Cho đến nay văn học Việt Nam được dịch ở Nhật Bản chỉ có chừng ấy. Từ lịch sử phiên dịch văn học này có thể hiểu được rõ ràng Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam như thế nào.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai có 3 cuốn sách dịch văn học Việt Nam, đó là : Kim Vân Kiều (Nguyễn Du viết, Komatsu Kiyoshi dịch), An Nam thảo thoại (Truyện cổ An Nam, Nguyễn Tiến Lãng biên soạn, Fukao Sumako dịch) và Lòng nhiệt tình của người An Nam (Annam no jônetsu, của Trịnh Thục Oanh, Oku Yoshiaki dịch). Ba cuốn sách này được dịch từ tiếng Pháp và đều được xuất bản vào năm 1942. Tháng 9 năm 1940 Nhật Bản đến Đông Dương (thuộc Pháp), đưa quân đội đến Hà Nội. Việt Nam chính là nơi quân đội Nhật đến đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó các cơ quan tài chính như Ngân hàng Yokohama shokin ginko, các cơ quan thông tin như Đồng Minh Thông tin, báo Asahi shimbun, nhiều phóng viên, nhân viên báo chí, cùng nhiều người Nhật khác nữa cũng đến Hà Nội. Hai cửa hàng bách hoá là Shirakiya và Daimaru cũng mở cửa hàng ở Hà Nội.
Trong bối cảnh như thế, người Nhật Bản tìm đến văn học Việt Nam như một cách thức để hiểu về Việt Nam. Tất nhiên là không ai đọc được tiếng Việt, vì vậy cùng với việc dịch lại (trùng dịch) từ tiếng Pháp, người Nhật cũng có thể dịch những tác phẩm do các nhà văn Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng Pháp. Lúc bấy giờ ngoài viết bằng tiếng Việt, có một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam cũng viết bằng tiếng Pháp nữa. Như đã dẫn ở trên, nhà văn Nguyễn Tiến Lãng và nhà văn nữ Trịnh Thục Oanh đã viết tác phẩm của mình trực tiếp bằng tiếng Pháp. Kim Vân Kiều của Nguyễn Du cũng được “trùng dịch” từ tiếng Pháp. Về tác phẩm này tôi sẽ trình bày kỹ hơn ở sau.
Sau giai đoạn đó, vấn đề quan tâm rất lớn của người Nhật là cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chiến tranh ở Việt Nam đã gây ra một xúc động mạnh mẽ đối với toàn thế giới, vì vậy trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam từ thập niên 1960 đến 1975, việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam là một cách thức để người Nhật hiểu biết thêm về Việt Nam. Những tác phẩm được dịch sang tiếng Nhật là: Truyện Tây Bắc (tập truyện ngắn của Tô Hoài và những người khác), Trong khói lửa (tập truyện ngắn về Miền Nam VN), Bước đường cùng (tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan), Viết trong khói lửa (tập truyện ngắn), Ngục trung nhật ký (thơ của Hồ Chí Minh), Tiếng sáo trúc (tập truyện ngắn về Miền Nam VN), Tiệm đồng hồ ở Điện Biên Phủ (tập truyện ngắn về Miền Bắc VN), Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Văn học giải phóng Việt Nam (tập truyện ngắn) v.v. Trải qua một thời gian dài, năm 1975 chiến tranh Việt Nam kết thúc, tháng 7 năm sau – 1976, hai miền Nam Bắc đã mau chóng thống nhất.
Như vậy, cho đến giữa thập niên 70, văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Nhật chủ yếu là những tác phẩm văn học có liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Trong giai đoạn này hầu như chưa có tác phẩm nào được dịch trực tiếp từ tiếng Việt. Ví dụ như Tiếng sáo trúc, Tiệm đồng hồ ở Điện Biên Phủ…được dịch từ Quốc tế ngữ (Esperanto). Quốc tế ngữ là thứ ngôn ngữ nhân tạo, không phù hợp đối với việc dịch tiểu thuyết. Nói cách khác, ngôn ngữ này đã tước bỏ đi phần tình cảm, chỉ còn có phần thông tin mà thôi, trong khi đó thơ, tiểu thuyết lại coi trọng vấn đề tình cảm, nên việc dịch từ Quốc tế ngữ, tự thân nó đã là một việc làm mâu thuẫn. Vì thế tiểu thuyết được dịch từ Quốc tế ngữ có nội dung khác khá xa so với thưởng thức nguyên tác. Tất nhiên do tình hình ngôn ngữ lúc bấy giờ mà phải dịch như vậy. Ngoài ngôn ngữ ấy ra cũng có một số tác phẩm được dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh …
Văn học Việt Nam đựoc dịch trực tiếp từ tiếng Việt phải đợi đến giữa thập niên 70 trở đi, như vậy cho đến nay mới được khoảng hơn 25 năm. Năm 1975, GS.Takeuchi Yonosuke (Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo) dịch Kim Vân Kiều từ nguyên tác, đây là một tác phẩm đã được dịch từ tiếng Pháp trong Thế chiến thứ hai, như đã nói ở trên. Nguyên tác Kim Vân Kiều viết bằng thứ chữ tương tự như chữ Hán mà ngày nay người Việt không dùng nữa, gọi là chữ Nôm. Ngoài tác phẩm này ra, từ sau 1975 ở Nhật Bản còn dịch nhiều tác phẩm khác nữa như: Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận), Trận tuyến đặc biệt (Khánh Vân, bản tiếng Nhật dịch là Teki no Okufukaku / Vào sâu trong lòng địch - ND), Áo trắng (Nguyễn Văn Bổng), Ánh sao băng (tập truyện ngắn nhiều tác giả), Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Hòn đất (Anh Đức, bản tiếng Nhật dịch là Hondat dôkutsu no yoake : Bình minh trong hang Hòn Đất - ND), Những thiên đường mù (Dương Thu Hương, bản tiếng Nhật dịch là Kyokô no rakuen: Thiên đường tưởng tượng - ND), Gánh hàng hoa (Nhất Linh và Khái Hưng), Nỗi buồn chiến tranh (Bào Ninh) v.v. Trong số trên có cả 1, 2 quyển văn học cổ điển, cận đại, còn lại là tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm này được dịch trực tiếp từ tiếng Việt. Tuy nhiên tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (nguyên tác xuất bản năm 1991), được dịch và xuất bản năm 1997, nhưng lại được “trùng dịch” từ tiếng Anh, đây là trường hợp khá hiếm hoi.
Có thể kể thêm về loại sách đối dịch (dịch đối chiếu sát) của nhà xuất bản ngữ học có tên là Daigakushorin (Đại học Thư lâm), cho đến nay có 8 quyển. Nói rõ hơn, đó là loại sách đối dịch in song ngữ gồm cả tiếng Việt và tiếng Nhật. Loại sách đối dịch này bao gồm cả những tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam như: Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), Kim Vân Kiều tân truyện (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), và văn học cận đại như: Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) .v.v…
Trong lịch sử văn học Việt Nam, chia một cách đại lược thì từ thập niên 1920 đến 1945 là thời kỳ văn học cận đại. Thời kỳ này đã thoát ra khỏi những thủ pháp trước kia của văn học cổ điển. Lần đầu tiên bằng phương pháp tiểu thuyết, người ta đã viết về những chuyện bình thường bằng ngôn ngữ nói. Nó không phải là văn vần mà là văn xuôi. Với hình thức và nội dung như thế, văn học cận đại Việt Nam ra đời. Từ 1945 trở về sau là thời kỳ văn học hiện đai.
Ở Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, tiếng Việt bắt đầu được dạy từ năm 1964. Những thành quả của nó đã được thể hiện trên phương diện dịch văn học là từ 1975 trở lại đây.
Với mục đích chính là cắt đứt con đường chi viện cho Tưởng Giới Thạch của Liên Hợp Quốc, Nhật Bản đã tiến vào Đông Dương, đóng quân ở Việt Nam khoảng 5 năm. Trong thời gian đó người Nhật đã nghĩ về văn học Việt Nam như thế nào ?
Nhà nghiên cứu về văn học Pháp Komatsu Kiyoshi có mặt trong buổi toạ đàm đó. Kết quả là ông đã quyết định dịch Kim Vân Kiều ra tiếng Nhật. Tham gia buổi toạ đàm có chừng 7 người, trong đó có: Ihara Usaburo, giáo sư Trường Mỹ thuật Tokyo (nay là Đại học Nghệ thuật Tokyo), một vài người làm việc ở Bộ Công Thương, Công ty Đường sắt Nam Mãn Châu v.v. Trong buổi toạ đàm, chỉ có Suzuki Mutsuro và Komatsu Kiyoshi phát biểu, nhưng tất cả đều quan tâm đến văn học Việt Nam.
Suzuki Mutsuro nói: “Thành tựu tiêu biểu của văn hoá truyền thống An Nam là gì? Nếu chỉ nói về văn học thì đó là Kim Vân Kiều, một tác phẩm văn học hết sức nổi tiếng, có lẽ địch đựơc với Genji monogatari (Truyện Genji) của Nhật Bản. Tác phẩm này được mọi người thưởng thức một cách rất thích thú, người An Nam nào cũng thuộc lòng vài câu.”
Tác giả là Nguyễn Du, một văn nhân từng trải qua một kỳ thi Nho học và làm một chức quan ở địa phương. Hiện nay còn nhiều tài liệu ghi lại cuộc đời của ông từ 1765 đến 1820. Thực ra thì Kim Vân Kiều cũng không phải là sáng tác hoàn toàn của Nguyễn Du, nguyên tác của nó là tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện được viết vào cuối TK.XVI đầu TK.XVII, cuối thời Minh đầu thời Thanh của Trung Quốc. Tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng đó không phải là tên thực, cho đến nay người ta cũng không hiểu rõ lắm về cuộc đời của ông. Kim Vân Kiều truyện nguyên tác của Trung Quốc là một truyện dài viết bằng ngôn ngữ nói (Bạch thoại) theo kiểu tiểu thuyết chương hồi với 20 hồi. Vào thời Minh, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội là sự trỗi dậy của tầng lớp bình dân (thị dân), rất nhiều tiểu thuyết bạch thoại đã lấy bối cảnh xã hội ấy. Kim Vân Kiều truyện là một trong những cuốn tiểu thuyết như thế. Với tính chất thông tục và được tầng lớp bình dân tiếp nhận, tác phẩm này phải chăng có thể coi là một loại tiểu thuyết “bestseller” bấy giờ? Văn nhân-quan nhân Nguyễn Du người Việt Nam đọc được tác phẩm ấy bằng nguyên tác tiếng Trung Quốc, cảm động mà viết lại thành thơ luc bát, một thể thơ truyền thống của người Việt Nam. Theo đó thì Kim Vân Kiều của Nguyễn Du không phải là tác phẩm dịch đơn thuần. Bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã khiến cho Kim Vân Kiều thành một tác phẩm tuyệt mỹ có một âm điệu hết sức đặc biệt.
Đây là tác phẩm văn học đỉnh cao của quốc dân Việt Nam, thâm nhập sâu rộng vào dân gian, cho đến nay ai cũng biết đến. Vì thế vào những năm 40 người Nhật chú ý đến tác phẩm này là điều dễ hiểu. Tất nhiên người Nhật không thể đọc từ nguyên văn tiếng Việt được, mà phải đọc bản dịch Pháp ngữ nào đó, của người Việt hay của người Pháp. Komatsu Kiyoshi đã có trong tay bản dịch tiếng Pháp này và dịch ra tiếng Nhật. Do dịch từ tiếng Pháp, dùng văn nói chứ không phải thơ, nên bản dịch không có được cái vẻ đẹp âm điệu của bản tiếng Việt, nhưng nếu truy tìm việc triển khai câu chuyện thì đây là một bản dịch rất hay, rất tinh tế.
Komatsu Kiyoshi nói về Kim Vân Kiều như thế này: “Tôi cũng đã đọc bản dịch tiếng Pháp, và cảm thấy hết sức xúc động.” Trong buổi toạ đàm thứ 2, Komatsu nói: “Nói một cách chung nhất, tác phẩm thơ trữ tình trường thiên Kim Vân Kiều đã chứa đựng rất nhiều tinh thần và văn hoá của người An Nam.”
Nhưng cách nhìn của Komatsu Kiyoshi lại khác. Ông nói : “Trong các tác phẩm của các nhà văn hiện nay, tôi chỉ đọc được những tác phẩm bằng Pháp văn, còn bộ phận viết bằng văn An Nam thì tôi chỉ được nghe phần cốt truyện hoặc truyện trò với các nhà văn mà tìm hiểu thì thấy, về kỹ thuật biểu hiện, so với nhà văn Nhật cũng có chỗ còn ấu trĩ, có chỗ vụng về, nhưng trong tiểu thuyết một đề tài, hay gọi là tiểu thuyết phong tục, thì nỗi đau khổ của người An Nam hiện tại đã được thể hiện tương đương với văn học Nhật Bản.” Ông nói tiếp : “Tôi từng đọc được những tác phẩm rất hay, gây xúc động sâu sắc hơn hẳn nhiều tiểu thuyết kỳ quái của Nhật Bản.” Nhận định của Komatsu về văn học Việt Nam hiện đại trái ngược với nhận định của Suzuki Mutsuro.
Cách đánh giá nào đúng hơn? Có thể nói hẳn nhiên là nhận định của Komatsu Kiyoshi là khách quan và đúng đắn hơn. Thực ra thì ngay trước buổi toạ đàm vào tháng 8 năm 1941, Komatsu vừa mới từ Đông Dương trở về Nhật Bản. Tháng 4 năm ấy ông còn ở Nhật Bản, tháng 7 ông đã quay về. Ba tháng ở Đông Dương, ông đã đi thăm một vòng Hà Nội và Sài Gòn, trong thời gian đó ông đã có dịp hiểu rõ hơn về Việt Nam và văn học Việt Nam. Buổi toạ đàm được đăng trên báo từ ngày 8 tháng 8, nhưng kỳ thực thì đã diễn ra trước đó, cho nên có thể nói là: ngay sau khi trở về Nhật, Komatsu đã đến tham dự buổi toạ đàm này. Komatsu còn để lại một ký sự du hành có tên là “Đường đến Đông Dương” (Futsuin e no michi, năm 1941).
Liên quan đến Kim Vân Kiều, kiệt tác đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam, thì Kim Vân Kiều truyện nguyên tác Trung Quốc cũng đã từng được du nhập vào Nhật Bản. Thời điểm đến Nhật của nó được xác định là vào năm 1754 (Bảo Lịch thứ 4 thời Edo). Người ta không biết rõ lắm về dịch giả của nó, chỉ biết đó là Nishida Isoku (Tây Điền Duy Tắc), văn nhân người Omi. Thời điểm Nishida dịch Kim Vân Kiều truyện ra tiếng Nhật là năm 1763, tức là trước khi Nguyễn Du của Việt Nam ra đời 2 năm. Bản dịch thời Edo có nhan đề là “Thông tục Kim Kiều truyện” (Tsùzoku Kin Kyô den), toàn bộ 5 quyển, từ hồi 1 đến hồi 20, dịch bằng thứ tiếng Nhật pha trộn giữa chữ Hán và chữ Katakana (một loại chữ phiên âm của Nhật).
Nhưng bản dịch tiếng Nhật chỉ là văn xuôi, khác với bản Kim Vân Kiều của Nguyễn Du bằng văn vần theo thể thơ đặc biệt của người Việt. Người ta không biết được bản dịch của Nishida được đương thời đón nhận như thế nào, nhưng ở Nhật Bản qua thời gian dường như nó đã bị lãng quên rồi.
Không thoả mãn với bản dịch, vào nửa đầu thế kỷ XIX, Kyokutei Bakin (Khúc Đình Mã Cầm) đã viết một cuốn truyện phóng tác tác phẩm này. Bakin đã mô phỏng theo Thông tục Kim Kiều truyện để viết ra một cuốn truyện có 5 thiên, đặt tên là “Phong tục Kim Ngư truyện ” (Fùzoku Kingyo den). Ông đã mất hơn 10 năm trời để hoàn thành tác phẩm này, do mải theo đuổi những tác phẩm chủ yếu khác của mình như: Nam tổng lý kiến bát khuyển truyện (Nan sôsato mi hakken den), Xuân thuyết cung trương nguyệt (Chinsetsu yumiharidzuki)…Tiếc rằng cho đến nay quyển phóng tác Kim Ngư truyện của ông cũng không được nhắc đến trong các bộ lịch sử văn học Nhật Bản nữa.
Ở bài đầu ông giới thiệu về văn hoá Nho giáo, hay còn gọi là văn hoá truyền thống của người Việt, bài sau ông giới thiệu về văn học cận đại, nhìn chung cũng tương tự với cách hiểu của chúng tôi. Ví dụ ông viết: “Trong một phần tư đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nền văn học của chúng tôi, nền văn học ấy đã đạt được những thành quả hiển nhiên về lượng cũng như về chất.” Cái gọi là ¼ thế kỷ đại thể là nói thời gian từ thập niên 20 trở lại.
Người viết giới thiệu về nhà văn Hoàng Ngọc Phách, nổi tiếng với tiểu thuyết Tố Tâm, một tác phẩm được coi là mở đầu cho văn học cận đại Việt Nam. Tên của tác phẩm này được giới thiệu đầu tiên.
Tiếp theo ông cũng giới thiệu Nhất Linh, một nhà văn quan trọng trong việc xây dựng nền văn học cận đại Việt Nam. Sau đó là nhà văn Khái Hưng, người cùng nhóm với Nhất Linh. Nhìn từ con mắt ngày nay thì chắc chắn Khái Hưng cũng được đưa lên như một nhà văn chủ yếu.
Ngoài ra còn có nhà văn thuộc phái xã hội là Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, đều là những nhà văn quan trọng của văn học cận đại.
Tiếp theo là Thế Lữ và Xuân Diệu, hai nhà thơ cận đại Việt Nam. Họ là những người mở đường cho Phong trào Thơ mới của Việt Nam, tương tự như “Tân thể thi” (Shintaishi) của Nhật Bản. Ông cũng giới thiệu Nguyễn Khắc Hiếu, nhưng đây là một nhà thơ quá độ giữa thơ cổ điển chịu ảnh hưởng Trung Quốc và thơ cận đại chịu ảnh hưởng Pháp. Nói gì thì nói, những tác gia mà tôi yêu thích nổi bật trong thập niên 20 và 30 là những nhà thơ. Chúng tôi rất yên tâm khi thấy cách nhìn của mình về văn học Việt Nam đương thời trùng với cách nhìn của Văn Hoàn, người viết bài báo này. Tiếc rằng tác phẩm của các nhà văn này, lúc bấy giờ hoàn toàn không được dịch ra tiếng Nhật nên người Nhật không hiểu được bao nhiêu.
Vào lễ hội văn hoá của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo gọi là “Gaigosai” (Ngoại ngữ tế), Ban tổ chức lễ hội lần đầu tiên đưa ra kế hoạch phát hành tập san văn học dịch. Vì thế tôi đã quyết định tham gia và mang nộp tập bản thảo truyện ngắn của Thạch Lam với khoảng 30 trang giấy loại giấy dùng để viết tay. Theo quy định số trang của tập san thì bản thảo của tôi quá dài, nên bị cắt đi khoảng 1/3, và đăng trên tập san văn học dịch. Đó là tập “Kirameki” (Ánh sao) số 1. Bìa sau viết: “Phát hành: ngày 15 tháng 3 năm 1979, Nơi xuất bản: Ban tổ chức lễ hội Gaigosai”. Đó là cố gắng đầu tiên của tôi trong việc dịch văn học Việt Nam. Một bản dịch nhỏ bé, nhưng đó là tác phẩm mà tôi muốn dịch và đã dịch được, nên tôi hết sức yêu quý. Sau đó tôi bắt đầu quan tâm sâu hơn đến toàn bộ văn học Việt Nam.
Nhà văn Thạch Lam mất năm 32 tuổi vì bệnh phổi. Vì thế tác phẩm mà ông để lại cũng không nhiều: 3 tập truyện ngắn, một quyển tiểu thuyết, 1 tập tuỳ bút và 1, 2 tập phê bình văn học. 3 tập truyện ngắn tính chung cũng chỉ có khoảng 30 truyện.
Thạch Lam là thành viên của một nhóm văn học nổi tiếng trong văn học cận đại Việt Nam có tên là “Tự lực văn đoàn”. Tự lực văn đoàn hoạt động sôi nổi vào những năm 30, tạo ra sức mạnh chủ yếu hình thành nên văn học cận đại Việt Nam. Nhóm Tự lực văn đoàn có 7 thành viên chủ chốt: 4 nhà văn và 3 nhà thơ. Đầu tiên phải kể đến nhà văn Nhất Linh, người lãnh đạo Tự lực văn đoàn. Sau đó là nhà văn Khái Hưng là thành viên quan trọng tương tự như Nhất Linh. Thạch Lam là em trai của Nhất Linh.
Cho đến nay tôi đã dịch một số truyện liên quan đến các nhà văn Tự lực văn đoàn. Hiện nay tôi đang dịch một quyển tiểu thuyết không phải của nhóm văn học này, mà là của một nhà văn cận đại thuộc phái xã hội, đó là Nguyên Hồng (1918-1982). Đây là một cuốn tiểu thuyết miêu tả cuộc sống của thanh niên sống ngoài lề xã hội đương thời. Trong truyện có rất nhiều tiếng lóng nên rất khó dịch.
Từ thực tế phiên dịch trước nay của mình, tôi có cảm giác là dịch tiểu thuyết Việt Nam rất khó. Xin kể một ví dụ dưới đây về việc dịch lầm khi tôi dịch một truyện vừa của Khái Hưng trong tập sách song ngữ đối dịch chung với vài đồng nghiệp khác. Tác phẩm nhan đề là “Hồn bướm mơ tiên” (nguyên tác 1933). Đây là một câu chuyện tình giữa một cô gái giả trai vào tu ở một chùa trên núi vùng Bắc Bộ với một sinh viên đến thăm chùa vào dịp nghỉ hè. Khi dịch tác phẩm này tôi đã hiểu sai đôi chỗ nên đã dịch lầm.
Dịch trung thành so với nguyên tác là vấn đề cơ bản của việc dịch, nhưng điều chúng tôi luôn luôn băn khoăn là chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Nhật như thế nào, nói cách khác là làm sao để vừa không viết thêm vào nguyên tác, nhưng vẫn đảm bảo là một tác phẩm văn học bằng tiếng Nhật. Những yêu cầu đối lập như vậy luôn làm đau đầu người dịch chúng tôi. Bản dịch rời xa nguyên tác thì sẽ trở thành một tác phẩm khác, nên phải tránh. Làm như thế là thất lễ với tác giả. Một đoạn văn dù dài như thế nào cũng phải để thời gian đắn đo cân nhắc, nghĩ đi nghĩ lại, rồi mới dịch ra tiếng Nhật, cố gắng làm sống lại ý vị vốn có của nguyên tác. Còn cắt ngắn đi, hay thuyết minh thêm vào, tôi nghĩ đó không phải là thái độ đáng có của một dịch giả. Tất nhiên những khác nhau về điều kiện tự nhiên (khí hậu chẳng hạn) hay văn hoá xã hội thì tuỳ theo câu văn mà có thể chú thích thêm vào.
Dẫu sao thì, các giai đoạn thập niên 1940 khi người Nhật vào Đông Dương, rồi thập niên 60, đến giữa thập niên 70, là giai đoạn “trùng dịch” – dịch lại từ tiếng Pháp, tiếng Anh và Quốc tế ngữ (Esperanto). Thực tình bản thân tôi dường như không đọc những tác phẩm đó. Lịch sử dịch từ nguyên tác về văn học Việt Nam ước chừng khoảng 25 năm nay, nếu so với việc dịch văn học Âu Mỹ thì còn quá ngắn ngủi.
Văn học Việt Nam hiện đại đã ở trong một trạng huống đặc thù dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nên cũng chứa đựng nhiều vấn đề khó khăn riêng. Thời kỳ ấy đã sản sinh ra rất nhiều tác phẩm, nhưng những tác phẩm mà chúng tôi đọc và đánh giá cao phải nói thực là không nhiều. Sau đó công cuộc Đổi mới được tiến hành, xã hội có nhiều biến chuyển sâu sắc, văn học Việt Nam trong những năm gần đây đã sản sinh ra nhiều nhà văn ưu tú, có tài năng như Bảo Ninh, Dương Thu Hương. Bảo Ninh, tác giả của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là nhà văn có ngôn ngữ gây được ấn tượng mạnh mẽ. Ngôn ngữ trong tác phẩm của anh có sức khơi gợi những hình ảnh và tình cảm mãnh liệt, văn chương của anh tạo cho người đọc những xúc động sâu sắc trước hiện thực trong tác phẩm. Đây là một nhà văn mà tôi rất tâm đắc. Bản dịch tiếng Nhật Nỗi buồn chiến tranh từ tiếng Anh thoát khá xa so với nguyên tác, nhưng dẫu có đọc bản dịch ấy tôi nghĩ cũng có thể cảm nhận được nó đã trở thành tác phẩm có giá trị văn học mang tính phổ biến. Tôi đã đọc thử bản dịch và thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời. Nhưng nếu so sánh tương quan bản dịch với nguyên tác của Bảo Ninh thì còn nhiều vấn đề đáng phải bàn, nếu dịch giả dịch thẳng từ nguyên tác tiếng Việt thì chắc chắn đã tránh được.
Tháng 9 năm 1997 tôi có đi Việt Nam và gặp gỡ nhiều nhà văn, có dịp trao đổi ý kiến. Nhờ vậy mà tôi có ấn tượng văn học Việt Nam hiện đại đang dần dần trở nên thú vị. Thực ra thì bản thân tôi không có hứng thú lắm với văn học hiện đại. Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - nền tảng lý luận văn nghệ mà các nhà văn Việt Nam dựa vào cũng mất theo, hậu quả là văn học Việt Nam hiện tại bị mất phương hướng, hoạt động sáng tác không sôi nổi lắm. Nhưng dẫu trong tình trạng như thế vẫn xuất hiện những nhà văn có tài đang thử tìm tòi những nội dung và phương pháp mới để viết ra những tác phẩm có giá trị văn học mang tính phổ biến như các nước trên thế giới. Về văn học Việt Nam hiện nay tôi có ấn tượng như thế.
Cho đến nay tôi chỉ quan tâm nhiều đến văn học cổ điển và cận đại, nhưng không phải là không hy vọng rồi đây ở Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều nhà văn trẻ hoạt động có hiệu quả. Nếu có những tác phẩm hay, nhất định tôi sẽ giới thiệu và dịch ra tiếng Nhật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Du: Kim Vân Kiều, Takeuchi Yonosuke dịch, Kôdansha xuất bản, 1975
- Ánh sao băng, (tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại), Katô Sakae dịch, Shinjuku shobô xuất bản, 1988
- Dương Thu Hương: Những thiên đường mù, Katô Sakae dịch, Dandansha xuất bản, 1994
- Khái Hưng và Nhất Linh: Gánh hàng hoa, Katayama Sumiko dịch, Hotaka shoten xuất bản, 1996
- Nguyên Hồng: Bỉ vỏ, Kawaguchi Ken’ichi dịch, Dandansha sắp xuất bản
Dịch từ Một trăm năm phiên dịch : Văn học nước ngoài và Nhật Bản cận đại
(Honyaku hyakunen: Gaikoku bungaku to Nihon no kindai),
Hara Takuya, Nishinaga Yoshinari chủ biên, Daishùkan shoten, Tokyo, 2000
0 nhận xét:
Đăng nhận xét