Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014
Của ta, của Tàu (1)
21:49
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Thị Hoài
Trong phóng sự Vẽ nhọ bôi hề [1],
điều tra về các rạp hát và đời đào kép, Vũ Trọng Phụng kể chuyện một
nhà hát ở ta đã „ném sang Tàu“ hàng bạc vạn để mua trang phục, khí giới
biểu diễn.
Nhà hát giải thích: „Làm thế nào được!
Chúng tôi vẫn muốn thửa tại các cửa hiệu của người mình lắm chứ… Nhưng
đồ đã đắt mà lại chóng hỏng, chúng tôi cứ nghĩ mãi đến đồng bào thì để
rạp hát đóng cửa ư? Một đôi hia của Tàu, giá hai chục bạc, không kể thêu
đẹp, dùng được đến hai năm. Một đôi hia thửa của ta, cũng ngần ấy tiền,
đã không được đẹp thì thôi, lại dùng chưa quá một năm đã hỏng! Hai nữa,
thợ ta không biết pha màu. Người Tàu không bao giờ họ lại dùng những
chỉ: đen, đỏ thẫm, vàng ệch với xanh lơ để thêu một cái áo. Cái áo lụa
xanh da giời thì phải những hoa xanh thẫm với những ngân tuyến điểm tô
cho. Họ không chịu để cho đồ thêu những màu gay gắt. Còn người mình… thì
thôi!“ Ông này, sau khi thử thách tác giả, cho đoán thử hai cái mũ, cái
nào của ta cái nào của Tàu, kết luận: „Nếu ông chỉ trông thấy xấu cũng
đủ nhận được người thợ làm đồ thì đừng vội vàng trách chúng tôi. Mĩ
thuật của người Việt Nam dễ nhận ra vì… vì trông nó xấu!“
Đó là 1934, tròn 80 năm trước, Pháp
thuộc chứ không phải Bắc thuộc, “Pháp-Việt đề huề” chứ không phải mười
sáu chữ vàng Việt-Trung, song ngôi trên của văn hóa Trung Hoa vẫn thấm
vào tận đường kim mũi chỉ trên xống áo đào kép. Ghét lắm nhưng không bỏ
được. Ngày nay người Việt chê Tàu kém chất lượng. Bõ ghét được vài phút,
song ở Việt Nam mĩ thuật Trung Hoa vẫn thống trị từ trong nhà ra ngoài
đường.
*
Vẫn theo Vũ Trọng Phụng trong phóng sự
nói trên, bản thân cái nghệ thuật sâu khấu ấy là „một sự sáng kiến của
Trung Quốc, làm quen với dân mình vào hồi Đức Trần Hưng Đạo đánh đuổi
quân Nguyên. Trong đám tù binh Tàu có tên lính Lý Nguyên Cát trong ngục
cũng vẫn hát hỏng cho tù binh khác khuây khỏa nỗi lo buồn – việc làm
tiêu thời giờ trong lúc ưu nhàn bất đắc dĩ. Thấy sự lạ, lính canh tù bẩm
lên quan trên. Người ta hỏi Lý Nguyên Cát, y cắt nghĩa hết. Theo lệnh
của Đức Trần Hưng Đạo, Lý Nguyên Cát bèn diễn một tấn tuồng do y soạn
ra. ‚ Vương Mẫu hiến đào‘ là tấn tuồng trước tiên diễn trên mặt đất của
Đức Đại Việt Hoàng đế, kép hát gồm 12 người, nam ban đóng giả nữ ban. Họ
mặc áo gấm vóc, múa hát theo điệu đàn sáo, kèn, trống thành hẳn một
khúc âm nhạc có tiết tấu và theo tích hát có thể khiến người „Ố Nàm“
mình phải vui mừng giận ghét hẳn hoi. Sau buổi diễn, Lý Nguyên Cát với
12 tù binh kia nghiễm nhiên trở nên những ông giáo sư dạy tuồng! Đến đời
Trần Dụ Tông, các khanh tướng vương hầu nhận thấy chiếu của Vua truyền
soạn tích hát. Rồi từ đó trở đi, những buổi dạ yến đều có tiếng trống
kèn vang lừng hoàng cung.“
Thuở ấy mà Đức Thánh Trần quyết liệt tảy
chay sản phẩm Trung Quốc hay chống xâm lăng văn hóa thì ngày nay người
Việt đã không có những dòng âm nhạc và sân khấu âm nhạc được coi là văn
hóa truyền thống của mình, từ hát bội đến nhã nhạc cung đình, từ nhạc
tài tử đến cải lương và vọng cổ. Song Ngài có tư thế để cởi mở, để liberal như vậy, Ngài ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, đứng trên mọi nghi ngờ quỳ gối trước phương Bắc.
© 2014 pro&contra
[1] Vũ Trọng Phụng. Vẽ nhọ bôi hề – Những tác phẩm mới tìm thấy năm 2000. Peter Zinoman sưu tầm. Lại Nguyên Ân giới thiệu và chú thích. Nxb Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Phương Nam. 2004.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét