Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012
TINH THẦN THỰC HỌC, SỰ THỨC TỈNH CỦA TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ 20
09:52
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tinh
thần thực học là nội dung cơ bản của Cuộc cách mạng văn hóa được khởi
xướng vào đầu thế kỷ 20 trong phong trào quen gọi là Duy Tân hay Đông Du[1], mà Hội thảo[2]
năm 2007 do Đại học Provence (Pháp) tổ chức gọi chung là “thời khắc duy
tân”. Từ phân tích lịch sử cụ thể, chúng tôi mong làm rõ hơn nội hàm
của khái niệm “thực học” theo quan niệm của sĩ phu duy tân và nội lực đã
góp phần cùng các yếu tố ngoại sinh – “văn minh phương Tây” du nhập
trong thời thuộc địa cũng như các cuộc vận động duy tân ở Đông Á – làm
nên sức mạnh ở bề sâu của cuộc cách mạng văn hóa mà đến nay lịch sử
chính thống chưa đánh giá đúng mức, đúng tầm.
1. TINH THẦN THỰC HỌC
1.1 Thực học, trước hết là học có mục đích, có tư duy
Nguyễn
Trường Tộ (1830-1871) là người sớm nhất đã nêu cao tinh thần thực học,
không chỉ trong các điều trần thường được trích dẫn khi ông trực tiếp
đặt vấn đề “sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng”[3].
Tinh thần thực học thấm nhuần sâu sắc trong toàn bộ quá trình học hỏi,
nghiên cứu của ông từ thuở thiếu thời, quán xuyến suốt tư tưởng và hành
động của ông, hiển hiện trong văn phong, lập luận từng chữ từng dòng. Ở
đây, chỉ xin nêu mấy điều. Thực học ở Nguyễn Trường Tộ là một chọn lựa
có ý thức. Khi chọn thực học, ông biết mình làm khác với môi trường
chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước đương thời, trái với chính
thống, trái đến mức có thể gây hiểm họa cho mình và nhất là không có cơ
may được người đương thời chấp nhận[4].
Chẳng những thế, thực học còn trái ngược với chính học vấn mà bản thân
ông đã theo đuổi từ đầu, giống như biết bao học trò khác ở bốn quốc gia
Đông Á Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Không biết bao nhiêu
lần trong lúc bàn về mọi lãnh vực chứ không riêng học thuật, ông đã tự
“biện hộ”: “Lập luận của tôi không khác như người học Phật trở lại mắng
Phật, nhưng vì xấu hổ bởi các nước trên Thế giới đều chê cười nước ta
(...). Hơn nữa, thời thế bắt buộc phải làm như vậy chứ không phải tôi
lập dị dám làm theo ý riêng của mình.” [NTT: 257]
Nửa
thế kỷ sau ông, tuy mỗi người ở mức độ và với phong cách khác nhau, sĩ
phu duy tân đều đã thực hành cuộc cách mạng tư tưởng đó ở bản thân – có
người qua nhiều bước, kể cả lãnh tụ rất được ngưỡng mộ đương thời là
Phan Bội Châu – và, vốn học trò cửa Khổng, nhiều người từng khoa bảng
thành danh, họ đều xả thân vì sự nghiệp canh tân, vượt qua, tái tạo
(re-construire) các khái niệm, phạm trù đạo đức Nho gia, tiếp thu và
sáng tạo khái niệm mới để kêu gọi quốc dân, hướng dẫn thanh niên theo
tân học. Họ lấy từ đâu ra sức mạnh tinh thần đó để “làm trái, nói và đi
ngược lại (contredire)” cái mình từng nhiều năm học tập, trong chừng mực
nào đó là tự phủ định mình? Cái mình hô hào học theo, làm theo, lại
chẳng phải chỉ là cái mới (tân học), mà còn là cái khác, của “man di”,
của kẻ thù xâm lược (Tây học,
hay văn minh phương Tây). Do hoàn cảnh riêng, Nguyễn Trường Tộ sớm có
dịp học từ những sách, những thầy và những thực tế khác ngoài Nho học.
Nhưng, tiên giác tiên tri vào nửa sau thế kỷ 19 không chỉ có ông và một
số giáo sĩ, giáo dân mà còn có những bậc đại nho và đại quan của triều
đình như Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thành Ý,
Bùi Viện, những nho sĩ khước từ khoa cử, quan trường như Nguyễn Lộ
Trạch. Sĩ phu mới học từ đâu? Từ tân thư, người ta hay nói vậy. Nhưng để
đọc tân thư, trước hết phải có ý chí tìm cái mới, phải suy nghĩ, phản
biện, không hài lòng với hiện trạng, với chữ, với thầy, với sách chính
thống dùng trong khoa cử. Ý chí đó, không phải tân thư hay văn minh
phương Tây, mà chính Nho học đã đầu tiên trang bị.
Như
vậy, học Nho – kể cả trong thời buổi Nho học suy tàn, thảm bại như ở
Đông Á lúc bấy giờ – nếu là học thật, học bằng tư duy, học với trách
nhiệm làm người, thì vẫn có tác dụng khai sáng sâu và mạnh. Vấn đề không
chỉ là học cái gì, mà trước tiên là học với mục đích, khát vọng gì, và
học như thế nào, vận dụng tâm lực, trí lực để học thuộc, thi đậu, làm
theo, hay để tra vấn, phát kiến và làm chủ tri thức, tìm lời giải cho
thực tế.
1.2 Thực học, là sống như mình học
Trước khi nói đến tân thư, hãy nói về những ông thầy đầu tiên của các nhà cách mạng.
Lý Tùng Hiếu[5]
là tác giả lần đầu làm rõ vai trò của các thầy học, đều là nho sĩ đã
góp phần hình thành nhân cách các chí sĩ duy tân. “Họ đều là những nhà
giáo dục vừa có học vấn cao, vừa có khí tiết và phẩm hạnh nổi tiếng
đương thời”. Quan trọng hơn, khi nước mất, “họ đã đề kháng theo cách riêng
của mình là lấy việc đào tạo nhân tài cho đất nước làm vui” [LTH: 32],
nói cách khác, đã từ quan về dạy học tư. Thái độ khẳng khái coi khinh
danh lợi, cưỡng lại cường quyền, tuy vẫn là thực hành đạo lý truyền
thống của nhà nho, nhưng đạo lý ấy nhờ vậy được truyền thụ bằng sức mạnh
của gương sống thực. Tình đồng chí giữa các thủ lĩnh duy tân Phan Châu
Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp cũng như giữa họ và những người
đồng tâm hiệp lực khác như Trần Đình Phiên[6]
đã kết giao từ trường tư của các nhà Nho ẩn sĩ hay trường (công) tỉnh
Quảng Nam của Đốc học Trần Đình Phong [LTH: 29-31]. Cũng tình đồng môn
đã gắn bó Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế; rồi cả ba con trai
thầy học của họ là nhà giáo Nguyễn Thức Tự hưởng ứng Đông Du và hy sinh
vì nước [LTH: 25-26]. Không chỉ có Lương Văn Can “cả nhà trung hiếu”,
mà theo chúng tôi, đông đảo cả thế hệ học trò ở Bắc và Trung bộ[7]
thụ giáo các danh nho đã hình thành đội ngũ có vai trò quyết định tạo
nên “thời khắc duy tân”, thực chất là cuộc cách mạng văn hóa của chính
tân sĩ phu lật nhào vị trí độc tôn Nho giáo đã tồn tại ngót năm trăm
năm.
Trong
hoàn cảnh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Bắc, Trung kỳ, bất chấp nội
dung thi cử, chương trình hay sách giáo khoa, người thầy vẫn còn là nhân
tố quyết định có khả năng định hướng cho người học. Thầy làm được điều
đó khi họ học rộng hiểu sâu[8]
và nhất là thực sống theo những nguyên tắc, giá trị mình truyền dạy.
Chính những người thầy làm nên hiệu quả giáo dục của các trường học bất
kể công tư. Sự tự do chọn trường, thực chất là chọn thầy, đã khiến học
sinh xuất sắc tìm học các thầy giáo giỏi; từ đó hình thành những quan hệ
lâu dài gắn bó họ trong sự nghiệp cách mạng vì dân, vì nước.
1.3 Thực học, là yêu cầu bắt buộc của thời hiện đại
Bây
giờ mới nói về yếu tố thời đại. Nguyễn Trường Tộ khẳng định mình chọn
thực học “vì thời thế bắt buộc phải làm như vậy chứ không phải tôi lập
dị dám làm theo ý riêng của mình.” [NTT: 257]
Vì
sao phải chuyển sang thực học? Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch
(1852-1895) trước sau đều “bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ”[9].
Chủ thuyết của Nguyễn Trường Tộ dựa trên “những điều (…) đã biết và
đathấy một cách chính xác” [NTT: 107]. Ông nhiều lần nhắc rằng mình nhận
thức “đại thế” ấy trên cơ sở suy xét về “tình hình ngoại giao thế giới
trong năm trăm năm lại đây” [NTT: 289]. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam
tư giữa thế kỷ 19 đã phân tích thực trạng mà ngày nay ta gọi là toàn
cầu hóa; tức tình thế từ sau các phát kiến địa lý, các nước Âu Mỹ đủ
phương tiện vượt đại dương, thỏa mãn nhu cầu thông thương với những vùng
đất cách rất xa xứ sở mình xuất phát, dùng khoa học kỹ thuật khai thác
tài nguyên thiên nhiên, thông qua thương mại để tăng lợi nhuận, tăng sức
mạnh kinh tế và tất nhiên, dùng tài lực, vũ lực để mở mang thuộc địa.
Với quan điểm thực tế, Nguyễn Trường Tộ cho rằng “người phương Tây là kẻ
bán cái trí cái dũng, nếu ai biết khéo mua thì chẳng bao lâu các thứ họ
có sẽ trở thành của mình. Lấy cái lợi vô cùng chưa dùng của sông núi
chúng ta mà đổi lấy cái trí của họ, thì họ là kẻ vỡ hoang mà ta thì
hưởng cái thành quả (…). Vì rằng, ta đã học hết cái thuật của họ (…),
rồi sau lấy cái trí tuệ vốn có sẵn của chúng ta thêm vào cái trí tuệ ta
mua được của họ. Đất là đất của ta, mượn cái trí xảo của họ càng ngày
càng già nua còn cái trí xảo của ta thì mới mẻ trẻ trung, đem hai trí mà
địch một trí, lẽ nào không thắng được?” [NTT: 137]. Đã coi trí tuệ là
phương sách sống còn, thực học phải là căn bản.
Sĩ
phu đầu thế kỷ 20 nhận thức cụ thể và cảm nhận thúc bách hơn nghịch lý
của nước “khai hóa sớm” mà thua “các nước Âu Mỹ đều khai hóa hết sức
muộn màng, nhưng tiến bộ lại cực kỳ nhanh chóng. (…) Họ tự cho họ là chủ
nhân của toàn thế giới. Còn nước ta thì trong triều, ngoài nội, chính
trị, phong tục không thay đổi chút nào. Dụng cụ của ta đều cũ kỹ, lạc
hậu, đồng ruộng hoang vu, dân đói rách, chưa bỏ thói ngang ngạnh, tính
nô lệ vẫn còn. (…) Dân ta chớ nên cho khai hóa sớm là vinh, mà nên cho
tiến bộ chậm là nhục. Trong thế giới ngày nay, cạnh tranh rất là ác
liệt, cùng nhau tiến bộ thì sinh tồn, không tiến bộ bằng người thì không
có ngày tự lập. Không thể như trăm năm trước nữa, cứ đóng cửa mà trị
dân, dù không tiến bộ cũng có thể ngồi mà giữ nước.”[10] [ĐKNT: 53]
Thực
học là học vấn của thời đại văn minh. Chịu ảnh hưởng lý thuyết về tiến
bộ (théorie du progrès), Quốc dân độc bản của Đông Kinh Nghĩa Thục kịch
liệt bài bác lề thói trọng xưa khinh nay và khẳng định: “Các nước trên
địa cầu tất phải từ dã man mà khai hóa thành văn minh. Văn minh rồi,
nhưng tiến bộ nhanh hay chậm, trình độ cao hay thấp, còn tùy. Văn minh
không có giới hạn, càng tiến thì càng cao.” [ĐKNT: 54] Lưu ý là tác giả
sách giáo khoa không hề ảo tưởng về “những nước ngày nay gọi là văn
minh, như các nước Âu - Mỹ, máy móc của họ tinh xảo, pháp luật của họ
hoàn bị, giáo dục của họ phổ cập, giao thông của họ tiện lợi. Thế nhưng,
nhà tù của họ chưa bỏ trống, nạn rượu chè, hút xách chưa loại trừ hết,
người bệnh tật ốm đau, bọn côn đồ hung hãn, dân mù chữ đâu đã vắng
bóng”. Như thế là văn minh đã trọn vẹn chưa? Chưa. Nhưng, lạc quan và đề
cao chí tiến thủ, tác giả kêu gọi phát huy tinh thần “không biết thế
nào là đủ”, tức không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo: “Đã đẹp còn muốn
đẹp hơn, đã khéo còn muốn khéo hơn (…). Hôm qua thấy đúng, hôm nay đã
thấy sai. Biết sai tất phải sửa cho đúng. Thế là tiến bộ. (…) Muốn thôi
(…) cũng không được.” Cái tác giả gọi là “khả năng bắt chước” thực chất
là không ngừng cải tiến công nghệ: “Người có tài thì có thể bắt chước
mọi nước. Giao thông mở rộng thì kiến thức càng nhiều. Mình tự cho là đã
đẹp, đã khéo rồi, nhưng thấy người đẹp hơn, khéo hơn thì ta phải bắt
chước người, để thỏa lòng không biết thế nào là đủ của ta. Xưa kia lấy
đá đập ra lửa, ngày nay dùng diêm; xưa kia đi bằng thuyền bè, nay đi
bằng tàu thủy chạy hơi nước. Muốn không dùng cũng không được.” [ĐKNT:
55] Nói cách khác, khi thực dân bắt đầu xâm lược, sĩ phu canh tân đề
xuất học tập khoa học kỹ thuật phương Tây để mưu cầu kế sách
lâu dài khôi phục cương thổ, chủ quyền. Khi các cuộc khởi nghĩa Cần
Vương đã bị dìm trong máu, họ càng thấm thía cần nỗ lực giáo dục thanh
niên theo con đường thực học để canh tân, tự cường. Đoạn tuyệt từ
chương, khoa cử, học cái mới, theo cách mới, chính là để bắt kịp thời
đại, để thoát khỏi thân phận ngu hèn, nhược tiểu, xóa nỗi nhục bị khinh
rẻ, chà đạp. “Hãy làm cho nước Nam ta ngày càng văn minh. Kế ấy là kế
của nước, cũng tức là kế của bản thân ta.” [ĐKNT: 56] Học vì “yêu nước
thật sự” (Quốc dân độc bản, bài 18, ĐKNT: 58-59). Sĩ phu canh tân là
những người tiên phong định nghĩa và cổ động lòng yêu nước, có lúc gần
như sa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan[11], chủ nghĩa phân biệt chủng tộc[12].
Nhưng, rất rõ ràng, họ không còn thụ động theo nề nếp học để “bảng hổ
đề tên”, “để có danh gì với núi sông”, để là “công cụ” thay trời hành
đạo, hay, từ lâu “thực dụng” như số đông, để “quyết ném thanh khâm sang
cẩm tú, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài”; mà họ xác định nhiệm vụ học vì
mục đích cụ thể trong thời thế
đất nước bị họa thực dân thúc ép tham gia vào một thế giới rộng mở hơn,
vượt khỏi “thiên hạ” của Thiên triều, cuốn hút vào cuộc tiến hóa “văn
minh” với những giá trị khác hẳn cổ truyền “nghìn năm văn hiến”.
1.4
Thực học, là học để hiểu biết, để làm người hữu dụng trong trường cạnh
tranh thế giới; không phải để đi thi, làm quan, luồn cúi vì danh lợi
Tân đính luân lý giáo
khoa là sách dạy luân lý (có sửa chữa) của Đông Kinh Nghĩa Thục. Phải
chăng vì là dạy luân lý, và cũng chỉ “sửa chữa”, không phải viết mới,
nên sách còn sử dụng nhiều lời dạy từ thánh hiền; tuy nhiên đã được chọn
lọc tinh túy, hoặc diễn dịch theo tinh thần phù hợp với đường lối thực
học. Sách không ngần ngại trích dẫn cả huấn dụ triều Minh Mạng lẫn sắc
dụ của Minh Trị ở Nhật; dẫn lời dạy rất căn bản của Khổng tử: “Học mà
không suy nghĩ, tìm tòi, thì không được gì; suy nghĩ, tìm tòi mà lại
không học thì nguy hiểm.” Và diễn giải: “Học mà chỉ học ở việc làm[13],
không suy nghĩ, tìm tòi thì cái lý của nó tối tăm, mờ mịt. Nhưng suy
nghĩ, tìm tòi mà không học ở việc làm thì lại chông chênh, bất định.”
[ĐKNT: 31]
Tất
nhiên, các nhà duy tân đồng thời phản bác quyết liệt nhiều lề thói họ
cho là lỗi thời, hủ bại, như “hiếu cổ” (yêu cái cũ, coi xưa hơn nay),
“tri túc” (biết đủ, an phận). Họ hô hào theo mới, “không biết đủ”, nghĩa
là luôn tiến thủ, tự cường. Họ tạo ra khái niệm “quốc dân” (có lẽ dịch
từ citoyen, sau này ta gọi là “công dân”), mà họ phân biệt rõ với “dân”.
Quốc văn độc bản giải thích: “Nước cai trị dân, dân bị nước cai trị.
Như vậy nước là nước, dân là dân.” Có nghĩa giữa chính quyền và nhân dân
không cùng quyền lợi. “Còn quốc dân thì khác. Quốc dân cùng với quốc
gia đoàn kết, gắn bó như keo sơn. Quốc gia vui buồn, vinh nhục thì quốc
dân cũng coi nỗi vui buồn, vinh nhục ấy như của chính bản thân mình, tất
phải bỏ của cải ra mà làm cho quốc gia chấn hưng, đem sức lực ra mà
giúp quốc gia giữ gìn bờ cõi, bỏ lòng tự tư, tự lợi mà tuân theo pháp
luật, như thế mới không hổ thẹn là quốc dân.” Tác giả (khuyết danh)
không quên thực trạng thuộc địa: “Khác hẳn với Thái Tây, dân nước ta
không có quyền chính trị. Như vậy thì không phải là quốc dân hay sao?
Đâu phải. Phàm ai tuân thủ pháp luật của bản quốc, yêu thương đồng loại
trong bản quốc, xem việc nước như việc nhà, đều gọi là quốc dân cả.
Nhược bằng không có tinh thần
quốc gia, quốc gia trị hay là loạn, mạnh hay yếu mặc kệ, không biết đến,
thậm chí quên nước mà thờ kẻ thù, cam chịu làm nô lệ cho người khác
giống nòi, thì không thể gọi là quốc dân được.” [ĐKNT: 56] Dùng khái
niệm dân chủ, dân quyền từ các triết gia Ánh sáng để giáo dục nghĩa vụ
công dân của nước bị trị với lập luận chặt chẽ, hùng hồn đến như thế thì
về lý, không bắt bẻ vào đâu được. Chúng ta hiểu vì sao Phan Châu Trinh
và các đồng chí của ông tự tin với chủ trương mở trường học, lập hội
buôn hợp pháp để hoạt động yêu nước.
Câu
tục ngữ Pháp “Aide-toi, le Ciel t’aidera (Hãy tự cứu mình, rồi Trời sẽ
cứu)” hơn một lần được các nhà nho sử dụng để giáo dục tinh thần tự lực,
tự cường, và cả ý chí đấu tranh bất khuất. “Người ngày nay mà không
muốn hơn người ngày xưa thì văn minh không tiến. Nước yếu thì sẽ
bị nước văn minh hơn thôn tính.” [ĐKNT: 61] Thái Tây hung hăng xâm lược
vì họ biết “hòa ước không đủ tin cậy, không cạnh tranh thì không tồn
tại được. Còn dân ta không biết đến cạnh tranh. Mấy chục năm nay, càng
đánh càng thua. Gần đây, nhìn thấy các nghĩa đoàn lâm họa thì trở nên bi
quan, cho rằng người họ tài nên ta không thể chống lại được. Thế là từ
căm thù đổi thành xu nịnh, cứ chịu đựng mãi, nhượng bộ mãi…” [ĐKNT: 62]
Kêu
gọi tranh thắng trong cuộc cạnh tranh, nhưng tài liệu giáo khoa của
trường học duy tân khẳng định rất rõ chủ trương học từ tri thức cập nhật
nhất của toàn thế giới. Mở đầu sách Quốc dân tập độc là “Bài hát khuyên
học chữ Quốc ngữ”[14],
thể hiện nhiều tư tưởng chiến lược của giáo dục duy tân. Bài khẳng định
“học không sai đường” là yếu tố quyết định thành công của “anh hùng”;
“mở trí dân” là điều kiện để quốc gia giàu mạnh trong cuộc cạnh tranh
toàn cầu. Chọn chữ Quốc ngữ làm “hồn trong nước”, tác giả khuyên dùng nó
làm chuyển ngữ trong giáo dục – đây là lần đầu chọn lựa này
được phát biểu từ những người lãnh đạo cuộc vận động cứu nước, sau nửa
thế kỷ quyết liệt chống thực dân xâm lược, chống luôn cả đường đi, chữ
viết[15]
– kêu gọi dịch sách từ Âu Mỹ, Chi-na (Trung quốc, đọc theo cách phiên
âm mới), phát triển nông công thương nghiệp và đoàn kết để vững mạnh.
Bài thơ cũng tỏ sự phấn khởi trước khả năng mở mang, chia sẻ tri thức,
quyền lợi và triển vọng tiến đến văn minh, độc lập; và thách thức:
“Ngoảnh xem khoa cử mấy chàng, Hẳn ai khôn dại rõ ràng chẳng sai” [ĐKNT:
110 - 111]. Những người sáng lập các trường học duy tân, đặc biệt các
nhà Nho đều là người kiên quyết đoạn tuyệt với khoa cử, quan trường. Họ
mở trường là để nhân rộng mô hình tân học, hình thành một hệ thống
trường ngoài tầm ảnh hưởng trực tiếp của chính quyền thực dân và quan
lại Nam triều. Tập trung bài bác, chỉ trích, chế giễu quan trường hủ lậu
vừa là tư tưởng cách mạng, vừa là niềm tin mãnh liệt, tình cảm sôi nổi
của các sĩ phu theo xu hướng đấu tranh nâng cao dân trí, đòi dân chủ,
dân quyền như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và những
người được các ông giác ngộ. Sự phê phán đi liền với khẳng định sự đúng
đắn, tất thắng của nền giáo dục mới dựa trên thực nghiệp.
1.5 Thực học và thực nghiệp
Tinh
thần thực học và thực nghiệp thể hiện ngay trong triết lý về giáo dục
đào tạo, chương trình học, cách tổ chức dạy và học, cũng như các hoạt
động nông công thương hội phối hợp cùng giáo dục hoặc do chính các nhà
canh tân đồng thời thực hiện song song với hoạt động giáo dục.
Thực
học, trước hết là không chỉ đắm đuối trong văn chương bát cổ, không chỉ
học trong trường lớp. “Văn minh tân học sách” được coi là tuyên ngôn
giáo dục duy tân, với những khuyến cáo mà cho đến nay, đầu thế kỷ 21,
chúng ta vẫn nghe như mơ ước: “…đón thầy giỏi, mua đồ mẫu, chọn người
khéo tay, nhanh trí khôn để cho vào học (…) khắp nước hễ ai học được
kiểu mới, chế được đồ mới thì cũng theo lối châu Âu cấp cho bằng khen
làm lưu chiểu, thưởng cho phẩm hàm để ngợi khen họ, cấp lương bổng để
khen thưởng họ, cho giữ quyền sáng tạo để hậu đãi họ. Những ai giỏi về
khoa cách trí, khoa học, hóa học thì làm cho họ được vẻ vang sang trọng
hơn những người đỗ đại khoa[16]…” [NHL: 55]
Nguyễn
Trường Tộ viết về mình: “Đến lúc lớn lên tôi chu du các nước, những
điều mắt thấy tai nghe góp lại thành một sự ích dụng lớn. Về việc học,
không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa
lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp
giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo
cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên
hạ. Thường những người học được như vậy hay dùng đó làm phương tiện để
cầu vinh, để tiến thân, còn tôi thì dùng để đền đáp lại cái mà trời đã
cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào” [NTT:
120]. Toàn bộ tư tưởng và hoạt động của Nguyễn Trường Tộ, trong đó có
kiên trì dâng kế sách cứu nước mười năm ròng rã – nhưng không chỉ có
thế; và nhất là các điều trần ấy không phải hoàn toàn rơi vào thinh
lặng, như người ta thường nói. Một người thực tế như ông sao có thể hoài
công làm điều vô bổ nếu không nhận được phản hồi tích cực? – đã minh
chứng lời trần tình là có căn cứ. Trương Vĩnh Ký, thường gọi Petrus Ký,
từng được đương thời xem là một trong 18 nhà bác học của thế giới, cũng
có quá trình “thực học” qua nhiều kinh nghiệm lịch duyệt và khảo cứu,
trước tác trong nhiều lãnh vực khác nhau. Họ không phải là những ngoại
lệ cá biệt, mà là những điển hình xuất sắc trong thế hệ của mình. Đến
lượt các chí sĩ duy tân đầu thế kỷ 20, họ cũng bôn ba trong, ngoài nước
và học từ nhiều trải nghiệm đa dạng. Khi “mệnh trời” còn bị đông đảo
quần chúng hiểu sai thành “trăm sự do trời”, cùng bao điều mê tín khác,
các nhà Nho duy tân dõng dạc dạy: “Tin vào mệnh trời là sai”. Và khẳng
định cạnh tranh mới là quy luật: “Thời buổi này là thời buổi đại cạnh
tranh, cạnh tranh về học thuật, cạnh tranh về công nghiệp, không mặt nào
là không cạnh tranh, đâu phải chỉ cạnh tranh về đất đai, lãnh thổ mà
thôi! Cạnh tranh với một nước, cạnh tranh cùng nhiều nước, cạnh tranh
với người cũng là cạnh tranh với trời. (…) Đâu phải tại trời, và (đâu
phải) không thắng được trời.” [ĐKNT: 63]
Đông
Kinh Nghĩa Thục và các trường học duy tân phần lớn là trường tư, lãnh
đạo phần đông là những người chưa được đào tạo “chính quy” từ tân học,
nhưng đều tổ chức giảng dạy nhiều môn: văn học, lịch sử, địa lý (trường
xứ Quảng học thêm Địa chí Quảng Nam), luân lý, ngoại ngữ, toán pháp,
cách trí, vệ sinh, và cả học hát, học vẽ, học võ ta, võ Tàu, thể dục. Có
nghĩa là đào tạo toàn diện (trí, đức, thể, mỹ) nhưng nhắm đến kết quả
thực sự giúp người học theo kịp thời đại mình đang sống; chứ không nhồi
nhét bách khoa cho có lượng mà không cần đến chất, chưa nói chất đó thật
hay là ảo.
Không
chỉ Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội mà các trường lớn khác như Diên
Phong, Phước Bình, Thăng Bình ở Quảng Nam, đều chia làm các ban tiểu
học, trung học và đại học, theo trình độ hiểu biết của người học, không
phân biệt tuổi tác. Ở lớp đại học (lớp người lớn), trường Thăng Bình
giảng sách của Khang, Lương và thuyết dân quyền. Các trường Đông Kinh và
Thăng Bình thường kỳ tổ chức các buổi diễn thuyết, hội thảo mở ra cho
cả người ngoài trường. Các trường miền Trung, vì đặt ở nông thôn, còn
linh hoạt áp dụng phương thức “thả học thả canh”, vừa làm ruộng vừa học,
nghỉ theo ngày mùa, không nghỉ hè như thành phố [NVX: 216-217].
Có nghĩa là gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư, mà vẫn phát huy được
vai trò hướng dẫn học thuật, vai trò phản biện xã hội của cơ sở giáo
dục.
Văn
thơ cách mạng đầu thế kỷ cũng đã truyền bá sâu rộng tinh thần thực học,
hiểu theo nghĩa là: “Học là học có nghề có nghiệp, Trước giữ mình sau
giúp người ta. Trâu cày ruộng, chó giữ nhà, Người không nghề nghiệp ắt
là hư sanh. Cuộc hoàn hải cạnh tranh lắm lúc, Chỉ đua nhau sự học thế
nào?” [NQT: 124] Du học được khuyến khích: “Liệu mà sớm bảo nhau đi /
Giàu thì giúp của nghèo thì gắng công / Khăng khăng ghi lấy một lòng /
sang Âu, sang Mỹ, học tòng nghề hay / Muốn khôn thì phải tìm thầy / Khí
cơ kỹ xảo ngày nay phải tường. (…) Bao nhiêu nghề khéo nước ngoài / học
sao cho được hơn người mới nghe / Bấy giờ rồi liệu trở về / Mở trường
trong nước lấy nghề dạy nhau / Làm cho nước mạnh dân giàu / So vào các
nước Mỹ-Âu kém gì.” [ĐKNT: 131]
“Các
ông gắng hô hào bỏ được lối học cử nghiệp đi và giúp thanh niên xuất
dương du học, sau tất ích quốc” [NHL: 58]. Đó là lời trăn trối của cụ
Đào Nguyên Phổ, chủ bút tờ Đại Việt tân báo (chữ Hán) khi gởi gắm con
trai[17]
cho Đông Kinh Nghĩa Thục. “Khai trí cho dân”, “bỏ lối học từ chương
khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp” [NHL: 46-47] là tôn
chỉ của tất cả các trường duy tân.
Thiết
lập nền học mới vì một tương lai dân tộc Việt thoát khỏi thân phận
nhược tiểu bị khinh khi, ức hiếp không phải chỉ là tâm huyết của những
người mở trường và đội ngũ sư phạm, còn là sự đồng tâm của xã hội. Người
ta thường hiểu “nghĩa thục” là trường dạy không lấy tiền. Không phải
chỉ đơn giản như thế; mà phải hiểu căn cơ hơn là “trường vì việc nghĩa”.
Cũng như hầu hết các trường duy tân khác, Đông Kinh nghĩa thục là
trường tư. Nguồn thu của trường là tiền đóng góp tự nguyện của các sáng
lập viên, các “thường trợ hội viên” (người có con em theo học) và các
“lạc trợ hội viên” (người hảo tâm khác) [LTH: 94], chưa kể các thương
hội, công ty sản xuất, kinh doanh do chính các nhà duy tân – trong Nam,
Gilbert Chiếu gọi họ là các “tay Minh tân” – lập ra với mục đích kiếm tiền
“nuôi” thầy và trò ăn học. Các lớp Pháp văn của Đông Kinh nghĩa thục
dạy buổi tối, vì thầy giáo đều là công chức; và đều thu tiền trực tiếp
từ người học, khác với các lớp Việt và Hán văn miễn phí [NHL: 60]. Thầy
giáo được hưởng lương trích từ quỹ nhà trường (Đông Kinh Nghĩa Thục);
hoặc được thương hội nuôi cơm (trường Diên Phong). Thiếu giáo sư – vì
nhà nước đã đào tạo đủ thầy giáo cho trường công đâu; mà người dạy các
trường tư duy tân vừa có chuyên môn để dạy, lại vừa phải có tâm huyết và
dũng khí – nên các trường lớn, như Diên Phong, phụ trách hỗ trợ sư phạm
cho các trường nhỏ lân cận. Nguyễn Văn Xuân cung cấp tên và đặc điểm
của 6 trường khác do Diên Phong đảm nhiệm [NVX: 221]. Khi cần lập thêm
trường ở xa hơn, như Phước Bình, đội ngũ thầy giáo của Diên Phong lại
“cơm đùm, khăn gói” từ trường này sang trường khác.
Trong
hơn bốn chục trường miền Trung, có ít nhất hai trường “công”, trường xã
Phú Lâm và trường phủ Thăng Bình. Bởi lẽ Lê Cơ, người bà con của Phan
Châu Trinh đã nhận làm lý trưởng làng Phú Lâm năm 1903 và năm 1905 -
1906, tiến hành “công việc sắp đặt trong làng gặp lúc phong trào tân
học”[18].
Trường xã Phú Lâm vì đó được gầy dựng thành trường lớn, học trò đi thi
có đến hai, ba trăm; có lớp riêng dành cho nữ sinh, có 2, 3 nữ giáo
viên. Ngoài ra, làng còn có lò rèn nông cụ phục vụ người lập vườn trồng
quế, có “cuộc buôn” là nơi người nghèo đến nhận hàng hoặc nhận tiền mua
hàng về buôn. “Dĩ thương vi quần”, lấy cuộc buôn để hội họp người đồng
chí hướng. Lê Cơ còn tổ chức hội bảo hiểm để phòng chống trộm quế, chữa
lửa cứu rừng. Làng Phú Lâm được coi là điển hình thể nghiệm thành công
mô hình duy tân, dân quyền ở cấp xã. Ở Thăng Bình, Trần Quý Cáp trước đã
từ quan, trở ra nhận chức Giáo thụ và biến trường phủ thành trường cách
mạng. Phong trào duy tân sôi nổi khắp ba kỳ với vô số loại hình hoạt
động hội đoàn như thương điếm, thư quán, công ty nước mắm Liên Thành,
hãng xà bông Canard (Con vịt), Chiêu Nam lầu, Nam Trung khách sạn, Nam
kỳ thương cuộc, Nam Hòa ước lập hỏa thuyền, Y dược công ty,… [NQT: 120].
Trong công cuộc Minh tân[19] ở Nam kỳ[20],
có phần vì tránh đối đầu trực diện với chính quyền thực dân, có phần vì
giáo dục phổ thông đã phát triển sớm và mạnh hơn vùng còn lại, các nhà
cách mạng canh tân không tính việc mở trường dạy chữ như ở Trung và Bắc,
mà chuyên tâm mở trường dành riêng cho nữ sinh[21]
và trường dạy nghề. Người sáng lập và lãnh đạo Minh tân là Trần Chánh
Chiếu, tức Gilbert Chiếu, một nhà báo có Pháp tịch. Ngày 1 tháng 6 năm
1908, Nam kỳ Minh tân công nghệ được thành lập với đầy đủ thủ tục pháp
lý của một “công ty hùn ngân bổn vô hạn”, đăng ký trong điều lệ của mình
hai mục tiêu: thứ nhất, “lập lò nghệ tại Nam kỳ, lò chỉ, lò dệt, lò
savon, thuộc da và pha ly, v.v…; thứ hai, “dạy con nít An Nam học làm
các nghề ấy” [SN: 114-116]. Không đầy hai tháng rưỡi sau, công ty chuẩn
bị xây “lò” và thông tin “ai có hùn thì có quyền gởi con đến học nghề,
thời hạn học là 7 năm”, chi phí ăn học nội trú chia sẻ giữa công ty và
gia đình, sau khi thành nghề, phải làm việc cho công ty 7 năm. Ngay
trong quá trình học, học giỏi thì “được hưởng lương tháng”, “làm biếng
hoặc cứng đầu (…) thì sẽ giao lại cho cha mẹ quản thúc”. Trong chương
trình huấn luyện, dự kiến học nghề 7 giờ mỗi ngày, “trong giờ còn lại
thì học chữ Quốc ngữ, chữ Lang
sa, học toán”. Tuần có hai ngày nghỉ, dành để học thể thao, lao động làm
vệ sinh công ty. Trường nghiêm cấm đánh học trò. [SN: 118-119]
Các
hoạt động báo chí, xuất bản, dịch tiểu thuyết Tàu rồi tiểu thuyết Tây,
sáng tác văn học quốc ngữ phải được xem là nơi diễn ra những đổi mới văn
hóa, tương đương các trường học cách
mạng ở Trung, Bắc song dành cho đại chúng, họ không cần bước chân đến
trường, chỉ cần xóa mù quốc ngữ. Ảnh hưởng các tờ báo như Nông cổ mín
đàm, Lục tỉnh tân văn sẽ còn mạnh và sâu đến thế hệ sau. Trong sự phát
triển của báo chí và văn học quốc ngữ ở Nam bộ những năm 1918-1945, các
hậu duệ của phong trào duy tân cả nước cũng sẽ đóng vai trò tích cực,
như Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, v.v…Các nhà nho ở Trung và Nam kỳ tỏ ra
thích nghi nhanh chóng hơn trong sản xuất, kinh doanh; trong khi ở Bắc
kỳ gặp khá nhiều lúng túng. Điều xuyên suốt là dù phần lớn đều thất bại
về tài chính, nhưng nho sĩ ở đâu cũng tự
hào khi dấn thân vào thực nghiệp, không hề ngại gian khổ, không còn
chút gì sĩ diện hão của lớp người nhiều trăm năm quen truyền thống “dài
lưng tốn vải”. Nguyễn An Khương tự hào xưng “chú bán cơm” để “cạnh tranh
với Chệc”. Lập “Công ty nhà in, bộ ba Pierre Jeantet (Tổng lý), Trần
Nhựt Thăng, tức Gilbert Chiếu (Phó tổng lý) và Nguyễn An Khương (tư hòa)
có mục tiêu in sách, in báo, bán “sách nói đủ việc cơ xảo, bán giá rẻ
cho mọi người lớn, nhỏ, già, trẻ, nghèo, giàu đều đọc được”. Họ kêu gọi
“lục châu đồng tâm hiệp lực (tức là hùn vốn, BTP) mà giúp sức với chúng
tôi đặng cho giáo hóa lê thứ. Đã trả nợ nước non mà lại có lợi, ấy là
danh lợi lưỡng toàn.” [SN: 123-124] Danh và lợi ấy cũng đã được canh
tân, trở nên thực tế và hiện đại. Một số trường hợp sĩ phu kinh doanh đã
thành công đáng khâm phục; và có thể còn nhiều kết quả chưa được biết.
Quyển tiểu sử Lương Văn Can của Lý Tùng Hiếu vẽ được bức chân dung khá
toàn diện về vị Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục vừa là nhà giáo có khí
tiết, được trọng vọng, nhà quản lý giáo dục mực thước, gương mẫu, người
chủ một gia đình tròn vẹn hiếu trung, vừa là nhà kinh doanh năng động,
giỏi giang, nhiều phen gầy dựng sự nghiệp kinh doanh thành công, kể cả
khi đi đày ở Nam Vang, liên tiếp nhận hung tin về các con trai. Xã hội
đương thời biết ơn và hưởng ứng; con, dâu, rể đều theo chí hướng của
ông. Khi trước thư lập ngôn, ông không chỉ để lại sách dạy nho giáo mà
cả sách dạy về kỹ thuật, đạo đức kinh doanh, nội dung vẫn khiến độc giả Việt Nam đầu thế kỷ 21 vừa ngạc nhiên vừa cảm phục. [LTH: 119-123]
Một
số sự kiện cơ bản trên đây tuy chưa đầy đủ nhưng cho thấy những nỗ lực
hy sinh và, đáng nhấn mạnh hơn, sự năng động, sáng tạo của những trí
thức vừa xướng xuất mở trường, vừa huy động nhân lực, tài lực, vật lực của gia đình – dù ít nhiều có của như Lương Văn Can hay nghèo rớt
mùng tơi như Trần Quý Cáp – vừa vận động tài trợ từ xã hội, vừa tự mình
làm ra nguồn tài chính, vừa cổ động, quảng bá trường, vừa trực tiếp
đứng lớp, vừa chiêu mộ giáo sư, vừa in sách, xuất bản giáo trình, tài
liệu, bên cạnh việc sử dụng các nguồn sách tuyển chọn
Pháp, Hoa, Nam, vừa nghĩ ra vừa thực hiện trăm phương nghìn cách để xác
lập nền học mới; chưa kể phải thường xuyên đối phó với sự đàn áp, khủng
bố của thực dân Pháp và quan lại Việt Nam, sự tị hiềm, đố kỵ của các
thầy đồ trường học thuần Nho bị mất nguồn học sinh, sự dị nghị, nghi ngờ
của công luận chưa kịp hiểu và tin cái mới.
Chính
quyền Pháp - Nam ra tay khủng bố, các trường duy tân bị đàn áp hoặc tan
rã trước khi thực hiện – như trường hợp Minh tân khi Gilbert Chiếu bị
bắt vào tháng 10 năm 1908. Nhưng dù đã thành sự thật hay mới là ý tưởng
được công bố, các dự án giáo dục trong thời khắc duy tân đầu thế kỷ 20
đã thực sự khai phá một lối đi, cách tân, cách mạng không chỉ đơn thuần
trong giáo dục.
2. SỰ THỨC TỈNH CỦA TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT NAM
Nguyễn
Trường Tộ tự giới thiệu mình với hơn năm điều khác thiên hạ. Nguyễn Lộ
Trạch do là con rể của Trần Tiễn Thành nên được tiếp xúc với các điều
trần, kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ cũng như tân thư Trung Hoa, từ đó
mới có chủ kiến về canh tân để cứu nước. Tuy nhiên, khước từ khoa cử,
quan trường là chọn lựa cá nhân của ông từ trước. Không có chọn lựa đó,
chưa hẳn đã có tư tưởng và tác phẩm cũng như bước đầu hành động của ông;
là chất xúc tác mạnh mẽ khơi nguồn tư duy mới vào đầu thế kỷ sau.
Phan
Châu Trinh tự phân tích sắc sảo và đầy cá tính về chuyển biến tư tưởng
của chính mình: “Tôi từ nhỏ đến lớn (…) không khi nào đắc chí cả. Lúc
đầu ở nhà đã phát ra lời ưu thời mẫn thế, anh em đều cho tôi là khùng,
là ngu (…). Đến khi thi đỗ ra làm quan (…) quan bộ trưởng cùng các đồng
liêu đều cho tôi là ngu cuồng mà hỏi tại sao. Chính tôi cũng không biết!
Cho nên chỉ cười mà chịu thôi! Đó là cái chân tướng của tôi trong thời
đại khoa cử. Đến khi tôi đọc
được sách mới (năm Nhâm Dần 1902, của ông Đào Nguyên Phổ tặng) thì lấy
làm sướng quá và nói: “Đây là lúc dùng cái khùng, cái ngu này vậy. Tôi
lấy cái ngu, cái cuồng của tôi, mà cái thằng cuồng, thằng ngu (của tôi)
chưa chắc đã không chút gì bổ ích cho quốc dân.”[22]
Những
người, không chỉ từ “gió Á mưa Âu” mà từ nội lực của dân tộc đã khai
tâm giúp nhà nho Việt Nam hiểu ra chân lý của thời đại, những chí sĩ
lãnh đạo công cuộc canh tân giáo dục với hoài bão canh tân đất nước, như
vậy đều là những người biết khẳng định sự khác biệt của bản thân. Họ
không bằng lòng với hiện trạng; họ trăn trở vì thời cuộc, họ ưu tư cho
hiện tại và tương lai của dân tộc, của loài người. Họ tự đảm đương trách
nhiệm vì cộng đồng, dù không có chức vụ ở triều đình hay trong bộ máy
cầm quyền thực dân. Nguyễn Trường Tộ vạch “ba tội” của mình[23],
thực chất là khẳng định sứ mệnh bậc thức giả, xã hội ngày nay gọi là
trí thức. “Chuốc lấy mối lo không phải thuộc phận sự của mình, ôm lấy
những việc khó làm, chí đó mới có thể giữ được.” [NTT: 125] Là “chính
nhân quân tử” chăng? Là trí thức (intellectuel) của thời hiện đại chăng?
Nhuần nhuyễn hai nền văn hóa Á Đông và Tây phương, vừa là nho sĩ vừa là
công giáo, Nguyễn Trường Tộ, bằng tư tưởng của mình đã mở đường thực
học và canh tân, khai phóng tinh
thần mà sĩ phu đầu thế kỷ 20 sẽ tổng kết: “Á, Âu chung lại một lò / Đúc
nên tư cách mới cho rằng người” [ĐKNT, 110-111].
Trong
bài viết này, chúng tôi chưa nói nhiều về cuộc Minh tân ở Nam kỳ, và
những người lãnh tụ có đặc thù riêng của công cuộc đó. P. Brocheux đã
nghiên cứu Gilbert Chiếu, nhưng công trình của ông còn chưa được biết
nhiều ở Việt Nam, ở Sài Gòn một cách xứng đáng. Ngoại trừ nhà văn Sơn
Nam bước đầu thể hiện quan tâm[24],
giới nghiên cứu chuyên nghiệp chưa biết đến những thể nghiệm không kém
táo bạo trong giáo dục và kinh tế ở Sài Gòn và Lục tỉnh vào đầu thế kỷ.
Chúng tôi chưa đề cập, vì muốn dành chuyên khảo này cho số đông sĩ phu
“cựu học” trong thời khắc họ vừa là tác nhân vừa là người thể hiện những
tư tưởng canh tân của mình trong hoạt động thực tế.
Có
người nói sĩ phu duy tân là số ít, thậm chí như là những trường hợp
ngoại lệ. Các công trình khảo cứu ngày càng nhiều ở Việt Nam, cũng như
cuộc Hội thảo ở Aix-en-Provence năm 2007 đã chứng minh ngược lại. Nếu
nửa sau thế kỷ 19 chỉ mới có những người tiên giác tiên tri, thì đầu thế
kỷ 20 đã chứng kiến sự thức tỉnh của cả tầng lớp sĩ phu. Họ đông về số
lượng, nếu xét rằng trong bất kỳ xã hội nào, những người tạo ra mầm móng
cho sự thay đổi, lật nhào trật tự vốn có hay thúc đẩy thay đổi nhanh
hơn, bao giờ cũng bắt đầu là thiểu số, nhưng một thiểu số năng động,
tích cực, có khả năng tạo thành làn sóng. Một số nhà nghiên cứu (Nguyễn
Văn Xuân, Nguyễn Q. Thắng) đã phát hiện và muốn mô tả trọn vẹn ba thế
hệ, mà họ gọi là tiền Duy tân, Duy tân và hậu Duy tân. Chúng tôi thích
dùng hình ảnh những đợt sóng hơn.
Như
đợt sóng bất ngờ cuộn lên từ dòng chảy tiềm ẩn ở bề sâu, chúng ta đã
thấy xuất hiện lẫm liệt một hình tượng người trí thức mới qua hành trạng
và nhất là trí tuệ, tư duy Nguyễn Trường Tộ, bên cạnh những đại thần
hiền minh như Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, những bầy tôi lương đống
như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thành Ý, những thanh niên xuất thân thế gia
vọng tộc thảnh thơi từ bỏ đặc quyền như Nguyễn Lộ Trạch, những người
trong cơn quốc biến đã sớm nhận ra xu thế thời đại và phấn đấu tự giải
phóng khỏi những ràng buộc của thân danh, sở học để thông hiểu và hành
xử thích ứng. Việc họ đến được với nhau, từ quá trình học vấn, kinh
nghiệm và vị trí xã hội vô cùng khác biệt chứng minh sự gặp gỡ và khả
năng kết hợp cái Nguyễn Trường Tộ gọi là “hai trí” không phải là ảo vọng
viển vông. Cũng chứng minh sức sống của trí tuệ Việt chưa hoàn toàn
triệt tiêu sau bốn, năm thế kỷ độc tôn Nho giáo.
Như
nhiều con sóng tuôn về dòng chảy lớn, các nhà Nho đã ở tuổi ngoài ba
mươi – tam thập nhi lập, nhưng không thể đứng vững nữa trên lập trường
Tống Nho cằn cỗi – đổ về Hà Nội ngàn năm văn hiến để thi Hội, thi Đình,
thậm chí để làm quan. Đâu đó từ những nguồn ngoài chính thống, người ta,
thường cũng là học trò như họ đã trao vào tay họ những tân thư. Tri
thức mới mở ra, ngoài trường đại học, ngoài chốn quan trường “trong nô
lệ lại càng nô lệ”. Một thứ tri thức không là tri thức chết, như họ đã
“nhai văn nhá chữ” suốt nhiều năm. Song đáng sợ hơn hiểu biết lạc hậu là
sự tiêu hao, mất sức sống tinh thần: “Người còn lòng đã chết đi, Ngàn
năm tích tệ vậy thì tại đâu?” (Phan Châu Trinh, Tỉnh quốc hồn ca, NQT:
129) Tìm kiếm và dạt dào sung sướng với tân thư, là chính bởi tâm thức “ngu, cuồng” mà Phan Châu Trinh từ
lâu nuôi dưỡng, hay do những bức xúc đầy trách nhiệm của Phan Bội Châu
và nhiều nhà Nho khác trước nạn vong quốc nô. Khác với số đông, coi
khinh cái người ta cho là tôn quý, phẫn nộ trước cái người ta chấp nhận
là lẽ đời bất di bất dịch; “ngu, cuồng” hiểu theo nghĩa đó. Cuồng khi
thống thiết trong bài thơ Chí thành thông thánh: “Vạn dân nô lệ cường
quyền hạ, Bát cổ văn chương túy mộng trung”. Ngu chăng, khi từ quan đeo
đuổi con đường cách mạng? Nhưng sướng khi nghiệm ra chân lý dân chủ, dân
quyền, thực học. Hạnh phúc đó,
của trí tuệ và trách nhiệm, nhiều sĩ phu đầu thế kỷ 20 đã trải nghiệm ở
vai trò làm thầy trong các trường học cách mạng, làm nhà kinh doanh vì
ích nước lợi dân. Trong lúc dấy lên cả nước làn sóng duy tân vừa mãnh
liệt khi khởi phát vừa sâu lắng lúc thoái trào, chính bản thân những nhà
nho cách mạng đã tự biến mình thành tầng lớp trí thức mới, trong định
nghĩa hiện đại nhất của từ này.
Các trường đại học và trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 21 quả còn nhiều điều đáng suy gẫm từ bài học trăm năm trước.
B.T.P.
12/2008
Bùi Trân Phượng. “Tinh thần thực học, sự thức tỉnh của tầng lớp trí thức Việt Nam đầu thế kỉ 20,” tr17-49. Trong Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỉ, 2008. NXB Văn hóa Sài Gòn và Đại học Hoa Sen.
THƯ MỤC
1. Lý Tùng Hiếu, Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005, 344tr. Ký hiệu: LTH
2. Nguyễn Q. Thắng, Phong trào Duy Tân với các khuôn mặt tiêu biểu, Nxb Văn hóa thông tin, 2006, 750tr. Ký hiệu: NQT
3. Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, Nxb Lá Bối, 1970, 384tr. Ký hiệu: NVX
4. Sơn Nam, Miền Nam đầu thế kỷ XX. Thiên Địa hội và Cuộc Minh tân, 303 tr. Ký hiệu: SN
5. Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, 516tr. Ký hiệu: NTT
6. Vũ
Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa
Thục, Nxb Văn hóa, 1997, 295 tr (không kể phần Phụ lục Hán Nôm). Quyển
sách này là ấn phẩm của Trung tâm Viễn Đông bác cổ Pháp tại Việt Nam, ra
đời từ sự hợp tác giữa Viện Viễn Đông bác cổ Pháp và Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam. Ký hiệu: ĐKNT
[1]
Chúng tôi đã nhiều lần trình bày quan điểm của mình về tính thống nhất
giữa các hoạt động duy tân đầu thế kỷ 20 và việc đưa học sinh sang du
học ở Nhật, thường gọi là phong trào Đông Du. Lần gần đây nhất là trong tham luận tại Hội thảo do ĐH Provence tổ chức (xem chú thích 2). Một đóng góp của Hội thảo này là khái niệm “thời khắc duy tân (le moment moderniste)”, cũng thể hiện quan niệm tương đồng với chúng
tôi. Đây cũng là quan điểm được Nguyễn Văn Xuân trình bày ngay lời Tựa
quyển Phong trào Duy Tân, Nxb Lá Bối, 1970, 384tr. [NVX: IX-X]. Tuy nhấn
mạnh, theo thiển ý là hơi quá đáng sự “đối lập” giữa tư tưởng hai cụ
Phan, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng bảo vệ rất thuyết phục quan điểm về
tính thống nhất toàn quốc của tư tưởng và hoạt động canh tân, theo ông
là xuất phát từ Quảng Nam. Gần như toàn bộ công trình sưu tầm, khảo cứu của ông được dành cho đề tài này.
[2] Việt Nam – thời khắc duy tân (1905-1908). Khả năng phản ứng của một xã hội trước sự xâm nhập hiện đại ngoại sinh, hội thảo tại Aix-en-Provence ngày 3, 4 và 5/5/2007.
[3]
Điều thứ tư trong tám việc cần làm gấp, “Tế cấp bát điều”, Trương Bá
Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh,
1988, 516tr. [NTT: 248-258].
[4]
Kết thúc phần nói về sửa đổi học thuật dài hơn 10 trang in trong bản
dịch Quốc ngữ, ông viết: “Trên đây tôi chỉ nói sơ qua những tệ hại thông
thường, cạn cợt, dễ thấy, để sửa sang lại học thuật mà mong những điều
tôi nói ra đó sẽ không bị buộc
tội. Còn nói đến Nho phong ngày nay đã gây ra tệ hại lớn cho Trung Quốc
cũng như nước ta như thế nào, chỉ rõ ra phải đến mấy trăm khoản cũng
chưa hết. Nhưng mà nếu nói ra, chắc tôi không dám về nước! Triều đình có
muốn nghe không?” [NTT: 258].
[5] Lý Tùng Hiếu, Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du, Văn hóa Sài Gòn, 2005, 344tr., [LTH: 20-33].
[6]
Trần Đình Phiên là người cùng Huỳnh Thúc Kháng và Đào Duy Anh đứng tên
thành lập công ty Huỳnh Thúc Kháng để làm báo Tiếng Dân tại Huế. Đình
Phiên, Đình Diệm, Nguyên Đỉnh, Đình Nam, con trai cụ Đốc Trần Đình Phong, đều có góp công trong phong trào Duy Tân ở miền Trung [LTH: 32].
[7]
Do nhiều nguyên nhân lịch sử, lãnh tụ Duy Tân ở Nam kỳ được đào tạo
theo cách thế khác, tuy họ vẫn có người xuất thân từ gia đình nhiều đời
theo Nho giáo, một thứ Nho giáo đặc thù mà Cao Tự Thanh đã phân tích.
Xem Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1996, 256
tr. Vai trò của ông thầy Nho sĩ ở Nam kỳ, vì vậy, không hoàn toàn giống
như phần còn lại của cả nước.
[8]
Trong những vị thầy được sĩ phu duy tân suốt đời ngưỡng mộ, có quan Đốc
học Trần Đình Phong, nhưng cũng có nhiều vị chỉ đỗ cử nhân, tú tài; qua
hành trạng và uy tín của họ [LTH: 21-33], chúng tôi thấy họ đều là
những “chính nhân quân tử”, những người thực sự “hành” đạo Nho mà họ dạy
và học.
[9]
“Thiên hạ đại thế luận” là điều trần đầu tiên của Nguyễn Trường Tộ năm
1863 [NTT: 107-114]. “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch soạn
năm 1892. Huỳnh Thúc Kháng đọc được năm 1903, có lẽ cùng lúc với Phan
Bội Châu, Phan Châu Trinh [LTH: 37-38]. Nguyễn Văn Xuân gọi “Thiên hạ đại thế
luận” của Nguyễn Lộ Trạch là “Tuyên ngôn đầu tiên của Phong trào Duy
Tân Việt Nam” [NVX: 31], có lẽ vì năm 1970, tác giả chưa tiếp cận được văn bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ mà Nguyễn Lộ Trạch đã kế thừa trong tư tưởng và hành động của mình.
[10] Quốc dân độc bản, sách giáo khoa quan trọng của Đông Kinh Nghĩa Thục, lần đầu được công bố toàn văn trong Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, Nxb Văn hóa, 1997, 295 tr. (không kể phần Phụ lục Hán Nôm), ĐKNT: 45-107.
[11] “Ta đã sinh ra trên đất nước Nam, trong trí óc ta chỉ có nước Nam, dưới con mắt ta chỉ có nước Nam” [ĐKNT: 55-56].
[12] “Biết đâu thế kỷ XX này, thế giới da vàng
chúng ta chẳng phải là do thiếu niên chúng ta xây dựng?” “Thiếu niên
chúng ta ví bằng ai ai cũng cố gắng, có chí tiến thủ thì thế giới của giống da trắng biết đâu rồi chẳng là thế giới của giống da vàng!” [ĐKNT: 58-59, 62].
[13] Chúng tôi nhấn mạnh; đây là ý không có sẵn trong lời Khổng Tử.
[14] Bài này từng được Nguyễn Văn Xuân chép với nhan đề “Chiêu hồn nước” và khẳng định là tác phẩm của Trần Quý Cáp, NVX: 176-177.
[15]
Về “tị địa” ở Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) nêu gương “không đi
đường Tây làm, không xài xà bông Tây nấu”. Đông đảo nông dân Ba Tri,
Bến Tre vẫn còn noi gương ông nhiều chục năm sau khi ông mất. Nhưng chữ
quốc ngữ thì con cái ông có học, tự học, mà học giỏi. Và bà Sương Nguyệt
Anh, con gái ông, đã trở thành chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên của Nam
kỳ và cả nước, báo Nữ giới chung, 1918.
[16] Nguyễn Hiến Lê nhấn mạnh khi trích dẫn. Ông bình luận
năm 1956 (và không sửa gì cho đến lần tái bản thứ hai năm 1974): “Tư
tưởng thực là cách mạng. Ngày nay, ở khắp thế giới, chưa chắc đã có nước
nào theo đúng được như vậy, còn riêng ở nước ta thì mặc dầu sau bao
nhiêu lần hô hào cách mạng này cách mạng nọ, tinh thần tôn sùng bằng cấp
đại khoa vẫn y như thời cũ, thời mà Nghĩa Thục mạt sát.” [NHL: 55].
“Văn minh tân học sách” được sáng tác năm 1904. Nguyễn Trường Tộ đã nêu
đề nghị thực học này từ 1864 [NTT: 135-153, Kế hoạch làm cho dân giàu
nước mạnh], và có thể từ trước đó nữa (vì có một số văn bản thất lạc
chưa tìm được).
[17] Đào Trinh Nhất, sau trở thành rể cụ Lương Văn Can và chủ bút báo Phụ nữ tân văn.
[18] Tựa bài báo của Anh Minh Ngô Thành Nhân, Tiếng Dân số 513, 17/8/1932, [NVX: 229-241].
[19] Minh tân là tên gọi phong trào canh tân ở Nam kỳ [SN: 156-158], lấy từ “minh đức, tân dân” trong sách Đại học, và cũng thể hiện ảnh hưởng trực tiếp của Khang, Lương.
[20] Xem Sơn Nam, Miền Nam đầu thế kỷ XX. Thiên Địa hội và Cuộc Minh tân, 303 tr. [SN: 97-297].
[21]
Giới thiệu một trường dạy nữ công mới mở ở Sài Gòn, Gilbert Chiếu bày
tỏ “hết lòng vui mừng, vì nay đờn bà An Nam biết thương quê hương như
vậy”. Trích theo Sơn Nam, SN: 225.
[22]
Phan Châu Trinh, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, dịch và
trích dẫn bởi Nguyễn Q. Thắng, Phong trào Duy Tân với các khuôn mặt tiêu
biểu, Nxb Văn hóa thông tin, 750tr. [NQT: 85-86]
[23] “Từ lúc tôi lớn lên, bước chân ra xứ khác, chẳng được triều đình biết đến, thế mà (…) quên mình là kẻ hèn mọn dám nói đến việc cao xa, chẳng tránh hiềm nghi dám trình bày lợi hại. Như thế thật ngạo mạn. Đó là tội
thứ nhất. Ở triền đình tôi không có địa vị, yến tiệc tôi không dự.
Những việc trọng đại tôi không có liên quan gì, thế mà không biết giữ
mình sống bấp bênh theo chúng là hơn. Huống chi ở trong vòng của quân
địch mà lại ôm chí khác. May ra dẫu thành công cũng không tránh khỏi sự
chê bai. (…) Lỡ ra lòng người khó chắc, sa cơ bại lộ thì thân chịu một
mình, nào ai biết đến. Thế thì tội gì mà làm như vậy? Đó là tội thứ hai.
(…) Huống gì tôi ở vào hoàn cảnh khó biện bạch, dễ bị nghi kỵ, mà lại
làm việc vượt ngoài phạm vi của mình, không biết giấu tên che dạng để
cầu toàn thân lại còn (…) hiến dâng ý kiến. Một giọt nước ổ ích gì cho
núi sông. Sao mà ngu vậy? Đó là tội thứ ba. Vì tôi là kẻ tự biết rõ
mình, thấy mình một cách chính xác, bao nhiêu những việc thế tình nham
hiểm, hoạn hải ba đào không việc gì không biết, nên mới cam tâm chịu ba
tội ấy.” [NTT: 125]
[24]
Luận án Tiến sĩ của Huỳnh Văn Tòng về Lịch sử báo chí Việt Nam, đã được
xuất bản lần đầu năm 1974 là công trình hiếm hoi cho một ít thông tin
về họat động báo chí, một “trường
văn trận bút” của các nhà canh tân. Nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh đã kiên
trì kêu gọi sự thừa nhận “hòn máu rơi” là văn học quốc ngữ ở Nam Bộ,
bao gồm báo chí và tiểu thuyết, truyện ngắn. Sưu tầm, nghiên cứu về dòng
văn học này có khởi sắc hơn trong những năm gần đây.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét