Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014
Ludwig von Mises (1881-1973) - CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG 1
07:20
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Chương 1
Nền tảng của chính sách tự do
5. Bất bình đẳng về tài sản và thu nhập
Bất bình đẳng về tài sản và thu
nhập là vấn đề bị phê phán nặng nề nhất. Trong xã hội có người giàu và
người nghèo, có người rất giàu và cũng có người rất nghèo. Cách giải
quyết cũng không có gì khó: chia đều tất cả tài sản.
Đề xuất này bị phản đối trước
hết vì người ta cho rằng nó sẽ chẳng giúp cải tạo được tình hình vì số
người có của phải lớn hơn rất nhiều lần số người giàu có hiện nay cho
nên việc phân chia như thế sẽ chẳng làm tăng được mức sống của mỗi người
thêm được bao nhiêu. Điều này dĩ nhiên là đúng nhưng không đủ. Những
người đòi sự bình đẳng trong việc phân chia thu nhập đã bỏ qua một chi
tiết quan trọng nhất: tổng số tài sản có thể đem phân phối, tức là thu
nhập hàng năm của lao động xã hội, không phụ thuộc vào cách phân phối
chúng. Số sản phẩm đang có trong xã hội không phải là hiện tượng tự
nhiên hay xã hội độc lập với các điều kiện xã hội mà chính là kết quả
của những định chế xã hội của chúng ta. Chỉ vì bất bình đẳng có thể tồn
tại trong chế độ xã hội của chúng ta, chỉ vì nó thúc đẩy mọi người mang
hết sức mình ra sản xuất và sản xuất với giá thành thấp nhất cho nên
loài người mới có trong tay số tài sản được sản xuất ra và được tiêu thụ
hàng năm như hiện nay. Nếu động cơ lao động đó bị phá huỷ thì năng suất
lao động sẽ giảm đáng kể, phần đem phân phối cho mỗi cá nhân sẽ ít hơn
rất nhiều so với phần mà một người nghèo nhất cũng nhận được hiện nay.
Tuy nhiên, bất bình đẳng trong
phân phối thu nhập còn có một chức năng nữa, cũng quan trọng như chức
năng vừa nói bên trên: sự xa xỉ của người giàu.
Người ta đã nói và viết rất
nhiều điều ngu xuẩn về sự xa xỉ. Người ta phản đối việc tiêu thụ những
món hàng xa xỉ vì cho rằng thật là bất công khi một số người sống quá
thừa mứa trong khi những người khác lại sống trong cảnh bần hàn. Luận cứ
này có vẻ như cũng có giá trị nào đó. Nhưng đấy chỉ là vẻ ngoài mà
thôi. Nếu có thể chứng minh được rằng việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ
chính là thực hiện một chức năng hữu ích trong hệ thống hợp tác xã hội
thì luận cứ này sẽ bị coi là vô giá trị. Đấy chính là điều chúng ta sẽ
làm trong phần dưới đây.
Dĩ nhiên là chúng ta không biện
hộ cho việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ bằng luận cứ mà đôi khi có
người nói là hàng xa xỉ giúp luân chuyển tiền trong dân chúng. Nếu người
giàu không hưởng những món xa xỉ thì người nghèo không có tiền, người
ta nói như thế. Thật là nhảm nhí. Vì rằng nếu không có người tiêu thụ
hàng xa xỉ thì vốn và lao động dùng cho việc sản xuất hàng xa xỉ sẽ được
dùng cho việc sản xuất các hoàng hoá khác, thí dụ như những món hàng mà
nhiều người tiêu thụ, những món hàng cần thiết chứ không phải là những
món hàng “vô dụng”.
Để có thể tạo ra được một quan
niệm đúng đắn về giá trị xã hội của việc tiêu thụ các món hàng xa xỉ
trước hết ta phải hiểu rằng khái niệm về xa xỉ là khái niệm tương đối.
Xa xỉ là có cách sống tương phản rõ rệt với phần lớn dân chúng cùng
thời. Như vậy là, quan niệm về xa xỉ là quan niệm có tính cách lịch sử.
Nhiều thứ ta coi là thiết yếu hiện nay có thời đã từng được coi là xa
xỉ. Trong thời Trung cổ, khi phu nhân dòng dõi quí tộc người Byzantine
của ngài tổng trấn vùng Venise dùng món mà ngày nay chúng ta gọi là thìa
thìa dĩa bằng vàng để gắp thức ăn chứ không dùng tay để bốc thì người
Venise coi đấy là món hàng xa xỉ, nhạo báng cả thánh thần và họ nghĩ
rằng nếu trời có mắt thì nhất định người đàn bà này phải mắc một căn
bệnh khủng khiếp mới xứng: chắc chắn là họ cho rằng tiêu xài phung phí
trái tự nhiên như thế thì nhất định sẽ bị Trời phạt. Cách đây vài ba thế
hệ buồng tắm trong nhà được coi là xa xỉ, ngày nay gia đình công nhân
Anh nào cũng có buồng tắm như thế cả. Ba mươi lăm năm trước chưa ai có ô
tô, hai mươi năm trước sở hữu ô tô được coi là sống xa hoa, còn hiện
nay ở Mĩ ngay cả công nhân cũng có xe Ford riêng. Đấy là xu hướng của
lịch sử kinh tế. Món hàng xa xỉ hôm nay sẽ trở thành đồ dùng cần thiết
vào ngày mai. Mọi sự cải tiến trước tiên đều là những món hàng xa xỉ của
một ít người giàu có, nhưng sau đó một thời gian sẽ trở thành đồ dùng
thiết yếu, được mọi người coi là đương nhiên phải như thế. Việc tiêu thụ
những món hàng xa xỉ giúp cho nền công nghiệp phát triển và tạo ra
những sản phẩm mới. Đấy là một trong những tác nhân làm cho nền kinh tế
của chúng ta trở thành năng động. Nhờ có nó mà chúng ta mới có những
cách tân, và nhờ những cách tân như thế mà đời sống của tất cả các thành
phần dân cư trong xã hội mới được cải thiện từng bước một.
Nhưng phần lớn người ta đều
không có cảm tình với một người vô công rồi nghề giàu có, chỉ biết ăn
chơi chứ chẳng chịu làm bất cứ chuyện gì. Nhưng ngay cả một người như
thế cũng thực hiện chức năng trong đời sống của cơ thể xã hội. Anh ta
tạo ra, thí dụ cách sống xa hoa, lối sống như thế sẽ làm cho quần chúng
nhận thức được những nhu cầu mới và khuyến khích nền công nghiệp hoàn
thành các nhu cầu đó. Có thời chỉ có người giàu mới đi ra nước ngoài.
Schiller chưa bao giờ được nhìn thấy những dãy núi ở Thuỵ Sĩ mà ông từng
ca ngợi trong tác phẩm Wilhelm Tell, mặc dù chúng nằm ngay trên biên
giới quê hương Swab của ông. Goethe chưa bao giờ thấy Paris, Vienna cũng
như London. Hôm nay hàng trăm ngàn người đang đi du lịch, chẳng mấy nữa
sẽ có hàng triệu người cũng sẽ đi như thế.
6. Sở hữu tư nhân và đức hạnh
Trong khi tìm cách chỉ ra chức
năng xã hội và sự cần thiết của sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất và kèm
theo nó là hiện tượng bất đình đẳng trong phân phối thu nhập và tài sản,
chúng tôi đồng thời cũng đưa ra bằng chứng biện hộ về mặt đạo đức cho
sở hữu tư nhân và chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là chế độ xã hội dựa trên
nền tảng sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.
Đức hạnh là sự tôn trọng những
đòi hỏi tất yếu cho sự tồn tại của xã hội mà bất kì thành viên nào của
xã hội cũng cần phải thực hiện. Một người sống cách li với thế giới thì
không cần tuân theo bất kì qui tắc đạo đức nào. Anh ta không cần phải
đắn đo khi làm những việc mà anh ta cho rằng có lợi cho mình vì không
cần phải suy nghĩ xem việc đó có làm hại người khác hay không. Nhưng, là
một thành viên trong xã hội, khi làm bất kì việc gì người ta cũng phải
xem xét không chỉ lợi ích trực tiếp của mình mà còn phải góp phần củng
cố xã hội mà mình đang sống nữa. Cá nhân chỉ có thể sống được nhờ sự hợp
tác xã hội, nếu tổ chức đời sống và sản xuất xã hội bị sụp đổ thì từng
cá nhân sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi yêu cầu các cá nhân quan
tâm đến lợi ích của xã hội trong mọi hành động của mình và không được
làm những hành động có lợi cho anh ta nhưng lại gây thiệt hại nghiêm
trọng đối với đời sống xã hội thì không có nghĩa là xã hội yêu cầu anh
ta phải hi sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của người khác. Vì sự
hi sinh mà xã hội đòi hỏi chỉ là tạm thời: hi sinh lợi ích trực tiếp và
tương đối nhỏ để đổi lấy lợi ích lớn hơn nhiều. Sự tồn tại của xã hội,
sự tồn tại hiệp hội những con người hợp tác với nhau và cùng nhau chia
sẻ một lối sống chung, đáp ứng quyền lợi của tất cả mọi người. Người nào
hi sinh lợi ích tức thời nhằm tránh cho xã hội khỏi tình trạng hiểm
nghèo là người hi sinh lợi ích nhỏ vì lợi ích to lớn hơn nhiều.
Ý nghĩa của sự tôn trọng quyền
lợi của xã hội như thế lại thường bị hiểu sai. Người ta tin rằng giá trị
đạo đức nằm ở hành động hi sinh, ở việc từ bỏ sự thoả mãn ngay lập tức.
Người ta không chịu công nhận rằng giá trị đạo đức không phải là sự hi
sinh, mà là mục đích của sự hi sinh; người ta cố tình gán giá trị đạo
đức cho bản thân hành động hi sinh, cho bản thân sự từ chối. Nhưng hành
động hi sinh phải là để phục vụ cho mục đích đức hạnh thì mới được coi
là đức hạnh. Có sự khác nhau một trời một vực giữ một người liều mình và
hi sinh tài sản của mình vì những mục tiêu cao quí và một người hi sinh
tất cả những thứ đó mà chẳng mang lại lợi ích gì cho xã hội.
Tất cả những hành động nhằm giữ
gìn trật tự xã hội đều là đức hạnh, còn những gì có hại cho nó đều là
phi đạo đức hết. Do đó, khi ta rút ra kết luận rằng một định chế nào đó
là có lợi cho xã hội thì không thể nói rằng nó là phi đạo đức được. Có
thể có những ý kiến khác nhau về việc một định chế cụ thể nào đó là có
ích hay có hại đối với xã hội. Nhưng khi đã coi định chế đó là có lợi
thì người ta không còn có thể nói rằng nó phải bị coi là phi đạo đức vì
một lí do không thể giải thích nào đó được nữa.
7. Nhà nước và chính phủ
Tuân thủ luật đạo đức là lợi ích
tối cao của mọi cá nhân vì duy trì sự hợp tác xã hội mang lại lợi ích
cho tất cả mọi người; đồng thời nó cũng buộc mọi người phải hi sinh, mặc
dù chỉ là những hi sinh tạm thời để đổi lấy những lợi ích lớn hơn. Phải
có một số hiểu biết sâu sắc mối quan hệ giữa các hiện tượng và sự vật
thì mới nhận thức được chuyện đó, đồng thời phải có ý chí nhất định thì
mới thực hiện được những hành động phù hợp với nhận thức như thế. Những
người không có nhận thức hoặc nhận thức được nhưng không có ý chí thực
hiện thì không có khả năng tuân thủ luật đạo đức một cách tự nguyện.
Không khác gì việc tuân thủ các qui định về vệ sinh mà các cá nhân phải
theo vì sức khoẻ của chính mình. Một người nào đó có thể sống phóng
túng, thí dụ như hút chích ma tuý vì không biết hậu quả của nó hoặc cho
rằng hậu quả không là gì so với việc từ bỏ thú vui nhất thời, hoặc là
không có đủ ý chí để điều kiển hành vi cho phù hợp với nhận thức của
mình. Có người cho rằng xã hội cần phải sử dụng những biện pháp cưỡng
bức để buộc những cá nhân nói trên vào đường ngay lối thẳng và trừng
phạt bất kì kẻ nào có những hành động bất cẩn có hại cho sức khoẻ và
cuộc sống của hắn ta. Họ nói rằng phải dùng biện pháp mạnh nhằm ngăn
chặn những kẻ nghiện rượu và nghiện ma túy khỏi những thói hư tật xấu
của mình và buộc họ phải tự bảo vệ sức khoẻ.
Nhưng những biện pháp cưỡng bách
có đáp ứng được mục tiêu đề ra hay không? Chúng ta sẽ thảo luận vấn đề
này sau. Bây giờ chúng ta sẽ quan tâm đến một vấn đề khác, mà cụ thể là
có cần buộc những kẻ có hành vi gây nguy hại cho sự tồn tại của xã hội
phải chấm dứt những hành động như thế hay không. Người nghiện rượu và
nghiện ma tuý chỉ gây hại cho chính mình; còn người vi phạm những qui
tắc đạo đức điều chỉnh đời sống của con người trong xã hội gây hại không
chỉ cho mình mà còn cho tất cả mọi người. Cuộc sống trong xã hội sẽ trở
thành bất khả thi nếu những người muốn cho trật tự xã hội tiếp tục tồn
tại và có hành động phù hợp với ước muốn đó không được dùng sức mạnh và
những biện pháp cưỡng bức nhằm chống lại những kẻ sẵn sàng phá hoại trật
tự xã hội. Một ít kẻ phản xã hội, tức là những người không muốn hoặc
không thể thực hiện những hành động hi sinh tạm thời mà xã hội đòi hỏi,
có thể làm cho đời sống xã hội trở thành không chịu đựng nổi. Không sử
dụng những biện pháp cưỡng chế và sức mạnh nhằm chống lại kẻ thù của xã
hội thì không thể sống được.
Chúng ta gọi bộ máy ép buộc và
cưỡng chế, tức là bộ máy buộc người dân tuân thủ những qui định của đời
sống xã hội, là nhà nước; gọi những qui định mà nhà nước phải tuân thủ
là luật pháp; gọi những tổ chức chịu trách nhiệm quản lí bộ máy cưỡng
chế đó là chính phủ.
Có những môn phái tin rằng người
ta hoàn toàn có thể từ bỏ bất kì hình thức cưỡng bức nào và có thể xây
dựng xã hội trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện tuân thủ các chuẩn mực đạo
đức. Những người vô chính phủ cho rằng nhà nước, luật pháp và chính phủ
đều chỉ là những định chế vô tích sự trong hệ thống xã hội, đấy là nói
hệ thống phục vụ cho quyền lợi của tất cả mọi người chứ không phải chỉ
phục vụ cho quyền lợi của một ít kẻ đặc quyền đặc lợi. Chỉ có chế độ xã
hội dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mới cần sử dụng bạo
lực và cưỡng bức để tự vệ mà thôi. Nếu sở hữu tư nhân bị bãi bỏ thì mọi
người, không trừ một ai, đều sẽ tự động tuân thủ những qui định mà sự
hợp tác xã hội đòi hỏi.
Như đã chỉ ra bên trên, học
thuyết đó sai lầm ngay khi nó nói về tính chất của quyền sở hữu tư nhân
các tư liệu sản xuất. Nhưng nếu không có chuyện đó thì lí thuyết này
cũng hoàn toàn không thể đứng vững được. Người theo phái vô chính phủ
hoàn toàn đúng khi không phủ nhận rằng mỗi hình thức hợp tác giữa người
với người trong xã hội trên cơ sở phân công lao động đều đòi hỏi tuân
thủ một số qui tắc ứng xử không phải lúc nào cũng được các cá nhân hoan
nghênh vì những qui tắc đó buộc người ta phải hi sinh, dù chỉ là trong
một thời gian ngắn, nhưng vẫn làm cho người ta đau khổ, ít nhất là ngay
tại thời điểm đó. Nhưng người theo phái vô chính phủ đã lầm khi cho rằng
mọi người, không có ngoại lệ, đều sẽ tự nguyện tuân thủ các qui tắc như
thế. Có những người bị bệnh đường ruột, họ biết rõ rằng nếu ăn một món
nào đó thì chỉ một thời gian ngắn sau đó họ sẽ bị đau bụng, thậm chí đau
đến mức không chịu được, nhưng họ vẫn không thể không hưởng thụ cái món
khoái khẩu đó. Những mối quan hệ qua lại trong đời sống xã hội khó theo
dõi hơn là tác động của thức ăn lên cơ thể con người và hậu quả cũng
không diễn ra nhanh như thế, mà trên hết là không phải lúc nào kẻ bất
lương cũng cảm nhận được. Có thể bỏ qua tất cả những điều đã trình bày
mà giả định rằng mỗi người trong xã hội vô chính phủ đều có khả năng
nhìn xa trông rộng và ý chí mạnh mẽ hơn kẻ bị bệnh đường ruột tham ăn mà
không sợ bị coi là ngớ ngẩn hay không? Trong xã hội vô chính phủ liệu
có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng là một người vô tình ném que diêm đang
cháy và gây ra hoả hoạn hoặc trong khi tức giận, ghen tuông hay thù hận
mà xúc phạm người khác được hay không? Chủ nghĩa vô chính phủ hiểu sai
bản chất của con người. Nó chỉ có thể trở thành hiện thực trong thế giới
của thánh thần mà thôi.
Chủ nghĩa tự do không phải là
chủ nghĩa vô chính phủ và cũng chẳng có gì chung với chủ nghĩa vô chính
phủ. Người theo trường phái tự do hiểu rõ rằng không có những biện pháp
cưỡng bách thì sự tồn tại của chính xã hội sẽ bị đe doạ và muốn bảo đảm
được sự hợp tác hoà bình giữa người với người thì đằng sau các qui tắc
ứng xử cần phải tuân thủ còn cần phải có sự đe doạ bằng vũ lực, nếu
không bất cứ thành viên nào cũng có thể là mối đe doạ đối với toàn bộ
lâu đài xã hội. Cần phải có khả năng buộc những kẻ không tôn trọng cuộc
sống, sức khoẻ, quyền tự do cá nhân hay tài sản cá nhân của người khác
tuân thủ những qui tắc của đời sống trong xã hội. Đấy chính là chức năng
mà học thuyết tự do gán cho nhà nước: bảo vệ tài sản, tự do và hoà
bình.
Một người xã hội chủ nghĩa Đức
tên là Ferdinand Lassalle đã cố tình biến quan niệm về nhà nước trong
cái khung chật hẹp như thế thành trò nhảm nhí bằng cách gọi nhà nước
được xây dựng trên những nguyên tắc tự do là “nhà nước - tuần đêm”.
Nhưng thật không hiểu nổi vì sao nhà nước - tuần đêm lại kì quặc hoặc
tồi tệ hơn là nhà nước quan tâm đến cả việc muối dưa cải, sản xuất nút
quần hoặc xuất bản báo? Muốn hiểu được cái ấn tượng mà Lassalle tìm cách
tạo ra bằng nhận xét dí dỏm như thế, ta phải biết rằng người Đức cùng
thời với ông vẫn chưa quên được nhà nước của những ông vua độc tài, với
rất nhiều chức năng quản lí và điều tiết khác nhau, và họ vẫn còn bị
triết học của Hegel chi phối rất mạnh, ông này lại là người đưa nhà nước
lên vị trí của thánh thần. Nếu coi nhà nước, theo quan niệm của Hegel,
như là “một thực thể tự ý thức về mặt đạo đức”, là “Vũ trụ trong nó và
cho chính nó”, là “lí tính của ý chí” thì dĩ nhiên là người ta phải coi
mọi cố gắng nhằm giới hạn chức năng của nhà nước vào việc phục vụ như là
người gác cổng ban đêm là báng bổ rồi.
Chỉ có như thế ta mới hiểu được
làm sao mà người ta lại có thể đi xa đến mức chỉ trích chủ nghĩa tự do
là có thái độ căm ghét hay thù địch đối với nhà nước. Nếu tôi nghĩ rằng
trao cho nhà nước việc quản lí ngành đường sắt, khách sạn hay hầm mỏ là
không thích hợp thì tôi cũng không phải là “kẻ thù của nhà nước”, cũng
như không thể coi tôi là kẻ thù của axit sulphuric chỉ vì tôi nghĩ rằng
dù nó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau thì cũng không
thể dùng nó để uống hay rửa tay được.
Sẽ là sai khi nói rằng chủ nghĩa
tự do muốn hạn chế lĩnh vực hoạt động của nhà nước hoặc về nguyên tắc
học thuyết này căm thù mọi hoạt động của nhà nước có liên quan đến lĩnh
vực kinh tế. Cách giải thích như thế hoàn toàn không nói lên bản chất
của vấn đề. Quan điểm của chủ nghĩa tự do về chức năng của nhà nước là
kết quả tất yếu của những luận cứ nhằm bảo vệ quyền tư hữu của chủ nghĩa
này. Khi người ta đã ủng hộ quyền sở hửu tư nhân tư liệu sản xuất thì
dĩ nhiên là người ta không thể ủng hộ quyền sở hữu công cộng tư liệu sản
xuất, tức là ủng hộ việc giao chúng vào tay nhà nước chứ không để nằm
trong tay sở hữu chủ tư nhân. Như vậy là, ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư
liệu sản xuất cũng có nghĩa là giới hạn một cách triệt để các chức năng
của chính phủ rồi.
Những người xã hội chủ nghĩa đôi
khi cũng có thói quen phê phán chủ nghĩa tự do là không nhất quán. Họ
khẳng định rằng sẽ là phi lí nếu qui định vai trò của nhà nước trong
lĩnh vực kinh tế chỉ là bảo vệ quyền sở hữu. Thật khó hiểu tại sao trong
khi nhà nước không được hoàn toàn trung lập thì sự can thiệp của nó lại
bị giới hạn trong việc bảo vệ quyền của các chủ sở hữu mà thôi?
Lời phê phán bên trên chỉ có thể
được coi là hợp lí nếu sự chống đối của chủ nghĩa tự do đối với tất cả
các hoạt động của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, không kể việc bảo vệ
quyền sở hữu, có xuất xứ từ việc căm thù về nguyên tắc mọi hành động của
nhà nước. Nhưng vấn đề hoàn toàn không phải như thế. Chủ nghĩa tự do
phản đối việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của nhà nước chính vì trên thực
tế nó sẽ tiêu diệt quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Mà những
người theo trường phái tự do lại coi sở hữu tư nhân là nguyên tắc phù
hợp nhất cho việc tổ chức đời sống của con người trong xã hội.
8. Chế độ dân chủ
Như vậy là, chủ nghĩa tự do hoàn
toàn không có ý định phủ nhận sự cần thiết của bộ máy nhà nước, hệ
thống pháp luật và chính phủ. Liên kết nó, dù dưới bất kì hình thức nào,
với tư tưởng của chủ nghĩa vô chính phủ là sai lầm nghiêm trọng. Đối
với người theo trường phái tự do, nhà nước là định chế tuyệt đối cần
thiết vì người ta giao cho nó những nhiệm vụ cực kì quan trọng: bảo vệ
không chỉ sở hữu tư nhân mà còn bảo vệ hoà bình vì nếu không có hoà bình
thì không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích mà sở hữu tư nhân mang đến
cho người ta.
Chỉ cần những lí lẽ như thế cũng
đủ để xác định những chức năng mà nhà nước phải thực hiện nhằm đáp ứng
lí tưởng của chủ nghĩa tự do. Nhà nước phải không chỉ đủ sức bảo vệ sở
hữu tư nhân mà còn phải được xây dựng như thế nào đó để tiến trình phát
triển hoà bình và uyển chuyển của xã hội không bao giờ bị những cuộc nội
chiến, cách mạng và bạo loạn làm cho gián đoạn.
Nhiều người vẫn còn bị ý tưởng,
có từ thời tiền tự do, cho rằng làm quan là cao quí và đáng trọng. Cho
đến mãi thời gian gần đây, và cả hiện nay, các quan chức ở Đức vẫn được
người ta trọng vọng, thái độ trọng vọng như thể làm quan là địa vị cao
quí hơn cả. Sự tôn trọng của xã hội đối một chức quan hạng bét hay anh
trung uý quèn còn cao hơn gấp nhiều lần sự tôn trọng giành cho một doanh
nhân hay một luật sư lão làng. Các nhà văn, các nhà bác học và các nghệ
sĩ đã nổi tiếng và được vinh danh ở nước ngoài nhưng ở trong nước lại
chỉ nhận được sự tôn trọng tương xứng với địa vị khiêm tốn mà họ giữ
trong bộ máy quan liêu của nhà nước mà thôi.
Đánh giá quá cao công việc trong
các văn phòng của bộ máy quản lí như thế thật là một việc làm thiếu căn
cứ. Đấy là một loại quái thai, dấu vết của những ngày xa xưa, khi mà
người dân thường còn phải sợ hoàng thân và hiệp sĩ của ông ta vì lúc nào
cũng có thể bị bọn họ cướp bóc. Trên thực tế, dùng thời giờ để ghi hồ
sơ trong các công sở cũng chẳng có gì hay ho hơn, vinh dự hơn hay danh
giá hơn, thí dụ như, làm trong phòng thiết kế của một nhà máy chế tạo
nào đó. Nhân viên thuế vụ cũng có địa vị chẳng khác gì những người trực
tiếp làm ra tài sản mà một phần của nó đã bị thu dưới dạng thuế khoá để
trả cho chi phí của bộ máy của nhà nước.
Quan niệm về địa vị đặt biệt và
phẩm giá của các quan chức nhà nước là cơ sở của lí thuyết giả-dân chủ
về nhà nước. Lí thuyết này nói rằng để cho người khác cai trị là đáng
xấu hổ. Lí tưởng của nó là một thể chế, trong đó mọi người dân đều quản
lí, đều chỉ huy. Dĩ nhiên là chuyện này chưa bao giờ, hiện không thể và
sẽ chẳng bao giờ xảy ra hết, ngay cả trong một quốc gia bé tí. Có thời
người ta đã nghĩ là lí tưởng đó đã được thực hiện ở các thành bang Hi
Lạp thời Cổ đại và trong các bang nhỏ ở vùng núi của Thuỵ Sĩ. Nhưng hoàn
toàn không phải như thế. Ở Hi Lạp, chỉ có một phần dân cư, tức là các
công dân tự do, là có đóng góp phần nào vào việc cai trị; dân ngụ cư và
nô lệ không có đóng góp gì. Ở các bang của Thuỵ Sĩ những vấn đề hoàn
toàn mang tính địa phương đã và vẫn được giải quyết theo lối dân chủ
trực tiếp, đấy là nguyên tắc đã được đưa vào hiến pháp. Còn tất cả các
vấn đề vượt ra ngoài biên giới khu vực đều thuộc quyền tài phán của Liên
bang, mà chính phủ Liên bang của nước này thì khác xa với lí tưởng về
dân chủ trực tiếp.
Chẳng có gì phải xấu hổ khi để
cho người khác cai trị mình. Chính phủ và bộ máy quản lí, cảnh sát và
các cơ quan khác cũng cần các nhà chuyên môn: các quan chức chuyên
nghiệp và các chính khách chuyên nghiệp. Nguyên tắc phân công lao động
cũng được áp dụng cho cả các chức năng của chính phủ. Không ai có thể
vừa làm kĩ sư vừa làm cảnh sát cùng một lúc được. Nếu tôi không phải là
công an thì phẩm giá của tôi, sự thịnh vượng của tôi, tự do của tôi cũng
chẳng hề giảm đi chút nào. Nếu một ít người chịu trách nhiệm bảo vệ
những người khác thì đấy cũng không hề phi dân chủ hơn là một số người
sản xuất giày cho những người khác vậy. Nếu các định chế của nhà nước là
dân chủ thì chẳng có tí lí do gì để phản đối các chính khách và các
quan chức dân sự chuyên nghiệp hết. Nhưng chế độ dân chủ là thể chế hoàn
toàn khác với quan niệm của những kẻ mơ mộng hão huyền chuyên tán nhảm
về dân chủ trực tiếp.
Chính phủ là một nhóm người - số
người cai trị bao giờ cũng ít hơn số người bị trị, chẳng khác gì số thợ
giày so với số người mua giày vậy - phụ thuộc vào sự chấp thuận của
những người mà họ quản lí, nghĩa là sự chấp nhận bộ máy quản lí hiện
hữu. Họ có thể coi chính phủ là một cái ác không thể tránh được, nhưng
họ phải nghĩ rằng không nên thay đổi tình trạng hiện thời. Nhưng nếu đa
số những kẻ bị trị tin rằng cần phải và có thể thay đổi hình thức cai
trị và thay chế độ cũ và các quan chức cũ bằng một chế độ mới và các
quan chức mới thì ngày tàn của chế độ cũ đã điểm. Đa số sẽ có đủ lực
lượng để thực hiện ước vọng của họ bằng vũ lực, ngay cả trong trường hợp
phải chống lại ý chí của chế độ cũ. Về lâu dài, nếu dư luận không ủng
hộ, nghĩa là nếu những người bị trị không tin rằng chính phủ của họ
thuộc loại tốt, thì không chính phủ nào có thể đứng vững được. Sức mạnh
mà chính phủ dùng để đàn áp tinh thần phản đối chỉ có hiệu quả khi đa số
chưa tập hợp thành phe đối lập đoàn kết nhất trí mà thôi.
Như vậy nghĩa là trong bất kì
thể chế nào cũng có những phương tiện để buộc chính phủ phải phụ thuộc
vào ý chí của những người bị trị: đấy là nội chiến, cách mạng và bạo
loạn. Nhưng đấy chính là những phương tiện mà chủ nghĩa tự do muốn
tránh. Sự cải thiện về mặt kinh tế không thể kéo dài nếu những cuộc đấu
đá nội bộ liên tục làm cho công việc bị gián đoạn. Tình hình chính trị
rối loạn, tương tự như tình hình thời những cuộc chiến tranh hoa hồng ở
nước Anh, trong vòng vài năm sẽ đẩy nước này vào hoàn cảnh nghèo đói,
khốn quẫn nhất. Nếu người ta không tìm được biện pháp ngăn ngừa nội
chiến thì kinh tế không thể nào phát triển được như ngày nay. Cuộc chiến
tranh huynh đệ tương tàn, tương tự như cuộc Cách mạng Pháp năm 1789,
phải trả giá bằng rất nhiều nhân mạng và của cải. Nền kinh tế hiện nay
của chúng ta không thể chịu đựng nổi những cơn chấn động tương tự như
thế. Dân chúng trong các thành phố thủ đô hiện đại sẽ phải chịu nhiều
đau khổ vì những cuộc nổi dậy, bạo loạn sẽ làm gián đoạn việc nhập khẩu
lương thực, thực phẩm, than đá và cắt đứt đường dây diện, đường dẫn khí
đốt, dẫn nước, chỉ nội nỗi sợ trước những rối loạn như thế đã đủ làm tê
liệt đời sống của đô thị rồi.
Đấy là lĩnh vực mà chế độ dân
chủ có thể thi hành chức năng xã hội của mình. Chế độ dân chủ là thể chế
có thể buộc chính phủ phải đáp ứng các ước nguyện của những người bị
trị mà không cần tới những cuộc đấu tranh đầy bạo lực. Trong nhà nước
dân chủ, nếu chính phủ không thực hiện chính sách được lòng đa số thì
người ta có thể đưa những người làm vừa lòng đa số lên cầm quyền mà
không cần gây ra nội chiến. Bằng những cuộc bầu cử và những giàn xếp
trong quốc hội, việc thay đổi chính phủ được thực hiện một cách êm ả,
không có va chạm, không có bạo lực và không còn cảnh đầu rơi máu chảy
nữa.
9. Phê phán của thuyết vũ lực
Các chiến sĩ đấu tranh cho nền
dân chủ trong thế kỉ XVIII khẳng định rằng chỉ có các cố đạo và các
thượng thư mới là những kẻ vô luân, ngu ngốc và độc ác mà thôi. Còn nhân
dân đều là những người tốt, trong sạch, cao quí và ngoài ra, còn có tài
năng trí tuệ thiên bẩm cần thiết để bao giờ cũng biết và làm những việc
đúng đắn. Đây dĩ nhiên là chuyện hoàn toàn nhảm nhí, chẳng khác gì
những viên cận thần vẫn gán cho các ông hoàng của họ đủ thứ đức tính tốt
đẹp và cao thượng. Nhân dân là tập hợp của tất cả các công dân riêng
lẻ, và nếu có một số công dân không thông minh, không cao quí thì toàn
thể nhân dân cũng không thể là một tập hợp thông minh và cao quí được.
Vì toàn thể nhân loại đã bước
chân vào thời đại dân chủ với những hi vọng bị thổi phồng lên như thế
cho nên ta sẽ không ngạc nhiên trước tâm trạng thất vọng diễn ra ngay
sau đó. Người ta đã phát hiện ngay ra rằng các chế độ dân chủ cũng phạm
nhiều sai lầm chẳng khác gì chế độ quân chủ hay quí tộc. So sánh phẩm
chất giữa những người mà nền dân chủ đưa lên vị trí đứng đầu chính phủ
và những người mà vua chúa hay hoàng đế đưa lên vị trí này nhằm thực thi
quyền lực tuyệt đối của họ cho thấy những người cầm quyền mới cũng
chẳng hơn gì. Người Pháp thường nói về “sức mạnh huỷ diệt của cái khôi
hài”. Thực tế là chẳng bao lâu sau, ở đâu các chính khách của chế độ dân
chủ đại diện cũng đã biến nó trở thành trò cười trong mắt người dân.
Những người đại diện cho chế độ cũ dù sao cũng còn có những phẩm chất
quí phái nhất định, ít nhất là vẻ ngoài. Còn hành vi của những người cầm
quyền mới thì lại đáng khinh. Không gì có thể làm hại nền dân chủ cho
bằng thái độ kiêu ngạo rỗng tuếch và giả dối trắng trợn của những người
lãnh đạo đảng dân chủ-xã hội, những kẻ đã nắm được quyền lực sau khi chế
độ quân chủ sụp đổ.
Như vậy là, nơi nào mà chế độ
dân chủ giành được thắng lợi thì tại nơi đó lập tức xuất hiện học thuyết
bài dân chủ và đây sẽ là phong trào chống đối chủ chốt. Người ta nói
rằng để cho đa số cầm quyền là việc làm vô nghĩa. Những người tài giỏi
nhất phải nắm quyền, ngay cả khi họ chỉ là thiểu số. Điều này có vẻ như
là đương nhiên cho nên số người ủng hộ các phong trào bài dân chủ đủ mọi
màu sắc càng ngày càng gia tăng. Những người mà chế độ dân chủ đưa lên
đỉnh tháp quyền lực càng tỏ ra đáng khinh bao nhiêu thì kẻ thù của dân
chủ càng đông thêm bấy nhiêu.
Tuy nhiên, học thuyết phản dân
chủ lại có những sai lầm cực kì nghiêm trọng. “Một người tài giỏi nhất”
hay “những người tài giỏi nhất” nghĩa là thế nào? Nước cộng hoà Ba Lan
đưa một nghệ sĩ piano bậc thầy lên nắm chính phủ vì họ coi ông là người
Ba Lan tài giỏi nhất lúc đó. Nhưng phẩm chất của người đứng đầu nhà nước
phải khác rất xa với phẩm chất của một nhạc sĩ. Những người phản đối
chế độ dân chủ, khi sử dụng từ “tài giỏi nhất” chỉ muốn nói rằng một
người hay một số người phù hợp nhất đối với công việc của chính phủ, cho
dù họ có ít, thậm chí chẳng có kiến thức gì về nhạc hết. Nhưng điều đó
lại dẫn ta đến vấn đề chính trị: Ai là người phù hợp nhất? Disraeli hay
Gladstone là người phù hợp nhất? Đảng bảo thủ cho là Disraeli hợp hơn,
còn đảng tự do thì lại bảo là Gladston hợp hơn. Nếu không phải đa số thì
ai sẽ giải quyết vấn đề này?.
Như thế là chúng ta đã tiếp cận
với vấn đề quyết định của tất cả các học thuyết phản dân chủ, dù các học
thuyết này có do hậu duệ của những nhà quí tộc hay những người bảo
hoàng xưa cũ, những người ủng hộ phong trào công đoàn, những người
Bolshevik hay xã hội chủ nghĩa đưa ra thì cũng thế mà thôi, mà cụ thể là
học thuyết về bạo lực. Những người chống lại nền dân chủ ủng hộ việc
thiểu số cướp chính quyền bằng vũ lực và cai trị đa số. Họ cho rằng vũ
lực đủ sức cướp được chính quyền chính là đạo lí [Súng đẻ ra chính quyền
– ND]. Họ cho rằng người tài giỏi nhất là người biết cai trị và chỉ
huy, người thể hiện được khả năng áp đặt sự cai trị của mình lên số
đông, dù có thể trái với ước muốn của họ. Ở đây học thuyết của tổ chức
l’action Française đã trùng hợp với học thuyết của những người ủng hộ
phong trào công đoàn, học thuyết của Ludendorff và Hitler, học thuyết
của Lenin và Trotzky.
Người ta có thể đưa ra nhiều
luận điểm ủng hộ cũng như chống báng lại các học thuyết này, tất cả phụ
thuộc vào niềm tin mang tính triết lí hoặc tôn giáo của người nói, mà
nói đến đức tin thì đồng thuận là việc thiên nan vạn nan. Chúng ta sẽ
không đưa ra và cũng không thảo luận những lí lẽ ấy ở đây vì chúng sẽ
chẳng thuyết phục được ai. Lí lẽ quyết định duy nhất là luận cứ của
những người ủng hộ chế độ dân chủ.
Nếu mỗi nhóm người tin rằng họ
có đủ sức áp đặt quyền lực cho những người còn lại đều được quyền thử
vận may thì chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những cuộc nội
chiến kế tiếp nhau không bao giờ dứt. Nhưng tình hình như thế không phù
hợp với trình độ phân công lao động mà ta đã đạt được hiện nay. Xã hội
hiện đại, đặt nền tảng trên sự phân công lao động, chỉ có thể tồn tại
được trong một nền hoà bình bền vững. Nếu chúng ta phải chuẩn bị để đón
nhận khả năng xảy ra những cuộc nội chiến và xung đột nội bộ kéo dài thì
chúng ta phải trở lại với giai đoạn phân công lao động giản đơn, trong
đó từng tỉnh, nếu không nói là từng làng, phải trở về với chính sách tự
cấp tự túc, nghĩa là có khả năng tự kiếm sống và đứng vững được trong
một thời gian mà không cần nhập khẩu bất cứ thứ gì từ bên ngoài. Đồng
nghĩa với sự thụt lùi ghê gớm về năng suất lao động và trái đất chỉ có
thể nuôi sống được một phần dân cư hiện nay mà thôi. Lí tưởng của phe
bài dân chủ sẽ dẫn tới trật tự kinh tế như thời Trung Cổ và thời Cổ Đại.
Mỗi thành phố, mỗi làng mạc, trên thực tế là mỗi người đều được vũ
trang và sẵn sàng tự vệ, mỗi tỉnh đều là những khu vực càng độc lập với
thế giới trong việc tự cấp mọi thứ hàng hoá mà họ cần thì càng tốt.
Người theo phái dân chủ cũng cho
rằng cầm quyền phải là người giỏi nhất. Nhưng họ tin rằng khả năng cầm
quyền của một người hay một nhóm người nên được thể hiện bằng cách
thuyết phục dân chúng rằng họ có đủ năng lực giữ vị trí đó, để đồng bào
của họ tự nguyện trao quyền giải quyết công việc xã hội cho họ chứ không
phải là sử dụng vũ lực buộc người khác chấp nhận đòi hỏi của họ. Người
nào không giành được vị trí lãnh đạo vì đuối lí hoặc không tạo được niềm
tin thì không có lí do phàn nàn về việc dân chúng đã chọn người khác
chứ không chọn anh ta.
Dĩ nhiên là không được và không
cần phủ nhận rằng có những hoàn cảnh mà sức cám dỗ lôi kéo người ta xa
rời các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do là rất lớn. Nếu những người có
đầu óc sáng suốt nhìn thấy rằng dân tộc của họ hay tất cả các dân tộc
trên thế giới đang bước trên con đường dẫn tới tàn phá và nếu họ nhận ra
rằng thuyết phục đồng bào chú ý đến lời khuyên của họ là việc lảm bất
khả thi thì họ có thể ngả sang tư tưởng cho rằng sử dụng bất kì biện
pháp khả thi nào khác nhằm cứu mọi người khỏi thảm hoạ đều là những việc
làm đúng đắn và hợp lí cả. Lúc đó tư tưởng về nền chuyên chế của giới
tinh hoa, của chính phủ thiểu số nắm quyền bằng vũ lực và cai trị nhằm
bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người có thể xuất hiện và sẽ tìm được
những người ủng hộ. Nhưng bạo lực không phải là phương tiện để giải
quyết các khó khăn như thế. Chế độ chuyên chế của thiểu số không thể
đứng vững được nếu nó không thuyết phục được đa số tin rằng đấy là việc
làm cần thiết hoặc ít nhất là tin rằng việc nắm quyền của họ là có lợi.
Nhưng lúc đó thiểu số sẽ có thể giữ chính quyền mà không cần vũ lực nữa.
Lịch sử cung cấp cho ta nhiều
thí dụ ấn tượng chứng tỏ rằng, về lâu dài, ngay cả những chính sách đàn
áp dã man nhất cũng không đủ sức làm cho chính phủ như thế giữ được
quyền lực. Chỉ cần đưa ra một thí dụ gần đây nhất và được nhiều người
biết nhất: những người Bolshevik cướp được chính quyền ở Nga chỉ là một
nhóm thiểu số rất nhỏ và cương lĩnh của họ cũng chẳng được mấy người ủng
hộ. Giai cấp nông dân, tức là thành phần chủ yếu của dân Nga, không
chấp nhận chính sách hợp tác hoá nông nghiệp của những người Bolshevik.
Dân chúng chỉ muốn chia ruộng cho “bần, cố nông”, đấy là theo cách gọi
của những người Bolshevik. Chính sách nông nghiệp đó, chứ không phải
chính sách của các lãnh tụ marxist, được đem ra áp dụng. Để có thể tiếp
tục nắm quyền, Lenin và Trotzky không những đã chấp nhận chính sách cải
cách nông nghiệp mà còn biến nó thành một phần của cương lĩnh của chính
mình và dùng nó làm lá chắn nhằm chống lại những cuộc tấn công, cả ở
trong nước lẫn từ nước ngoài. Những người Bolshevik đã giành được niềm
tin của đa số nhân dân Nga bằng cách như thế đấy. Từ khi áp dụng chính
sách phân chia ruộng đất, chính quyền Bolshevik nhận được đồng thuận và
ủng hộ chứ không còn đi ngược lại ý chí của đa số dân chúng nữa. Họ chỉ
còn hai sự lựa chọn: từ bỏ cương lĩnh hay từ bỏ chính quyền. Họ đã chọn
cái thứ nhất và tiếp tục cầm quyền. Không thể có khả năng thứ ba, tức là
thực hiện cương lĩnh bằng vũ lực, trái với nguyện vọng của nhân dân.
Tương tự như tất cả những nhóm thiểu số có quyết tâm và được tổ chức tốt
khác, những người Bolshevik có thể cướp được chính quyền bằng vũ lực và
giữ được chính quyền trong một thời gian ngắn. Nhưng về lâu dài khả
năng nắm quyền của họ cũng chẳng hơn gì bất kì nhóm thiểu số nào khác.
Mọi cố gắng của Bạch Vệ nhằm trục xuất những người Bolshevik đều thất
bại vì không được đa số dân chúng ủng hộ. Nhưng ngay cả nếu thành công
thì họ cũng phải tôn trọng ước muốn của đa số dân chúng. Sau khi việc
chia ruộng đã được thực hiện thì Bạch Vệ cũng không thể nào thay đổi
được nữa, trả lại ruộng bị tịch thu cho địa chủ là việc làm bất khả thi.
Chỉ những nhóm tìm được sự đồng
thuận của những người bị trị thì mới có thể thiết lập được chế độ có
tuổi thọ lâu dài mà thôi. Kẻ, muốn thấy thế giới được cai trị theo những
tư tưởng của hắn, sẽ buộc phải tìm cách chi phối tư tưởng của con
người. Về dài hạn, bắt dân chúng tuân phục chế độ mà họ không chấp nhận
là việc làm bất khả thi. Kẻ cố tình làm điều đó bằng vũ lực cuối cùng
nhất định sẽ bị thất bại và những cuộc đấu tranh do hắn kích động sẽ gây
ra nhiều tai hoạ hơn là một chính phủ tồi tệ nhất nhưng được nhân dân
ủng hộ có thể làm. Làm trái ý người ta thì làm sao người ta hạnh phúc
cho được?
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét