Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Những đặc trưng cơ bản về nguồn của pháp luật hình sự Hoa Kỳ

Sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật nói chung của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ gắn liền với lịch sử của chính đất nước này và được chia thành hai thời kỳ chủ yếu - trước và sau khi ra đời Hợp chủng quốc (Liên bang) Hoa Kỳ với Tuyên ngôn độc lập (năm 1776) nổi tiếng toàn thế giới.



**************************************** * ***********
Nhìn chung, hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ được hình thành và phát triển trên những nền tảng của hệ thống pháp luật Ănglô - xắcxông và đặc biệt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của pháp luật chung nước Anh.
Hệ thống pháp luật hình sự Mỹ rất đa dạng, phức tạp. Nguồn của pháp luật hình sự liên bang là Hiến pháp năm 1787, các văn bản luật (do Quốc hội Mỹ ban hành) và các văn bản dưới luật của liên bang (do Tổng thống, các bộ và các cơ quan của Chính phủ Mỹ ban hành); còn các nguồn của pháp luật hình sự các bang là các Hiến pháp, các đạo luật hình sự (chủ yếu là các Bộ luật Hình sự) và các văn bản dưới luật của các bang có chứa đựng một số quy định có tính chất pháp lý hình sự. Hiến pháp Mỹ năm 1787 hiện hành là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất vì tính tối thượng của nó trên toàn bộ lãnh thổ đất nước[1].
Bộ luật Hình sự (BLHS) mẫu năm 1962 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (do Viện nghiên cứu pháp luật Mỹ soạn thảo) mặc dù không có tính chất bắt buộc chính thức nhưng đã đóng vai trò quyết định với tính chất là mô hình pháp lý trong việc cải cách pháp luật hình sự của các bang. Các kết quả của Bộ luật này thể hiện kinh nghiệm phát triển của pháp luật hình sự Mỹ và trình độ cao về kỹ thuật lập pháp, đồng thời ghi nhận các chế định quan trọng của pháp luật hình sự - những giá trị tinh thần - pháp lý được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại.
Các án lệ và các giải thích luật của các Toà án (bao gồm Toà án tối cao của liên bang và các Toà án tối cao của các bang), bên cạnh pháp luật chung (một trong các nguồn của pháp luật hình sự Mỹ), chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật hình sự trên lãnh thổ toàn quốc và lãnh thổ mỗi bang, cũng như trong quá trình sáng tạo và phát triển pháp luật hình sự của đất nước này[2].
ở khía cạnh nguồn của pháp luật hình sự có thể thấy rằng, pháp luật hình sự Mỹ bao gồm hai cấp độ độc lập với nhau và cùng song song tồn tại - pháp luật hình sự cấp liên bang và pháp luật hình sự cấp tiểu bang.
Pháp luật hình sự Mỹ ở cấp độ liên bang có đặc trưng là chưa được pháp điển hoá. Hơn nữa, một phần cơ bản trong pháp luật hình sự Mỹ đã được sửa đổi, bổ sung và cải cách thành Phần 18 “Các tội phạm và tố tụng hình sự”* trong Bộ tổng luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và như vậy, Phần 18 này có thể được coi như là BLHS hiện hành của liên bang và Chương thứ nhất “Các quy định chung”* trong Phần 18 của Bộ tổng luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - chính là Phần chung pháp luật hình sự của liên bang (vì nó quy định những vấn đề như: phân loại các hành vi xâm hại bị trừng phạt về hình sự, đồng phạm, không tố giác tội phạm, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, v.v..). Ngoài ra, ở một chừng mực nhất định, còn có thể nhận thấy các quy phạm của Phần chung pháp luật hình sự của liên bang trong Luật mẫu năm 1978 về quyết định và thi hành hình phạt. Một đặc điểm cần chú ý nữa là vấn đề trách nhiệm hình sự đối những tội phạm cụ thể ở cấp độ liên bang - chính là các quy phạm phần riêng của pháp luật hình sự Mỹ được quy định trong các luật khác của liên bang và cũng được đưa vào Bộ tổng luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (ví dụ: Luật năm 1970 về kiểm tra tình trạng phạm tội có tổ chức, Luật đồng bộ năm 1984 về kiểm tra tình trạng phạm tội, Luật năm 1986 về lừa đảo và những lạm dụng trong việc sử dụng các máy vi tính, v.v..)
Pháp luật hình sự Mỹ ở cấp độ bang có một số nét chủ yếu như sau: i) Ngay từ thế kỷ thứ XIX đã có các Bộ luật Hình sự được ban hành tại 9 bang; ii) Thành tựu to lớn của việc cải cách pháp luật hình sự là việc ban hành sau đó các BLHS tại 40 bang (tính đến nửa cuối những năm 80 của thế kỷ XX); iii) Bên cạnh các BLHS, tại các bang vẫn tiếp tục hiện hành các tập hệ thống hoá các đạo luật hình sự do các cơ quan lập pháp của các bang thông qua (ví dụ: năm 1988 tại 40 bang đã ban hành các luật tương ứng như Luật năm 1986 của Liên bang về lừa đảo và những lạm dụng trong việc sử dụng các máy vi tính); iv) ở các chừng mực khác nhau trong các BLHS của các bang có điều chỉnh vấn đề hiệu lực về thời gian của đạo luật hình sự (Điều 5 BLHS bang New York năm 1967)[3].
Như vậy, pháp luật hình sự Hoa Kỳ (nhất là ở cấp độ tiểu bang) trong quá trình phát triển và hoàn thiện đã kết hợp được hài hoà giá trị của hai hệ thống pháp luật có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới là hệ thống pháp luật Ănglô - xắc xông và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa.
Pháp luật thực định nước ta chỉ coi BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguồn của pháp luật hình sự. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, người áp dụng các quy phạm pháp luật phải cụ thể hoá các quy định pháp luật trong thực tiễn sao cho phù hợp và chính xác trong từng trường hợp tương ứng cụ thể. Thậm chí trong những trường hợp cụ thể, người áp dụng phải và chỉ có thể dựa trên các giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo của thực tiễn xét xử, như các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao với tính chất là cơ quan xét xử cao nhất của đất nước (hoặc đôi khi là các thông tư liên tịch của Toà án nhân dân tối cao với các cơ quan tư pháp khác - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp). Giáo sư luật G.T.Tkeseliađze đã từng đề cập đến vai trò quan trọng của thực tiễn xét xử “là phòng thí nghiệmđặc sắc mà trong đó kiểm tra tính đúng đắn và hiệu quả của đạo luật hình sự..., là công cụ nắm bắt, soạn thảo lại và truyền cho nhà làm luật các yêu cầu của thực tiễn xã hội, có nghĩa là đa thông tin xã hội”, vì chỉ có thông qua thực tiễn xét xử mới có thể khẳng định được sự đúng đắn và hiệu quả của các quy phạm và các chế định của pháp luật hình sự. Chẳng hạn như, luật hình sự Việt Nam thường quy định một số tội phạm có tính chất tài sản mà hậu quả phạm tội không được nhà làm luật quy định tương ứng với các mức độ thiệt hại cụthể (định lượng) mà chỉ được quy định bằng các phạm trù có tính chất đánh giá (định tính) như“hậu quả nghiêm trọng”, “hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Do đó, trong giai đoạn trước khi thông qua BLHS năm 1999, bằng những hướng dẫn thống nhất có tính chất chỉ đạo trong Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKS-BNV ngày 02/01/1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng luật ngày 10/5/1997 về sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLHS năm 1985 (điểm e, khoản 1, mục 1, Phần B) định lượng đối với các mức thiệt hại cụ thể trong trường hợp hành vi phạm tội chỉ gây thiệt hại về tài sản đã được đưa ra cụ thể như sau: a) Hậu quả* nghiêm trọng - Từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, b) Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng từ 1 tỷ đồng trở lên. Từ sau khi pháp điển hoá lần thứ hai luật hình sự Việt Nam với việc thông qua BLHS năm 1999, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bằng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 đã đưa ra những giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật liên quan đến các phạm trù có tính chất đánh giá (định tính) của các cấu thành tội phạm tại một số điều luật như: a) gây hậu quả “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” - Điều 203; b) Có giá trị “lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” - Điều 248; c) Các tình tiết “với quy mô lớn”, “thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” - Điều 249...[4]
Như vậy, những điều đã nêu về vai trò của thực tiễn xét xử chính là một minh chứng rất cụ thể, rõ ràng, xác đáng và đảm bảo tính thuyết phục nhất cho luận điểm rằng, đã đến lúc nhà làm luật cần nghĩ đến xu hướng đã tồn tại trong thực tiễn xét xử Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến nay là: coi những giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo của cơ quan xét xử cao nhất đất nước là một trong những nguồn quan trọng của pháp luật hình sự và chính thức ghi nhận điều này trong luật thực định. /.
[1]Đại học Quốc gia Hà Nội,* Giáo trình Luật Hình sự* Việt Nam (phần chung), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2003
[2] Đại học Quốc gia Hà Nội,* Giáo trình Luật Hình sự* Việt Nam (phần chung), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2003, tr 522.

[3] Đại học Quốc gia Hà Nội,* Giáo trình Luật hình sự* Việt Nam (phần chung), NxbĐại học quốc gia Hà Nội, 2003, tr 524.

[4] Phạm Văn Lợi, Chính sách hình sự trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr 310.
(Bài viết đăng trên TCNCLP số 109, tháng 11/2007)


Cao Anh Đô

Nguon: Nghien Cuu Lap Phap - Van Phong Quoc Hoi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét