Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Ludwig von Mises (1881-1973) - CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG 4

Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 2

Chính sách kinh tế tự do

7. Các tập đoàn kinh tế, tập đoàn độc quyền, và chủ nghĩa tự do

Những người phản đối chủ nghĩa tự do khẳng định rằng trong thế giới ngày nay không còn những điều kiện tiên quyết nhằm thực thi cương lĩnh của chủ nghĩa tự do nữa. Chủ nghĩa tự do đã từng khả thi, đấy là khi mà trong mỗi lĩnh vực sản xuất đều có rất nhiều công ty trung bình, cạnh tranh quyết liệt với nhau. Còn hiện nay, vì các tập đoàn kinh tế lớn và các công ty độc quyền đã kiểm soát toàn bộ thị trường cho nên chủ nghĩa tự do không còn đất dụng võ nữa. Không phải các chính trị gia mà chính là xu hướng phát triển không gì có thể ngăn chặn được của hệ thống tự do kinh doanh đã giết nó.


Quá trình phân công lao động đã tạo cho mỗi đơn vị sản xuất một chức năng riêng biệt. Sản xuất còn phát triển thì quá trình này sẽ không bao giờ ngưng. Chúng ta đã bỏ qua giai đoạn khi một nhà máy sản xuất tất cả máy móc từ lâu rồi. Hiện nay nhà máy chế tạo máy mà không chuyên sản xuất một số loại máy móc nhất định thì không thể nào cạnh tranh nổi. Cùng với việc chuyên môn hoá, lĩnh vực phục vụ của một người cung cấp riêng biệt sẽ phải tiếp tục mở rộng mãi lên. Thị trường do một nhà máy dệt chuyên sản xuất một vài loại vải phải rộng hơn là thị trường được cung ứng bởi một người thợ dệt làm ra tất cả các loại vải. Không nghi ngờ gì rằng quá trình chuyên môn hoá sản xuất sẽ diễn ra trong tất cả các loại hình xí nghiệp có thị trường trên toàn thế giới. Nếu quá trình phát triển này không bị chủ nghĩa bảo hộ và những biện pháp bài tư bản khác cản trở thì kết quả sẽ là trong mỗi lĩnh vực sản xuất sẽ chỉ còn một ít công ty, thậm chí một công ty chuyên sản xuất với mức độ chuyên nghiệp hoá cực kì cao và cung cấp cho toàn thế giới.

Hiện nay, dĩ nhiên là đấy còn là điều xa lạ với chúng ta vì tất cả các chính phủ đều thi hành chính sách nhằm cắt nền kinh tế thế giới thành những mảnh nhỏ, trong đó, bằng những loại thuế xuất nhập khẩu và những biện pháp bảo trợ khác, người ta cố tình giữ lại hoặc thành lập mới những công ty không thể cạnh tranh nổi trên thị trường tự do. Người ta cho rằng những chính sách nhằm chống lại việc tập trung hoá năng lực sản xuất như thế là nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự bóc lột của những tổ hợp độc quyền.

Để xem xét giá trị của luận điểm này ta sẽ giả sử rằng việc phân công lao động trên thế giới đã tiến xa đến mức việc sản xuất mỗi một mặt hàng đều tập trung trong tay một hãng duy nhất và người tiêu dùng, với tư cách là người mua bao giờ cũng phải đối mặt với một người bán hàng duy nhất. Trong những điều kiện như thế, nếu theo lí thuyết kinh tế thiếu cân nhắc thì người sản xuất sẽ có thể treo giá thật cao để được lợi nhuận khổng lồ và như vậy là làm giảm đáng kể mức sống của người tiêu dùng. Dễ dàng nhận thấy rằng đây là ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Giá cả độc quyền, nếu đấy không phải là do những hành động can thiệp của chính phủ, chỉ có thể giữ được nếu kiểm soát được các loại khoáng sản và những nguồn lực cần thiết khác. Lợi tức của một công ty sản xuất độc quyền riêng biệt mà lớn hơn lợi tức của các công ty khác thì chắc chắn sẽ thúc đẩy sự hình thành các công ty cạnh tranh, và cạnh tranh là nhằm loại bỏ thế độc quyền và đưa giá và lợi tức về tiêu chuẩn chung.

Tuy nhiên các công ty độc quyền trong các lĩnh vực sản xuất không thể trở thành hiện tượng đại trà được vì ở mỗi trình độ phát triển của nền kinh tế số vốn được đầu tư và số lao động tham gia vào sản xuất – và kết quả là số sản phẩm xã hội – là đại lượng cho trước. Có thể giảm vốn đầu tư và lao động tham gia sản xuất trong một hay một số lĩnh vực sản xuất nhằm làm gia tăng giá bán trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận gộp của một nhà độc quyền hay một số nhà độc quyền bằng cách cắt bớt sản lượng. Vốn và lao động được giải phóng sẽ chảy vào các lĩnh vực sản xuất khác. Nhưng nếu tất cả các ngành đều tìm cách cắt giảm sản xuất để bán được giá cao hơn thì số vốn và lao động được giải phóng sẽ được cung ứng với giá thấp hơn và sẽ tạo ra động lực cho việc hình thành những xí nghiệp sản xuất mới, những xí nghiệp này sẽ đập tan vị thế độc quyền của các xí nghiệp khác. Đấy là lí do vì sao ý tưởng về những tập đoàn hay công ty độc quyền bao trùm lên tất cả là ý tưởng không thể nào đứng vững được.

Các công ty độc quyền thật sự chỉ có thể được hình thành bằng cách kiểm soát đất đai và tài nguyên. Quan điểm cho rằng tất cả đất canh tác trên hành tinh này đều có thể tập trung vào tay một công ty độc quyền duy nhất chẳng đáng được đem ra bàn thảo. Chúng ta sẽ chỉ xem xét những công ty độc quyền hình thành do kiểm soát được những cơ sở khai khoáng. Trên thực tế đã có những công ty độc quyền kiểu đó, đấy là những công ty khai thác một số khoáng sản không quan trọng lắm và những cố gắng nhằm giành độc quyền khai thác các loại khoáng sản khác cũng có thể sẽ đem lại thành công trong tương lai. Điều đó có nghĩa là chủ nhân của những khu mỏ và những khu vực khai thác đó sẽ nhận được giá thuê đất cao hơn, còn người tiêu dùng thì giảm tiêu thụ và sẽ tìm những vật liệu thay thế cho những loại vật liệu đã trở nên đắt đỏ. Công ty độc quyền toàn cầu trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ dẫn đến gia tăng nhu cầu đối với thuỷ điện và than đá ..v.v.. Từ quan điểm của nền kinh tế thế giới cũng như sub specie aeternitatis [từ quan điểm của vĩnh cửu -tiếng Latinh – ND], điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng những loại nguyên liệu đắt tiền một cách tiết kiệm hơn và như thế là sẽ để lại cho các thế hệ tương lai nhiều hơn là trong nền kinh tế thiếu vắng độc quyền.

Con ngáo ộp độc quyền, thường xuất hiện trong tâm trí mỗi khi người ta nói tới sự phát triển kinh tế một cách tự do, không phải là điều đáng lo. Các công ty độc quyền toàn cầu chỉ có thể thực sự khả thi đối với một vài sản phẩm thuộc ngành khai khoáng. Chưa thể nói được là hậu quả sẽ tốt hay xấu. Đối với những người trong khi xem xét những vấn đề kinh tế nhưng vẫn chưa giải thoát khỏi cảm giác đố kị thì những công ty độc quyền này được coi là có hại vì mang lại cho chủ nhân của chúng lợi nhuận quá cao. Còn những người tiếp cận với vấn đề mà không có thái độ chấp trước thì sẽ thấy rằng các công ty này buộc người ta phải sử dụng một cách tiết kiệm những nguồn nguyên liệu hạn chế mà con người đang nắm trong tay. Nếu thực sự có thái độ đố kị đối với lợi tức của nhà tư bản độc quyền thì người ta có thể đánh thuế thu nhập từ những mỏ đó và đưa vào ngân quĩ quốc gia, đấy là cách làm an toàn và không sợ có những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế.

Khác với các công ty độc quyền toàn cầu vừa nói, đã có các công ty độc quyền trên bình diện quốc gia và quốc tế. Hiện nay đấy là những công ty đáng quan tâm vì chúng không xuất phát từ xu hướng phát triển tự nhiên của hệ thống kinh tế, khi hệ thống này được hoạt động một cách tự chủ, mà là sản phẩm của những chính sách kinh tế bài tự do. Những cố gắng nhằm bảo đảm địa vị độc quyền đối với một số mặt hàng trong tất cả các trường hợp chỉ có thể trở thành khả thi vì mức thuế xuất nhập khẩu cao, có tác dụng chia cắt thị trường thế giới thành những thị trường quốc gia nhỏ bé. Ngoài những công ty này, chỉ còn những tập đoàn do các ông chủ nắm được một số nguồn lực tự nhiên mà chi phí vận tải cao giúp ngăn chặn được sự cạnh tranh của các công ty từ những khu vực khác là đáng quan tâm mả thôi.

Bàn về hậu quả của các tập đoàn, các tổng công ty hay xí nghiệp chuyên cung cấp cho thị trường một loại hàng hoá nào đó mà nói rằng công ty độc quyền “kiểm soát” thị trường hay “áp đặt” giá cả là sai lầm căn bản. Công ty độc quyền không kiểm soát, nó cũng chẳng có khả năng áp đặt giá cả. Ta chỉ có thể nói đến kiểm soát thị trường hay áp đặt giá cả cho một mặt hàng nếu đấy là loại hàng hoá cực kì cần thiết, theo đúng nghĩa đen của từ này, đối với người tiêu dùng và hoàn toàn không thể thay thế được bằng bất cứ món hàng nào khác. Điều này rõ ràng là không đúng đối với bất cứ loại hàng hoá nào. Chẳng có loại hàng hoá nào lại có thể có ý nghĩa sống còn đối với những người sẵn sàng mua nó trên thị trường.

Việc hình thành giá cả độc quyền khác với việc hình thành giá cạnh tranh là ở chỗ: trong những điều kiện rất đặc biệt, công ty độc quyền có thể thu được lợi nhuận lớn hơn nhờ bán một số lượng hàng hoá ít hơn với giá cao hơn (chúng ta gọi đấy là giá cả độc quyền) là bán với giá mà thị trường sẽ quyết định, nếu có nhiều người bán hơn tham gia cạnh tranh (ta gọi đấy là giá cạnh tranh). Giá độc quyền chỉ có thể xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt: giá tăng nhưng cầu không giảm mạnh đến mức có thể ngăn chặn được lợi nhuận ròng quá cao từ việc bán ít hàng hơn với giá cao hơn. Nếu quả thật người ta có thể giành được vị trí độc quyền trên thương trường và sử dụng nó để tạo ra giá cả độc quyền thì lợi tức trong lĩnh vực này sẽ cao hơn lợi tức trung bình.

Có thể xảy ra hiện tượng là mặc dù lợi tức cao như thế nhưng vẫn không xuất hiện các xí nghiệp mới cùng loại bởi vì người ta sợ rằng sau khi giá giảm từ độc quyền xuống cạnh tranh thì các xí nghiệp này sẽ không đem lại lợi nhuận tương xứng. Tuy nhiên người ta phải tính đến khả năng là những ngành có liên quan có thể nhảy vào sản xuất món hàng do một công ty nào đó nắm độc quyền với giá tương đối thấp và trở thành những hãng cạnh tranh. Và, dù thế nào đi nữa thì những ngành sản xuất các món hàng thay thế cũng sẽ lợi dụng những hoàn cảnh thuận lợi như thế nhằm mở rộng sản xuất của chính mình. Tất cả những tác nhân như thế làm cho một công ty không nắm được độc quyền kiểm soát những loại nguyên liệu thô đặc thù trở thành công ty độc quyền trong một lĩnh vực sản xuất là chuyện khó có thể xảy ra. Những công ty như thế chỉ có thể xuất hiện nhờ những biện pháp hành chính như bằng sáng chế, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế khoá, môn bài và những ưu tiên ưu đãi khác, hoặc những ưu tiên ưu đãi tương tự khác. Mấy chục năm trước người ta thường nói tới độc quyền trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hệ thống môn bài có tác dụng tới mức độ nào đối với sự độc quyền trong lĩnh vực này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Hiện nay nói chung người ta đã không còn lo lắng nhiều về vấn đề này nữa. Ô tô và máy bay đã trở thành những phương tiện cạnh tranh đầy thách thức đối với ngành đường sắt. Nhưng ngay cả trước khi các phương tiện đó xuất hiện thì việc sử dụng đường thuỷ cũng đã đặt ra mức trần đối với giá vé mà đường sắt có thể thu trên một số tuyến đường rồi.

Quan điểm của nhiều người hiện nay cho rằng các công ty độc quyền sẽ giết chết những điều kiện tiên quyết cho việc thực thi lí tưởng tư do của chủ nghĩa tư bản chẳng những là một sự thổi phồng quá đáng mà còn là sự thiếu hiểu biết thực tế nữa. Dù có xuyên tạc và vặn vẹo vấn đề độc quyền như thế nào thì chúng ta vẫn luôn luôn đi đến kết luận rằng giá cả độc quyền chỉ có thể xảy ra nếu người ta kiểm soát được những nguồn lực tự nhiên đặc chủng nào đó hoặc những qui định của pháp luật và bộ máy hành chính tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự hình thành các doanh nghiệp độc quyền. Nếu kinh tế được phát triển một cách tự do thì, ngoại trừ ngành khai khoáng và một vài lĩnh vực có liên quan, xu hướng cản trở cạnh tranh sẽ không có đất sống. Ý kiến thường được người ta đưa ra nhằm chống lại chủ nghĩa tự do là những điều kiện cạnh tranh từng tồn tại trong thời kì khi mà nền kinh tế học cổ điển và ý tưởng tự do vừa mới xuất hiện đã không còn giữ thế thượng phong nữa là ý kiến hoàn toàn không đúng. Muốn tái lập những điều kiện đó thì chỉ cần thực hiện một vài yêu cầu của chủ nghĩa tự do, mà cụ thể là: tự do thương mại trong từng nước và giữa các nước với nhau.

8. Quan liêu hoá

Người ta cũng thường nói rằng điều kiện cần cho việc thực thi lí tưởng tự do của xã hội đã không còn trong một khía cạnh nữa. Trong những doanh nghiệp lớn, càng ngày càng có nhiều lao động hơn; đấy là hiện tượng tất yếu do sự tiến bộ của quá trình phân công lao động tạo ra. Nghĩa là trong quá trình làm việc các doanh nghiệp này sẽ càng ngày càng giống như bộ máy quan liêu của chính phủ, một bộ máy mà những người theo trường phái tự do coi là đối tượng phê phán của mình. Càng ngày bộ máy càng trở thành cồng kềnh hơn và ít cởi mở hơn đối với sáng kiến. Việc lựa chọn người lên các vị trí lãnh đạo sẽ không còn được thực hiện trên cơ sở khả năng chuyên môn, được thể hiện trong công việc, mà sẽ tuân theo những tiêu chí hoàn toàn mang tính hình thức như trình độ học vấn hoặc thâm niên công tác và nhiều khi chỉ là kết quả của sự thiên vị. Như vậy nghĩa là, cuối cùng thì đặc điểm nổi bật, phân biệt giữa xí nghiệp tư nhân với xí nghiệp nhà nước đã biến mất. Nếu trong thời đại của chủ nghĩa tự do cổ điển việc phản đối sở hữu nhà nước dựa trên cơ sở là nó làm tê liệt tất cả các sáng kiến và giết chết niềm vui trong lao động còn có lí thì hiện nay, khi doanh nghiệp tư nhân cũng quan liêu không kém, mô phạm không kém và hình thức không kém doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, điều đó đã không còn đúng nữa.

Muốn biết giá trị của những ý kiến phản bác như thế, trước hết ta phải làm rõ bộ máy quan liêu và giải quyết công việc theo lối quan liêu thực chất là gì và chúng khác với công ty kinh doanh và công việc kinh doanh của doanh nghiệp ở chỗ nào. Sự đối lập giữa tâm lí kinh doanh và tâm lí quan liêu cũng chính là mâu thuẫn trong lĩnh vực trí tuệ giữa chủ nghĩa tư bản - sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất – và chủ nghĩa xã hội - sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Người nào nắm trong tay nhân tố sản xuất, dù đấy là của anh ta hay do anh thuê của người khác, cũng phải luôn luôn tìm cách sử dụng chúng sao cho có thể đáp ứng được những nhu cầu, mà trong hoàn cảnh đã cho, được coi là khẩn thiết nhất của xã hội. Nếu không làm như thế, anh ta sẽ bị lỗ và trước tiên là, như một người chủ và một doanh nhân, anh ta phải giảm bớt hoạt động và cuối cùng là bị đẩy ra khỏi thương trường. Anh ta sẽ không còn là chủ, cũng chẳng còn là doanh nhân nữa, anh ta sẽ trở về hàng ngũ của những người chỉ còn một thứ để bán, đấy là sức lao động. Anh ta cũng không còn trách nhiệm lèo lái sản xuất vào những hướng mà theo quan điểm của người tiêu dùng là đúng đắn nữa.

Tính toàn lời lỗ, tức là công việc kế toán và sổ sách - giúp cho doanh nhân và nhà tư sản kiểm tra mỗi bước đi với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, bằng độ chính xác cao nhất, và nhìn thấy hiệu ứng của mỗi thương vụ đối với kết quả tổng hợp của doanh nghiệp. Tính toán tiền nong và hạch toán giá thành là công cụ trí thức quan trọng nhất của doanh nhân tư sản và chính Goethe chứ không phải ai khác đã tuyên bố rằng hệ thống kế toán kép là “một trong những phát minh tuyệt vời nhất của trí tuệ của con người”. Goethe có thể nói như thế vì ông không có thái độ ghen tị đối với doanh nhân như những người cầm bút nhỏ nhen khác. Nhưng chính những người này lại tạo thành dàn đồng ca suốt ngày gào lên rằng thường xuyên tính toán và lo lắng về lời lỗ là tội lỗi nhục nhã nhất.

Tính toán tiền nong, kế toán và thống kê số hàng sản xuất và bán được cho phép ngay cả các doanh nghiệp lớn nhất và phức tạp nhất kiểm soát một cách chính xác kết quả công việc của từng bộ phận và bằng cách đó hình thành nhận định về mức độ đóng góp của người đứng đầu mỗi bộ phận đối với thành tích chung của doanh nghiệp. Đấy là kim chỉ nam đáng tin cậy trong việc xác định thái độ đối với người lãnh đạo những bộ phận khác nhau. Ta có thể biết giá trị của họ và mức lương phải trả cho họ. Việc thăng tiến lên những vị trí cao hơn và có trách nhiệm hơn là do kết quả đã được thể hiện trên những vị trí thấp hơn. Khi có thể dùng hạch toán giá thành để kiểm tra được hoạt động của người lãnh đạo từng bộ phận thì ta có thể theo dõi một cách kĩ lưỡng hoạt động của doanh nghiệp trên từng lĩnh vực cũng như hiệu quả của những biện pháp tổ chức cụ thể và những biện pháp khác.

Dĩ nhiên là mức độ chính xác của việc kiểm soát không phải là vô giới hạn. Khác với việc đánh giá người lãnh đạo, ta không thể xác định được thành công hay thất bại của từng người trong mỗi bộ phận. Ngoài ra, phương pháp tính toán cũng không xác định được đóng góp của một số bộ phận vào thành quả chung: không thể đánh giá những việc mà bộ phận nghiên cứu, phòng luật, ban thư kí, phòng thống kê ..v.v.. làm được theo cách, thí dụ như, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của bộ phận bán hàng hay bộ phận sản xuất được. Kết quả của các bộ phận như nghiên cứu, phòng luật ..v.v.. có thể giao cho trưởng các bộ phận đó đánh giá, còn kết quả của những bộ phận như sản xuất và bán hàng thì giao cho tổng giám đốc doanh nghiệp, vì những người có trách nhiệm đưa ra những đánh giá như thế (tổng giám đốc hoặc lãnh đạo các bộ phận) nhìn thấy rõ các điều kiện của thị trường và quan tâm đến sự chính xác của những đánh giá do họ đưa ra – thu nhập của họ phụ thuộc vào hiệu quả của công việc mà họ chịu trách nhiệm.

Trái ngược với các doanh nghiệp loại này, tức là những doanh nghiệp mà mỗi thương vụ đều được kiểm soát bằng cách tính lời và lỗ, là bộ máy quản lí hành chính nhà nước. Tính toán không thể nào chỉ ra được rằng một vị quan toà (cái gì đúng với một vị quan toà thì cũng đúng với bất kì quan chức cao cấp nào khác) đã hoàn thành nhiệm vụ tốt hay là xấu. Không thể nào xác định được – đấy là nói xác định trên cơ sở những tiêu chí khách quan – là một huyện hay một tỉnh được quản lí tốt hay xấu, với chi phí cao hay chi phí thấp. Như vậy là, đánh giá hoạt động của các quan chức là đánh giá mang tính chủ quan, và vì vậy mà là ý kiến tuỳ tiện. Ngay cả vấn đề là một phòng ban nào đó có cần thiết hay không, nhân viên của nó quá nhiều hay quá ít, và liệu tổ chức của nó có phù hợp với mục đích đặt ra hay không cũng chỉ có thế được giải quyết trên cơ sở những tính toán chứa đựng một số yếu tố chủ quan.

Chiến tranh là lĩnh vực quản lí nhà nước duy nhất mà tiêu chí thành công hay thất bại là không thể tranh cãi được. Nhưng ngay cả ở đây ta cũng chỉ có thể nói rằng chiến dịch đã thành công hay không mà thôi. Còn câu hỏi về việc bố trí lực lượng trước khi trận đánh diễn ra đã có đóng góp như thế nào vào kết quả của chiến dịch, năng lực hoặc sự thiếu năng lực của những người chỉ huy trong quá trình tiến hành chiến dịch đã ảnh hưởng tới kết của chung cuộc như thế nào, những biện pháp mà họ đưa ra chính xác đến mức nào, thì không thể nào trả lời dứt khoát và chính xác được. Có những vị tướng được vinh danh vì những chiến công, nhưng trên thực tế những vị này đã làm tất cả mọi việc có lợi cho kẻ thù, họ đã chiến thắng chỉ vì hoàn cảnh thuận lợi đủ sức áp đảo được những sai lầm của họ. Và đôi khi người ta đã lên án những vị chỉ huy thua trận nhưng chính những người đó đã đưa ra những quyết định thiên tài nhằm ngăn chặn thất bại chung cuộc không thể tránh khỏi.

Người quản lí doanh nghiệp tư nhân chỉ giao cho các nhân viên mà ông ta phân cho những nhiệm vụ độc lập một chỉ thị duy nhất: kiếm được nhiều lợi nhuận nhất. Tất cả những gì ông ta có thể nói với họ đều nằm trong mệnh lệnh duy nhất này và chỉ cần theo dõi sổ sách kế toán là ông ta đã có thể kiểm tra một cách dễ dàng và chính xác mức độ hoàn thành của họ. Người lãnh đạo tổ chức hành chính có một vị thế hoàn toàn khác. Ông ta giao cho những người dưới quyền nhiệm vụ mà họ phải thực hiện, nhưng ông ta không thể biết chính xác là những phương tiện được sử dụng trong hoàn cảnh đó có thật sự phù hợp và tiết kiệm nhất hay không. Nếu ông ta không phải là một người toàn trí toàn năng trong tất cả các công sở và văn phòng trực thuộc thì ông ta không thể nào biết được là có thể đạt được kết quả như thế với chi phí thấp hơn về lao động và vật tư hay không. Không cần thảo luận ở đây sự kiện là kết quả công việc không được thể hiện bằng những con số mà chỉ có thể đánh giá một cách gần đúng. Vì chúng ta không xem xét những biện pháp quản lí hành chính từ quan điểm những hiệu ứng phụ mà nó gây ra mà chỉ xem xét từ ảnh hưởng mà chúng tạo ra đối với hoạt động của bộ máy quan lí, vì vậy mà chúng ta chỉ quan tâm tới kết quả nhận được trong tương quan với chi phí bỏ ra mà thôi.

Vì không thể xác định được mối tương quan như thế theo kiểu hạch toán thương mại cho nên người lãnh đạo cơ quan quản lí hành chính phải cung cấp cho các nhân viên dưới quyền những chỉ dẫn mà họ buộc phải thực hiện. Trong những chỉ thị như thế người ta đã dự liệu trước, một cách chung nhất, biện pháp giải quyết công việc. Nhưng ngay cả trong những trường hợp khẩn trương vẫn phải được cấp trên đồng ý thì mới có thể chi tiêu - thủ tục quả là rất nặng nề và kém hiệu quả, nhưng chẳng còn cách nào khác. Nếu mỗi đơn vị cấp dưới, mỗi người lãnh đạo các phòng ban, mỗi cơ quan quản lí ngành đều được quyền chi số tiền mà họ cho là cần thì chẳng bao lâu chi phí cho bộ máy quản lí sẽ phình lên vô giới hạn. Không được quên rằng đấy là hệ thống có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng và hoạt động rất kém. Nhiều khoản chi tiêu lãng phí, nhưng nhiều khoản cần thiết lại không được chi vì khác với tổ chức thương mại, bộ máy hành chính không thể tự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh. Đấy là bản chất của nó.

Ấn tượng của quá trình quan liêu hoá được thể hiện rõ nhất ở các quan chức, tức là người đại diện của nó. Thuê lao động trong doanh nghiệp tư nhân không phải là hành động gia ơn mà là một thương vụ, cả hai bên - cả người lao động lẫn người sử dụng lao động - đều có lợi. Người sử dụng lao động phải cố gắng trả lương tương xứng với giá trị lao động bỏ ra. Nếu không làm như thế, ông ta có nguy cơ mất người - người lao động sẽ bỏ việc để đến làm cho doanh nghiệp cạnh tranh, trả lương cao hơn. Đến lượt mình, muốn không mất việc, người lao động cũng phải cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao sao cho tương xứng với đồng lương. Vì thuê mướn không phải là hành động gia ơn mà là một thương vụ cho nên người lao động không phải lo mất việc nếu bị chủ không ưa. Đuổi người lao động làm việc có hiệu quả trên cơ sở yêu ghét là tự làm hại mình chứ không phải làm hại người công nhân vì anh ta sẽ dễ dàng tìm được việc tương tự ở đâu đó.

Có thể dễ dàng giao cho người đứng đầu mỗi bộ phận quyền thuê mướn hoặc cho thôi việc vì dưới áp lực của việc kiểm tra hoạt động, do bộ phận kế toán và hạch toán thực hiện, anh ta sẽ phải lo lắng làm sao cho bộ phận của mình thu được lợi nhuận cao nhất và vì vậy mà anh ta phải giữ cho bằng được những người lao động xuất sắc nhất, đấy cũng là vì lợi ích của chính anh ta. Nếu vì tức giận mà anh ta cho nghỉ việc người không đáng phải nghỉ, nếu hành động của anh ta xuất phát từ những tính toán cá nhân chứ không phải là tính toán khách quan thì chính anh sẽ là người gánh chịu hậu quả. Rút cục lại là anh ta sẽ bị thiệt nếu bộ phận do anh ta phụ trách không còn hoạt động tốt như xưa nữa. Như vậy là, việc đưa tác nhân giá trị của lao động – tác nhân phi vật chất – vào quá trình sản xuất đã diễn ra một cách trôi chảy.

Trong tổ chức hành chính vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Trong trường hợp này, vì không thể xác định được đóng góp của từng bộ phận và vì vậy cũng tức là không xác định được đóng góp của từng người, ngay cả khi người đó giữ địa vị lãnh đạo thì cũng thế, cho nên hiện tượng thiên vị và thành kiến cá nhân cả trong việc đề bạt lẫn trả lương mới thịnh hành đến như thế. Sự kiện là việc can thiệp của những cá nhân đóng vai trò nhất định trong việc bổ nhiệm vào các chức vụ của nhà nước không phải là do những người có quyền bổ nhiệm thiếu nhân cách mà là do ngay từ đầu đã không có những tiêu chí khách quan cho việc xác định những phẩm chất cá nhân cho việc bổ nhiệm như thế. Dĩ nhiên là cần phải bổ nhiệm những người giỏi nhất, nhưng vấn đề là: Ai là người giỏi nhất? Nếu câu hỏi này cũng dễ trả lời như câu hỏi người công nhân luyện kim hay người thợ sắp chữ xứng đáng nhận lương là bao nhiêu thì sẽ không còn gì mà bàn nữa. Nhưng vấn đề ở đây không dễ dàng như thế cho nên việc lựa chọn người mới có sự tuỳ tiện.

Nhằm giữ cho sự tuỳ tiện như thế không vượt quá những giới hạn nhất định, người ta cố gắng đặt ra một số điều kiện mang tính hình thức cho việc bổ nhiệm và thăng chức. Việc được bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó thường phụ thuộc vào bằng cấp, phải vượt qua một số kì thi và có thời gian công tác nhất định trong những vị trí khác; còn muốn thăng tiến thì phải có thâm niên công tác. Đương nhiên là những biện pháp này không thể nào thay thế được cho việc tìm người phù hợp nhất bằng biện pháp tính toán lời lỗ. Sẽ là thừa khi cố tình nhấn mạnh rằng chẳng có gì bảo đảm là việc học hành, thi cử, và thâm niên của ứng cử viên sẽ giúp ta lựa chọn đúng. Ngược lại: hệ thống này ngăn chặn ngay từ đầu những người giỏi và nhiệt tình, không cho họ cơ hội giữ những vị trí thích hợp với khả năng của họ. Chưa bao giờ và chưa có người nào thực sự có giá trị leo lên được những nấc thang cao nhất bằng cách đi theo con đường học hành theo đúng qui định và bước dần lên những nấc thang có sẵn. Ngay cả ở Đức, đất nước đặt trọn niềm tin vào các quan chức của mình, thì thuật ngữ “người quan chức hoàn hảo” cũng vẫn được sử dụng để chỉ một người nhu nhược và vô tích sự, dù là một người đầy thiện ý.

Như vậy nghĩa là, biểu hiện đặc thù của quản lí hành chính quan liêu là không thể dùng lời hay lỗ để đánh giá thành tích và hậu quả, nó buộc phải sử dụng những biện pháp hoàn toàn không thích hợp trong việc điều hành công việc và những qui định mang tính hình thức trong việc thuê mướn nhân viên. Tất cả những khuyết tật được cho là của bộ máy quản lí hành chính quan liêu - cứng nhắc, thiếu năng động, và bất lực trước những vấn đề mà một doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng giải quyết - đều là kết quả của thiếu sót mang tính nền tảng này mà ra. Dù sao mặc lòng, khi mà hoạt động của nhà nước còn nằm trong lĩnh vực hẹp mà chủ nghĩa tự do dành cho nó thì sự hạn chế của bộ máy quản lí hành chính quan liêu chưa biểu lộ một cách rõ ràng. Những hạn chế như thế chỉ trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế của đất nước khi chính phủ - và dĩ nhiên là điều này cũng đúng đối với các chính quyền thành phố và các cơ quan hành chính địa phương khác – tìm cách xã hội hoá tư liệu sản xuất và tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, thậm chí là tham gia buôn bán nữa.

Dĩ nhiên là doanh nghiệp nhà nước, đấy là nói doanh nghiệp nhằm mục tiêu là tối đa hoá lợi nhuận, có thể sử dụng các tính toán bằng tiền khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn nằm trong tay tư nhân và vì vậy mà vẫn còn thị trường và giá cả thị trường. Trở ngại duy nhất đối với quá trình hoạt động và phát triển của nó là những người quản lí xí nghiệp - vốn là các quan chức nhà nước – không hết mình với công việc; khác hẳn với những người quản lí doanh nghiệp tư nhân, quyền lợi cá nhân của họ chẳng được cũng chẳng mất khi doanh nghiệp thành hay bại. Vì vậy mà giám đốc doanh nghiệp quốc doanh không được quyền đưa ra những quyết định quan trọng. Vì ông ta không phải gánh chịu những mất mát do chính sách của mình gây ra cho nên trong một số trường hợp ông ta có thể dễ dàng mạo hiểm mà người giám đốc tư nhân thực sự có trách nhiệm không dám làm vì ông ta cũng phải chia sẻ thiệt hại. Vì vậy mà quyền lực của giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải bị hạn chế. Trong bất kì trường hợp nào, dù đấy có là những qui định cứng nhắc hay quyết định của ủy ban kiểm tra hay chấp thuận của cơ quan quản lí cấp trên thì quản lí theo lối hành chính quan liêu cũng cồng kềnh và không có khả năng tự điều chính cho phù hợp với hoàn cảnh cho nên ở đâu doanh nghiệp nhà nước cũng mắc hết thất bại này đến thất bại khác.

Trên thực tế, hiếm khi nào doanh nghiệp nhà nước chỉ tìm kiếm mỗi lợi nhuận và để sang một bên các mục tiêu khác. Nói chung, thường thì doanh nghiệp nhà nước còn phải theo đuổi một số mục tiêu “quốc gia” và những mục tiêu khác nữa. Thí dụ, người ta tin rằng nó sẽ sử dụng vật tư và sản phẩm nội địa hơn là sản phẩm nhập khẩu. Người ta đòi ngành đường sắt phải thiết lập hệ thống giá cả nhằm phục vụ cho chính sách thương mại của chính phủ, và xây dựng cũng như vận hành những tuyến đường không mang lại lợi nhuận nhưng góp phần vào việc phát triển kinh tế ở một số khu vực nhất định, đồng thời xây dựng những tuyến đường theo những tính toán chiến lược và những tính toán khác nữa.

Khi để cho những tác nhân như thế can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp thì tất cả những biện pháp kiểm soát dựa trên tính toán giá thành, và lời lỗ sẽ không thể áp dụng được nữa. Cuối năm, khi đệ trình bản cân đối tài chính bất lợi, viên giám đốc tuyến đường sắt quốc doanh có quyền nói: “Nếu theo quan điểm của doanh nghiệp tư nhân chuyên hướng vào lợi nhuận thì dĩ nhiên là tuyến đường do tôi lãnh đạo đã bị lỗ. Nhưng nếu ta xem xét những tác nhân như chính sách kinh tế quốc gia và chính sách quốc phòng thì không được quên rằng tuyến đường này đã làm được nhiều việc giá trị mà không thể đưa vào tính toán lời lỗ được”. Trong những hoàn cảnh như thế, việc tính toán lời lỗ sẽ mất hết giá trị trong việc đánh giá thành tích của doanh nghiệp. Vì vậy mà, ngay cả khi không có những tác nhân khác với xu hướng tác động tương tự thì đường sắt cũng phải quản lí một cách quan liêu, hệt như quản lí trại giam hay sở thuế vụ vậy.

Khi còn chuyên tâm và chỉ hướng đến lợi nhuận thì không doanh nghiệp tư nhân nào, dù to hay nhỏ, lại có thể trở thành tổ chức quan liêu được. Triệt để tuân theo nguyên tắc tối đa hoá lợi nhuận giúp cho ngay cả các công ty cực kì lớn cũng có thể xác định được một các chính xác vai trò và đóng góp của từng thương vụ và của mỗi phong ban vào kết quả chung cuộc. Khi doanh nghiệp chỉ hướng đến lợi nhuận thì nó sẽ tránh được tất cả những khiếm khuyết của chủ nghĩa quan liêu.

Quá trình quan liêu hoá doanh nghiệp tư nhân mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay chính là kết quả của chính sách can thiệp, tức là chính sách buộc họ phải tính đến những tác nhân mà nếu được tự do quyết định chính sách thì những tác nhân đó sẽ không có bất cứ vai trò gì trong hoạt động kinh doanh của họ. Khi một công ty phải để ý đến những định kiến chính trị và và những tình huống nhạy cảm đủ mọi loại mới mong tránh được phiền phức do các cơ quan khác nhau của nhà nước gây ra thì chẳng bao lâu sau công ty đó sẽ thấy rằng họ không còn có thể xây dựng những tính toán của mình trên cơ sở lời lỗ nữa. Thí dụ như một số doanh nghiệp công ích ở Mĩ, nhằm tránh xung đột với dư luận xã hội và xung đột với các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp nắm dưới ảnh hưởng của chính phủ, đã thực hiện chính sách không thuê những người Thiên chúa giáo, người Do Thái, người vô thần, người theo thuyết tiến hoá của Darwin, người da đen, người Ireland, người Đức, người Ý và tất cả dân mới nhập cư. Khi mà nhà nước thực hiện chính sách can thiệp thì muốn tránh rắc rối, tất cả các doanh nghiệp đều phải tìm cách thích ứng với ước muốn của chính quyền. Kết quả là những tác nhân như thế và những tác nhân khác, vốn xa lạ với nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận, càng ngày càng có vai trò lớn hơn trong hoạt động quản lí doanh nghiệp, trong khi việc tính toán chính xác và hạch toán giá thành lại có vai trò ngày càng giảm đi và doanh nghiệp tư nhân càng ngày càng bắt chước mô hình quản lí của doanh nghiệp quốc doanh với một bộ mày cồng kềnh và những qui định đầy tính hình thức. Tóm lại, doanh nghiệp tư nhân đã quan liêu hoá.

Như vậy là, quá trình quan liêu hoá các doanh nghiệp lớn không phải là kết quả của xu hướng vốn thuộc về bản chất của quá trình phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nó chính là hậu quả tất yếu của chính sách can thiệp. Không có sự can thiệp của chính phủ thì ngay cả các công ty lớn nhất cũng có thể hoạt động hệt như các doanh nghiệp nhỏ, tức là thuần tuý kinh doanh.

Nguồn: http://mises.org/liberal.asp



0 nhận xét:

Đăng nhận xét