Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012
Văn hóa và một số khái niệm về văn hóa
23:12
Hoàng Phong Nhã
No comments
Những năm gần đây, nhận thức về vai trò quyết định của văn hóa ở nước ta
được nâng lên đúng với giá trị đích thực của nó. Ngay từ Nghị quyết Hội
nghị lần thứ IV của Ban chấp hành Trung ương khóa VII đã khẳng định:
văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu
về trình độ phát triển của một dân tộc, là sự kết tinh những giá trị tốt
đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, với xã hội và với thiên
nhiên. Nó vừa là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa
là một trong những mục tiêu của chúng ta. Các chính sách về văn hóa của
Đảng ta thể hiện quan điểm: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội,
vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy Đảng và nhà nước ta đang chủ trương xây dựng một nền văn
hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để làm được điều đó thì việc giữ
gìn, phát huy và chấn hưng văn hóa dân tộc được đặt ra một cách cấp
bách, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều giới.
Văn hóa và một số khái niệm về văn hóa
Vậy
văn hóa là gì mà tại sao nó có vai trò quan trọng, được coi là quốc
sách hàng đầu bên cạnh giáo dục và đào tạo và khoa học - công nghệ trong
đường lối phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Sau đây
chúng ta sẽ làm rõ nội dung của khái niệm này.
Trong
lịch sử, khái niệm văn hóa xuất hiện rất sớm ở phương Đông cũng như ở
phương Tây. Trong thời kỳ Cổ đại ở Trung Quốc, văn hóa được hiểu là cách
thức điều hành xã hội của tầng lớp thống trị dùng văn hóa và giáo
hóa, dùng cái hay, cái đẹp để giáo dục và cảm hóa con người. Văn đối
lập với vũ, vũ công, vũ uy dùng sức mạnh để cai trị. Ơ nước ta gần
600 năm trước, Nguyễn Trãi cũng đã mơ ước một xã hội văn trị, lấy nền
tảng văn hiến cao, lấy trình độ học vấn và trình độ tu thân của mỗi người làm cơ sở cho sự phát triển hài hòa của xã hội.
Ơ
phương Tây, từ văn hóa bắt nguồn từ tiếng La tinh, có nghĩa là vun
trồng, tạo ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của con người. Khái
niệm văn hóa về sau phát triển ngày càng phong phú. Tùy cách tiếp cận
khác nhau, cách hiểu khác nhau, đến nay đã có mấy trăm định nghĩa khác
nhau về văn hóa. Tuy khác nhau, nhưng các định nghĩa đó đều thống nhất ở
một điểm, coi văn hóa là cái do con người sáng tạo ra, cái đặc hữu của
con người. Mọi thứ văn hóa đều là văn hóa thuộc về con người, các thứ tự
nhiên không thuộc về khái niệm văn hóa. Văn hóa là đặc trưng căn bản,
phân biệt con người với động vật, cũng là tiêu chí căn bản để phân biệt
sản phẩm nhân tạo và sản phẩm tự nhiên.
Con
người là từ tự nhiên mà ra, không thể tách khỏi tự nhiên để tồn tại và
phát triển. Văn hóa trước hết là một sự thích nghi chủ động và có ý thức
của con người với tự nhiên, đồng thời lại là sự phát triển của sự thích
nghi ấy. Với tính cách là một sinh vật, con người có một bản chất thứ
nhất, đó là bản chất tự nhiên. Nhưng với tính cách là một sinh vật có ý
thức và sống thành xã hội thì con người lại có bản chất thứ hai, đó là
bản chất văn hóa, vượt ra khỏi bản chất tự nhiên, điều này đưa đến quan
niệm coi văn hóa là tự nhiên thứ hai được hình thành và phát triển trên
cơ sở tự nhiên thứ nhất tự tại: Là văn hóa, những gì không phải tự
nhiên.
Việc
xác định khái niệm văn hóa không đơn giản, bởi vì mỗi một học giả đều
xuất phát từ những cứ liệu riêng, góc độ riêng, mục đích riêng phù hợp
với vấn đề mình cần nghiên cứu để đưa ra các khái niệm về văn hóa. Chính
vì thế mà Sapovalop trong tác phẩm Những cơ sở triết học của thời đại -
cội nguồn của thế kỷ XX đã cho rằng Văn hóa đó là một khái niệm không
thích hợp với loại định nghĩa một định nghĩa. Vì thế không phải ngẫu
nhiên mà trong các tài liệu triết học có rất nhiều loại định nghĩa khác
nhau và mỗi định nghĩa này chỉ ra những mặt riêng của hiện tượng văn
hóa.
Khi
tiếp cận khái niệm văn hóa, tùy từng mục tiêu, mục đích khác nhau của
người nghiên cứu mà dựa trên các cách tiếp cận khác nhau và từ đó hình
thành các định nghĩa khác nhau về khái niệm văn hóa. Xem xét mối tương
quan giữa văn hóa và xã hội chúng ta có thể lựa ra bốn cách tiếp cận chủ
yếu sau, đó là: tiếp cận giá trị học, tiếp cận hoạt động, tiếp cận nhân
cách và tiếp cận ký hiệu học. Cả bốn góc tiếp cận này tuy khác nhau
nhưng chúng đều dựa trên những nguyên tắc chung đó là dựa trên mối quan
hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, dựa trên hình thái kinh tế xã
hội và những nguyên tắc hoạt động của triết học Mác như nguyên tắc thực
tiễn¦
Trong
bốn cách tiếp cận trên thì cách tiếp cận giá trị học có một lịch sử lâu
đời, đa dạng và cho đến tận bây giờ nó vẫn thể hiện vai trò thống trị
của mình. Cách tiếp cận này không chỉ thâm nhập vào triết học mà còn có
cả lý luận văn hóa, mỹ học, đạo đức học cùng nhiều bộ môn khoa học khác
và đã dấy lên những cuộc tranh luận đến tận bây giờ. Quá trình phát
triển của tiếp cận giá trị học đã thể hiện sự tìm kiếm bản chất của văn
hóa theo ba cấp độ đối tượng: cấp độ vật chất, cấp độ chức năng và cấp
độ hệ thống. Tương ứng với cấp độ vật chất của đối tượng là định nghĩa
mô tả văn hóa như thế giới các đồ vật được con người sáng tạo và sử dụng
trong quá trình lịch sử. Trong công trình: Được sáng tạo bởi nhân loại
Iu.V.Brômlây và R.C.Pađôlưi đã khẳng định: Văn hóa trong ý nghĩa rộng
rãi nhất của từ này, đó là tất cả những cái đã và đang được tạo ra bởi
nhân loại. Hoặc trong tác phẩm Cơ sở văn hóa Việt Nam của tác giả Trần
Ngọc Thêm đã định nghĩa: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật
chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt
động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự
nhiên và xã hội. Như vậy với cách định nghĩa này thì nội hàm của khái
niệm văn hóa bao gồm: Thứ nhất, đó là những giá trị vật chất và tinh
thần do con người sáng tạo ra nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người và
vì con người. Thứ hai, những giá trị mà con người sáng tạo ra đó phải
mang tính nhân tính nghĩa là nó phải mang tính người. Điều đó có nghĩa
là có những giá trị do con người sáng tạo ra những nó không phải là giá
trị văn hóa bởi vì nó không mang tính người, nó hủy hoại cuộc sống của
con người¦ do đó không được cộng đồng chấp nhận như: bom nguyên tử, các
vũ khí giết người hay chủ nghĩa khủng bố; một vấn đề nổi cộm trong giai
đoạn hiện nay¦
Như
vậy với định nghĩa giá trị về văn hóa trên, chúng ta có thể sử dụng để
nghiên cứu lối sống, lối suy nghĩ, lối ứng xử của một dân tộc, một cồng
đồng người. ví dụ như nghiên cứu văn hóa Việt Nam là chúng ta nghiên cứu
lối sống của các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra với định nghĩa trên cũng
giúp phân biệt được đâu là một giá trị văn hóa, đâu không phải là giá
trị văn hóa.
Tóm
lại, trên bình diện phương pháp luận, xem xét mối tương quan giữa văn
hóa và xã hội có thể lựa ra bốn cách tiếp cận chủ yếu về văn hóa đã nêu ở
trên. Từ đó có các định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Tùy cách tiếp
cận khác nhau, cách hiểu khác nhau mà có những định nghĩa khác nhau về
khái niệm này. Mỗi định nghĩa đều có điểm mạnh, điểm yếu của nó. Có thể
nó chỉ đề cập đến một khía cạnh này mà bỏ qua khía cạnh kia của khái
niệm văn hóa. Nhiệm vụ của chúng ta là phải xuất phát từ đối tượng
nghiên cứu mà chọn định nghĩa cho phù hợp, để qua định nghĩa đó nó sẽ
giúp chúng ta có thể làm sáng tỏ nội dung cần nghiên cứu và làm cho việc
nghiên cứu thuận lợi và có hiệu quả hơn. Nhưng dù các định nghĩa có
khác nhau như thế nào đi chăng nữa thì bao giờ nó cũng có điểm chung như
đã nói ở phần đầu đó là văn hóa là cái do con người sáng tạo ra, cái
đặc hữu của con người. Mọi thứ văn hóa đều là văn hóa thuộc về con
người, các thứ tự nhiên không thuộc về khái niệm văn hóa. Văn hóa là đặc
trưng căn bản, phân biệt con người với động vật, cũng là tiêu chí căn
bản để phân biệt sản phẩm nhân tạo và sản phẩm tự nhiên. Đây chính là
điểm mà các nhà nghiên cứu văn hóa cần nắm vững để tránh bị sa lầy vào
một mê hồn trận các định nghĩa khác nhau về khái niệm văn hóa từ đó làm
cản trở công việc nghiên cứu của mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét