Nhân tài thường có khuynh hướng gắn bó hơn với những doanh nghiệp
có văn hóa phù hợp với những giá trị cá nhân và có thể giúp họ đạt đến
thành công trong sự nghiệp.
Khi chọn công ty để nộp hồ sơ, ứng viên thường quan tâm đến
mức độ mà những chính sách và giá trị trong công ty phù hợp với những
giá trị và sở thích của mình. Ví dụ: một vài công ty quy định sự tưởng
thưởng về tài chính quan trọng hơn những hình thức thừa nhận về thành
tựu khác như sự khen ngợi của cấp trên. Một số ứng viên có thể thích
kiểu văn hóa doanh nghiệp coi trọng vật chất này nhưng người khác lại có
thể thấy nó thiếu tình người hoặc hàm chứa sự đe dọa với công việc của
họ.
Ở khâu chọn lựa ứng viên, nhà tuyển dụng
sẽ ưu tiên chọn những người có thể ủng hộ, thích ứng hoặc tuân thủ
đường lối & phương châm hoạt động của công ty – thành tố quan trọng
nhất của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có thể có tác động
lớn đến thành công của các nhân viên mới được tuyển dụng, ngay cả với
những nhân viên có kỹ năng và kinh nghiệm tương tự nhau. Chẳng hạn, một
nhân viên có khả năng làm việc độc lập cao có thể sẽ thành công trong
một công ty ít chú trọng đến hình thức làm việc tập thể. Tuy nhiên, nếu
công ty khuyến khích việc ra quyết định dựa trên ý kiến tập thể thì
người này có thể sẽ thất bại.
Sử dụng văn hóa doanh nghiệp như một công cụ tuyển dụng Muốn
sử dụng văn hóa doanh nghiệp như một công cụ tuyển dụng, bạn cần xác
định được những khía cạnh đặc thù của nó. Vấn đề cốt yếu là bạn cần định
vị những giá trị, hành vi và chính sách đặc trưng của công ty bạn.
Có 3 cách phổ biến để thực hiện điều
này. Cách thứ nhất là thẩm định lại sứ mạng và tầm nhìn, báo cáo dành
cho cổ đông và tài liệu marketing thể hiện bản sắc của công ty. Tuy
nhiên, những tài liệu này thường thể hiện mục tiêu mà công ty muốn nhắm
đến, và có thể không phản ánh chân thực về đặc tính môi trường làm việc
của công ty.
Bạn cũng có thể tiến hành một cuộc khảo
sát. Tuy nhiên, khảo sát thường làm hao tổn nhiều công sức, hơn nữa nó
cũng hiếm khi phản ánh được chính xác những khía cạnh đặc thù của môi
trường làm việc.
Cách thứ ba là phỏng vấn một nhóm nhân
viên và nhà quản lý chọn lọc về môi trường làm việc. Hãy yêu cầu họ cho
biết ý kiến một cách ngắn gọn về bầu không khí nơi làm việc, lý do tại
sao họ thích công ty và những điều họ cảm thấy chưa hài lòng về công ty.
Đây là cách hiệu quả và mang lại nhiều thông tin nhất.
Giải pháp tối ưu là sử dụng kết hợp cả 3
cách thức nói trên. Tuy nhiên, nhân viên có thể không muốn nói quá
nhiều về những khía cạnh tiêu cực của công ty. Vì thế, nếu có thể, bạn
nên thuê một công ty chuyên tư vấn nhân sự và xây dựng văn hóa doanh
nghiệp để tiến hành việc này.
Nếu thực hiện có hiệu quả, một cuộc
nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp sẽ chỉ cho bạn thấy 5 đến 10 đặc tính
chủ yếu tạo ra sự khác biệt cho công ty. Những đặc tính này có thể
không hoàn toàn mang tính tích cực. Tuy nhiên, đừng quên đặc tính văn
hóa thường bắt nguồn và phát triển dựa trên một nhu cầu thực tế trong
quá khứ hoặc hiện tại, và thông thường chúng ta có thể tìm cách để diễn
đạt mỗi đặc tính theo hướng nhấn mạnh được lợi ích của nó. Sau đây là
những khía cạnh đối lập của một vài đặc tính văn hóa doanh nghiệp phổ
biến:
- Cấu trúc tổ chức rõ ràng/Quan liêu - Thích ứng/Phản ứng - Chú trọng vào kết quả/Coi trọng sự đánh giá hoặc cạnh tranh
Một khi bạn đã xác định được những đặc
điểm chủ yếu của văn hóa công ty bạn, hãy chọn một số nét tiêu biểu để
đưa vào chiến lược tuyển dụng của bạn. Đó là các đặc tính bạn muốn duy
trì và phát triển chúng như điểm cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp và
nhân viên phải chấp nhận chúng để thích ứng & thành công trong công
ty. Bạn nên tránh tuyển dụng ứng viên dựa trên những đặc điểm văn hóa mà
bạn muốn công ty có, chứ không phải công ty hiện có. Những người như
vậy nhiều khả năng sẽ nghỉ việc hoặc không thể đạt đến thành công trong
một nền văn hóa không phù hợp với họ.
Mặc dù tuyển dụng được những người phù
hợp với văn hóa doanh nghiệp thì tốt hơn, tuy nhiên đôi lúc bạn cũng
phải linh động một chút. Khi mục tiêu của bạn là tuyển dụng nhân viên để
thực hiện một dự án cụ thể trong một khoảng thời gian định trước, sự
phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của ứng viên có thể không phải là tiêu
chí quan trọng nhất cần xét đến. Yếu tố văn hóa cũng không quan trọng
lắm khi ứng viên sẽ làm việc trong một môi trường tương đối biệt lập với
phần còn lại của công ty. Trong những trường hợp này, bạn hãy chú trọng
vào văn hóa riêng của đội nhóm làm việc mà người đó sẽ trở thành thành
viên. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là không nên thiết lập nhiều kiểu văn hóa
mâu thuẫn nhau trong công ty của bạn.
(Theo hiring.monster.ca)
sưu tầm
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét