (tương đương 80 triệu đồng). Điều này cho thấy một thực tế: trừ các CEO (Chief Excutive Officer - Tổng giám đốc điều hành) của các tập đoàn kinh tế lớn thì những người đi xe đắt tiền còn lại đều là những người đang nợ ngân hàng rất nhiều tiền và có thể là những người nghèo nhất. Họ chạy theo giá trị 5C trong khi bản thân họ không có đủ khả năng làm việc để chi trả cho sự chi tiêu của mình.
Ở Singapore, có những khu nhà 20 tầng với hàng trăm căn phòng mà chỉ có vài ba hộ dân cư sinh sống. Lý do cũng đơn giản, đó không phải là những khu chung cư cao cấp và đều ở khá xa trung tâm thành phố (ví dụ như khu Woodland, nằm gần biên giới Malaysia). Kể cả khi có ô tô đắt tiền, có một hệ thống tàu điện ngầm không người lái hiện đại và có cả hệ thống mái che mưa nắng dẫn từ các khu nhà ra tới tận các bến xe buýt thì việc thuyết phục những “con người 5C” đến “lấp kín” các khu căn hộ bình dân HDB (thuộc Housing Development Board - Trung tâm phát triển nhà ở quốc gia) luôn là điều vô cùng khó khăn...
Những gì đang diễn ra trong cuộc sống của người dân Singapore nói chung và giới trẻ Singapore nói riêng cũng là những gì đã và đang diễn ra ở các quốc gia phát triển khác trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc... Điều đáng bàn ở đây: Singapore vốn là một đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa phương Đông, coi trọng giá trị tình cảm con người, gia đình và các giá trị truyền thống khác bởi 71% dân số đất nước này có nguồn gốc Trung Hoa. Liệu sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực như trên có phải là cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế tột bậc?
(Các số liệu thống kê trong bài được lấy tại trang web: www.singstat.gov.sg Department of Statistics Singapore)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét