Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Giải thích pháp luật - một vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam

“Pháp luật” là một khái niệm ra đời từ rất sớm và luôn gắn liền với khái niệm “nhà nước”; được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước; là yếu tố bảo đảm sự ổn định và trật tự xã hội

1. Một số vấn đề cơ bản về lý luận của giải thích pháp luật
1.1. Khái niệm giải thích pháp luật
Theo từ điển Tiếng Việt[1], “giải thích” là làm cho hiểu; là việc dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề[2]. Ví dụ: thủy triều được giải thích là một hiện tượng tự nhiên, diễn tả quá trình nước biển dâng cao, rút xuống trong ngày do nguyên nhân sức hút của mặt trời và mặt trăng với trái đất v.v...
*“Pháp luật” là một khái niệm ra đời từ rất sớm và luôn gắn liền với khái niệm “nhà nước”; được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước; là yếu tố bảo đảm sự ổn định và trật tự xã hội[3].
Lịch sử nhà nước và pháp luật đã chứng minh tập quán pháp và tiền lệ pháp là các hình thức đầu tiên của pháp luật. Do vậy, với tiền đề là việc làm rõ những thủ tục trong các nghi thức cộng đồng, nghi lễ tôn giáo thông qua các nhà tư tế và thủ lính tôn giáo thì cùng với sự ra đời của pháp luật, giải thích pháp luật đầu tiên là giải thích tập quán pháp được thực hiện bởi các nhà triết gia và nhà chính trị học. Giải thích pháp luật thành văn đầu tiên được biết đến thông qua giải thích của các nhà chính trị của Hy Lạp cổ đại[4].
Khái niệm giải thích pháp luật chỉ thật sự trở thành một thuật ngữ xã hội - pháp lý trong thời kỳ tư sản. Theo đó, giải thích pháp luật được hiểu là việc làm sáng tỏ về mặt tư tưởng và nội dung các quy phạm pháp luật, bảo đảm cho sự nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất pháp luật; là nhằm xây dựng lại ý tưởng mà tác giả mong muốn truyền đạt qua các quy định của văn bản pháp luật đó[5]. Hoặc xét về thực chất, giải thích pháp luật là việc xác định nội dung và phạm vi áp dụng của văn bản hay một quy định cụ thể của văn bản đó[6].
Như vậy, giải thích pháp luật được hiểu là việc làm rõ hơn về tinh thần, nội dung, phạm vi, ý nghĩa và mục đích các quy định của pháp luật so với nội dung ban đầu của nó, giúp mọi người hiểu và thực thi các quy định của pháp luật một cách chính xác và thống nhất.
Tuy nhiên, pháp luật với vị trí và vai trò vốn có của nó là một công cụ chủ yếu của nhà nước để quản lý nhà nước và xã hội; các quy định của pháp luật được đặt ra là để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một định hướng nhất định; thông qua việc đặt ra, thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi, quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể pháp luật; do đó, việc hiểu đúng, đầy đủ và chính xác các quy định của pháp luật theo nội dung và ý nghĩa vốn có của nó để thực thi và áp dụng pháp luật một cách nghiêm minh và có hiệu quả là một yêu cầu khách quan và cần thiết của bất cứ một hệ thống pháp luật nào. Chính vì vậy, việc giải thích pháp luật không thể "buông lỏng", tức là không thể mặc nhiên thừa nhận hoặc công nhận kết quả của mọi hoạt động giải thích pháp luật đều là pháp luật, được thực thi và bảo đảm bằng quyền lực nhà nước. Bởi nếu bất cứ kết quả giải thích pháp luật nào cũng đều được công nhận thì chắc chắn mỗi chủ thể sẽ giải thích một kiểu, theo nhận thức, trình độ chuyên môn, vị trí, địa vị xã hội và lợi ích của mình. Điều này sẽ làm cho hệ thống pháp luật rối tung và trật tự xã hội bị đảo lộn, không thể quản lý.
Để khắc phục tình trạng đó, pháp luật các nước bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đều ghi nhận hoặc thừa nhận những hoạt động giải thích nào là giải thích chính thức, hợp pháp và có giá trị pháp lý. Một cách thức phổ biến được áp dụng đó là các nhà nước đã dùng quyền lực nhà nước để thu hẹp phạm vi của các chủ thể trong hoạt động giải thích, đồng thời xác định hình thức, giá trị pháp lý của kết quả giải thích và luật định về trình tự, thủ tục trong giải thích pháp luật. Nói cách khác, hoạt động giải thích pháp luật đã được thiết lập để trở thành một thẩm quyền của một chủ thể nhất định mang quyền lực nhà nước.
Ở Việt Nam, với lịch sử, truyền thống của chế độ xã hội chủ nghĩa và pháp luật thực định kiểu mới[7]*nên hình thức pháp luật duy nhất được thừa nhận và sử dụng là văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành, hệ thống VBQPPL của chúng ta bao gồm: Hiến pháp, luật, nghị quyết, pháp lệnh do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị quyết, nghị định của Chính phủ; Quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; Quyết định, chỉ thị, thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân[8]. Như vậy, khi nói đến giải thích pháp luật ở Việt Nam là nói đến giải thích các VBQPPL trên - VBQPPL thành văn và không tồn tại giải thích tập quán pháp và tiền lệ pháp.
Một đặc trưng nữa ở Việt Nam khi tìm hiểu khái niệm giải thích pháp luật, đó là hệ thống pháp luật mới chỉ quy định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh mà chưa có bất cứ một VBQPPL hiện hành nào quy định về giải thích các hình thức VBQPPL khác. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh mặc dù được quy định rất sớm trong Hiến pháp 1980 nhưng cho đến nay cũng chỉ có ba lần UBTVQH thực hiện thẩm quyền này[9]. Vì vậy, việc giải thích pháp luật nói chung và giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh nói riêng chưa được coi trọng và còn nhiều bất cập.
1.2. Phân loại giải thích pháp luật
Với cách hiểu giải thích pháp luật theo nghĩa rộng, các nhà khoa học pháp lý đã chia giải thích pháp luật thành nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào cách thức và căn cứ phân loại, giải thích pháp luật được chia thành các loại cơ bản như sau:
- Nếu căn cứ vào tính chất của chủ thể tiến hành giải thích, giải thích pháp luật được phân loại thành giải thích của cơ quan lập pháp (Nghị viện, Quốc hội); giải thích của cơ quan hành pháp (Chính phủ)[10]; giải thích của cơ quan tư pháp (Tòa án) và giải thích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác như: giải thích của các luật sư, thẩm phán, nhà khoa học v.v..
- Nếu căn cứ vào hình thức pháp luật, giải thích pháp luật được phân thành giải thích tập quán pháp; giải thích tiền lệ pháp và giải thích VBQPPL. Trong giải thích VBQPPL, chúng còn có thể chia thành: giải thích Hiến pháp, giải thích luật, giải thích pháp lệnh v.v..
Ở đây, cần có sự lưu ý giữa giải thích Hiến pháp và giải thích các hình thức pháp luật khác. ở hầu hết các nước Châu Âu, kể cả các nước theo hệ thống pháp luật Common law hay Civil law thì giải thích Hiến pháp được nhận thức và quy định với một vị trí khá đặc biệt. Nó được coi là một hoạt động bảo hiến, được phân biệt với việc giải thích pháp luật thông thường về thẩm quyền, chủ thể yêu cầu giải thích, chủ thể thực hiện giải thích, giá trị pháp lý của việc giải thích, quy trình, thủ tục của việc giải thích. Nhìn chung, việc giải thích Hiến pháp được quy định hết sức chặt chẽ và nguồn gốc của sự khác biệt này thể hiện truyền thống chính trị - pháp lý và nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Nếu căn cứ vào giá trị pháp lý của nội dung giải thích, giải thích pháp luật được phân thành giải thích chính thức và giải thích không chính thức[11]. Trường hợp giải thích không chính thức thì nội dung giải thích không mang tính bắt buộc thực hiện đối với các bên liên quan; nó chỉ có giá trị tham khảo và thường được tiến hành bởi tất cả các chủ thể pháp luật như các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học v.v.. Giải thức chính thức thường được thực hiện bởi các chủ thể được nhà nước trao quyền; được tiến hành theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; nội dung giải thích thường được thể hiện bằng văn bản, có giá trị pháp lý như các quy định pháp luật cần giải thích. Giải thích chính thức lại được chia làm hai loại là giải thích chính thức mang tính quy phạm và giải thích chính thức cho những vụ việc cụ thể (giải thích tình huống)[12].
+ Giải thích chính thức mang tính quy phạm là giải thích pháp luật mà nội dung giải thích được thể hiện dưới dạng một VBQPPL; thường được thực hiện bởi cơ quan quyền lực nhà nước theo một trình tự độc lập[13]*trên cơ sở khái quát từ thực tế của hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật; văn bản thể hiện nội dung giải thích có giá trị chính thức và bắt buộc đối với mọi cơ quan quyền lực nhà nước lập pháp, hành pháp, tư pháp, các cơ quan tự trị địa phương, các xí nghiệp, công sở, tổ chức, hiệp hội, các quan chức và công dân[14].
+ Giải thích tình huống là hoạt động giải thích gắn liền với việc giải quyết một vụ việc cụ thể; nội dung giải thích không mang tính quy phạm, chỉ có giá trị pháp lý đối với các chủ thể trong vụ việc được giải quyết mà không có giá trị đối với các chủ thể ở các vụ việc pháp lý khác; thường được Toà án và các cơ quan có thẩm quyền khác tiến hành khi giải quyết một tranh chấp hoặc xét xử một vụ án cụ thể[15]. Vì vậy, giải thích tình huống được hiểu là việc làm sáng tỏ quy phạm của chủ thể áp dụng quy phạm[16].
- Ngoài ra, giải thích pháp luật còn được phân thành giải thích đích thực và giải thích thông thường[17]. Giải thích đích thực là giải thích bằng văn bản của cơ quan lập pháp hoặc một cơ quan khác của nhà nước được giao thẩm quyền này. Giải thích thông thường được sử dụng trong thực tiễn chấp hành pháp luật, trong quá trình áp dụng pháp luật mà không được ghi thành văn bản mang tính quy phạm pháp luật.
1.3. Phương pháp giải thích pháp luật
Để thực hiện giải thích pháp luật, có các phương pháp được áp dụng khác nhau. Khoa học pháp lý đã đưa ra các phương pháp giải thích pháp luật sau đây[18]:
- Phương pháp lôgíc và phương pháp lịch sử: Phương pháp lôgíc thường được sử dụng khi quy định cần giải thích không trực tiếp nói đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Phương pháp lịch sử thường được áp dụng để xác định phạm vi, đối tượng áp dụng, mục đích, ý nghĩa của nội dung cần giải thích. Hai phương pháp này gắn bó chặt chẽ và bổ sung cho nhau;
- Phương pháp giải thích về văn phạm là làm sáng tỏ nội dung, tư tưởng quy định của pháp luật bằng cách làm rõ nghĩa từng chữ, từng câu được dùng để thể hiện nội dung và xác định mối liên hệ ngữ pháp giữa chúng. Giải thích về văn phạm gồm giải thích từ ngữ và giải thích theo cú pháp;
- Phương pháp giải thích chính trị - lịch sử là phương pháp tìm hiểu nội dung, tư tưởng quy định của pháp luật thông qua việc nghiên cứu các điều kiện chính trị - lịch sử tại thời điểm ban hành quy định đó. Ví dụ, với cùng một quy định về chế độ sở hữu thì với điều kiện chính trị - lịch sử năm 1980 thì chỉ được hiểu gồm hai chế độ là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, nhưng với các điều kiện chính trị - lịch sử năm 1992 thì phải được hiểu gồm ba chế độ là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân;
- Phương pháp giải thích hệ thống là làm rõ tư tưởng, nội dung quy định của pháp luật thông qua việc đối chiếu nó với các quy định khác của pháp luật; xác định vị trí của quy định cần giải thích trong mối quan hệ với toàn văn bản, ngành luật và hệ thống pháp luật.
- Ngoài ra, trong hoạt động giải thích pháp luật, phương pháp giải thích theo khối lượng gồm giải thích theo đúng nguyên văn; giải thích mở rộng; giải thích hạn chế cũng được sử dụng.
Trong thực tế, khi tiến hành giải thích pháp luật, các chủ thể thường không sử dụng một phương pháp nhất định mà kết hợp một số phương pháp với nhau để mang lại hiệu quả cao. Việc lựa chọn này tuỳ thuộc vào nhận thức chủ quan, tư duy khoa học của người giải thích và tương ứng phù hợp với từng loại quy định cần giải thích, hoàn cảnh giải thích, mục đích giải thích, thời điểm giải thích, người đề nghị giải thích v.v..
1.4. Vị trí và vai trò của giải thích pháp luật
Trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đặc biệt trong nhà nước pháp quyền và xã hội công dân thì pháp luật ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng. Giải thích pháp luật với nhiệm vụ làm sáng tỏ hơn các quy phạm pháp luật, kết quả của việc giải thích pháp luật có giá trị như pháp luật, nên nó rất cần thiết và có vai trò vô cùng quan trọng trong nhận thức - thực thi - áp dụng pháp luật. Có thể khẳng định rằng, giải thích pháp luật là một nhu cầu tất yếu khách quan đối với mọi xã hội và mọi hệ thống pháp luật. Bởi lẽ, về lý thuyết, nhu cầu này chỉ không phát sinh khi và chỉ khi có một hệ thống pháp luật hoàn thiện tuyệt đối và nhận thức pháp luật của người dân ở trình độ cao. Tuy nhiên, pháp luật là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng. Nó được xây dựng trên nền tảng là cơ sở hạ tầng và để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống thực tế. Đồng thời, trình độ nhận thức của mỗi con người là khác nhau. Chính vì vậy, trong điều kiện Việt Nam, với thực trạng của hệ thống pháp luật và ý thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế thì nhu cầu giải thích pháp luật trở nên thật sự cần thiết và có vai trò quan trọng. Vai trò của giải thích pháp luật được thể hiện từ sự nhận thức đến quá trình thực hiện pháp luật của người dân cũng như của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông qua việc làm rõ nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, giải thích pháp luật sẽ giúp các chủ thể pháp luật hiểu chính xác và thống nhất các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức pháp luật của các chủ thể,* giúp họ tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật một cách hợp pháp; kiềm chế và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do không nhận thức đúng các quy phạm pháp luật. Hơn thế nữa, vai trò của giải thích pháp luật được thể hiện đầy đủ và mang lại ý nghĩa to lớn trong hình thức áp dụng pháp luật - một hình thức thực hiện pháp luật được tiến hành với mục đích nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện một cách triệt để hơn trong đời sống thực tế - do cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền thực hiện và có tính chất quyết định tới quyền và nghĩa vụ của người dân. Vai trò đó được quyết định bởi chính bản chất và tính chất của hoạt động áp dụng pháp luật. Bản chất của hoạt động áp dụng pháp luật chính là việc áp dụng các quy phạm pháp luật vào từng trường hợp cụ thể. Tính chất của hoạt động áp dụng pháp luật là sự sáng tạo của chủ thể áp dụng pháp luật trong quá trình vận dụng cái chung, cái tổng quát vào từng cái riêng, cái cụ thể. Yêu cầu này đòi hỏi người áp dụng pháp luật trước khi quyết định lựa chọn quy phạm pháp luật cần phải làm sáng tỏ tư tưởng và nội dung của quy phạm pháp luật đó. Để làm sáng tỏ tư tưởng và nội dung của quy phạm pháp luật đưa ra áp dụng, thì cần phải biết giải thích pháp luật. Như vậy, nếu không có giải thích pháp luật thì sẽ khó có thể hiểu nội dung quy phạm pháp luật được mang ra áp dụng một cách chính xác, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện, thể hiện hết ý nghĩa, mục đích pháp lý, chính trị và kinh tế sâu xa đằng sau các ngôn từ của quy phạm pháp luật đó khi được xây dựng. Việc làm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của văn bản áp dụng pháp luật - một sản phẩm của giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình áp dụng pháp luật và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các chủ thể pháp luật hoặc những trách nhiệm pháp lý đối với vi phạm được xác lập.*
Trong hình thức áp dụng pháp luật, giải thích pháp luật còn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với hoạt động áp dụng tương tự quy phạm pháp luật, cụ thể là áp dụng tương tự quy phạm pháp luật và áp dụng tương tự pháp luật. Đối với áp dụng tương tự quy phạm pháp luật, việc xác định không có quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật điều chỉnh vụ việc cần giải quyết là điều kiện cần và tìm ra quy phạm pháp luật để áp dụng tương tự là điều kiện đủ. Để hội tụ cả hai điều kiện này, đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải rất am hiểu pháp luật để có thể thực hiện một cách chính xác. Việc am hiểu pháp luật còn giúp cho chủ thể phân tích kỹ lưỡng và chính xác hơn nội dung và tư tưởng của quy phạm pháp luật được lựa chọn để áp dụng tương tự, thấy được điểm tương tự với vụ việc cần giải quyết, làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng tương tự và làm cho chủ thể trực tiếp chịu sự điều chỉnh của quy phạm trong hoạt động áp dụng tương tự quy phạm hiểu - một nền tảng quan trọng cho việc ra quyết định và thực thi văn bản áp dụng pháp luật.
Còn đối với áp dụng tương tự pháp luật, mặc dù chỉ được đặt ra khi và chỉ khi chưa có quy phạm pháp luật tương ứng điều chỉnh và cũng chưa có quy phạm pháp luật tương tự; do đó, về nguyên tắc hoạt động giải thích pháp luật không được đặt ra, vì không có đối tượng giải thích. Tuy nhiên, để áp dụng tương tự pháp luật thì các chủ thể áp dụng pháp luật cũng vẫn phải: i) chứng minh chưa có quy phạm pháp luật tương ứng điều chỉnh và cũng chưa có quy phạm pháp luật tương tự; ii) giải thích cho các chủ thể liên quan biết và hiểu tại sao vụ việc của họ lại được giải quyết bằng cách sử dụng các nguyên tắc pháp lý chung và ý thức pháp luật.
Tóm lại, giải thích pháp luật không những có vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức và hiểu biết pháp luật của người dân mà còn quyết định tính đúng đắn và tính khả thi của văn bản áp dụng pháp luật. Thông qua việc làm rõ nội dung, tư tưởng các quy phạm pháp luật, giải thích pháp luật giúp cho các chủ thể pháp luật có sự nhận thức thống nhất và đúng đắn về pháp luật, giúp cho pháp luật tăng cường tính nghiêm minh, hiệu lực và hiệu quả trong quá trình thi hành và áp dụng; qua đó, tăng cường pháp chế và bảo vệ trật tự pháp luật.

(Kỳ sau đăng tiếp)

[1]Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.388.

[2]Trang thông tin hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp: http://nghiepvu.moj.gov.vn

[3]GS,TS. Trần Ngọc Đường, Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 186

[4]PGS,TS. Nguyễn Như Phát, Giải thích pháp luật tại Việt Nam-công cụ đảm bảo tính minh bạch của pháp luật.

[5]TS. Hoàng Văn Tú, Thẩm quyền của UBTVQH về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Tạp chí NCLP số 5/2002.

[6]TS. Nguyễn Văn Thuận. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của UBTVQH,* Hà Nội, 1999. Tr.3.

[7]GS,TS.Trần Ngọc Đường, Tập 1 Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia,tr.265.

[8] Điều 1 Luật Ban hành VBQPPL.

[9] Nghị quyết số 746/2005/NQ-UBTVQH11, ngày 12/01/2005 về việc giải thích điểm c, khoản 2, Điều 241 Luật Thương mại; NQ 1053/2006/NQ/UBTVQH ngày 10/11/2006 về việc giải thích khoản 6, Điều 19 Luật Kiểm toán Nhà nước.

[10]TS. Nguyễn Văn Thuận. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của UBTVQH, Hà Nội, 1999.

[11]GS, TS.Trần Ngọc Đường. Giáo trình Lý luận chung Nhà nước và Pháp luật. tr 367.

[12]TS. Nguyễn Văn Thuận. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của UBTVQH,* Hà Nội, 1999.

[13]GS, TS.Trần Ngọc Đường, Giáo trình Lý luận chung Nhà nước và Pháp luật,tr.368.

[14]Điều 106, Luật Hiến pháp Liên bang Nga

[15]GS, TS.Trần Ngọc Đường, Giáo trình Lý luận chung Nhà nước và Pháp luật. tr.368

[16]Nguyễn Đức Lam: Thẩm quyền của các cơ quan bảo hiến ở các nước trên thế giới, Tạp chí NCLP tháng 9/2001

[17] Theo từ điển pháp luật Blacks Law Dictionary của tác giả Henry Campbell Black, M.A

[18]TS.Đinh Văn Mậu và TS.Phạm Hồng Thái. Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tổng hợp Đà Nẵng, tr 396-397.

(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 126-thang-7-2008 ngày 10/07/2008) TS. Hoàng Văn Tú

Nguon: Nghien Cuu Lap Phap - Van Phong Quoc Hoi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét