Theo Freud, nhân cách con người
được xây dựng qua sự tương tác phức hợp giữa các xung năng với những
kinh nghiệm thời niên thiếu của họ. Hành vi của con người là kết quả của
cách nuôi dạy, đối xử của bố mẹ khi họ còn ở thời tuổi nhỏ đặc biệt
trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời.
Sigmund Freud là cha đẻ của phân tâm cổ
điển, ông sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856, ở Freiburg, một thị xã nhỏ ở
Moravia, hiện nay là phần thuộc cộng hoà Czech. Khi Freud lên 4 tuổi,
cha ông là một thợ máy người Do Thái , đưa gia đình đến Vienna,
Freud đã sống hầu hết thời gian ở đây.Theo học trường y khoa, ông chuyên
về thần kinh học và đã học một năm tại Paris với Jean-Martin Charcot,
ông chịu ảnh hưởng bởi Ambroise-August Liebault và Hippolyte-Marie
Bernheim, cả hai đều dạy ông thôi miên khi ông ở Pháp. Sau khi học tập ở
Pháp, ông quay trở về Vienna và bắt đầu công việc lâm sàng với những
bệnh nhân Hysteria. Vào khoảng từ năm 1887 đến 1897, công việc của ông
với những bệnh nhân này dẫn đến việc phát triển phân tâm học. Ông chết
năm 1939 tại Luân Đôn.
Theo ông, nhân cách con người được xây
dựng qua sự tương tác phức hợp giữa các xung năng (driven) với những
kinh nghiệm thời niên thiếu của họ. Hành vi của con người là kết quả của
cách nuôi dạy, đối xử của bố mẹ khi họ còn ở thời tuổi nhỏ đặc biệt
trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời. Trong lý thuyết của ông, con người
tiếp tục thỏa mãn những mong muốn của họ theo cách mà họ tương tác với
người khác trong quá khứ hay cách mà họ thỏa mãn những mong muốn của
mình thời thơ ấu.
Những vấn đề quan trọng được đề cập
tới trong lý thuyết của Sigmund Freud đó là bản năng, vô thức, cấu trúc
nhân cách, cơ chế tự vệ.
Bản năng
Ông cho rằng con người được sinh ra với những bản năng thuộc về vô thức. Nó bao gồm các bản năng sống và bản năng chết.
- Bản năng sống: là sự đói khát, tình dục.
- Bản năng chết: là những bản năng hướng tới sự phá bỏ, tiêu
diệt cuộc sống. Những hành vi gây thương tích, tự hủy hoại bản than ở
con người. Những hành vi hung tính, sự nóng giận cũng là bản năng chết
của con người.
Cấu trúc nhân cách
S. Freud cho rằng cấu trúc của nhân cách
gồm có 3 cấu thành, đó là cái Nó (Id), cái tôi (Ego) và cái siêu tôi
(Super Ego). Các cấu trúc này được hình thành và phát triển dần tới khi
con người được 5 tuổi.
- Cái ấy (id): Hệ thống này bao gồm các bản
năng vô thức và thúc đẩy con người thỏa mãn những mong muốn mà không
tính tới các nguyên tắc và các quy định của xã hội.
- Cái tôi (ego): được hoạt động, điều chỉnh (kiểm soát) bởi thực tiễn thế giới xung quanh.
- Cái siêu tôi (superego): bao gồm ý thức và đạo đức.
Cả ba cấu thành trên được tập hợp trong một con người và chúng
quy định ảnh hưởng lẫn nhau. Cái nó hoạt động theo nguyên tắc thỏa mãn.
Cái tôi hoạt động theo nguyên tắc thực tiễn và cái siêu tôi hoạt động
theo nguyên tắc kiểm duyệt.
Sự mâu thuẫn tồn tại giữa cái Ấy
và cái Siêu tôi dễ làm con người rơi vào tình trạng căng thẳng. Để giúp
cho con người có thể thoát khỏi tình trạng này, S.Freud cho rằng cần có
những cơ chế tự vệ để bảo đảm tạo ra sự cân bằng trong tâm lý của con
người.
Các cơ chế tự vệ.
- Sự dồn nén: kiềm chế những lo lắng lại, che giấu không để lộ ra ngoài.
- Sự phóng chiếu: chuyển những cảm xúc của mình lên người khác.(tâm sự)
- Sự chối bỏ: từ chối, ví dụ không chấp nhận những lo lắng sợ hãi đang tồn tại trong bản than.
- Sự thoái bộ: thoái lui về giai đoạn trước, có những hành vi thuộc lứa tuổi trước đó ( hiện tượng trẻ con hóa).
- Sự tạo lập hành động (phản ứng): chuyển những cảm xúc ví dụ lo âu thành hành động. ( Lo về kết quả học tập – học bài).
- Sự phá bỏ: chuyển những cảm xúc lo âu thành sự hung dữ. ( Lo về kết quả học tập – đi uống rượu)
- Sự thăng hoa: chuyển lo âu, sợ hãi thành các sản phẩm có ích cho xã hội. ( Ví dụ: nhà thơ Xuân Diệu chuyển cảm xúc thất tình thành thơ)
- Sự mơ mộng: thỏa mãn những mong muốn trong giấc mơ.
Quá trình phát triển nhân cách
S. Freud cho rằng tâm lý con người phát triển qua các giai đoạn khác nhau sau đây:
- Giai đoạn môi miệng (oral
stage): từ khi sinh ra cho đến 1.5 tuổi. Sự thỏa mãn được thự hiện qua
ăn uống, mút, bú mẹ. Nếu đứa trẻ trong thời kỳ này không được thoản mãn
nhu cầu này, thì nó sẽ có những cảm giác tiêu cực như tự ti, lo âu về sự
an toàn vào những giai đoạn sau của cuộc đời.
- Giai đoạn hậu môn
(anal stage): từ 1.5 – 3 tuổi. Sự thỏa mãn được thực hiện qua sự đi đại
tiện, tiểu tiện. Thời kỳ này trẻ bắt đầu học cách kiểm soát cơ thể và
môi trường xung quanh qua việc hướng dẫn của cha mẹ, việc quy định vệ
sinh và các hoạt động giáo dục khác.
- Giai đoạn dương vật
(phallic stage): từ 3 – 5 tuổi. Trong giai đoạn này có 3 mặt phát triển
chính: hứng thú tình dục, phát triển của siêu tôi, mở rộng phạm vi quá
trình bảo vệ cái tôi.
- Giai đoạn tiểm ẩn (latance
stage): từ 5 tuổi trở lên đến tuổi vị thành niên. Khi này trẻ học cách
thăng hoa tình yêu đối với bố mẹ, nó được thể hiện bằng sự tôn kính.
- Giai đoạn cơ quan sinh dục ngoài (genital
stage): là giai đoạn tuổi thanh niên và sang tuổi trưởng thành, khi này
cá nhân đã có thể nhận thức và ý thức hành vi ở người lớn.
Các kỹ thuật can thiệp.
- Phân tích sự chuyển dịch:
Sự chuyển dịch là quá trình những cảm
xúc xung đột của thân chủ với người nào đó trong quá khứ (ví dụ như:
cha, mẹ, người yêu..)được thể hiện ra với nhà tham vấn.
Để xử lý những tình huống chuyển dịch,
trước hết nhà tham vấn cần nhân biết và giúp thân chủ nhân thức được
hiện tượng này. Bằng những câu nói hay câu hỏi đưa ra thông tin cho thân
chủ biết liệu họ có đang đánh đồng mình với một nhân vật nào đó không.
Trong quá trình tham vấn, cũng có hiện
tượng khi nhà tham vấn chuyển tải những cảm xúc của mình đối với một
nhân vật nào đó trong quá khứ lên thân chủ. Đây được xem như quá trình
chuyển dịch ngược.
Một trong những cách xử lý là nhà tham
vấn có thể chia sẻ với đồng nghiệp xin tư vấn hoặc có thể chuyển giao ca
tham vấn sang nhà tham vấn khác trong trường hợp nhà tham vấn không
kiểm soát được cảm xúc, tình cảm của mình.
- Phân tích giấc mơ:
theo S.freud thì giấc mơ không chỉ có chức năng sinh lý mà nó còn có một
chức năng tâm lý vô cùng quan trọng, bởi nó giúp người ta giải tỏa được
những căng thẳng thần kinh qua việc thỏa mãn những mong muốn của cá
nhân trong khi mơ mà những mong muốn đó không được thực hiện trong thực
tiễn.
- Liên tưởng tự do:
khuyến khích thân chủ thổ lộ, chia sẻ. Nhiệm vụ của nhà tham vấn là lắng
nghe tích cực tất cả mọi điều, mọi chi tiết mà thân chủ chia sẻ dù là
rất nhỏ nhặt và bám theo dấu vết của những liên tưởng này đến liên tưởng
khác để tìm được cội nguồn của chúng.
- Nhạy cảm với những phản kháng/chống đối từ phía thân chủ:
Sự chống đối của thân chhur thể hiện ở những hành vi như từ chối không
thảo luận về một vấn đề nào đó, im lặng, quên, tỏ ra khó khăn trong
trình bày bằng lời nói. Đôi khi sự phản ứng còn được biểu hiện qua hành
vi hung dữ. Khi này có thể vấn đề thân chủ đang thảo luận đã động chạm
đên cảm xúc đau đớn mà họ trải nghiệm trong quá khứ - Cần phải giúp họ
thoát khỏi tình trạng đau đớn, lo âu.
S.T
Posted in: Tâm lý
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét