Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014
Tố chất nào của người Hoa?
21:23
Hoàng Phong Nhã
No comments
Lưu Du
Phạm Thị Hoài dịch
Nhiều người hẳn biết rằng một số khái niệm đặc sắc trong tiếng Trung rất khó dịch sang tiếng Anh, thí dụ đột kích thủ (突击手) [1], bất chiết đằng (不折腾) [2], tinh thần văn minh (精神文明), ban tử kiến thiết (班子建设) [3]… Ai dịch được huyết nhiễm đích phong thái (血染的风采) [4] thì tôi xin tặng ngay cờ luân lưu. Tố chất (素质) là một trong những từ như thế.
“Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Câu này phổ biến tới mức nếu không đi cùng với hai từ kém và người Hoa thì từ tố chất như thể bơ vơ lạc lõng. Nhưng dịch tố chất như thế nào đây? Dịch thành quality có vẻ hợp hơn cả. Tuy nhiên, thử nghĩ kĩ thì câu tiếng Anh “The quality of Chinese people is low, so China should not…” rõ ràng lại không hợp. Vì nếu dịch ngược trở lại tiếng Trung thì câu này sẽ thành “Người Hoa chất lượng kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Mà như thế thì rõ là phân biệt chủng tộc và chắc chắn không hợp ý người Hoa nào phát ngôn câu ấy.
Chắc chắn có nhiều lí do khiến một từ
nào đó khó dịch sang những ngôn ngữ khác. Một lí do có thể là: bản thân
hiện tượng liên quan đến từ đó không thật sự được nắm bắt rõ ràng. Thí
dụ từ tố chất. Thực ra tố chất là gì? Trực giác bảo tôi rằng,
đó là “trình độ văn hóa”. Nhưng theo thống kê dân số gần đây nhất thì tỉ
lệ mù chữ ở Trung Quốc chỉ chiếm 4,08%, tức là thấp hơn nhiều so với
mức trung bình trên thế giới. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy rõ là
18,03 % giới trẻ ở Trung Quốc từ 25 đến 30 tuổi có bằng cao học trở lên,
như vậy là nhiều hơn cả ở những nước dân chủ như Tiệp (15,05%), Thổ Nhĩ
Kì (13,06%) hay Brazil (10%). Vậy trình độ văn hóa của người Trung Quốc
không hề thấp.
Thế nếu không phải là trình độ văn hóa
thì tố chất cho thấy cái gì? Có lẽ là tinh thần hợp tác. Có thuyết bảo
rằng người Trung Quốc như “cát rời trong chậu” (nhất bàn tán sa), một
bằng chứng về tố chất kém. Trong xã hội học có khái niệm “vốn xã hội”,
biểu thị độ nhớt và mật độ của quan hệ giữa người với người. Một số nhà
nghiên cứu đã chỉ ra rằng để một nền dân chủ có thể vận hành thì vốn xã
hội đóng vai trò tương tự như dầu nhớt cho động cơ ô tô. Chưa nói đến
việc sau này nhiều nhà nghiên cứu hoài nghi hệ quả chính trị của vốn xã
hội, ngay cả khi nó càng nhiều càng tốt (đa đa ích thiện), nhiều người
cũng lưu ý rằng cái công thức “cát rời trong chậu” hoàn toàn không đúng
với truyền thống Trung Quốc. Làng xã truyền thống có một mạng tương tác
xã hội chặt chẽ và tự quản. Khi phải đắp một con đường hay đào một dòng
kênh thì mọi nhà họp nhau bàn việc góp quỹ. Nhà này mâu thuẫn với nhà
kia thì hương thân phụ lão đứng ra thương lượng theo luật làng. Ở
Chinatown tại New York tôi thấy một cộng đồng người Hoa đã tha hương từ
trên một thế kỉ vẫn tụ họp múa lân và đánh trống mỗi dịp hội hè. Vì thế
khó có thể nói rằng người Hoa vốn không có gen đoàn kết.
Song với sự ra đời của “nhà nước toàn
năng” thì cái gọi là “rác rưởi phong kiến” như tông tộc, xã đoàn, miếu
hội bị cưỡng bách tiêu diệt. Xã hội ngày càng có xu hướng nguyên tử hóa
và chính trị trở thành chết keo duy nhất. Cho đến hôm nay, thể chế chính
trị mạnh mẽ vẫn ức chế sự tích lũy vốn xã hội. Những “hạt cát” muốn kết
hợp lại, lập nên một nông hội ư? Quá nhạy cảm! Một công đoàn ư? Đã có
công đoàn do chính phủ tổ chức rồi mà! Một tổ chức phi chính phủ ư? Được
thôi, nhưng phải thông qua 48 thủ tục nhé… Như vậy, sự nguyên tử hóa xã
hội Trung Quốc không phải là nguyên nhân mà là kết quả của quyền lực.
Như thể tôi vừa trói chân bạn vừa bảo rằng: đấy, mày có chạy được đâu,
chứng tỏ mày không biết chạy, hoặc thậm chí mày thiếu tố chất chạy! Cái đó không còn là một “dự báo tự hoàn thành” nữa, mà là một “mệnh lệnh tự xác nhận”.
Và nếu tố chất có nghĩa là ý
thức luật pháp thì thế nào nhỉ? Người Hoa không thích xếp hàng và hay
vượt đèn đỏ… Những hiện tượng như vậy cho thấy là người Hoa thiếu tố
chất, vì thế mà phải để một nhóm tinh hoa kiểm soát, như tuyên bố “dân
Trung Quốc cần quản thúc” của Jackie Chan [5]
chăng? Cá nhân tôi biết rõ những tật xấu kể trên, nhất là chuyện xếp
hàng. Nhiều khi tôi chỉ muốn ở quầy cửa hàng nào cũng có cảnh sát giao
thông đứng trấn.
Nhưng tôi cũng từng đến Hồng Kông và Đài
Loan, thấy mật độ dân số ở đó cũng rất dày mà người ta vẫn tự giác xếp
hàng. Họ cũng là người Hoa, chứng tỏ không phải cứ là người Hoa thì
thiếu ý thức luật pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là: ngay cả khi người
Hoa quả thật kém về mặt này thì từ đó cũng khó mà suy ra tính ưu việt
của một thể chế độc tài. Thể chế độc tài hàm ẩn một tiền đề rằng dân
chúng tố chất kém thì phải chịu sự giáo huấn và quản thúc của quan chức
tố chất cao.
Song nhìn vào hàng ngũ quan chức thì ta
phải phát hoảng. Hôm nay mở tờ báo này thấy một vị quan chức vào tù vì
tham ô vài triệu, hôm sau mở tờ báo khác thấy một vị nữa vào tù vì tham ô
vài chục triệu. Hôm nay nhấp chuột vào trang mạng này thấy chính phủ
cưỡng chế dỡ nhà khiến một người dân phải đi kiến nghị, hôm sau nhấp
chuột vào trang mạng khác thấy một người dân nữa bị dỡ nhà phải cùng
quẫn tự thiêu. Đương nhiên đó không phải là đại diện cho tất cả quan
chức, nhưng những việc như vậy là thực tế và diễn ra vô tận. Nó nhắc nhở
rằng chúng ta nên lí giải ý thức luật pháp kém của dân chúng như thế
nào: khi “kẻ trên” thường xuyên lợi dụng đấu thầu dự án để ăn tay trong,
bất tuân luật pháp trong tranh chấp đất đai hay bất chấp lệnh cấm vẫn
nhậu nhẹt bằng tiền công quỹ thì làm sao có thể bắt “kẻ dưới” cung kính
tôn trọng luật pháp? Kẻ đại tiểu tiện tứ tung làm sao dạy người khác
đừng khạc nhổ được.
Vậy ngay cả khi tố chất của người Hoa có
vấn đề chăng nữa thì nguyên nhân chủ yếu nằm ở chế độ, mặc dù nó tác
động xấu đến chế độ. Tất nhiên tôi không nghĩ rằng cải cách chế độ qua
đêm là có thể biến đổi văn hóa, nhưng ít nhất nó có thể tạo ra một không
gian sinh hoạt công cộng. Và cũng như việc muốn học chạy thì trước hết
phải tháo xích chân, muốn bồi dưỡng năng lực công dân thì trước hết phải
có một không gian công cộng. Những ai ưa lặp lại câu “Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” có lẽ hãy thử nghĩ xem có nên đổi thành “Người Hoa tố chất kém, chính vì thế mà Trung Quốc càng nên…”
________
Nguồn: Lưu Du
(Liu Yu, 1976) bảo vệ luận án tiến sĩ tại Columbia University, từng dạy
tại Cambridge và hiện là Phó Giáo sư ngành Chính trị tại Đại học Thanh
Hoa, Bắc Kinh. Bà bắt đầu nổi tiếng ở Trung Quốc với tác phẩm 民主的细节 (Chi tiết của dân chủ) xuất bản năm 2009. Bài viết “素什么质” này đăng trên blog của bà ngày 30/10/2011. Bản tiếng Việt dựa theo bản tiếng Đức đăng trên trang Freitag ngày 19/4/2014.
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra
[1] Dùng theo nghĩa: một người rất hăng hái hoạt động (thường là chính trị)
[2] Dùng theo nghĩa: không bận tâm vào những chuyện vô nghĩa
[3] Dùng theo nghĩa: sắp xếp nhóm lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và chính phủ
[4]“血染的风采”
vốn là tên một bài hát tưởng niệm lính Trung Quốc chết trận trong Chiến
tranh Biên giới 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau này – đặc biệt ở
Hồng Kông – được dùng để tưởng niệm nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An
Môn 1989.
[5] Jackie Chan: Chinese People Need To Be Controlled, HuffPost 05/25/2011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét