Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Tiếp cận tính huyền diệu và bí ẩn của thế giới

Nghiên cứu vũ trụ, cơ thể sinh vật và con người, người ta nhận thấy rằng thế giới chúng ta đang sống thật là huyền diệu với vô số những điều bí ẩn mà khoa học cho đến nay mới chỉ khám phá được một phần rất nhỏ.


Bản chất và nguồn gốc của chúng là gì? Người ta vẫn còn đang chờ đợi những câu trả lời thật sự thoả đáng đối với nhiều hiện tượng quan trọng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu những cách tiếp cận khác nhau trong triết học sẽ giúp chúng ta có được một phương hướng đúng đắn trong việc xem xét các hiện tượng phức tạp đó.
1. Lý do đặt vấn đề
Có một thắc mắc rất hay về nguồn gốc của những hiện tượng huyền diệu, bí ẩn của thế giới:
“Ngày hôm nay khoa học vẫn chưa thể biết được ai đang điều khiển trái tim ta tự động đập hàng ngày. Lực lượng nào đã phân định sự cân bằng giới tính trong xã hội ... Khoa học chưa thể biết được vì sao và ai đã làm cho “Chúng ta” từ những điểm nhỏ như một tế bào với sự tích hợp hàng tỷ tỷ phép tính bên trong nhằm thực hiện một lập trình (mượn cách nói của CNTT) đến một mốc thời gian nào đó với những điều kiện đã được tính trước, biết trước sẽ: Thoát thai - biết nói - biết đi lại - mọc răng, lông – phát triển tư duy - có khả năng sinh sản - trưởng thành đầy đủ - suy tàn rồi chết. Tình cờ chăng?”
Theo hướng này thì chúng ta có thể đặt ra vô số những câu hỏi tương tự về vũ trụ, về sinh vật, về cơ thể con người. Ngay cả những đầu óc khoa học vĩ đại nhất khi đối mặt với sự huyền bí của vũ trụ cũng có những tình cảm tương tự. Albert Einstein đã trăn trở như sau:
“Tôi tin vào sự huyền bí, và thú thật, nhiều khi tôi đối mặt với sự huyền bí này với sự kinh sợ. Nói cách khác, tôi nghĩ rằng có nhiều điều trong vũ trụ mà chúng ta chưa thể cảm nhận và thâm nhập được, cũng như có nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta mới chỉ cảm nhận được ở một hình thức sơ khai mà thôi.” 
Theo Einstein, những điều huyền diệu, bí ẩn của vũ trụ đã gây ra cho đầu óc có tư duy một “tình cảm khiêm nhường” (a feeling of humility), “một tình cảm tôn giáo chân chính” (a genuinely religious feeling), nhưng nó không liên quan gì đến chủ nghĩa thần bí (mysticism):
“Điều mà tôi nhận thấy được trong tự nhiên đó là một cấu trúc tuyệt vời mà chúng ta mới chỉ có thể hiểu được một cách rất không hoàn hảo, và điều đó không tránh khỏi đem lại cho con người đang tư duy một tình cảm khiêm nhường. Đó là một tình cảm tôn giáo chân chính không có liên quan gì đến chủ nghĩa thần bí cả.” 
Bản chất của sự huyền bí đó là gì? Nguồn gốc của chúng do đâu? Trả lời cho những câu hỏi này có mấy cách tiếp cận của các khuynh hướng triết học khác nhau: Hữu thần luận, Phiếm thần luận và Vô thần luận.
2. Cách tiếp cận của hữu thần luận
Hữu thần luận hay chủ nghĩa hữu thần (Theism) theo nghĩa rộng là khuynh hướng tư tưởng tin vào sự tồn tại của thần thánh nói chung. Hữu thần luận được dùng với nghĩa hẹp để chỉ niềm tin vào một vị thần tối cao, vạn năng, sáng tạo ra tất cả, quyết định tất cả. Vị thần này được gọi bằng những tên khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau. Kinh Veda và tín đồ Balamôn giáo gọi tên vị thần sản sinh ra dân tộc Ấn là Brahman. Tín đồ Do Thái giáo gọi vị thần sáng tạo thế giới và sinh ra hai con người đầu tiên là Adam và Eva, tổ tiên của dân tộc Do Thái (về sau được quan niệm là tổ tiên của cả nhân loại) là Yahweh hoặc Jehovah. Trong tiếng Anh, vị thần này được gọi là God; tiếng Pháp là Dieu; tiếng Nga là Бог; tiếng Ả Rập là Allah. Tiếng Việt, Giê-hô-va được dịch là Thượng đế hay Thiên Chúa (Chúa Trời). Chủ nghĩa hữu thần không chỉ là một khuynh hướng tín ngưỡng tôn giáo mà còn lý luận thần học được một số nhà triết học và thần học phát triển. Họ dùng nhiều lập luận lôgic để chứng minh sự tồn tại và vai trò sáng tạo của Thiên Chúa.
Chủ nghĩa hữu thần chứng minh nguồn gốc và bản chất tính huyền diệu của thế giới bằng Lập luận từ sự thiết kế (Argument from Design) hay Lập luận mục đích luận (Teleological Argument). Toàn bộ tính phức tạp, huyền diệu của thế giới và con người được quy về trí tuệ thông minh của Thiên Chúa; ngài thiết kế và điều khiển tất cả. Từ sự quan sát thấy tất cả những đồ vật phức tạp đều có người thiết kế ra, các nhà lý luận thần học đi đến kết luận rằng vũ trụ và con người là những kết cấu cực kỳ phức tạp và tinh vi nên phải do một đầu óc cực kỳ thông mình thiết kế ra – đó là Thiên Chúa (Thượng đế).
Lập luận này nếu quy vê tam đoạn luận có dạng như sau:
1. Tất cả những gì phức tạp đều phải có người thiết kế ra (Complexity implies a designer).2. Vũ trụ là cực kỳ phức tạp (The universe is highly complex).3. Do đó, vũ trụ phải có người thiết kế (Therefore, the universe has a designer)
Ta thử tham khảo lập luận sau đây trên một trang web tiếng Nga:
“Mỗi đồ vật đều có người làm ra; mỗi cái nhà đều có người xây dựng; mỗi quyển sách đều có tác giả; mỗi con người đều có cha mẹ. Xin hãy chỉ dùm tôi có vật nào tự nó được sinh ra không? Có cái nhà nào tự nó được xây dựng mà không có kiến trúc sư và những người thợ xây? Có quyển sách nào tự nó được viết ra mà không có tác giả?
Như vậy, không có một sự vật có kết cấu phức tạp nào mà không có người sáng lập ra. Do đó, vũ trụ, một kết cấu vô cùng phức tạp phải có người sáng lập nên – đó là Thượng đế.” 
Tất nhiên, ai cũng thấy được khiếm khuyết trong lập luận này là: từ nguồn gốc những đồ vật trong xã hội suy diễn ra cho tất cả sự vật, hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ là một suy luận không hợp lôgic. Đồ vật trong xã hội là do con người thiết kế ra với những mục đích nhất định, từ đó không thể suy ra sự vật, hiện tượng trong vũ trụ là do Thượng đế thiết kế ra theo một mục đích nào đó.
3. Cách tiếp cận của phiếm thần luận
Phiếm thần luận (Pantheism) là khuynh hướng triết học đồng nhất Thượng đế với toàn bộ giới tự nhiên. Thuật ngữ “phiếm thần luận” xuất phát từ tiếng Hy Lạp Pan (tất cả) và theos (thần, Thượng đế) có nghĩa là tất cả vũ trụ (toàn bộ giới tự nhiên) là Thượng đế. Điều này có nghĩa là không có một vị Thượng đế nào khác như là một lực lượng tinh thần tối cao đứng trên giới tự nhiên như quan niệm hữu thần luận, vì giới tự nhiên chính là Thượng đế rồi.
Như vậy tất cả những gì huyền bí, mầu nhiệm của thế giới đều là đặc tính của giới tự nhiên, của vị Thượng đế này. Không có một vị Thượng đế nào khác thiết kế, sáng tạo ra vũ trụ, đặt ra mục đích cho vũ trụ.
Đại biểu cho cách tiếp cận này có các nhà triết học và thiên văn học Ý Giordano Bruno (1548-1600), nhà triết học Hà Lan Baruch Spinoza (1632-1677)… Albert Einstein đôi khi cũng tán đồng quan niệm như vậy. Khi được hỏi: “Ông có tin Thượng đế không?”, Einstein trả lời: “Tôi tin ở Thượng đế của Spinoza, ngài mặc khải chính mình thông qua sự hài hòa có trật tự của những gì đang tồn tại, chứ không phải vị Thượng đế có liên quan đến số phận và hành động của con người.” 
Như vậy, theo Phiếm thần luận, giới tự nhiên vốn có những đặc tính huyền diệu, bí ẩn mà nhà khoa học phải nghiên cứu để tìm cách giải thích nó, do đó không cần phải tìm đến một vị Thượng đế khác như một tinh thần tối cao đứng trên giới tự nhiên để giải thích giới tự nhiên.
4. Cách tiếp cận của vô thần luận
Thuật ngữ vô thần luận (hay chủ nghĩa vô thần) (atheism) được cấu tạo từ tiếp đầu ngữ a (không) và từ Hy Lạp theos ( thần) là khái niệm dùng để chỉ một khuynh hướng tư tưởng thể hiện ở sự không tin hay phủ nhận sự tồn tại của thần thánh. Chủ nghĩa vô thần không chỉ thể hiện ở sự không tin mà còn đưa ra những lập luận nhất định để chứng minh cho lập trường của mình, bác bỏ các lập luận thần học về sự tồn tại của Thượng đế, về nguyên nhân đầu tiên, về mục đích luận và sự thiết kế, v.v..
Trong bài giảng “Tại sao tôi không phải là tín đồ Kitô giáo” (Why I am not a Christian), Bertrand Russell, nhà triết học nổi tiếng người Anh, người được giải thưởng Nobel năm 1950 đã phân tích và bác bỏ Lập luận từ sự thiết kếmục đích luận của thần học. Theo ông, người ta tin rằng Thượng đế là cái đẩy đầu tiên làm cho vũ trụ vận động, vì đây là cách giải thích đơn giản và thuận lợi tránh được sự phức tạp khi phải dùng quy luật vạn vật hấp dẫn. Cũng theo Russel, giải thích những đặc diểm của sinh vật bằng sự thiết kế của Thượng đế là đơn giản hơn thuyết tiến hóa của Darwin với sự giải thích những đặc điểm của một giống loài sinh vật là kết quả của tính thích nghi của sinh vật với môi trường, do sự tác động của quy luật chọn lọc tự nhiên. Russell cũng chỉ ra mâu thuẫn trong lập luận từ sự thiết kế, nếu như tất cả đều do một đầu óc vạn năng và thông minh thiết kế ra thì điều đó liệu có giải thích được vô số những khiếm khuyết trong lịch sử nhân loại, như tổ chức KKK ở Mỹ, chiến tranh phát xit, v.v.. 
Trong triết học Marxist, tất cả các đặc điểm vốn có của thế giới (tự nhiên, xã hội, con người) bao gồm mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, tính quy luật của sự vận động, phát triển được giải thích bằng khái niệm “biện chứng của tự nhiên”.
Theo quan điểm duy tâm, vật chất có đặc tính trơ, ì, chỉ có tinh thần mới năng động, do đó phải giải thích tính năng động của thế giới bằng tinh thần chứ không phải bằng bản thân vật chất. Trái lại, theo chủ nghĩa duy vật mácxít, tất cả sự vật vật chất, cũng như các mặt, các bộ phận của mỗi sự vật đều nằm trong những hệ thống, cấu trúc phức tạp, trong đó mỗi mặt, mỗi bộ phận đều bị quy định bởi những mặt, bộ phận còn lại; tất cả đều vận động, phát triển theo những quy luật vốn có của vật chất, không do ý thức. Vận động là phương thức tồn tại của vật chất.
Thí dụ, một nguyên tử đã là một cấu trúc phức tạp bao gồm mối liên hệ giữa điện tử và hạt nhân. Vật thể vô cơ không phải là một đống lộn xộn các phân tử mà là một tập hợp các phân tử được cấu trúc theo một quy luật nhất định. Khi quan sát một “hoa tuyết” chúng ta không thể không kinh ngạc và tự hỏi ai đã sắp xếp các phân tử hơi nước lại thành một đóa hoa đẹp như vậy. Chúng ta lại càng ngạc nhiên khi đối mặt với sự “mầu nhiệm” của cơ thể sinh vật và con người.
Cách tiếp cận duy vật, vô thần về thế giới không chỉ khác với cách tiếp cận hữu thần luận mà còn phân biệt với cách tiếp cận phiếm thần luận. Phiếm thần luận tuy có tính duy vật nhưng lại quan niệm thế giới vật chất, giới tự nhiên là Thượng đế”, là một vị thần. Trái lại, theo cách tiếp cận vô thần luận, tất cả những điều huyền diệu, bí ẩn của thế giới và con người đều là đặc tính vốn có của tự nhiên, là “biện chứng của tự nhiên” chứ không có tính thần thánh gì cả.
PGS.TS. NGUYỄN TẤN HÙNG (ĐH ĐÀ NẴNG)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét