Cảm nhận về đất nước, con người
Cuba dưới góc nhìn "nhân chủng văn hóa" của các thành viên Viet
Psychology - một blog chuyên về tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học
do các du học sinh Việt Nam thành lập.
Trong tháng 1/2012, hai thành viên của
VIET Psychology đã có chuyến du lịch đến Cuba trong bảy ngày. Chúng tôi
hân hạnh giới thiệu chuyên đề đặc biệt về Cuba trên VIET Psychology. Các
chủ đề sẽ được tiếp cận bằng phương pháp "nhân chủng văn hóa" (Cultural
Anthropology & Field method). Chúng tôi sẽ chuyển tải chân thực
những gì đã trực tiếp cảm nhận đồng thời cố gắng phân tích theo góc nhìn
đặc trưng từ chính đối tượng được tiếp cận (Cuba). Mong nhận được sự
ủng hộ của các bạn!
Một góc Cuba nhìn từ cửa máy bay
Có nhiều phản ứng khác nhau khi bạn bè
biết tôi đi Cuba: người thì phấn khích, người thì e ngại, nhưng phần lớn
là cảm giác ngạc nhiên xen lẫn một chút tò mò: chính xác thì ở Cuba có
gì mà đi? Tôi cũng từng như vậy. Trước chuyến đi, tôi hoàn toàn không
biết nhiều về đất nước này trừ một số thông tin cơ bản lượm lặt qua
Phượt.com hay thông tin về phương thức kinh doanh tại Cuba tôi làm bài
tập cho một lớp tại trường. Hơn cả sự mong đợi, bảy ngày tại đất nước
Cuba xinh đẹp và mến khách để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, niềm vui và
cả bài học về thái độ đối với cuộc sống nhiều hơn hết bất kỳ chuyến đi
nào.
Để có chuyến du lịch Cuba kéo dài trong
bảy ngày ngắn ngủi, tôi đã có ý tưởng từ nửa năm trước đó. Chính xác là
khoảng tháng 3/2011, tôi học lớp "Cultural Anthropology" (Văn hóa nhân
chủng), một lớp về các nền văn hóa trong tương quan lịch sử, xã hội, địa
lý, v.v. đặc trưng của chính nền văn hóa đó (historical particularism).
Cuốn sách phải đọc khi đó là "In search of respect: Selling Crack in El
Barrio" của Philippe Bourgois. Tác giả, một học giả "da trắng mắt xanh"
thuộc tầng lớp được nể trọng trong xã hội, đã dành đến ba năm để thâm
nhập vào thế giới của những người dân nhập cư người Mễ tại khu vực East
Harlem (New York) đầy tệ nạn và tội phạm. So sánh gần gũi thì Bourgois
xem như Nam Cao còn dân East Harlem xem như Chí Phèo: Bourgois hướng đến
việc giúp cho người đọc hiểu về nền văn hóa đặc trưng tại East Harlem
(băng đảng, hiphop, sự chống đối xã hội, v.v.) và những khó khăn mà
người East Harlem trải qua do sức ép và sự phân biệt xã hội. Tôi đặc
biệt đánh giá cao tinh thần của tác phẩm này. Chúng ta cần phải đặt bản
thân vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu chứ không thể dùng những
chuẩn mực riêng lẻ của bản thân để đánh giá người khác.
Với
tinh thần tìm tòi về những nền văn hóa "chịu nhiều sức ép", tôi tình cờ
đọc được bài viết về Du lịch Cuba và du lịch Bắc Triều Tiên tại Phượt.
Theo như lời kể từ những người đã từng đi, Cuba sạch, đẹp, rẻ, và quan trọng hơn hết, người dân có một lối sống thoải mái và dễ chịu
- những điều không ngờ đối với những gì tôi đã hình dung trước đó về
một đất nước đang bị Mỹ cấm vận. Thiếu thốn về vật chất nhưng lại giàu
có về tinh thần - điều này có vẻ khó tin. Cùng thời điểm đó tôi cũng
đang học về tháp Maslow, mô hình cho rằng nhu cầu cơ bản ăn no mặc ấm vẫn nằm rất thấp trong tháp hạnh phúc.
Dựa vào những điều kiện tác động nào mà người Cuba vẫn có thể cảm thấy
thoải mái khi họ thiếu thốn quá nhiều thứ? (Ở thời điểm hiện tại, họ vẫn
thiếu giấy vệ sinh trầm trọng, bởi thế khách du lịch đến đây cũng có
dịp trải nghiệm với văn hóa đi vệ sinh công cộng - tôi sẽ kể sau). Tôi
quyết định: mình cần phải đi Cuba, để thấy, để nghe, để cảm nhận, để một
lần tập làm một nhà nhân chủng học đi thực nghiệm (field method) như
Bourgois đã làm với East Harlem.
Tôi bắt đầu lên kế hoạch, kêu
gọi người tham gia. Sau khá nhiều thủ tục rắc rối lằng nhằng với Canada
và nỗi sợ hãi thường trực - mình có thể bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ sau
chuyến đi, chiều ngày 8/1/2012, tôi và hai người bạn đã đáp xuống sân
bay quốc tế Jose Marti tại thủ đô Havana. Và chuyến hành trình của chúng
tôi chính thức bắt đầu ...
Cuba - Một đất nước cởi mở
Một đất nước bị cấm vận, một thế giới
không được tiếp xúc với văn minh nhân loại, một hòn đảo chỉ toàn những
công dân luôn miệng ca ngợi chế độ - đây có lẽ là những hình dung khá
phổ biến về Cuba. Tuy nhiên, một tuần tại Cuba đã đem lại cho chúng tôi
từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Biệt lập về vị trí địa lý nhưng nền văn
hóa và cuộc sống tại Cuba lại vô cùng phong phú với sự phối hợp đa dạng
từ sự ảnh hưởng của Tây Ban Nha, Mexico, Nam Mỹ và thậm chí từ Hoa Kì.
Ngay trong đêm vừa đặt chân xuống khách
sạn, một thành viên trong nhóm để quên máy chụp ảnh trên xe bus, chính
vì vậy chúng tôi phải bắt taxi đến trạm xe bus. Người lái xe ở độ tuổi
50-60, cường tráng và khỏe mạnh. Chiếc xe vẫn còn khá mới, chạy êm và
nhanh - khác với đa số xe tại Cuba thuộc dòng những thế kỷ trước như
Cadilac, v.v. Bác tài cho biết chiếc xe mới cáu này mua được là do trước
đây bác tham gia chương trình dạy xóa mù chữ do chính phủ Cuba thực
hiện tại Mexico nên được cho phép mua xe nhập khẩu. Điều này không bất
ngờ vì tỉ lệ mù chữ tại Cuba thuộc hàng thấp nhất thế giới. Giáo dục phổ
cập và miễn phí đến bậc đại học. Theo Lonely Planet, Cuba từ lâu đã có
chương trình phát bài giảng đại học lên các kênh tivi - điều mà Hoa Kì
hiện nay đang cố gắng thực hiện với các bài giảng mở trên internet.
Một điều chúng tôi đặc biệt ấn tượng qua lời kể của bác tài là niềm tin
dành cho cảnh sát. Theo bác tài thì cảnh sát tại Cuba là những người
bảo vệ nhân dân và đặc biệt đáng tin cậy. Hai người bạn của tôi tỏ vẻ
nghi ngờ và muốn hỏi thêm ý kiến của những người khác, nhưng qua trải
nghiệm những ngày tại Cuba thì tôi tin vào nhận xét của bác tài. Trong
những ngày tại Cuba, hầu như đêm nào chúng tôi cũng đi bộ về khách sạn
trên những con đường vắng vào khuya và không gặp bất kỳ rắc rối nào.
Lonely Planet cho rằng phụ nữ đi một mình trên đường vào đêm khuya không
cần lo lắng lắm. Một xã hội với nền an ninh tốt thì không thể không cho
rằng lực lượng cảnh sát đã hoàn thành nhiệm vụ và nhận được sự hợp tác
và tín nhiệm của nhân dân.
Sau khi lấy lại được chiếc máy ảnh,
chúng tôi đi bộ ra đường chính để ăn tối và trải nghiệm cuộc sống đêm
tại Havana. Khách sạn chúng tôi nằm gần Paseo. Con đường này dẫn ra ven
viển, là khu vui chơi và sinh hoạt về đêm của thanh niên tại Havana. Hai
bên đường là bar, nhà hàng, quán ăn, quán kem, v.v. Đêm chủ nhật tuy
nhiên lượng người đổ về các tụ điểm ăn chơi vẫn khá đông. Có thể nói về
độ ăn diện, thanh niên tại Cuba không hề thua kém bất kỳ ai. Con gái
trang điểm, mang giầy cao gót và đi lắc hông. Những cậu trai mặc quần
jean và đôi người có những kiểu tóc "dựng ngược trời" theo phong cách
punk. Tuy nhiên, do không có nhiều nguồn mỹ phẩm và quần áo, sự cách
biệt trong cách ăn diện không quá lớn. Tuyệt đối không có đồ xa xỉ. Tất
cả là làm đẹp dựa trên việc tận dụng tất cả nguồn tài nguyên có sẵn. Mỹ
phẩm có thể mua tại các cửa hàng bách hóa với giá từ từ 1 đến 3 CUC (một
hộp cơm hay một cái bánh pizza dành cho một người có giá khoảng 1 CUC).
Bức ảnh chụp với gia đình Cuba :)
Trên đường đi, chúng tôi gặp một gia
đình đi cùng hướng. Điều ngạc nhiên là người mẹ mặc một cái áo sơ mi có
in hình cờ Mỹ - kẻ thù không đội trời chung với Cuba. Bạn biết là ở Việt
Nam nếu mặc một cái áo ba que ra đường hay ở California mặc một cái áo
cờ đỏ sao vàng thì rắc rối đến chừng nào rồi đấy. Tuy nhiên điều này có
vẻ không phải là một vấn đề lớn ở Cuba. Khi đến ven viển, gia đình này
đã xin chụp hình chung với chúng tôi. Đây là gia đình đến từ tỉnh, lần
đầu lên Havana chơi, và có lẽ đây là lần đầu tiên họ thấy người châu Á.
Người Cuba cực cởi mở, họ sẵn sàng bắt chuyện với những người lạ trên
đường.
Là một thành phố ven biển, Havana có hẳn một trục đường
xây dọc theo bờ biển. Điều này giúp khí hậu tại thành phố luôn mát mẻ
và dễ chịu. Một điểm đặc trưng tại cuộc sống Havana là những đêm đi dạo
hóng gió bên bờ biển. Nhiều cặp tình nhân và các nhóm thanh niên đều đến
bờ biển hàng đêm. Bạn dễ dàng nhìn thấy nhiều cử chỉ táo bạo nơi đây.
Riêng chúng tôi thì ngồi trên đê, nhìn xa xăm đường biển vô tận, tai
nghe từng đợt sóng đập liên hồi, cảm nhận những cơn gió mát lạnh, nhấp
từng ngụm rum và tấm tắc "đời ơi là đời!"
Một số hình ảnh do thành viên Viet Psychology thực hiện ở Cuba:
Theo VIET PSYCHOLOGY
Posted in: Suy Ngẫm
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét